Tuệ giác vô thường & vô ngã
Tuệ giác là lưỡi gươm cắt đứt mọi đau khổ, sợ hãi,tuyệt vọng, sân hận và kỳ thị. Năng lượng của định, của tuệ giác giúp ta thấy rõ bản chất đối tượng của định. Định vô thường và định vô ngã đưa đến tuệ giác vô thường và tuệ giác vô ngã.
Tuy nhiên lắm lúc ta quên hẳn vô thường. Trên lý thuyết ta biết rằng tất cả đều là vô thường, nhưng ta quên đi rằng một ngày nào đó người ta thương sẽ bệnh, sẽ chết. Ta quên đi rằng chính ta rồi cũng sẽ chết. Ta có xu hướng suy nghĩ như là ta sẽ sống mãi. Và vì vậy ta không có tuệ giác vô thường để sống đẹp từng giây phút, để trân quý người thương. Rất nhiều người trong chúng ta đã đau khổ cùng cực khi một người thương ra đi, không phải vì ta thương nhớ mà vì nuối tiếc rằng khi người thương còn sống ta đã không có thì giờ gần gũi và hết lòng săn sóc. Có thể ta đã đối xử với người ấy một cách bất công. Bây giờ người ấy không còn nữa và ta mang mặc cảm tội lỗi. Nếu có tuệ giác vô thường thì phải biết rằng một ngày nào đó người ta thương sẽ chết và hôm nay ta phải làm tất cả những gì có thể để đem lại hạnh phúc cho người ấy. Đừng đợi đến ngày mai. Ngày mai có thể quá muộn. Nếu biết sống theo tuệ giác vô thường ta sẽ không phạm quá nhiều lầm lỗi. Ta có thể hạnh phúc ngay bây giờ. Ta có thể thương yêu, săn sóc người ta thương ngay ngày hôm nay. Ta không bươn chải về tương lai để rồi đánh mất sự sống. Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại.
Bụt dạy vô thường như là một tuệ giác. Bụt không bi quan mà chỉ muốn nhắc nhở chúng ta rằng sự sống rất đáng quý và chúng ta phải trân quý sự sống từng giây phút. Duy trì định vô thường như vậy sẽ đem đến tuệ giác vô thường. Nhờ tuệ giác vô thường mà ta không bị tuyệt vọng, sân hận, tiêu cực cuốn đi bởi vì tuệ giác vô thường cho ta biết phải nên làm gì và không nên làm gì để xoay chuyển tình thế. Nhờ vô thường mà không có gì là không làm được.
Nếu không có tuệ giác, ta sẽ nghĩ rằng quyền lực là do ta tự tạo nên, chỉ cho riêng ta. Nhưng có một tuệ giác khác ta có thể đạt được, đó là tuệ giác vô ngã. Vô ngã không có nghĩa là ta không có mặt. Vô ngã chỉ có nghĩa là ta không có tự tính riêng biệt. Nguồn gốc của bao nhiêu đau khổ chính là do tâm phân biệt, phân biệt giữa mình và người, do ý niệm về một cái ngã riêng biệt. Giả sử bạn là cha mẹ, hãy nhìn con của bạn và bạn sẽ thấy rằng con trai hay con gái bạn chỉ là sự tiếp nối của bạn. Cũng như cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp, con cái là sự tiếp nối của cha mẹ. Trong con có tế bào của cha. Cha và con không phải là một người nhưng cũng không phải là hai người. Khi người cha nhận ra điều này, ông đã chứng được tuệ giác vô ngã, cha đau khổ thì con cũng đau khổ và ngược lại. Cũng vậy, giận con mình tức là tự giận mình, giận cha mình tức là tự giận mình. Rất rõ ràng. Một khi đã thực chứng tuệ giác vô ngã, khi không còn phân biệt giữa bạn và con trai, con gái bạn, thì cơn giận của bạn sẽ tiêu tan.
Bạn đang tranh giành quyền lực nhưng nếu biết quán chiếu vô ngã bạn sẽ biết cần phải làm gì và có thể chấm dứt đau khổ của chính bạn và của những người liên hệ đến sự tranh giành đó. Bạn biết rõ rằng sân hận của họ là sân hận của bạn, đau khổ của họ là đau khổ của bạn, hạnh phúc của họ là hạnh phúc của bạn. Khi cánh tay trái của tôi bị phong thấp đau nhức, tôi săn sóc, xoa bóp, tôi làm đủ mọi cách để cho cánh tay trái bớt đau nhức mà hoàn toàn không giận dỗi gì cánh tay ấy. Khi tôi có một đệ tử chưa dễ thương, tôi cũng thực tập như thế. Tôi không giận đệ tử của tôi mà chỉ gắng săn sóc người đệ tử ấy như tôi đã săn sóc cánh tay trái vậy. Bởi vì tôi biết rằng giận đệ tử tức là tự giận mình và chẳng giúp ích được gì. Nhưng chúng ta chỉ có thể hành xử khôn ngoan như thế khi chúng ta đã thực chứng được tuệ giác vô ngã.
Trong đạo Bụt có một tuệ giác gọi là tuệ giác vô phân biệt (xả). Xả là một trong bốn yếu tố của tình thương chân thực (Tứ vô lượng tâm). Tôi thuận tay phải nên tôi làm hầu hết mọi việc bằng tay phải: đánh răng, thỉnh chuông, viết thư pháp. Tất cả những bài thơ của tôi đều được viết bằng bàn tay phải. Nhưng bàn tay phải của tôi không bao giờ tự hào và nói: “Này bàn tay trái, anh chẳng được tích sự gì. Một mình tôi làm tất cả mọi việc”. Và bàn tay trái của tôi không bao giờ có mặc cảm tự ti, không bao giờ đau khổ. Thật kỳ diệu. Hai bàn tay tôi luôn luôn sống hài hòa với nhau, hợp tác một cách toàn hảo. Đây chính là tuệ giác vô ngã sống động trong mỗi chúng ta.
Một hôm tôi đang đóng đinh để treo một bức tranh lên vách. Tay phải của tôi vụng về thế nào mà thay vì đóng vào đinh lại đi giáng cho ngón tay trái một nhát đau điếng. Ngay lúc ấy bàn tay phải của tôi lập tức buông ngay búa xuống và ôm chặt lấy bàn tay trái để chăm sóc. Bàn tay trái của tôi không hề giận dữ, trách móc, cũng không nói: “Này bàn tay phải, anh làm cho tôi đau. Tôi muốn công bằng. Đưa cái búa đây cho tôi”. Và bàn tay phải cũng không nói: “Này bàn tay trái, ta đang săn sóc cho ngươi, ngươi hãy nhớ lấy nhé”. Bàn tay trái và bàn tay phải của tôi không bao giờ suy nghĩ kiểu như vậy. Đó chính là tuệ giác vô phân biệt, một nguồn tuệ giác có sẵn trong ta, biết sử dụng tuệ giác ấy sẽ đem lại an hòa trong gia đình cũng như trong cộng đồng.
Tín đồ Ấn giáo và Hồi giáo mà biết sử dụng tuệ giác vô phân biệt thì họ đã có thể sống hòa bình với nhau. Nếu người Do Thái và người Palestine cũng sử dụng tuệ giác vô phân biệt thì đâu xảy ra chiến tranh. Nếu Hoa Kỳ và Iraq xem nhau như anh em, như hai bàn tay của cùng một cơ thể thì họ đâu có tiếp tục giết nhau. Tất cả chúng ta đều phải trau giồi tuệ giác ấy. Tuệ giác ấy có công năng giúp ta giải tỏa sợ hãi, khổ đau, chia rẽ, cô đơn, và có thể giúp người khác làm như vậy.
Tuệ giác có được là nhờ hiểu biết. Trong ta có thể đã có sẵn hiểu biết, nhưng vì ta không có niệm, không có định cho nên tuệ giác không có cơ hội phát hiện. Chúng ta phải tạo ra một môi trường thuận lợi cho niệm và định, cũng giống như muốn cho hoa mọc tươi tốt thì ta phải xới đất, rải phân. Tuệ giác là một loại hiểu biết có được nhờ chánh niệm. Nếu ta tự đánh mất mình trong tiếc nuối quá khứ, trong lo lắng tương lai thì tuệ giác sẽ khó mà phát triển và như thế thì khó mà biết cách hành xử đúng trong hiện tại.
Chính vì vô minh mà ta đau khổ. Khi có tuệ giác ta có thể tiếp xúc sâu sắc với thực trạng của mọi sự, mọi vật và không còn sợ hãi, chỉ còn tình thương, chỉ còn chấp nhận tha thứ bao dung. Chính vì vậy mà ta gọi tuệ giác là một loại quyền lực, một sức mạnh siêu đẳng. Nếu bạn dành thì giờ để quán chiếu thực tại dưới ánh sáng của tuệ giác vô thường, vô ngã thì bạn sẽ giác ngộ và tự giải thoát khỏi đau khổ và khó khăn. Tất cả bốn quyền lực (tín, tấn, niệm, định) nói trên đưa đến quyền lực siêu đẳng (tuệ), đồng thời cũng đưa đến hạnh phúc vô biên.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cách ăn chay tốt cho sức khỏe tim mạch
Sống an vui 16:50 22/11/2024Chế độ ăn chay có thể tốt cho huyết áp, cải thiện mức cholesterol và duy trì cân nặng khỏe mạnh, tất cả đều giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nên biết cách ăn chay phù hợp để mang lại những lợi ích sức khỏe.
Những cảnh giới cao nhất
Sống an vui 13:15 22/11/2024Cảnh giới cao nhất của sự nghiệp, của kỷ luật, của tình bạn, tình yêu và cảnh giới cao nhất trong sinh mạng con người là gì, bạn có biết không?
Buông xả những nỗi lo âu
Sống an vui 11:00 22/11/2024Ta hay nhân danh sự bận rộn, bổn phận, trách nhiệm để cho phép mình rời bỏ chính mình bất cứ lúc nào. Khi thức dậy là ta đã bắt đầu phóng tâm đi lang thang bên ngoài, tìm kiếm cái này, nắm bắt cái kia.
Học chim làm tổ
Sống an vui 07:30 22/11/2024Nhìn những chú chim cần mẫn siêng năng tước từng cọng cây, ngọn lá về đan tổ, chúng ta học được rất nhiều đạo lý.
Xem thêm