Tuệ giác bình an
Hiểu biết là chất liệu tạo nên hạnh phúc. Hiểu biết đi đôi với yêu thương, với cảm thông, tha thứ và bao dung. Hiểu biết giúp ta có cái nhìn tích cực, hướng đến bình an, hạnh phúc.
Đạo Phật là tôn giáo hướng giáo dục đến sự hiểu biết, tức trí tuệ. Đức Phật nói mục đích ra đời của Ngài là để khai mở nguồn tuệ giác bình an trong mỗi chúng ta (Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến - Kinh Pháp hoa). Thông điệp của Ngài cho biết trong mỗi người đều hiện hữu năng lực hiểu biết chứa đựng bình an, hạnh phúc nhưng vì không nhận ra điều đó nên chịu nhiều khổ đau khi mãi sống với những thấy biết tiêu cực chứa chất phiền não bất an.
Quán chiếu thông điệp của Đức Phật vào đời sống, quả thật, ta thấy có những cái thấy đưa đến bình an, thanh thản, nhẹ nhàng, tự tại và giải thoát, nhưng cũng có những cái thấy đưa đến phiền muộn, khổ đau, thất vọng, chán chường… Cùng một vấn đề mà nhìn ở khía cạnh này sẽ tạo ra bao căng thẳng bất an, nhưng nhìn ở khía cạnh kia sẽ đưa đến bình yên nhẹ nhàng.
Chẳng hạn ta làm một công việc nào đó mà bị thất bại, không được như ý, ta cứ suy nghĩ mãi về nó, nghĩ mình bất tài, kém cỏi, không làm được việc, không giỏi giang, hoàn hảo bằng người khác, lo sợ người khác đánh giá thấp khả năng của mình, xem thường mình, khiến tâm trạng buồn phiền, sầu muộn, thất vọng về bản thân, đánh mất sự tự tin khi nghĩ về công việc tiếp theo. Trái hẳn với cái nhìn như thế, ta xem sự không thành công của một công việc nào đó là điều hết sức bình thường, bình thường như tất cả bao điều bình thường khác, không quan trọng hóa chúng thì ta được bình thản. Hãy luôn tâm niệm rằng cuộc đời này quan trọng không phải là hơn nhau một câu nói, thắng nhau một cuộc chơi, thành công một công việc, mà quan trọng ở chỗ khai mở được trí tuệ bình an trong chính nội tâm của mình và luôn an trú trong đó, ở đó không có suy nghĩ hơn thua, được mất, thành bại, chỉ có phát ra tuệ giác chiếu soi các pháp bình đẳng đang diễn biến theo tương tác nhân duyên mà thôi.
Thật ra tâm trí chúng ta có thói quen nghĩ đến những điều tiêu cực trong cuộc sống hơn là những việc tích cực. Ta hay nghĩ đến điều không hài lòng này, chuyện bất mãn kia, nỗi buồn bực nọ… Mỗi khi có chuyện không hay xảy ra với mình, ta cứ xoáy suy nghĩ vào đó và khuếch đại nó lên chiếm trọn cả tâm trí mình và che mờ đi những cái thấy khác khiến ta có cảm tưởng cuộc đời này chẳng còn điều gì là tốt đẹp nữa. Ta bị quật ngã bởi chuyện không hay đó.
Thực ra ta không gục ngã trước những việc không hay mà cuộc đời đưa đến mà gục ngã bởi chính những suy nghĩ phức tạp của mình. Giống như Đức Phật nói ta có thể chịu đựng được cơn đau của mũi tên thứ nhất nhưng không chịu được nỗi đau của mũi tên thứ hai. Mũi tên thứ nhất là những điều ta không ưa thích mà vẫn cứ xảy ra với mình. Mũi tên thứ hai chính là những phản ứng kháng cự lại những điều đó. Chính tư tưởng không chấp nhận thực tại không ưa thích tạo nên mũi tên thứ hai làm mình gục ngã. Chẳng hạn ai đó nói lời làm tổn thương mình, nếu ta đủ bình tĩnh ghi nhận mà không phản ứng chống đối thì lời nói đó chẳng làm mình khổ, có thể theo cơ chế tâm lý nó làm mình nhói đau một chút nhưng vẫn cứ bình tĩnh ghi nhận thôi thì cơn đau cũng chỉ dừng lại ở mức đó. Nhưng khi ta suy nghĩ nhiều về lời nói đó, gợi lên bao điều ngổn ngang phức tạp ta thán, oán trách thì lòng mình buốt đau tê tái nhiều hơn. Ta hay tự xát muối vào vết thương bằng chính những suy nghĩ của mình.
Ta thường cho cuộc đời phức tạp nhưng chính những suy nghĩ của mình làm phức tạp cuộc đời chứ không phải cuộc đời phức tạp. Ta suy nghĩ đơn giản thì cuộc đời trở nên đơn giản. Chỉ cần ta bớt đi suy nghĩ so sánh mình với người khác thì cuộc đời cũng đã là đơn giản lắm rồi. Vì ta không cần phải giống ai, không cần bằng ai hay hơn ai cả, không cần chạy theo tiêu chuẩn của đám đông. Ta đơn giản chỉ là ta vậy thôi. Cuộc đời phức tạp còn là vì ta hay để suy nghĩ của mình về những khía cạnh tiêu cực nhiều quá. Khi đứng trước những điều không hay về cuộc đời, hãy thử nghĩ đến những khía cạnh tốt của cuộc đời thì cuộc đời cũng đẹp biết bao. Hay khi đối diện một người mà ta ghét, hãy để tâm nghĩ đến những điều tốt đẹp của người đó thì mối quan hệ tương tác giữa mình và người đó cũng trở nên đơn giản nhẹ nhàng xiết bao.
Con người ta trong sâu thẳm ai cũng có hai phần, phần đáng ghét và phần rất dễ thương; trong các mối quan hệ nếu ta biết khơi dậy phần dễ thương của đối phương thì đối phương trở nên hiền hòa thánh thiện biết bao, nhưng nếu ta khơi dậy phần đáng ghét thì đối phương trở thành con người thô lỗ dữ dằn. Ta muốn nhận món quà nào từ đối phương thì tùy cách nghĩ, cách nói và ứng xử của mình. Nếu ta nghĩ xấu, nói năng và ứng xử không tử tế thì ta sẽ nhận được món quà đáng ghét của đối phương; còn nếu ta nghĩ tốt, nói năng và ứng xử nhẹ nhàng từ ái thì nhận được món quà rất dễ thương của họ. Ta muốn cuộc đời như thế nào, tràn ngập những món quà yêu thương hay chất đầy những điều đáng ghét, thì tùy vào cách nghĩ và ứng xử của mình vậy.
Thường thì ta hay có thói quen đổ lỗi cho các đối tượng bên ngoài gây ra mỗi khi trong lòng có sự bất an đau khổ. Cho nên ta hướng về các đối tượng đó để giải quyết nỗi khổ đau của mình. Nhưng lạ thay càng giải quyết khổ đau, lòng ta càng mệt mỏi bất an hơn, vì lẽ nguyên nhân chính tạo ra khổ đau nằm ngay trong tâm trí ta chứ không phải các đối tượng bên ngoài. Vì vậy, cách tốt nhất để giải quyết triệt để nỗi khổ đau là ta phải quay vào bên trong mình hóa giải ngay tại tâm mình. Chỉ cần ta hiểu ra rằng nỗi khổ niềm đau là do chính tâm ta tạo ra thì bao nhiêu lòng oán hờn, trách móc, giận dữ các đối tượng bên ngoài tự nhiên lắng dịu xuống. Tuệ giác bình an trong ta bắt đầu được biểu hiện. Ta tiếp tục quán chiếu tâm mình, xem vì sao mình bất an, đau khổ, có phải do mình quá lo lắng, sợ hãi, quá coi trọng mình, hay vì tự ái, thiếu cảm thông, bao dung…? Chỉ cần ta chuyển hóa tâm mình được an thì mọi nỗi khổ niềm đau đều được giải quyết. Lúc này mọi đối tượng bên ngoài dù có đối xử phải hay không phải với mình cũng đều trở nên tốt đẹp, gần gũi thân thương, vì tâm an thì mọi thứ đều an.
Phán xét người khác cũng là một thói quen tiêu cực khác. Phán xét phải dựa vào nhận thức và cảm xúc cá nhân. Cho nên phiền não bất an cũng từ đó mà tuôn ra: khen chê, yêu ghét, nắm bắt loại trừ, bênh vực, chống đối… Hình như không phán xét là một thách thức rất lớn đối với ta bởi ta đã quá quen với lối nhìn phán xét rồi, nhưng nếu thật sự chú tâm nỗ lực ta vẫn có thể thay đổi được. Ví dụ có những người đối xử không tốt với mình, ta biết rất rõ, nhưng cố gắng không phán xét họ là người xấu thì tự nhiên lòng ta được nhẹ nhàng không có ác cảm hay thù ghét họ. Thông thường khi ta ghét ai là vì nghĩ họ xấu ác, còn khi không nghĩ họ xấu ác, lòng ta rất bình yên. Biết rõ ràng nhưng không phán xét thì tự nhiên trong tâm phát sinh một năng lực tự tại rất lớn. Cho nên không phán xét là một cái nhìn thật lý tưởng cho một đời sống tự do tự tại giải thoát.
Một thói quen nữa cũng rất thường tạo ra phiền não cho chính mính đó là nhìn đời bằng kinh nghiệm cá nhân. Ta luôn bắt mọi thứ phải như thế này, phải như thế kia, hợp với suy nghĩ của mình, đúng như kỳ vọng của mình thì mình mới hài lòng, mới vui, khác đi là không thể chấp nhận được, không thể yên an mà sống được. Cho nên để cuộc đời bình yên ít có va vấp với người khác, ta nên nhìn đời không bằng kinh nghiệm cá nhân, không lấy cái của mình làm tiêu chuẩn để phê phán, loại trừ những cái khác biệt ta; không lấy suy nghĩ, nhận thức, văn hóa, niềm tin, tín ngưỡng, phong tục tập quán của mình áp đặt lên người khác, bắt họ phải giống mình mà biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của mọi người, để sự khác biệt không làm mình đau khổ, đó là cái nhìn bằng tuệ giác Phật, cái nhìn ở tầm văn minh cao nhất.
Người có tuệ giác Phật đầu óc lúc nào cũng rỗng rang nhẹ nhàng, không chứa chấp những suy nghĩ lung tung, nhất là những suy nghĩ tiêu cực nặng nề nên nhìn ai cũng là người tốt, thấy cái gì cũng mới toanh như lần đầu, không có thành kiến, định kiến, lúc cần thiết suy nghĩ thì vận dụng đầu óc suy nghĩ, khi cần tri thức kinh nghiệm thì vận dụng tri thức kinh nghiệm, xong rồi thì xả bỏ, không bám chấp vào chúng. Người có tuệ giác Phật là người sống ung dung tự do tự tại giải thoát. Cho nên chỉ có tuệ giác Phật mới đưa con người đến đỉnh cao của hạnh phúc, mới đem bình an thật sự đến cho toàn nhân loại.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Uống nước đậu đen rang thường xuyên có tốt?
Sống an vui 10:19 23/12/2024Nước đậu đen rang là thức uống được nhiều người yêu thích, vậy uống nước đậu đen rang thường xuyên có ảnh hưởng gì không?
Cách ngủ của Thần y Hoa Đà dành cho người phải thức khuya làm việc mà vẫn khỏe
Sống an vui 08:27 23/12/2024Thức khuya là chuyện rất bình thường trong cuộc sống bận rộn ngày nay, nhưng thường xuyên ngủ trễ sẽ ảnh hưởng rất xấu đến cơ thể. Tuy nhiên, bạn sẽ không cần phải lo lắng về điều này nếu biết bí quyết ngủ của Thần y Hoa Đà.
Hãy nhẹ nhàng với bản thân, hãy tin rằng bạn xứng đáng
Sống an vui 17:30 22/12/2024Bóng tối lớn nhất không phải là những gì ta đối diện bên ngoài, mà là cách ta nhìn nhận chính mình trong tấm gương của cuộc đời. Nó không đến từ thế giới xung quanh, mà từ những lời tự trách, những suy nghĩ tiêu cực, và những nghi ngờ sâu kín mà ta nuôi dưỡng trong tâm trí.
Uống nước táo đỏ và kỷ tử mỗi ngày có lợi ra sao?
Sống an vui 16:03 22/12/2024Nước táo đỏ và kỷ tử là thức uống tốt cho sức khoẻ được nhiều người yêu thích, dưới đây là 4 lợi ích của việc uống nước táo đỏ và kỷ tử mỗi ngày.
Xem thêm