Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 30/09/2019, 07:28 AM

Ý nghĩa trụ trì

“Xây chùa, tạo tượng, đúc chuông, ba công đức ấy thập phương nên làm”, xây dựng ngôi Tam bảo, bao gồm hình thức và nội dung của cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường. Qua đó, Trụ trì mới có cơ sở hành đạo, thi hành Phật sự, hóa độ chúng sanh, báo Phật ân đức.

 >>Kiến thức

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

I. KHÁI NIỆM: 

Bài liên quan

Từ khởi thủy, Trụ trì là các vị Bồ tát vân tập tại Pháp hội, đạo tràng về mặt bản thể và biểu tượng là để hộ trì Pháp tạng và trang nghiêm Pháp hội. Khi Pháp Tạng được tồn tại vĩnh viễn và luôn luôn phát triển, thì chúng sanh được lợi ích an lạc, giải thoát, chứng quả Bồ Đề Niết bàn.

Song qua thời gian, sự biểu hiện ấy đã được cụ thể hóa lần lần, có nghĩa là từ khi các Tịnh xá, Tu viện được thành lập do các vị Quốc Vương, Trưởng giả, Cư sĩ thiết lập dâng cúng cho Đức Phật và đại đệ tử Phật. Từ đó, Đức Phật, Thánh đệ tử, ngoài trách nhiệm hộ trì Pháp Tạng, còn hộ trì cơ sở đang hiện hữu do tín đồ, Phật tử hiến cúng. Do đó, Đức Phật, đệ tử Phật, Chư Tăng là trụ trì cơ sở Tự, Viện, Tịnh xá …. khi công cuộc hành hóa của Phật và đệ tử Phật bắt đầu định cư, an trụ tại một cơ sở, một địa điểm nhất định.

Ngày nay, dù trãi qua bao thời kỳ biến thiên của lịch sử, của xã hội, song vấn đề cơ sở và trụ trì cơ sở do Chư Tăng, Chư Ni, đệ tử Đức Phật ngày nay duy trì và phát triển vẫn là một quy định cố hữu và có ý nghĩa tất yếu của nó. Dù ở cấp độ nào, không gian nào, hoàn cảnh hay lý do nào, tổ chức nào đi nữa thì vẫn là một ý nghĩa có tích cách nhất quán và cao đẹp đặc biệt của nó. Ở đây, có thể đơn cử một vài khái niệm chung nhất và phổ quát về trách nhiệm trụ trì trong giai đoạn hiện tại và thời đại ngày nay, nói rõ hơn là thời đại Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nội dung bài này nói về ý nghĩa Trụ trì theo truyền thống giáo lý qua bốn phạm trù: Về mặt Cơ sở, Phật pháp, Quyến thuộc và Bản thể.

II. NỘI DUNG: 

1. Cơ sở Trụ trì (Trụ trì về mặt cơ sở): 

Theo truyền thống giáo pháp, cơ sở là y báo của vị Trụ trì, có nghĩa là do đã gieo trồng công đức Trụ trì đời trước, nên kiếp này đầy đủ nhân duyên Trụ trì một cơ sở của Giáo hội. Theo điều 30 chương 7 Hiến chương; điều 16, 17, 18, 19 chương V Nội quy Tăng sự Trung ương, cơ sở của Giáo hội là các Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường. Nói theo xã hội gồm có chùa Công, chùa Tư, chùa Hội, chùa Làng và chùa Tộc. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo và quản lý chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của ngành Tăng sự Trung ương, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội và Ban Đại diện Phật giáo Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc Tỉnh thì đều thống nhất trong một cơ chế chung. Dù có sự sinh hoạt theo hệ phái biệt truyền, nhưng vẫn tuân thủ điều 41, 42, 43 chương VIII Nội quy Tăng sự, do Ban Đại diện Phật giáo Quận, Huyện… đề xuất, Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành ra quyết định bổ nhiệm Trụ trì.

Bài liên quan

Với y báo như thế, là điều kiện tối thiểu để hành đạo, hóa đạo của người đệ tử Phật, do đó phải giữ gìn, phát huy và trang nghiêm ngôi Tam bảo. Như Cổ đức nói: “Nguyện đem thân tứ đại này. Tô bồi Đạo Pháp xây dựng Đạo tràn. Cúng dường Tam bảo trang nghiêm. Làm cho Đời Đạo ngày càng đẹp tươi”. Do đó, tự thân Chánh báo đã trang nghiêm thì y báo sẽ trang nghiêm . Mà y báo, chánh báo trang nghiêm thì Giáo hội trang nghiêm và xã hội cũng trang nghiêm. Vì trang nghiêm ngôi Tam bảo tức trang nghiêm thế gian và Tịnh độ Chư Phật tại thế gian.

Về mặt biểu tượng và lý tánh, cơ sở Tự, Viện còn gọi là ngôi Tam bảo, trang nghiêm Tam bảo bên ngoài chính là trang nghiêm Tam bảo trong Tâm. Như Hòa thượng Trường Đình nói: “Ta có nhà Tam bảo. Trong vốn không sắc tướng. Ngời ngời tự tại chẳng làm chi. Phơi phới rồi thì sẽ thấy kỷ”. Với hình ảnh ngôi Tịnh xá hình bát giác, tiêu biểu cho Bát Chánh đạo, như vậy, hằng ngày trang nghiêm, tu tập và dạo đi trong Bát Chánh đạo, cũng là ba môn Vô lậu học Giới, Định, Tuệ. Trong đó, Giới gồm: Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mệnh; Định gồm: Chánh niệm, Chánh định; Tuệ gồm: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh tinh tấn; cũng chính là ba căn lành: Vô tham (Giới), Vô sân (Định), Vô si (Tuệ). Kinh Pháp cú nói: Bát Chánh đạo thù thắng. Tứ đế lý cao siêu. Trên hết trong bậc Thánh. Phật nhẫn là tối thượng.

Bằng tinh thần vô ngã, vị tha không trụ trước, Trụ trì luôn luôn trang nghiêm cơ sở một cách không biết mệt mõi, với mục đích duy nhất là làm tròn bổn phận Trụ trì do nhân duyên đã định, Giáo hội giao phó, Phật tử tin tưởng cúng dường, hộ trì Tam bảo trong tinh thần phụng sự Đạo pháp, phát huy văn hóa Tâm linh qua hình ảnh một ngôi chùa hiện hữu ở thế gian huy hoàng tráng lệ. Như Thủy Am Đại sư nói: “Bao năm bồi đắp chốn chùa chiền. Ngói sỏi biến thành Thích Phạm thiên. Quả phúc đã tròn nay để lai. Tay rung gậy trúc dạo Tam thiên” (Thiền Lâm Bảo Huấn).

2. Pháp Tạng Trụ trì (Trị trì về mặt Phật pháp):

Giáo pháp Đức Phật nói ra là đáp ứng yêu cầu của chúng sanh và từ tự tâm chúng sanh mà thiết lập. Do đó, từ thiện căn Vô tham có ra Giới luật (Luật tạng), Vô sân thuộc Định có ra Kinh Tạng. Vô si có ra Luận tạng thuộc về Huệ. Dù chia ba nhưng vẫn là một thể, thế nên đầy đủ Tam tạng tại Tâm và Tâm này cũng có đầy đủ ba Tạng: Kinh, Luật, Luận là Giới, Định, Tuệ (Vô tham, vô sân, vô si). Vì vậy, Đức Lục Tổ dạy: “Ba Tạng giáo điển, 12 phần giáo đều có đủ ở tự tâm các ông mà không trực nhận, lại đi tìm bên ngoài thì không hợp lý” (Kinh Pháp Bảo Đàn).

Song vấn đề phải làm sao? Như Đức Phật dạy: Các ông hãy là người thừa kế giáo pháp Như Lai, chớ không nên là người thừa kế tài vật… (Trung A Hàm). Do đó, cần phải duy trì và phát huy giáo pháp, sống theo giáo pháp, hành trì, truyền bá giáo pháp. Như Khế kinh nói: “Tỳ kheo vui Chánh pháp. An trụ trong Chánh pháp. Tư duy về Chánh pháp. Thực hành theo Chánh pháp. Làm lợi ích chúng sanh. Ấy là hạnh Sa Môn” (PC. 79 -86).

Bài liên quan

Từ ý nghĩa trên, chúng ta phải đọc kinh, tụng kinh, biên chép, phiên dịch, giảng dạy, cho mượn đọc tụng, chuyền tay nhau tụng, in ấn, ấn tống kinh điển, sang băng cassette, đĩa CD, mua báo cúng dường, gửi tặng vùng sâu vùng xa, hoặc cho những ai cần đọc tụng, nghe băng, đĩa. Tùy hỷ công tác ấn tống, hỗ trợ, kêu gọi mọi người cùng thực hiện công đức Pháp thí này. Như Kinh Hoa Nghiêm nói: “Trong tất cả sự cúng dường Pháp cúng dường là hơn hết” (Nhứt thiết cúng dường trung Pháp cúng dường tối thắng).

Tuy nhiên, ngoài công tác ấn tống kinh điển, giảng dạy, phát huy giáo lý Phật đà, chúng ta cũng phải an trụ, hành trì, tu tập theo lời Phật dạy, có nỗ lực tu tập mới có an lạc giải thoát, mới hết sanh tử luân hồi, chứng quả Niết bàn, thành Phật. Như Khế kinh dạy: “Pháp Phật cao sâu rất nhiệm mầu. Hay trừ nghiệp chướng diệt lo âu. Thân tâm thanh tịnh trời xuân sắc. Phúc huệ trang nghiêm tỏ Đạo mầu” (Pháp trích lục).

Nỗ lực tu học Phật pháp, duy trì và phát huy Chánh pháp, mở lớp giáo lý, mở Trường Phật học đào tạo Tăng Ni tài đức cho Giáo hội. Nhất là ba tháng An cư Kiết hạ, là điều kiện, môi trường, thời điểm tốt nhất để chư Tăng Ni có dịp học hỏi giáo pháp, trao đổi những kinh nghiệm và sự truyền bá Chánh pháp, sự thể nghiệm tu tập qua giáo pháp để có được sự lợi ích thiết thực trong đời sống tu hành của người con Phật, và từ đó làm lợi ích cho đời, cho chúng sinh, lợi lạc tự thân, lợi ích xã hội, tốt đạo đẹp đời, như điều 37, 40 chương VII Nội quy Tăng sự đã quy định. Như Tổ Linh Nguyên dạy: “Sự học cũng như bể cả. Trăm sông nước đổ dồn về. Nước biển bao giờ cũng thể. Nào đâu có sự tràn trề”.

3. Quyến thuộc Trụ trì (Trụ trì về mặt Quyên thuộc):

Như Cổ đức nói “Tình linh sơn cốt nhục, nghĩa Thích tử côn bằng”, là một khái niệm xuyên suốt từ đời trước đến đời nay. Đã là quyến thuộc với nhau trong các Pháp hội, các đạo tràng và những Phật sự khác trong quá khứ. Thế nên, khi Ngài Huệ Tư gặp Trí Khải Đại sư, Ngài nói: Ta và Ông đã từng dự hội Pháp Hoa. Trí Khải đáp: Do đó, con xin đến cầu Pháp với Ngài. Và được Đại sư Huệ Tư nhận làm đệ tử.

Tình quyến thuộc trong Phật pháp rất quan trọng, chúng ta phải cố gắng thắt chặt, nhân rộng ra, không những đời này mà cho đến những đời sau, cho đến khi thành Phật. Thế gian có câu: Ăn cơm có canh. Tu hành có bạn là một nguyên lý nhất quán và ý nghĩa tuyệt đẹp.

Từ khái niệm đó, chúng ta phải gieo duyên với chúng sanh. Mở lớp dạy học, đào tạo Tăng tài cho Phật pháp, lập đàn truyền giới Quy y cho Phật tử. Mở lớp giáo lý, đạo tràng tu bát quan trai, thuyết giảng Phật pháp… theo điều 28, 31, 32 chương VI Nội quy Tăng sự để tạo điều kiện tu học cho Tăng Ni, Phật tử và kết duyên lành với nhau trong Chánh pháp, như Tổ Qui Sơn đã nói: “Nguyện đời đời kiếp kiếp xin làm bạn với nhau trong Chánh pháp” (Nguyện bách kiếp thiên sanh, đồng vi Pháp lữ) (Qui sơn Cảnh sách). Nói cách khác, như Cổ đức dạy: “Linh sơn nghĩa cũ tình xưa. Ta bà Tịnh độ say sưa Pháp mầu. Kiếp sau xin nhớ nguyện đầu. Xây tình Pháp lữ bắt cầu Tâm giao. Đời nay đến những đời sau. Chung lo Phật sự biết bao nhiêu tình. Quyết lòng độ tận chúng sinh. Từ bi trí tuệ thỏa tình ước mong. Không rời bản thể Chân không. Tùy duyên hóa đạo thong dong mọi miền”.

Đồng thời đứng về mặt thế gian, xã hội cộng đồng cũng là quyến thuộc trong nghĩa cộng thông. Tại sao? Vì tất cả chúng ta cùng chung một Pháp giới, do duyên sanh nên hiện hữu trong một môi trường, do Pháp tướng có khác, thân hình có khác, lý tưởng có khác nhưng đang hiện hữu trong một xã hội, một đất nước, mà nó là y báo chung của tất cả. Do đó, chúng ta phải tạo sự thân mật, cảm thông, sống chung với nhau trong tình huynh đệ, nghĩa đồng bào, đồng chủng với nhau. Như ca dao Việt Nam có câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy là khác giống nhưng chung một giàn”. Thực hiện được như thế, nhất định chúng ta sẽ tồn tại và phát triển trong tinh thần tương thần, tương ái và công thông đầy ấp tình người muôn thuở.

4. Bản thể Trụ trì (Trụ trì về mặt bản thể): 

Bài liên quan

Như Cổ đức dạy: “Có Tâm không tướng, thì tướng sẽ phát sinh từ Tâm. Có tướng mà không tâm, thì tướng sẽ bị diệt. Vì là không từ cơ bản sanh”. Do đó, tất cả chúng ta phải xây dựng Đạo Tâm vững chắc, trang nghiêm thanh tịnh, đạo lực kiên cường làm nền cho các Phật sự. Như Cổ đức nói “Xuân về Hoa nở trên đất tâm. Trăng sáng năm xưa tỏ hơn Rằm. Vườn hoa Đạo lý hương ngào ngạt. Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.

Nói khác đi, các Pháp đều từ Chơn như Pháp giới phát sinh, cuối cùng đều trở về Chơn như Pháp giới. Do đó, ngoài ý nghĩa an trụ, xây dựng những ngôi Chùa, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường bên ngoài. Chúng ta còn phải xây dựng ngôi Chùa, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường trong Tâm chúng ta cho trang nghiêm, huy hoàng và nó sẽ miên viễn trường tồn bất diệt trong Chơn lý vô biên mầu nhiệm của Tâm. Do đó, cần nỗ lực tu tập như điều 37, 38, 39, 40 chương VII Nội quy Tăng sự đã đề cập.

Từ ý nghĩa trên, có thể nói, chúng ta an trụ tự tánh Tam bảo, nhà Tam bảo trong Tâm là: Tự tánh sáng suốt là Phật bảo, Tự tánh thường trú là Pháp bảo, Tự tánh thanh tịnh là Tăng bảo. Như Đại Nam Đại sư nói: “Cần hỏi ai lương Tâm ấy sáng soi như nhật nguyện. Cõi lòng nầy rộng lớn đức Từ bi”.

Tóm lại, dù suốt đời chúng ta lo trang nghiêm cơ sở vật chất, để lại biết bao công trình văn hóa, phạm vũ huy hoàng, nhưng nếu chúng ta không an trụ, y cứ phát huy tự Tâm thanh tịnh, Pháp thân thường trụ, Niến bàn an lạc giải thoát, thì chúng ta xem như đánh mắt nguồn Tâm, Tự tánh và sẽ chuốc lấy sự khổ khi báo thân đã mãn. Do đó, từng phút từng giây, khi chúng ta dạo qua, an trú trên mặt đất này, cơ sở này, chúng ta luôn quán niệm, như Cổ đức dạy: “Mỗi bước đi trong cõi Niết bàn. Lướt dòng sinh tử chớ hề nan. Chơn không dần bước trong ly niệm. Tịnh độ là đây, cũng Niết bàn”.

III. KẾT LUẬN:

Bài liên quan

Như thế gian thường nói “Xây chùa, tạo tượng, đúc chuông, ba công đức ấy thập phương nên làm”, nói như thế cũng có nghĩa xây dựng ngôi Tam bảo, bao gồm hình thức và nội dung của cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường. Qua đó, Trụ trì mới có cơ sở hành đạo và an trụ tự tánh Tam bảo, thi hành Phật sự, hóa độ chúng sanh, báo Phật ân đức. Bằng ý nghĩa ấy, Trụ trì cần phải duy trì, phát huy thành quả của chính mình, hay do Tăng Ni, Phật tử đã dày công xây dựng, làm cơ sở cho Giáo hội, cho xã hội và cho nền văn hóa dân gian cũng như tín ngưỡng tôn giáo, với tác dụng cụ thể, cho nên Cổ đức đã nói: “ Sớm trống tối chuông, cảnh tỉnh người đời trong bể ái. Lời kinh tiếng kệ giục người thức tỉnh giữa cơn mê” (Mộ cổ thần chung cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách. Kinh, thinh Phật hiệu, hoàn hồi khổ hải mộng mê nhơn).

Hơn bao giờ hết, người đệ tử Phật luôn luôn phải hoàn thành hai vấn đề lớn là an trú và hành trì sự tướng các Pháp, đồng thời cũng phải an trú, hành trì lý tánh các Pháp, vì đó là bản thể của chúng ta. Nếu không chỉ là thả mồi bắt bóng, thành tựu công đức hữu vi, hữu tướng, mà thành tựu công đức hữu vi, hữu tướng thì không thể nhập Chân lý Vô tướng. Cho nên, trên lộ trình tu tập, thực hành Bồ tát đạo, hay thi hành Phật sự… Trụ trì cần phải Lý Sự viên dung mới mong đạt kết quả đúng Chánh pháp. Khi đã đúng Chánh pháp thì tất cả các Pháp đều là Phật pháp, vì không có Pháp nào không từ Chân như Pháp giới phát sanh, do đó lý tánh bình đẳng nhất như. Vì bình đẳng nhất như nên lý không ngoài sự, sự không ngoài lý, tướng không ngoài tánh, tánh không ngoài tướng, dung thông vô ngại, nhậm vận độ sinh, thừa hành Phật sự, trang nghiêm Tam bảo, trang nghiêm Pháp thân ngay tự thân, tự tâm trong cuộc đời này, giữa thế gian và chúng sanh này. Như Cổ đức dạy: “Một lòng kính lạy Phật Đà. Cho con mãi được ở Nhà Như Lai. Từ bi thương khắp muôn loài. Hành trang nhẫn nhục ra tay độ đời. Tâm không cảnh tịnh thảnh thơi. Niết bàn an lạc dạo chơi tháng ngày”.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?

Kiến thức 20:09 02/11/2024

Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.

Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp

Kiến thức 14:50 02/11/2024

Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.

Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa

Kiến thức 13:29 02/11/2024

Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.

Nói về Tứ niệm xứ

Kiến thức 10:40 02/11/2024

Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.

Xem thêm