Bồ Tát là gì?
Trong cuộc sống thường ngày khi chúng ta thường nói những người có tấm lòng từ bi, sẵn sàng hy sinh, giúp đỡ người hoạn nạn, khó khăn...chúng ta thường gọi họ là người có tấm lòng Bồ Tát. Vậy thì Bồ Tát là ai, là người như thế nào mà chúng ta hay nhắc tới mỗi khi nói về lòng từ bi...
>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc
Như chúng ta đã biết, Bồ Tát là những nhân vật khá phổ biến trong văn học và nghệ thuật Phật giáo. Trong nhiều câu chuyện, các cá nhân bình thường hoặc thậm chí là động vật được tiết lộ là những vị Bồ tát vĩ đại, đã hóa thân thành nhiều hình thức khác nhau để cứu giúp những người gặp hoạn nạn, khó khăn. Bồ Tát xuất hiện phổ biến trong văn hoá dân gian như một vị thần cứu rỗi, họ đảm nhận một vai trò thật sự thông qua sự tiến hoá của những ý tưởng trước đây, và thông qua sự hợp nhất với các vị thần trong tín ngưỡng dân gian địa phương. Vậy theo quan điểm của Phật giáo Bồ Tát là ai?
Bồ Tát là ai?
Bồ Tát là một thuật ngữ được phiên âm từ tiếng Phạn Bodhisattva hay Bồ đề tát đỏa trong Hán-Việt. Theo danh từ Nam Phạn (Pali), Bodhisatta gồm có hai phần: “Bodhi” là trí tuệ hay giác tuệ; “Sattva” là chuyên chú, (hay) gia tăng thêm nhiều công năng để phụng sự cho một lý tưởng nào đó. bên cạnh đó Bồ-đề nghĩa là giác, Tát-đỏa là hữu tình. Bồ Tát nghĩa là giác hữu tình. Bồ Tát là hữu tình có giác ngộ. Giác ngộ về nỗi khổ của tất cả chúng sinh, đồng tình và thông cảm với nỗi khổ đó, và phát nguyện cứu thoát chúng sinh ra khỏi những nỗi khổ đó. Vì vậy mà ở đời, hễ thấy ai hay thương người, hay bố thí, và cứu giúp người trong cơn khổ nạn, thì nói người ấy có tâm Bồ tát.
Bồ Tát không phải là thần Thổ Địa, cũng không phải là thần Thành Hoàng mà tượng bằng gỗ, tượng bằng đất được thờ phục ở khắp đền miếu. Chúng sinh trước khi thành Phật tất yếu phải trải qua một quá trình làm Bồ Tát. Muốn làm Bồ Tát trước hết phải có tâm nguyện lớn, chủ yếu là bốn lời nguyện: "Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyệnthành". Nghĩa là: "Phát lời nguyện độ thoát cho vô số lượng chúng sinh; Phát lời nguyện đoạn trừ vô số lượng phiền não; Phát lời nguyện học tập vô số lượng pháp môn; Phát lời nguyện thành tựu Phật đạo vô thượng".
Trong Quốc Phật Học Ðại Từ Ðiển (Bắc Kinh – 2002) đã định nghĩa về Bồ Tát như sau: “Bồ Tát là khái niệm tổng thể và giàu ý nghĩa để chỉ những vị chứng quả diệu thâm trong Phật Giáo, nhưng còn theo đuổi tâm nguyện độ thóat chúng sanh, nên còn lưu lại trong tam giới để hành trì đại nguyện nầy. Tư tưởng chính của Ðại Thừa PG”.
Bồ Tát là danh hiệu dành cho những vị tu hành đạo Phật đã chứng quả. Tuy vậy, theo đẳng thứ, thì Bồ Tát vẫn còn dưới chư Phật một cấp bậc, cho nên phải tu thêm một kiếp nữa mới thành Phật.
Vì còn muốn giác ngộ cho chúng sanh, cho nên chư Bồ Tát vẫn còn giữ chức năng cứu độ mọi loài trong ba cõi, theo ý nghĩa căn bản trong giáo lý của Ðại Thừa Phật Giáo.
Theo Giáo lý Ðại Thừa Phật Giáo, vị Bồ Tát là hành giả sau khi hành trì Ba la mật đa (Paramità = lục độ) đã chứng Phật quả, những do hạnh nguyện không nhập Niết Bàn (nirvana), khi tất cả chúng sanh vẫn chưa giác ngộ.
Khái niệm Bồ Tát dùng để chỉ cho bất cứ chúng sanh nào, dốc chí tu hành để đạt thành “Tuệ Giác”; ngoài ra còn lập lời “Chú nguyện” đi theo con đường Chính đẳng, Chính giác.
Qua khái niệm Bồ Tát, hiểu theo một phạm trù khác, tất cả chúng sanh đều có khả năng đắc quà thành Phật, vì đạo lý của đức Phật đã không là đặc ân cho một hạng người riêng biệt nào cả.
Tinh thần Bồ Tát đạo theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa
Bồ Tát theo Đại thừa, là những vị mang hạnh nguyện cao cả, tình nguyện dấn thân vào hồng trần để cứu độ chúng sanh, để bổ túc cho pháp tu và công hạnh của mình. Lấy chúng sanh hữu tình làm bạn lữ, trợ duyên cho Bồ Tát hoàn thành Phật quả. Bởi vậy, trong Pháp Bảo Đàn Kinh có câu: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Nghĩa là: “Phật pháp tại thế gian, không lìa thế gian mà tìm giác ngộ”. Vì “lìa thế gian mà tìm giác ngộ cũng như tìm lông rùa sừng thỏ”, không thể nào có được.
Trước tiên, Bồ Tát phải có đại nguyện và đại hạnh.
Chúng sanh thì vô lượng vô biên không thể kể xiết, Bồ Tát thệ nguyện độ hết không bỏ sót một ai. Vừa độ hữu tình chúng sanh bên ngoài, vừa độ chúng sanh bên trong (tham, sân, si...), làm cho tất cả đều vào cảnh Niết-bàn tịch tịnh. Nếu chưa được như vậy, Bồ Tát vẫn còn mãi độ sanh chưa thể dừng nghỉ. Và phiền não chúng sanh cũng vô tận, thế nên Bồ Tát nguyện đoạn diệt hết phiền não trong tâm chúng sanh và loại bỏ phiền não của chính mình, để tiến gần với Phật quả và xa rời phàm phu nghiệp chướng. Vì chúng sanh vô biên, còn phiền não vô tận nên Bồ Tát phải học vô lượng pháp môn cho phù hợp với căn cơ chúng sanh, để dễ dàng hóa độ họ.
Cuối cùng, để đạt đến cứu cánh viên mãn là Phật quả, Bồ Tát phải phát nguyện “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Trong quá trình tu tập và nhập thế độ sanh, Bồ Tát thường thực hành nhiều đại hạnh. Trước tiên là Lục độ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Tất cả những thứ ấy nhằm bổ túc Ba-la-mật cho mình, vừa để độ sanh; vừa hoàn thiện sự tu tập và vừa giúp chúng sanh ra ngoài vòng đau khổ, lên bỉ ngạn an vui. Với lòng từ rộng lớn, không nỡ để chúng sanh chìm đắm trong biển sanh tử, nên Bồ Tát đi vào cuộc đời để hóa độ và tu hành.
Ngoài ra, Bồ Tát cần có Tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự), làm lợi ích cho chúng sanh và giáo hóa họ. Dùng tài vật, lời nói, việc làm để cảm hóa họ và đưa họ về chánh đạo, hoặc cùng làm việc với họ và hóa độ họ. Vì công việc độ sanh mà Bồ Tát không từ lao nhọc. Và chúng sanh căn cơ khác nhau nên Bồ Tát cần biết thêm Ngũ minh để hoàn thiện việc độ sanh (nội minh, nhân minh, thanh minh, y phương minh, công xảo minh). Ngoài việc nắm vững giáo lý Phật pháp, Bồ Tát còn biết nhiều thứ khác để giúp cho việc độ sanh được dễ dàng.
“Là Phật tử quyết đi bỉ ngạn
Vai ném xong gánh nặng hồng trần
Dù cho vạn khổ thiên tân
Bước chân hành giả không ngừng lại đâu”.
Bồ Tát với tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), phát nguyện đi vào cuộc đời để độ chúng sanh, dù gian lao khổ nhọc chẳng quản, miễn sao độ được người. Điều này, mỗi hành giả tu Phật đều làm được. Tất cả chúng ta đều có thể trở thành Bồ Tát vào đời độ sanh. Theo đó, ta có thể dùng nhiều phương tiện đi vào cuộc sống, vừa tu tập và giúp bao chúng hữu tình quay về bờ giác. Vì chúng sanh khổ nên Bồ Tát tình nguyện dấn thân hóa độ, tận tụy, hy sinh lợi ích cá nhân để đem lại lợi ích tha nhân.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?
Kiến thức 09:15 04/12/2024Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.
Xem thêm