Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 23/04/2016, 08:49 AM

Ý nghĩa căn bản trong giáo pháp tứ Y

Giáo pháp tứ y trong đạo Phật là giáo pháp nói về bốn phương pháp thực tập sự nương tựa (y cứ) dẫn đến giác ngộ giải thoát. Sự  nương tựa ở đây không phải sự dựa dẫm, mà là một nhu cầu đặc biệt như trời mưa, gió cần nương tựa một mái che, đói khát cần nương tựa một quán hàng và tâm còn vô minh, u tối cần nương tựa một minh sư khai ngộ để được sáng mắt sáng lòng…

Như vậy, hết thảy từ nhu cầu thiết yếu cấp bách trong đời sống vật chất cũng như sự phát triển đời sống tinh thần và tâm linh cũng không thể thiếu sự  NƯƠNG TỰA. Khi làm các phật sự cũng vậy: Phát đại tâm đại nguyện đồng với Phật sẽ được Phật hộ niệm. Đang làm tốt, được khen ngợi bỗng sinh kiêu ngạo cho rằng mình tài, mình giỏi, nghĩa là tâm mình sinh kiêu căng. Sự thay đổi ấy sẽ không được Phật hộ niệm nữa nên hỏng việc ở đoạn sau là thế.

Chuyện đạo - đời, thực ra cũng chỉ là một: Đời không có đạo, không nương tựa đạo thì xã hội xuống cấp bởi nền tảng đạo đức hỏng. Còn đạo đi vào đời là nơi chỗ thể hiện những giá trị đạo đức căn bản, tô đẹp cho cuộc đời. 

Bốn phương pháp thực tập sự nương tựa này gọi là GIÁO PHÁP TỨ Y.

THỨ NHẤT: Y PHÁP BẤT Y NHÂN

Nghĩa là: Nương tựa y cứ vào PHÁP, chứ không nương tựa, y cứ vào người nói pháp, giảng pháp. Bởi vì, trong thực tế, người có duyên với Phật được các vị thầy, tổ thu nhận để truyền pháp giới nhằm “tiếp dẫn hậu lai…” duy trì mạng mạnh phật pháp trường tồn và phát triển. 

Kinh Pháp Hoa có câu: “Thế gian tướng thường trụ” vậy thường trụ ở đâu? Phật dạy: Thường trụ trong mỗi con người, trong niềm tin ở con người. Thế nên, mỗi người hãy tự xây ngôi chùa tâm linh cho chính mình; ngôi chùa ấy mới là ngôi chùa bất hoại bằng cách nghe pháp. Nghe pháp cũng là học pháp và cũng là đang tu, gọi là NHÂN QUẢ ĐỒNG THỜI. Tu là tự sửa mình, là dấu hiệu của trí tuệ. Tu sao cho đúng “pháp” đã được nghe, rồi thực hành sử dụng cốt lõi lời Phật dạy làm sao cho đời sống tinh thần và vật chất ngày một nâng cao, tiến bộ…diệu  dụng của giáo pháp có lực oai thần hàng phục được cả yêu ma và cũng khiến tượng đá phải… gật đầu, được thể hiện trong đôi câu đối: 

Pháp lực oai thần - Thiền định phóng quang ma khấu thủ

Sư đăng bảo tọa - Đàm kinh nhập diệu thạch đê đầu.

Vì thế những người thông tuệ, có năng khiếu sư phạm thì việc truyền thụ chính pháp ắt thu được kết quả tốt; cho dù trong đời sống thực của vị thầy đó còn chưa mẫu mực. Trong trường hợp đó ta không nên định kiến, cố chấp, đánh mất một cơ hội tốt để nghe Pháp và người giảng Pháp; bởi Pháp chính là đạo, giảng pháp chính là giảng đạo. Nghe pháp để thấy đạo, thu nhận tinh hoa lời Phật dạy mà nhận ra con đường chân lý. Nên hành đạo theo Quán âm, nghe sâu, nhìn sâu. Nghe theo Quán âm là nghe mà không chấp tướng, hình thức nào giúp ta giác ngộ giải thoát chúng ta chọn, không nhầm lẫn chiếc áo với thầy tu.

Ta nghe pháp để thâm nhập vào tâm là Thanh văn thừa mà Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: Đầu tiên phải học thanh văn là học đạo đức. Trên bước đường cầu đạo Thiện tài được khuyên học đạo với Đức Vân tỳ kheo. Đức Vân tỳ kheo đi kinh hành trên mây chứ không đi trên mặt đất. Ý này gợi cho ta thấy: Người có đức hạnh thì tâm hồn luôn nhẹ nhàng thanh thoát. Người có đức hạnh thì sống trong gia đình hay hoạt động ngoài xã hội không làm mất lòng ai, ví như mây bay qua núi nhưng không làm trở ngại núi và núi cũng không cản mây. Rèn luyện thành người đức hạnh là vun bồi báo thân cho mình, từ đó mới phát triển trí tuệ mà tiến tu.

Đương nhiên, với vị thầy giảng pháp có được Thân giáo, tức đạo hạnh mới cảm hóa người khác dễ bởi có lực cảm hóa vô hình, không thấy bằng mắt thường được. Nếu người học có sự tiếp cận nào đó với vị thầy, sẽ nhanh chóng chuyển hóa, việc chứng ngộ giáo pháp chẳng mấy khó khăn. Thời Phật tại thế, có Xá lợi phất vừa trông thấy Tỳ kheo Mã Thắng đã chứng quả Dự lưu, là giải thoát. Hoặc Đức Phật Thích Ca thuyết pháp cho vua Tịnh Phạn, là phụ vương của Ngài - Vua nghe xong cũng liền chứng Dự lưu. Tôn giả Mục Kiền Liên thuyết pháp cho vua Tần bà sa la bị giam trong ngục, nghe xong nhà vua chứng Dự lưu. Nghe pháp, rửa sạch lòng trần, nghĩa là chỉ buông bỏ - đương nhiên là chỉ buông bỏ cái chấp, sẽ chứng được Thánh quả ngay.

Thiết nghĩ, đời nay cách Phật hơn 25 thế kỷ rồi, các chư Thánh cũng dần khuất bóng… bây giờ chỉ còn Pháp thân và Báo thân Phật mà thôi. Pháp thân và Báo thân Phật là thân chân lý tuyệt đối, gọi là THẬT TƯỚNG, bởi thật tướng là vô tướng (không phải là hóa thân, nhục thân là thân sinh diệt - thân này đều tan hoại theo luật Vô thường, vì nó hợp bởi tứ đại: đất, nước, gió, lửa nên chỉ hữu hạn mà thôi ). Khi tìm hiểu thêm về ý nghĩa của Phật tam thân ta càng thấy việc thực tập sự nương tựa pháp quan trọng biết ngần nào. Trong Giáo sử còn ghi lại, trước giờ nhập Đại Niết Bàn của Đức Thích Ca, tôn giả A-nan đã thỉnh Phật cho lời Di giáo, và Đức Phật đã để lại lời căn dặn cuối cùng: “Hãy nương tựa Pháp. Pháp lãnh đạo!” (Kinh Di giáo).

Như vậy, sự nương tựa pháp là điều chúng ta luôn ghi nhớ để thực hành.
 
THỨ HAI: Y LIỄU NGHĨA KINH - BẤT Y BẤT LIỄU NGHĨA KINH

Vậy thế nào là Liễu nghĩa và thế nào là không Liễu nghĩa?

Kinh Liễu nghĩa là Kinh nói về chân lý tuyệt đối, cũng gọi là KHẾ LÝ, là chân tính, bất biến bởi đó là căn bản của sự vật. Tu hành phải đạt được bất biến - tức khế lý, liễu nghĩa. Từ liễu nghĩa, bất biến mới ứng vạn biến, tức tùy duyên. Không phải bất biến là chấp pháp (cố chấp,bảo thủ). Khi đã thấu triệt Bản tâm tự tính Liễu nghĩa thì người ta không còn vọng thức, lầm lỗi, là người đã đạt được Thánh tuệ. Còn Kinh Bất Liễu nghĩa là kinh phương tiện, chỉ nói về chân lý tương đối, nên được gọi là KHẾ CƠ. Vì là kinh  phương tiện nên dễ hiểu, đánh thức người học người tu chính niệm tỉnh giác thấy rõ nguồn gốc khổ đau, thiện ác, từ đó chuyển hóa thân tâm, bớt khổ được vui. Kinh được thể hiện bằng ngôn ngữ thế gian nên có tính phàm tuệ. Mặc dù vậy Kinh Liễu nghĩa và bất Liễu nghĩa - cả hai đều là sự thật căn bản nên được gọi là NHỊ ĐẾ.

Sự thật tương đối trong Bất Liễu nghĩa cũng là sự thật đấy nhưng nó không sâu sắc không phải sự thật tột cùng mà chỉ nửa vời, tạm bợ… nhưng cũng quan trọng, không thể thiếu, để từ đó người học, người tu từng bước nhận thức thực tại, để thăng hoa tri thức trên bước đường ngộ đạo. Còn sự thật tuyệt đối cũng hàm chứa sự tương đối với Liễu nghĩa, Phật học gọi là CHÂN ĐẾ - nhằm phân biệt với sự thật tương đối gọi là TỤC ĐẾ sẽ nói dưới đây:

Sự hiểu biết “sắc - không” của nhà Phật qua bài Kệ đáp Tăng chúng của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, còn gọi là Đức Thánh Láng, chẳng hạn:

Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không

Có thì có tự mảy may/không thì cả thế giới này cũng không. Cái “có” của vật chất dẫu nhỏ như vi trần cũng là “có”. Đó là sự thật tương đối (tục đế), còn sự thật tuyệt đối (Liễu nghĩa - Khế lý) là sự thật: muốn pháp do duyên sinh và luôn chịu tác động hoại diệt của vô thường mà “cả thế giới này…” cũng không nằm ngoài quy luật ấy, nên nó là CHÂN ĐẾ.

Trong giáo pháp của đức Phật, chữ: không, vô thường được dùng nhiều và cũng dễ bị hiểu lầm ngay cả trong thời Phật tại thế, đừng nói gì đến thời đại văn minh thế kỷ 21 bây giờ. Trước hết chữ “không” này cần được hiểu trong giáo lý Duyên sinh, còn vô thường là mọi sự mọi vật luôn biến đổi nên hết thảy đều không có tự tính riêng biệt. Sở dĩ nó tồn tại vì phụ thuộc nhiều yếu tố, gọi là duyên. Ngay cả con người đang sống đấy, nhưng dưới con mắt duyên sinh gọi là sống gá, tạm thời thôi. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hiểu rõ điều ấy mới đưa vào ca từ của ông : “Tôi nay ở trọ trần gian…” vì là cõi tạm, là nơi “ở trọ” mà thôi. Thế nên, cả thế giới này cũng … không, chính là cái không của Liễu nghĩa, là sự thật tuyệt đối.

Sự học hiểu cũng vậy: từ thấp lên cao, từ cạn vào sâu; rồi cuối cùng là … để gió cuốn đi - là giải thoát các tri kiến là liễu ngộ: thấy được cái tuyệt đối. Còn như đặt cho nó một cái “danh” TỤC và CHÂN là nhằm phân biệt khi quán chiếu, thấy được thực tướng của các Pháp mà thôi.

THỨ BA: Y NGHĨA BẤT Y NGỮ

Nghĩa là: Căn cứ vào nghĩa lý chứ không hẳn là câu chữ. Đừng mắc kẹt vào câu chữ, ngôn từ; chỉ coi nó là phương tiện để đánh thức tuệ giác chứ nó không phải là tuệ giác, là ngón tay chỉ trăng chứ không phải vầng trăng. Bình chú đấy, kệ tụng đấy… nhưng vẫn vô ngôn, vẫn trực chỉ chân tâm, vẫn giáo ngoại biệt truyền, vẫn bất lập văn tự đối với ngôn ngữ, về ngôn ngữ. Vẫn biết chữ - không phải là không dùng, không tạo lập. Xây dựng ngôn từ, hoặc hiểu theo kiểu “ý tại ngôn ngoại”, chấp nhận nó ở cấp TỤC ĐẾ. Ngay cả kim ngôn của đức Phật, Ngài cũng bảo: Đừng vội tin chỉ vì tôn kính Ngài. Ngài muốn chỉ sau khi thực sự sống và thấy nó an lạc, hạnh phúc thì hãy tin theo lời chỉ dạy ấy. Lời dạy có tinh thần phê phán này là khởi điểm khai mở tuệ giác cho mỗi cá nhân con người chúng ta. Thi hào Nguyễn Du quan niệm: “Linh văn bất tại ngữ ngôn khoa” - Cái hay trong ngôn từ, câu chữ đều vượt thoát mọi ràng buộc, đó là siêu ngữ nghĩa: mượn lời để tỏ ý - được ý thì quên lời. Chả vậy mà văn hào Nhật Bản Kawabata Yasunari (1899 - 1972) giải NOBEL văn chương 1968 từng nói: “Kinh Phật là tác phẩm văn chương vĩ đại nhất của nhân loại”.

Như đã dẫn - dẫu có Bất y ngữ, tức không nương tựa vào ngôn ngữ, nhưng cũng không thể bỏ TỤC về CHÂN được, mà phải nương tựa “ngữ” để sáng tỏ “nghĩa”. Lời kinh cũng là chân lý ảnh tượng mà chất liệu là ngôn ngữ, ý niệm để người học, người tu thấy được bản chất trực tiếp từ kinh nghiệm người khác. Giáo dục Phật giáo là giáo dục đánh thức. Đánh thức hạt giống Phật còn đang ngủ vùi trong vô minh tham, sân, si. Giáo dục Phật giáo hoàn toàn không phải là nhồi nhét kiến thức hay một sự áp đặt nào.

THỨ TƯ: Y TRÍ BẤT Y THỨC

Nghĩa là: Nương tựa vào trí tuệ mà không nương tựa vào kiến thức. Trí tuệ thường được xem như một danh từ chung, nhưng thực ra, giữa trí và tuệ có đôi chút khác biệt, mặc dù nó liên quan mật thiết với nhau nhiều khi được sử dụng lẫn lộn tùy theo ngữ cảnh. Và hơn hết, Phật giáo luôn chú trọng và đề cao trí tuệ, hiểu theo nghĩa tri thức, nhất là những tri thức liên quan đến nguyên nhân của những nỗi khổ đau và cách thức vượt thoát nỗi khổ đau đó. Hiện thực cuộc đời luôn cần đến tri thức là vậy!

Trí, được phân ra nhiều loại: Chính trí, tà trí, thế gian trí, nhất thiết trí… mà nghĩa thông thường của trí là năng lực nhận thức của con người đối với các sự vật và hiện tượng, khả năng phân biệt và đoán định được phải trái, đúng sai, chính tà. Vì có sự phân biệt tính đếm nên nó quyết đoán. Thế nên, đạt tới sự tướng hữu vi gọi là trí.

TUỆ - Đó là sự thông tỏ mà không còn phân biệt tính đếm. Tuệ - là một khái niệm trung tâm của Phật giáo, chỉ cho năng lực nhận thức không phải do suy luận hay khảo nghiệm mà có; là khả năng trực nhận ra thực tướng của sự vật và hiện tượng. Trong Luận Duy thức - quyển 9, nói: “Quán trong cảnh được mất đều là không thì chỉ có TUỆ mới đạt được, mới quyết định được”.

Tóm lại: Liễu biệt sự tướng trên phương diện hữu vi gọi là Trí. Thông đạt tính không thực tướng của vạn pháp gọi là Tuệ. Tuệ ở đây đồng nghĩa với Bát nhã với Giác ngộ. Khi nói, đạo Phật là đạo của trí tuệ, chính là trí tuệ được xét trên phương diện này.

Vì thế muốn tìm cầu trí tuệ bằng con đường này, chúng ta phải tự thân khảo nghiệm trong quá trình tu chứng của mình. Do vậy, chỉ có Y TRÍ, tuệ giác mới phát sinh, tức cái thấy khách quan được thông tỏ tận cùng; ở đó không có tham, sân, si bởi nó là thật tướng, tức CHÂN TƯỚNG. Cho nên nó đáng là chỗ được nương tựa, y cứ để học hiểu tăng ích trí tuệ. Còn “Bất y thức” tức không nương tựa vào kiến thức hoặc đối tượng của nhận thức.

Như ta biết, chức năng của Thức là sự phân biệt, phân tích, phân loại được thông qua các giác quan: Mắt, tai, mũi… gọi là Lục căn. Chữ “căn” là gốc, sáu cái gốc làm trung gian của suy luận và khái  niệm nên đương nhiên nó hàm chứa tham, sân, si - có tính chủ quan của cái ngã, cái tôi. Nó khác với trí tuệ là trực giác, khách quan nên không còn cái tôi, không hàm chứa tam độc tham sân si.

Tóm lại - trong giáo pháp Tứ y, đức Phật đã đưa ra 4 cặp phạm trù, trong mỗi cặp có 2 đối tượng để tìm hiểu đó là “y”, tức sự nương tựa; và “bất y”, không nương tựa y cứ vào đó. Nhưng cả hai đều có tính căn bản nên được gọi là NHỊ ĐẾ. Và cũng từ sự “bất khả phân” này gợi  nhắc chúng ta về sự tu của chính mình. Đó là tu trong Ngũ uẩn, cũng gọi là Ngũ ấm. Ngũ uẩn chứa tham sân si luôn ngăn che sự tu. Nhưng cũng từ sự ngăn che của ngũ uẩn mà vọt lên, thăng hoa trí tuệ như hoa sen thơm ngát từ bùn lầy tỏa hương sắc cho đời. Tổ Thiền Bồ đề Đạt Ma bảo: phiền não là hột giống bồ đề. Cũng vậy: Khi cuộc đời còn bất ổn, khổ đau con người mới khởi tâm tu để thoát khổ được vui. Từ thị phi cuộc đời, từ ngũ uẩn ngăn che ta mới bước vào chính định. Bắt đầu chúng ta tu Tam tuệ và Văn - Tư - Tu. Tức lắng nghe, suy nghĩ rồi sau đó tự sửa mình. Rồi từ đó mới bước tiếp để tu Tam vô hậu học là tu giới, tu định và tu tuệ, là ba môn học căn bản trong đạo Phật. Muốn vậy phải từng bước thực tập sự nương tựa trong Giáo pháp tứ y mà đức Phật đã cặn kẽ chỉ bày.

Hãy tinh tiến!

Pháp Vương Tử
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 2 năm 2016

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình

Nghiên cứu 12:00 18/02/2024

Kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīka Sūtra) là một trong những bộ kinh thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), hay còn gọi là Phật giáo Phát triển.

Vài nét về khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Nghiên cứu 10:00 14/02/2024

Tự lực và tha lực tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không đối nghịch nhau, và hai yếu tố này không thể thiếu trong tiến trình tu tập của một người con Phật.

Xem thêm