An cư và mãn hạ
“An cư” là từ không còn xa lạ đối với tín đồ Phật giáo; tuy nó không có nghĩa “an cư lạc nghiệp” của đạo Nho, nhưng khía cạnh nào đó, “lạc nghiệp” mang nghĩa “Đạo nghiệp”, mà hàng năm, chư Tăng, Ni đều phải duy trì theo luật giới của đức Phật.
An Cư
An Cư: (s: vārṣika, p: vassa, j: ango, 安居): nghĩa là mùa mưa, tiếng gọi tắt của Vũ An Cư (雨安居, An Cư mùa mưa), còn được gọi là Hạ Hành (夏行), Tọa Hạ (坐夏), Tọa Lạp (坐臘), Hạ Lung (夏籠), Hạ Thư (夏書), Hạ Kinh (夏經), Hạ Đoạn (夏斷), Hạ (夏). An nghĩa là làm cho thân tâm ở trạng thái tĩnh chỉ, cư là định trú trong một thời gian nhất định. Trong thời gian ba tháng mùa mưa ở Ấn Độ thì chư tăng không được đi hành hóa các nơi, hơn nữa do vì trong thời gian này các loại cây cỏ, côn trùng phát sanh, nên để đừng sát thương các vật đó, hàng đệ tử Phật thường tập trung lại một nơi, cấm túc, đặt ra quy chế tọa Thiền tu học.
Ngoài ra luật tạng còn quy định chi tiết về địa điểm, cách thức tổ chức, thời gian quy định cho những trường hợp bất khả kháng phải ra khỏi phạm vi đã kiết giới… thiết tưởng cũng cần tìm hiểu qua một số chi tiết để thấy giá trị và sự cần thiết cho luật an cư Phật chế, từ đó, chư Tăng sau kỳ mãn hạ được tính thêm một tuổi Đạo, làm điểm tựa cho tín chúng, tự thân thăng tiến đạo lực và tuệ giác.
Về địa điểm an cư, thì luật Tứ phần quyển 37 An cư kiền độ, nêu lên các chỗ như: dưới gốc cây, nhà nhỏ, hang núi, hốc cây, trên thuyền, làng mạc..., hoặc nương nơi những người chăn bò, người ép dầu, người đốn gỗ để an cư. Luật Ngũ phần quyển 19 An cư pháp, thì cấm chỉ không được an cư ở những nơi không có sự cứu hộ, như: giữa bãi tha ma, chỗ không cây cối, nhà lợp bằng da thú (còn có lông), chỗ đất trống...
Lại trước khi an cư, phải sửa sang phòng xá, đồng thời, phân phối phòng xá và các vật cần dùng cho đại chúng một cách đồng đều. Còn về ngày giờ phân phối, thì luật Ma ha tăng kỳ quyển 27 Sàng nhục pháp điều, nói: nếu nơi an cư tương đối gần thì có thể phân phối vào ngày mười lăm tháng tư; nếu nơi an cư tương đối xa, hoặc số người an cư quá đông mà phải chia bớt đến nơi khác để an cư thì có thể phân phối sớm hơn vào ngày mười ba tháng tư. Lại trước khi vào an cư, phải đối trước người mình nương tựa (vị tỷ kheo có đức hạnh) để bày tỏ ý kết chế an cư, gọi là đối thủ an cư; không có người nương tựa, thì trong tâm tự nói ý kết chế an cư để vào an cư, gọi là tâm niệm an cư. Trong thời gian an cư, cấm chỉ không được ra ngoài đi chơi, nếu người nào không tuân quy định ấy thì mắc tội ác tác. Tuy nhiên, cứ theo luật Tứ phần quyển 37, thì nếu người nào có thể trở về ngay trong ngày thì được phép ra ngoài; hoặc có việc đặc biệt cần thiết, được Tăng đoàn thừa nhận, thì có thể được phép ra ngoài trong vòng bảy ngày, mười lăm ngày, phương pháp này gọi là Thất nhật pháp, Thụ nhật pháp. Ngoài ra, nếu người nào vi phạm quy định này mà ra ngoài, thì đắc tội ác tác, gọi là phá an cư, phá hạ, sẽ mất tư cách tiếp nhận các vật cúng dường an cư được phân phối.
Nhưng, nếu vì các chướng nạn như: chạy tránh ác thú, rắn độc, hỏa hoạn, nước dâng, vua bắt, giặc đuổi, trúng thực, nữ nhân, thân tộc..., hoặc vì sự hóa giải việc phá tăng mà rời khỏi nơi an cư, thì không phải tội.
Về thời gian an cư, thông thường phần nhiều lấy một hạ chín tuần (tức ba tháng) làm kỳ hạn. Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao quyển thượng phần 4, lấy ngày 16 tháng 4 là ngày đầu an cư, ngày 15 tháng 7 là ngày cuối cùng, ngày hôm sau là ngày Tự tứ; luật Ma ha tăng kỳ quyển 27, thì lấy ngày 15 tháng 7 làm ngày Tự tứ; Đại đường tây vực ký quyển 2, quyển 8, thì ghi thời kỳ an cư là từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 15 tháng 8. Về chủng loại an cư thì có hai thuyết, một thuyết là tiền an cư, hậu an cư, tiền an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 5, hậu an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 6. Thuyết thứ hai là tiền an cư, trung an cư và hậu an cư, tiền an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 4, trung an cư bắt đầu vào ngày 17 tháng 4 đến ngày 15 tháng 5, hậu an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 5..
Ngày đầu an cư gọi là kết hạ, ngày kết thúc viên mãn gọi là giải hạ, quá hạ, hạ kính, hạ mãn, hạ giải, an cư kính. Thời kỳ giữa kết hạ và giải hạ, gọi là bán hạ. Cứ theo luật Tứ phần quyển 43 Ca hi na y kiền độ chép, khi kết thúc an cư phải làm bốn việc là: tự tứ, giải giới, kết giới và thụ công đức y. Tức sau khi an cư đã viên mãn, đại chúng phải tự xét những hành vi của mình trong thời gian an cư, nếu có tội thì tự giải bày để cùng nhau sám hối, gọi là tự tứ; ngày tự tứ gọi là tự tứ nhật, Phật hoan hỉ nhật. Lại khi kết thúc an cư, phải giải trừ cái phạm vi đã được kết giới mà trong thời gian an cư không được ra khỏi, gọi là giải giới. Lại sau khi an cư đã viên mãn, các tỷ kheo, tỷ kheo ni được thêm một tuổi hạ gọi là Pháp lạp. Pháp lạp cũng gọi là hạ lạp, là tiêu chuẩn quy định thứ bậc lớn, nhỏ của người xuất gia..
Theo Phật Giáo Nam Tông tức là Phật Giáo Nguyên Thủy: Theravada, chư tăng làm lễ nhập Hạ ngày 16 tháng 6 âm lịch. Nhập Hạ có 2 cách:
1. Nhập Hạ kỳ trước, gọi là Tiền An Cư, là nhập Hạ kể từ ngày 16 tháng 6 đến ngày Rằm tháng 9 âm lịch.
2. Nhập hạ kỳ sau gọi là Hậu An Cư, là nhập hạ kể từ ngày 16 tháng 7 đến ngày Rằm tháng 10 âm lịch.
Trong thời gian 3 tháng an cư kiết hạ, Chư Tăng cũng vẫn đi trì-bình khất thực như thường lệ. Ví đó là lề lối sống của Chư tăng hằng ngày.
Nguyên nhân chế tác an cư
Khí hậu Ấn độ có ba mùa rõ rệt, mùa nắng, mùa mưa và mùa lạnh. Chư Tăng đi khắp nơi để hoằng hóa.Mùa mưa côn trùng cây cỏ sinh sôi nảy nở, tu sĩ các tôn giáo bản địa đều ẩn cư vào mùa mưa, Những kẻ ngoại giáo có cơ hội chê trách, nói rằng: Đến mùa mưa loài chim, loài kiến còn biết làm ổ để ở, các nhà Sư đệ tử Cồ Đàm cứ đi mãi, dẫm nát cỏ non và côn trùng. Nhân cớ ấy, Đức Phật mới dạy Chư Tăng phải nhập Hạ, là cư ngụ trong một nơi cho đến hết mùa mưa.từ lý do đó, Phật chế an cư, ba tháng chư Tăng không ra khỏi nơi cư trú.Trong ba tháng đó, ngoài vấn đề an ninh do thú dữ, do con người, do thiên nhiên, còn cần sự hỗ trợ lương dược, vì vậy luật quy định không xa xóm làng cũng không quá gần chợ búa, ồn ào, gọi là chỗ "không có năm lỗi":
Chỗ không quá xa xóm làng, để tiện đi khất thực. Chỗ không gần thành-thị, ồn ào huyên náo. Chỗ không có kiến, ruồi, muỗi nhiều mình và chúng sanh khó tránh điều có hại.Chỗ có vị Tỷ kheo đủ 5 đức để mình nương nhờ.
Chọn chỗ an cư cần có vị Tỷ kheo đủ 5 đức là:
1. Chỗ mình chưa nghe, ông dạy cho mình nghe
2. Chỗ mình nghe rồi, ông làm cho đặng thanh tịnh.
3. Hay giải quyết dùm những chỗ nghỉ của mình.
4. Thông suốt kinh luật, sẵn lòng dạy bảo.
5. Có chánh kiến.
Lợi ích việc an cư:
Trong ba tháng cộng trú, chư Tăng thực hiện tinh thần lục hòa:
1.Thân hòa đồng trụ, là giúp đỡ lẫn nhau chung sống.
2. Khẩu hòa vô tranh, là dùng lời nói ôn hòa không tranh cãi.
3. Ý hòa đồng duyệt, là tâm-từ-hòa khuyên bảo lẫn nhau
4. Kiến hòa đồng giải, là sự hiểu biết trao đổi cùng nhau.
5. Giới hòa đồng tu, là cùng nhau nghiêm trì giới luật.
6. Lợi hòa đồng quân, là lợi lộc đồng chia đều nhau.
Thúc liễm thân tâm, trao dồi giới đức, chuyên sâu thiền định, đạo lực tăng trưởng…
Dĩ nhiên suốt ba tháng, vẫn có những trường hợp bất khả kháng để chư Tăng ra khỏi hạ trường, có trường hợp cho phép với thời gian chỉ định, có trường hợp bất hợp pháp không được trường hạ thông qua, cũng có những trường hợp bị quấy phá ảnh hưởng thời gian an cư, đành phải di dời như:
1. Trong Hạ bị thú dữ, ma quỷ khuấy phá, hoặc có kẻ trộm cướp ở gần, có thể bỏ chỗ ấy đi nơi khác được.
2. Xóm nhà mà vị Tỷ kheo thường đi trì bình khất thực, nhưng vì hoàn cảnh nào đó mà thiện tín dời đi hết. Vị Tỷ kheo không còn nhờ nơi nào khác được nên phải bỏ chỗ đó mà đi nơi khác.
3. Chỗ ở hư sập, lửa cháy, nước lụt, thì phải đi tìm nơi khác.
4. Bị phụ nữ lân cận trêu ghẹo, cám dỗ, thì phải bỏ đi nơi khác.
5. Thấy có vàng bạc, ngọc ngà, châu báu chôn dấu gần nơi cư ngụ, sợ ở lâu tâm đầy tham lam mà lấy của ấy, nên phải bỏ đi nơi khác.
6.Nội bộ có ý đồ chia rẽ.
7. Và Tăng đã chia rẽ nhau, được phép đến nơi ấy cố gắng giải hòa, thì không phạm tội, nhưng bị đứt Hạ.
Mãn hạ:
Có nhập hạ cũng phải có giải hạ, gọi là mãn hạ, để kết thúc mùa an cư kiết hạ, chư Tăng làm lễ Tự Tứ. Đức Phật có dạy: "Như Lai cho phép Chư Tỷ kheo đã nhập Hạ đến mãn mùa mưa rồi phải hành lễ Tự-Tứ theo 3 điều:
1. Vì được thấy
2. Vì được nghe
3. Vì được nghi.
Tự-Tứ là việc chỉ lỗi giùm, thức tỉnh cho nhau bằng 3 cách: thấy, nghe và nghi, chư Tăng tùy ý, tự-do chỉ tội để sám trừ tội ấy. Đây là một việc phê-bình kiểm thảo một cách hài hòa xây dựng chung cho chư Tỳ-Khưu Tăng cùng chung kiết-hạ an-cư trong một chùa. Cụ thể là người đứng ra cử tội (chỉ lỗi của người khác) phải hội đủ năm đức tính:
1- Nói đúng lúc, không nói phi thời.
2- Thành thực, không gian dối.
3- Vì lợi ích, không phải vì tổn hại.
4- Vì từ tâm, chứ không có ác ý.
5- Nói năng nhã nhặn, không nói thô lỗ.
Sau lễ tự tứ mới phát hiện lỗi sai phạm của một vị Tăng thì không được cử tội nữa mà cho thông qua gọi là bất hồi tố.
Sau đó, chư Tăng được thọ “pháp y” mới, gọi là lễ dâng y mà Phật giáo Nam tông gọi là lễ Dâng Y Kathina. Đức Thế Tôn truyền rằng: "Này các Thầy Tỷ kheo, Như Lai cho phép các thầy đã nhập Hạ thọ lãnh để Dâng Y Kathina. Này các thầy Tỷ kheo, khi các thầy thọ lễ Dâng Y Kathina xong, thì được 5 điều phước báo". Đây là nguyên nhân mà chư Tăng được phép thọ lãnh để Dâng Y Kathina.
Sau khi mãn hạ, được xem là thêm một tuổi Đạo, chư Tăng trở về trú xứ hoặc đi hoằng pháp, Thượng cầu hạ hóa.
Đức Phật suốt 45 năm hướng dẫn chư Tăng và tín chúng tu tập, cũng là 45 năm đức Thế Tôn hành tác an cư theo Tăng chúng.
Mùa an cư thứ 45 là mùa an cư cuối cùng của Đức Thế Tôn tại ngôi làng Beluva gần kinh thành Vesāli. Trong mùa hạ này Ngài lâm trọng bệnh nhưng vẫn duy trì báu thân để tiếp tục công cuộc hoằng pháp độ sinh. Đức Thế Tôn nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại đây rồi tiếp tục du hành về nhiều nơi và cuối cùng là Kusinārā để viên tịch Niết bàn vào ngày trăng tròn tháng Vesak.
An cư là nếp sinh hoạt cần và đủ để chư Tăng thúc liễm thân tâm, tiến tu đạo nghiệp, xây dựng một Tăng đoàn thanh tịnh, trang nghiêm, hòa hợp, sau 26 thế kỷ, Phật giáo trên thế giới vẫn duy trì tốt như sự báo đáp ân Phật.
An cư, tự tứ, khai đàn truyền giới… hay bất cứ lễ nghi tôn giáo thuộc thuần túy nội bộ,cần sự thanh tịnh và dưới sự chứng minh của cao Tăng thạc đức, thế nhưng, vài nơi lầm lẫn thiết lễ tôn giáo và lễ nghi hành chính, đã mời các quan chức đến tham dự như sự có mặt cần thiết, đáng ra không cần thiết cho việc tu tập.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chung quanh vấn đề vãng sanh
Nghiên cứu 20:00 21/11/2024Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Nghiên cứu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Nghiên cứu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Nghiên cứu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Xem thêm