Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 08/09/2018, 11:11 AM

Vũ trụ quan (P.1)

Trong các lĩnh vực tôn giáo, đạo học, triết học, khoa học,… lẽ tất nhiên, mỗi bên có những lối đáp khác nhau. Điều cần là ta nhìn, hiểu nó với tâm trạng của kẻ lữ hành đang trên đường kiếm tìm chân lý sự thật cuộc đời này.

Quan niệm của tôn giáo

- Đạo học 

- Triết học 

- Khoa học và của đạo Phật.

Từ khai thiên lập địa cho đến ngày nay, khi trí thức con người đã triển khai, nhân đứng trước vũ trụ rộng lớn, nào trăng sáng, núi cao, biển rộng, sông dài, mây bay, gió cuốn, hoa nở, chim ca...Tất cả hiện tượng ấy đã là những thắc mắc của con người muôn thuở.

- Vũ trụ là gì?

- Con người do đâu mà có?

Những câu hỏi ấy luôn luôn ám ảnh tâm thức ta, nó bắt ta phải suy nghĩ và đã có biết bao tư tưởng gia, đạo sĩ, triết nhân, đông cũng như tây, đã để ra rất nhiều thì giờ, tâm lực, viết nên những bộ sách vĩ đại, nhằm giải đáp những thắc mắc của con người. Nhưng tất cả chỉ là những mớ lý thuyết còn đọng lại trên trang giấy. Vì triết lý tức là đặt vấn đề để rồi truy vấn những dữ kiện của vấn đề; hơn là giải quyết vấn đề, nếu không muốn nói là không tưởng (!).

Vậy muốn nghiên cứu khái quát về vấn đề quan trọng - vấn đề tìm hiểu vũ trụ và con người - trước hết ta nên du hành qua các địa hạt tôn giáo, đạo học, triết học, khoa học và nhất là đạo Phật, để khách quan tìm hiểu, nhận định và so sánh những điểm dị đồng… rồi nhờ đó, ta có thể nắm vững vấn đề và giải quyết vấn đề một cách chính xác hơn.

Trong các lĩnh vực tôn giáo, đạo học, triết học, khoa học,… lẽ tất nhiên, mỗi bên có những lối đáp khác nhau. Điều cần là ta nhìn, hiểu nó với tâm trạng của kẻ lữ hành đang trên đường kiếm tìm chân lý sự thật cuộc đời này.

* Tôn giáo

Trên thế giới có rất nhiều tôn giáo. Nhưng ở đây chỉ bàn sơ lược mấy đạo giáo, đại diện cho mỗi khuynh hướng khác nhau. Trước hết, ta tìm hiểu về Đa thần giáo, bởi vì tôn giáo này cũng có tính cách liên hệ mật thiết trong việc suy tìm một vũ trụ quan sinh động.

- Đa thần giáo (Polythéisme)

Từ sơ sử thời đại, khi con người đã biết sống quây quần với nhau trong một khung cảnh bình thản, chất phác và hồn nhiên, nghĩa là con người còn sống trong trạng thái man rợ "ăn lông ở lỗ"; nhân đứng trước cảnh hùng vĩ của trời đất, nào trăng sáng, gió reo, sấm chớp, mưa táp bão bùng… thì sinh ra khiếp sợ, vì tự cảm thấy mình bé nhỏ, so với vũ trụ bao la!… Tư tưởng tín ngưỡng thần linh bắt nguồn có từ đấy. 

Con người trong thời phôi thai ấy, đầu óc họ hãy còn trống rỗng sự nhận thức rất thô sơ; chưa biết phải tìm phương thức nào để chống lại với thiên nhiên, với thú dữ… Do đó, họ đành chịu khuất phục. Bất cứ cái gì thuộc về nhiên giới cũng mang một ý nghĩa thần linh sáng tạo và chi phối cả. Núi, sông, cây, cỏ, đất, nước đều có thần linh cai quản. Họ đã thờ thần Sông, thần Núi, thần Thổ địa. Sự thờ cúng không ngoài việc cầu phúc tiêu tai; nếu chẳng may có sự rủi ro xảy đến, họ tin đã có thần linh che chở, độ trì. Tục lệ này hiện nay vẫn còn thịnh hành ở khắp dân gian. 

Ngoài ra, những ngày tết trung thu (15-8 ÂL tết Đoan Ngũ, hay Đoan Ngọ 5-5 ÂL và các ngày sóc, Vọng, hối, Huyền cũng được người ta duy trì một cách thản nhiên. Các tệ đoan khác như xin quẻ, xem bói, đốt vàng mã v.v… cũng đều chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng Đa thần giáo cả. Đấy phải chăng là do thành kiến xưa còn rớt lại, hay tại tim óc người ta hãy còn đúc đặc bởi một tệ đoan ám ảnh. Những người theo lối tín ngưỡng này phần đông là dân tộc thiểu số, miền rừng núi.

Thấy sao tin vậy. Đấy là trạng thái tâm lý của lớp người hãy còn mang nặng đầu óc tín ngưỡng thần thoại dị đoan. Nhưng khi trí óc con người đã nẩy nở thì quan niệm về thần linh cũng được xét lại theo một chiều hướng mới. Dưới đây ta hãy sơ lược xét về quan niệm ấy.

- Nhất thần giáo (monothéisme)

Trình độ trí thức con người lúc này đã cách biệt hẳn trước nên sự tín ngưỡng cũng xoay chiều. Họ giảm lòng tin đối với các vị thần để đặt niềm tin vào một vị Thượng đế xa vời do óc tưởng tượng của con người sáng tạo ra.

A. Cơ Đốc giáo (Christianisme)

Đạo này được thành lập đến nay đã gần XX thế kỷ sau khi Jésus ra đời và do sự cải cách một tôn giáo cổ Do Thái.

Chiếu theo "Cựu Ước và Tân Ước", người ta tìm thấy ở giáo lý của Giáo hội Cơ Đốc: "Thuở sơ khai, khi vũ trụ còn là một khoảng không mênh mông mờ mịt!… Nhờ có trí tuệ, tài năng và quyền phép (sẵn có) của Chúa Trời; trong bảy ngày đêm ngài đã tạo thành bầu trời, các vì tinh tú, trái đất, núi, sông, cây cỏ, người và vật; mà lần đầu tiên con người có mặt trên trái đất là ông Adam và bà Eva, kết cục hai người lấy nhau. Sau vì phạm trái cấm nên bị chúa phạt, từ đấy về sau con cháu đời đời bị buộc vào "tội tổ tông" (*). Những người theo Cơ Đốc giáo đều tin tưởng ở ba ngôi:

+ Đức Chúa Cha: Thượng Đế (Diêu).

+ Chúa Con (Jésus).

+ Chúa Thánh Thần (Saint Esprit).

Và theo họ nhận định thì "Thiên Chúa là đấng Tự hữu”. Nghĩa là, không có ai sinh ra Chúa cả. Vì Chúa là đấng thiêng liêng vô hình vô ảnh, phép tắc vô cùng! Nếu ai biết thờ phục Chúa, vâng lời Chúa, làm những điều nhân đức… đương nhiên được Chúa nhìn nhận ban phúc lành cho và được Chúa đưa lên thiên đường; vĩnh viễn không bao giờ phải sa đọa địa ngục". Như trên cho ta thấy lập luận của Cơ Đốc giáo về nguyên lại vũ trụ này là do bàn tay Thiên Chúa tạo dựng mà có…

B. Bà La Môn giáo (Brahmanisme)

Tôn giáo này thoát thai từ một tôn giáo tối cổ của Ấn Độ là Rig Véda, có cách đây khoảng bốn nghìn năm do người Aryen chủ lập.

Căn cứ trong thánh thư Védas* thì sự tín ngưỡng duy nhất của tôn giáo này là thờ thần Brahma = Phạm Thiên (linh hồn của vũ trụ), vị thần hằng có đời đời. Brahma là căn thể của vũ trụ, hết thảy vạn tật đều do Brahma sáng tạo. Vì Brahma là vô thủy vô chung. Đấy là quan niệm lúc ban sơ nhưng qua nhiều cải cách và hiện nay thánh thư mỗi ngày một tạo dựng thêm, do đó ý niệm của con người (ngày nay) về một "đấng tối cao" không còn giống như trước nữa. Trong bộ Tế Nghi Thư (Brahmana) cho rằng đấng Chủ Tể sáng tạo vũ trụ thế giới này là thần Prajpati. Và xét trên nguyên lý thì Prajapati với Brahma là một thể đồng nhất tính.

Triết lý hình nhi thượng của thuyết "Prajapati" trong Thánh thư Brahmana cho ta thấy: Prajapati từ chỗ vô hình biến thành hữu hình. Hay nói cách khác, từ trừu tượng trở thành hiện thực, nghĩa là từ cái Có (trong cái không nó có một động tính; rồi từ cái động tính ấy nảy sinh hiện thực là thời gian và vạn vật). Nhưng trong bộ Áo Nghĩa Thư (Upanishad) lại thường đề cập đến thần Atman vì Atman là hiện thể của thần tối cao Brahma. Atman là hơi thở, là sinh khí có bàng bạc trong không gian và cả trong vật thể nữa. Con người là một tiểu linh tính nằm trong cái đại linh tính của Brahma. Thuyết lý này đã đưa Brahma lại gần với con người, đưa ngay vào trong con người, tức là đặt con người bình đẳng đấng Brahma*. 

Những tín đồ tôn giáo này đều tin rằng: vũ trụ lúc ban sơ - xin nhấn mạnh: lúc ban sơ - là do một vị (tức đã nhân cách hóa: Personnification) sáng tạo ra. Về phương diện tu dưỡng thì thánh thư dạy con người phải xả lành Thiện, để sau khi chết (sẽ) được thần đón về thiên cung, hưởng cuộc đời hạnh phúc, sống trong cảnh huy hoàng lộng lẫy; bằng ngược lại, nếu bình sinh không chịu tu phúc, không tin theo lời dạy của vị giáo chủ thì vẫn phải đày xuống hỏa ngục, chịu muôn nghìn thống khổ và vĩnh kiếp khó mà thoát ra!… 

Giáo chủ đạo Hồi là Mohamet (570-632), lúc thiếu thời ông sống cuộc đời bình thường như mọi người khác, chưa có dấu hiệu nào tỏ ra là người xuất chúng, hơn đời; sau trở nên một đại điền chủ nhờ cuộc kết hôn với một người góa phụ…

Ông đã bỏ ra 15 năm để tìm một con đường cải cách tôn giáo và xã hội cho dân Arabe. Năm 630 TL, kể như đánh dấu năm đầu của kỷ nguyên Hồi giáo. Kinh Coran coi như một thánh kinh Thiên Chúa thu nhỏ, trong đó gần như y nguyên những tên Thánh, tên Đất. Kèm theo phần phụ lục lời dạy của đấng Tiên Tri Mohanet (cũng gọi là Muhamad) được dùng ở các quốc gia Hồi giáo như bộ luật hành chính, giảng luân lý v.v… gồm 11 chương (surate).

Hồi giáo là một tổng hợp Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo. Chính Mohanetcũng không giấu điều này và tự xưng mình là đấng tiên tri và gọi các giáo chủ khác (như Jésus) cũng chỉ là đấng tiên tri như mình thôi.

Hồi giáo thịnh hành ở Trung Á, Tây Á, Bắc Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và miền Tây bắc Trung Hoa (Mahométisme Islamisme), HVTĐ.

Hơn 300 năm sau, Sa hoàng Piotr muốn thành lập cho nước Nga một tôn giáo, liền tổng hợp một lần nữa Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, tự xưng là Chính thống giáo - Orthodoxie - để tránh phải mang cái tên có tính cách kỳ thị như Protestant: kẻ chối bỏ (Tin Lành) Evanggéliques hay Judaime Phản thệ giáo (Do Thái giáo). Ông cho rằng mình đã chọn giữa hai thái cực: một đằng được lấy nhiều nợ mà kiêng có rượu (Hồi giáo) và đằng kia có nhiều rượu mà không có đàn bà (Thiên Chúa giáo).

Trong 5 điều răn của đạo Islam (tên mới tự xưng của tín đồ đạo Hồi ở Việt Nam) thì có hai điều giống như đạo Phật: 

1. Cấm uống rượu, triệt để hơn Phật giáo.

2. Bố thí không cần phải hô hào, huy động mà đó là một "luật ". Đối với tất cả tín đồ có phương tiện sinh sống dư giả thì đến mỗi cuối năm phải trích ít nhất một phần năm (1/5) số lợi tức trong năm đem ra phân phát cho người nghèo khó nhất của cộng đồng mình cư trú. Trong 100 năm Islam đã truyền bá đạo bằng bạo lực. Mohamet thua trận và chết năm 632.

Người Thiên Chúa giáo và Hồi giáo đã nuôi một mối hận thù khôn nguôi khi mà tám đội viễn chinh Thập tự quân: Croisade liên tiếp đánh chiếm các nước Arabe từ thế kỷ XI tới thế kỷ XIII rồi các nước Âu Châu đi xâm lược thuộc địa Arabe ở thế kỷ XIX.

Nói tóm lại, từ ngành ngôn ngữ học người ta biết rằng tiếng Sanskrit là nguồn gốc của các ngôn ngữ Âu Châu để rút ra kết luận người Aryen là một bộ tộc thời cổ mà địa bàn sinh sống là phần lớn nước Ấn Độ, dưới chân rặng Caucase và rặng Hymalaya là tổ của giống dân da trắng ngày nay.

Tiếng Do Thái, tiếng Arabe thuộc họ A鮠A굠 - Inđoeuropéenne cùng phả hệ Inđo européenne Sanskrit.

Đạo Bà La Môn: Ăn chay, thường cúng tế.

Đạo Do Thái: năng cúng tế, ăn chay, kiêng sát sinh, không được làm nghề bán thịt, nghề đồ tể.

Do Thái giáo là tổ phụ Moise, Abraham, tổ của Jésus. Theo thứ tự niên đại, Bà La Môn giáo, Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Chính Thống giáo, Anh Quốc giáo (Anlicean), Tin Lành đều thờ chung một Thượng Đế (hay chúa Trời) nhưng danh xưng có khác: Bà La Môn: Brahma; Do Thái giáo: Jehovah; Thiên Chúa giáo: Dieu; Hồi giáo: Allah; Anh Quốc giáo; God.

Nhận xét chung của một số nhà Thần học Arabe và Tây phương: giáo lý gần như giống nhau, chứng tỏ đấng Cứu Thế chỉ có Một (đạo nào cũng thế) và cũng của các nhà thần học ở cuối thế kỷ XX: Tất cả các tôn giáo lớn rồi ra sẽ như những mạch suối cùng chảy vào một biển lớn; chỉ một tôn giáo nào đó có đạo đức làm chuẩn mực, nghĩa là bao hàm những điểm chính của tất cả các "đạo" và giáo lý mang nội dung tư tưởng triết học hợp với con người thời đại hơn (Phật giáo).

Đứng về phương diện luân lý, tâm lý để nhận xét thì các tôn giáo trên đây vẫn có sự lợi ích trong việc khuyên người, dạy người làm lành tránh dữ, những ảnh hưởng tốt cho xã hội hiện tại và mai sau. Tuy nhiên, đối với Bản Thể Luận, thuyết thần tạo - thần sinh ra vũ trụ, vạn vật đương còn mơ hồ và huyền bí lắm!

Đạo học
Đạo Khổng (Confucianisme)

Những đạo học có danh tiếng ở Á Đông truyền bá đi các nước lân cận, trước hết, ta phải kể đến đạo Khổng. Đức Khổng phu tử, vị hiền triết Trung Hoa, sinh năm 551-479 TTL, thời xuân thu. Chiến Quốc, dưới triều đại nhà Chu. Ngài đã từng nhiều tháng năm luân lạc… mà không một nơi nào trọng dụng, sau đành quay về nước Lỗ dạy học và soạn sách, học trò theo học có đến 3000 người. Trong việc soạn thảo sách, ngài lấy "Quan Thư cổ xưa để chỉnh đốn lại làm bộ kinh Thư, lấy thi ca các đời trước đặt lại thành kinh Thi, san định kinh Lễ, kinh Nhạc và làm kinh Xuân Thu là lịch sử nước Lỗ. "Người ta bảo Khổng Tử chỉ là người "thuật nhi bất tác", Chính ngày cũng thừa nhận điều đó.

Đạo Khổng thành lập không phải do ngài mà phần lớn ngài chỉ là người thu nhập những gì tinh túy nhất của Tiên Nho; rồi cải cách những tư tưởng ấy làm thành một triết lý, luân lý thực dụng cho xã hội nhân sinh. Khởi điểm của đạo Khổng là vấn đề quyết định sự tương quan giữa thực tại với tư tưởng để hòa đồng cái tiểu ngã người đời vào cái đại ngã của vũ trụ - lý tưởng thái hóa. Trước hết, Khổng Tử nhìn vũ trụ là một "Thể vô cùng", tức là trong mỗi vật hữu hạn đều có nằm sẵn cái thái cực vô hạn (lý thái cực), nó bàng bạc chu lưu khắp cả… (Dịch: hữu thái cực, thị sinh lưỡng nghi; lưỡng nghi sinh tứ tượng; tứ tượng sinh bát quái, biến hóa vô cùng".

- Lý thái cực (Impersonnel) mà cổ nhân đã bàn trong kinh Dịch, gồm 64 quẻ, 384 hào, do trí quan sát, kinh nghiệm tìm ra từ đời Phục Hy. Thần Nông để thuyết minh sự tương quan giữa vũ trụ và vạn vật trong trường thiên diễn ra vô cùng phức tạp… song qui định lại gồm có ngũ hành tương sinh, tương khắc, tuần tự sinh thành ra "Bốn tượng" **, Tâm quẻ:

+ Càn: trời. 

+ Khảm: nước, mặt trăng. 

+ Cấn: núi đá.

+ Chấn: sấm.

+ Tốn: gió, mưa.

+ Ly: lửa, mặt trời.

+ Khôn: đất.

+ Đoài: kim khí và do sự phối hợp của Âm Dương (lưỡng nguyên) làm thành tượng hình bằng những nét gạch liền và đứt (tổng hợp). Mỗi quẻ tượng hình cho một trạng thái tương quan nối liền giữa Trời, Đất, Người.

"Dịch", nghĩa là động, biến dịch, vì khởi thủy có sự vật là có động. Động là lẽ sống của vũ trụ với luân lý này, đạo Nho không có ý mong chiến thắng tạo hóa mà chỉ cốt dịch hóa nó, theo luật tiến hóa chung “Ngô đạo nhất quan chi" (luận ngữ).

Trong những kinh sách Nho gia tuy có nói đến chữ "thiên", song không hẳn có nghĩa chỉ Ông Trời = Thiên đạo, “chi vị tính, xuất tinh chi vị đạo". Nghĩa là, "cái khuynh hướng tiềm tàng trong trời đất gọi là Tính, noi theo cái tính ấy mà hành động thì gọi là Đạo, Nhân tính với thiên tính là một. Thiên đạo là luật điều khiển sự tiến hóa của xã hội và con người…

Đạo Khổng xây nền móng trên một nhân sinh quan bắt đầu bằng chữ "Thành". Sống trong một xã hội loạn ly, bất công, muốn cải tạo nó tất phải có một đường lối (chính trị) hợp thời, nên Khổng Tử đã đặt ra "Tam Cương", “Ngũ Thường"** để ổn định tình thế.

Ở sách Lễ Ký có ghi lời đức Khổng Tử so sánh trạng thái xã hội Trung Hoa gồm: "một xã hội đại đồng" (Tam hoàng: Phục Hy, Thần Nông Hoàng Đế) và "một xã hội tiểu khang" (ngũ đế Vũ, Thang, Văn Vũ, Thánh Vương, Chu Công). Ngài ra đời mang hoài bão cải hóa những đảo điên của thời đại "Xuân Thu" loạn lạc. Đứng về phương diện luân lý, đạo Khổng khuyên con người: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, vì thân có tu, gia mới tề, quốc mới trị, thiên hạ mới thái bình. Đó là những yếu lý nhằm ổn định cuộc sống xã hội con người muôn thuở.
 
Đạo Lão (Taoisme):

Người sáng lập đạo là đức Lão Tử (Lạ Tzu), tên Đam, sinh năm 604 TTL. Trong thời niên thiếu, Lão Tử chưa viết sách để truyền bá tư tưởng của mình; mãi về sau, ngài mới viết cuốn Đạo Đức Kinh (gồm 81 chương có hơn ngàn lời )*. Học thuyết Lão Tử rõ ràng pha mầu sắc yếm thế - lý tưởng đạo Lão là lý tưởng siêu nhiên - nhìn cuộc đời như một cuộc bất đắc dĩ (…). Đối với uyên nguyên của sự vật chỉ (được) coi như một khối "tinh vân" mà Lão Tử mệnh danh là "Đạo" (Bản thể), nó vô hình, vô hạn, ở ngoài không - thời gian, muôn nghìn hiện tượng cũng do "Đạo" biến hóa ra. Bất kỳ vật gì trong trời đất đều có cái Đạo ấy ở trong và cùng với Đạo là một thể = Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sanh" (25).

Nếu có phải gọi vật tiên thiên ấy là "Đạo", đó chỉ sự miễn cưỡng mà thôi. Theo Lão Tử thì "vật tiên thiên" sinh ra vũ trụ vạn vật chỉ là một vật không tên = Ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết "Đạo"(25).

Đạo Lão nhìn sự vật trong cõi đời chỉ như là tuồng ảo hóa, không khác dòng nước chảy từ nội giới ra ngoại giới, hết lớp này đến lớp kia "liên miên bất tuyệt!". Có đấy rồi không đấy. Về phương diện tu dưỡng, đạo Lão khởi lập một thuyết gọi là "Vô Vi", tức là hành vi của vô ngã, của thân thể, căn bản tính. Cái hành vi ấy gọi là Đức; có ý khuyên người ta trở về với đạo đức, với trạng thái thuở ban sơ cho tâm hồn được vắng lặng trong sạch, nghĩa là tách biệt giữa ngã và vô ngã, để sống cuộc sống thanh cao, có ý nghĩa hơn. Trên con đường tìm sự thật, đạo Lão đã hướng dẫn ta đến cái Đẹp và cái Thực, đó là đạo đức và chân lý.

* Triết học:

Ở thời kỳ sơ khai, những tư tưởng lạ đã sớm lởn vởn trong đầu óc người ta với bao cảnh tượng kỳ bí của thiên nhiên, muôn vật đổi dời; tất cả hiện tượng phơi bày ra ấy chẳng biết có tự bao giờ.

- "Tâm" ư! "Vật" ư! Hay "Thiên nhiên" ư!

- Nguồn gốc của vũ trụ là gì?

Đấy là những vấn đề đã làm chảy rất nhiều mực của các bậc hiền triết xưa cũng như nay!

Ngay từ thượng cổ thời đại, các triết gia đã lần lượt xuất hiện và đã lập ra những hệ thống tư tưởng triết học không giống nhau; đã một thời làm mưa làm gió tại các lục địa Trung Hoa - Ấn Độ, Cận Đông và Địa Trung Hải. Khoảng bốn nghìn năm về trước, ở Đông phương, nhất là Ấn Độ, quan niệm về triết học đã có. Lịch sử triết học Ấn Độ, trước thời đức Phật, nguồn tư tưởng triết lý đã có hàm chứa trong các thánh thư Védas. Về sau càng được khai triển thêm qua các bộ thánh thư Brahmana, Aranyaka, Upanishad… Bộ Brahmana (Tế Nghi Thư) gồm những bài thánh ca tán dương công đức và sự nghiệp vĩ đại của thần chúa tể. 

Brahma (nguyên lý sáng tạo vũ trụ) và ghi những truyện về thần thoại cùng chú giải các điển tích cao đẹp các bài thánh ca. Bộ Aranyaka (Sấm Lâm Thư) là ghi chép những triết lý huyền nhiệm và các phép bí truyền của đạo… Bộ Upanishad (A Nghĩa Thư) nhằm giải thích những thánh ngữ và yếu chỉ của đạo. Upanishad còn có tên là thánh thư Vedanta, tức thâu tóm những đoạn văn chính yếu trong hai bộ Tế Nghi Thư và Sấm Lâm Thư. Bộ Vedanta được liệt vào loại "thánh thư mặc khải".

Những thuyết lý về vũ trụ vạn vật của các hệ phái sau này mỗi ngày càng đi xa với bản chất nguyên thủy của nó. Chẳng hạn, trước kia người ta thừa nhận Brahma là nguồn gốc của vũ trụ thì nay lại cho vũ trụ hình thành là do các yếu tố Đất, Nước, Gió, Lửa, Không khí… Phái khác nói: do các Tính Có - Đại Linh Tính "phát sinh ra vật chất, ra tính cách, ra nghiệp lực,… rồi các tính ấy kết hợp tạo thành muôn vật, lần lần vượt lên chỗ trừu tượng; có những phái xướng ra Không Gian Luận, Thời Gian Luận, Phương Hướng Luận… bao nhiêu tư tưởng trào ra, làm hỗn loạn một thời! 

Kế đó là đạo Phật ra đời, đã tổng hợp các luồng tư tưởng Ấn Độ, tạo thành một triết lý sống (philosophie de la vie), lấy Con Người (Nhân Bản) làm mực thước để giải quyết mọi vấn đề về cả nội giới lẫn sự kiện khách quan thế giới bên ngoài. Con người là tất cả. Vì có con người cho nên mọi vấn đề - tức khuôn mẫu sống ở đời - mới cần phải đặt ra. Con người là một tiểu vũ trụ nằm trong cái đại vũ trụ. Thế giới này càng mở rộng chừng nào là do tầm hiểu biết của con người mà có. Và do vậy rõ ràng đạo Phật là một triết học siêu triết học. Vào khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch, nền triết học Đông phương bắt nguồn từ tư tưởng đạo Phật đã thấm nhập vào đại lục địa Trung Hoa, để cùng với các trào tư tưởng Khổng - Lão… tạo thành một nền triết học đại đồng phồn thịnh, không chỉ dành riêng cho Ấn Độ - Trung Hoa* còn cho cả Á Đông và toàn thể thế giới nữa.

Nhìn về phía trời Tây, triết học được bắt rễ từ Hy Lạp, chuyển dịch qua Đại Tây Dương và cho ta thấy hai nguyên tắc chính để cắt nghĩa hiện tượng vũ trụ, tức vấn đề nhận thức và hành động. Sự hiểu biết của con người là do trí tuệ: rồi từ trí tuệ dẫn đến hành động (thực nghiệm). Nhưng hành động như thế nào đấy lại là một việc khác.

Những triết gia Tây phương đầu tiên ta phải kể đến Pythagore, một nhà toán học kiêm triết học ở thế kỷ VI TTL, là người đã sáng tạo ra danh từ Triết học "Philosophie". Từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ IV TTL là thời kỳ phôi thai của nền triết học Tây phương, những triết gia sau đây đã cùng nhau đi tìm nguyên nhân tối sơ của vũ trụ; với Thalès (640-547) bảo là "nước", nhưng Héraclite (576-480) lại nói là "Lửa", còn Anaximène (480 TTL) thì cho là "không khí", phái triết học Tự Nhiên Luận thiên về việc quan sát, giải thích vũ trụ hiện tượng như Pythagore (580-500), lấy những con số để hình dung vũ trụ. Zénon (IV TTL) nhìn nhận khởi thủy vũ trụ là do Những gì im lìm "Tĩnh", nghĩa là không chuyển động, không biến đổi; những con số, những sự hoạt động đều chỉ là *những bề ngoài không có trong thực tại*. 

Empédocle (IV TTL) thì công nhận trong vũ trụ cả thảy có 6 yếu tố: trong đó có chất: nước, lửa, đất, khí trời và 2 lý trừu tượng là tình yêu và ghen ghét. Leucippe và Démocrite (hai triết nhân này sinh đồng thời TTL V thế kỷ) với thuyết Nguyên Tử Luận cho rằng vũ trụ là do những hạt nhỏ (nguyên tử) kết cấu thành…

Như trên cho ta thấy, mỗi phái luận giải khác nhau, tựu trung chân lý chưa có một "thuyết" tương quan! Cái không khí hoài nghi đến cực độ đã bao trùm khắp cả… Lúc ấy nhà hiền triết Socrate (470-339 TTL) đứng ra cách mạng tư tưởng đương thời, đưa triết học Hy Lạp trở về con đường "nội tỉnh" = connais toi toi meme. Nghĩa là "đưa triết học con đường thuần trí thức trở về con đường hành động, con đường chân lý, đạo đức lấy người làm đối tượng nghiên cứu”… Tiếp nối sự nghiệp vĩ đại của Socrate có Platon (428-347 TTL) và Aristote (384-322 TTL), tuy mỗi người mỗi khuynh hướng nhưng vẫn dung hợp với nhau trên cùng mục đích chung, đó là: đi tìm cái Chân và Thiện, tạo cho triết học Hy Lạp một thời long thịnh.

Vào thời trung cổ, triết học Tây phương như bị chìm ngập trong những kinh điển học qui, lấy tư tưởng Sáng Thế làm tâm điểm, thời kỳ của "đức tin" và tình cảm ru ngủ!… Nhưng qua thời cận đại, Descartes (1596-1656) đã nêu cao lý trí để phản động lại tình cảm ru ngủ thời xưa. Ông đã dùng "phương pháp luận" để chứng minh cho "sự vật nào" mà quan niệm rõ ràng, đều là chân lý. Ông coi vũ trụ là một dây nhân quả vô cùng tận. Qua Descartes, người ta đều nhận thấy "Tâm, Vật song hành". Là khởi điểm cho hai phái thuần lý do Hégel (1770-1831) và Hamelin (1856-1907) dẫn đạo và phái thực nghiệm do Auguste Comte (1798-1857) và Spener (1820-1903)…

Tới đây thì triết học đã đánh dấu một lối rẽ rõ rệt: *Vấn đề Duy Tâm và Duy Vật; Chủ Quan với Khách Quan v.v…

Phái Duy Tâm cực đoan có Berkely (1685-1753), Emmauel Kant (1724-1804), Hégel (1770-1831)… Nhà triết học Đức (Kant) là một trong những người thuộc phái quyết đoán tin tưởng vũ trụ cần phải có sự hiện diện của Trời, mọi vật mới an bài. Rồi suy diễn: tin có Trời, ta có thể hy vọng hưởng một cuộc đời bất diệt đầy hạnh phúc - Vì Trời là chủ động chứ không thể là thụ động. Còn Hégel lại cho rằng: "Tất cả những gì thực tại đều Duy Lý = Tout ce qui réel est rationnel". Những phái Duy Vật cực tả, như Démocrite (V TTL), Feuerbach (1775-1833), Moleschott (1820-1897), Karl Marx (1818-1883) và Engels (1820-1897), với một phong trào tích cực phản siêu hình, theo phái này thì sự hiện hữu của Trời trong vũ trụ là điều không bao giờ có được. 

Những yếu điểm của chủ nghĩa Duy Vật là đưa vật chất lên hàng vạn năng. Đấy là nguyên nhân khởi thủy của mọi vận động vũ trụ và xã hội. Về phương diện nhận thức khách quan, phái này dùng Biện Chứng pháp (gọi là biện chứng pháp duy vật) làm công cụ khám phá của loài người; đồng thời khích động phong trào giai cấp đấu tranh làm luật tắc vận hành của lịch sử. Do đó, thuyết Duy Vật chủ nghĩa thường lấy sự tranh đấu làm mục đích cho mọi lẽ sống*.

Trên đây mới chỉ trình bày những nét đại cương của nền triết học Tây phương cũng đã hé mở cho ta thấy sự phân định thành những hệ thống Duy Tâm, Duy Vật… Nhưng từ thế kỷ XIX-XX thì triết học thực nghiệm chỉ còn lại siêu hình biện chứng pháp, luận lý v.v…

Vấn đề tìm hiểu vũ trụ và con người qua các tôn giáo, đạo học, triết học như đã trình bày đấy chỉ mới là những tia sáng. Rút lại vấn đề đặt ra vẫn y nguyên là một vấn đề nan giải.

Là những kẻ đi tìm đường, càng đi sâu vào khu rừng Tôn giáo, triết học, ta càng lạc lối thêm! Vẫn biết không phải hễ đi tìm đường là tới đích, phải lượng sức mình và phải có sự tuyển trạch của lý trí, nếu không… (thưa bạn) - hãy coi chừng!

Trí xét đoán là mực thước cho tất cả. "Phải làm như con ong hút mật, đừng làm theo con bướm giỡn hoa", ta không thể ỷ lại hay nhắm mắt tin theo bất cứ cái gì, ngoài sự nhận thức khách quan, phù hợp với lẽ phải, tạo thành hạnh phúc cho mình và cho mọi người chung quanh.

Giờ đây, chúng ta hãy du hành qua địa hạt Khoa học và đạo Phật để thử tìm ở đấy lối thoát, một sự trả lời cho những nghi vấn kia.

* Khoa học:

Lịch sử tiến hóa nhân loại từ thế kỷ XVII, khoa học coi như toàn thắng về mọi phương diện; ngoài những phát minh kỹ thuật, khoa học cũng đã len lỏi sang hệ tư tưởng để giải thích vũ trụ bằng những phương pháp mầu nhiệm chắc chắn hơn, hoàn hảo hơn. Khởi nguyên tinh thần khoa học tiến bộ không phải trong giây lát hay một ngày tự giác ngộ nên. Một vài đặc tính của tư tưởng khoa học đã nảy mẩm từ những thời kỳ xa xôi. Nói đến khoa học, người tiên phong tiêu biểu cho khoa học thực nghiệm là Francis Bacon (1561-1626), ông đưa ra những nhận thức mới về sự vật là nhận thức bằng cách xác định lý do qua "Tam Biểu Luận": 

1. Biểu có mặt (table de présence), trong biểu có mặt, ta ghi những hiện tượng nào luôn luôn có mặt với nhau. 

2. Biểu vắng mặt (table d absence), trong biểu vắng mặt, ta ghi những hiện tượng nào bao giờ cũng vắng mặt một lúc. 

3. Biểu thứ tự (table de degré), trong biểu thứ tự, ta ghi những hiện tượng nào cũng biến đổi một lúc. Đồng thời với Bacon, bên phía trời Tây còn có Descartes (1596-1650) là người đã khai sáng cho một trào lưu tư tưởng mới - Tư tưởng Khoa học - sau nhiều năm suy tưởng, ông đã lập được bốn qui tắc căn bản cho phương pháp khoa học ngày nay. 

Bốn qui tắc đó là: 1. Trước hết phải chứng minh một sự vật nào đó, sau mới nhận nó là sự thật. 2. Hãy chia sự vật ra từng phần đơn giản, càng nhiều càng hay để dễ dàng cho sự quan sát, giải quyết. 3. Sau khi đã xem xét, nghiên cứu từng vật đơn giản phải thu thập lại cho thứ tự để tìm hiểu những sự vật khó hiểu hơn vốn tự nó không biểu thị (Qui tắc này cũng gọi là qui tắc tổng hợp). 4. Cuối cùng, kiểm điểm lại và tổng hợp những sự việc mà mình đã nhận định để khỏi bỏ sót một vật gì. 

Qua 4 qui tắc trên, vai trò của Descartes nổi bật hẳn lên như một vầng sao sáng của bầu trời khoa học cận đại mà ngày nay người ta phải nhìn nhận ông như một cái mốc, đánh dấu bước rẽ của nhân loại, không chỉ về phương diện nhận thức mà cả về phương diện hành động nữa. Sau Auguste Comte (1798-1857) đã dựa vào thực tại để xướng thuyết "Thực Nghiệm Chủ Nghĩa"*. Và qua những biến đổi, kinh nghiệm từng giai đoạn, trí óc con người mỗi ngày thêm mở mang đã giúp rất nhiều cho sự khám phá những kỳ bí của thiên nhiên, Newton (1642-1727) chỉ nhìn quả táo rơi mà khám phá ra luật Vũ Trụ Hấp Dẫn Lực, biết được: sự vận hành của hành tinh và sao chổi chung quanh mặt trời, xoay tròn của địa trục, sự lên xuống của nước thủy triều…

Còn Malus (1775-1812) đã tìm ra "sự phân cực ánh sáng" và De Verrier (1811-1877) thì tìm ra sao Neptune tức Hải Vương Tinh. Và trước đó nhiều thế kỷ, Archmède (287-212 TTL) đã phát minh ra nguyên lý tỷ trọng của các vật thể. Christophe Colomb (1451-1506) và Fernand de Magellan (1480-1521)* là những người đã cương quyết đi vòng quanh thế giới để tìm hình thể trái đất. Volta (1775-1827) và Galvani (1737-1798) nghiên cứu các hiện tượng thuộc về điện tử, tìm ra hai luồng điện dương cực và âm cực. FRANKLIN (1744-1829), Darwin (1809-1882) chủ trương Sinh Vật Biến Hóa, nghĩa là mọi vật chuyển biến đổi dời. Lavoisier (1743-179), nhà hóa học đầu tiên đã tuyên bố: "Trong vũ trụ không có gì tự tạo, không có gì tự tiêu diệt". Phù hợp với định lý này,  Albert Einstein (1879-1955) đưa ra thuyết "Tương Đối" đã chứng minh: "Vật chất là khí lực tụ lại cực điểm, mà khí lực là vật chất tan loãng ra cực điểm". Vật chất và khí lực theo Einstein chỉ là hai trạng thái của một thực tại (deux aspects dune réalité)…

Những nhà bác học trên đều đã xây dựng cho lâu đài khoa học mỗi ngày thêm vững chắc. Với vũ trụ, dưới con mắt nhận xét của khoa học đã thừa nhận: Trong vũ trụ không phải chỉ riêng thế giới chúng ta ở mà rất nhiều thế giới, mỗi thế giới là một bộ phận tinh hệ của vũ trụ. Mỗi tinh hệ gồm có nhiều hành tinh, vệ tinh quay chung quanh; mà mặt trời là trung tâm, gọi là Thái Dương Hệ (système solaire). Quay chung quanh mặt trời có 9 hành tinh: Thủy Tinh (Mercure), Kim Tinh (Vénus)*. Địa Cầu (Terre), Hỏa Tinh (Mars), Mộc Tinh (Jupiter), Thổ Tinh (Saturne), Thiên Vương Tinh (Uranus), Hải Vương Tinh (Neptune) và hành tinh thứ 9 ở cách xa mặt trời nhất đó là hành tinh Pluton. Trong khoảng không trung có hằng hà sa số hành tinh hệ lớn nhỏ, gồm cả thế giới gọi chung là vũ trụ.

Tới đây ta đã có một khái niệm trong sự quan sát, tìm hiểu thiên nhiên. Nhưng điều thắc mắc vẫn là cái nguyên nhân tối sơ của vũ trụ vạn hữu? Theo khoa học giới giải thích: "ở thời kỳ hỗn mang, trong vũ trụ chỉ có toàn thuần tinh (Ether). Sau với những nguyên nhân không rõ, thuần tinh ấy kết thành những phần nhỏ rải rác, nhờ sức vận động và sức hấp dẫn, các phần tử nhỏ kết lại thành cồi * và cồi "nguyên tử" trước còn rời rạc, sau kết thành vân tinh và căn nguyên của mọi Thái Dương Hệ. Đó là thời kỳ cấu tạo mặt trời và các hành tinh, nhiệt độ của các vì sao ở thời kỳ này rất lớn. Với sự phóng tản không ngừng, nhiệt độ của các vì sao giảm bớt tạo nên thế quân bình khiến cho sự sống có thể phát khởi, ấy là thời kỳ đầu tiên có những sinh vật ** địa cầu có thể ở được. 

Nhưng trong thời kỳ các nguyên tử vẫn không ngưng phóng tản ấy cùng với sự giảm tốc độ, các nguyên tử mất dần thế vững; bắt dầu một thời kỳ ly tán. Thế vững chắc của các nguyên tố nội nguyên tử càng giảm đi thì sự ly tán càng nhanh. Rồi đến một thời kỳ quá suy, các nguyên tử lại trở về thế thuần tinh như trước. Như vậy ta có thể biết: địa cầu cấu tạo bởi nguyên tử thuần tinh rải rác. Nguyên tử ấy tự súc tích lấy năng lực. Mà vật chất là một hình thái phát tán thành nhiều thế khác nhau như hơi nóng, ánh sáng, điện khí v.v... "lịch sử vũ trụ có thể chia ra hai thời kỳ: Thời kỳ Ngưng Kết Năng Lực Thành Vật Chất và thời kỳ Phát Tán Năng Lực ấy.

Thiền sư Thích Đức Nhuận (còn tiếp)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm