Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 10/03/2023, 10:00 AM

Bồ-tát Quan Âm: Vị Bồ-tát cho chúng sinh sự không sợ hãi

Bồ-tát Quán Thế Âm đã vận dụng năng lực tam-muội Kim cương vô tác và lòng từ bi rộng lớn để hóa độ, cứu giúp chúng sinh, ban cho chúng sinh pháp môn phương tiện quán và niệm danh hiệu Ngài, hay quán và nghe âm thanh, thực hành hạnh lắng nghe để thoát khỏi sự sợ hãi.

Mẹ hiền Quán Thế Âm là vị Bồ-tát có hạnh nguyện đại từ, đại bi, thương yêu tất cả chúng sinh muôn loài như người mẹ thương yêu đứa con duy nhất của mình. Ngài luôn quán sát, lắng nghe âm thanh kêu cứu, cầu nguyện của chúng sinh từ những nơi đau khổ để kịp thời ứng hiện cứu giúp.

Theo kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ môn, Bồ-tát Quán Thế Âm có 33 ứng hóa thân, từ thân Phật, Độc giác, Bồ-tát… đến thân đồng nam, đồng nữ; ứng hiện bất cứ thân hình, thân phận nào mà cứu độ được chúng sinh, khai mở được con mắt pháp cho chúng sinh, phát khởi tâm Bồ-đề cho chúng sinh, hay đơn giản là làm cho chúng sinh bớt lo, bớt khổ, bớt buồn… là Ngài đều ứng hiện thân ấy. Ngài thường vận dụng 14 năng lực vô úy để cứu vớt chúng sinh thoát khỏi khổ đau, ách nạn, hoặc đáp ứng những yêu cầu chính đáng khi chúng sinh tha thiết hành trì tu tập theo pháp môn trì niệm danh hiệu Ngài, cho nên Bồ-tát Quán Thế Âm còn được biết đến với danh hiệu Thí Vô Úy: Vị Bồ-tát cho chúng sinh sự không sợ hãi!

Hạnh nguyện Đại bi của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm

22

Thí vô úy, cho sự không sợ hãi, cho cái không sợ hãi, nghĩa là ai gần gũi, ai tiếp xúc, ai nghe đến tên của Bồ-tát đều cảm thấy bình an, an ổn, không còn lo sợ gì nữa. Nói cách khác, Bồ-tát bằng mọi phương tiện, pháp môn tu tập để lấy đi sợ hãi trong tâm của của chúng sinh. Để thực hành hạnh nguyện đó, Bồ-tát Quán Thế Âm thường sử dụng sức mạnh vi diệu của Kim cang tam-muội vô tác, tức là vận dụng sức mạnh tự nhiên, không cần tác ý (bất tác ý chi lực dụng), cùng với một thứ tình yêu duy nhất đối với hết thảy chúng sinh trong mười phương, ba đời, sáu nẻo… khiến cho hết thảy chúng sinh đều thành tựu, đạt được 14 công đức vô úy. Mười bốn đức vô úy này, Tam tạng pháp số giải thích như sau:

1. Thực tập theo hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm, biết lắng tai nghe là để dừng lại, không chạy theo thanh trần, không rong ruổi tìm kiếm hạnh phúc hư ảo bên ngoài, không để cho cái thấy biết của mình bị cảnh vật, thanh âm tác động, để phản quan tự kỷ, quay lại soi xét tự tính của mình. Không thấy nghe bên ngoài thì không vọng tưởng; quay lại soi xét tự tính thì mọi thứ sẽ trở nên chân thực, vắng lặng, mọi khổ não sẽ không trở lại. Cho nên, nếu chúng sinh đang bị khổ đau mà thực lòng thực tập theo phương pháp quán chiếu này thì chắc chắn sẽ được giải thoát. Đây là vô úy thứ nhất, “quán kỳ âm thanh, tức đắc giải thoát”.

2. Cái biết là từ nơi tâm; cái thấy là từ nơi mắt. Tri kiến hay thấy biết của chúng sinh thường sai lầm, vì thường thấy biết bằng bản ngã, suy luận theo tập khí, mà thực tướng của các pháp là vô ngã. Cho nên Bồ-tát Quán Thế Âm tìm đủ phương tiện xoay chuyển cái thấy biết của chúng sinh luôn hướng về chân không. Chân không là vô ngã. Đã vô ngã rồi thì có vào lửa lớn cũng không bị cháy được. Lửa đó chính là ngọn lửa tri kiến sai lầm, lửa dục vọng, lửa tham muốn. Đây là vô úy thứ hai, không còn lo sợ ngọn lửa tham dục đốt cháy, “thiết nhập đại hỏa, hỏa bất năng thiêu”.

3. Tai luôn thích nghe những lời mật đường, dua nịnh, bởi vì thế mà biết bao chúng sinh bị cuốn trôi vào dòng sông sinh tử vô tận chỉ bởi ‘ưa nghe’ lời ngon ngọt. Bồ-tát Quán Thế Âm bằng mọi phương tiện giúp chúng sinh xoay chuyển cái tính ‘ưa nghe’ lời nói bên ngoài, ưa nắm bắt âm thanh bên ngoài, trở lại quán chiếu bên trong, trở về với chân không vô ngã để không bị cuốn trôi hay nhấn chìm trong bể ái. Đây là vô úy thứ ba, “thủy bất năng phiêu”.

4. Do điên đảo vọng tưởng mà khởi tâm sát hại chúng sinh. Do đó, đoạn diệt vọng tưởng thì tâm sát hại không còn. Bồ-tát Quán Thế Âm đã chứng ngộ thật tính, đoạn diệt hết vọng tưởng, phát khởi tâm từ bi rộng lớn, tuyệt đối không còn ý niệm sát hại. Chúng sinh tu tập theo hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm cũng thế, nếu ý niệm sát hại không còn thì giả sử có vào cõi nước của quỷ dữ La-sát, quỷ không hại được. Đây là vô úy thứ tư, “nhập chư quỷ quốc, quỷ bất năng hại”.

5. Thực tập hạnh lắng nghe, lúc đầu chỉ dùng tai mà nghe âm thanh, nhưng sau đó cả sáu căn đều có thể lắng nghe được hết. Nghe rồi suy ngẫm sẽ thấy không gì có thể nắm bắt được, như âm thanh gió thổi chuông ngân làm sao nắm bắt, ấy gọi là thật sự lắng nghe. Khi chúng sinh mê muội thì sáu căn đều có thể hại người, không khác gì binh đao. Người đời chẳng đã nói ‘miệng lưỡi như gươm dao’ đó sao! Bồ-tát tu tập, sáu căn đã diệt, đã trở thành chân không, hết thảy mọi thứ trần cảnh đều giống nghe các thứ âm thanh, không thể nắm bắt, nên có thể cứu giúp chúng sinh thoát khỏi nạn bị gươm đao gia hại. Đó là đức vô úy thứ năm, “lâm đương bị hại, đao đoạn đoạn hoại”.

 6. Lắng nghe lâu ngày, cũng giống như theo dõi hơi thở hay niệm Phật lâu ngày, ắt sẽ có định. Có định thì tuệ sẽ phát sinh. Một khi tuệ giác đã phát sinh, chiếu sáng mười phương, soi khắp pháp giới, tối tăm u ám tất tự tiêu diệt. Chúng sinh sở dĩ bị ma quỷ, Dạ-xoa bức hại do bởi vô minh, mê tín; nay tu tập phát tuệ, cho dù quỷ Dạ-xoa có tới gần chúng cũng không dám nhìn, nói chi đến gia hại. Đây là đức vô úy thứ sáu, “chư ác quỷ, thượng bất năng dĩ ác nhãn thị chi, huống phục gia hại”.

7. Chúng sinh bị thanh sắc hư vọng trói buộc còn bền chặt hơn xiềng xích, gông cùm. Bồ-tát tu tập đã diệt hết cả hai tính động và tĩnh, cho nên có thể quán chiếu và chuyển hóa những âm thanh hư vọng đưa về chánh chân, nhờ vậy thoát khỏi mọi trói buộc của thanh sắc giả dối. Chúng sinh nhờ thực tập theo phương pháp này mà không bị thanh sắc trói buộc thân tâm, đây là đức vô úy thứ bảy, “cấm hệ già tỏa, sở bất năng trước”.

8. Thực tập hạnh lắng nghe không những thoát được sự trói buộc của thanh sắc hư vọng mà còn làm cho lòng từ bi ngày lớn mạnh. Lòng từ ban rải rộng khắp khiến cho ai nấy gặp được đều vui, thấy được đều mừng, cho nên dù có đi qua đường hiểm, gặp quân giặc cướp cũng không có gì lo sợ. Đây là đức vô úy thứ tám, “kinh quá hiểm lộ, tặc bất năng kiếp”.

9. Huân tập hạnh lắng nghe lâu ngày thành tánh, tức là từ văn tuệ thành tư tuệ, sẽ lìa xa mọi vọng tưởng dục trần, khiến cho sắc trần không lay động. Pháp môn này có thể giúp cho người có nhiều tâm tham đắm nhục dục không còn tham dục. Đó là đức vô úy thứ chín, “đa ư dâm dục, tiện đắc ly dục”.

10. Tánh nghe một khi đã thuần tịnh, xa lìa mọi vọng trần thì căn cảnh tương nhập, viên dung vô ngại, đó là lúc tâm sân hận bị tiêu diệt. Đây là đức vô úy thứ mười, “nhược đa sân nhuế, tiện đắc ly sân”.

11. Thực hành hạnh lắng nghe có thể diệt trừ mọi si ám, đưa tâm trở lại tánh minh, nên có thể khiến cho người tâm trí ám độn, bất thiện trở nên thông minh sáng suốt. Đó là sự không sợ hãi thứ mười một, “nhược đa ngu si, tiện đắc ly si”.

12. Dung hình phục văn. Dung hình tức là đã diệt trừ hết sự chướng ngại của hình tướng. Phục văn là trở lại tánh chơn. Từ đó, người tu đi vào cuộc đời mà không làm hỏng pháp thế gian, có thể đi khắp mười phương, cúng dường vô số chư Phật nhiều như cát bụi, thừa tự gia tài pháp bảo, khiến cho chúng sinh đều thành pháp tử. Đã là pháp tử, tức là đứa con chân thật của Như Lai thì còn gì sợ hãi? Lấy sự không sợ hãi này mà bố thí cho hết thảy chúng sinh không có con trai, thì chúng sinh cầu con trai được con trai vậy!

13. Lục căn viên thông, minh chiếu vô nhị. Lục căn của Bồ-tát đã viên dung, thông đạt vô ngại, bao trùm pháp giới, giống như tấm gương lớn, phản chiếu và sáng soi cùng lúc, do đó mà có thể tùy thuận pháp môn, thọ lãnh không sót, nên không còn sợ hãi. Lấy sự không sợ hãi này mà bố thí cho chúng sinh không có con gái, thì chúng sinh cầu con gái được con gái vậy!

14. Hiệu Viên Thông. Danh hiệu của Bồ-tát Quán Âm cũng là danh hiệu của chư Bồ-tát trong mười phương, vì Ngài đã chứng đắc quả vị chân thật viên thông, cho nên có thể làm nơi nương tựa cho chúng sinh cầu phước. Chỉ cần niệm danh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm là niệm danh hiệu của hằng hà sa số chư Bồ-tát trong mười phương, có hằng hà sa số chư Bồ-tát cùng linh cảm, nên không còn gì sợ hãi.

Như vậy, Bồ-tát Quán Thế Âm đã vận dụng năng lực tam-muội Kim cương vô tác và lòng từ bi rộng lớn để hóa độ, cứu giúp chúng sinh, ban cho chúng sinh pháp môn phương tiện quán và niệm danh hiệu Ngài, hay quán và nghe âm thanh, thực hành hạnh lắng nghe để thoát khỏi sự sợ hãi. Rõ ràng, những ai đã từng trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, những ai dù chỉ một lần tập hạnh lắng nghe khi đối diện với khó khăn, khổ não, bức bách, dồn nén… sẽ cảm nhận rõ ràng nhất những đức tính vô uý vừa nêu trên. Thật đúng như lời nguyện của Bồ-tát Quán Âm khi xưa: “Nguyện khi con hành Bồ-tát đạo, nếu có chúng sinh nào bị các khổ não, sợ hãi… có nguy cơ thối thất Chánh pháp, đọa vào đường dữ, ưu sầu, một mình côi cút, không người cứu hộ, không áo, không nhà, bần cùng cơ cực… nếu chúng sinh ấy có thể nhớ nghĩ đến con, niệm danh hiệu của con, vì chúng sinh ấy biết thiên nhĩ của con có thể nghe thấy, thiên nhãn của con có thể nhìn thấy, thì nếu chúng sinh ấy không thoát khỏi những khổ đau, ách nạn, con thề trọn không thành tựu Phật quả” (kinh Bi hoa).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tam học giới định tuệ là cốt lõi của Phật giáo

Kiến thức 19:00 23/11/2024

Tam học, còn được gọi là Tam vô lậu học ý muốn nói ba môn học này rất cao thượng hoàn mỹ, trọn vẹn, không có khiếm khuyết, không có sơ hở giúp hành giả thành tựu các thánh quả giác ngộ không còn rơi rớt trong ba đường ác, trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi chịu khổ vô cùng.

Kinh Phật nói ân nặng cha mẹ khó báo đáp

Kiến thức 09:36 23/11/2024

Hiếu thuận không chỉ có một đời, duy chỉ có siêng năng thực hành bố thí giúp người, tu tạo nhiều công đức hồi hướng cho song thân, như thế cha mẹ mới hưởng được tư lương phước tuệ vĩnh hằng, như thế mới được xưng là đại hiếu của con cái!

Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý

Kiến thức 17:05 22/11/2024

Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.

Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?

Kiến thức 10:00 22/11/2024

Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?

Xem thêm