Vãng sinh về cõi Tây Phương Tịnh Độ dễ hay khó?
Việc vãng sinh về cõi Tây Phương Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà là rất dễ dàng. Điều này không phải vì chúng ta có nhiều công đức mà do được nương vào nguyện lực và lòng từ bi vô bờ của Đức Phật A Di Đà. Và bản thân chúng ta cũng phải có một chút thiện nghiệp.
Chúng ta biết rằng chư Phật đều có cõi Tịnh độ riêng của các ngài. Sau này khi chúng ta thành Phật, chúng ta cũng sẽ có cõi Tịnh độ của mình. Các cõi Tịnh độ đều có đặc điểm riêng khác nhau tùy thuộc tâm nguyện của vị Phật đó khi Ngài còn là một vị Bồ tát.
Nếu xét trên quan điểm của Đại Thừa Phật giáo, Đức Phật A Di Đà cũng từng là một vị Bồ tát, Ngài đã tích lũy vô lượng công đức, thực hành sáu Ba La Mật, tịnh hóa và thiền định trong vô số kiếp. Khi cúng dường đèn, chúng ta thường chỉ hồi hướng cho sức khỏe, may mắn và sự an lành cho bản thân và gia đình. Đối với Đức Phật A Di Đà, mỗi khi Ngài cúng dường đèn hay tu tập, Ngài thường cầu nguyện nương công đức đó để thành tựu Phật quả vì lợi ích của hết thảy hữu tình và tạo ra cõi Tịnh độ A Di Đà với tất cả các phẩm chất như các cõi Tịnh độ khác mà thậm chí một chúng sinh phàm tình chưa phải là Bồ Tát, chưa giác ngộ và còn mang nhiều bất thiện nghiệp, nhờ nguyện lực của Ngài, vẫn có thể được sinh lên cõi Tịnh Độ A Di Đà.
Chúng ta thường chỉ tích lũy được một chút công đức thông qua trì tụng hay cúng dàng nhưng chúng ta lại mong cầu thành tựu to lớn. Tất nhiên, sự mong cầu của chúng ta cũng thành hiện thực do chúng ta đã tích lũy các nhân duyên. Lẽ nào Đức Phật A Di Đà qua hàng vô số kiếp thực hành miên mật, tích lũy vô lượng công đức như vậy, mà tâm nguyện này lại không viên mãn cho được. Tất nhiên tâm nguyện của Ngài sẽ được viên mãn, nếu không, quy luật nhân quả đã không đúng. Việc vãng sinh về cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà là rất dễ dàng. Điều này không phải vì chúng ta có nhiều công đức mà do được nương vào nguyện lực và lòng từ bi vô bờ của Đức Phật A Di Đà. Và bản thân chúng ta cũng phải có một chút thiện nghiệp.
Phải chăng chúng ta không cần làm gì mà chỉ đợi Đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn?
Nhưng phải chăng nói như thế có nghĩa là chúng ta không cần làm gì mà chỉ đợi Đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn? Điều đấy rất sai, rất tà kiến bởi trái với luật nhân quả. Chúng ta phải tự tạo ra các điều kiện nhân quả để đón nhận sự gia trì của Đức Phật A Di Đà. Ví dụ một giọt nước cũng có thể giúp chúng ta giải cơn khát. Nhưng để uống được nước, chúng ta phải có điều kiện là có miệng. Hoặc như con người không thở được trong nước không phải vì trong nước không có oxy. Loài cá vẫn có thể thở và sống dưới nước vì trong nước vẫn có oxy. Còn chúng ta không có nghiệp thở được trong nước. Tương tự như vậy, sự gia trì, nguyện lực của Đức Phật A Di Đà vẫn luôn sẵn đủ, vãng sinh về cõi Tịnh Độ của Ngài không khó nhưng vẫn cần có một số nhân duyên nhất định.
Trong kinh A Di Đà có dạy rằng, một trong các điều kiện tối thiểu để được vãng sinh về cõi Tịnh độ của Ngài là người đó không phạm phải trọng tội ngũ nghịch như giết cha, giết mẹ, giết bậc A-la-hán, làm Phật chảy máu, phá hoại hòa hợp Tăng. Ngoài ra, còn có một điều kiện nữa, đó là người đó không tạo bất thiện nghiệp do báng Pháp. Có nghĩa là nếu ai đó nói rằng: “Nguyên thủy Phật giáo không đúng. Chỉ có Kim Cương thừa mới là đúng đắn”, hoặc “Kim Cương thừa là không đúng, Đại thừa Phật giáo mới là con đường đúng đắn”. Nói như vậy có nghĩa là họ đã gieo nhân từ bỏ Phật pháp. Bởi cho dù đó là Nguyên thủy hay Đại thừa thì cũng đều là giáo pháp của Đức Phật. Chúng ta tự gây mâu thuẫn khi từ bỏ Phật pháp nhưng đồng thời lại mong Đức Phật và giáo Pháp của Ngài cứu độ cho mình. Tôi không rõ các Phật tử Việt Nam hiểu biết thế nào, nhưng trong Kinh có nói rất rõ ràng rằng tội ngũ nghịch và từ bỏ Phật pháp là những bất thiện nghiệp mà những ai mong nguyện được vãng sinh Tịnh độ tuyệt đối không được phạm.
Ba điều kiện quan trọng chúng ta cần phải tích lũy
Tôi sẽ chia sẻ tiếp với các bạn những điều kiện cần thiết khác. Khi nói về điều kiện tích cực, ở đây có ba điều kiện quan trọng chúng ta cần phải tích lũy.
Thứ nhất là đức tin kiên cố và tâm chí thành dâng hiến lên Đức Phật A Di Đà và cõi Tịnh Độ của Ngài. Đức Phật Thích Ca có dạy rằng cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà ở Tây Phương. Vì vậy, mỗi khi cầu nguyện hay cúng dàng đèn lên Đức Phật A Di Đà, chúng ta nên hướng về phía Tây tha thiết cầu nguyện được vãng sinh về cõi Tịnh Độ của Ngài.
Thứ hai là chúng ta phải thực hành quán tưởng rõ ràng về hình ảnh cũng như các mô tả về cõi Tịnh độ thù thắng của Đức Phật A Di Đà. Cõi Tịnh độ của Ngài có những phẩm chất tuyệt hảo nào, hình ảnh ra sao. Điều này các bạn cần phải đọc rất kỹ trong Kinh A Di Đà và cầu nguyện để có được sự quán tưởng rõ ràng về cõi Tịnh độ của Ngài.
Thứ ba chính là tâm Bồ đề. Ở đây, chúng ta nguyện vãng sinh về cõi Tây Phương không phải vì sự giải thoát cho riêng bản thân mình mà để có được điều kiện thuận duyên trong việc thực hành để thành tựu giác ngộ để sau đó có thể quay trở lại lợi ích cho chúng sinh trong cõi Sa Bà này.Đây cũng là điểm khác biệt giữa cõi Tịnh Độ và Thiên đường trong các tôn giáo khác.
Khi nói về hạnh phúc, các tôn giáo khác cho rằng lên Thiên đường là cái đích cuối cùng. Nhưng trong Đạo Phật, nếu vãng sinh về cõi Tịnh độ, nhiệm vụ của chúng ta vẫn chưa kết thúc. Tịnh độ là nơi có điều kiện hoàn hảo để thực hành Pháp, ở đó chúng ta vẫn phải chăm chỉ thụ nhận giáo pháp, tu tập tinh tiến, đạt được giác ngộ, quay trở lại nhân gian làm lợi ích cho chúng sinh.
Như Đức Phật A Di Đà đã phát đại nguyện, nếu bạn viên mãn ba điều kiện nói trên, không tạo các cực bất thiện nghiệp, thường ngày miên mật trì tụng ít nhất một trăm biến chân ngôn hoặc hồng danh của Ngài “OM AH MI DHEWA SHRI” hay “NAMO A DI ĐÀ PHẬT” theo truyền thống của Việt Nam thì khi cái chết xảy đến, chắc chắn Đức Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn bạn về cõi Tịnh Độ của Ngài. Đó chính là nguyện của Đức Phật A Di Đà.
Những câu chuyện minh chứng cho sự viên mãn, thành tựu cõi Tịnh độ
Có rất nhiều câu chuyện minh chứng cho sự viên mãn, thành tựu cõi Tịnh độ này ở Việt Nam cũng như ở vùng Himalaya. Ví dụ như câu chuyện về bà ngoại của Ngài Gyalwa Dokhampa hiện đời. Cả cuộc đời mình, bà luôn hành trì pháp tu của Đức Phật A Di Đà một cách rất miên mật. Khi nhân duyên với cõi Sa bà đã mãn, chư Tăng được thỉnh tới để thực hành pháp Phowa cho bà nhưng bà đã nhẹ nhàng trả lời rằng không cần thiết phải làm như vây. Vì trong linh kiến của mình, bà đã nhìn thấy Đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn mình về cõi Tịnh Độ của Ngài. Bên cạnh đó, tôi cũng đã đọc rất nhiều câu chuyện tương tự như vậy ở trên mạng, về những người trong thời hiện đại ở Singapore, hay Trung Quốc. Nhờ cầu nguyện Đức Phật A Di Đà, trước khi chết, nhiều người đã thấy những linh kiến được Đức Phật A Di Đà trong ánh sáng màu đỏ thọ ký và dẫn dắt về cõi Tịnh Độ của Ngài. Cõi Tịnh độ là có thật, và chư Phật không nói sai vì các Ngài chẳng có lý do gì để làm như vậy.
Theo quy luật nhân quả và quy luật về nghiệp, chúng ta có thể hiểu rằng việc thực hành trì tụng chân ngôn Đức Phật A Di Đà sẽ giúp chúng ta viên mãn, thành tựu như thế nào. Nếu thỏa mãn tất cả những điều kiện nói trên, chắc chắn chúng ta sẽ được vãng sinh về cõi Tịnh độ của Đức A Di Đà.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp
Kiến thức 19:30 04/11/2024Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.
Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết
Kiến thức 13:30 04/11/2024Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.
Thực hành thiền Phật giáo
Kiến thức 11:40 04/11/2024Mục đích tối hậu của thiền là giúp tâm ta định và sáng, có thể thấy biết đúng như thật về thật tính của vạn pháp, bản chất của mọi sự vật hiện tượng, cả những hiện tượng vi tế nhất.
“Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau”
Kiến thức 10:00 04/11/2024Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày.
Xem thêm