Bảy yếu tố khiến Tăng đoàn hưng thịnh (I)
Bảy yếu tố khiến Tăng đoàn hưng thịnh được đề cập trong bài kinh Đại bát Niết bàn, gồm: Có Tín tâm, có Tàm, có Quý, Đa văn, Tinh tấn, Chánh niệm và Trí tuệ. Đây là những yếu tố quan trọng được đức Phật đặc biệt nhấn mạnh như là nền tảng cho sự hưng thịnh của Tăng đoàn do ngài thành lập.
Mọi tổ chức xã hội đều do con người dựng nên và số phận thịnh suy của nó tùy thuộc vào con người. Dĩ nhiên có rất nhiều yếu tố đóng vai trò quyết định sự thịnh suy của một tổ chức, nhưng con người vẫn là yếu tố then chốt. Con người có tốt thì tổ chức mới tốt. Trong ý nghĩa như vậy, đức Phật đã thành lập Tăng đoàn, lấy trí tuệ làm nền tảng, dùng đức hạnh làm thăng hoa tổ chức. Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét đặc điểm này của tổ chức Tăng đoàn Phật giáo thông qua sự nhấn mạnh của đức Phật về bảy yếu tố phát huy đức hạnh và trí tuệ của con người.
Bảy yếu tố khiến Tăng đoàn hưng thịnh hay còn gọi là bảy pháp bất thối được đề cập trong bài kinh Đại bát Niết bàn, gồm: Có Tín tâm, có Tàm, có Quý, Đa văn, Tinh tấn, Chánh niệm và Trí tuệ. Đây là những yếu tố quan trọng được đức Phật đặc biệt nhấn mạnh như là nền tảng cho sự hưng thịnh của Tăng đoàn do ngài thành lập. Bài kinh là một tài liệu lịch sử quý giá, ghi lại cuộc hành trình cuối cùng của Đức Thế Tôn khởi sự từ Vương xá và kết thúc tại Kusinarà – nơi Ngài quyết định vào Niết-bàn. Trong những ngày tháng cuối cùng này, Đức Thế Tôn ân cần nhắc nhở các đệ tử những điểm giáo lý quan trọng, những điều cốt lõi trong giáo pháp. Dừng chân mỗi trú xứ, Thế Tôn khuyên nhắc những vấn đề khác nhau đầy ý nghĩa và súc tích. Đó là những gì tâm huyết nhất của bậc Đạo sư dành cho chúng đệ tử. Đặc biệt khi ở Vương xá thành, vì sự hưng suy của Tăng đoàn, vì sự tồn vong của Phật pháp, Đức Thế Tôn nêu ra những điều cần thiết để xây dựng một hội chúng hưng thịnh. Bảy yếu tố đã nêu trên như tóm thâu tất cả tinh hoa của giáo pháp và được xem là kim chỉ nam áp dụng vào nếp sống phạm hạnh của mỗi thành viên trong Tăng đoàn ở mọi thời đại.
Có Tín tâm:
Niềm tin là cửa ngõ bước vào đạo. Người học Phật muốn thể nhập chân lý với trí tuệ thì trước hết phải có lòng tin chân chánh. Bởi vì, Saddhà (Đức tin, lòng tin) là tâm sở đi đầu trong các tâm sở thiện. Nó khởi sự cho mọi việc tiếp theo đều tốt đẹp. Đó là đức tính cần thiết làm nền tảng cho người mới bước vào đạo. Kinh Tiểu địa quán có câu “Vào biển Phật pháp lấy niềm tin làm gốc, qua sông sanh tử lấy giới pháp làm thuyền”. Do vậy, người có lòng tin chân chánh thì tất cả thiện pháp đều thành tựu. Vị ấy không đi quá xa, không đi ra ngoài pháp luật cuả Đức Thế Tôn thuyết giảng.
Saddhàụ (Tín) xuất phát từ ngữ căn Sam (tốt, khéo) + dah (đặt xuống, để xuống) nghĩa là đặt lòng tin tưởng hoàn toàn đối với Tam bảo (Phật-Pháp-Tăng), tin nghiệp nhân, nghiệp quả, tin khả năng giác ngộ của chính mình.
Saddhà có khả năng làm các phiền não nghi ngờ tiêu sạch như viên ngọc của vua chuyển luân làm nước lóng sạch cáu bẩn. Nhiệm vụ của nó là đi vào, như sự khởi hành vượt qua bộc lưu (xem Kinh Tập, tr. 184). Nó được biểu hiện bằng sự không mù mờ hay sự quyết định. Saddhà nên xem như một bàn tay, vì nó nắm giữ thiện pháp được xem như là tài sản và như hạt giống (kinh Tập, tr. 182). Như vậy, lòng tin là điểm khởi sự cần thiết cho việc thực hành giáo pháp. Nó là bước đi đầu tiên trong những bước đi hướng về giải thoát, nếu chúng ta làm sụp đổ hay đánh mất ngay bước đi đầu tiên thì những bước đi kế tiếp không thể nào thực hiện được. Cho nên, hành giả phải hết sức cân nhắc về vấn đề này, để khỏi lầm đường lạc lối, khổ lụy muôn đời.
Trước hết, hành giả phải có lòng tin nơi Đức Thế Tôn. Thế Tôn là bậc đạo sư, từ địa vị con người, Ngài đã tự mình tu tập chứng đạt chân lý tối thượng và trở thành bậc Giác ngộ vĩ đại. Tin vào Pháp của Thế Tôn thuyết giảng có khả năng giúp con người ra khỏi khổ đau: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, tự chứng ngay hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, có hiệu năng hướng thượng, được người trí chứng biết”. Tin vào Tăng đoàn là những người đã và đang nỗ lực trên con đường diệt khổ, là những người thay Phật thuyết giảng con đường cứu khổ cho đời, “Chúng đệ tử của Thế Tôn đã đi vào thiện đạo, trực đạo, chân đạo, chánh đạo nghĩa là bốn đôi tám vị. Chúng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cúng dường, cung kính chấp tay chào, là phước điền vô thượng của thế gian”. Người có niềm tin vững chắc đối với Tam Bảo như vậy thì sẽ cố gắng tu tập theo Chánh pháp, dù gặp trở ngại gì cũng không thối chuyển.
Tuy nhiên, đức Phật dạy chúng ta nên tìm chân lý, chớ không nên nghe qua vội tin liền, dù người nói có nhiều uy tín đi nữa. Ngài dạy:“Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; vì truyền thống; vì nghe người ta nói; vì kinh tạng truyền tụng; vì nhân lý luận; chớ có tin sau khi suy tư một vài dữ kiện; chớ có tin theo thiên kiến định kiến; chớ có tin vì vị Sa môn là bậc đạo sư của mình”. Đức Phật bác bỏ những trường hợp đáng tin như vậy, rốt cuộc, chúng ta biết tin ai và tin cái gì ? Nhưng đến đây, Thế Tôn khuyên dạy thật nhẹ nhàng: Hãy tin chính mình, tin ở nơi lý trí phán xét của mình. Đức Phật dạy khi nào tự mình biết rõ các pháp này là bất thiện, có lỗi lầm, bị người trí chỉ trích, nếu thực hành và chấp nhận các pháp ấy sẽ đưa đến bất hạnh đau khổ thì chúng ta phải từ bỏ. Ngược lại, nếu biết rằng các pháp này là thiện, không lỗi lầm, được người trí tán thán, nếu thực hành và chấp nhận sẽ đưa đến an lạc và hạnh phúc thì phải chứng đạt và an trú. Như vậy, đức Phật luôn đứng ở vị trí con người để giáo hóa chúng sanh và đặt lòng tin vào khả năng của con người có thể phân biệt thiện ác, chánh tà. Con người có khả năng tự giải thoát, tự giác ngộ như ngài đã tự mình giác ngộ giải thoát.
Dù ở góc độ nào, niềm tin luôn được Đức Thế Tôn đặt lên vị trí dẫn đầu. Trong kinh Cankì – Trung bộ II, số 95, đức Phật phân biệt ba trình độ tiếp cận chân lý: Hộ trì chân lý, giác ngộ chân lý và chứng đạt chân lý. Tất cả đều bắt đầu từ lòng tin, nhưng tin như thế nào mới là điều quan trọng.
Người hộ trì chân lý (tôn trọng sự thật) khi tin tưởng một điều gì thì cứ tin, nhưng không nên xác quyết rằng chỉ có điều ta tin mới thật đúng, ngoài ra đều sai lầm. Vì rằng, chấp trước là một xiềng xích nên tốt nhất ta cứ tin nhưng đừng cực đoan ôm chặt nó. Đây là thái độ buông xả khéo léo của người học pháp.
Giác ngộ chân lý cũng thế, niềm tin trước tiên là đối với bậc thầy. Một người khi xem xét một vị thầy, biết rõ vị thầy ấy không có tham, sân, si… và khéo thuyết giảng pháp đưa đến vô tham, vô sân, vô si…thì người ấy khởi lòng tin. Nhờ có lòng tin, vị ấy đến gần rồi thân cận thường xuyên để được chỉ dạy về Phật pháp. Khi được chỉ dạy, vị ấy biết lắng nghe, nghe xong phải thọ trì, khi thọ trì phải tìm hiểu ý nghĩa của pháp. Nhờ hiểu rõ ý nghĩa, vị ấy hân hoan chấp nhận và phát sanh ý muốn nỗ lực tu tập, cân nhắc pháp môn nào thích hợp với mình, vị ấy tinh cần tu tập một thời gian dài cho đến khi tự thân chứng đạt chân lý và thể nhập chân lý với trí tuệ. Như vậy từ lòng tin chân chánh, hành giả nỗ lực tu tập để bước vào ngôi nhà trí tuệ là cả một con đường dài cam go, mỗi chặng đường mở ra một khúc quanh mới, nếu hành giả thiếu thiện xảo có thể bỏ cuộc hoặc lạc đường.
Trong việc chứng đạt chân lý, mặc dù, tinh cần là yếu tố xuyên suốt trong lộ trình tu tập, nhưng muốn tinh cần phải cân nhắc, muốn cân nhắc phải cố gắng, muốn cố gắng phải có ước muốn, để có ước muốn cần phải hoan hỷ chấp nhận, muốn hoan hỷ chấp nhận phải tìm hiểu ý nghĩa, muốn tìm hiểu ý nghĩa phải thọ trì pháp, muốn thọ trì pháp phải nghe pháp, muốn nghe pháp phải lóng tai, muốn lóng tai phải thân cận giao thiệp, muốn thân cận giao thiệp phải đến gần, muốn đến gần phải có lòng tin. Đến đây, chúng ta thấy niềm tin luôn khởi đầu trong tiến trình tu tập, nó giúp hành giả dứt bỏ sự nghi ngờ hay sự mù mờ đối với các pháp. Nghi ngờ là một trong năm triền cái làm chướng ngại việc hành thiền.
Cho nên, mỗi hành giả phải có niềm tin chân chánh. Đó là niềm tin của vị tỳ kheo Thánh đệ tử – niềm tin của người đã thấy pháp bằng chính kinh nghiệm cá nhân, đã đoạn diệt hoài nghi pháp. Đây là nền tảng vững chắc của Thánh tín, bất động không thể lung lay, không thể biến hoại, cho dù trôi lăn trong sanh tử.
Có Tàm và Có Quý:
Tàm và Quý là hai tâm sở thiện thường đi chung với nhau. Do vậy, chúng ta có thể trình bày xen lẫn nhau để làm nổi lên tính chất ưu việt của hai tâm sở này.
Trong kinh Tăng chi, đức Phật gọi Tàm và Quý là những vị “hộ trì thế gian”, vì đấy là nền tảng của giới, nền tảng của đạo đức. Cho nên, mỗi hành giả phải tự soi rọi lại chính mình và làm cho hai đức tính này luôn hiện hữu trong tâm để thăng hoa nếp sống phạm hạnh - nếp sống của giới luật không có lỗi lầm.
Tàm (Hirì) có đặc tính là chán ghét, ghê tởm trước điều ác, do một ý thức về tính tự trọng. Nó được thể hiện là sự tự trách mình. Quý (Ottappa) có đặc tính là sợ hãi điều quấy, quan tâm đến dư luận. Hay nói cách khác, Tàm có nhiệm vụ không làm ác dưới hình thức khiêm cung, Quý có nhiệm vụ không làm ác dưới hình thức sợ hãi.
Sở dĩ, chúng là nền tảng của giới vì: người học Phật tự giác hành trì giới luật xuất phát từ cái tâm ghê sợ tội lỗi, sợ quả báo đau khổ nên cố gắng giữ gìn thân, khẩu, ý không cho dễ duôi phóng túng. Người ấy luôn khép mình trong giới luật để tịnh hóa thân tâm, giữ gìn chánh pháp làm cho Phật pháp hưng thịnh, “ Nếu người xuất gia có tín tâm, thường sanh Tàm Quý, siêng học giới luật thì Phật pháp sẽ tồn tại”.
Xét về mặt bản chất, Hirì (hổ thẹn) phát sinh từ bên trong và Ottappa từ bên ngoài do ngoại cảnh. Ví như thanh sắt, một đầu đốt nóng lên, đầu kia thoa đồ dơ thúi vào. Ta không sờ tay vào đầu dơ thúi của thanh sắt vì ghê tởm, gớm , và không sờ tay vào đầu nóng vì sợ. Những điểm ghi nhận sau đây của bà Rhys David về Tàm và Quý mô tả rành rẽ sự khác biệt giữa hai tâm sở có liên quan mật thiết này :
“Hirì và Ottappa, như đức Buddhaghosa phân tích cho thấy nhiều điểm vô cùng hứng thú về phương diện đạo đức. Gom chung lại, hai danh từ này là sắc thái “cảm xúc” và “quyết ý” của ý niệm về tâm thức của thời hiện đại, cũng như Sati (Niệm) tiêu biểu cho phần trí thức. Hirì có nghĩa tương đương với hổ thẹn (lajjà), Ottappa tương đương với nỗi ưu phiền đau khổ (ubbego) về hành động bất thiện. Hirì bắt nguồn từ bên trong, tình trạng nguy hiểm và ghê sợ lỗi lầm. Nguồn gốc chủ quan của Hirì có bốn: ý niệm có liên quan đến sự sanh trưởng, đến tuổi tác, đến giá trị và đến giáo dục của ta. Do đó, người có tâm hổ thẹn trước hành động bất thiện, Hirì sẽ suy tư: “ chỉ có con cái của hạng người tầm thường, như dân chài chẳng hạn, những người nghèo khó, đói rách, những người mù dốt mới làm điều này” và vì nghĩ vậy người ấy tự chế, nhịn không làm. Nguồn gốc của Ottappa, Quý ghê sợ hậu quả của hành động bất thiện nằm ở bên ngoài ta. Đó là ý niệm: “ hạng người chân thật sẽ khiển trách ta, và vì lẽ ấy không làm điều bất thiện”. Đức Phật dạy người ấy là vị chủ nhân tốt nhất của chính mình. Đối với người có nhiều nhạy cảm hơn với Otaappa, ghê tởm hậu quả của hành động bất thiện, thì các ông chủ của niềm tin là hướng dẫn tốt nhất”.
Chính vì thế, Tàm và Quý là hai yếu tố chi phối thế gian rất quan trọng. Thiếu hai yếu tố này không có xã hội văn minh nào có thể tồn tại. Những điều Phật dạy cách đây hai mươi sáu thế kỷ sao mà luôn mới mẻ và thiết thực đến thế !
Trong nếp sống phạm hạnh, đức Phật luôn khích lệ tinh thần tự giác đối với các Tỳ kheo, mỗi người tự hành trì giới pháp để chứng đạt chân lý. Ngài không đặt để quy luật hà khắc hay trừng phạt nặng nề, chỉ có Tàm và Quý như là tòa án lương tâm chân thành nhất của mỗi người: Trong Ottappa ta cảm nghe ghê sợ trước phiền hà của chính ta; sự khiển trách của người khác; và quả báo trong một kiếp sống khác. Do vậy, Tàm và Quý là hai đức tính vô cùng cần thiết, mỗi chúng ta phải luôn phát huy để nâng cao phẩm hạnh của mình. Đồng thời nhờ có Tàm Quý, hành giả mới xa lìa ác pháp và phát triển thiện pháp, sống an vui không áy náy hay hối hận vì lỗi lầm. Ngược lại, người không có tàm quý thì quá trình chuyển hóa tâm thức không bao giờ xảy ra và cũng không bao giờ thăng tiến đời sống đạo đức tâm linh.
Đức Phật dạy, Tỳ kheo biết tàm, biết quý thì thường có ái và kỉnh; nếu có ái và kỉnh thì thường có tín; nếu có tín thì thường có chánh tư duy; nếu có chánh tư duy thì thường có chánh niệm, chánh trí; nếu có chánh niệm, chánh trí thì thường giữ gìn các căn, giữ giới, không hối hận, hoan duyệt, hoan hỷ, tịnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, nhàm chán, vô dục, giải thoát; nếu đã giải thoát liền đắc Niết- bàn. Giống như một cây nào mà vỏ ngoài không bị hư thì vỏ trong không bị hư, vỏ trong không hư nên thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá chắc chắn thảy đều thành tựu.
Cho nên, đức Phật nhấn mạnh một vị tỳ kheo khi đã tự xưng và được người ta gọi là Sa môn thì phải tu tập và thành tựu các hạnh Sa môn, trong đó có Tàm Quý. Vị tỳ kheo đã thành tựu Tàm Quý thì thân, khẩu, ý được thanh tịnh, các căn được hộ trì , ăn uống có tiết độ và sống trong chánh niệm tỉnh giác. Vị ấy sống có Tàm Quý nhưng không khen mình chê người, không kiêu căng hay chỉ trích các bạn đồng phạm hạnh. Ngược lại, vị ấy sống khiêm nhường, tế nhị, có từ tâm , biết cảm thông và tha thứ…. Vị ấy sống an lạc trong giáo pháp.
Tàm và Quý là nền tảng của giới, nền tảng của đạo đức. Đạo đức thì thường mang giá trị tương đối, thế nhưng, đạo đức Phật giáo cho đến nay vẫn không có gì lỗi thời, và phẩm chất đạo đức hay giới luật của Tỳ kheo đệ tử Phật hẳn là rất cao vời khiến cho nó tiếp tục tồn tại trải qua hai mươi sáu thế kỷ nay.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần
Nghiên cứu 14:00 30/11/2024Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.
Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu 08:45 25/11/2024Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Xem thêm