Việc an cư theo giới luật được tiến hành như thế nào?
An cư của Tăng đoàn là một hình thức sinh hoạt đặc thù, được Đức Phật quy định trong giới luật. Việc duy trì an cư được áp dụng đến tận ngày nay, đó không chỉ là trách nhiệm của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni trong việc trì luật, mà còn thể hiện sự hòa hợp của cộng đồng Tăng-già.
> Công văn của TƯ GHPGVN về An cư kiết hạ PL.2564 - DL.2020
- Sự việc bắt đầu từ chuyện khi Đức Phật ở nước Xá-vệ (Sravasti, Savatthi), nhóm Lục quần Tỳ-kheo trong ba mùa xuân, hạ và đông đều đi lại đây đó. Gặp tháng mùa hạ, mưa gió nên nước lớn cuốn trôi mất y bát, tọa cụ, giẫm đạp côn trùng, làm chết cỏ non… Sự việc này làm giới cư sĩ, ngoại đạo bàn tán, cơ hiềm và lan truyền đến tai các vị Tỳ-kheo, trong đó có những vị sống thiểu dục tri túc, biết hổ thẹn, sống khổ hạnh, ưa học và trì giới. Các vị ấy đã góp ý và chê trách những vị Tỳ-kheo đã để xảy ra sự cơ hiềm từ giới cư sĩ và ngoại đạo.
Sự việc trên được thưa lại với Đức Phật. Đức Phật do nhân duyên ấy mà quy định việc an cư vào mỗi mùa mưa. Quy định này trở thành một điều luật bắt buộc đối với mỗi vị tu sĩ tu theo giáo pháp của Ngài. Nếu ai không an cư theo đúng luật thì năm đó sẽ không được tính một tuổi hạ.
- An cư được chư Tổ định nghĩa là “An kỳ thân tâm, Cư kỳ hạn định” - thân tâm an tịnh, đến thời kỳ phải ở yên một nơi trong một thời gian nhất định. Như vậy, an cư là đến thời kỳ quy định, chư Tăng Ni phải quy tụ về ở yên tại một trú xứ, tu tập để cho thân tâm được an tịnh, tiến tu chứng đạo quả. Như vậy, nghĩa trước tiên của an cư có hai ý nghĩa. Một là vì lòng từ bi, tránh giẫm đạp côn trùng, cỏ non vào mùa mưa. Hai là dành một khoảng thời gian thích hợp để tịnh tu, tiến bộ trên con đường tâm linh giải thoát. Ngoài ra, sự an cư còn một ý nghĩa lớn lao hơn nữa, chính là biểu hiện cho tinh thần sống chung hòa hợp của tập thể Tăng-già trong một trú xứ - thân hòa đồng trú. Thời gian này chư Tăng sống với nhau bằng sự giáo giới cho nhau, chỉ dạy phương pháp tu tập cho nhau, khích lệ tinh thần cho nhau… trên lộ trình giải thoát.
Như vậy, duyên khởi cho việc an cư là Đức Phật tùy thuận theo các đệ tử tại gia; nhưng ý nghĩa sâu xa hơn chính là sinh mạng tồn tại của Chánh pháp qua biểu hiện duy trì đời sống thanh tịnh và hòa hợp của cộng đồng Tăng-già. Khi nào Tăng-già còn nhiệt tâm trong trách nhiệm an cư thì Chánh pháp vẫn còn tồn tại.
Theo lịch Ấn Độ xưa thì ngày an cư được bắt đầu từ ngày mùng một trăng tròn tháng A-sa-đà đến ngày mùng một trăng tròn tháng A-thấp-phược-dữu-xà; tức là kéo dài 3 tháng từ khoảng giữa tháng 6 đến giữa tháng 9 Tây lịch, tương đương từ rằm tháng 5 đến rằm tháng 8 âm lịch. Chư Tổ Luật sư Trung Hoa quy định an cư bắt đầu từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7. Việt Nam và các nước Phật giáo Bắc truyền cũng chung trong ảnh hưởng này. Ngày nay, chư Tăng Bắc tông vẫn theo quy định này. Riêng chư Tăng Nam tông thì giữ theo truyền thống Ấn Độ. Đây là sự ước tính sai khác về thời tiết, mà các địa phương không giống nhau. Nhưng dù là thời gian nào thì về mặt ý nghĩa chung nhất của an cư vẫn không thay đổi.
Về an cư chúng ta có hai loại an cư: tiền an cư và hậu an cư. Những vị nào tác pháp thọ an cư đúng vào ngày trăng tròn (ngày 16-4 âm lịch hoặc 16-5 âm lịch) được gọi là tiền an cư. Những vị nào vì lý do này hoặc lý do khác không thể thọ pháp an cư đúng ngày thì có thể thọ pháp hậu an cư bắt đầu từ ngày 17-4 âm lịch đến ngày 16-5 âm lịch (hoặc 16-6 âm lịch). Những vị thọ hậu an cư dù sau ngày rằm tháng 7 chư Tăng tác pháp tự tứ để giải hạ, thì các vị này vẫn phải tiếp tục an cư cho đủ 3 tháng mới được giải hạ, được phép ra khỏi trú xứ hoặc cương giới an cư.
Theo như trong Luật thì ngày trước thọ an cư, các công việc phải làm gồm những thủ tục: phân phòng ốc, phân ngọa cụ, hành trù (hành xá-la) kiểm đếm số lượng người an cư (Tỳ-kheo, Sa-di). Đây là những công việc làm trước ngày thọ an cư một ngày.
Về thọ an cư có 2 việc mà Tăng-già phải làm: bạch an cư và kết giới. Tác pháp bạch an cư chia làm hai trường hợp, gồm: tác pháp của hàng Thượng tọa và tác pháp của Đại chúng. Có sự khác nhau vì những Thượng tọa nương trên vị luật sư y chỉ, do đó văn tác bạch an cư có hơi khác chút ít.
Tác pháp của hàng Thượng tọa: trong đây bao gồm cả vị thiền chủ, vị luật sư y chỉ cho đại chúng. Theo thứ tự vị Thượng tọa lớn nhất tác pháp đối thú thọ an cư với một vị Thượng tọa ngang hàng. Cả hai vị cùng đứng hoặc cùng quỳ tác bạch. Sau khi vị Thượng tọa lớn nhất, thường là vị Thiền chủ hoặc Luật sư y chỉ của đại chúng, đã tác pháp xong, thì lần lượt đến các Thượng tọa khác, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Mỗi vị đều tác pháp đối thú với vị Thượng tọa Thiền chủ hoặc Luật sư y chỉ ấy mà thọ an cư.
Tác pháp của Đại chúng: Sau khi các vị Thượng tọa tác pháp xong, lần lượt đại chúng tác pháp thọ an cư, cũng theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Theo luật thì mỗi lần tác pháp 1 vị Tỳ-kheo. Ở Việt Nam theo truyền thống xưa nay mỗi lần tác pháp thường tối đa là 3 vị Tỳ-kheo. Đây là con số quy định tối đa, không được vượt quá 3 vị mỗi lần tác bạch. Nếu vượt con số quy định này thì trái luật, không đúng pháp (phi pháp, phi Tỳ-ni). Cũng theo luật Phật chế, tại mỗi trú xứ an cư phải có một vị làm Thượng tọa Đệ ngũ luật sư y chỉ cho đại chúng. Vị này có trách nhiệm xử trị, nhắc nhở các Tỳ-kheo chưa thông suốt luật. Vì Đại chúng nương vào Luật sư y chỉ nên văn tác pháp có khác so với các Thượng tọa.
Lễ Tự tứ kết thúc an cư kiết đông tại Đức
Ngoài ra, nếu một Tỳ-kheo không có y chỉ hoặc ở một mình, hoặc trú xứ không đủ túc số Tăng thì có thể thọ pháp “Tâm niệm an cư”. Riêng Tỳ-kheo-ni, luật không cho phép sống riêng biệt và an cư phải nương gần trú xứ Tăng nên không có tác pháp Tâm niệm an cư này.
Về Cương giới an cư: tại các trú xứ là các tự viện thì thường các tự viện ấy đã được tác pháp ấn định. Chỉ cần tuyên bố lại cho mọi người trong trú xứ an cư đó biết. Trong trường hợp tự viện đó quá nhỏ muốn nới rộng cương giới ra hoặc ngược lại thì phải tác pháp giải cương giới cũ rồi kết lại.
>Xem thêm video: Ý nghĩa hoa sen trong Phật giáo:
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Học Phật giản đơn
Kiến thức 08:00 22/11/2024Luôn giữ tâm thanh tịnh, chánh niệm tỉnh giác xa lìa các pháp cấu uế, bất thiện dần hướng đến an lạc, Niết bàn miên viễn.
Xem thêm