Am mây ngủ nhưng người còn thức
Kính bạch Ngài - Trúc Lâm Đại Sĩ…
Con tự nhủ, sao trong lòng cứ mãi thương nhớ về ngọn Núi Thiêng Yên Tử. Phải chăng vì con cảm mến đạo Phật, cảm mến những trang sử về một vị vua, một vị anh hùng dân tộc dám từ bỏ ngai vàng - đi tu. Hay vì con quá cảm mến tác phẩm Am Mây Ngủ được viết bởi vị Thiền sư mà con một lòng quý kính? Tập nhìn sâu con thấy được nhân duyên phải nhiều hơn thế nữa… Là con Phật, vậy con cũng là con cháu của Ngài – Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt hùng, được tu tập và phụng sự ngay giữa cuộc đời thì hình ảnh Sơ Tổ Trúc Lâm khai sáng một dòng thiền lại càng sâu đậm trong trái tim con.
Để Đạo Phật Việt Nam sáng ngời cho đến hôm nay, chúng con thấy được hình bóng chư Tổ mà sử sách vẫn lưu truyền. Chúng con tâm niệm, những bậc cao Tăng – Thiền sư Việt Nam góp phần gìn giữ văn hóa, ươm mầm đạo đức dân tộc ngang qua tinh hoa giáo lý Phật-đà, hơn cả những gì còn ghi dấu lại… May thay, vào thời đại vàng son của dân tộc như thời đại Lý – Trần, Đạo Phật nhập thế đã mang tuệ giác của Đức Thế Tôn vào đời một cách uyển chuyển, không tách rời tinh thần trí tuệ và từ bi. Nổi bật nhất là Trần triều, dưới sự lãnh đạo và chỉ huy của Ngài - Đức Vua Trần Nhân Tông, để Đại Việt không những giữ được Nước mà còn giữ được Đạo dưới sự xâm chiếm của giặc từ phương Bắc tràn vào. Thấy được những gian truân của dân tộc, từ đó chúng con càng thêm kính yêu một vị thiền sư hết lòng vì Đạo – một vị vua hòa hiếu vì Đời.
Chốn Tổ con về…
Rồi một ngày nhân duyên hội đủ, con trở về Yên Tử trong tuần giỗ của Ngài. Dẹp bỏ những tri kiến hẹp hòi, để ngoài tai mọi mỉa mai rằng chốn linh thiêng nay lại trở thành điểm tâm linh du lịch, hay dù ai phê phán trên Yên Tử bây giờ toàn tín đồ tìm đến cầu khấn Ngài như một vị thần linh… Với một lòng tôn kính Pháp, con trở về Yên Tử bằng trọn vẹn niềm tin yêu. Tin yêu một vị vua đã tu hành đạt đạo giáo hóa môn đồ, tin yêu một vị anh hùng đã dùng Chánh Pháp giữ nước và nuôi dưỡng lòng dân. Hơn 700 năm trôi qua, dưới sự chi phối của quy luật vô thường, Yên Tử hẳn không còn lại những am tranh vách lá, thay vào đó là những ngôi chùa kiên cố, uy nghi. Hơn 700 năm trôi qua, hẳn cảnh vật, con người có khác nhưng tư tưởng và đạo hạnh của vị sơn Tăng tu hành trên Am Ngọa Vân vẫn không hề lay chuyển.
Yên Tử đã để lại những Di tích lịch sử, những Di sản quốc gia, nhưng dưới con mắt thiền quán, giá trị hơn hết vẫn là một Di sản văn hóa phi vật thể mang tên Dòng thiền Yên Tử Trúc Lâm. Di sản văn hóa phi vật thể đối với nhà Phật nói riêng là thứ di sản vượt lên trên mọi hình tướng, không mắc kẹt vào hình tướng. Chúng con thấy được rằng, Di sản Thiền phái Trúc Lâm không chỉ giới hạn ở Yên Tử, không chỉ giới hạn ở những vết tích như tháp Tổ, bia đá, nền nhà; không chỉ giới hạn ở Nhị Tổ Pháp Loa, Tam Tổ Huyền Quang hay Quốc sư Bảo Sái,… mà di sản ấy còn có mặt khắp mọi nơi, mọi chỗ và trong mỗi người đệ tử tiếp nối sự nghiệp Đức Phật Hoàng.
Một đạo Phật đi vào cuộc đời...
Kính bạch Đức Phật Hoàng, chúng con vô cùng cảm thán trước Thiền sư Chân Nguyên với nỗ lực phục hồi thiền phái Trúc Lâm vào Thế kỷ XVII. Gần đây nhất, trong thời đại của chúng con – Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ lại một lần nữa thắp sáng lên ngọn đèn thiền phái, để giờ đây tinh hoa thiền phái không những trải dài khắp cả nước mà còn lan tỏa ở trời Tây. Con nguyện cầu nơi tư tưởng minh triết, hòa bình và tuệ giác Phật Hoàng sẽ thấm đẫm và dung dưỡng mọi đồng bào Việt Nam. Không ai khác, hàng đệ tử chúng con có sứ mệnh mang tinh hoa tư tưởng Phật-đà, tư tưởng của Ngài gieo vào lòng con cháu - những mầm non của sự sống, những nhà giáo dục tương lai. Một khi chúng con và thế hệ trẻ có tu – có chuyển, tự xoa dịu những khổ đau trong tâm hồn, Thế Giới này hẳn nhiên sẽ được nhiều an hòa, lợi lạc.
Hiểu được ý nghĩa đích thực thế nào là di sản, chúng con càng thêm trân quý những giá trị của một dòng thiền mang tên Việt Nam. Ngài đã thừa hưởng những gì quý báu nhất từ chư Tổ - từ Đức Thế Tôn, giờ đây chúng con lại tiếp tục thừa hưởng di sản ấy từ Ngài. Đây là thứ di sản cần được con cháu bảo tồn từ thế hệ này qua thế hệ khác - một thứ di sản mà trong mọi hoàn cảnh quốc độ, người thực hành theo đúng Chánh Pháp đều có thể trung dung cả Đạo và Đời.
‘Người ngồi thành thị nết dụng sơn lâm’ – Chúng con thấy được sự giác ngộ, bất nhiễm của một vị vua ngay giữa Kinh thành ngày ấy. Cho đến một ngày, Ngài lên Yên Tử thực hiện chí nguyện xuất trần, nhưng không vì vậy mà Ngài từ bỏ tha nhân. Với trọng trách của một Thượng Hoàng, với sứ mệnh của một Tăng sĩ, dù sống trên Am Ngọa Vân nhưng Ngài vẫn luôn đồng hành cùng đồng bào dân tộc. Chắc chắn Đại Sĩ Trúc Lâm đã luôn quán chiếu về cuộc đời, Ngài đã thấu suốt mọi tình hình của dân tộc với ánh nhìn từ ái, bao dung. Ngài đã vân du cả nước để hoằng pháp, lo cho đời sống tinh thần của muôn dân, lo cho cả tình hữu nghị giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Ngày nay, chúng con thấy được những cái khó của một người tu chốn thị thành. Nhưng dù trong hoàn cảnh, quốc độ nào đi chăng nữa, nguyện cầu mỗi huynh đệ chúng con luôn an trú trong Chánh Pháp. Xin nguyện trong cuộc đời tu tập, chúng con có thể như Ngài ‘dụng nết sơn lâm’, ngõ hầu ‘muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh’.
Am Mây Ngủ nhưng người còn thức…
Kính bạch Đức Phật Hoàng - Ngài là một vị vua tỉnh thức, chúng con được thừa hưởng nơi Ngài cả hai dòng máu là huyết thống lẫn tâm linh. Nhờ ân đức của Tổ tiên gìn giữ, mà từ thuở nhỏ chúng con lớn lên đã quá quen thuộc và gần gũi dưới những mái chùa làng. Mái chùa là nơi giáo dưỡng chúng con sống một cuộc đời lương thiện, sống một cuộc đời trí tuệ - từ bi. Để khi lớn lên con nhận ra rằng, linh hồn dân tộc không tách rời linh hồn đạo Pháp. Tự bao giờ, non sông đã ươm mầm ‘con đường tỉnh thức trong trái tim con’. Mong sao, mái chùa sẽ luôn che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời mãi làm rạng rỡ tổ tông.
Trên Yên Tử Sơn có Huệ Quang Kim Tháp hay Phật Hoàng Tháp ở Ngọa Vân Am, tuy nói lên rằng đó là công hạnh của Ngài mà người đời sau tưởng nhớ, nhưng Pháp thân Đại Sĩ luân chuyển đến ngày nay mới thật là minh chứng cho đạo nghiệp viên thành. Ngài không ở chùa Đồng, cũng không ở Ngọa Vân - Ngài thong dong và tự tại - Ngài sống mãi với thế hệ tương lai...
Dòng thiền có thể mang tên khác nhau, cách thức hành trì đôi khi sai biệt, nhưng mục tiêu của sự tu tập vẫn là sống đời thức tỉnh. Chính vì có một Siddhārtha thức tỉnh trên đất Ấn ngày xưa nên mới có một vị Trần Nhân Tông tỉnh thức trên đất Việt ngày nay, kể cả sau này...
Dù nơi đây sương phủ mịt mù
Am Mây Ngủ nhưng Người còn thức…
Nam mô Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông
Thành kính dâng lên Ngài - Đại Sĩ Trúc Lâm
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Dương Tú Anh; địa chỉ: Chùa Vĩnh Phước - 28/10A Trường Chinh - Tân Thới Nhất - Quận 12 - Tp. Hồ Chí Minh.
Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần lực của lời di chúc
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:15 20/12/2024Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Xem thêm