Bí mật của các thiền sư Nhật Bản: Tự ướp xác chính họ
Nhiều năm về trước, giới khoa học hết sức kinh ngạc khi lần đầu tiên nhìn thấy xác ướp của các nhà sư Nhật Bản. Họ không hề giống chút nào với các xác ướp vua chúa được tìm thấy ở Ai Cập. Bí mật nằm ở đâu?
Các nhà tu hành ở Nhật tin rằng thân xác là sợi dây liên hệ của linh hồn với trần gian sau cái chết
Các dãy núi ở tỉnh Yamagata là địa danh vô cùng linh thiêng đối với các tin đồ Phật giáo Nhật Bản. Vùng đất này cư dân sống thưa thớt, giữa các khu rừng bát ngát thỉnh thoảng chỉ xuất hiện một ngôi chùa đơn độc. Các nhà tu hành đến Yamagata để tìm kiếm sự tĩnh lặng và khoảng không gian tách biệt với thế giới hiện đại ồn ào.
Nhưng vào năm 1960, mọi thứ có chút khuấy động khi một nhóm các nhà khoa học và sử gia xuất hiện tại đây với một lời thỉnh cầu: Nhìn tận mắt xác ướp của các thiền sư...
Bí mật của các nhà tu hành
Một năm trước đó, vài nhà nghiên cứu phát hiện ra 6 xác ướp hoàn hảo được cất giữ trong 5 ngôi chùa ở tỉnh Yamagata nhờ lần theo manh mối của người dân địa phương. Ngay sau đó, vài trường đại học của Nhật thành lập một nhóm chuyên gia hỗn hợp để nghiên cứu hiện tượng này.
Khác với xác ướp Ai Cập được thế giới biết đến rộng rãi, xác ướp của các thiền sư Nhật không quấn trong vải mà ăn mặc y như lúc họ qua đời, nước da khô, sậm màu có thể nhìn thấy rõ trên gương mặt và bàn tay.
Xác ướp có một lịch sử lâu đời tại Nhật. Thực tế, 4 vị thủ lĩnh của gia tộc Fujiwara từng được ướp xác hồi thế kỷ 12 và còn được lưu giữ trong một ngôi đền vàng lộng lẫy ở miền đông bắc Nhật Bản.
Nhưng ướp xác là một kỹ thuật hết sức tinh vi và phức tạp, nhất là ở nơi có khí hậu ẩm như Nhật. Các nhà khoa học chưa hiểu rõ bản chất của quá trình này.
Thông thường, để ngăn vi khuẩn, côn trùng và nấm mốc phân hủy xác, các chuyên gia ướp xác bắt đầu bằng việc rút hết nội tạng khỏi thi thể, loại bỏ nguồn "thức ăn" chính của các vi sinh vật. Do đó giới khoa học giật mình khi phát hiện toàn bộ nội tạng của các nhà sư ở Yamagata đều còn nguyên vẹn.
Mô tả một cách chính xác thì chúng đã bắt đầu khô dần trước cái chết.
Đọc và tìm hiểu tàng thư còn lưu giữ trong các ngôi chùa, nhóm nghiên cứu nhận ra kỹ thuật "ướp xác sống" này không phải là một hình thức tra tấn hay giết người hiến tế, đúng hơn phải gọi là "tự sát nghi thức". Các nhà sư tự ướp xác chính họ.
Một ngôi chùa ở vùng núi Yamagata, nơi các vị sư từng thực hiện nghi thức tự ướp xác
Đức tin mạnh mẽ
Các vị sư để lại xác ướp ở Yamagata tu theo Phật giáo Shingon - một trường phái kết hợp giữa Phật giáo khổ hạnh và tín ngưỡng Shinto địa phương.
Các nhà sư Shingon tin rằng sự đày đọa thể chất sẽ giúp tinh thần nhìn xuyên qua ảo ảnh của thế giới hữu hình. Họ ngồi thiền dưới dòng thác lạnh giá hoặc bước đi trên than hồng để tập cách phớt lờ thân xác phàm tục.
Phật giáo Shingon tin tưởng sâu sắc vào đức hy sinh phục vụ chúng sanh, biểu hiện qua các hành động như lo cái ăn cho nghèo, chăm sóc người lớn tuổi, người bệnh... hoặc cao hơn nữa là thực hiện các nghi thức tâm linh quên mình.
Vào thế kỷ 18, một thiền sư Shingon tên là Tetsumonkai đi qua một vùng đất mà ngày nay là thành phố Tokyo trong thời gian xảy ra một trận dịch bệnh gây mù mắt. Khi các bài thuốc của ông tỏ ra không hiệu quả, Tetsumonkai tự móc con mắt trái của mình và ném xuống sông Sumida để cầu nguyện...
Các nhà sư Shingon, bao gồm Tetsumonkai, xem cái chết là hành động cứu rỗi. Họ tin sự thống khổ trước cái chết sẽ giúp linh hồn được lên sống trên Cõi Tusita, nắm trong tay quyền năng cứu rỗi chúng sinh trong 1,6 triệu năm trước khi quay lại vòng luân hồi.
Nhưng Phật giáo Shingon cũng tin rằng sức mạnh tâm linh chỉ tồn tại khi nào thân xác phàm tục của họ còn trên dương gian để giữ mối dây kết nối. Đây chính là lý do của nghi thức ướp xác. Phật giáo Shingon trân trọng đức hy sinh
Nghệ thuật "tự ướp xác"
Một nhà sư Shingon chọn thực hiện nghi thức tự ướp xác (sokushinbutsu) bắt đầu bằng cách ngừng ăn lúa gạo và ngũ cốc, chỉ ăn trái cây và hạt trong 1.000 ngày. Trong suốt thời gian gần 3 năm đó, ông dành thời gian thiền định và tiếp tục làm các công việc phục vụ nhà chùa và cộng đồng.
Trong 1.000 ngày tiếp theo, nhà sư chỉ ăn lá thông và vỏ cây. Kết thúc 2.000 ngày ăn kiêng, cơ thể ông đã hao mòn nhiều do đói và mất nước. Nó giúp thỏa mãn điều kiện "chịu khổ" và cũng đồng thời khởi động quá trình ướp xác bằng cách loại bỏ mỡ thừa và nước trong cơ thể, những thứ vốn thu hút vi khuẩn và côn trùng sau cái chết.
Một vài nhà sư còn uống trà làm từ vỏ của cây Sơn (tiếng Nhật: urushi) trong quá trình ăn kiêng. Đây là loài cây có nhựa thường được dùng để làm đồ sơn mài. Nhưng nhựa của nó chứa một loại hóa chất độc đến mức thậm chí bốc hơi cũng có thể gây ngứa ngáy, chất này lưu lại trong cơ thể kể cả sau cái chết.
Uống trà cây Sơn giúp đẩy nhanh cái chết của nhà sư và biến cơ thể ông trở thành môi trường "không thân thiện" với vi sinh vật.
Cuối cùng, nhà sư chui vào một lăng mộ nhỏ được xây dựng riêng cho mình và ngồi trong tư thế thiền. Các học trò của ông niêm phong lăng mộ lại, chỉ chừa một ống nhỏ để không khí lưu thông. Nhà sư trải qua những ngày cuối cùng ở trạng thái thiền định, thỉnh thoảng rung một cái chuông để báo cho các học trò ông còn sống.
Khi tiếng chuông ngưng hẳn, các nhà sư bên ngoài tháo ống dưỡng khí và niêm phong kín lăng mộ. Sau 1.000 ngày, họ mở nó ra và kiểm tra thi thể. Nếu không có dấu hiệu phân hủy, nhà sư đã đạt đến cảnh giới sokushinbutsu.
Các học trò sẽ đặt xác ướp ở nơi trang trọng nhất trong chùa và thờ như một vị Phật sống. Nếu không thành công, thân xác nhà sư sẽ được chôn với sự trọng vọng lớn nhất vì hành động quên thân.
Xác ướp của một nhà sư Nhật Bản
Kết thúc
Sử sách Nhật Bản ghi nhận nỗ lực sokushinbutsu đầu tiên được thực hiện năm 1081 bởi một nhà sư tên Shōjin, tuy nhiên ông không thành công và thi thể bị phân hủy.
Về sau, hơn 100 nhà sư đã cố gắng tự ướp xác nhưng chỉ hơn 20 người ở tỉnh Yamagata và các khu vực lân lận thành công. Kỹ thuật này tiến hóa sau nhiều thử nghiệm vài sai sót, thậm chí hậu nhân khi bắt chước người đi trước thành công cũng có thể thất bại không vì lý do nào rõ rệt.
Các nhà sư ở Yamagata có tỉ lệ thành công cao hơn các vùng khác, đặc biệt là những người uống nước từ dòng suối thiêng trên núi Yudono trong những năm trước cái chết.
Các nhà khoa học Nhật phân tích mẫu nước của con suối và phát hiện ra hàm lượng chất độc thạch tín ở mức gần gây tử vong. Ngoài việc gây ngộ độc, thạch tín còn lưu lại trong cơ thể sau khi chết, đóng vai trò tương tự như trà urushi trong việc bảo vệ thi thể trước côn trùng và vi sinh vật.
Năm 1877, Thiên hoàng Minh trị ban hành luật cấm nghi thức tự ướp xác ở Nhật. Luật cấm tất cả mọi người mở cửa lăng mộ các vị sư thực hiện sokushinbutsu, trừ khi ông đã ở trong đó trước khi luật có hiệu lực.
Do có nhiều nhà sư cố gắng đạt cảnh giới sokushinbutsu trong lịch sử Nhật Bản và bản chất kín đáo của quá trình này, có khả năng còn nhiều nhà sư tự ướp xác thành công nhưng vẫn ngồi trong các lăng mộ bị người đời quên lãng thuộc vùng núi Yamagata.
Ngày nay, khách thập phương có thể nhìn thấy 16 xác ướp của các vị sư trong các ngôi đền khác nhau tại Nhật.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Phật giáo thường thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Ngồi thiền có bị vong nhập?
Phật giáo thường thức 17:45 02/11/2024Tôi có tham gia một khóa thiền 10 ngày. Trong thời gian ngồi thiền, có lúc tôi cảm thấy hơi thở của mình trở nên nặng nhọc, khó thở. Có lúc tôi thấy cơ thể mình có hiện tượng lắc lư nhẹ theo hướng ngả về trước hoặc sau. Xin hỏi, các hiện tượng đó xảy ra trong lúc ngồi thiền có bình thường không?
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Phật giáo thường thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Phật giáo thường thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Xem thêm