Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 17/03/2013, 14:03 PM

Bát Nhã Tâm Kinh: Tương quan giữa Uẩn và Không

Trí tuệ trong giáo pháp nguyên thủy là phương tiện dùng để đạt tới giải thoát. Chính vì thế mà ta cũng thường nghe rằng Đạo Phật là Đạo của Trí tuệ. Kinh điển còn lưu lại luôn nói đến sự tu tập các tuệ để thực hiện giác ngộ



A. Tương quan giữa Uẩn và Không:

Tìm hiểu đoạn kinh sau đây: Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị. Dịch nghĩa là : Này ông Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc, Thọ, tưởng, hành, thức cũng là như vậy.

Ta tìm hiểu từng phần một:

+ Xá Lợi Tử còn gọi là Xá Lợi Phất, dịch nghĩa chữ Phạn riputra là người đứng đầu trong hàng đệ tử Phật. Ở Ấn Độ có phong tục lấy tên mẹ đặt cho tên con nên Xá Lợi Tử tức là con bà Xá Lợi.

 

+ Tìm hiểu Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc: Ta biết trong năm uẩn, sắc uẩn là nhóm vật chất, thuộc sắc pháp. Bốn uẩn còn lại là thuộc tâm pháp. Tâm pháp là hiện tượng tâm lý thường hay thay đổi, không thể sờ mó, bắt, nhìn, Cho nên, nói là không có thực thể; đó là điều có thể dễ hiểu. Nhưng sắc pháp là hiện tượng vật chất, tự nó có chất làm thể, thì sao lại bảo không tự thể được? Vì vậy đoạn kinh này phải lý giải vấn đề tại sao năm uẩn đều không tự thể.

+ Trước hết là nói sắc uẩn.

Sắc uẩn chính là xác thân con người hoặc là cảnh vật chứ không gì khác. Xác thân ấy, nói cho cùng, không ngoài tứ đại là đất nước gió lửa hợp lại mà tạo thành. Khi bốn đại hợp lại thì có hiện tượng xác thân. Khi chúng chia lìa khỏi nhau thì không tìm thấy thân đâu nữa. Người hiểu được lý nhân duyên, nhìn lại bản thân mình thấy rõ nó là một hợp thể do các duyên mà thành. Sở dĩ thân này có được là do tinh cha huyết mẹ hợp lại rồi có thần thức gá vào thành thân, được nuôi nấng bằng tứ đại, lớn lên bệnh tật, già rồi chết. Rõ ràng xác thân là không tự thể, không thường còn, là vô thường, luôn luôn biến chuyển nên không bất biến, Cho nên, nói nó là không. Không đây chẳng phải là cái không đối lập với cái có, mà là cái đương thể tức không, tức là khi sự vật hiển dương tồn tại, cái thể của nó đã là không rồi, tức là nó không có tự thể, không có cái ngã (tức là cái ta) riêng của nó, nghĩa là nó vô ngã. Vì nó đương thể tức không, nên tương quan giữa các sắc uẩnkhông được xác định qua hai khía cạnh: chẳng kháctức là.

Trong câu sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, hai chữ chẳng khác xác minh rằng sắckhông là hai pháp riêng biệt nhưng mang tính thống nhất. Còn câu sắc tức là không, không tức là sắc, thì hai chữ tức là khẳng định ngược lại: sắckhông chung quy cũng chỉ một pháp. Như thế, tính thống nhất này xác định sự thật tuy hai mà một, tuy một mà hai, vừa nói lên được tính vô ngã vừa xác định được tính vô thường của nó. Nói cách khác, tính thống nhất ấy thể hiện được bản chất vô thường biến hành nhưng độc đáo của mỗi hiện tượng mà ngày xưa các vị Tổ thường gọi là nguyên lý bất nhị (nguyên lý không có hai).

+ Bốn uẩn còn lại cũng giống như thế.

Nghĩa là thọ chẳng khác không, không chẳng khác thọ; thọ tức là không, không tức là thọ. Cho đến thức chẳng khác không, không chẳng khác thức; thức tức là không, không tức là thức. Như vậy tương quan giữa các uẩn và không là một tương quan chẳng kháctức là, nghĩa là hoàn toàn xây dựng trên nguyên lý bất nhị.

Do đó, không những cái tập hợp năm uẩn tức con người là vô ngã (nhân không), mà từng uẩn một trong tập hợp ấy cũng vô ngã (pháp không).

Với ngã pháp đều không, trường phái Bát nhã của Ðại thừa đã triển khai thuyết vô ngã đến mức tận cùng mà hoàn thành giáo nghĩa tính không. Giáo nghĩa này mở đầu cho nhiều trào lưu tư tưởng khác tiếp nối và phát triển bất tận. Vì thế mà nói rằng Bát nhã là cái bào thai đẻ ra tất cả các kinh đại thừa.

B. Về tướng không của các pháp:

 Để phát triển nguyên lý Bất nhị và biện chứng Phủ định, ta nghiên cứu các câu sau đây: Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Dịch nghĩa là : Này ông Xá Lợi Tử ! Tướng không của các pháp không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt.

Ở các phần trên của bản kinh này đã nói năm uẩn đều không, sau đó lại nói từng uẩn một chẳng khác với không, không chẳng khác với từng uẩn một và từng uẩn một tức là không, không tức là từng uẩn một. Đến đoạn này lại nói đến tướng không của các pháp. Chữ không trong cả các trường hợp nói trên đều chỉ cho tính của các pháp. Tính của các pháp không có hình tướng, không có tướng sinh, không có tướng diệt, không có tướng cấu nhiễm, dơ bẩn của phàm phu, không có tướng thanh tịnh của chư Phật. Lúc ngộ nó cũng không thêm, lúc mê nó cũng không bớt. Bời thế nên cũng gọi là không tướng hay tướng không, chân tướng, thật tướng, chân như hay chân không hay thật tướng bát nhã. Tóm lại tính của các pháp là chân tâm thanh tịnh sáng suốt không có các hình tướng

Pháp chỉ chung cho tất cả sự vât, tinh thần, vật chất, hữu hình, vô hình, vv…Phàm những cái gì tự nó giữ được cái bản chất của nó làm cho người biết được nó là cái gì thì đều gọi là pháp.

Đi sâu hơn về mặt lý luân, từ nguyên lý Bất nhị, bản kinh bây giờ trình bày cho ta cái trình tự làm thế nào mà đạt được cái nguyên lý bất nhị đó, để thấy rằng tất cả các pháp đều không. Lý luận áp dụng cho việc trình bày ở đây là lý luận bát bất tức tám cái bất gồm bất sinh, bất diệt, bất đoạn, bất thường, bất nhất, bất dị, bất lai, bất xuất. Đấy là lý luận phủ định hay còn gọi là biện chứng phủ định. Nói cái không ấy chẳng sinh chẳng diệt, tức nói bản thể nó thường tịch. Nói chẳng sạch chẳng dơ, tức nói tác dụng của nó vô phân biệt. Nói chẳng thêm chẳng bớt tức nói hiện tượng nó thường tự viên mãn.

Áp dụng lý luận phủ định một cách cô đọng và ít lời đến mức đó để chứng minh cái không ở đây, trường phái Bát nhã đã khai thác nguyên lý bất nhị một cách tài tình, bởi vì nó chỉ cần nêu ra cái phủ định, thì ngay trong cái phủ định ấy hiện ra muốn khẳng định ngay liền. Sinh diệt ở đâu thì cũng chính ở đó là bất sinh diệt; bất sinh diệt ở ngay trong sinh diệt. Nếu có khác chỉ là vì mê ngộ không nhận ra mà thôi. Vì vậy, Ðại thừa đã quả quyết rằng phiền não tức bồ đề, ta bà tức tịnh độ. Phủ định phiền não thì bồ đề tự hiện ra. Phủ định ta bà tức tịnh độ xuất hiện. Đó là nguyên lý Bất nhị.

C. Phủ định toàn bộ trong Chân Không:

Tìm hiểu câu kinh tiếp theo :Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức, vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh diệc vô vô minh tận; nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí, diệc vô đắc. Nghĩa là :Cho nên, trong chân không không có sắc; không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới; không có vô minh cũng không có hết vô minh; cho đến không có  già chết cũng không có cái hết già chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí tuệ cũng không có chứng đắc.

Đoạn kinh này nói trong tướng không bát nhã không có các pháp thế gian vì tướng không của các pháp không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm vv… nên trong tướng không bát nhã không có 5 uẩn, không có 12 xứ (gồm 6 căn, 6 trần), không có 18 giới (gồm 6 căn, 6 trần, 6 thức), không có 12 nhân duyên nghĩa là không có vô minh và cũng không có hết vô minh cho đến không có lão tử và cũng không có hết lão tử. Mười hai nhân duyên là pháp tu của thánh  duyên giác.Bậc thánh duyên giác nhờ sự luân chuyển của 12 nhân duyên mà thấu rõ được nguồn gốc sinh tử luân hồi và cũng nhờ quán sự hoàn diệt của 12 nhân duyên mà được ngộ đạo.

Như vậy, các chủ điểm quan trọng mà các giáo pháp Phật nói đến trong đoạn kinh này gồm có 6 điểm mà ta phải khảo lược qua để hiểu được trong chân không, không có cái gì cả, kể cả các pháp thế gian và các pháp xuất thế gian. Sáu điểm đó gồm:

 

1. Ngũ uẩn gồm có sắc, thọ, tưởng, hành, thức như đã nói ở phần trên

2. Thập nhị xứ hay 12 xứ, gồm có 6 căn là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và 6 trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp như đã nói ở trên.

3.Thập bát giới  tức 18 giới gồm có 6 căn, 6 trần như đã nói ở trên và thêm 6 thức gồm: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

Ba điểm nói trên (Ngũ uẩn, Thập nhị xứ, Thập bát giới) nằm trong phần đối tượng giải quyết (con người, chúng sinh) thuộc về pháp thế gian.

4. Thập nhị nhân duyên tức 12 nhân duyên hay gọi tắt là nhân duyên quán. Đó là môn quán nói về trình tự duyên khởi của chúng sinh trong 3 đời (quá khứ, hiện tại và vị lai) và luân hồi theo luật nhân quả trong lục đạo tức 6 đường gồm: thiên, a tu la, nhân, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. Thập nhị nhân duyên xếp theo thứ tự là:

          4.1- Vô minh là phiền não của thời quá khứ vô thủy

          4.2- Hành là nghiệp thiện ác gây ra dựa vào đời quá khứ

Vô minh và Hành là nhân trong đời quá khứ.

          4.3- Thức là một niệm dựa vào đời quá khứ mà chịu thụ thai vào đời hiện tại

          4.4- Danh sắc là giai đoạn bào thai dần dần có hình tướng

          4.5- Lục xứ hay lục nhập là giai đoạn 6 căn có đầy đủ sắp xuất thai

          4.6- Xúc là giai đoạn khoảng 2,3 tuổi, chỉ muốn tiếp xúc với sự vật

          4.7- Thụ là thời kỳ 6,7 tuổi trở đi dần dần đã biết sự vật đã biết phân biệt sướng khổ mà cảm thụ nó.

Năm điểm trên (Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thụ) là quả trong đời hiện tại.

          4.8- Ái là giai đoạn tử 14, 15 tuổi trở đi nảy sinh đủ thứ ái dục mạnh mẽ.

          4.9- Thủ là giai đoạn từ lúc trưởng thành vể sau, ái dục càng mạnh, đuổi theo các cảnh để cầu lấy sở dục, cầu lấy có cho mình.

          4.10- Hữu  là giai đoạn nương theo phiền não, ái, thủ mà gây ra biết bao nhiêu nghiệp, quyết định cái quả của tương lai.

Ba điểm trên (Ái, Thủ, Hữu) là nhân trong đời hiện tại.

          4.11- Sinh là địa vị nương vào cái nghiệp hiện tại mà thụ sinh ở đời vị lai

          4.12- Lão tử là địa vị lão tử ở đời sau này.

Hai điểm cuối (Sinh, Lão tử) là quả của đời vị lai

Như vậy trong 12 nhân duyên trên thì Vô minhHành là 2 nghiệp lực tạo nên cái nhân trong thời quá khứ, Còn 5 điểm tiếp theo gồm Thức, Danh sắc. Lục nhập, Xúc, Thụ là thuộc duyên ở cái nhân của nghiệp lực quá khứ mà thụ thành cái quả hiện tại.Đó là một tầng nhân quả quá khứ-hiện tại. Ba duyên Ái, ThủHữu là cái nhân đời hiện tại quyết định cái quả đời vị lai. Do 3 cái nhân đó mà có quả SinhLão tử của thời vị lai. Đó là cái vòng luân hồi vô thủy vô chung hay còn gọi là nhân duyên quán.

Để rõ thêm, có thể diễn giải cái vòng luân hồi theo 12 nhân duyên như sau: Do chúng sinh đời quá khứ vi mê lầm, nên vô minh và vì vô minh nên đã hành tạo ra các nghiệp lực. Vô minhhành nhân trong quá khứ. Sau khi chết, bị nghiệp lực dẫn dắt tinh thần tức thức mà thụ thân dành danh sắc. Khi thành thân tất nhiên có 6 căn tức là có lục nhập. Khi có 6 căn rồi thì 6 căn tiếp xúc với 6 trần tức xúc rồi sinh ra thọ tức là biết thọ nhận cái khổ sướng vui. Năm thứ này (thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ) là quả hiện tại của nhân quá khứ. Khi chúng sinh đã nhận quả hiện tại thì lại tạo ra nhân nữa là ái là yêu thích các cảnh, thủ là đuổi theo các cảnh để cầu lấy cái muốn cho mình sinh ra cái có của mình tức hữu để gây ra các phiền não, sinh ra nghiệp lực. Ba điểm này (ái, thủ, hữu) là nhân đời hiện tại do vô minh sẽ gây ra cái quả của đời vị lai tức là cái nghiệp này thọ sinh ra thân sau tức là sinh và dẫn đến cái già chết tức lão tử. Sinhlão tửquả trong đời vị lai. Khi thọ quả vị lai rồi lại sinh ra các nhân khác như thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ một lần nữa, rồi lại nhận quả tiếp theo, cho đến vô cùng tận trong vòng sinh tử luân hồi.

Quán 12 nhân duyên cho ta biết nguồn gốc của sinh tử luân hồi là do 12 nhân duyên mà trọng tâm là do vô minh. Hành giả muốn đoạn diệt sinh tử luân hồi thì phải diệt trừ vô minh. Nếu vô minh bị diệt trừ rồi thì hành cũng bị diệt dẫn đến sinh,lão tử cũng bị diệt nốt.

Tuy nhiên vô minh có hai loại: vô minh quá khứ và vô minh hiện tại. Vô minh quá khứ rất khó diệt trừ vỉ nó đã qua từ lâu rồi. Ta chỉ có thể diệt trừ vô minh hiện tại tức ái, thủ, hữu vì ta còn đang sống trong thời hiện tại. Nếu ái, thủ, hữu bị diệt trừ rồi, thì không còn khổ, tập, diệt, đạo, thì không còn sinh, không còn lão tử. Do đó không còn sinh tử luân hồi tức là đạt đến giải thoát, giác ngộ.

Thập nhị nhân duyên là pháp tu xuất thế gian, của hàng Nhị thừa là các bậc thánh Duyên Giác.

5. Tứ đế hay tứ diệu đế là bốn chân lý hay còn gọi là bốn sự thật căn bản, gồm có:

Khổ đế (Chân lý về sự đau khổ) bao gồm tất cả khổ đau về tinh thần và thể xác, Tập đế (Chân lý về nguyên nhân gây ra khổ) bao gồm mọi nguyên nhân gây ra khổ đau, mà đầu mối là tham, sân, si. Diệt đế (Chân lý về việc chấm dứt đau khổ) là tiêu diệt nguyên nhân khổ đau và Đạo đế (Chân lý về con đường dẫn đến việc chấm dứt cái khổ) là con đường, là phương pháp hành trì thực tế đưa đến chấm dứt khổ đau.

Khổ để có 3 loại khổ là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Trong khổ khổ lại có 8 loại khổ khác nhau. Xem phần khổ ách đã nói ở phần trên.

Ở đây nói rộng thêm về Đạo đế (Magga): Đạo là con đường, là phương pháp thực hiện để đạt được an lạc, hạnh phúc trong đời sống hàng ngày hay hạnh phúc tuyệt đối Niết bàn. Có thể nói toàn bộ giáo lý mà Đức Phật đã dạy đều là Đạo đế, tổng quát và căn bản gồm có 37 pháp, thường gọi là 37 phẩm trợ đạo. Đó là Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ đề phần, Bát chánh đạo phần" (Trong kinh Đại Bát Niết Bàn có nói đến).

Trong 37 phẩm trợ đạo Bát chánh đạo được coi là tiêu biểu và căn bản nhất của Đạo đế. Bát chánh đạo, còn gọi là Tám thánh đạo gồm có 8 điều:

        1)- Chánh kiến: Thấy và hiểu đúng đắn, nghĩa là nhận thức đúng về đạo đức cuộc sống, cái thiện, cái ác. Nhận biết đúng về bản chất của sự vật là vô thường, vô ngã, duyên sinh. Nhận thức rõ bản chất của khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến hết khổ.

        2)- Chánh tư duy: Suy nghĩ đúng đắn, nghĩa là đừng để đầu óc của mình nghĩ ngợi những vấn đề bất thiện như tham dục, tức tối giận hờn, bạo động hãm hại vv…dẫn tư duy của mình hướng về tâm cao thượng như tư duy về sự buông thả, sự giải thoát, về thương yêu giúp đỡ chúng sinh, về sự bất bạo động, nhẫn nhục, trầm tĩnh.

        3)- Chánh ngữ: Ngôn ngữ đúng đắn, nghĩa là không nói những lời đưa đến đau khổ, chia rẽ, hung bạo, căm thù. Nói những lời lẽ đưa đến xây dựng niềm tin, đoàn kết hòa hợp, thương yêu và lợi ích.

        4)- Chánh nghiệp: Hành vi đúng đắn, nghĩa là không có hành vi giết hại, trộm cướp, hành dâm phi pháp. Thực hành sự thương yêu, cứu giúp, không ham muốn thú vui bất thiện.

         5)- Chánh mạng: Đời sống đúng đắn, nghĩa là phương tiện mưu sinh, nghề nghiệp chân chính, không sống bằng những nghề phi pháp, độc ác, gian xảo.

         6)- Chánh tinh tấn: Nỗ lực đúng đắn, nghĩa là nỗ lực đoạn trừ điều ác, nỗ lực thực hành điều thiện.

        7)- Chánh niệm: Nhớ nghĩ đúng đắn, nghĩa là đừng nhớ nghĩ các pháp bất thiện, đừng để cho các đối tượng bất chính dẫn dắt mình đi lang thang. An trú tâm ý vào thiện pháp, không quên thiện pháp.

        8)- Chánh định: Tập trung tư tưởng đúng đắn, nghĩa là đừng để tâm thức bị rối loạn, tập trung tư tưởng làm an tịnh tâm thức một cách đúng đắn, có hiệu quả phát triển tuệ giác.

Khổ đế và tập đế là hai nhân quả thuộc thế gian. Diệt đế và đạo đế là nhân quả xuất thế gian. Cặp nào cũng quả trước nhân sau.

Tứ Diệu Đế là pháp tu của hàng xuất thế gian, của hàng Thanh Văn, Nhị thừa.

6. Trí là trí tuệ là phương tiện cứu cánh để chứng đắc.

 Mục đích của Đạo Phật là diệt khổ và đem vui cho mọi loài, nhưng phải là người có trí mới biết được con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc. Mục đích của Đạo Phật là giải thoát và giác ngộ, và chỉ có trí tuệ  mới là phương tiện duy nhất đưa loài người đến bờ giải thoát và giác ngộ.

Trí tuệ trong giáo pháp nguyên thủy là phương tiện dùng để đạt tới giải thoát. Chính vì thế mà ta cũng thường nghe rằng Đạo Phật là Đạo của Trí tuệ. Kinh điển còn lưu lại luôn nói đến sự tu tập các tuệ để thực hiện giác ngộ. Đạo Phật nguyên thủy là đạo của trí tuệ tự thân, sự giác ngộ trong Đạo Phật không dựa vào những năng lực thần bí đến từ bên ngoài. Mỗi con người đều có khả năng tu tập, rèn luyện tâm trí phàm phu của mình trở thành trí tuệ giải thoát. Hay nói cách khác, Trí tuệ của các vị Thánh cũng bắt đầu từ trí óc phàm phu. Tất cả chỉ khác nhau ở mức độ phát triển. Vậy Trí tuệ trong giáo pháp nguyên thủy cũng chính là “Bát Nhã” (Trí Bát Nhã) trong kinh văn của Phật Giáo phát triển.

Ðối trị tất cả sáu chủ điểm trên, trường phái Bát nhã lần lượt áp dụng luận lý phủ định lên tất cả, để thuyết minh lý vô ngã một cách triệt để.

Áp dụng luận lý phủ định trong đoạn này, những khẳng định mới được ghi nhận thêm: 5 uẩn là giả hữu, 12 xứ là giả hữu, 18 giới là giả hữu. Như vậy, cái ngã trong con người chỉ là một ảo tưởng. Ðể đối trị cái ngã giả hữu ấy, giáo pháp Phật dạy cũng chỉ là phương tiện giả lập mà thôi. Cho nên, nói không 12 nhân duyên và cũng không có sự chấm dứt của 12 nhân duyên. Cũng như không có tứ đế. Giáo pháp giả lập là nhằm đối trị cái ngã giả hữu, dùng cái giả trừ cái giả. Như vậy thì cái trí mà giáo pháp nhằm thắp sáng lên ở nơi cái ngã ấy cũng không nốt. Mà trí đã không thì sự chứng đắc cũng không thành, không có thành đạo, không có chứng quả. Mà thật đúng như thế: đứng về mặt tâm lý mà nói, ai thật sự có đắc một cái gì thì không bao giờ nghĩ rằng mình đắc. Chỉ suy nghĩ ôm ấp theo đuổi khi mình chưa có. Khi đã có rồi, thì lòng bình thản dửng dưng. Hóa ra, không đắc mới thật sự có đắc. Trong Kinh Kim Cương, Đức Phật đã nhiều lần hỏi ông Tu Bồ Đề: “Này Tu Bồ Đề, nếu vị A La Hán tự nghĩ rằng “Tôi đã đạt được quả A La Hán, nghĩ như vậy có được không?”. Ông Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn, không thể được.” - “Tại sao vậy?” - “Vị A La Hán phải không còn thấy mình chứng quả A La Hán, thế mới thật là chứng quả A La Hán. Nếu còn thấy mình chứng quả A La Hán tức là còn thấy mình trụ chấp về bốn xứ: ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả thì không phải thật chứng quả A La Hán”.

Hơn nữa đứng về mặt lý trí mà xét, cái đắc ấy không khác gì hơn là cái mình sẵn có, nhưng vì vô minh che lấp, nay nhờ giác ngộ mà bắt gặp trở lại mà thôi.

Bây giờ, lý luận ngược chiều trở lại, ta mới thấy tất cả cái tài tình của phép luận lý phủ định. Vì không đắc nên không trí. Ðã không trí thì giáo pháp thắp sáng cái gì? Và trí đã không thì 18 giới, 12 xứ và 5 uẩn thảy đều không. Thập nhị nhân duyên là không, Cho nên, cũng không có sự chấm dứt của 12 nhân duyên. Vì vậy mà nói: không vô minh, cũng không hết vô minh, cho đến không có già chết cũng không có cái hết già chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí tuệ cũng không có chứng đắc là thế.

Trên đây là phần dùng lý luận nguyên lý bất nhị để chứng minh rằng tất các pháp là không, là dựa trên nền tảng lý luận phủ định để giải trình những vấn để cốt lõi của Bát Nhã Tâm kinh



Phạm Đình Nhân

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình

Nghiên cứu 12:00 18/02/2024

Kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīka Sūtra) là một trong những bộ kinh thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), hay còn gọi là Phật giáo Phát triển.

Vài nét về khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Nghiên cứu 10:00 14/02/2024

Tự lực và tha lực tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không đối nghịch nhau, và hai yếu tố này không thể thiếu trong tiến trình tu tập của một người con Phật.

Dĩ hòa vi quý (Phần 1)

Nghiên cứu 11:00 04/02/2024

Dĩ hòa vi quý là lấy điều hòa làm quý, cần được tôn trọng. Đó là câu tục ngữ dạy đạo xử thế, làm cho cuộc sống chung với mọi người được êm ấm, vui vẻ. Đó là chìa khóa mở cửa lâu đài hạnh phúc cho chính mình và cho người khác trong cuộc sống tập thể từ gia đình đến xã hội.

Xem thêm