Ý nghĩa và tầm quan trọng của Quy y Tam bảo
Quy y Tam bảo là nghi lễ của đạo Phật, là việc cần và đủ cho một người Phật tử khi muốn nương tựa và tu học theo giáo pháp của Đức Như Lai.
Thế nhưng, không ít người nhận thức chưa đúng đắn về giá trị của việc quy y Tam Bảo, vô tình tạo nên rào cản cho mình và người thân sống theo gương của Đức Phật, y giáo pháp luyện rèn luyện tâm tính và vâng lời nhắc nhở chư Tăng.
Giá trị của Quy y Tam Bảo
“Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Một người quy y Tam Bảo là một người có đủ duyên lành để giác ngộ, để tiếp cận Phật pháp, để hồi đầu quy hướng về Tam Bảo, để bắt đầu làm mới lại con người của mình trong việc tu học và hoàn thiện nhân cách đạo đức. Đây là điều kiện tốt để chúng ta bước ra khỏi những sai lầm, những ràng buộc do vô minh, do tập quán thói quen của cuộc đời trước đó đã đẩy ta vào vòng lẩn quẩn của khổ đau.
Vậy vì sao khi Quy y Tam bảo thì ta có thể nhận ra và bước ra khỏi những sai lầm đó? Vì giáo Pháp của Đức Phật thấm đượm hương vị của đạo đức và những lý tưởng tích cực, khiến con người tự vươn lên khỏi khổ đau và thanh lọc, thúc liễm thân tâm của mình.
Những quan điểm chưa đúng về Quy y Tam Bảo
Hiện nay không ít người chưa hiểu rõ hay có cái nhìn tiêu cực với Phật giáo hoặc những thành phần ngoại đạo muốn chống phá Phật pháp đã đưa ra những quan điểm, luận điệu lệch lạc về Quy y Tam Bảo.
Họ cho rằng: Quy y Tam Bảo là cách để thu nạp và dụ dẫn tín đồ của Phật giáo
Phải khẳng định một điều rằng: Phật giáo không phải dựa vào tín đồ để tồn tại. Từ khởi nguyên, Đức Phật bỏ tất cả công danh địa vị, gia đình và tình yêu để với một lý tưởng duy nhất, tìm con đường thoát khổ cho chúng sinh. Tấm lòng đại từ đại bi phát khởi đã thôi thúc một vị thái tử bỏ tất cả để dấng thân vào sự khổ đau để vì lợi lạc chúng sinh. Chứ Ngài không ra đi vì mục đích thu nạp tín đồ cho mình, vì Ngài đã là thái tử, một vị vua tương lai.
Tinh thần đại từ đại bi của Phật giáo vẫn tồn tại cho đến ngày nay và thể hiện thông qua việc Quy y Tam Bảo. Một ngôi chùa hay một vị thầy khuyến khích ta Quy y không phải muốn ta làm cái gì cho chùa đó. Mà muốn ta quay về với Tam Bảo, để có chỗ nương tựa tinh thần, để biết con đường tu học chân chính mà tự mình hóa giải nỗi khổ cho bản thân ở đời này và cả những kiếp sau
Cho nên, hãy từ bỏ ý nghĩ Quy y để trở thành nô lệ của Phật giáo, của tổ chức hay của một ngôi chùa, vị thầy nào cả. Quy y là lợi lạc của ta, mà nếu không Quy y, Phật giáo hay vị thầy đó cũng không bị ảnh hưởng gì hết.
Cũng có người lại cho rằng các qúy thầy Quy y để thu nạp đệ tử, để được làm thầy, để chùa đó có nhiều Phật tử. Nếu một vị thầy có ý nghĩ như thế là một người tu hành không chân chính. Còn với một vị thầy chân chính, dưới cái nhìn từ bi họ sẽ xót xa khi nhìn thấy chúng sinh mãi trầm luân trong sự khổ đau mà không ra khỏi, mãi hành động theo những tà kiến sai lầm mà không nhận thức được tội lỗi của mình, nên muốn hướng tới con đường đi đúng đắn để họ biết quay về. Đó là mục đích chính của việc Quy y Tam Bảo trong Phật giáo và là nguyện vọng của các bậc chân tu.
Sở dĩ người đời có cái nhìn tiêu cực và lệch lạc về việc này là do họ không hiểu hết giá trị của Quy y Tam Bảo là gì? Khi Quy y, ta sẽ không trở thành những con chim lạc đàn bị bắt xẻ bởi tà kiến, bởi học thuyết tà kiến vu vơ mà khiến ta bị lạc lối từ đời này qua đời khác.
Cho rằng: Quy y Tam Bảo sẽ bị ràng buộc, mất tự do
Tâm lý của những người chưa hiểu đúng về quy y thường nghĩ rằng: Quy y không giữ được giới sẽ bị tội, thà đừng nên quy y. Điều đó hoàn toàn sai lầm.
Năm giới được truyền khi Quy y có từ đâu? Đó là từ cái nhìn giác ngộ của Đức Phật đã thấy rõ con đường luân hồi, ác nghiệp đau khổ từ 5 hành động cơ bản mà con người dễ vướng phải. Vì thế, Ngài đã cảnh báo và đưa ra năm lời khuyên cho những đệ tử của mình nên tránh để không sa vào những tội báo, để tự bảo vệ lấy đời sống hạnh phúc cho mình.
Đức Phật không phải nhà tôn giáo hay nhà tư tưởng để đặt ra tiêu chuẩn cho người Phật tử. Thấy được và khuyên bảo, còn làm hay không là chuyện của chúng ta. Đức Phật không ban phúc khi ta làm đúng hay giáng họa khi ta làm sai. Mà chính chúng ta là chủ nhân của mọi hành động gây ra.
Quy y Tam Bảo và gìn giữ năm giới, ta có quyền không giữ hay giữ ít hơn vẫn được. Luật nhân quả là chân lý, luôn công bằng và không thay đổi từ lời lẽ phản biện của ai. Vì thế, cho dù là Phật tử hay không là Phật tử, dù Quy y hay không Quy y, tạo nghiệp ác sẽ nhận quả ác, nghiệp lành sẽ nhận quả lành. Đức Phật nói nghiệp báo theo chân lý chứ không phải theo tôn giáo. Cho nên đừng nghĩ rằng Quy y Tam Bảo là sẽ bị ràng buộc, mất tự do, hay đó là sự thiệt thòi của người Phật tử.
Điểm khác nhau giữa người Quy y Tam Bảo và người không Quy y Tam Bảo là gì?
Điều cơ bản là Quy y Tam Bảo sẽ chính thức là người Phật tử theo đúng luật. Nhưng cốt lõi là người Quy y thì biết đúng sai tội lỗi, còn người không Quy y thì không nhận biết điều đó.
Khi một người biết phân biệt tội lỗi, họ sẽ cân nhắc trước mọi hành động của mình và biết dừng đúng lúc. Còn một người không biết đúng sai, họ sẽ hành động theo bản năng của mình để thỏa mãn những dục vọng nên hậu quả gây ra là không thể lường được.
Khi một người có Quy y Tam Bảo, việc tu tập sẽ tốt hơn một người chưa Quy y. Bởi lẽ, họ sẽ được sách tấn, động viên và hướng dẫn từ những người đồng đạo. Có một chút gì đó ràng buộc vào tâm thức mỗi khi xao lãng đạo pháp.
Người Quy y Tam Bảo sẽ giữ vững được con đường đã chọn, ít bị dụ dẫn xa rời chánh pháp từ những người ngoại đạo dựa vào học thuyết tà kiến hay trong hôn nhân. Còn người không Quy y sẽ dễ nuông chiều bản thân và ít giữ được lý tưởng trên đường đạo, rất dễ bị lạc lối.
Những câu hỏi đặt ra:
Quy y Tam Bảo rồi có bắt buộc ở lại chùa hay không?
Quy y Tam Bảo là buổi lễ để qua đó, ta được chính thức là người Phật tử đúng pháp, còn gọi là cư sĩ tại gia. Nên chúng ta không phải ở lại chùa như các vị đã xuất gia, bởi nếu lượng Phật tử Quy y phải ở lại chùa thì chắc chắn không có một chùa nào chứa hết. Nhưng, mỗi tháng có thể dành vài ngày để về chùa làm công quả hay tu tập. Còn không nếu gần nhà có chùa nào tiện lợi thì ta đến sinh hoạt. Học tu tùy duyên.
Quy y Tam Bảo rồi có phải cạo đầu không?
Cần phân biệt 2 loại: Quy y thí phát và quy Tam Bảo cho người cư sĩ. Quy y thí phát là quy y dành cho những người xuất gia, tu tập nên cần phải cạo đầu. Ngược lại Quy y cho người cư sĩ thì không phải cạo đầu.
Quy y rồi có được Quy y lại không?
Khi đã Quy y đúng pháp rồi không có lý do gì để Quy y lại cả. Cho dù vị thầy đã làm lễ Quy y cho chúng ta đã mất hay tu hành không tốt, hay chúng ta ngưỡng mộ một vị thầy khác cũng không được Quy y lại. Đó là luật Quy y của đạo Phật.
Vị thầy Quy y cho chúng ta gọi là thầy Bổn Sư. Người Phật tử chỉ duy nhất có một vị thầy Bổn Sư thôi và có nhiều thầy y chỉ sư. Đó là những vị thầy chúng ta có duyên theo tu học, không nhất thiết là theo thầy Bổn Sư.
Quy y là gì? Vì sao phải quy y?
Quy y là nương tựa vào 3 ngôi báu: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo
Giữa một người Quy y và một người không Quy y khi làm việc thiện hưởng được phúc báu như nhau. Không phải Quy y là có phúc hơn hay bị tội hơn những người Quy y. Nhưng sở dĩ chúng ta phải Quy y khi bước vào ngôi nhà Phật giáo vì nó sẽ tạo sự ràng buộc về tinh thần, để chúng ta ý thức được mình là người Phật tử nên biết kiềm chế lại ý nghĩ và hành động nông nổi, không buông lỏng việc tu tập.
Quy y sẽ tạo trong tâm của người Phật tử một tình yêu đạo, gắn kết với đạo và bảo vệ người Phật tử đó ít bị lay chuyển trên suốt một quá trình lâu dài tu tập của mình.
Quy y sẽ tạo cho người Phật tử có chánh kiến, bản lĩnh, lập trường vững chắc để đi suốt trên con đường tu học Phật của mình. Cũng như sẽ có định hướng tu tập đúng từ sự hướng dẫn của quý thầy, bạn đạo.
Những lời dạy được khuyên khi Quy y Tam bảo
Khi Quy y, quý thầy khuyên là:
Quy y theo Phật không Quy y thiên thần, quỷ thần: Đó là những người có thể có phúc báu nhưng không đúng nghĩa là đối tượng chúng ta Quy y. Trong kinh pháp Cú có dạy: “Vì lo lắng, sợ hãi nên Quy y với thần núi, với thần cây, Quy y với miếu thờ, thọ thần, đó không phải là chỗ nương tựa an ổn, không phải là chỗ Quy y tối thượng. Ai Quy y như thế khổ não vẫn còn nguyên. Trái lại, người Quy y với Phật, với Pháp, với Tăng, giác ngộ được pháp Tứ Đế, đó là chỗ Quy y tối thượng, đó là chỗ Quy y an ổn. Ai Quy y như vậy sẽ giải thoát khổ đau”.
Có thể thấy rằng, những người Quy y sai đối tượng nên rất dễ bị lạc lối, rơi vào tà kiến sai lầm. Tâm lý chúng ta thường ham chứng đắc, được thần thông nên đây là điểm yếu rất dễ bị dụ dẫn đi sai đường và khó quay lại. Vì một khi rơi vào tà kiến, rất khó để thuyết phục họ tỉnh táo mà quy về Chánh pháp.
Quy y pháp rồi không quy y ngoại đạo, tà pháp: Trên cơ bản đó là học thuyết sai lầm. Thậm chí 1 số học thuyết mượn hình ảnh của Phật mà bên trong là lời tà khuyến dụ. Vì thế nên chúng ta phải dựa vào Tam Pháp Ấn: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã để thẩm định về tính chất của kinh điển Phật dạy.
Quy y Tăng là không Quy y thầy tà bạn ác: Đã nương tựa vào một vị thầy chân chính thì không nên kết giao vào những kẻ tà kiến. Giới trẻ hôm nay khi không được hướng dẫn và nhận thức đúng đắn đã kết giao với những bạn xấu để gây đau khổ cho gia đình, đã gây ra không ít những vụ thảm sát mất nhân tính.
Cho nên Chánh pháp giúp chúng ta còn một chút lương tri trong mỗi hành động của mình. Nhờ học Phật pháp mới biết đạo đức, nhân quả, tội phúc nên dù có ác thì cũng biết điểm dừng của nó.
Việc gieo trồng Phật pháp vào trong lòng rất quan trọng. Nên chúng ta cũng phải biết gieo trồng điều này cho con cháu từ thuở bé. Để mai này khi chúng lớn, khi đã có hạt giống Phật pháp thì chúng ta mới dễ dàng dẫn dắt chúng theo con đường đạo đức được. Một người không có hạt giống yêu thương, đạo đức thì rất khó để dạy họ đạo đức yêu thương cho người khác. Cho nên gia đình muốn dạy con theo hướng nào, thành công theo hướng nào, xây dựng sự nghiệp như thế nào thì người ta người mẹ phải gieo trồng hạt giống theo hướng đó. Đây là cách để thay đổi đạo đức, nhân cách của con sau này.
Sự có mặt của Phật giáo trong xã hội đang có những biểu hiện đạo đức xuống cấp như ngày nay rất quan trọng. Giúp con người hạn chế cái ác, tội lỗi để bớt sai lầm không đáng có để giảm đi đau khổ cho nhau, để xã hội bớt đi những tệ nạn nguy hiểm.
Đức Phật dạy :
“Quy y Phật không đọa địa ngục
Quy y Pháp không đọa ngạ quỷ
Quy y Tăng không đọa súc sinh”.
Nói như vậy không có nghĩa là Quy y suông sẽ được như thế đó. Đây là câu nói tắt. Câu đúng nghĩa là Quy y theo Phật rồi con sẽ làm việc thiện để không đọa địa ngục. Quy y theo Pháp là những lời dạy đúng đắn của Phật, con sẽ tu tập để không đọa vào ngạ quỷ. Quy y Tăng là con Quy y những vị thầy mô phạm chân chính, con sẽ noi theo đó để tu học theo để không phải rơi vào súc sinh.
Đừng nghĩ xa xôi Quy y sẽ thành Phật thành Thánh mà cơ bản, Quy y giữ năm giới sẽ hoàn thiện được nhân cách của một con người, để không rơi vào sự đau khổ.
Sau khi Quy y, ta cần phải làm gì?
Ít nhất phải có bàn Phật để thờ ở tư gia, tùy vào không gian và điều kiện cho phép; mỗi tháng ít nhất ăn chay 2 ngày; phải nên từ bỏ những món ăn tội lỗi đó là ăn trực tiếp vào sinh mạng sống của chúng sinh; nên loại bỏ những loại thịt mang tính nhạy cảm trong văn hóa xã hội, trong đó có thịt chó, bởi có quá nhiều món ăn, có quá nhiều chúng sinh chết để phục vụ cho bữa ăn của chúng ta, không phải chúng ta ăn những thứ đó thì ta mới sống. Không khéo một cái miệng rất nhỏ, nhưng nó tạo nghiệp rất lớn rồi phải trả vay những cái gì mà chúng ta đã bỏ vào.
Mỗi tháng nên dành thời gian đi chùa. Ít nhất là những thời sám hối để nghe lại lời Phật dạy, để trưởng dưỡng tâm Bồ Đề và đảnh lễ Phật. Để ít nhất những lời dạy đó giúp chúng ta tự kìm hãm được những hành động quá đà trong cuộc sống mà theo thói quen trước đó; Nên kiềm chế những sai lầm trong lời Phật dạy để giữ được nhân cách và một chút gì đó thể hiện mình là người Phật tử;
Hãy khuyến khích người thân hướng về Phật pháp, đây là nhiệm vụ của chúng ta. Chúng ta gieo trồng cách này không được thì gieo trồng cách khác. Đừng để con cái chỉ phát triển kiến thức mà không phát triển đạo đức, đó là thảm họa của nhân loại. Con người chỉ khôn ngoan mà không đạo đức thì lòng ác tâm chúng ta không lường được.
Hiểu đúng về giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng của Quy y đã giúp chúng ta loại bỏ được những hoài nghi, những thắc mắc, những ý nghĩ không đúng về tầm quan trọng và giá trị thực thụ của việc Quy y Tam Bảo. Hiểu được như thế, chúng ta càng tự hào hơn khi là người Phật tử và phải có trách nhiệm hướng dẫn người thân và thế hệ trẻ đi đúng hướng để không phải rơi vào những lầm lạc, bể khổ trầm luân.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm