Tỷ phú theo đạo Phật: Tôi luôn làm gương cho các con
Nếu không được giới thiệu, ít ai nghĩ rằng người đàn ông 57 tuổi ấy là một tỷ phú nổi tiếng ở Thái Lan.
Trong suốt hành trình giao lưu văn hoá tôn giáo tại 5 quốc gia lưu vực sông Mê Kông (Dharma Yatra) dài 18 ngày, ông Supachai Verapuchong gây ấn tượng bằng hình ảnh năng động, giàu năng lượng và thân thiện hiếm có so với tưởng tượng của nhiều người về một ông tỷ phú.
Ông bảo ‘bạn có thể gọi tôi là Odd’ – ‘nick name’ dường như phản ánh đúng tính cách 'kỳ lạ' ở con người ông như chính nghĩa đen của nó trong tiếng Anh.
Bắt chuyện với tất cả mọi người, ông Supachai không hề nhắc tới chuyện kinh doanh hay những công ty to nhỏ của mình. Ông chỉ say sưa bàn về đạo Phật, về cách kết nối các quốc gia và việc chúng ta nên chia sẻ với nhau như thế nào.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố mẹ theo đạo Phật, từ nhỏ ông đã được thấm nhuần những triết lý và tư tưởng của đạo Phật.
‘Mẹ tôi tu tại nhà từ năm 16 tuổi. Năm nay bà đã 83 tuổi. Bố tôi làm kinh doanh và cũng là người theo đạo Phật. Đó là 2 người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời tôi’.
Năm 26 tuổi, ông đi tu lần đầu tiên ở Bangkok 15 ngày và sau đó là 9 ngày ở Ấn Độ năm 43 tuổi.
‘Tôi cũng cảm thấy mình rất may mắn khi gặp được những người thầy, các nhà sư độ lượng đã dạy cho tôi triết lý làm người’.
Bài học mà ông nhớ mãi cho đến tận bây giờ và cũng là điều mà ông nội đã dạy bố ông khi còn nhỏ, đó là chúng ta phải biết cứu chính mình trước. ‘Điều đó có thể hiểu là chúng ta phải đầy đủ trước, hạnh phúc trước thì mới nghĩ đến việc giúp đỡ được người khác’.
‘Nhưng không có nghĩa là chỉ khi bạn có nhiều tiền, bạn mới có thể giúp được người khác. Tôi có thể giúp đỡ người khác khi tôi còn chưa có nhiều tiền’.
Theo đạo Phật thì có 3 mức độ tạo phúc. Việc dùng vật chất để giúp đỡ người khác chỉ là mức thấp nhất. Mức độ thứ 2 là chúng ta có thể bao dung, tha thứ cho những người đối xử không tốt với mình và có thể đối xử tốt trở lại với họ. Mức độ thứ 3 là ta có thể lan toả tinh thần đó để giúp người khác trở thành người tốt hơn.
Bài học thứ 2 mà bố ông đã dạy, đó là làm gì cũng được nhưng không được làm hại người khác, không mang lại phiền toái cho người khác và cũng không được làm hại chính bản thân mình.
‘Bố tôi từng nói, khi con làm việc gì đó, con nên đặt ra mục tiêu lớn nhưng đừng đặt ra một mốc thời gian để hoàn thành nó, mà hãy làm nó từng chút một’.
‘Triết lý đạo Phật luôn hướng con người suy nghĩ tích cực. Nếu bạn đặt ra thời hạn 5 năm, 10 năm và bạn không đạt được nó đồng nghĩa với việc bạn thất bại. Bố tôi dạy không nên nghĩ theo cách như thế, mà hãy tin rằng đến một ngày nào đó mình sẽ thành công. Nếu đời tôi không làm được thì hãy dạy các con tôi hoàn thành nó’.
Khi được hỏi về việc dạy các con theo đạo Phật, ông nói: ‘Tôi không bắt ép các con phải theo một triết lý hay lối sống nào cả. Đạo Phật là điều tự nhiên. Ở mỗi độ tuổi, mỗi người sẽ có một niềm vui, một sở thích khác nhau. Tôi tôn trọng điều đó ở các con. Nhưng có một điều mà tôi luôn làm, đó là tôi luôn làm gương để các con nhìn thấy’.
Ông bảo, thực ra ông không lo lắng nhiều về 4 cô con gái, bởi ông tin vào luật nhân quả. ‘Tôi ở Thái Lan không quá 5 ngày/tháng, nhưng tôi luôn tin rằng khi tôi làm điều tốt thì gia đình tôi, các con tôi sẽ được hưởng hạnh phúc’.
Sự kiện Phật giáo Dharma Yatra là tâm huyết từ thời cha ông chưa thực hiện được và ông đang hoàn thành tâm nguyện đó với khát vọng truyền bá đạo Phật, kêu gọi người dân 5 nước sống trong hoà bình, sẻ chia.
‘Bạn thấy đấy, mọi người tới từ những quốc gia khác nhau, thậm chí không thể giao tiếp được với nhau nhưng nhờ có kết nối của đạo Phật, họ cùng tới đây mỉm cười với nhau, đối xử với nhau tử tế và cùng chia sẻ một giá trị chung’.
‘Đây mới là hạnh phúc đích thực mà tôi mong muốn. Trong kinh doanh, những con số lợi nhuận trên giấy tờ chỉ mang lại cho tôi hạnh phúc trong chốc lát’.
Ở tuổi này, ông chia sẻ rằng ông không còn đặt ra những mục tiêu lớn về mặt kinh doanh. ‘Tôi mong muốn lan toả kiến thức về đạo Phật cho nhân dân lưu vực sông Mê Kông. Tôi muốn mọi người tin tưởng nhau, đối xử với nhau trung thực, coi như anh em, không làm việc xấu với nhau. Đó là mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ’.
Đặt chân tới Việt Nam lần đầu tiên năm 1991 khi mới 29 tuổi - khi mà đường phố Hà Nội thậm chí có rất ít xe ô tô, xe máy, đến năm 1996, ông lập doanh nghiệp đầu tiên ở Hà Nội. Suốt hơn 20 năm kinh doanh ở Việt Nam, ông đã đi tới khắp các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc. ‘Tôi may mắn được chứng kiến một quá trình phát triển khá dài của các bạn’.
Cũng giống như ở Lào, Campuchia, Myanmar, ông tự tin khẳng định mình rất hiểu người nghèo. ‘Nếu mục tiêu duy nhất của bạn trong cuộc sống là trở nên giàu có và bạn đạt được nó bằng cách lợi dụng người khác thì đó không phải là cách bền vững’.
‘Tiền không phải là đích đến của tôi. Bạn cần nghĩ tới việc cho đi. Khi bạn chia sẻ với người nghèo, cái mà bạn nhận được là giá trị tinh thần. Nếu bạn làm điều xấu, hệ quả của nó sẽ lan ra khắp nơi’.
Chính vì lẽ đó mà Học viện Phật giáo Bodhigayavijijalaya được ông và gia đình thành lập nhằm truyền bá tư tưởng của đạo Phật, không chỉ cho các nhà sư mà cho tất cả mọi người muốn hiểu và sống theo triết lý đạo Phật.
‘Chúng tôi không yêu cầu ai phải nộp phí hay công đức khi theo học ở đây, nhưng nếu ai muốn đóng góp thì chúng tôi có nhận để duy trì hoạt động của nó. Đó không phải là việc kinh doanh kiếm lời’.
Chỉ riêng ở Việt Nam, mỗi năm ông dành hàng tỷ đồng cho các hoạt động thiện nguyện, phát thuốc miễn phí cho người nghèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
‘Điều mà tôi học được từ đạo Phật là luôn cẩn trọng và làm việc hết sức mình cho ngày hôm nay. Tôi sống hết mình cho ngày hôm nay như thể đó là ngày cuối cùng của mình' - ông nói.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Rải tiền công đức bằng cần cẩu ở một ngôi chùa tại Thái Lan
Quốc tế 09:45 21/11/2024Lễ cúng dường Kathin Samakkhi tại chùa Wat Derm Bang, tỉnh Suphanburi có hoạt động rải tiền công đức từ trên cần cẩu.
Khám phá ngôi chùa nổi tiếng nhất thế giới nơi Đức Phật giác ngộ
Quốc tế 08:45 16/11/2024Chùa Mahabodhi (Đại Giác Ngộ) là một bảo tháp Phật giáo ở Bodh Gaya, Ấn Độ, được biết đến là một trong những Phật tích quan trọng nhất của lịch sử Phật giáo thế giới. Theo UNESCO, ngôi đền hiện tại có công trình kiến trúc sớm nhất và hoành tráng nhất được xây dựng hoàn toàn bằng gạch vào khoảng thế kỷ thứ 7.
Nghi lễ Xaybath - Lễ cúng dường lớn nhất của người dân Lào
Quốc tế 16:00 15/11/2024Đây là cơ hội cho người dân Lào tích lũy công đức bằng cách cho đi không vị kỷ. Với việc tham gia vào nghi lễ Xaybath, người dân bày tỏ lòng thành kính đối với Phật giáo và cầu mong phước lành.
Bhutan khởi động “thành phố chánh niệm” gần biên giới Ấn
Quốc tế 09:40 13/11/2024Thành phố chánh niệm Gelephu của Bhutan khuyến khích mọi người đi bộ và đi xe đạp, thúc đẩy giáo dục chánh niệm cùng nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe và thể chất, du lịch sinh thái...
Xem thêm