Ngày 13/07/Đinh Dậu (03/09/2017), trong không khí Vu Lan đang rộn ràng khắp những nẻo đường quê hương, tại Thiền tôn Phật Quang, TT.Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế tài chánh T.Ư GHPGVN đã có buổi nói chuyện với gần 3000 em tình nguyện viên về chùa công quả trong dịp lễ Vu Lan PL.2561 – DL.2017.
Các em là những thanh niên, sinh viên từ mọi miền tổ quốc tụ hội về đây để phục vụ cho phật tử đến chùa mỗi dịp lễ lớn. Năm nay, giữa tiếng suối chảy róc rách và cái se lạnh của núi rừng đang trong những ngày mưa, hơn 3000 em đã cùng ngồi bên nhau lắng nghe bài pháp thoại do Thượng tọa viện chủ Thiền tôn Phật Quang truyền trao.
Theo Thượng tọa, các em về đây với mục đích đầu tiên là phụ chùa làm lễ Vu Lan, nhưng có một mục đích khác quan trọng hơn là để tập sống yêu thương. Trong vài ngày ngắn ngủi này các em phải ăn sau, ngủ sau mọi người, phải tập bưng từng miếng cơm miếng nước, chăm sóc cho bao nhiêu phật tử, mà với thái độ hết sức ân cần lễ phép - điều này làm mọi người thấy ấm lòng, thấy phẩm giá của mình được tôn trọng. Đó là các em tập sống yêu thương, quan tâm sâu sắc đến con người là như vậy.
Nhân đây, thượng tọa nhắc nhở một điều mà các em cần ghi tâm khắc cốt là phải mang tinh thần phụng sự này đi theo mình hết kiếp sống này đến kiếp sống khác, kiếp nào trong thẳm sâu tâm hồn cũng chỉ mong làm người phục vụ cho cuộc đời mà thôi. Ao ước đó là đạo đức, là hướng đi, là lý tưởng của chúng ta.
Tuy nhiên, theo nhân quả, ai càng phụng sự nhiều chừng nào thì địa vị, vị trí của người đó trong đời lại càng cao chừng nấy. Cho nên, nếu cứ sống hi sinh, phụng sự, chắc chắn ngày nào đó các em sẽ có địa vị trong đời. Lúc đó các em đừng bao giờ quên dù nhân quả có đưa ta lên cao hay dìm ta xuống thấp thì tâm nguyện của ta là không bao giờ thay đổi. Hãy chỉ giữ một tâm nguyện duy nhất trong lòng mình là “sống để phụng sự mọi người”.
Tiếp theo, Thượng tọa đặt câu hỏi: “Làm sao để thành công?”. Nhiều em rất bất ngờ trước câu trả lời: “Hãy giúp người khác thành công trước”. Quan điểm này rất đúng với luật nhân quả. Thượng tọa lý giải thêm rằng luật nhân quả không dành riêng cho bất cứ ai, cho bất cứ tôn giáo nào, không lệ thuộc vào việc con người có tin hay không, có biết hay không. Đó là quy luật công bằng tự nhiên của vũ trụ, âm thầm chi phối tất cả mọi điều trong cuộc sống này. Và cái may mắn cho ta là tin được nhân quả, hiểu nhân quả, đó là một chìa khóa để trong rừng rậm cuộc đời với nhiều điều phức tạp, đúng sai, hơn thua... ta vẫn tìm thấy con đường đi của mình.
Vì vậy cả đời các em cứ thanh thản sống yêu thương, giúp đỡ, hỗ trợ cho người khác thành công trước, rồi sẽ thấy quả báo lành dần dần đến trong đời mình. Quả báo này đến khi chậm khi nhanh, có người chỉ qua một năm, có người phải qua năm năm giúp người rồi chính mình mới thành công.
Và “muốn thành công thì hãy giúp người khác thành công trước” – quan điểm này không chỉ đúng với nhân quả mà còn rất đúng với đạo đức. Vì sao vậy, vì có như thế thì trên con đường đi đến thành công, chúng ta mới không để lại sau lưng mình những oan trái, hận thù, thủ đoạn mưu mô, tranh giành, chia rẽ... như bao nhiêu người đã từng bị. Rất nhiều người vì đi tìm sự thành công cho mình mà tạo vô số tội lỗi trên đời. Cho nên cái tâm lý tranh hơn, sợ người khác hơn mình, đó chính là tâm lý giết chết cuộc đời mình, giết chết đạo đức nơi mình và giết chết cả sự tiến bộ của đất nước này.
Còn khi ta sống thương người, lo cho người, giúp người thành công trước thì ta không để lại phía sau những gai góc, chia rẽ, mà vô hình ta chung tay giúp cuộc đời này đoàn kết, gắn bó hơn – đó chính là cái “nhân” để ta được sống trong niềm vui, sự yêu thương, hạnh phúc cho đến cuối đời, không bị rơi vào cảnh cô đơn cô độc hẩm hiu. Cho nên khi còn trẻ, còn sức lực, còn năng lực thì hãy:
“Đoàn kết mọi người trong một trái tim chung
Hạnh phúc thiêng liêng và vĩ đại vô cùng
Một là tất cả và tất cả chỉ là một mà thôi...”
Để các em hiểu hơn tinh thần phụng sự quan trọng thế nào, thượng tọa đã nói rằng trên đời không phải ai cũng đạt được địa vị cao sang, nhưng dù ta có ở địa vị nào thì cũng hãy nhớ là giá trị thật của mọi người nằm ở tinh thần phụng sự nhiều hay ít, chứ không phải nằm ở vị trí cao hay thấp. Nên nhớ, vị trí không quan trọng, tinh thần phụng sự mới quan trọng. Chúng ta sống với trái tim này, với tinh thần này, ta hạnh phúc với nó hết kiếp này sang kiếp khác. Dịp này, thượng tọa kể cho các em nghe về câu chuyện của vua trời Đế Thích được ghi chép trong kinh điển.
Thuở xa xưa vua trời Đế Thích khi ấy hãy còn là con người, một lần vì muốn có chỗ tốt để xem gánh hát biểu diễn, người này đã chọn một vị trí hơi cao và cuốc sạch những bụi rậm để đứng cho thoải mái. Sau đó ông đi kiếm nước uống, lúc quay trở lại thì chỗ tốt kia đã bị ai chiếm mất. Thật lạ kì, ông không hề tức tối mà ngược lại còn thấy trong lòng vô cùng vui mừng rồi lặng lẽ đi dọn thêm những chỗ khác để mọi người đứng xem. Ông tiếp tục công việc này qua những ngày sau nữa khi gánh hát còn biểu diễn. Và ông mang cái tâm phụng sự đó theo mình đi hết kiếp này đến kiếp kia, cho đến ngày mà nhân quả đưa ông lên làm đến cả vua cõi trời. Mà lúc đó ông vẫn không dừng lại, vẫn nhìn xuống dưới cõi người để tìm cách phụng sự cho chúng sinh.
Qua câu chuyện này, các em hiểu rằng: nếu sống với tinh thần phụng sự thì những điều tốt đẹp tự nhiên dần dần đến với cuộc đời chúng ta. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là dù ta phụng sự trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, nhưng trong cái tuổi khởi nghiệp, phải làm ăn mưu sinh thì các em hãy quan tâm nhiều đến việc làm sao giúp người khác làm ăn, mưu sinh, khởi nghiệp thành công trước đã. Và hãy nhớ là vị trí không quan trọng, tinh thần phụng sự mới quan trọng.
Điều thứ ba, Thượng tọa nhắn gửi các em là phẩm chất của sự trung thành. Theo thượng tọa, nếu các em cứ sống bằng tinh thần phụng sự thì chắc chắn kiếp nào đó các em sẽ được làm người có địa vị cao, thậm chí làm vua. Mà mong muốn của một vị vua là gì? Rất nhiều, nhưng có một điều thầm kín là muốn nhân dân phải trung thành với mình. Có sự trung thành này, đất nước mới bình yên. Còn nếu người ta cứ chống đối, cứ phá hoại thì đất nước lập tức rơi vào nghèo đói, bất ổn loạn lạc ngay. Trong một đất nước là vậy, mà trong những phạm vi nhỏ hơn cũng vậy. Vì thế, nếu các em muốn người dưới của mình phải trung thành với mình thì từ bây giờ các em cũng phải trung thành với người lãnh đạo của mình. Đó là nguyên tắc, là nhân quả.
Đối với đạo Phật, cái tâm lý, cái phẩm chất của sự trung thành cũng không thể thiếu. Tu hành theo Phật, ta tu thế nào để thành tựu được lòng tôn kính Phật tuyệt đối, mà có lòng tôn kính Phật tuyệt đối rồi thì tự nhiên sẽ thành tựu được lòng trung thành tuyệt đối. Ngày xưa, khi một người xin quy y Phật họ đều nói theo ngôn ngữ Ấn Độ cổ rằng: “Từ đây cho đến mạng chung chúng con xin trọn đời quy ngưỡng...” : Từ đây cho tới mãn…, con trọn đời quy ngưỡng. Tức là lời thề về sự trung thành. Người ta nguyện quy y với ý nghĩa như vậy. Đó cũng là ý nghĩa trung thành theo cách nói, từ ngữ xưa.
Nói theo nhân quả, sự trung thành cũng tạo thành cái phước cho chúng ta, vì ở đâu có những con người trung thành thì ở đó có sự ổn định, bền vững, phát triển. Ngược lại, ở đâu có những con người không trung thành, ở đó sẽ bấp bênh, bấp ổn. Với Phật pháp, lòng trung thành của người phật tử sẽ giữ gìn, bảo vệ đạo Phật được trường tồn. Nhiều khi ta không có gì nhiều, chỉ có lòng trung thành thôi mà đã đóng góp được rất nhiều cho đất nước, cho Phật pháp, nên cũng tạo thành cái phước.
Tuy nhiên trung thành không dễ, vì đòi hỏi con người ta phải đi theo và chịu thiệt thòi. Những người nào cá nhân quá, hoặc chấp ý mình quá đều không trung thành được. Nên đây là một thử thách cực lớn, từ xưa đến nay vẫn vậy, trung thành là một điều khó có, đòi hỏi đạo đức rất cao, bản ngã rất nhẹ thì người ta mới khước từ ý muốn của mình để đi theo người lãnh đạo của mình.
Ta trung thành tuyệt đối với ai? Với đạo pháp, với quê hương, với thầy tổ - ba điều này vô cùng quan trọng. Nếu tâm ta vững vàng, không ai có thể làm ta lung lay được nữa thì ta đã tạo được công đức rất lớn trong cuộc đời của mình.
Tóm lại qua bài pháp thoại cô đọng, thượng tọa gửi gắm ba điều đến các em:
Thứ nhất, muốn thành công thì giúp người khác thành công trước.
Thứ hai, vị trí không quan trọng, tinh thần phụng sự mới quan trọng.
Và thứ ba là lòng trung thành.
Bài pháp thoại kết thúc trong niềm kì vọng của quý thầy cô, trong niềm hân hoan của những trái tim trẻ đang ngập ngừng trước ngưỡng cửa cuộc sống. Mong sao các em sẽ ghi khắc những đạo lý đã học ở mái chùa vào lòng mình, để sau này khi bước ra cuộc đời rộng lớn khó khăn ngoài kia, dù đối diện với bao nhiêu cám dỗ hay chông gai, bao nhiêu danh lợi hay bội bạc... các em vẫn không mất cái chất, không mất trái tim cháy bỏng tình yêu quê hương và đạo pháp, không mất tinh thần phụng sự, mãi giữ lòng mình trung kiên như núi đá mà các em đã thấm nhuần từ nơi mái chùa đầm ấm trong mùa Vu Lan giữa núi rừng này.
Tuệ Đăng