Tư tưởng tính Không trong Kinh Kim Cương (I)
Tư tưởng Phật giáo Đại thừa là sự kế thừa phát triển, có nguồn gốc từ các kinh điển A hàm và Nikaya. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của Phật giáo nhập thế, khiến cho tư tưởng giáo lý của đạo Phật được rộng mở phát triển rực rỡ bởi các nhà Đại thừa như: Long Thọ, Mã Minh …
Trong công trình nghiên cứu về “Quan niệm cơ bản về Phật giáo” – giáo sư V.Bhattacharya ông từng nói: “Sự tồn tại của một tự ngã thường hằng, dù được trình bày theo nhiều phương thức, như được chấp nhận trong những hệ thống triết học khác, đã bị đức Phật phủ nhận hoàn toàn, do đó đã làm sụp đổ toàn bộ nền nền tảng của tham dục”[1]. Sở dĩ con người bị chìm đắm trong đau khổ là do tham ái và chấp thủ, chấp ngã, chấp pháp. Chúng ta thường cho rằng vạn vật là có thật, là vĩnh hằng. Cũng có người lại chấp vào vạn pháp là không thật, không nhân quả, không tội phúc… Đức Phật xuất hiện ra đời như ánh bình minh đẩy lùi bóng tối và ảo ảnh. Giáo lý về Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã… là then chốt thay đổi mọi tư tưởng trường phái đương thời lúc bấy giờ.
Ở Ấn Độ, giáo lý Không của Bát Nhã đã được đức Phật dạy tại vườn Nai cho năm anh em ông Kiều Trần Như, nghĩa là sau khi ngài chuyển vận xong Tứ thánh đế, thì Ngài liền dạy cho năm vị này quán chiếu về ngũ uẩn liên hệ đến vô thường, khổ, không và vô ngã [2]. Giáo lý nói về Không của Bát Nhã có mặt ngay từ đó. Vô thường là do mọi sự hiện hữu trong sự hiện hữu tương quan duyên khởi. Bản chất mọi sự hiện hữu tương quan duyên khởi là rỗng không, nên không có ngã thể thật hữu, không có ngã thể tồn tại độc lập.
Sau khi đức Phật nhập niết bàn khoảng hai trăm năm, Phật giáo phân hóa và phát triển thành hơn 20 bộ phái có nhiều điểm chủ trương đồng và dị khác nhau. Để thống nhất các bộ phái, các nhà Phật giáo Đại thừa đã triển khai triệt để giáo lý về Không, để dẫn đến sự chấm dứt phân tranh, chia rẽ ấy. Và giáo lý này đã làm nền tảng cho sự phát triển của Phật giáo Đại thừa đến chỗ cực thịnh vào thời Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân.
Không, vô ngã hiện hữu ngay nơi thân ta và quanh ta. Vô minh không thấy rõ mọi sự hiện hữu là tương quan duyên khởi, vô thường, vô tự tính. Cho nên, tà kiến, tà tư duy sinh khởi là chấp ngã chấp phi ngã, là chấp pháp chấp phi pháp, nên đây là gốc rễ của khổ. Muốn chấm dứt khổ đau, thì phải quán chiếu Duyên khởi, để thành tựu không trí. Không trí là trí tuệ của Kim Cương Bát nhã là do quán chiếu không lý của mọi sự hiện hữu mà thành tựu. Tuệ giác Kim Cương có năng lực chặt đứt mọi quan hệ nhận thức đối đãi của nhị nguyên ấy.
Tính ‘không’ của Thiền trong hội họa và âm nhạc
Tư tưởng Không trong Phật giáo Nguyên Thủy
Thông thường khi đề cập đến khái niệm “không” là chúng ta nghĩ đến hệ thống triết học “không” (Sunyata) của Long Thọ (Nagarjuna), là hệ tư tưởng Bát nhã (Pra- jnnaparamita) của Phật giáo đại thừa. Nếu đứng từ góc độ lịch sử Phật giáo mà nhìn, khái niệm “không” này không phải là khái niệm riêng của Phật giáo Đại thừa, nó còn là khái niệm đã được đức Phật đề cập khá sớm trong các Kinh tạng Nikaya hay A Hàm (Agama) của thời kỳ Phật giáo nguyên thủy, không những chỉ có thế mà ngay cả thời kỳ Bộ phái cũng đề cập[3].
Theo Phật giáo nguyên thủy, mục đích của việc xuất gia học đạo là từ bỏ cuộc sống gia đình, để tìm cầu giác ngộ giải thoát. Cho nên, giáo lý căn bản là lấy 37 phẩm trợ đạo làm pháp môn tu tập. ngược lại Phật giáo Đại thừa lại đề cao tinh thần thực hành Bồ tát đạo, cho nên lấy Tứ nhiếp pháp, Lục độ, Tứ vô lượng tâm sáu ba la mật để làm phương tiện tu tập. Điều này có thể thấy trong kinh Trung Bộ tập 3, Kinh Tiểu Không (Cuflasunnata sutta), được mô tả như sau:
“Thật vậy, này Ananda, điều ông đã nghe là đúng, ghi nhớ đúng, thọ trì đúng. Thủa xưa và nay, này Ananda, Ta nhờ an trú không, nên nay an trú rất nhiều.
Ví như lâu đài Lộc Mẫu này không có voi, bò, ngựa, ngựa cái, không có vàng bạc, không có đàn bà, đàn ông tụ hội, và chỉ có một cái không phải không, tức là sự nhất trí (ekattam) do duyên chúng Tỳ kheo; cũng vậy, này Ananda, Tỷ- kheo không tác ý thôn tưởng, không tác ý nhơn tưởng, chỉ tác ý sự nhất trí, do duyên lâm tưởng. Tâm của vị ấy được thích thú hân hoan, an trú, hướng đến lâm tưởng…”[4]
Tương tự kinh Tiều Không trong Trung Bộ Kinh, vấn đề này cũng được mô tả trong kinh Tiểu Không của Trung A Hàm Kinh như sau:
“Này A Nan, như giảng đường Lộc tử mẫu này trống không, không có voi, ngựa, bò, dê, tài vật, lúa thóc, nô tỳ; nhưng có cái không trống không. Đó là chỉ cho chúng Tỳ kheo. Cho nên, này A Nan, nếu trong đó không có gì cả thì chính do đó mà Ta cho thấy là trống không. Nếu trong này còn có cái khác thì Ta thấy là chân thật có. Này A Nan, đó là hành trong sự chân thật, không tính, sự không điên đảo.
Này A Nan, Tỳ kheo nào muốn hành nhiều trong không tính, Tỳ kheo ấy đừng tác đến ý tưởng về xóm làng, đừng tác đến ý tưởng về người, mà hằng tác ý đến ý tưởng về duy nhất tính là ý tưởng về khu rừng…”
Qua đoạn kinh văn trên có thể thấy rằng, quan điểm “Không” của Phật giáo nguyên thủy được hiểu một cách đơn giản; bước đầu giải thoát của người học Phật là giải thoát về những ràng buộc không có về; nhà cửa, ruộng vườn, bò, trâu, dê, không có vàng bạc, không có đàn bà, đàn đông hội tụ… tức là một cuộc sống viễn ly, là những người từ bỏ cuộc sống gia đình thế tục, chuyên tâm tu học tìm cầu giải thoát, sống an trú nơi vắng lặng nên không có những thứ này. Bời vì, những vật dụng thiết yếu như; y phục, ngọa cụ, ẩm thực, thuốc men của các Tỳ kheo đã được cư sĩ hộ trì cúng dàng.
Khái niệm “Không” còn được đề cập tới với ý nghĩa chỉ cho các pháp là vô thường là sự giả hợp. Điều này được thấy trong Kinh Tương Ưng (Samyuttanikaya) đức Phật dạy các Tỳ kheo như sau:
“Ví như, này các Tỳ kheo, sông Hằng này chảy mang theo bọt nước lớn. Người có mắt nhìn đống bọt nước ấy, chuyên chú, như lý quán sát. Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, đống bọt nước ấy hiện rõ ra trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỳ kheo, lại có lõi cứng trong đống bọt nước được? Cũng vậy, này các Tỳ kheo, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị Tỳ kheo thấy sắc, chuyên chú, như lý quán sát sắc. Do vị Tỳ kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ là trống không, hiện rõ là rỗng không, hiện rõ là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỳ kheo, lại có lõi cứng trong sắc được? …”[5].
Nội dung đoạn kinh trên, đức Phật đã mượn hình ành bọt nước trôi trên sông để thể hiện cho sự tồn tại của các pháp ở thế gian thật mong manh và ngắn ngủi. những bọt nước sinh rồi diệt, diệt lại sinh trong thời gian nhỏ bé ấy, cũng như con người và vạn pháp đều ngắn ngủi mong manh trong thời gian vô cùng vô tận của vũ trụ này. Đó là hiện tượng của Vô thường biến đổi, của bọt nước, nói rộng ra thì vạn pháp hay con người cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Do con người cố chấp về sinh ra bệnh chết, sinh trụ dị diệt, cho nên mới sinh ra khổ đau phiền não khi vô thường tới.
Trong kinh Kim Cương cũng lấy hình ảnh bọt nước, như hạt sương, để biểu thị sự vô thường, mong manh của vạn vật vạn hữu.
一切有為法
如夢幻泡影
如露亦如電
應作如是觀
“Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán”
Qua đây có thể thấy rằng tư tưởng Phật giáo Đại thừa là sự kế thừa phát triển, có nguồn gốc từ các kinh điển A hàm và Nikaya. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của Phật giáo nhập thế, khiến cho tư tưởng giáo lý của đạo Phật được rộng mở phát triển rực rỡ bởi các nhà Đại thừa như: Long Thọ, Mã Minh …
Tôn Giả Tu Bồ Đề khi sinh ra đã thấy tính Không
Tư tưởng tính Không của Phật giáo Đại Thừa
Sau khi đức Phật nhập niết bàn khoảng hơn 100 năm trong tăng đoàn Phật giáo có sự khác nhau về cách lý giải, giáo nghĩa, giáo lý, và giáo Luật. Đây cũng là nguyên nhân gây nên sự hình thành Phật giáo bộ phái, ban đầu phân chia làm Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ, rồi từ hai bộ này phân chia thành 18, 20 bộ hoặc 24 bộ phái. Có bộ phái thì bảo thủ, có bộ phái thì tiến bộ. Các bộ phái đưa ra lập trường quan điểm triết học giáo lý khác nhau, có thời kỳ nên đến kịch liệt, có phái chấp “hữu”, có phái kẹt vào “vô”; Như là Độc Tử Bộ quan điểm tư tưởng cho rằng “Ngã pháp hằng hữu” (我法恆有), hay chủ trương “Quá khứ vị lai vô, hiện tại vô vi hữu” (過去來未無,現在無為有) của Hóa Địa Bộ, hoặc chủ trương “Ngã vô pháp hữu” (我無法有) của Nhất Thiết Hữu Bộ… Từ đây tư tưởng Bát nhã của Đại thừa ra đời để giải quyết líu kéo lại những tư tưởng thái độ cực đoan này.
Sự hình thành tư tưởng Bát nhã Phật giáo đại thừa, bao gồm quan điểm tư tưởng “Nhất thiết pháp giai không” hay tư tưởng “Duyên khởi tính không” của Bồ tát Long Thọ. Bát Nhã xiển dương tư tưởng “tính không”, nhưng trong “tính không” có cả 2 phương diện “chân không” và “diệu hữu”, nên “sắc chẳng khác không” mà “không chẳng khác sắc”. Để cho chúng ta thấy được thật tính của các pháp vốn là “không”, trong Kinh Bát Nhã đã trả lời rằng: “Quán tự tại Bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” (Bồ tát Quán Tự Tại khi thực hành Bát nhã Ba la mật đa; thấy được bản chất của 5 uẩn vốn là Không). Như vậy, khái niệm “không” được mô tả trong Kinh Bát Nhã chính là bản chất của các pháp vốn là sự tập hợp của các pháp, có nghĩa là các pháp không có tướng cố định, do vậy không nên dùng một pháp cố định nào để mô tả các pháp như thế này như thế kia[6].
Nếu như ở tư tưởng của Đại thừa Bát nhã, người muốn thấy được “tất cả các pháp là không” phải là người có địa vị Bồ Tát dùng trí tuệ Bát nhã mà quán chiếu mới thấy được bản chất các pháp là không, thì Bồ tát Long thọ lại giải thích “Không” chỉ cần đứng ở góc độ Duyên khởi cũng có thể thấy bản chất các pháp là “không”, do vậy, triết học của Bồ tát Long Thọ được gọi là “Duyên khởi tính không”. Duyên khởi có nghĩa là sự sinh khởi của vạn pháp có điều kiện, mọi sự hiện hữu không thể tồn tại độc lập mà phải có nhân duyên mới thành tựu. Nguyên lý tương quan này được đức Phật định nghĩa như sau: “Do vô minh có hành sinh, do hành sinh có thức sinh, do thức sinh có danh sắc sinh, do danh sắc có lục nhập sinh, do lục nhập có xúc sinh, do xúc sinh có thọ sinh, do thọ sinh có ái sinh, do ái có thủ sinh, do thủ có hữu sinh, do hữu sinh có sinh sinh, do sinh có lão tử, sầu bi, khổ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khổ uẩn sinh. Đây gọi là Duyên khởi” Hay “do đoạn diệt tham ái vô minh một cách hoàn toàn, hành diệt, do hành diệt nên thức diệt…lão tử, sầu bi, khổ ưu não diệt. Như vậy toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt”[7]. vì vậy khi mười hai nhân duyên khởi thì toàn bộ khổ uẩn khởi, khi mười hai nhân duyên diệt thì toàn bộ khổ uẩn diệt. Các pháp vốn do duyên sinh nên vô ngã. Cho nên tất các các pháp sinh diệt, hữu vô là không có tự thể, tức chẳng phải tự nó. Vì thê nói “Duyên khởi giống như có mà rốt ráo không, rốt ráo không mà như có”.
Vạn vật do duyên sinh nên không có tự tính, không có quyết định tính, vị vậy nói sự vật là “không”. Như trong Trung Luận ngài Long Thọ đã đề cập “Pháp do duyên sinh, ta nói tức là không, cũng là giả danh, và cũng là nghĩa trung đạo” và “chưa từng có một pháp nào mà không từ nhân duyên sinh. Thế nên hết thảy pháp, không pháp nào mà chẳng là không”[8]. Các pháp vốn không có tính cố định cho nên Long Thọ gọi là “không”. Nhưng khái niệm “không” này không phải là hư vô, mà mang ý nghĩa không có tướng cố định.
Trước tình hình Phật giáo Nam – Bắc hai cực đối nghịch, Nam chấp không, Bắc chấp hữu. Do đó Ngài Long Thọ đã đưa ra tư tưởng dung hòa Trung đạo là tôn chỉ cho đạo Phật nhưng lấy Đại thừa tính không làm căn bản. Do đó Ngài chủ đưa ra chủ tương Bát bất, đó là tám loại không: Bất sinh, bất diệt, bất đoạn, bất thường, bất nhất, bất dị và bất khứ bất lai. Tư tưởng này được đề cập ngay ở bài tụng đầu của Trung Quán Luận:
“Chẳng sinh cũng chẳng diệt
Chẳng thường cũng chẳng đoạn
Chẳng một cũng chẳng khác
Chẳng đến cũng chẳng đi”[9]
Từ tư tưởng này để mọi vọng tưởng hý luận, mê lầm tà kiến được phá bỏ, hướng tới nhận thức giáo lý Tính không đó cũng là chìa khóa, là mục đích giáo hóa chỉ đường để tu tập thực chứng Trí Bát nhã. Trí tuệ ba la mật, ba la mật cuối cùng trong lục độ ba la mật, bao hàm tuệ giác chứng ngộ tính không.
(Còn tiếp)
CHÚ THÍCH:
[1] T.R.V.MURTI, Huỳnh Ngọc Chiến dịch, Tánh Không Cốt Tủy Của Triết Học Phật Giáo Nghiên Cứu Về Trung Quán Tông, Nxb Hồng Đức 2019, tr42.
[2] Thích Thái Hòa, Kim Cang Bát Nhã Trong Dòng Lịch Sử, Nxb Hồng Đức 2016, tr 34
[3] Thích Hạnh Bình, Triết Học Có Và Không Của Phật Giáo Ấn Độ, Nxb Phương Đông 2008, tr 85.
[4] Dịch giả HT Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh, Đại Tạng Kinh Việt Nam.
[5] HT Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng, tập 3, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành 1993, tr 252-253.
[6] Thích Hạnh Bình, Triết Học Có Và Không Của Phật Giáo Ấn Độ, Nxb Phương Đông 2008, tr 158
[7] Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, Tp Hồ Chí Minh, 1999, tr 166
[8] Thích Thiện Siêu dịch, Trung Luận, Nxb Tp Hồ Chí Minh 2001, tr 274-275[9] Ibid, tr 9.
[10] Thích Phước Sơn dịch và chú, Tam Tổ Thực Lục, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành 1995, tr33
[11] . Thái Hư đại sư giảng, Thích Huệ Hưng dịch. Kinh Kim Cang Giảng Lục, Nxb Hồng Đức 2020, tr 7.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm