Bị tam tai niệm danh hiệu Phật có giải được nạn không?
Phật tử đã Quy Tam bảo rồi mà còn nghĩ đến việc cúng kiếng cầu khẩn van xin giải hạn như thế thì quả thật đã trái với lời Phật dạy. Tốt nhất là Phật tử nên hằng quán chiếu lại tự tâm mình để lo tự giải trừ những thứ phiền não ở nơi tâm mình.
> Những kiến thức Phật học thú vị tại đây
Hỏi: Kính thưa thầy, con năm nay 39 tuổi, người ta nói là con bị tam tai, nghe thế, trong lòng con luôn bất an, con thường niệm danh hiệu Phật A Di Đà, không biết con có được giải nạn không? Con đã quy y Tam bảo rồi, con có được cúng giải hạn tam tai không? Kính xin thầy giải đáp cho con rõ.
Đáp: Trong câu hỏi của Phật tử chúng tôi thấy có ba vấn đề hệ trọng liên quan đến niềm tin mà Phật tử thắc mắc nghi ngờ. Thứ nhất, Phật tử nghe người ta nói tuổi của Phật tử năm nay 39 là cái tuổi bị nạn tam tai, nghe vậy Phật tử đâm ra hoang mang lo sợ bất an.
Qua điều thắc mắc nghi ngờ này, chứng tỏ Phật tử chưa có đủ niềm tin về lý nhân quả. Bởi chưa hiểu rõ về nhân quả nên Phật tử mới đâm ra hoang mang lo sợ bất an như thế. Mặc dù Phật tử đã tu theo Phật, nhưng Phật tử không tin lời Phật dạy mà lại tin vào người khác nói. Thử hỏi người nói đó có hơn Phật, Bồ tát hay các bậc Tổ sư không? Đã không hơn thì tại sao Phật tử lại tin vào lời nói vô căn cứ của họ? Tam tai là gì? Phật tử có hiểu tam tai chưa? Người nói đó họ dựa vào đâu mà dám nói cái tuổi 39 là bị tam tai? Như vậy hễ ai đến tuổi 39 là đều bị tam tai hết sao? Mà đã bị tam tai thì đâu có ai vượt qua khỏi cái tuổi ba mươi chín. Thế là cả nhơn loại tới tuổi đó đều phải bị tam tai chết hết. Nhưng thực tế hiện nay người ta đang lo sợ về tình trạng nhân mãn. Vì nhơn loại đông quá thì làm sao trái đất có thể dung chứa hết và tất nhiên là sẽ không thể cung cấp đầy đủ thực phẩm cho chúng ta dùng? Do đó, nên người ta phải hạn chế bớt việc sanh sản để tránh tình trạng nhân mãn.
Người Phật tử vì thiếu học hỏi về Phật pháp, nhất là về lý nhân quả, nên dễ bị người ta gạt gẫm hù dọa. Tam tai nói đủ là Tam tai kiếp. Trong Kinh có nêu ra hai loại Tam tai: Tiểu tam tai và Đại tam tai. Tiểu tam tai gồm có ba tai ách: 1. Đao binh tai (dùng hung khí sát hại lẫn nhau). 2. Tật dịch tai (bệnh truyền nhiễm lây lan). 3. Cơ cẩn tai (do hạn hán sinh ra đói kém). Ba tai nạn nầy nếu có xảy ra thì đâu phải chỉ có một mình Phật tử gánh chịu, mà tất cả nhơn loại đều phải chịu chung số phận, bởi đó là cọng nghiệp không ai tránh khỏi. Trong quyển Từ Điển Phật Học Huệ Quang, Tập 5, trang 4165 có nêu ra Tiểu tam tai và Đại tam tai như sau: Về Tiểu tam tai thì gồm có:
a. Cơ cẩn tai: Tuổi thọ con người từ 84000 tuổi cứ một 100 năm giảm một tuổi, giảm đến khi 30 tuổi thì trời hạn hán không mưa, cây cỏ không mọc, vô lượng nhân dân ở thế gian bị đói kém mà chết.
b. Tật dịch tai: Khi tuổi thọ con người giảm xuống còn 20 tuổi thì các thứ bệnh xuất hiện, vô lượng nhân dân ở thế gian bị mắc bệnh mà chết.
c. Đao binh tai: Khi tuổi thọ con người giảm xuống còn 10 tuổi thì mọi người sinh ra sự tranh đấu, tay cầm cỏ cây cũng biến thành dao gậy, tàn hại lẫn nhau, vô lượng nhân dân ở thế gian bị chết bởi đao binh.
Còn Đại tam tai gồm có ba tai ách lớn: Hỏa tai, thủy tai, phong tai.
a. Hỏa tai: vào kiếp Hoại thì có 7 mặt trời xuất hiện, mặt đất và núi Tu di dần dần bị sụp đổ, nước trong 4 biển lớn lần lượt cạn hết, cõi Dục và các tầng trời Sơ thiền đều bị thiêu hủy, không còn sót lại gì.
b. Thủy tai: Từ cõi Sơ thiền trở xuống trải qua 7 lần hỏa tai thì thế giới lại thành. Vào thời Hoại kiếp dần dần có mưa lớn, hạt nước lớn như bánh xe, lại có thủy luân dưới đất bắn vọt lên, từ cõi Dục đến tầng trời Nhị thiền đều bị ngập lụt, tất cả đều hoại diệt, như hạt muối bị tan trong biển nước.
c. Phong tai: Từ cõi Nhị thiền trở xuống trải qua 7 lần thủy tai, lại trải qua 7 lần hỏa tai phá hoại cõi thế gian, đến khi thế giới hình thành trở lại, rồi đến kiếp Hoại, từ lớp phong luân phía dưới có gió mạnh nổi lên, cộng với sức nghiệp của chúng sinh đã hết cho nên nơi nào cũng nổi gió, từ cõi Dục cho đến các tầng trời Tam thiền thảy đều bị gió đánh bạt, sạch hết không còn gì.
Đó là Tam tai mà chúng tôi lược dẫn trong Kinh điển đã nói, để cho Phật tử thấy rằng, khi mà Tiểu Tam tai và Đại tam tai xuất hiện, không phải chỉ có ở thế gian này thôi mà cả đến các tầng trời cũng đều bị hủy diệt. Như thế thì đâu phải chỉ có một mình Phật tử ở cái tuổi 39 mới bị tam tai như thế. Thế thì, Phật tử cứ yên tâm đừng lo sợ về vấn đề tam tai này nữa.
Thứ hai, Phật tử nghi ngờ rằng, hiện Phật tử thường niệm danh hiệu Phật A Di Đà, không biết Phật tử có giải hạn được không? Xin thưa ngay là chẳng những Phật tử được giải nạn mà còn tiêu trừ vô lượng tội chướng nữa. Tuy nhiên, với điều kiện là Phật tử phải hết sức chí thành tha thiết niệm hồng danh sáu chữ Di Đà, và phải tịnh niệm nối luôn không xen hở gián đoạn, thì nạn chướng nào cũng đều tiêu tan hết. Bởi danh hiệu Phật A Di Đà có vô lượng công đức bất khả tư nghì. Phật tử chuyên tâm trì niệm không luận thời gian và nơi chốn lúc nào Phật tử cũng hằng nhớ đến Phật. Được thế, thì đâu còn gì phải lo sợ nạn chướng, vì hiện tiền Phật tử đã được an định và sau khi mạng chung Phật tử sẽ được Đức Phật A Di Đà và các hàng Thánh chúng tiếp dẫn Phật tử vãng sanh về cõi Cực lạc. Một khi đã được vãng sanh về Cực lạc rồi, thì đâu còn nạn chướng gì nữa mà Phật tử phải lo giải nạn? Phật tử nên nhớ pháp môn niệm Phật không ngoài ba chữ: "Tín, Nguyện, Hạnh". Nói gọn là Phật tử phải "Tin sâu, Nguyện thiết và Hành chuyên". Vì phạm vi trả lời câu hỏi có giới hạn, nên chúng tôi không thể giải thích rộng rãi được. Tôi khuyên Phật tử nên tìm đọc thêm những Kinh sách nói về pháp môn Tịnh độ để Phật tử có thể tìm hiểu cặn kẽ hơn và có đủ tín tâm niệm Phật cầu vãng sanh.
Thứ ba, Phật tử hỏi là Phật tử đã Quy y Tam bảo rồi, Phật tử có được cúng giải hạn Tam tai không? Điều này, như trên đã nói, Tam tai đâu phải chỉ riêng có mình Phật tử nhận lãnh, mà cả thiên hạ đều phải chịu chung kia mà. Thay vì cúng giải hạn, thì tại sao Phật tử không chịu lo tu hành làm lành lánh dữ? Nếu tất cả thiên hạ ai cũng đều lo làm lành lánh dữ, trì trai giữ giới, niệm Phật tu hành chơn chánh, thì lo gì thiên hạ chẳng được an ổn thái bình và cũng đâu có tai nạn gì nữa để mà cúng bái giải trừ. Thử hỏi ai gây ra tai nạn cho mình? Và ai có quyền giải nạn cho mình? Tai nạn có ra cũng chính do mình gây ra thì tại sao mình không lo tự cởi trói giải nạn cho mình? Chư Phật, Bồ tát hay các vị thần linh không một ai có quyền giáng họa hay ban phước cho mình cả. Phật tử nên biết, họa hay phước đều do mình tạo ra, không ai tạo ra cho mình. Cũng như mình tạo tội gian ác cướp của giết người bị nhà cầm quyền bắt tống giam vào trong lao ngục, thử hỏi mình có đổ thừa cho người khác được không? Trên đời nầy ai ăn nấy no, ai học nấy biết chữ, không ai ăn thế hay học thế cho ai được cả. Tội lỗi ai gây ra thì kẻ đó phải chịu nhận lấy. Đó là luật nhân quả rất công bằng.
Phật tử đã Quy Tam bảo rồi mà còn nghĩ đến việc cúng kiếng cầu khẩn van xin giải hạn như thế thì quả thật đã trái với lời Phật dạy. Tốt nhất là Phật tử nên hằng quán chiếu lại tự tâm mình để lo tự giải trừ những thứ phiền não ở nơi tâm mình. Đó mới thực sự là người Phật tử chân chánh tu học đúng theo lời Phật Tổ chỉ dạy vậy.
Kính chúc Phật tử luôn sáng suốt và có đủ nghị lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Từ trong nội tâm phát nguyện làm một người tốt mới là chân sám hối
Hỏi - Đáp 15:05 14/11/2024Cách sám hối như thế nào vậy? Trước đây, đối với vấn đề này tôi đã từng thỉnh giáo qua với đại sư Chương Gia là phải lạy mấy bộ kinh sám hối phải không? Hay cầu xin Phật Bồ-tát tha thứ? Đại sư Chương Gia lắc đầu, nói: “Không phải như vậy!”.
Vì sao khi phá thai, trách nhiệm nhân quả của người mẹ nặng hơn?
Hỏi - Đáp 09:00 13/11/2024Hỏi: Xin hỏi về tội phá thai, vì sao tất cả tội lỗi đều đổ lên thân của người mẹ? Lẽ nào người làm cha không chịu chút nhân quả nào?
Người trẻ phải sống bằng trí tuệ trong tình yêu và hôn nhân
Hỏi - Đáp 14:50 12/11/2024Hỏi: Con và chồng con kết hôn với nhau, cuộc sống lúc đầu rất hạnh phúc. Nhưng sau anh ấy lại ăn chơi sa đọa, đi bồ bịch ở bên ngoài. Làm sao con có thể đối diện với con người bạc tình bạc nghĩa như vậy?
Thay đổi tượng thờ có phạm tội bất kính?
Hỏi - Đáp 16:30 11/11/2024Hỏi: Nhà tôi lâu nay thờ tôn tượng Bồ-tát Quan Thế Âm, nhưng nay tôi muốn chuyển sang thờ tôn tượng Đức Phật Thích Ca, chẳng biết có được phép không? Có gì bất kính không? Và nếu thay được thì cách thức thế nào? Sau đó tôn tượng Bồ-tát Quan Thế Âm phải làm sao?
Xem thêm