Ý nghĩa dâng y Kathina trong Phật giáo Nam truyền
Sau ba tháng an cư mùa mưa, vào tháng cuối cùng (từ 16 tháng 9 âm lịch cho đến 15 tháng 10 âm lịch) là mùa lễ hội dâng y Kathina tại các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam truyền (Theravāda).
Lễ hội dâng cúng y đến cho chư Tỳ-khưu đã hoàn mãn ba tháng an cư mùa mưa có từ thời Đức Phật tại thế. Đối với tín đồ Phật giáo Nam truyền, Đại lễ dâng y Kathina mang một ý nghĩa hết sức to lớn, vừa thể hiện thiện tâm của người Phật tử trong việc hộ trì Tăng đoàn, vừa tạo nên niềm vui và phước đức lớn cho người Phật tử tại gia.
Nguồn gốc kinh điển
Việc dâng y Kathina do Đức Phật ban hành được ghi lại trong Luật tạng.
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại Jetavana của ông Anāthapiṇḍika gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy nhóm 30 vị Tỳ-khưu xứ Pāvā (1) đều thọ hạnh đầu-đà có ý định đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn. Trên đường đi, mới đến xứ Sāketa, thì nhằm vào ngày 16 tháng 6 (âm lịch; các ngày đề cập trong bài đều là âm lịch) là ngày chư Tỳ-khưu phải an cư ba tháng mùa mưa tại trú xứ cố định. Vì thế, các vị đành phải an cư ba tháng mùa mưa tại xứ Sāketa.
Khi qua ba tháng mùa mưa, vào ngày 15 tháng 9, sau khi làm cử hành lễ Pavāraṇā (2) xong, sáng ngày hôm sau (16), các vị tiếp tục lên đường hướng về kinh thành Sāvatthi. Trời vẫn còn mưa nhẹ, trên đường có những vũng nước đầy, đường sá lầy lội, các vị mặc y bị ướt đẫm và dính đầy sình lầy, thân phải chịu vất vả, đi đến Jetavana vào đảnh lễ Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn hỏi chư Tỳ-khưu rằng:
Này các Tỳ-khưu, sức khỏe có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không?...
Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ nhóm 30 vị Tỳ-khưu xứ Pāvā, sau khi lắng nghe Thế Tôn thuyết pháp, các vị đều chứng đắc Thánh A-la-hán. Sau đó, Đức Phật dạy rằng: Này chư Tỳ-khưu, Như Lai cho phép chư Tỳ-khưu đã an cư suốt ba tháng mùa mưa xong, được thọ y Kathina.
Này chư Tỳ-khưu, Tỳ-khưu đã thọ y Kathina xong rồi, sẽ được hưởng đặc ân năm quả báu là:
1- Khi được thỉnh mời, vị Tỳ-khưu ấy có thể ra khỏi chùa, mà không báo vị Tỳ-khưu khác biết.
2- Vị Tỳ-khưu ấy không giữ gìn đủ tam y.
3- Vị Tỳ-khưu ấy được dùng vật thực cùng nhóm (4 vị Tỳ-khưu trở lên), dù thí chủ gọi tên vật thực ấy.
4- Vị Tỳ-khưu thọ nhận y dư ngoài tam y và cất giữ quá 10 đêm.
5- Y phát sinh nơi nào, Tỳ-khưu được phép thọ nhận nơi ấy. Này chư Tỳ-khưu, Tỳ-khưu đã thọ y Kaṭhina xong rồi, sẽ được hưởng đặc ân năm quả báu này. (3)
Không phải kết thúc mùa an cư, nhận y cúng dường của Phật tử rồi là có được năm quả báu như trên phát sanh liền mà phải qua nhiều giai đoạn để thành tựu y Kathina. Sau khi đã làm lễ thọ y Kathina của chư Tăng xong, Tỳ-khưu nào đã nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y Kathina của chư Tăng, vị ấy không thay đổi chỗ ở, cho dù đi nơi nào khác, tâm vẫn lưu luyến, ràng buộc với trú xứ đã an cư ba tháng mùa mưa, vị Tỳ-khưu ấy được hưởng đặc ân năm quả báu ấy suốt 5 tháng, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày 15 tháng 2 năm sau.
Nếu chư Tỳ-khưu không làm lễ thọ y Kathina, cũng không làm lễ hoan hỷ y Kathina của chư Tăng, thì chư Tỳ-khưu ấy chỉ được hưởng đặc ân năm quả báu trong 1 tháng, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến 15 tháng 10.
Như vậy, lễ dâng y Kathina trở thành truyền thống của Phật giáo từ thời kỳ Đức Phật cho đến ngày nay.
Y Kathina được thành tựu và không thành tựu
Y Kathina là phải thành tựu được nhiều điều kiện thì chư Tỳ-khưu mới hưởng được năm quả báu đó. Điều kiện nào được gọi là thành tựu?
Nếu có thí chủ cúng dường y đã may sẵn như ngày nay thì quá thuận tiện cho chư Tăng, nhưng ngày xưa đâu có được vậy, thí chủ chỉ dâng tấm vải chưa may thành y, và vị Tỳ-khưu được chỉ định thọ y (4) sẽ phải tự tay cùng với sự giúp đỡ của chư Tăng để may lấy một trong ba y, đặc biệt y nào được xem là cấp thiết nhất lúc đó, để dùng ngay trong Tăng sự thọ y.
Ba y hoặc vải may y được dâng cho Tăng sự Kathina có thể là của cư sĩ hoặc một cá nhân Tăng Ni nào đó cúng dường, đôi lúc đó chỉ là một miếng vải lượm từ chỗ bất tịnh và được giặt sạch, nhưng quan trọng là tấm vải đó thuộc 17 trường hợp sau thì mới thành tựu:
1- Tấm vải còn mới may thành y.
2- Tấm vải giặt rồi còn mới may thành y.
3- Tấm vải cũ may thành y.
4- Lượm lặt những tấm vải dơ 5 may thành y.
5- Lượm lặt vải người ta xả bỏ may thành y.
6- Tấm vải may y có được không phải do vị Tỳ-khưu biểu lộ bằng lời nói cho thí chủ, may thành y.
7- Tấm vải may y có được không phải do vị Tỳ-khưu nói trực tiếp hoặc gián tiếp với thí chủ, may thành y.
8- Tấm vải may y có được không phải mượn của người khác, may thành y.
9- Tấm vải may y mà vị Tỳ-khưu may thành y xong, không cất giữ qua đêm.
10- Tấm y may hoàn thành xong trước lúc rạng đông (chưa qua ngày khác).
11- Tấm y đã làm dấu tròn nhỏ: Làm lễ thọ y Kathina được thành tựu.
12- Tấm y ấy là y 2 lớp (saṅghati).
13- Tấm y ấy là y vai trái (uttarasaṅga).
14- Tấm y ấy là y nội (antaravāsaka).
15- Tấm y cắt may đủ 5 điều (hoặc 7 điều) làm xong trong ngày.
16- Vị Tỳ-khưu là người làm lễ thọ y (không phải nhóm hoặc chư Tỳ-khưu Tăng).
17- Tỳ-khưu làm lễ thọ y Kathina bên trong sīmā (khu cương giới hay kiết giới được chư Tăng ấn định ở địa điểm nào đó để làm chỗ họp chúng thực hiện các Tăng sự) và chư Tỳ-khưu Tăng nói lời hoan hỷ.
Vải may y đã đúng theo luật, phát sanh hợp pháp thì tiếp theo sau đó là lễ hành Tăng sự tụng tuyên ngôn trao tấm vải may y Kathina đến cho vị Tỳ-khưu đã được chọn. Việc may y để làm lễ thọ y Kathina rất quan trọng và nhanh chóng làm cho xong, bởi vì tấm y cần phải được may xong trong ngày hôm ấy, để làm lễ thọ y Kathina trước lúc rạng đông. Nếu tấm y may chưa xong, trễ sang ngày hôm sau, thì không thể làm lễ thọ y Kaṭhina với tấm y ấy được. Vì vậy, tất cả chư Tỳ-khưu trong ngôi chùa, bất luận là vị Tỳ-khưu nào đều phải tập hợp chung, lo may cho xong một tấm y, để kịp làm lễ thọ y Kaṭhina hợp pháp của chư Tăng. Cho nên, mỗi vị Tỳ-khưu mỗi việc, trước tiên, vạch đường ngang đường dọc, cắt tấm vải thành tấm y 2 lớp, hoặc y vai trái, hoặc y nội, tất cả chư Tỳ-khưu, mỗi vị lo may mỗi phần, ráp vào thành tấm y rồi nhuộm cho đúng màu mà Đức Phật đã chế định.
Sau khi đã xong phần y, chư Tỳ-khưu Tăng đã an cư ba tháng mùa mưa hội họp lại để chứng minh cho vị Tỳ-khưu đã được tuyển chọn làm lễ thọ y Kathina. Tiếp theo vị ấy thỉnh mời tất cả chư Tỳ-khưu cùng nói lên lời hoan hỷ với lễ thọ y Kathina hợp pháp của chư Tăng. Sau khi làm lễ thọ y Kaṭhina của chư Tăng xong, các vị Tỳ-khưu hưởng được đặc ân năm quả báu như trên đã đề cập.
Ngày nay, chư Tăng không cần phải may y như xưa, Phật tử thường cúng dường nguyên bộ ba y may sẵn, chư Tăng bớt đi được giai đoạn may y mà chỉ cần chỉ định vị thọ y rồi thực hiện lễ thọ y trong sīmā, sau đó chư Tăng cùng hoan hỷ là hoàn tất.
Ý nghĩa Kathina
Nhiều người nghĩ rằng Kathina tức chỉ cho y Kathina được dâng trong dịp sau khi chư Tăng mãn mùa an cư. Phụ chú giải tạng Luật, định nghĩa về Kathina như sau: Kathina nghĩa là vững chắc, bền chặt bởi vì có khả năng làm cho năm quả báu được duy trì trong suốt khoảng thời gian (5) tháng. (6) Ngoài ra, Kathina còn có nghĩa thực tế là khung gỗ để căng vải may y được Đức Phật cho phép chư Tỳ-khưu sử dụng. (7)
Dâng y Kathina đặc biệt hơn các y khác. Trong một năm có 12 tháng, thí chủ có thể dâng y thường dùng vào bất cứ lúc nào, không hạn định, không bắt buộc, hoàn toàn tùy ý của thí chủ. Và chư Tỳ-khưu có thể thọ nhận y mà thí chủ đem đến làm lễ dâng y thường dùng bất cứ thời gian nào, cũng không hạn định. Nhưng đối với việc dâng y Kathina, chư Tỳ-khưu được phép thọ y Kaṭhina bắt đầu từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày 15 tháng 10. Trong khoảng thời gian 30 ngày ấy, chỉ có một ngày, chư Tỳ-khưu chỉ được phép một lần thọ nhận y Kathina, mà thí chủ đem đến làm lễ dâng y Kathina mà thôi; còn lại 29 ngày khác, chư Tỳ-khưu ấy không được phép thọ nhận y Kathina nữa.
Mỗi chùa, một năm chỉ tổ chức một lần bất cứ ngày nào từ 16 tháng 9 đến 15 tháng 10. Chỉ cúng dường đến chư Tăng rồi chư Tăng sẽ giao y theo Luật chứ không cúng trực tiếp cá nhân Tỳ-khưu nào hết. Cho nên việc cúng dường y Kathina không tự tay trực tiếp dâng y mà đặt y trước mặt chư Tăng rồi tác bạch dâng cúng. Chư Tăng chỉ nhận bằng cách im lặng.
Quả báu của việc dâng y Kathina
Quả báu của việc dâng y Kathina đặc biệt hơn tất cả mọi quả báu của phước thiện bố thí khác, vì lễ dâng y Kathina được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch. Hơn thế nữa, cúng dường y Kathina là cúng dường đến Tăng chứ không phải cá nhân thí nên quả báu thù thắng hơn bố thí khác.
Không có trường hợp cụ thể nào Đức Phật đề cập đến quả báu dâng y Kathina dành cho thí chủ cúng dường y Kathina, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng quả báu sẽ thù thắng hơn nhiều. Người cúng dường y Kathina là người cúng dường theo cách thức của bậc chân nhân nên việc cúng dường như thế được phước báu rất to lớn. Bậc chân nhân bố thí theo 5 cách (8) như sau: 1-Bố thí với đức tin trong sạch nơi Tam bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp. 2-Bố thí với sự cung kính. 3-Bố thí đúng thời, đúng lúc. 4-Bố thí với tâm không gượng ép. 5-Bố thí không làm khổ mình, không làm khổ người.
Như vậy, từ việc cúng dường thù thắng, chúng ta sẽ nhận được quả báu thù thắng tương ứng với việc thiện mình đã làm. Tuy nhiên, phước báu mình hưởng dù có lạc cõi người, cõi trời đến bao lâu đi nữa thì cũng sẽ đến lúc hết phước cũng phải tiếp tục lăn trôi trong dòng sanh tử. Chỉ khi nào thoát khỏi phiền não thì mới đạt được sự an lạc cao quý nhất, đó chính là Níp-bàn. Níp-bàn lạc tối thượng. (9)
Kết luận
Truyền thống dâng y Kathina trở thành một nét đẹp trong văn hóa của Phật giáo Nam truyền, đây là dịp để tôn vinh những giá trị truyền thống Phật giáo có từ thời Đức Phật và được gìn giữ, bảo tồn cho đến ngày nay. Tuy mỗi quốc gia đều có văn hóa riêng, phong tục riêng nhưng cái chung của tất cả các xứ theo Phật giáo Nam truyền vẫn là dựa trên tinh thần giới luật mà thực hành. Người nhận và người cho, cả hai phương diện đều được sự lợi ích vững chắc như ý nghĩa thật sự của Kathina. Hy vọng với những chia sẻ như món quà pháp dành cho tất cả nhân mùa lễ hội dâng y Kathina để gìn giữ truyền thống Luật tạng chứ không phải để tôn cái “lễ hội” lên cao quá sẽ mất đi ý nghĩa.
Chú thích:
1. Nhóm 30 vị này đều là các hoàng tử của vua Pasenadi.
2. Lễ Tự tứ, thỉnh mời nhắc nhở lỗi lẫn nhau.
3. Đại phẩm, chương Kathina, phần Sự cho phép Kathina
4. Một vị Tỳ-khưu được chọn ra để đại diện chư Tăng thọ y có thể là vị Tỳ-khưu đang cần y mới, hoặc một vị Trưởng lão nào đó và phải hiểu rõ cách thức làm y Kathina theo luật định. Nghi thức chỉ định vị thọ y và giao y được cử hành qua Tăng sự tuyên ngôn hai lần .
5. Gọi là y phấn tảo, tức là y lượm được từ vải quấn thi thể người chết. Vị Tỳ-khưu có thể lượm vải đó về, giặt, may, nhuộm thành chiếc y để sử dụng.
6. Sāratthadīpanī-ṭīkā (iii.336).
7. Vin.ii.216.
8. Tăng chi bộ kinh, chương Năm pháp, phẩm Tikaṇḍakī, bố thí xứng bậc chân nhân.
9. Dhp.204.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tâm lìa tướng ngôn ngữ
Kiến thức 13:20 14/11/2024Tâm, lìa tất cả tướng, lìa tướng văn tự, lìa tướng ngôn ngữ, lìa tất cả tướng của động tác (nhướng mày chớp mắt) và lìa tất cả tướng tâm duyên hư vọng. Tâm thể lìa tất cả tướng ấy, nói có cũng không đúng, nói không cũng sai luôn.
Cháo và trà
Kiến thức 10:24 14/11/2024Thiền sư Triệu Châu rất chú trọng Phật giáo trong sinh hoạt, sư ở bất cứ nơi nào cũng thể hiện thiền phong trong cuộc sống sinh hoạt.
Tinh thần nhập thế của Phật giáo thời Trần
Kiến thức 09:30 14/11/2024Phật giáo đời Trần thật xứng đáng với vai trò của hệ tư tưởng chủ đạo tích cực và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thời đại, phù hợp với truyền thống yêu nước, tạo nên một triều đại vàng son trong lịch sử nước nhà.
Thấy rõ sự thật về già bệnh để không quá buồn lo
Kiến thức 09:15 14/11/2024Trải qua thời gian thân này bị già là sự thật tất yếu. Già suy thì bệnh tật phát sinh cũng là tất nhiên. Ai rồi cũng như vậy, mọi sự vật hiện tượng đều như thế. Vậy thì chấp nhận sẽ an yên hơn chạy trốn hay chối bỏ hoặc lo sầu.
Xem thêm