Vô minh là gì mà có khả năng mãnh liệt như thế?
Vô minh là không sáng, là mê lầm. Ngay nơi cuộc sống này, mà không biết cái nào là giả dối, không nhận ra cái nào là chân thật, là vô minh.
Giả không biết, thật không hay, quả tang là kẻ mê lầm. Đức Phật biết rõ những cái nào là giả dối, nhận chân cái chân thật, nên gọi là Người Giác Ngộ. Được giác ngộ thì không còn vô minh, nên giải thoát sanh tử, đồng thời cũng có đầy đủ mọi diệu dụng mà người đời không thể biết hết, nên nói “giải thoát bất tư nghì”. Thế là, Ngài đã đạt được bản hoài trước khi phát nguyện đi tu. Cũng chính là cái thành quả viên mãn của bao nhiêu năm Ngài khổ công đeo đuổi.
Giảng:
Vô minh là cái gì? Vô minh là mê lầm, là không sáng. Tại sao nói mê lầm, không sáng? Tức là hiện tại cái giả không biết, cái thật không hay, đó là mê lầm.
Như quý vị ra ngoài chợ thấy bán hai, ba món đồ bằng kim khí, trong đó có đồ thật, đồ giả. Bây giờ mình nhìn không biết cái nào giả, cái nào thật. Mình mua cái giả mà tưởng cái thật, về nhà người ta nói chị mua lầm rồi. Lầm là không phân biệt được giả thật. Giả không biết, thật không hay đó là lầm.
Cũng vậy, khi mình ngủ mơ mơ màng màng bỗng nghe có tiếng gọi tên mình. Mình trỗi dậy mà không biết tiếng kêu đó là tiếng kêu trong mộng hay tiếng kêu lúc mình thức, rồi cứ mơ màng không biết tiếng đó là thực hay hư thì đó gọi là trong cơn mơ. Trong cơn mơ nên không biết nó là thực hay hư. Nếu tỉnh thì mình biết tiếng kêu đó là thực hay hư. Không biết thực hư là vì lúc đó mình đang mơ mơ, đó là mê.
Quý vị đang mê hay là ngộ? Nếu người nào ở trong chúng này, khi ra đường bị người ta chửi: cái cô này thật là mê ghê! Mặt mày coi sáng sủa vậy mà nói mê cái gì. Sự thật chúng ta có mê không? Điều đó tôi xin nói thật kỹ cho quý vị thấy.
Chỗ này là chỗ phải giảng rất nhiều nhưng mà đây chỉ nói đơn giản một vài câu thôi. Như chúng ta hiện giờ ai cũng nghĩ thân mình là thật. Thân tôi là thật, bây giờ có người nói thân này là giả, quý vị có dễ dàng chấp nhận không? Mình thấy nó thật một trăm phần trăm mà người khác nói giả làm sao mình chịu. Ngay như thân này mình thấy nó thật, bây giờ phân tích ra thì nó là thật hay là giả? Nếu chia chẻ thân này ra thì thấy bốn thứ đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành. Cái gì ướt thì thuộc về nước, cái gì cứng thuộc về đất, cái gì động thuộc về gió, cái gì ấm thuộc về lửa. Trong bốn cái đó quý vị thấy có thiếu được cái nào không?
Thí dụ như tay chúng ta bình thường khô ráo thì da nó cứng, ngâm nước lâu thì nó mềm. Tại sao vậy? Nếu da này không phải là đất thì ngâm nước nó đâu có mềm. Nhưng đất gặp trời nắng nó cứng, mà mưa xuống một đám thì nó mềm. Tại sao đây? - Đất gặp nắng thì cứng, gặp mưa thì mềm. Da tay da chân chúng ta cũng vậy, nếu để nắng thì thấy nó cứng nó chắc, mà ngâm nước chừng một giờ hay nửa giờ thì nó mềm. Nhất là chúng tôi trên núi làm đá, bữa nào lăn đá hay moi đá mà gặp trời mưa thì một lát da tay bị ra máu, bữa nào trời nắng thì không bị ra máu. Dễ biết quá phải không? Bị mưa nên nó ướt, ướt nên nó mềm, mềm cạ vào đá một hồi thì nó ra máu. Còn nắng thì nó khô, khô nên nó chắc nó không bị ra máu dễ dàng. Do đó mình biết rõ da thịt chúng ta là chất cứng, là đất cho nên khi nào gặp nước thì nó mềm chớ không có gì lạ hết.
Rồi sang tới nước, quý vị ngồi một hồi mồ hôi tuôn ra, cái đó không phải nước là gì? Như vậy thì ở ngay thân này đức Phật nói do tứ đại hòa hợp lại mà thành. Mà có phải hòa hợp lại mà thành luôn đâu. Thường thường người ta nói sống phải nhờ tẩm bổ, nhưng sự thật ở đây Phật nói sống phải nhờ vay mượn chớ không phải nhờ tẩm bổ. Vay mượn tức là chúng ta phải mượn từng món ăn bên ngoài đem vào bồi bổ nó thì nó mới sống, không mượn thì nó chết.
Nếu cái gì thật thì cái đó tự nó đã sẵn, không phải nhờ vay mượn. Còn nếu vay mượn thì nó không phải thật. Quý vị chịu nguyên tắc đó không? Cái gì tạm mượn rồi trả thì cái đó không phải thật, còn cái thật là cái sẵn có, tự nó như vậy.
Lỗ mũi chúng ta thử đừng thèm mượn gió chừng mười lăm phút coi, nó còn hay là nó ngã ra chết? Còn thở thì gọi là còn sống, phút giây nào không thở được thì phút giây đó chết? Như vậy mượn mới sống, không mượn là chết thì thật ở chỗ nào? Tới nước cũng vậy, mượn nó thì còn, không mượn chừng vài ba ngày thì cũng chết khô. Rồi đất cũng vậy, ăn uống những chất cứng vào bồi bổ đất. Nói tóm lại chúng ta sống bằng vay mượn đất, nước, gió, lửa bên ngoài mỗi ngày, chớ không phải tự nó có một cuộc sống thật. Sống bằng vay mượn thì gọi là sống giả, vậy mà chúng ta nói nó thật.
Thấy cái giả mà cho là thật thì gọi là lầm. Cho nên nhà Phật gọi là thấy điên đảo. Thấy đảo lộn từ cái này thấy ra cái kia, từ cái giả mà tưởng là thật gọi là thấy mê lầm, thấy điên đảo.
Chúng ta hiện giờ đều sống trong vô minh. Bởi nhận cái giả làm thật nên chúng ta luôn luôn chạy theo cái giả. Cái giả là cái lưu chuyển không cùng, cứ sanh diệt đổi thay luôn luôn cho nên đi trong luân hồi.
Như vậy chúng ta phải hiểu rõ hiện giờ mình đang sống lầm lẫn. Cái lầm lẫn đó một dịp khác tôi sẽ giải thích hết sức kỹ trong những bài giảng khác cho quý vị thấy sự lầm lẫn về thân, về tâm này như thế nào?
Hiện giờ chúng ta đã lầm lẫn cái giả mà cho là thật. Do đó chúng ta sống trong vô minh. Mà sống trong vô minh thì tự nhiên chúng ta đi trong luân hồi không làm sao thoát được.
Vì vậy, muốn thoát ly sanh tử luân hồi chúng ta phải giác ngộ. Mà giác ngộ là thấy rõ manh mối của mê lầm; xưa chúng ta lầm, bây giờ chúng ta không còn lầm nữa. Không lầm nữa là chúng ta giác ngộ hay là có trí tuệ. Trí tuệ thì ngược lại vô minh. Vô minh cũng như là đêm tối mà trí tuệ cũng như mặt trăng, mặt trời sáng. Có mặt trăng, có mặt trời thì không có tối, hay ngược lại có tối thì không có mặt trăng, mặt trời. Hai cái đó nó ngược nhau. Nếu giác ngộ thì không có vô minh, mà vô minh thì dẫn chúng ta đi trong sanh tử; giác ngộ thì thoát ly sanh tử. Đó là hai cái hết sức rõ.
Khi đức Phật đã giác ngộ Ngài có bao nhiêu thứ diệu dụng không thể kể hết, nào là ngũ nhãn, lục thông, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng... Nói chung một danh từ là giải thoát bất tư nghì, tức là không thể nghĩ bàn. Nghĩa là đem trí phàm phu của chúng ta bàn xét không hết được.
Trích Chìa khóa học Phật - HT Thích Thanh Từ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Học cách Phật dạy con
Kiến thức 13:52 01/11/2024Khi Phật thành đạo, có dịp về thăm Vua cha thì La-Hầu-La đã lên bảy tuổi. Và ngay dịp đó, La Hầu La cũng xin theo Phật, xuất gia.
Hạnh phúc của sự buông bỏ
Kiến thức 11:00 01/11/2024Thời Phật tại thế có Tỳ kheo Bạt Đề, khi chưa xuất gia ông làm quan, sau khi quy y Phật chuyên tu hạnh đầu đà, chỉ ngủ dưới gốc cây và chuyên cần thực hành thiền quán.
Nói về mười điều thiện
Kiến thức 10:15 01/11/2024Người nào tụng đọc hiểu, thực hành mười đều lành này thì sau khi mạng chung sẽ được quả báo sanh vào các cõi trời tốt lành hoặc tái sanh làm người thì sanh vào các gia đình hiền đức phú quý.
Ngũ căn - ngũ lực: Năm cội rễ, sức mạnh đưa đến an vui giải thoát
Kiến thức 08:30 01/11/2024Ngũ căn, ngũ lực là nền tảng sức mạnh thúc đẩy tu tập các thiện pháp đưa đến an lạc, hạnh phúc giác ngộ giải thoát sinh tử luân hồi khổ đau bất tận.
Xem thêm