Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 06/03/2017, 10:13 AM

Xây dựng hạnh phúc gia đình (P.5)

Con người nên biết rằng cuộc đời không phải tuyệt đối, luôn luôn có hai mặt: có tốt có xấu, có thịnh có suy, có lúc sung sướng tràn đầy và cũng có khi đau khổ giăng mắc bủa vây. Con người sống trong cuộc đời khi nắm bắt được những may mắn đến với mình không nên có thái độ tự hào và khi gặp lúc những bất hạnh bủa vây cũng không nên thối chí ngả lòng mà phải giữ vững niềm tin chờ cơ hội một ngày nào đó bình minh sẽ trở lại.

3. Ý HÒA CÙNG HOAN HỶ (Ý Hòa Đồng Duyệt)

Ý hòa cùng hoan hỷ nghĩa là tán đồng ý kiến hay, tùy hỷ học hạnh tốt, luôn luôn vui vẻ cùng nhau. Hãy nuôi ý đẹp đối với nhau, hãy trao dồi đức hỷ xả, đừng bao giờ thù hiềm, ganh tỵ nhau. Muốn được như thế, trong gia đình, chồng vợ, con cái, anh em cần phải theo những luật lệ như sau:

1. Bất Cứ Ai Có Ý Kiến Hay Nên Tán Đồng Và Chấp Nhận

Trong việc sống chung, bất cứ chồng hay vợ muốn thực hiện những điều gì trước tiên phải đem ra cùng nhau thảo luận rồi sau đó mới thực hiện. Bất cứ việc gì chồng hay vợ không nên tự động làm theo ý riêng của mình mà không có sự đồng ý chung. Trong gia đình nếu như các con lớn khôn và có chút hiểu biết mà chúng nó hiện đang sống chung với cha mẹ, cha mẹ cũng phải cho chúng nó tham gia trong việc sinh hoạt kinh tế gia đình, nguyên vì chúng nó cũng có những ý kiến hay đóng góp vào.

Cha mẹ cho chúng nó tham gia sinh hoạt kinh tế gia đình nhằm mục đích giáo dục chúng nó ý thức trách nhiệm của mình đối với gia đình trong việc sống chung, nghĩa là chận đứng sự ham muốn đua đòi quá độ của chúng nó mà kinh tế gia đình không đủ khả năng bảo trợ. Cha mẹ nếu như không cho chúng nó tham gia sinh hoạt gia đình, nghĩa là không cho chúng nó biết được mức độ kinh tế trong gia đình thì chúng nó cứ tưởng rằng cha mẹ mình giàu có tiền nhiều mà chúng nó cứ tha hồ đòi hỏi để chạy đua theo chúng bạn. Trong khi sinh hoạt gia đình để thảo luận một việc gì, chồng vợ kể cả con cái phải theo những nguyên tắc sau đây:

1. Phải chấp nhận những ý kiến nào được đa số tán thành, mặc dù đó là ý kiến của con mình. Có được như vậy sự hợp tác sống chung mới được phát triển trong chiều hướng đi lên. Cùng một vấn đề, mỗi người có một ý kiến đóng góp thì mới thấy rỏ được ý kiến nào hay và ý kiến nào dỡ, cũng như có nhiều tiếng chuông khác nhau mới biết được tiếng chuông nào kêu thanh hơn.

2. Không nên cố chấp, không nên bảo thủ ý kiến sai lầm của mình.

* Không nên cố chấp, nghĩa là không nên ỷ mình là cha mẹ là người lớn phủ nhận ý kiến của con cái hay của em út. Cha mẹ cần chúng nó có thiện chí hợp tác công việc chung mà không phải cần vai vế để rồi chính mình phải tự bao thầu gánh vác lấy tất cả mọi công việc, còn chúng nó buông thả đi chơi không trách nhiệm.

* Không nên bảo thủ ý kiến sai lầm của mình. Ý kiến của mình không được đa số chấp nhận có nghĩa là ý kiến của mình mặc dù rất hay nhưng không hợp thời, không đặt đúng chỗ hoặc người trình bày không rõ ràng khúc chiết khiến mọi người không được thông suốt. Ý kiến nào mà đa số người sống chung đã không tán thánh, mặc dù ý kiến đó của cha hay của mẹ cũng phải để qua một bên mà không nên bảo thủ chống đối hay độc quyền vô tình làm hư hại tinh thần hợp tác chung. Mình phải chờ đợi một cơ hội khác khi mọi người thông suốt ý kiến qua sự trình bày của mình thì lúc đó mọi người sẽ dễ dàng hưởng ứng. Vì quyền lợi chung, chúng ta phải chấp nhận ý kiến tập thể.

2. Hãy Nuôi Ý Tốt Đẹp Đối Với Nhau, Hãy Trao Dồi Đức Hỷ Xả

Theo Phật giáo, con người là hiện thân của nghiệp báo. Tất cả nghiệp nào là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến,..v..v... hiện đang lên ngôi làm chủ điều khiển cuộc sống của con người. Như nghiệp tham, sân, si mà ai cũng biết chúng nó là những thứ tai họa nguy hiểm cho sự sống còn của con người và hiện nay chúng nó đang có mặt trong tâm hồn con người. Chúng nó khi tác dụng chỉ đạo thì mọi sự sinh hoạt của con người trở nên xấu xa tội lỗi. Nhưng con người muốn diệt chúng nó không phải là dễ, đòi hỏi rất nhiều công phu tu tập lâu đời mới có thể kềm chế được chúng. Cũng vì những thứ bệnh nghiệp nói trên con người thường phải vướng mắc những tật xấu như sau:

* Con người, nhất là chồng vợ khi mới quen nhau và đối xử với nhau thì tỏ ra cung cách rất lịch sự, rất lễ phép hay nói cách khác là rất văn hóa. Khi sống chung với nhau, con người thường hay lờn mặt, không giữ kẻ với nhau cho phải cách, trao đổi qua lại nhau với thái độ khinh lờn, xưng hô mầy tao mi tớ với lời lẽ khiếm nhã thô tục..v..v.... Những cử chỉ không tốt đẹp này khiến cho chồng hay vợ mất mặt với mọi người với bạn bè nhất là mất mặt với con cháu trong gia đình.

Chồng vợ muốn được hạnh phúc gia đình bền lâu, việc nhỏ nhặt thường tình này cũng cần phải chú ý, cần cố gắng cư xử với nhau luôn luôn qua những thái độ, những cử chỉ, những lời nói, những hành động tốt đẹp như lúc ban đầu hai bên mới gặp nhau, nhất là trước mặt con cháu hay trước mặt mọi người.

* Chồng hay vợ trước khi gặp nhau hay sau khi gặp nhau, nay đã sống chung với nhau, nếu như họ có những lỗi lầm nào hay có những khuyết điểm nào mà họ đã ăn năn hay đã sám hối thì không nên cố chấp, phải bỏ ra ngoài tâm tư định kiến cho thật xa nghìn dặm và thân thiết với nhau bằng tâm hồn độ lượng hỷ xả tha thứ tất cả không còn chút ấn tượng nào vướng mắc bợn nhơ trong tâm tư, để cho hai bên khỏi bị mặc cảm lo âu khổ não suốt đời vì những chuyện đau thương ấy.

4. GIỚI HÒA CÙNG TU TẬP (Giới Hòa Đồng Tu)

Giới hòa cùng tu tập nghĩa là giới luật cùng nhau học tập và hành trì. Tôn Giáo thì có luật lệ của tôn giáo, Quốc gia thì có luật pháp của quốc gia, Gia đình thì cũng phải có luật lệ của gia đình. Luật lệ của gia đình là để quy định trật tự giữa chồng vợ và con cái. Gia đình muốn bảo vệ hạnh phúc bền lâu thì phải:

1. Giữ Tròn Luật Lệ Gia Đình
 
Giữ tròn luật lệ của gia đình nghĩa là chồng vợ phải ra chồng vợ, con cái phải ra con cái trong trật tự của xã hội gia đình.

Gia đình, theo Phật giáo là một tập thể nhỏ, một xã hội nhõ cũng phải có luật lệ của gia đình cũng như Hội Đoàn đã có luật lệ của họ gọi là Quy Chế hay Điều Lệ để quy định trật tự của tổ chức. Luật lệ của gia đình là một luật pháp quy định giá trị và nghĩa vụ trong sự sinh hoạt sống chung của một tập thể, nghĩa là mỗi người trong gia đình phải học tập, phải giác ngộ tư cách của mình, bổn phận của mình thể hiện được giá trị làm một người chồng, một người vợ, một người con mẫu mực trong việc sống chung.

Trong một gia đình, mỗi người sống buông thả theo sở thích riêng tư của mình mà không có luật lệ nào kềm thúc họ đi đúng theo nếp sống chung của tập thể, sống theo chủ nghĩa cá nhân thì sẽ bị rơi vào tình trạng sa đọa nan giải. Phần đông nhiều gia đình không có soạn thảo luật lệ cho việc sống chung thành thử, chồng, vợ, con cái, mỗi người cứ sống theo chủ nghĩa cá nhân, nghĩa là mạnh ai cứ sống theo sở thích riêng tư của mình một cách do dục vọng lôi cuốn không thể tự kềm chế được, cho nên một số gia đình gặp nhiều sóng gió nổi dậy gây đau khổ cho nhau triền miên. Nhờ luật lệ gia đình, mỗi người mới có thể kềm thúc được phần nào dục vọng buông thả của mình đi vào mực thước của lề lối sống chung.

Có một số người nói rằng, chồng vợ cải vã với nhau sống mới có ý nghĩa. Họ nói như thế có nghĩa là họ nói liều mạng mà không biết rằng những hành động nói năng của họ gây ô nhiểm cho tâm hồn các con cái, làm chúng mất lý tưởng nơi cha mẹ, có đứa bỏ nhà ra đi sống riêng, có đứa tỏ thái độ lầm lì bất kính, đồng thời họ tự châm ngòi lửa sân hận đốt cháy cuộc sống hạnh phúc lứa đôi.

2. Giác Ngộ Lý Nhân Quả Để Tránh Những Thói Hư Tật Xấu Của Xã Hội (Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng).

Theo giáo lý Phật giáo, lý nhân quả là một định luật tất nhiên và thiết yếu trong vũ trụ, chi phối tất cả sinh mệnh của vạn pháp, nghĩa là sự thành hình của vạn pháp trong vũ trụ đều do nhân quả quyết định cả. Trong vũ trụ, con người có thể trốn khỏi luật pháp xã hội, nhưng không thể trốn khỏi luật pháp nhân quả.

Trong xã hội, con người thích uống rượu là nguyên nhân rồi bị nghiện rượu say sưa là kết quả, con người thích cờ bạc là nguyên nhân rồi bị mê cờ bạc sạt nghiệp là kết quả, con người thích làm nghề ăn trộm là nguyên nhân rồi bị tù đày là kết quả,..v..v... Lý Nhân quả quan hệ chặt chẽ đến ba đời trong sự báo ứng của con người. Đức Phật đã dạy trong kinh Nhân Quả:

“Dục tri tiền thế nhân kim sinh thọ giả thị, yếu tri hậu thế quả kim sinh tác giả thị”, nghĩa là muốn biết nguyên nhân ở kiếp trước của mình như thế nào thì hãy xem chính mình ở kiếp này đang thọ quả báo như thế nào, muốn biết quả báo ở kiếp sau của mình như thế nào thì hãy cần xem hiện nay chính mình đang gây tạo những nguyên nhân gì.

Từ những nguyên lý đó, xã hội ngày nay tràn ngập những điều xấu xa tội lỗi và cũng tràn ngập những điều phước đức thánh thiện, tất cả đều là thành quả của chúng sinh gây tạo những nguyên nhân thiện ác ở kiếp trước. Cũng vì lý nhân quả nói trên, chúng ta nên tránh xa những điều xấu xa tội lỗi trong xã hội để khỏi vướng mắc những nguyên nhân không tốt cho cuộc sống làm người.

Chúng ta nên biết rằng, tâm của chúng ta như máy chụp ảnh, nếu như chụp lấy những hình xấu xa tội lỗi vào tâm làm nguyên nhân, rồi một ngày kia những nguyên nhân đó xuất hiện lôi chúng ta đi vào những con đường quả báo tội lỗi không thể nào tránh khỏi. Chúng ta thà rằng tránh xa những chỗ xấu xa tội lỗi vừa kể đừng để bị vướng mắc vào tâm thì nhất định cuộc sống của chúng ta sẽ được an nhiên tự tại, cũng như chúng ta không nên thức khuya thì nhất định không bị buồn ngủ.

3. Trau Dồi Trí Tuệ Sáng Suốt Để Giải Quyết Mọi Vấn Đề Gia Đình (văn, tư, tu).

Trí tuệ (Intelligence) là một loại trí thông minh lanh lợi và loại trí tuệ này mới sáng suốt để giải quyết mọi hoàn cảnh thuận duyên hay nghịch duyên đưa đến trong gia đình. Trí tuệ này được phát sinh từ Phật Trí và được đào luyện qua Văn huệ, Tư huệ, Tu huệ, ba môn học vô lậu giải thoát của Phật giáo. Văn Huệ là trí tuệ được thể hiện từ nơi học kinh nghe pháp, lão thông Kinh Luận của Phật giáo một cách thâm nhập. Tư Huệ là trí tuệ được thể hiện từ nơi sự tư duy thấu triệt yếu chỉ thâm sâu của đức Phật ẩn mật trong các Kinh Luận. Tu Huệ là trí tuệ được thể hiện từ nơi tu luyện đạt đạo các yếu chỉ trong các Kinh Luận.

Loại trí tuệ nói trên khác hơn loại trí tuệ thế gian. Loại trí tuệ thế gian là loại trí tuệ học rộng hiểu sâu các pháp trong thế gian để trở thành nhà thông thái bác học. Nói cách khác loại trí tuệ thế gian được phát sinh từ các dữ kiện tổng hợp duyên sinh trong thế gian mà nó không phải phát khởi từ nơi Phật Trí nên gọi là Thế Gian Trí. Cũng vì thế loại trí tuệ thế gian không có khả năng hóa giải tận nguồn gốc khổ đau của tất cả tâm bệnh chúng sinh; thí dụ như các nhà bác học thuộc về loại trí tuệ thế gian cho nên vẫn bị vướng mắc khổ đau về vấn đề hạnh phúc gia đình mà không có lối thoát. Trái lại trí tuệ phát sinh từ Phật Trí thì có khả năng chuyển hóa tận nguồn gốc khổ đau của chúng sinh kể cả những nguồn gốc gây khổ đau cho nếp sống hạnh phúc gia đình.

Chồng vợ muốn trau dồi trí tuệ thuộc Phật Trí để giải quyết mọi vấn đề hạnh phúc gia đình thì cả hai người phải chuyên cần học tập và hành trì Phật Pháp; giống như trong xã hội, con người muốn có trí tuệ thế gian thì cũng phải đổ vào đó rất nhiều công sức học tập trải qua nhiều thời gian mới gặt hái được thành quả danh phận.

Điều đặc biệt trong Phật giáo, mỗi người tu học đến đâu thì tự nhiên cảm thấy sự an lạc trong tâm hồn đến đó, nghĩa là người học tập cơ bản thì cảm nhận được những sự an lạc trong cơ bản, người học lên cấp cao thì cảm nhận được những sự an lạc trong cấp cao, học tập càng lên cao thì cảm nhận những sự an lạc càng cao hơn, cũng như người đang bệnh hoạn nếu như được uống thuốc vào thì cảm thấy khỏe lần và càng uống nhiều thuốc theo bác sĩ quy định thì cảm thấy khỏe khoắn vì bệnh tình của mình đã được dứt hẳn.

Theo Phật giáo, người trao dồi trí tuệ không cần đòi hỏi phải được lên cấp mà ở đây đòi hỏi người tu học phải có thiện chí, thiện chí càng cao thì sự an lạc tâm hồn càng sâu.
 
Nói tóm lại, chồng vợ muốn đạt được hạnh phúc thật sự đúng với ý nghĩa của nó thì mỗi người trong gia đình cần phải tiến tu đạo nghiệp, trao dồi trí tuệ sáng suốt để chọn lấy hướng đi đích thực và áp dụng phương châm thực tính cho việc xây dựng nếp sống lý tưởng an lạc bền lâu.

4. Lấy Đạo Đức Từ Bi Cư Xử Với Nhau

Hai chữ Từ Bi của Phật giáo có ý nghĩa khác hơn tình thương hay tình yêu của thế gian. Tình thương hay tình yêu của thế gian đều có mặt trái của chúng, nghĩa là thương không được thì ganh ghét và yêu không được thì hận thù. Từ bi của Phật giáo không có vấn đề ganh ghét hay hận thù. Từ bi của Phật giáo với trạng thái tâm lý chỉ biết hành động cho ra với lòng vị tha vô ngã không có sự mong cầu đền đáp.

Từ bi theo tiếng Phạn, Từ là Maitrya nghĩa là hành động ban vui đến với chúng sinh hay nói một cách khác là tôn trọng sự sống, sự hạnh phúc của chúng sinh và Bi là Karuna, nghĩa là cứu khổ cho chúng sinh hay nói một cách khác là bảo vệ sự sống còn của chúng sinh. Hai chữ từ bi ghép chung lại ý nghĩa là hành động với tâm nguyện bảo vệ sự sống còn của chúng sinh và mang lại hạnh phúc an vui thât sự cho chúng sinh mà không phân biệt những chúng sinh đó thuộc về người thân thiết hay sơ giao, thuộc về người thù nghịch hay thân thương. Người thật hành đạo đức từ bi phải là người xả kỷ vị tha, chọn lấy sự sống của người khác làm sự sống của mình, nghĩa là mượn chúng sinh bên ngoài để diệt tâm chúng sinh của mình.

Tâm chúng sinh của mình chính là tâm tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến,..v..v.... mà chúng đã ẩn núp trong tâm hồn của con người. Mượn chúng sinh để diệt chúng sinh tâm nghĩa là mượn hoàn cảnh bên ngoài để trắc nghiệm sự tu tập trong sự diệt khổ của chúng ta, mượn những hoàn cảnh trái ngang của chúng sinh để trắc nghiệm những phiền não trong tâm của mình còn hay đã mất. Người thật hành đạo đức từ bi đối xử với mọi người, nhất là đối xử với gia đình phải giống như một người mẹ đối xử với những đứa con thân yêu của mình, cũng giống như một gà mẹ đối xử với bầy gà con của nó.

Cha mẹ đối xử với con cái bằng tình thương thì có sự phân biệt, có đứa thương có đứa ghét, có đứa thương nhiều có đứa thương ít, do đó sẽ tạo ra sự bất an trong gia đình; còn cha mẹ đối xử với con cái bằng từ bi thì hành động hy sinh không có sự phân biệt cũng giống như gà mẹ trang trải tình nghĩa cho đoàn gà con của nó và không cần đòi hỏi chúng nó biết ơn hay trả ơn. Sự khác biệt giữa tâm từ bi và tâm tình thương:

* Tâm từ bi thể hiện qua hành động vị tha không vị kỷ với châm ngôn là “Đạo cần ta đến chúng sinh cần ta đi không nệ gian lao không từ khó nhọc”,

* Tâm tình thương thể hiện qua hành động vị kỷ hơn vị tha, chuyên lánh nặng tìm nhẹ, chỗ nào dễ thì đến giúp, chỗ nào thấy khó thì tránh mặt. Thích chỉ huy mà không thích dấn thân.

* Tâm từ bi đặt trên nền tảng thi ân bất cầu báo, nghĩa là mình thi ân không cần họ biết ân và không cần họ đền đáp ân nghĩa.

* Tâm tình thương đặt trên nền tảng thi ân cầu báo, nghĩa là mình thi ân nhưng đòi hỏi họ phải biết ân và họ phải đền đáp ân nghĩa.
 
* Tâm từ bi không phân biệt kẻ thân người sơ, kẻ thương người thù, nghĩa là bất cứ ai đau khổ thì mình sẵn sàng hy sinh cứu giúp.

* Tâm tình thương thì phân biệt kẻ thân người sơ, kẻ thương người thù, nghĩa là mình dành ưu tiên cho người thân nhiều hơn người không thân, kẻ thương thì mình sẵn sàng giúp đỡ, còn kẻ thù thì làm lơ.

* Tâm từ bi không bao giờ cầu danh, nghĩa là mình hành động bằng cách vô danh, không cần ai biết đến.

* Tâm tình thương thì cầu danh, nghĩa là quảng cáo để cho mọi người đều biết đến tình thương của mình.

Chúng ta nên biết, gia đình là một xã hội nhỏ sẽ có những hoàn cảnh bất an đưa đến tạo cho nhau những sự khổ đau ngăn cách. Chỉ có từ bi mới xóa hết mọi khổ đau và ngăn cách. Cho nên đôi chồng vợ phải lấy đạo đức từ bi cư xử với nhau mới có thể ngăn ngừa những bất hạnh đưa đến cho gia đình mất hạnh phúc. Muốn được như thế, chồng vợ mỗi người phải chuyên cần tu luyện đạo đức từ bi.

5. Tu Tập Giới Luật Đã Thọ Cho Được Thanh Tịnh Để Tiêu Biểu Đạo Đức Làm Người

Giới luật đạo đức làm người theo Phật giáo chính là Ngũ Giới và theo Nho Giáo chính là Ngũ Thường. Ngũ Giới của Phật giáo và Ngũ Thường của Nho Giáo mặc dù danh nghĩa khác nhau nhưng ý nghĩa và giá trị không khác nhau, cả hai đều là luật pháp dùng để xây dựng nhân cách làm người. Pháp số của Ngũ Giới gồm có: Không Sát Sinh, Không Trộm Cắp, Không Tà Dâm, Không Vọng Ngữ, Không Uống Rượu. Pháp Số của Ngũ Thường gồm có: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Sự quan hệ của Ngũ Giới và Ngũ Thường như sau:

1. Nhân Bất Sát: nghĩa là có lòng mhân từ thì không được sát sinh.

2. Nghĩa Bất Đạo: nghĩa là có đạo nghĩa thì không được trộm cắp.

3. Lễ Bất Dâm: nghĩa là người có lễ độ thì không được tà dâm.

4. Trí Bất Ẩm: nghĩa là người có trí thì không được uống rượu.

5. Tín Bất Vọng: nghĩa là người có sự tin cậy thì không được nói láo.

Còn sự khác nhau giữa Ngũ Giới và Ngũ Thường như là:

* Ngũ Thường thì chỉ học tập để thật hành mà không có phát nguyện hành trì để tu tập.

* Ngũ Giới ngoài sự học tập để hiểu biết mà còn phải phát nguyện hành trì và tu tập.
 
* Ngũ Thường thì chỉ chú trọng nơi lời nói và hành động mà không chú trọng nơi tư tưởng.

* Ngũ Giới ngoài sự chú trọng nơi lời nói và hành động mà còn chú trọng nơi tư tưởng, nguyên vì tư tưởng chỉ huy lời nói và hành động.

Do đó, con người phải tu tập giới luật đã thọ cho có chất lượng tốt, nhờ có chất lượng tốt thì mới có giới đức tốt, nghĩa là có hương thơm giới đức thể hiện nơi con người, nhờ có giới đức tốt thì mới có giới thân (có giới tướng: tướng tu), có huệ mạng (mạng sống có trí tuệ sáng suốt) tốt để chỉ đạo cuộc sống làm người. Cho nên đôi chồng vợ, nếu là phật tử muốn có hạnh phúc chân thật đích thực của nó thì phải chuyên cần tu tập giới luật đã thọ cho được thanh tịnh.

5. KIẾN HÒA CÙNG NHAU GIẢI BÀY (Kiến Hòa Đồng Giải)

Kiến hòa cùng nhau giải bày, nghĩa là thấy biết những điều hay lẽ phải thì giải bày cho nhau cùng hiểu. Trong một gia đình, trình độ kiến thức của mọi người có ngang nhau thì mới cảm thông với nhau, cho nên chồng vợ mỗi người phải:

1. Trao Đổi Ý Kiến Với Nhau Cùng Hiểu

Bước chân vào đời, không ai tự hào rằng mình thông hiểu hết mọi mặt của lẽ sống và cũng không ai có kinh nghiệm lão luyện hết mọi nghề theo nhu cầu cho gia đình mà không cần đến sự học hỏi của kẻ khác, nhất là sự phức tạp của xã hội quan hệ đến cuộc sống của con người. Người giỏi về phương diện kỷ sư nông nghiệp nhưng không giỏi về ngành khoa học cơ giới, người giỏi về ngành bác sĩ trị liệu thân bệnh nhưng không giỏi về chuyên môn trị liệu tâm bệnh,..v..v.... Trong tinh thần duyên sinh, sự sống còn của chúng ta không thể thiếu những ngành chuyên môn cung ứng, kể cả chuyên môn về tinh thần cho mặt tâm linh. Do đó chúng ta cần phải thâu thập những ý hiến hay bên ngoài để bổ túc cho đời sống của chúng ta mỗi ngày được tốt đẹp hơn.

Cho nên một gia đình muốn đạt được những thành quả tốt đẹp cho cuộc sống, người chồng hay người vợ, bất cứ ai đã thâu thập được bất cứ điều gì hay hoặc những kinh nghiệm nào tốt ở bên ngoài cần phải trao đổi cho nhau cùng hiểu cùng thông suốt để cùng nhau chia sẻ và cùng bổ túc cho nếp sống gia đình ngày thêm thăng tiến. Có hiểu biết có thông suốt như nhau thì mới có sự hòa hợp cùng một nhịp điệu trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Đã sống chung với nhau nếu kiến thức bất đồng, không cùng hiểu biết, không cùng thông suốt, kẻ thì thấy xa, người thì thấy gần, kẻ thì quan niệm sâu sắc, người thì quan niệm nông cạn, tình trạng như thế thì không thể nào thành công trong cùng một ý hướng xây dựng.

Nhưng chúng ta cần nên nhận thức rằng, không phải tất cả những điều tốt trong xã hội đều là nhu cầu thiết yếu của gia đình mà ở đây chúng ta cần phải biết sống hạnh tùy duyên theo hoàn cảnh, nghĩa là phải biết chọn lựa những điều tốt nào quan hệ không thể thiếu sự có măt của nó trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình làm cẩm nang cho đời sống. Nói cách khác, chúng ta nên lấy gia đình làm nền tảng và chọn những điều tốt nào theo nhu cầu của gia đình mà không nên chạy theo sự phồn hoa của xã hội mà khả năng gia đình không đáp ứng nỗi, đúng với châm ngôn: “Liệu cơm gắp mắm”.

Nói tóm lại, sống chung trong một gia đình, chúng ta cần phải trao đổi với nhau những ý kiến hay và những điều kinh nghiệm tốt mà chúng ta đã thâu nhặt được từ bên ngoài để cùng nhau hiểu biết cùng nhau chia sẻ và chỉ áp dụng những hiểu biết nào, những kinh nghiệm nào mà nhu cầu gia đình cần thiết phải có.

2. Chia sẻ Với Nhau Khi Bị Thất Bại

Trên tinh thần đồng lao cộng khổ, vui cùng hưởng khổ cùng chịu, chồng vợ khi người nào gặp phải những hoàn cảnh trái ngang như bị thất nghiệp hay làm ăn bị thất bại..v..v... thì người kia phải có tinh thần thông cảm, nên chia sẻ và an ủi, khuyến khích cho họ lên tinh thần để đủ sức đương đầu với những trở ngại dồn dập đưa đến. Trong những hoàn cảnh đó, người chồng hay người vợ khi gặp đôi chút khó khăn không nên có thái độ phũ phàng trách móc đối với bạn đời của mình đang trong tình trạng khổ đau lo lắng và cũng không nên tự mình rẻ sang lối khác chạy theo sự tham vọng riêng tư vô tình đưa tâm trạng kẻ bị thất bại vào con đường quẩn trí đồng thời cũng gây tạo cho gia đình đáng lý phải được êm ấm hạnh phúc trở nên xáo trộn bất an đốt cháy niềm tin của nhau.

Con người nên biết rằng cuộc đời không phải tuyệt đối, luôn luôn có hai mặt: có tốt có xấu, có thịnh có suy, có lúc sung sướng tràn đầy và cũng có khi đau khổ giăng mắc bủa vây. Con người sống trong cuộc đời khi nắm bắt được những may mắn đến với mình không nên có thái độ tự hào và khi gặp lúc những bất hạnh bủa vây cũng không nên thối chí ngả lòng mà phải giữ vững niềm tin chờ cơ hội một ngày nào đó bình minh sẽ trở lại.

Giữ vững niềm tin có nghĩa là giữa chồng và vợ phải hợp tác chặt chẽ với nhau, chia sẻ niềm đau cho nhau trong mọi hoàn cảnh để đủ can đảm đương đầu trước những khó khăn mang đến và tin tưởng đời sống của mình sau cơn gió lốc đi qua nó sẽ tươi sáng trở lại.
 
Muốn giữ vững niềm tin để chia sẻ với nhau khi bị thất bại, chồng và vợ phải chọn lấy hạnh phúc gia đình làm nền tảng căn bản để vượt qua mà ở đây không phải chọn lấy chủ nghĩa cá nhân làm nhu yếu cho lẽ sống. Chồng hay vợ nếu như chọn lấy chủ nghĩa cá nhân làm nhu yếu cho lẽ sống thì vô tình đạp đổ nền tảng hạnh phúc gia đình trong việc sống chung trở nên rả nát và cũng từ đó hạnh phúc cá nhân sẽ mất đi điểm tựa về mặt tâm linh rồi đưa đời sống con người tuột dần xuống vực thẩm của hố sâu đau khổ. Cho nên đôi chồng vợ phải ý niệm rõ tinh thần đồng lao cộng khổ mặc dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc đời thăng hay trầm, vinh hay nhục cùng nhau đồng tâm chia sẻ một cách chân thành thì không bao giờ cản trở được bước tiến của mình trên con đường xây dựng nếp sống an lạc hạnh phúc chân thật.

3. Biết Cách Sống Để Được Hạnh Phúc Bền Lâu

Cổ Đức có câu: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết mới sống”. Khôn gọi cho đủ là khôn ngoan lanh lợi, nghĩa là người có trí khôn biết phân biệt lợi hại phải quấy, biết hoạt bát xoay trở, biết cách nói năng lanh lợi hấp dẫn. Dại là dại khờ đần độn, nghĩa là người ngu dại tối dạ, chậm chạp, ít hiểu biết, ít phân biệt phải quấy, thua kém đủ mọi mặt. Biết là nhận biết, nghĩa là người nhận chân được sự việc đã xảy ra và biết mình sống như thế nào cho hợp lý.

a. Khôn Cũng Chết

Chữ chết ở đây có nghĩa là bị chết vì đói khổ. Khôn cũng chết, nghĩa là người khôn ngoan lanh lợi rồi sẽ bị chết vì đói khổ do bởi thất bại mọi mặt trong trường đời. Trong trường đời, người nào tỏ ra mình khôn ngoan lanh lợi xuất sắc hơn hết thì sẽ bị mọi người ganh ghét và mỗi khi ganh ghét thì họ tìm đủ mọi cách bao vây, ruồng bỏ, cô lập, nhằm mục đích phá hoại bước tiến của họ không cho ngóc đầu lên trong xã hội và cố đẩy họ rơi vào hố thẩm của khổ đau trong cuộc đời cho thỏa dạ.

Theo lẽ sự sống của chúng ta quan hệ chặt chẽ vô cùng với xã hội trong mọi hoàn cảnh với tinh thần đùm bọc chở che đúng với câu tục ngữ:
 
“Bà con xa không bằng lối xóm gần” mà ở đây chúng ta vì nổi bật sự khôn ngoan lanh lợi cho nên bị xã hội ganh ghét ruồng bỏ thì làm sao sóng yên gió lặng được, vì thế châm ngôn mới có câu “Khôn cũng chết”.

b. Dại Cũng Chết

Dại cũng chết, nghĩa là người dại khờ đần độn thiếu hiểu biết, gặp đâu tin đó cho nên thường bị người đời lợi dụng đến tận cùng xương tủy, đến khi hết sôi rồi việc liền bị đào thải, vắt chanh bỏ võ, sống lây lất bên dĩa hè của xã hội cho đến trút hơi thở cuối cùng, vì thế châm ngôn có câu “Dại cũng chết”.

c. Biết Mới Sống

Biết mới sống, nghĩa là người phải biết cách sống mới được hạnh phúc bền lâu. Người biết cách sống nghĩa là người không phải hạng dại khờ đần độn và cũng không phải thuộc về hạng khôn ngoan lanh lợi như trình bày ở trước.
 
* Hạng dại khờ đần dộn là hạng không có trí tuệ sáng suốt và hạng này cần tu tập đào luyện để có trí tuệ sáng suốt; người có trí tuệ sáng suốt mới có thể chẳng những hiểu rõ mặt thật và mặt trái của tất cả pháp mà còn có thể hiểu rõ toàn diện và cả đến chiều sâu (phía bên trong) của tất cả pháp.

* Còn hạng khôn ngoan lanh lợi cũng không phải là hạng có trí tuệ sáng suốt. Hạng khôn ngoan lanh lợi luôn luôn sống bằng xảo thuật để đạt đến mục tiêu của sự ham muốn mà không thấy được những tai họa ở phía sau, chỉ biết những lợi dưỡng trước mắt mà không đoán được những biến cố sẽ đưa đến ở tương lai. Đã vậy khi đắc thế họ còn thường hay tỏ thái độ cao ngạo tự đắc mục hạ vô nhân.

* Riêng hạng biết cách sống để được hạnh phúc là hạng người có trí tuệ biết trước được những hậu quả của sự việc và biết dự trù để tránh khỏi những hậu quả đó xảy đến. Nghĩa là hạng người biết cách sống phải có trí tuệ nhận thấy rõ rằng cuộc đời luôn luôn nằm trong vòng tương đối hết ngày rồi đến đêm hết đêm rồi đến ngày, hết nước lớn rồi đến nước ròng hết nước ròng rồi lại đến nước lớn, hết thạnh rồi đến suy hết suy rồi lại đến thạnh, hết may mắn rồi đến rủi ro hết rủi ro rồi đến may mắn trở lại, không có gì tuyệt đối cả, cứ xoay tròn mãi cho đến bất tận, đó là định luật vô thường và luân hồi cố hữu của vũ trụ và tất cả pháp hữu vi trong đó có chúng ta đều không thoát khỏi hai định luật này chi phối.

Người biết cách sống, khi được may mắn, gặp chỗ làm ăn phát tài đừng tự hào, đừng buông thả, phải dự trù khi bị thất nghiệp và nếu có dự trù trước khi bị thất nghiệp khỏi phải lo âu mọi mặt, chờ thời gian hết cơn bỉ cực đến hồi thới lai, rồi sẽ có chỗ làm ăn khác phát triển trở lại, các việc khác cũng thế. Hơn nữa mình trong lúc được hưng thạnh, không ỷ lại tài năng, không tự phụ sự khôn ngoan lanh lợi, tạo được sự thương yêu với mọi người, nhờ đó khi bị sa chân thất thế được mọi người chung quanh thương yêu che chở yên lòng trong thời gian chờ cơ may sẽ đến.

Nguyễn Du thường nhắc nhở rằng: “Có tài đừng cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần”, nghĩa là người biết sống theo tinh thần duyên sinh thì đừng cậy nơi tài năng khôn ngoan lanh lợi của mình mà phải cần đến mọi người chung quanh tin tưởng thương yêu hỗ trợ, che chở khi gặp phải cơn mưa nắng trở trời. Những hạng thấy rõ thế sự cuộc đời luôn luôn đổi thay như thế và theo tình thế sống biết dự trù trước chính là những người biết cách sống để được hạnh phúc bền lâu.

4. Khuyến Khích Nhau Trong Việc

Tu Học, Phước Thiện:

Như chúng ta đã biết, thân bệnh thì nhờ y dược của bác sĩ để trị liệu, còn tâm bệnh thì phải nhờ đến pháp dược của đức Phật trị liệu mới có thể an lành. Pháp dược của đức Phật chính đức Phật đã ra toa sẵn và theo đức Phật chính mình tự trị liệu cho mình mà không ai có thể thay thế trị liệu cho mình, nghĩa là chính mình phải tự uống lấy mà không ai có thể kể cả đức Phật uống thế cho mình. Nói cách khác đức Phật muốn cho mình trở thành một vị lương y để chính mình tự trị lấy cho mình.

Muốn trở thành vị lương y để trị tâm bệnh, theo Phật dạy chúng ta phải chuyên cần tu học Phật Pháp là những toa thuốc Dược Vương Dược Thượng tự uống vào mới ngỏ hầu giải thoát căn bệnh khổ đau trầm kha trong tâm linh của chúng ta và nhờ đó những hạnh phúc thực sự chân thật mới gặt hái được cho mình. Đức Phật chỉ là người gia hộ yểm trợ phương tiện mà không phải là người cứu rổi hay chuộc tội cho mình. Thế nên đôi chồng vợ muốn đạt được hạnh phúc chân thật bền lâu cần phải khuyến khích nhau tu học Phật Pháp để trở thành vị lương y thâm diệu trong việc trị liệu tâm bệnh cho nhau.

Ngoài ra, chúng ta phải phát tâm làm những việc phước thiện để bồi dưỡng tâm linh cho thêm tăng trưởng đạo lực từ bi, cũng như một người bệnh nặng sau khi được lành, cần phải uống thuốc bổ bồi dưỡng thân thể để sức khỏe sớm được bình phục. Từ bi là chất liệu sống và ý nghĩa của sự sống an lạc mà tất cả chúng sinh trong tinh thần duyên sinh không thể thiếu trong sự kiến tạo hạnh phúc chân thật cho con người.

Chất liệu từ bi có khả năng hóa giải mọi mâu thuẩn hận thù và kết nối thân thương mọi khuynh hướng dị biệt trở thành chất keo sơn hòa hợp trong cộng đồng duyên sinh. Tâm từ bi muốn cho phát triển lớn mạnh thì môi trường căn bản nhất không ngoài làm việc phước thiện. Người làm việc phước thiện là người trải tâm từ bi đến với những nơi phước thiện mà mình thật tâm trang trải và những phước thiện đó chính là nhân tố ảnh hưởng trở lại tâm mình biến thành quả lành bồi dưỡng tâm từ bi của mình trưởng thành nhân tố phát triển.

Tóm lại người muốn được hạnh phúc chân thật thì điều kiện cần thiết phải thực hiện cho kỳ được hai yếu tố tu tập và làm việc phước thiện nhằm hóa giải những nghiệp khổ đau và phát triển đạo lực tâm từ bi cho nếp sống được thăng hoa thánh thiện.

Trích trong: Xây dựng hạnh phúc gia đình
Tác giả: Thích Thắng Hoan
Còn nữa...



CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Thầy Đồng Tâm ra mắt bộ 3 cuốn sách giúp bạn đọc lắng lại để nhìn sâu

Sách Phật giáo 23:26 10/04/2024

Đó là ba cuốn gồm Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh do First News và NXB Dân Trí ấn hành. Trong đó, 2 cuốn đầu tái bản và làm mới, còn Tịch tịnh là tác phẩm in lần đầu.

Xem thêm