Tu tập tâm theo lời Phật

Tâm ý dẫn đầu mọi hoạt động của đời sống. Nếu tâm ý ô nhiễm, mọi hành động và lời nói sẽ bị ô nhiễm. Khổ đau sẽ là kết quả theo sau các hành động và lời nói đó. Ngược lại, nếu tâm ý thanh tịnh, thiện lành, hạnh phúc sẽ là kết quả theo sau các hành động và lời nói.

a. Tầm quan trọng của tâm được tu tập

Biết như thật về tâm và tầm quan trọng của tâm được tu tập, Đức Phật chia sẻ với các học trò:

"Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại khó sử dụng, này các Tỷ-kheo, như tâm không được tu tập. Tâm không được tu tập, này các Tỷ-kheo, khó sử dụng."

"Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại dễ sử dụng, này các Tỷ-kheo, như tâm được tu tập. Tâm được tu tập, này các Tỷ-kheo, dễ sử dụng."

"Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm không được tu tập. Tâm không được tu tập, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn."

"Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm được tu tập. Tâm được tu tập, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn."

"Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đem lại đau khổ, này các Tỷ-kheo, như tâm không được tu tập, không được làm cho sung mãn. Tâm không được tu tập, không được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, đem lại đau khổ."

"Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đem lại an lạc, này các Tỷ-kheo, như tâm được tu tập, được làm cho sung mãn. Tâm được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, đem lại an lạc."

(Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya, Chương I - Một Pháp, Phẩm Khó Sử Dụng, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)

Tu tập tâm theo lời Phật 1

Khi tâm được tu tập, được làm cho sung mãn, như lời Phật, tâm sẽ rất dễ sử dụng, kết quả thật lợi ích, không có khổ đau và đem lại an lạc lớn. Tâm không được tu tập, không được chế ngự, thường mang nhiều tham dục, sân hận, hôn trầm, kiêu ngạo và có rất nhiều định kiến bất thiện. Cô đơn, lệ thuộc, sợ hãi, đau khổ là kết quả đi liền với tâm không được tu tập mà tự thân có thể thấy và tự nghiệm ngay trong kiếp sống.

b. Cụ thể bốn pháp tu tập tâm và hiệu quả của nó

Để tâm được tu tập có hệ thống, có hiệu quả, Đức Phật giới thiệu rõ bốn pháp cần phải tu tập (tâm) và kết quả cụ thể của nó:

"(1) Bất tịnh cần phải được tu tập để đoạn tham. (2) Tâm từ cần phải được tu tập để đoạn sân. (3) Niệm hơi thở vô hơi thở ra cần phải được tu tập để để trừ khử tầm tư (suy nghĩ lan man). (4) Vô thường tưởng cần phải được tu tập để nhổ lên kiêu mạn, tôi là... Cần phải tu tập vô thường tưởng, vô ngã tưởng, cho đến khi (tâm) được an trú. Với ai có tưởng vô ngã, vị ấy đạt được sự nhổ lên kiêu mạn: tôi là, và Niết-bàn ngay trong hiện tại."

(Tiểu Bộ Kinh I - Khuddaka Nikaya, Phật tự thuyết, Chương 4, Phẩm Meghiya, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)

c. Thực hành tu tập tâm theo lời Phật

Từ những cô đơn, lệ thuộc, sợ hãi và đau khổ đi liền với tâm không được tu tập mà tự thân thể nghiệm, người sáng suốt sẽ thấy việc tu tập nội tâm thật là quan trọng, nếu muốn có một đời sống an lành và hạnh phúc thực sự.

1. Tu tập bất tịnh (tưởng)

Phần lớn nhân loại đều có bệnh "tự yêu". Yêu mình đến nỗi u mê trước những quy luật biến dịch và không nhìn thấy thế giới, bao gồm xác thân, thành và hoại do nhân quả, nhân duyên và phúc nghiệp. Từ đó, mình cố giữ, không cho biến đổi, tham muốn vĩnh hằng, dẫn đến lo âu, lệ thuộc, sợ hãi và khổ đau.

Khi quán chiếu về bất tịnh (của xác thân), mình thấy được xác thân chỉ là một phương tiện hiện hữu. Nó có cái đẹp quy ước, nhưng trong bản chất, nó bất toàn, không sạch, không thể theo ý muốn chủ quan. Từ nội tạng cho đến lông, tóc, móng, răng bên ngoài da; từ vi khuẩn bên trong cho đến dịch bài tiết ra bên ngoài; từ các bệnh da liễu cho đến các bệnh cần giải phẩu khác, tất cả chẳng có gì sạch đẹp. Xác thân con người thật sự là một tập hợp của những mầm bệnh, của những gì không sạch đẹp cho lắm.

Hiểu biết đúng đắn về những bất tịnh của xác thân, mình sẽ biết cách duy trì và sử dụng xác thân một cách minh triết. Đặc biệt, mình sẽ không còn "tự yêu" xác thân, mà có thể sáng suốt đồng hành cùng xác thân hiện thực hóa những mục tiêu đời sống có ý nghĩa, có lợi ích thiết thực và lâu dài cho bản thân và muôn loại. Đức Phật, trong kinh Niệm xứ (Hòa thượng Minh Châu dịch Việt), hướng dẫn cách quán bất tịnh trong thời đại của Ngài như sau:

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này: "Đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm (niêm dịch), mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu".

Này các Tỷ-kheo, lại nữa, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại... với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại... với các bộ xương không còn dính thịt, dính máu, còn được các đường gân cột lại, chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia. Ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy".

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài giả can ăn, hay bị các loài côn trùng ăn. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản chất là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy".

Ngày nay, để tu tập quán bất tịnh hiệu quả, phù hợp điều kiện sống mới, người tu tập có thể đi đến các bệnh viện, đặc biệt là khoa da liễu để nhìn thấy và tự phân tích về những bất tịnh của thân xác. Cũng có thể dùng các sách báo về các bệnh da liễu và tính dục như một phương tiện để có hiểu biết trọn vẹn về bất tịnh, từ đó đi tới xả ly, ly tham, không bám chặt vào thân xác và xem thân xác như là một sở hữu vĩnh hằng.

2. Tu tập tâm từ (từ bi tâm)

Tâm từ, từ bi tâm, cũng có thể gọi là tâm thương yêu. Để có thể thương yêu, hiểu biết là nền tảng. Có hiểu biết mới có thương yêu thật. Tâm sân hận sẽ được hóa giải khi tâm thương yêu có mặt thật sự. Không có hiểu biết, thương yêu chỉ là một phương cách ngụy trang. Một khi tâm thương yêu có mặt, các tâm khác như cảm thông, hoan hỷ và bao dung cũng có mặt. Tâm sân hận sẽ không còn. Để có thể phát triển tâm thương yêu, Đức Phật, trong kinh Thương yêu (Thiền sư Nhất Hạnh dịch Việt), hướng dẫn học trò luôn tâm niệm như sau:

Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.

Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.

Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.

Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.

Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.

Tu tập tâm theo lời Phật 2

Để tâm từ bi dễ phát triển hơn, người tu tập có thể tìm một đối tượng cụ thể thật dễ thương như một người mẹ thương con, một người cha yêu con, một em bé dễ thương hay một chú mèo, chú chó khả ái nào đó để nghĩ đến, để nhìn thấy cái đẹp, tâm yêu thương sẽ nẩy mầm rất nhanh. Hình ảnh nụ cười mãm nguyện của người cha người mẹ yêu con khi thấy con mình có hạnh phúc hay hình ảnh một em bé mỉm cười hồn nhiên là hình ảnh dễ thương, có thể nuôi lớn được tâm thương yêu trong mỗi con người.

3. Tu tập niệm hơi thở ra hơi thở vô

Hơi thở là sự sống. Hơi thở còn ra và vô là con người còn sống, còn có cơ duyên hiện thực hóa được tâm nguyện. Hơi thở cũng là sợi chỉ mầu nhiệm liên kết thân và tâm. Sự tĩnh lặng của hơi thở sẽ dẫn đến sự tĩnh lặng của tâm trí. Cánh cửa nội tại, sâu thẳm của tâm thức chỉ được mở khi tâm trí hoàn toàn tĩnh lặng. Vì thế, tĩnh lặng tâm tư là nền tảng của mọi nền tâm linh, tôn giáo nhân loại. Riêng với con người cá nhân, thật khó để tự chủ tâm thức, vì tâm tư luôn dao động, người ta hầu hết không thể tìm được nút dừng nghĩ trong đầu óc mình.

Để tâm tư được tĩnh lặng, tự chủ và tiến sâu hơn vào thế giới bí ẩn của nội tâm (các tầng thiền định), Đức Phật hướng dẫn một phương pháp rất kỳ diệu gọi là quán niệm hơi thở. Nương vào hơi thở vô và ra để làm tâm trí yên tịnh; nương vào hơi thở vô và ra để nhìn thấy chiều sâu hơn của bình an; nương vào hơi thở vô và ra để hiểu bản chất vô thường và vô ngã; nương vào hơi thở vô và ra để tác ý ly dục, ly tham, đi vào giải thoát và Niết-bàn. Tu tập niệm hơi thở vô và ra được Phật chia sẻ cụ thể trong kinh Quán niệm hơi thở (Thiền sư Nhất hạnh dịch Việt) 16 cách thực hành như sau:

Quý vị Khất sĩ! Phép quán niệm hơi thở, nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ đem lại những thành quả và lợi lạc lớn...

Làm thế nào để phát triển và thực tập liên tục phép quán niệm hơi thở, để phép này mang lại những thành quả và lợi lạc lớn?

Này đây, quý vị Khất sĩ! Người hành giả đi vào rừng hoặc tới một gốc cây, nơi vắng vẻ, ngồi xuống trong tư thế hoa sen, giữ thân cho thẳng và đặt vững chánh niệm trước mặt mình. Thở vào, người ấy biết rằng mình thở vào; thở ra, người ấy biết rằng mình thở ra.

- Thở vào một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở ra một hơi dài.

- Thở vào một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở ra một hơi ngắn.

- Ta đang thở vào và có ý thức về toàn thân ta. Ta đang thở ra và có ý thức về toàn thân ta. Người ấy thực tập như thế.

- Ta đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho toàn thân an tịnh. Người ấy thực tập như thế.

- Ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui. Ta đang thở ra và cảm thấy mừng vui. Người ấy thực tập như thế.

- Ta đang thở vào và cảm thấy an lạc. Ta đang thở ra và cảm thấy an lạc. Người ấy thực tập như thế.

- Ta đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Ta đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Người ấy thực tập như thế.

- Ta đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Người ấy thực tập như thế.

- Ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta. Ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta. Người ấy thực tập như thế.

- Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Người ấy thực tập như thế.

- Ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Người ấy thực tập như thế.

- Ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Người ấy thực tập như thế.

- Ta đang thở vào và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.

- Ta đang thở vào và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.

- Ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.

- Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ. Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ. Người ấy thực tập như thế.

Phép quán niệm hơi thở, theo những chỉ dẫn trên, nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ đem đến những thành quả và lợi lạc lớn.

Để đơn giản hơn và thuận tiện hơn cho việc khởi đầu tu tập niệm hơi thở trong xã hội hiện đại, người tu tập quán niệm hơi thở có thể bắt đầu bằng ba bài tập tổng hợp như sau:

- Thở và nghe mình: Ngồi yên (trong tư thế an ổn và thư giản), để hơi thở vào và ra tự nhiên, thư giản, biết hơi thở vào ra, không nghĩ đến bất cứ gì, chỉ cảm nhận chính mình. Cảm nhận sự dễ chịu của xác thân và sự nhẹ nhàn của tâm trí. Thở, biết và cảm nhận. Khi có bất cứ ý niệm nào đến trong tâm hay cảm giác nào đến trong thân, chỉ ghi nhận. Ghi nhận như một nhà khoa học tâm thức để hiểu mình. Không đúng cũng không sai. Sự thật thế nào mình ghi nhận thế đó. Thả mọi thứ tự do. Tâm tự do; thân tự do và thế giới tự do. Mình chỉ là một người ngồi yên, hồn nhiên và thành thật như một nhà khoa học đang làm việc của mình. Bình thường, không có mong cầu, không muốn biến đổi gì cả. Đơn giản, mình là mình, đang nghe mình bằng con người thật, với niềm hỷ lạc mình đang sống, trân trọng sự sống, biết ơn muôn loài và hoan hỷ trong tâm.

- Thở và tác ý nuôi dưỡng: Ngồi yên, cũng có thể nằm yên. Nghe hơi thở tự nhiên, nghe từng tế bào sống trong cơ thể. Biết hơi thở ra vào và cảm nhận sự sống đang có mặt. Khi hơi thở nhẹ nhàng và lắng dịu một chút, khởi tác ý: "Thân an tịnh; tâm an tịnh". Tác ý xong, quay về lắng nghe hơi thở tự nhiên, cảm nhận sự sống và thư giản. Năm ba phút sau, khi hơi thở nhẹ nhàng, thân xác thư giản và tâm thức yên tĩnh, lại khởi tác ý: "Thân an tịnh; tâm an tịnh". Cứ như thế, vài phút lại tác ý một lần. Tác ý như một cách nhắc nhở tâm và thân vận hành. Lập đi lập lại việc tác ý nuôi dưỡng tâm cho đến khi thời gian quy định kết thúc.

- Thở và xả niệm thanh tịnh: Ngồi yên, cũng có thể nằm yên. Thở tự nhiên và thư giản hoàn toàn. Chỉ thư giản và thở tự nhiên. Không nhớ tương lai; không nhớ quá khứ; không cần mục đích. Chỉ thở và buông xả tất cả. Hơi thở càng lúc càng trở nên êm dịu, và có thể không còn thấy hơi thở nữa. Một vài hiện tượng ánh sáng xuất hiện trong tâm. Nhiều lúc cũng không còn thấy có thân nữa. Dù bất cứ hiện tượng gì xảy ra, chỉ cần nhớ một chữ "BIẾT". Tất cả còn lại là thả thế giới tự do, thả cho mọi thứ làm việc của nó. Yên lặng, biết, xả tất cả niệm. Không có tốt hay xấu; không có hơn hay kém; không có thành hay bại; không có ta hay người. Xả tâm và chấm dứt mọi yêu thích.

Tu tập tâm theo lời Phật 3

Ba bài tập ở trên giai đoạn đầu cần thực tập riêng biệt, thực tập cho thuần thục. Bài đầu, tập trong 15 đến 20 phút thôi. Khi thành công mới chuyển sang bài tập hai. Bài tập hai chỉ tập trong 30 đến 45 phút thôi. Tập tốt bài hai mới sáng bài tập 3. Bài 3 có thể tập đến 60 phút và nhiều hơn. Sau khi ba bài tập được thuần thục, có thể trong một lần ngồi yên (nằm yên) có thể kết hợp cả ba.

Tâm ý con người thường rất lan man, vô định. Nhờ niệm hơi thở, tâm ý trở về với thân và có thể an trú được trong phút giây hiện tại. Con người sẽ dần khám phá được sự sống, niềm hỷ lạc nội tại, tình yêu, sự yên tĩnh và cả quy luật vô thường, sự thật vô ngã. Cơ duyên giải phóng bản thân, giải thoát đau khổ sẽ mở cửa từ đây.

4. Tu tập quán vô thường và vô ngã

Vô thường là một sự thật, nhưng số đông con người không nhìn thấy được, nên cho rằng hiện hữu, bao gồm cả xác thân và tâm thức, là tồn tại bất diệt, hoặc đoạn diệt sau khi chết. Sự thật là thế giới vô thường, nói đúng hơn là luôn biến chuyển, luôn mới, luôn sinh ra. Thế giới, không có cái gì tồn tại vĩnh cữu, cũng không có cái gì đoạn diệt hoàn toàn. Tất cả chỉ là chuyển hóa, đổi dạng và tự mới. Khi nhìn sâu vào thế giới vô thường, nhìn sâu và thân và tâm vô thường, người ta sẽ thấy vô ngã là một sự thật khác. Vì vô thường, nên trong bản chất mọi hiện hữu không có tự ngã. Con người hay mọi sinh thể đều vô ngã, đều hiện hữu trong sự biến chuyển liên tục, không giới hạn.

Nhìn sâu hơn vào đời sống một con người, không khó để thấy sự tồn tại của một con người không gì khác hơn sự chuyển động của năm nhóm (năm uẩn) vật chất và tâm thức: Thân vật chất, cảm xúc, tri giác, ý niệm và nhận thức. Tâm niệm này đến, tâm niệm kia đi. Tế bào này sinh, tế bào kia diệt. cảm xúc này đến, cảm xúc kia đi. Nhận thức này qua, nhận thức khác về. Cái gì là tôi và của tôi thật khó nói. Tôi và của tôi thật ra chỉ là một dòng chảy liên tục của tâm tiếp nối tâm và dòng vận động liên tục của vật chất làm mới vật chất. Chỉ có thể tạm nói "tôi là tất cả, mà tất cả cũng là tôi".

Hiện hữu là vô thường. Con người không có tự ngã. Một khi nhìn tận cùng được vô thường và vô ngã, người ta sẽ chấm dứt kiêu mạn và quên luôn ý niệm tôi là. Tồn tại bây giờ đầy sống động, hồn nhiên và đầy tự do.

Đức Phật, một người đã nhìn thấy tận cùng vô thường và vô ngã. Ngài đã tự mình giải thoát mọi khổ đau ở đời. Ngài chỉ cách nhìn thấy vô thường và vô ngã cho năm vị đệ tử đầu tiên, hiện còn ghi lại như sau (Tương Ưng Bộ Kinh, quyển 3, phẩm Tham Luyến, Hòa thượng Minh Châu dịch Việt):

Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba la nại) tại Isipatana (Chư Tiên đoạ xứ), vườn Lộc Uyển.

Ở đây, Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỳ-kheo: "Này các Tỳ-kheo". - Thưa vâng, bạch Thế Tôn." Các Tỳ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

Sắc, này các Tỳ-kheo, là vô ngã. Này các Tỳ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Và này các Tỳ-kheo, vì sắc là vô ngã, do vậy, sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế nầy! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Thọ, này các Tỳ-kheo, là vô ngã. Này các Tỳ-kheo, nếu thọ là ngã, thời thọ không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được thọ như sau: "Mong rằng thọ của tôi như thế nầy! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế này!"

Và này các Tỳ-kheo, vì thọ là vô ngã, do vậy, thọ đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các thọ: "Mong rằng thọ của tôi như thế này! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế này!"

Tưởng là vô ngã...

Các hành là vô ngã, này các Tỳ-kheo, nếu các hành là ngã, thời các hành không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được các hành như sau: "Mong rằng các hành của tôi như thế nầy! Mong rằng các hành của tôi chẳng phải như thế nầy!"

Và này các Tỳ-kheo, vì các hành là vô ngã, do vậy, các hành đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các hành như sau: "Mong rằng các hành của tôi như thế nầy! Mong rằng các hành của tôi không phải như thế này!"

Thức là vô ngã, này các Tỳ-kheo, nếu thức là ngã, thời thức không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể có được thức như sau: "Mong rằng thức của tôi như thế nầy! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế này!"

Và này các Tỳ-kheo, vì thức là vô ngã, do vậy, thức đi đến bệnh hoạn, và không có thể có được thức: "Mong rằng thức của tôi như thế nầy! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế này!"

Này các Tỳ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

- Là khổ, bạch Thế Tôn.

- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái nầy là của tôi, cái nầy là tôi, cái nầy là tự ngã của tôi?"

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

Thọ... Tưởng... Các hành...

Thức là thường hay vô thường?

- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

- Là khổ, bạch Thế Tôn.

- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái nầy là tôi, cái nầy là tự ngã của tôi?"

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

Do vậy, này các Tỳ-kheo, phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí huệ như sau: "Cái nầy không phải của tôi, cái nầy không phải là tôi, cái nầy không phải là tự ngã của tôi."

Phàm thọ gì...

Phàm tưởng gì...

Phàm các hành gì...

Phàm thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán với chánh trí huệ như sau: "Cái nầy không phải của tôi, cái nầy không phải là tôi, cái nầy không phải là tự ngã của tôi."

Thấy vậy, này các Tỳ-kheo, bực Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát." Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa."

Thế Tôn thuyết như vậy. Nhóm năm vị Tỳ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Thế tôn dạy. Trong khi lời dạy này được nói lên, tâm của nhóm năm vị Tỳ-kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

Nhìn thấy vô thường, vô ngã là cánh cửa cuối cùng đi vào giải thoát. Chỉ khi nào như thật thấy với trí tuệ đúng bản chất vô thường và vô ngã của tự thân và muôn hiện hữu, người ta mới yểm ly, ly tham, không có chấp thủ, thành tựu tâm giải thoát, Niết-bàn.

d. Tùy tín hành và tùy pháp hành

Trong thời đại của Đức Phật, có hai hạng người thành tựu Pháp, có thể đi tới giác ngộ, thành tựu chánh trí, giải thoát và Niết bàn. Hạng thứ nhất là có niềm tin không dao động nơi Đức Phật; hạng thứ hai là có nhiệt tâm, tinh cần, chánh niệm tỉnh giác, theo hướng dẫn của Đức Phật (về Pháp) mà thực tập.

Con người trong thời đại ngày nay, cách Phật quá xa, có thể không còn tùy tín hành được. Nhưng, Pháp vẫn còn đó, một vài bậc thầy thực tập Pháp và thành tựu pháp trên thế gian này vẫn còn đó, chúng ta vẫn có thể tùy Pháp hành được. Tất nhiên, trước khi theo Pháp, chúng ta có thể tham khảo lời Phật trong kinh Nền tảng đức tin (Kinh Kalama, Tăng Chi Bộ I - Anguttara Nikaya, chương ba pháp) để tự kiểm chứng Pháp nào có kết quả hiện tại và thiết thực. Nếu, sau khi kiểm chứng, thấy Pháp mình đang thực tập không mang lại kết quả thiết thực, không thể thực hành trong điều kiện sống của tự thân, chúng ta có thể quên Pháp đó đi.

Nguyện cùng nhau chân thành tu tập tâm, thực hành Pháp. Nguyện muôn loài đi tới cùng nhau.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Tu tập tâm theo lời Phật

Phật giáo thường thức 15:49 14/04/2025

Tâm ý dẫn đầu mọi hoạt động của đời sống. Nếu tâm ý ô nhiễm, mọi hành động và lời nói sẽ bị ô nhiễm. Khổ đau sẽ là kết quả theo sau các hành động và lời nói đó. Ngược lại, nếu tâm ý thanh tịnh, thiện lành, hạnh phúc sẽ là kết quả theo sau các hành động và lời nói.

Bốn pháp đạo đức căn bản của người tại gia

Phật giáo thường thức 15:30 14/04/2025

Dưới đây là bốn pháp đạo đức căn bản của người tại gia, là pháp hỗ trợ đạo hạnh của người cư sĩ.

Làm sao để có tâm trạng thoải mái?

Phật giáo thường thức 13:10 14/04/2025

Hỏi: Thưa Hòa thượng, làm sao cho tâm trạng thoải mái?

Tại sao gọi sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, thức ấm là ma?

Phật giáo thường thức 11:31 14/04/2025

Ma ngũ ấm đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức là năm món ngăn che làm cho con người không nhận ra chân lý, không sống được với trí tuệ, cứ mê mờ tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử khổ đau.

Xem thêm

Phật Giáo
Phật Giáo

Từ điển Phật giáo

Phật Giáo
Phật Giáo
Phật Giáo