Những ai còn mẹ
Tôi ra đời không biết mặt ba mình. Má một mình vượt đắng cay của người con gái lỡ lầm “bụng mang dạ chửa” khi chưa được cưới xin. Sau bao cắn đắn, tôi được giữ lại và sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó. Ở nông thôn Việt Nam vào những năm 80, tình cảnh ấy thực sự khắc nghiệt.
Tôi lớn lên với tình thương của má và ngoại trong hoàn cảnh cùng cực. Tôi nhớ mãi những ngày còn rất bé, không năm nào nhà đủ gạo ăn. Ngoại tôi phải chạy vạy mượn vay hàng xóm, má đi dọn cỏ vườn, làm bánh thuê cho người ta đến tận sát Tết. Trong khi nhà người ta chộn rộn chuẩn bị đón Tết thì má cặm cụi làm việc chỉ để có bữa chợ ngày ba mươi với mâm cúng đơn sơ, và một chiếc áo mới cho tôi khỏi tủi thân.
Lớn hơn tí, nhà tôi vẫn nghèo. Má bệnh nhưng không dám mua thuốc nên bệnh ngày càng nặng. Nhưng chưa bao giờ má biểu tôi nghỉ học hay than thở điều gì. Má vẫn làm lụng với cái lưng đau thắt do viêm thần kinh liên sườn, để tôi vẫn ngày ngày đến trường trong niềm vui của má.
Lần đầu tiên tôi rời khỏi làng quê heo hút dưới con đèo Le của huyện Nông Sơn là 17 năm trước để đi thi đại học. Hành trang tôi mang theo là mấy bộ đồ cũ kỹ đã mặc suốt ba năm trung học, vài trăm nghìn đồng là tiền mồ hôi nước mắt má dành dụm từ cả tháng làm công cho người ta.
Giấy báo đỗ đại học về, má còn mang nỗi lo lớn khác. Đó là tiền học suốt 4 năm của tôi trong khi nhà không có một đồng. Tôi làm hồ sơ nhập học. Má chạy vạy vay tiền gần như cả xóm mới được hai triệu ba trăm nghìn đồng để tôi mang theo đóng học phí kỳ thứ nhất và nộp tiền ở ký túc xá.
Không lâu sau ngày tôi rời nhà đi học, má cũng vào Sài Gòn, nhờ người quen kiếm giúp việc phụ quán ăn ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình. Mỗi tháng má có tiền công rửa chén 400 ngàn đồng gửi cho tôi mua cơm ký túc xá. Má bảo "làm ở đây cũng tốt lắm". Nhưng khi tôi đón xe buýt lên thăm má thì đôi bàn tay bà đã bị nước rửa chén ăn lở loét, tróc hết da.
Hơn 35 năm qua, hai má con tôi ôm nhau khóc không biết bao lần, kể cả khi vui. Tôi luôn thầm cảm ơn những sẻ chia tôi chưa bao giờ ngừng nhận trong cuộc đời. Tôi biết ơn cả người cha không thấy mặt. Bởi nhờ đó tôi có má. Tình thương má của tôi mỗi ngày nhiều hơn một tẹo, bởi vì tôi và má, hai cuộc đời gắn với nhau một cách đặc biệt.
Thi thoảng tôi hỏi: "Má còn giận ba không?". "Khi mình buông bỏ được những điều bất trắc gặp phải trong đời, mình sẽ hạnh phúc", má nhiều lần dặn như thế.
Nhưng tôi cũng biết, còn có những người mẹ, người con không hạnh phúc. Giữa họ vẫn còn những dòng sông hờn giận và trách móc. Còn có những đứa con bỏ bê, tệ bạc với mẹ. Còn có những người mẹ từ chối con. Thường, ai cũng dễ tha thứ cho mình và ít khi bỏ qua lỗi lầm của người khác. Đó là cuộc sống. Ta thực không đủ tư cách để phán xét hay khuyên nhủ người đời. Nhưng tôi biết, cái tâm ích kỷ sẽ luôn đưa ta tới sự bạo động trong lời nói, việc làm.
Tôi luôn tin rằng, theo quán niệm về nhân-duyên-quả, người ta không vô lý mà trở thành mẹ - con trong cuộc đời này. Hơn nữa, theo quan điểm của nhà Phật thì tháng bảy đẹp nhất trong năm, là xá tội vong nhân. Vong nhân còn được xá tội huống chi con người? Chúng ta nên nghĩ tháng bảy là dịp bỏ qua mọi oán hận cho nhau, để cuộc sống chỉ còn lại điều tốt đẹp. Dù ai đi xa cũng nên quay về tri ân, báo hiếu đấng sinh thành.
Hồi năm 2005, lần đầu tiên đọc đoản văn "Bông hồng cài áo" của Thiền sư Nhất Hạnh, tôi đã khóc như mưa. Bài đó được Thiền sư viết từ năm 1962, mà cứ như viết cho tôi vậy. "Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ... Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh".
Thực sự, với người Việt Nam, để nói thương ai đó thật khó, dù trong lòng thương nhiều lắm. "Mẹ có biết là con thương mẹ không?". Theo Thiền sư, cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì cũng nên hỏi một câu ấy, dù câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt.
"...Anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng" (Thích Nhất Hạnh).
Về tác giả bài viết và báo Giác Ngộ
Tác giả của bài viết là cư sĩ Lưu Đình Long, phóng viên báo Giác Ngộ, tờ báo của giới Phật giáo, Phật tử cả nước, cơ quan thuộc Giáo hội PGVN TP Hồ Chí Minh.
Báo Giác Ngộ có tuổi đời 43 năm, là nguồn thông tin uy tín, tin cậy và chuyên biệt về Phật giáo tại Việt Nam.
Bài viết được Phatgiao.org.vn trích dẫn lại từ nguồn VNExpress.net.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao con muốn tu tập?
Góc nhìn Phật tử 09:30 05/11/2024Thưa sư cô, con muốn tu tập, sư cô dạy cho con tu với được không ạ? Hằng ngày con nghe giảng pháp, niệm Phật và thỉnh thoảng con có ăn chay. Như vậy có phải tu không ạ?
Tình mẹ - Bến bờ bình yên cho con
Góc nhìn Phật tử 20:21 04/11/2024Tình yêu thương của người mẹ dành cho con là tình cảm sâu sắc, thiêng liêng và bền bỉ nhất trên đời.
Kích hoạt sự giàu có của bạn trong đời
Góc nhìn Phật tử 13:30 03/11/2024Bạn nhận ra được những giá trị nơi bản thân và có thể trao tặng những giá trị này đến cuộc đời, cuộc đời sẽ tặng bạn lại sự thịnh vượng và giàu có. Lúc bấy giờ giàu có là hệ quả tất yếu của hành động trao giá trị.
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Xem thêm