Bí mật của bức tượng Phật cô đơn trên con dốc 47
Nằm trên đỉnh đồi cao nhất tại quốc lộ 51, đoạn qua phường Tam Phước (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là bức tượng đầu Phật độc đáo, đặt trên một bệ bốn cánh giống đuôi quả bom. Dù khu vực xung quanh có hàng chục ngôi chùa, am, miếu nhưng các vị cai quản đều không biết về nguồn gốc bức tượng.
>> Những ngôi chùa Việt độc đáo
Bức tượng độc đáo
Khi lưu thông trên quốc lộ 51, đoạn qua phường Tam Phước, người đi đường thường phải giảm tốc độ ở “dốc 47” với khúc cua khá gấp. Một lý do khác thú vị hơn là do sức thu hút của bức tượng đầu Phật trên ngọn đồi đầu dốc, ẩn mình nhưng lại nổi bật trên nền rừng tràm. Tượng ngự trên một cái bệ có bốn cánh, giống hình một trái bom cắm sâu vào lòng đất. Người dân địa phương thường gọi là “đầu Phật dốc 47”, “đầu Phật bom 47” hay “Phật đầu quả bom dốc 47”.
Đầu Phật cách đường lộ chừng 20m, người đi đường dễ dàng nhìn thấy. Khu đất có đầu Phật chỉ có một con đường độc đạo đi bộ lên. Đầu Phật rất to, màu trắng, mặt hướng về phía Đông. Phần bệ đỡ có bốn cánh nhỏ dần từ trên xuống, được xây bằng gạch thẻ hai lỗ kiểu cổ. Phía dưới là chín bậc tam cấp theo vòng tròn bao quanh đầu “quả bom”. Dù chưa biết rõ về nguồn gốc bức tượng, nhiều tài xế đi qua vẫn dừng lại nơi đây thắp nhang, dọn dẹp với lòng thành kính.
Theo một cụ ông nguyên là cán bộ Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, cụ cho rằng, đầu Phật do một tỉnh trưởng Long An thời chế độ Sài Gòn xây dựng nhưng không rõ năm nào. Cụ cũng không giải thích được lý do để ông tỉnh trưởng ở tận Long An lại lên Biên Hòa xây đầu Phật lạ thường như vậy. Cũng chưa thấy tư liệu, sách vở nào nói về việc này.
Có người khác cho rằng, đầu Phật trên do ông Lưu Yểm - tỉnh trưởng Biên Hòa thời chế độ cũ xây dựng, cũng không rõ năm. Ý kiến này cho rằng chỉ biết năm đó, ông Lưu Yểm đi công tác bằng xe Jeep, ngang khu vực này bị phục kích bắn một quả đạn B41 vào xe. Quả đạn ghim thẳng vào xe nhưng không nổ, ông Yểm thoát chết trong gang tấc.
Vì là tín đồ Phật giáo nên viên tỉnh trưởng nghĩ rằng được đức Phật che chở, từ đó có ý tưởng lập tượng Phật, đặt trên đỉnh đồi. Mô hình thiết kế phía dưới đầu Phật là cánh bom, tượng trưng cho chiến tranh chết chóc, phía trên là đầu Phật tượng trưng cho sự che chở sinh mạng. Bức tượng độc đáo này được cho là chế tác từ cơ sở làm tượng Phật nổi tiếng của ông Lê Văn Chánh (thường gọi Bảy Chánh) ở chùa Giác Hải, Sài Gòn.
Tuy nhiên ý kiến trên lại bị chính người cựu phụ tá của ông Lưu Yểm là ông Bùi Quang Thanh (tự Sáu Chinh, ở phường An Hòa, TP Biên Hòa) bác bỏ. Ông Thanh kể: “Ông Lưu Yểm làm tỉnh trưởng Biên Hòa vào năm 1974, đến 1975 thì lên máy bay rời khỏi Biên Hòa và định cư ở Mỹ. Trong thời gian tôi làm phụ tá cho tỉnh trưởng, một năm tại chức, ông Yểm không hề xây dựng bất cứ đền chùa nào. Tôi nhớ không lầm thì đầu Phật được xây dựng vào khoảng năm 1970, thời ông Lâm Quang Chính làm tỉnh trưởng, do tín đồ Phật giáo ở Sài Gòn đến xây dựng”.
Phật chế ngự chiến tranh?
Lại có ý kiến cho rằng, vào thời gian 1965 – 1973, Mỹ cho quân đồng minh Thái Lan đóng cách dốc 47 khoảng 2km (nay thường gọi là ngã 3 Thái Lan). Đa số quân lính Thái Lan theo đạo Phật, nhiều lần bị Quân Giải phóng đánh phá nên đã xây dựng đầu Phật trên đầu quả bom nhằm “trấn yểm” ngọn đồi cao nhất khu vực, hy vọng che chở khỏi những cuộc tấn công.
Thêm ý kiến khác, cho rằng tượng do ông Trần Ngọc Thới (một sĩ quan chế độ Sài Gòn) đang xây dựng dở. Đến nay, con cháu ông Thới ở Long Khánh (Đồng Nai) vẫn hay đến thắp nhang.
Còn theo một số người địa phương, trước đây con dốc 47 này rất cao, khúc cua ngoằn ngoèo nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Phải chăng vì thế có người muốn dựng một bức tượng Phật trên “cung đường đen” này để cho cánh tài xế vững vàng tay lái hơn? Sau này, quốc lộ 51 mở rộng và cải tạo mới hạ độ cao dốc xuống cho xe cộ dễ lưu thông.
Dù khu vực xung quanh có hàng chục ngôi chùa, am, miếu nhưng các vị cai quản đều không biết về nguồn gốc bức tượng. Sư trụ trì một ngôi chùa gần đó cho hay: “Tôi trụ trì ở đây 30 năm rồi, nhưng không biết nhiều về đầu Phật ấy. Ngày trước sư phụ tôi cũng không có nói. Về ý nghĩa, đó là “Phật chế ngự chiến tranh”. Đầu quả bom thay thế cho mình Phật, cho thấy người muốn xây dựng nó hiểu rất rõ về đạo lý nhà Phật và căm ghét chiến tranh. Hiện rất nhiều người muốn tu bổ lại bức tượng cho khang trang làm nơi thu hút khách thập phương đến cúng bái”.
Sư thầy cũng cho rằng về mặt Phật giáo, nhìn tổng thể đó là hình ảnh cách điệu của diệu pháp tòa, tức tòa sen mà Đức Phật A Di Đà ngồi thuyết pháp. Diệu pháp tòa lại được đặt trên đài có chín tầng hay chín bậc là biểu trưng cho cửu phẩm liên hoa. Còn bốn cánh tượng trưng cho bốn phương trời trong vũ trụ hoặc biểu trưng cho lòng từ bi của Phật A Di Đà đối với bốn loài chúng sinh. Nếu hiểu theo ý này, có thể thấy người thiết kế mô hình rất am hiểu về Phật pháp phái Tịnh độ tông.
Công trình dang dở
Tác giả Bùi Trường Trí trong một bài báo lại có lý giải khác cặn kẽ hơn. Theo đó, trong một lần đi thị sát địa bàn Long Thành, một sĩ quan của tiểu khu Biên Hòa (chế độ cũ) - ông Trần Ngọc Thới (SN 1932) từ trên máy bay nhìn xuống mới phát hiện được xung quanh dốc 47 là một quả đồi thấp trồng tre xanh bạt ngàn, hình dáng như một cái mu rùa úp ngược (thực ra, gọi là quả đồi cũng không đúng, chính xác là cái gò vì trong cuốn “Biên Hòa sử lược toàn biên” (năm 1971), cố sử gia Lương Văn Lựu có nhắc địa danh “Gò 47”). Từ đó, ông Thới manh nha ý định muốn xây dựng một tượng Phật đặt trên gò dốc 47 có hình dáng con rùa theo quan niệm tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng.
Ý tưởng này được sự đồng lòng đóng góp công sức tài vật của bạn bè ông Thới ở Sài Gòn. Nổi bật trong nhóm người phát tâm đó có ông Đỗ Minh Sính (SN 1910), một thương nhân cư ngụ tại Quận 6. Ông Sính vốn là một cư sĩ Phật giáo tu tại gia, là người phác thảo bối cảnh và thiết kế bức tượng đức Phật.
Công trình này được phân chia công việc rõ ràng, ở Biên Hòa thì ông Thới lo xây dựng phần thân trụ bệ đỡ có hình 4 cánh với vật liệu có sẵn ở địa phương như gạch Tân Vạn, đá Hóa An, cát sông Đồng Nai. Còn ở Sài Gòn ông Sính liên hệ nghệ nhân đúc tượng Phật nổi tiếng thời đó là ông Lê Văn Chánh (Bảy Chánh) tác tạo.
Công trình từ khi phác thảo bản vẽ đến hoàn thành kéo dài trong gần 1 năm.
Vào đầu năm 1970, buổi lễ an vị tượng Phật được tổ chức trọng thể với sự tham gia của hàng trăm bà con Phật tử ở Sài Gòn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một... cùng các vị chức sắc của chính quyền chế độ cũ.
Người con trai nối nghiệp nghề đúc tượng của ông Bảy Chánh kể lại, chính ông và ba ông đã trực tiếp tham gia vào công đoạn ráp đầu tượng Phật vào chân trụ. Đây là một công việc vô cùng khó khăn, phải có sự tính toán chặt chẽ vì đầu Phật được chế tác khá nặng. Để đưa đầu Phật vào vị trí chính xác trên thân trụ cao gần 4m phải sử dụng cây cần cẩu lớn, từng thao tác của nhân viên phải phối hợp nhịp nhàng ăn ý.
Theo bản vẽ thiết kế của ông Sính, ngoài bức tượng Phật, xung quanh còn xây dựng thêm nhiều hạng mục như bồn hoa, nhà mát cho khách hành hương có chỗ nghỉ chân, con đường trải nhựa cho xe chạy từ chân dốc chạy thẳng lên chân tượng Phật.
Tuy nhiên, giai đoạn từ sau những năm 1970, cuộc chiến tranh trở nên khốc liệt và dữ dội nên ý định xây dựng các hạng mục trên phải tạm hoãn và ngưng hẳn cho đến ngày giải phóng miền Nam (sau năm 1975, người ta còn gọi tượng Phật dốc 47 có tên là “Tượng Phật cô đơn” vì nằm lặng lẽ xung quanh không có một ngôi chùa nào).
Theo năm tháng, đầu Phật vẫn giữ được nước men trắng bóng như không hề có dấu vết thời gian. Riêng phần đầu “quả bom” đã bong tróc khá nhiều để lộ nhiều chỗ hư hỏng.
Nguồn: http://baophapluat.vn
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chung quanh vấn đề vãng sanh
Nghiên cứu 20:00 21/11/2024Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Nghiên cứu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Nghiên cứu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Nghiên cứu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Xem thêm