Thứ tư, 12/09/2018, 13:06 PM

Ý nghĩa sâu mầu của sự cúng dường

Sự thờ phụng và cúng dường Tam bảo, nếu chúng ta thực hành một cách thành tâm, thiện chí và đúng ý nghĩa, thì sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho chúng ta trong hiện tại và vị lai.

Thông thường thì chúng ta vẫn hiểu cúng dường là cung cấp vật thực, đồ quý báu hoặc hương, đăng, hoa quả cúng dường để tỏ lòng quý kính, sùng mộ Phât, Bồ Tát và các hàng Thánh hiền. Nhưng trên thực tế, cúng dường cũng có nhiều thể thức và được xem với các ý nghĩa và lợi ích khác nhau.

- Cúng dường trước tượng Phật, tháp Phật bằng hương hoa, nhang đèn đốt lên.

- Cúng dường sư tăng để các ngài tiện có phẩm vật mà tu học và chú nguyện cho mình (tức trì chú cho người cúng dường).

Cùng với hai thể thức cúng dường phổ biến nói trên, chúng ta đến chùa đều hiểu chung một nghĩa là cúng dường Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Nhưng theo Phật học từ điển của học giả Đoàn Trung Còn thì sự cúng dường còn có những thể thức khác nữa. Đó là: "Những người tín thí cúng dường cũng được chia ra 3 hạng (hoặc 3 nhẽ):

- Vì cung kính sùng mộ mà cúng dường.
- Vì hạnh nguyện mà cúng dường.
- Vì thấy có lợi ích cho ông bà, cha mẹ quá vãng, cũng như cho gia đình trong đời sống này và đời sau mà cúng dường.

Đối với chư tăng, có 4 cách cúng dường (tức Tứ sự cúng dường), đó là: cúng y phục, cúng vật thực, cúng nhà thất, giường nệm, cúng thuốc để trừ bệnh. Đồ cúng dường có 10 món: hoa, hương, anh lạc (chuỗi hạt), hương tán, hương đồ, hương đốt, tàn lọng, cờ, phướn, quần áo, âm nhạc, chắp tay".

Trong Bồ Tát giới kinh, điều giới 44 có dặn cúng dường kinh điển như vậy: "Phật tử thường nên một lòng thọ trì, đọc tụng Kinh Luật Đại thừa, lột da mình làm giấy, chích máu làm mực, lấy tủy làm nước, xẻ xương làm bút đặng viết chép Phật giới. Cũng dùng luôn vỏ cây, giấy lụa, the trắng, thẻ tre mà chép viết, thọ trì tất cả. Thường đem thất bảo, hương hoa, vô giá, hết thảy của báu xen lộn mà làm rương, túi đựng những quyển kinh luật".

Cúng dường lại có nghĩa: cứu tế, cung cấp vật thực, thuốc men vì lòng thương xót, tức cúng dường người tật bệnh. Về điều này, trong Bồ Tát giới kinh, điều Khinh Giới 9 có nói: Như phật tử thấy hết thảy người tật bệnh, thường nên cúng dường, như Phật không khác gì (tức không phân biệt).

Như vậy, khái niệm và nội hàm của sự cúng dường chúng ta thấy ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu mầu mà ta cần phải tìm hiểu và suy ngẫm để sự cúng dường đem lại lợi ích thiết thực, tránh sự cố chấp, lạm dụng tà tâm mê tín (theo tín ngưỡng thần quyền).

Ý nghĩa dâng hoa cúng dường

Thực tế, phật tử chúng ta thường hay dâng cúng nhang đèn, hoa trái lên bàn thờ Phật để tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến ân đức Tam bảo. Với hương, hoa, nhang, đèn là phẩm vật không thể thiếu trong việc cúng dường. Nhưng khi nhang đèn cháy hết và những bông hoa héo tàn qua thời gian như nhắc nhở chúng ta rằng, cuộc sống này chỉ là phù du thoáng qua, tất cả đều sẽ biến hoại, cuộc sống vốn dĩ vô thường. Vậy trong kinh tụng Pali có kệ rằng:

"Dâng hoa cúng dường Phật
Bậc thương xót muôn loài
Dâng hoa cúng dường Pháp
Đạo nhiệm mầu cứu khổ
Dâng hoa cúng dường Tăng
Ruộng phước không gì bằng
Hoa tươi đẹp sẽ tàn
Thân giả hợp sẽ tan
Nguyện tu mau chứng đạt
Quả chân thường giải thoát".(1)

Vậy chúng ta dâng hoa cúng dường đức Phật để tưởng nhớ tới ân đức và lòng bi mẫn của Ngài. Vì thương xót chúng sinh trong ba cõi cùng muôn loài mà Ngài thị hiện thế gian (hòa quang đồng trần), tầm đạo giải thoát để tế độ chúng sinh. Đức Phật Thế Tôn là Người chỉ đường, là Người khai sáng trí tuệ, vạch lối đi cho tất cả những ai còn u mê, lầm đường lạc hướng, tìm về con đường giác ngộ - giải thoát khổ đau của kiếp nhân sinh và muôn loài. Đó là ý nghĩa cúng dường Phật.

Cúng dường Pháp bảo, có nghĩa là chúng ta tưởng nhớ đến ân đức của giáo pháp, những lời dạy của Thế Tôn được lưu lại trong suốt 45 năm hoằng pháp độ sinh và được gìn giữ trong Tam tạng kinh điển. Pháp bảo chính là diệu dược có công năng tiêu diệt các bệnh phiền não của chúng sinh. Những ai thực hành theo Pháp bảo này sẽ được mọi sự an lành, tiến hóa trong đời này và đời sau. Sau khi Thế Tôn Niết bàn, không phải là chúng ta không còn Đạo sư hướng dẫn; chính những gì Ngài đã giảng dạy sẽ trở thành Đạo sư cho các hàng đệ tử noi theo. Chúng ta hãy nghe lời dặn này của Thế Tôn: "Này A Nan, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo sư của các người".(2) Đó là ý nghĩa của cúng dường Pháp.

Dâng hoa cúng dường Tăng, có nghĩa là những đệ tử xuất gia tu Phật, các ngài đã đắc quả Thánh, hoặc còn phàm, là mô phạm của quần sinh, là thượng phước điền của chư thiên và nhân loại. Chư Thánh hiền Tăng là những vị Thánh đệ tử đã đắc đạo quả giải thoát, gồm các bậc: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A la hàm và A la hán. Còn những vị phàm tăng là những người đang nỗ lực thực hành giáo pháp để tiến tới đạo quả giải thoát trong tương lai. Những vị ấy, vừa tu học cho bản thân, mà cũng là thực hành hạnh nguyện sứ giả của Như Lai, đem giáo pháp thuyết giảng cho những người có tâm cầu học đạo giác ngộ - giải thoát. Nếu chúng ta đã thành tâm cúng dường Phật, thì tất nhiên chúng ta phải kính trọng tăng. Và chúng ta không nên phân biệt tăng ở xứ nào, chùa nào hay phái nào. Vị tăng nào có đủ giới đức chúng ta cũng sẵn sàng cung phụng, như thế gọi là cúng dường Tăng bảo.

Cúng dường hương hoa đến Tam bảo, chúng ta chọn hoa tốt, hoa đẹp để tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ ân đức Tam bảo. Song, thực tế hoa đó rồi sẽ úa tàn, cũng vậy, thân người sinh ra rồi cũng phải già, bệnh và chết. Đó chính là quy luật, không ai có thể tránh khỏi. Chính vì điều này mà đức Phật thuyết: "Pháp sinh lên do nhân/ Như Lai giảng nhân ấy/ Nhân diệt thời Pháp diệt / Đại sa môn nói vậy".(3)

Vạn vật đều vô thường, không có gì trường cửu. Tất cả mọi sự vật được cấu thành đều phải hư hoại và diệt vong, thân tâm của chúng ta cũng vậy. Vì thế, cúng dường hoa thơm cũng đừng dính mắc đến sắc và hương, hãy lấy đặc tính của loài hoa "sớm nở tối tàn" để khéo tác ý trong việc tu tập. Bởi cứ bám chấp vào những thứ không có thật, chúng sinh sẽ mãi mãi khổ đau; cho nên hãy tinh tấn tu tập và nguyện tu mau chứng ngộ quả chân thường giải thoát.

Dẫu biết có thân là khổ, tuy nhiên, cũng do thân này, người trí sẽ biết tận dụng để tạo thêm nhiều thiện pháp và tu tập. Còn kẻ mê thì mải chạy theo dòng đời, mà bản chất vốn dĩ của nó là vô thường, bởi vô hộ, vô chủ, vô sở hữu, ra đi cần phải từ bỏ tất cả. Nếu chúng ta không "thiểu dục tri túc" như lời Phật dạy mà khao khát phóng dật, tức nô lệ cho tham ái, thì ví như người thợ làm tràng hoa thiện nghệ, sau khi gom các thứ hoa dồn thành đống lớn, rồi từ đó kết thành nhiều tràng hoa khác nhau cũng vậy, nhờ thân sinh tử này mà chúng ta làm thêm được nhiều điều phước.

"Như từ một đống hoa
Nhiều tràng hoa được kết
Cũng vậy, thân sinh tử
Làm được nhiều thiện sự".(4)

Đọc Kinh Pháp cú chúng ta thấy, trong các loài hoa, chúng chỉ bay thuận theo chiều gió chứ không thể bay ngược lại. Tuy vậy, có một loại hương thơm có thể bay xuôi, bay ngược và lên cả không trung thiên giới nữa, đó là hương thơm đức hạnh của con người.
 
Vậy hương thơm đức hạnh được diễn tả như thế nào? Ta hãy nghe đức Phật nói với A Nan (một trong mười đệ tử lớn) của Ngài về loại hương này.

Một buổi chiều nọ, trong khi đang ngồi tư duy quán tưởng. Tôn giả A Nan chợt nghĩ: Thế Tôn có nói đến ba loại hương rất ưu việt là hương từ rễ cây, hương từ lõi cây và hương từ bông hoa. Cả ba thứ hương này đều bay theo chiều gió. Không biết có thứ hương nào có thể bay ngược gió, hoặc vừa bay thuận vừa bay nghịch gió? Tôn giả đến hỏi Thế Tôn và Ngài trả lời: "Này A Nan, ở đây nơi thôn quê hay thành thị nào có một nữ nhân hay nam nhân quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say, là người có giới đức, là người có thiện pháp. Tâm đã dứt bỏ sự bỏn xẻn, sự nhiễm ô. Tuy còn tại gia mà có tâm dứt bỏ, xả thí, thỏa thích trong sự bố thí không nhơ bợn, biết thông cảm đến người xin, hoan hỷ chia sớt vật thí đến tất cả mọi người. Thì từ nơi thôn quê hay thành thị đó, cho đến các phương hướng, chư sa môn và Bà la môn hằng ca tụng rằng: Nơi chốn thôn quê hoặc thành thị đó, có nữ nhân ấy, có nam nhân ấy là người quy y Phật... hoan hỷ chia sớt vật thí đến tất cả mọi người. Này A Nan, đó là giống hương mà hương của nó bay xuôi lẫn bay ngược chiều gió vậy. Sau đó, Thế Tôn liền thuyết kệ:

"Hương các loài hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay".(5)

Theo các Tổ thầy, cúng dường Phật là nói tắt, nói cho đủ nghĩa là cúng dường Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Cúng dường có nghĩa là cung cấp và nuôi dưỡng.

Vậy có người sẽ hỏi: Tại sao đức Phật đã bất sinh, bất diệt mà lại còn phải cúng dường? Thật ra, đức Phật đã thoát ngoài vòng sinh tử thì đâu còn hạn cuộc trong sự ăn uống. Nhưng đối với chúng ta, bao giờ cũng xem Ngài còn tại thế. Xưa, các đệ tử, các đàn na thí chủ đã cúng dường Ngài như thế nào, nay chúng ta vẫn tiếp tục cái cử chỉ ấy. Sự cúng dường này làm cho chúng ta gần với Phật, có cảm tưởng như bao giờ cũng ở bên cạnh Phật. Cũng nhân sự thờ phụng, lễ bái cúng dường này, mà chúng ta được kết duyên lành với Phật, hình dung rõ rệt cuộc đời của Ngài để quyết noi theo bước chân đức Thế Tôn.

Vẫn biết rằng chúng ta nên cúng dường Phật để hình dung Ngài còn tại thế, nhưng nếu chúng ta mỗi khi cúng Phật, lại bày đặt đủ thức ăn uống (nào là yến tiệc, cỗ bàn linh đình) thì thật là làm sai lạc ý nghĩa sâu xa của sự cúng Phật. Vậy, muốn cúng Phật đúng ý nghĩa thì chỉ nên dùng hương thơm, đèn sáng, hoa tươi, trái tốt, nước trong và đôi khi có thêm cơm trắng là đủ. Đó là nói về Sự, về hình tướng bên ngoài; còn về phương diện Lý, thì chúng ta phải cúng 5 món diệu hương để cúng Phật, đó là: Giới hương, Định hương, Huệ hương, Giải thoát hương và Giải thoát tri kiến hương. Xin được nói gọn 5 món diệu hương này:

Giới hương: Như chúng ta đã biết, Pháp thân của Phật rất thanh tịnh, nếu xét về mặt Sự, chúng ta đã dùng hương trầm đốt cúng, thì về mặt Lý, chúng ta cũng phải trì giới (bản thân) cho trang nghiêm thanh tịnh, để cúng dường được đủ cả về Sự và Lý, đó là giữ giới hương.

Định hương: Nghĩa là các Tổ thầy dạy nên hiểu, Thân tâm chúng ta thường bị mê nhiễm và loạn động trong mọi hoàn cảnh. Nếu để buông trôi mãi trong tình trạng ấy, thì chúng ta chẳng tu hành gì được. Vậy hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, chúng ta phải cố gắng tập định tĩnh tâm, đừng để cho ý nghĩ, hành động xấu xa xâm chiếm tâm hồn của mình, như thế là dùng định hương cúng Phật.

Huệ hương: Có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng phải lưu tâm vào ba món: Văn huệ, Tư huệ và Tu huệ. Văn huệ là lắng nghe lời giáo hóa quý báu của chư Phật, Bồ Tát, Thánh hiền Tăng. Tư huệ là đem những lời quý báu ấy ra suy xét, nghiền ngẫm biết thế nào là phải, thế nào là quấy, cái nào là chân thật, cái nào là luống dối tà vạy. Tu huệ là quyết tâm thực hành những điều mình cho là phải, và trừ bỏ những điều mình cho là trái, thực hiện đúng đắn giáo lý sáng suốt của đức Phật.

Giải thoát hương: Nghĩa là quyết tâm phá trừ ngã chấp, nguồn gốc của bao sự đau khổ luân hồi. Chúng ta phải luôn quán vô ngã, không nhận chiếc thân tứ đại này là mình, cũng không nhìn cái nghiệp thức phân biệt là mình, để được thoát ly ra ngoài vòng sinh tử luân hồi. Đó là giải thoát hương cúng Phật.

Giải thoát tri kiến hương: Nghĩa là chúng ta đã biết quán vô ngã, để phá trừ ngã chấp thì được giải thoát, song vẫn còn "pháp chấp" ràng buộc, nên chưa đến được cảnh giới tự tại, vô ngại như Phật, Bồ Tát. Còn pháp chấp nghĩa là còn thấy các pháp như: đất, nước, gió, lửa là thật, còn thấy vui buồn sướng khổ là có thật. Khi nào chúng ta thể nhận được rằng tứ đại sở dĩ in tuồng có thật là vì chúng ta còn ở trong nghiệp người (phàm). Vậy thì Pháp cũng như Ngã, đều là giả dối, không có thật mà chỉ là giả danh. Chúng ta luôn quán như thế để được giải thoát ra khỏi sự chấp pháp, như thế gọi là "Giải thoát tri kiến hương".

Thay lời kết

Sự thờ phụng và cúng dường Tam bảo, nếu chúng ta thực hành một cách thành tâm, thiện chí và đúng ý nghĩa, thì sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho chúng ta trong hiện tại và vị lai.

Trong hiện tại, nếu chúng ta hằng thuận đi chùa lễ Phật, hoặc thờ Phật tại gia thì mỗi chúng ta và gia đình, bao giờ cũng như sống trong bầu không khí vui tươi, xán lạn, trong cảm ứng tốt lành đạo vị của chư Phật. Chúng ta luôn sống trong nghiêm chỉnh, trong lễ nghi, trên thuận dưới hòa, vì mỗi ý nghĩ, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của chúng ta đều được ánh từ quang sáng suốt và vi diệu của đức Phật soi tỏ. Nên chúng ta không dám sống bừa bãi, làm xằng và nghĩ sai quấy, bởi chúng ta luôn có Phật trong lòng và luôn tin sâu luật nhân quả của giáo lý đạo Phật. Chỉ những tâm hồn trống rỗng, không tin tưởng, không tôn thờ một vị thiêng liêng cao cả nào, mới dễ sa ngã, trụy lạc. Cho nên trong gia đình, nếu muốn có hạnh phúc trong hiện tại, muốn sống một đời sống có ý nghĩa, muốn con em đừng bê tha, trụy lạc, thì chúng ta cần thờ Phật, lễ Phật và cúng dường Tam bảo. Bởi hàng ngày lễ bái và cúng dường có nghĩa là chúng ta tập cho con em mình sống một đời sống hiền lương và có đạo hạnh.

Khi lâm chung, nghiệp lành mà chúng ta đã huân tập trong hàng ngày sẽ cảm ứng đến lòng từ bi vô hạn của chư Phật, Bồ Tát. Do "luật đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Chư Phật và Bồ Tát sẽ phóng quang đến tiếp dẫn giác linh chúng ta về cõi Tịnh độ an vui, tự tại.

Muốn có được kết quả tốt đẹp như trên, chúng ta phải phát tâm chánh tín. Nếu thờ, lạy và cúng dường Tam bảo một cách sai lạc thì không những không ích lợi gì cho chúng ta mà lại còn mang thêm tội lỗi, và trôi lăn mãi trong cảnh sinh tử luân hồi. Chúng ta phải tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng: 

- Đức Phật là một bậc hoàn toàn giác ngộ, siêu sinh, thoát tử, có năng lực độ thoát chúng sinh khỏi nẻo luân hồi, và xứng đáng làm thầy chúng sinh trong ba cõi, vì thế nên chúng ta thờ và cúng dường Ngài. 

- Pháp là phương thuốc thần diệu, trừ được tất cả nguyên nhân đau khỏ của chúng sinh, vì thế cho nên chúng ta thờ Phật Pháp. 

- Chư Tăng, nếu có đủ giới hạnh thanh tịnh, là những Thầy sáng, bạn lành của chúng ta. Vì thế, chúng ta kính thờ, thân cận các tăng ni để học hỏi đường lối tu hành.

- Tất cả chúng sinh đếu có Phật tánh sáng suốt, nếu chúng ta chí tâm tu tập theo Phật pháp thì chắc chắn giác ngộ - giải thoát thành tựu đạo quả.

Theo dấu chân Phật và Tổ thầy dạy, giáo lý nhân quả không hề sai chạy, nếu tạo nhân lành thì hưởng quả tốt. Trong các nhân lành, không có nhân lành nào thù thắng hơn nhân "Thờ Phật, lạy Phật và cúng dường Tam bảo" đủ cả sự và lý. Dẫu biết thờ, lạy và cúng dường Phật đủ cả hai phương diện sự và lý là khó, nhưng xung quanh chúng ta nơi thế giới này, luôn sẵn có vô lượng vô biên Kim cương Bồ Tát, Hộ pháp Thần vương, đồng phát tâm giúp đỡ, hộ niệm cho tất cả những người phát tâm chính tín thờ cúng Phật, thì lo gì công của chúng ta không tròn, quả chúng ta không mãn.

Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh
-
Chú thích:
(1) Kinh tụng Pali -Việt (Huyền Không Sơn Thượng)
(2) Trường Bộ kinh, kinh Đại Bát Niết bàn.
(3) Kinh Pháp cú, kệ 53.
(4) Kinh Pháp cú, kệ 54-55.
(5) Kinh Pháp cú, kệ 56.

Tài liệu tham khảo:
- Tám quyển sách quý - soạn giả HT.Thích Thiện Hoa (Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành PL.2534 - DL.1990)
- Phật học từ điển - Đoàn Trung Còn  (Nxb-Tp.HCM - 2006)
- Bài “Ý nghĩa của việc dâng hoa cúng dường Tam bảo” - Bhk. Samadhnno - Định Phúc dịch (báo điện tử Vườn hoa Phật giáo - tháng 08/2018)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần

Nghiên cứu 14:00 30/11/2024

Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước

Nghiên cứu 08:45 25/11/2024

Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Xem thêm