Viết cho mẹ
Năm nay mẹ tôi yếu hơn những năm trước nhiều. Thân thể đau buốt từng cơn, rã rời từng đoạn. Ngồi bên mẹ, nhìn từng nếp nhăn trên khuôn mặt gầy gò của mẹ, tôi thấy cả một dòng đời chìm nổi tuôn chảy trên mắt, trên môi, trên mỗi ngón tay lần tràng hạt của mẹ.
Bất giác cầm tay người, tôi nói trong thì thầm: “Mẹ ơi! Con đang ở bên cạnh mẹ đây. Bây giờ và mãi mãi.”
Rồi quê tôi như hiện về…
Những năm tháng chiến tranh, quê hương bị bom đạn giày xéo. Mẹ một mình đùm bọc mấy anh em tôi trong đau thương huyết lệ. Tất cả đã qua đi, nhưng mỗi lần nhìn thấy mẹ là tôi không thể nào quên những cuộc trầm thống ngày xưa cũ. Cuộc đời của mẹ. Tình thương của mẹ. Dòng nước mắt mặn đắng của một thời sóng gió.
Lần đó, bất thần tôi về quê thăm mẹ. Người đi vắng. Tôi ra nhà sau giở hũ gạo, không còn một hột. Nhìn khắp trong nhà chẳng có vật gì cả. Nghèo khổ và khốn khó đến như vầy sao? Tôi bật khóc. Thời trai tráng của tôi đã đem đến được gì cho mẹ ngoài hai bàn tay trắng, một sự nghiệp rỗng không của kẻ tăng lữ không nhà! Tôi chợt nhớ lại cái hôm Sư ông cho gọi tôi tới dạy:
– Nghe hoàn cảnh trên quê ông thương, nên cho mấy anh em con tá túc trong chùa để được đi học lại. Mấy đứa lớn ông sẽ dẫn tìm công ăn việc làm.
Mẹ tôi xúc động vô cùng, người đã ân cần nhắc nhở chúng tôi:
– Quê mình gặp lúc chiến tranh ác liệt, người chết, nhà cửa tan hoang, gia đình ly tán, khó có ngày đoàn tụ. Các con phải ráng tu, Phật mới độ cho sống sót, cho đoàn tụ. Má hằng đêm đốt nhang khấn nguyện giữa trời, cầu cho đất nước sớm thanh bình, các con bình yên, má con mình sớm đoàn tụ. Các con phải luôn nhớ tấm lòng và ân đức của Sư ông, gia đình mình đầu đội, biết bao giờ mới trả cho xong. Càng nhớ tôi càng thương mẹ quặn thắt. Lòng tự dặn lòng phải ráng tu cho mẹ vui, mẹ bớt khổ.
Nghiệp dĩ nào đã đưa đẩy tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, chứng kiến cảnh mẹ chịu quá nhiều đau khổ? Nếu không có giáo lý Phật-đà, có lẽ tôi sẽ sống trong nỗi buồn tủi khôn nguôi. Nhưng Phật đã dạy rõ, âu cũng là phước nghiệp mà ra. Có lẽ nhiều đời ta làm khổ người, bây giờ người làm khổ lại, ta đã từng thương tổn sinh linh nên hôm nay phải chịu một thời sống trong tao loạn. Cũng cùng một quê hương, nhưng hoàn cảnh không ai giống ai. Có người vui sướng, có kẻ buồn khổ, nhà Phật gọi là “đồng nghiệp dị kiến”. Chẳng qua cũng chỉ là phước nghiệp không đồng đều, đời này hay đời trước người tu nhiều kẻ tu ít nên nhân quả cạn mỏng khác nhau. Trồng nhân lành thì được quả tốt, gieo nhân ác thì chuốc quả xấu. Hiểu thấu chỗ này, ta phải chỉnh đốn từ nhân thôi. Nhờ biết thế tôi đã ít nhiều vượt qua những mặc cảm buồn tủi, quên đi dĩ vãng mà tập trung vào việc tu học.
Ít lâu sau, tôi lại trở về nhưng chỉ ghé chùa Tổ. Sư bác cho người nhắn mẹ ra. Được tin tôi về, mẹ quày quả lội bộ hằng mấy cây số ra chùa, mong sớm gặp tôi. Tôi thất sắc khi thấy mẹ quá xanh xao tiều tụy. Chưa kịp nói gì mẹ đã dúi vào tay tôi, rồi thì thầm vừa đủ hai mẹ con nghe:
– Má nghe con về má mừng quá! Nhà không có gì, má lật đật ghé tạt qua xóm mua xôi bánh cho con. Có mấy trái chuối nữa nè. Ăn đi.
Tôi cúi xuống nuốt lệ, không ăn được, không sao ăn được. Thấy vậy mẹ lo ngại hỏi tôi:
– Con mạnh không, tu ở dưới làm sao? Lâu quá hổng về, má nhớ lắm.
Tôi dường như không còn đủ sức để đứng vững nữa. Tay chân rụng rời, lòng quặn đau, nhưng vẫn cố làm tỉnh hỏi lại:
– Má khỏe không? Lúc rày má làm gì, nhà mình có đỡ hơn không?
Mẹ tôi nín lặng thật lâu, rồi bật khóc. Hai mẹ con gặp nhau bời bời khúc ruột. Một người em dâu của mẹ lại qua đời vì đạn bom, các em tôi khóc hết nước mắt. Gia đình tôi nghèo lại càng nghèo, khổ lại càng khổ. Hôm ấy mẹ kể thật nhiều chuyện. Toàn là chuyện buồn. Rồi đến lúc cũng phải chia tay, mẹ quyến luyến bên tôi không muốn rời. Sau này tôi mới hay hôm đó mẹ đã ôm bụng đói lội bộ mấy cây số về nhà, sau khi đưa cho tôi tất cả bánh trái mà người dành dụm tiền mua được. Về đến nhà, mẹ đã ngất xỉu.
Viết đến đây ngòi bút tôi dường như đã ướt sũng…
Ôi! Nước mắt chúng sanh quả là nhiều hơn nước trong bốn biển. Ngày xưa thái tử Tất-đạt-đa dạo bốn cửa thành thấy cảnh bệnh, lão, tử và hình bóng một Sa-môn mà ngài đã tìm đường thoát khỏi sinh tử, cứu độ muôn loài. Còn tôi là một nạn nhân nằm trong cuộc bi thương như vậy, nhưng sao vẫn chưa có lối thoát, chưa tìm được một chút bình an cho mình và người thân? Mỗi lần đối diện với hoàn cảnh gia đình, tôi như càng bị thôi thúc, phải làm sao để cứu mẹ và người thân mau thoát khỏi cảnh này. Phật nói thế gian là khổ. Người tu là vì muốn thoát khổ nên mới bỏ nhà, không nhà học đạo. Mục đích duy nhất là để giải quyết cho xong thân phận kiếp người, giải thoát sinh tử. Mẹ tôi tuy quê mùa nhưng sớm biết như thế nên đã đưa tôi vào chùa từ thuở tôi còn ấu thơ. Bởi vì mẹ không muốn con mình khổ, chỉ một mình mẹ chịu khổ thôi. Ôi! Tình mẹ. Con sẽ không để mẹ phải chịu khổ nữa đâu. Con sẽ tu và đưa mẹ về chỗ an vui . Tôi đã thầm nguyện với lòng mình như thế trong suốt cuộc đời tu hành.
***
Năm ấy giáp tết, tôi lại về quê thăm mẹ. Trảng Bàng chiều xuống thật vắng. Cuộc chiến tuy tạm dừng nhưng bầu không khí vẫn còn rờn rợn quanh thôn. Đến nửa đêm, tiếng súng nổ đì đoành, thế rồi cả bầu trời rực lửa. Pháo và pháo, nhưng không là pháo hoa của em thơ mừng đón xuân sang, mà là pháo đạn. Trên không trung nổ, dưới đất nổ, ngang lưng trời nổ, người thú kêu gào trong lửa chớp. Bom đạn dày xéo da thịt quê tôi, cướp mất mạng sống dân tôi, xé nát trái tim tôi. Một tăng sĩ đôi mươi đứng trước cảnh tượng hãi hùng này, tôi không biết phải làm gì, đành thầm lặng cúi xuống chắp tay nguyện cầu.
Bấy giờ trong nhà chỉ có một cái hầm, mẹ và mấy anh em tôi đã xuống hết rồi, chỉ còn tôi sót lại bên trên. Mẹ hốt hoảng gọi to:
– Mau xuống hầm, con.
Tôi vẫn ngồi đó. Mẹ không yên, cứ trèo lên tuột xuống giọng khẩn khoản lo sợ:
– Xuống hầm mau lên con ơi!
Nhìn tôi bất động trong sấm chớp lửa đạn, mẹ nước mắt đầm đìa. Sự lặng câm của tôi làm mẹ đau khổ dường nào tôi chẳng hề biết. Còn tôi, tôi cứ nghĩ đến Phật. Nếu như lúc ấy phải chết mà trong tôi có Phật, bên tôi có mẹ là đủ rồi, nên lòng bình an lạ thường. Bây giờ nhớ lại, tôi thấy mình có lỗi với mẹ thật nhiều. Người đã ôm trọn đời tôi vào lòng, đã nhào nặn nên mảnh hình hài tôi, đã chắt chiu từng phút giây để giữ gìn mạng sống cho tôi. Bởi vì tôi là máu thịt của mẹ, là cốt tủy của cha, là niềm tin và hy vọng của cả nhà. Thế mà tôi chẳng hiểu, chẳng trân quý một biển lòng của mẹ. Để bây giờ ngồi thật gần người, tôi nói trong thinh lặng: “Mẹ ơi, con xin sám hối mẹ. Nhờ có Phật độ và nhờ vào tấm lòng che chở của mẹ mà hai mẹ con mình vẫn còn sống sót và cùng đoàn tụ dưới một mái chùa.”
Chiến tranh đã đi qua, đạn bom đã đi qua, nhưng nỗi đau tang tóc cha xa con, vợ lìa chồng, anh mất em… vẫn còn đó. Và vết thương, và máu xương vẫn âm ỉ chất độc trên da thịt dân tôi, trong ngấn lệ quê tôi. Đây không chỉ là thảm cảnh của những cuộc chiến mà là hậu quả của lòng tham lam, sân hận, si mê. Đã bao lần tôi tự hỏi: Tại sao trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn, mà loài người không thể yêu thương nhau? Thù hận, chém giết, xâm lấn nhau, để cuối cùng xác chết đồng loại chồng chất lên nhau là hạnh phúc hay sao?
Ngày ấy tôi đã chắp tay thành khẩn giữa đêm trường: Xin loài người biết lấy niềm đau của riêng mình làm nỗi đau chung của nhân loại, xin ngọn lửa binh biến biến thành ánh đuốc từ bi, cho sinh linh hết cơ cực lầm than và tình yêu thương xóa tan những hận thù. Cho em thơ vui tiếng hát thanh bình đầu vườn cuối ngõ, cho dân tôi đêm đêm ngủ giấc an lành và những hôm trăng sáng có tiếng trẻ thơ nô đùa, tiếng chó sủa vang vọng sau hè. Thật gần gũi, thật thôn quê. Tôi hy vọng, tôi tin tưởng một ngày không xa, ánh sáng trí tuệ và từ bi của đạo Phật sẽ vực con người dậy từ hố sâu vực thẳm của lòng ích kỷ tham lam, cho nhân loại xích lại thật gần để hiểu biết, yêu thương và tha thứ. Bởi vì nỗi đau nào chẳng là nỗi đau chung. Phật dạy:
Ai cũng sợ dao gậy
Ai cũng quý sự sống
Lấy ta suy bụng người
Không giết, không bảo giết.
(Pháp Cú)
Dựng lại một niềm tin để yêu thương sự sống và muôn loài phải được bắt nguồn từ một bản tâm vô ngã, vị tha. Đức Thế Tôn đã thực hiện được điều này và di huấn của ngài để lại cho nhân loại đến bây giờ vẫn còn tỏa sáng lung linh. Đó chính là niềm an ủi lớn nhất, là con đường duy nhất cho chúng hữu tình đang chìm trong thống khổ vươn lên. Trong đó có tôi, mẹ tôi, những người thân và bạn lứa anh em tôi.
Chút phước duyên nào còn sót lại, khiến cho mẹ và tôi đã gặp Phật pháp, gặp được Hòa thượng ân sư, được sống lại từ ân đức của ngài. Thầy đến trong đời tu của tôi như hiện thân Bồ-tát, đưa bàn tay từ ái kéo tôi và mẹ lên bến bờ an vui. Không gặp Thầy, mẹ và tôi không biết sẽ trôi giạt về đâu? Xin cảm ơn những nỗi đau đã giúp cho tôi biết Khổ, Tập, Diệt, Đạo, giúp tôi đứng dậy mà quay về nẻo giác. Và lời Phật dạy tôi luôn nhớ mãi trong tâm:
… Chúng sanh khổ con nguyền cứu khổ, Chúng sanh khổ con nguyền tự độ…
Đất nước lại thanh bình. Mẹ bây giờ đã có thể ngồi yên niệm Phật được rồi, tôi mừng lắm. Niềm mơ ước lớn nhất của tôi là những ngày cuối đời mẹ được sống nương tựa Tam bảo, buông xuống hết những năm tháng nhọc nhằn buồn khổ, để tâm hướng về với Phật, gần Phật và sống theo lời Phật dạy. Nhìn thấy mẹ khỏe tôi vui, nhìn thấy tôi vui mẹ mãn nguyện tuổi già. Tôi tin vào luật nhân quả, vào Phật pháp nhiệm mầu. Cúi xuống thật sâu, tôi nghe lòng ngập tràn ánh sáng vô biên của Phật-đà.
***
Mẹ ơi,
Bây giờ khoảng canh ba, trong thiền phòng vắng lặng, khói trầm hương quyện tỏa, con ngồi viết cho mẹ. Nhưng không chỉ viết cho mẹ thôi, mà cho tất cả những bà mẹ trên cõi đời, đã dành hết đời mình cho những đứa con. Từng miếng ăn giấc ngủ của con là từng hơi thở nhịp đập trong trái tim mẹ. Từng nỗi buồn vui của con là những khúc ruột quặn thắt của mẹ. Con thành nhân chi mỹ mẹ xin dâng hiến cho đời, con khốn khó đau thương mẹ nguyền muôn kiếp theo con vỗ về, yên ủi, sẻ chia. Lòng mẹ sâu sâu hơn biển, cao cao hơn núi và diệu kỳ hơn cả đất trời. Xin cho tất cả những người con biết quỳ xuống đảnh lễ niệm ân trước tấm lòng và công đức sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, mãi mãi biết yêu thương và trân quý tình thiêng liêng phụ mẫu. Xin cho vô lượng vô lượng trái tim những bà mẹ đỏ thắm màu sắc son, được thấm đượm ánh sáng đức từ bi.
Con quỳ xuống dâng lên mẹ một nén tâm hương, nguyện mẹ sống lâu nơi đời, an vui trong chánh pháp để con được sớm hôm kề cận, cùng mẹ vui sống tu hành, bao giờ thành Phật mới vừa lòng con.
Cúi xin mẹ thương nhận cho.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Dành cho bạn
Founder công nghệ dầu khí Lâm Thành Đức: “Thiền định giúp tôi cân bằng tâm trí”
Phật giáo và người trẻ 13:49 05/11/2024Đam mê và thiền là yếu tố giúp Founder Lâm Thành Đức chinh phục những cột mốc mới, gần nhất là chuyển nhượng thành công công nghệ của USI Technology.
Ra đi để biết nẻo về
Phật giáo và người trẻ 13:50 01/11/2024Có một cô bé vì làm quấy nên bị mẹ quở mắng, cô cãi lại mẹ rồi tức giận bỏ nhà ra đi. Cô đi lang thang từ sáng đến tối mà chẳng biết về đâu, bụng đói meo vì không có gì bỏ vào cả, trong túi của cô cũng chẳng có tiền.
“Thành tâm niệm Phật đi, sẽ có những điều mầu nhiệm”
Phật giáo và người trẻ 13:55 31/10/2024Lúc còn nhỏ, không hiểu vì lý do gì mà đột nhiên tôi có khối u ở cổ, ăn uống chẳng được, cơ thể mệt mỏi, đau nhức lắm. Lúc đầu bác sĩ ở tỉnh tưởng là viêm tuyến giáp nên cho uống thuốc kháng sinh, uống được một tuần nhưng khối u càng lúc càng to.
Nhớ lại bốn kiếp luân hồi, thấm thía sự công bằng của nhân quả
Phật giáo và người trẻ 13:00 30/10/2024Chịu những quả báo bệnh tật, tai ương, tôi không còn oán thán, than trời trách đất, mà bình thản lãnh chịu. Dù cho đau khổ có gấp nhiều lần hơn thế nữa, thì cũng là nhân quả công bằng, mình làm mình chịu.
Xem thêm