Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 13/09/2017, 12:15 PM

Bốn loại thức ăn của người tu

Trong kinh Tử Nhục Phật dùng hình ảnh hai vợ chồng kia ăn thịt con vì bất đắc dĩ. Hai vợ chồng này cùng đứa con trai duy nhất vì có việc cần nên phải đi qua sa mạc. Họ sắp xếp đem theo số lương thực để đủ dùng trong chuyến đi đó, nhưng không may cho họ, chưa ra khỏi sa mạc mà thức ăn, uống đem theo đã hết.

Hai vợ chồng mới ngồi lại bàn tính, nếu không có gì ăn thì cả ba người đành phải chịu chết trong sa mạc hoang dã này. Và không còn cách nào khác hơn, họ phải đành chấp nhận ăn thịt đứa con duy nhất cùng đi theo để sống và ra khỏi sa mạc. Nhưng họ vừa ăn thịt con, vừa khóc nức nở nghẹn ngào. Kể xong rồi, Phật mới hỏi các vị Tỳ kheo: Này các thầy, khi hai vợ chồng đó ăn thịt con họ có thấy thích thú hay là đau khổ?

Các thầy cùng nhau thưa: Dạ, kính bạch đức Thế Tôn làm sao mà thích thú được khi biết mình đang ăn thịt con. Phật dạy: Trong đời sống hằng ngày, chúng ta cần phải ăn uống để mà sống nhưng ta phải ăn uống như thế nào để không tạo ra sự khổ đau cho kẻ khác và của những loài sinh vật khác.

Loại thức ăn thứ nhất trong nhà Phật gọi là đoàn thực, tức là những thức ăn thực phẩm được đưa vào bằng đường miệng của chúng ta. Chúng ta phải biết những thức ăn và thức uống khi đưa vào cơ thể, có tính cách hiền lành và bổ dưỡng giúp cho ta khỏe mạnh. Ngược lại những thức ăn thức uống nào làm tổn giảm năng lực của ta và làm mất sự điều hòa trong cơ thể. Muốn vậy ta phải có học thức và hiểu biết chân chính, những gì cần ăn và không nên ăn ta phải biết làm chủ khẩu vị ăn uống của ta.

Trước khi ăn chúng ta nói: "tôi chỉ xin ăn những thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh", và trước khi mua, khi nấu, khi ăn tôi cố gắng chuyển hóa những tư tưởng thèm khát trong tôi.

Ta không làm ruộng nhưng vẫn có cơm ăn, ta không sản xuất nhưng vẫn có nước uống. Chính vì vậy khi ăn chén cơm, uống miếng nước ta biết sự khó nhọc của con người và bao loài vật khác phải hy sinh vì ta. Cho nên ta phải có ý thức khi ăn khi uống làm sao cho thân tâm an ổn, nhẹ nhàng.

Ăn không có chính niệm, ăn không có ý thức ta sẽ tạo ra nỗi khổ niềm đau cho muôn loài vật và tự ta làm khổ đau cho chính mình. Khi ta hút thuốc, khi ta uống rượu, ăn nhiều thịt động vật bằng cách chiên nướng xào, tức là ta đưa các thức béo vào, là ta đang hủy diệt buồng gan của ta, ta đang ăn trái tim của ta, và tự mình ăn thịt chính mình. Ðạo Phật Nam tông và Bắc tông đều tin rằng tất cả chúng sinh đều được thăng lên và lộn xuống đủ mọi hình dạng và lần lượt thay phiên làm cha làm mẹ của nhau. Vì vậy mỗi khi ăn thịt, chúng ta hãy ý thức rằng có thể ta đang ăn thịt cha mẹ hay con cái của ta trong nhiều đời. Do đó người phật tử chân chính phải tập ăn chay và tập không sát sinh hại vật là thể hiện lòng từ bi với muôn loài.

Hiện nay tại Việt Nam người tu theo hệ phái Bắc tông tức hệ phái phát triển đi theo tinh thần Bồ tát đạo, trên cầu thành Phật dưới cứu độ chúng sinh, người xuất gia tất cả đều ăn chay. Riêng người phật tử tại gia có người ăn chay trọn vẹn, có người ăn chay kỳ từ hai ngày cho đến mười ngày trong một tháng. Tinh thần Phật giáo Bắc tông vì tin sâu có luân hồi tái sinh vô số kiếp nên dứt khoát ăn chay, để tránh nghiệp cha mẹ con cái gia đình người thân ăn nuốt lẫn nhau theo chu kỳ tái sinh.


Nếu ta đang là cha, ta đang là mẹ thì khi lúc ta đang ăn tức là ta đang ăn thịt con của mình. Và nếu cha mẹ trong khi ăn uống mà tàn hại thân thể của chính mình thì chính cha mẹ đang giết chết dần mòn con của mình. Thành ra, ta phải ăn như thế nào để đừng tạo ra oán giận thù hằn, tạo ra những khổ đau cho các loài và đừng làm mình khổ đau, đó là ta ăn có ý thức.

Loại thức ăn thứ hai là xúc thực. Chúng ta có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Chúng tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Ta phải thấy rằng việc tiếp xúc đó có đem chất độc vào người hay không. Ví dụ như khi ta xem truyền hình, mắt ta tiếp xúc với hình sắc. Phải thực tập chính kiến xem chương trình truyền hình kia có đưa vào trong tâm ta những độc tố như sợ hãi, căm thù và bạo động hay không. Có những phim mang lại cho lòng ta sự hiểu biết, lòng từ bi, chí quyết tâm muốn giúp người, quyết tâm không làm những điều lầm lỗi. Ta biết ta có thể xem phim đó. Ấy là ta thực tập chính kiến. Người lớn cũng như trẻ em, trong khi xem phim, phải biết thực tập chính kiến. Phải biết rằng có những chương trình truyền hình chứa đựng rất nhiều độc tố như bạo động, căm thù và dục vọng. Ngay cả những phim quảng cáo cũng khơi động thèm khát, dục vọng hay sợ hãi của người ta. Khi xem một tờ báo không có chính niệm, chúng ta có thể tiếp nhận rất nhiều độc tố. Ðọc xong ta có thể mệt nhoài vì những điều ta đọc có thể khiến chúng ta chán nản, lo lắng và ghê sợ. Chính những câu chuyện hàng ngày cũng có thể mang nhiều độc tố. Ðó là xúc thực.

Chính kiến phát sinh ra chính niệm và chính niệm cũng làm phát sinh chính kiến. Tôi biết rằng nhìn, nghe và tiếp xúc với những gì thì thân tâm tôi sẽ khỏe khoắn, nhẹ nhàng và an lạc và tôi quyết định mỗi ngày tiếp xúc với những chất liệu đó. Còn những thứ làm tôi mệt, tôi buồn, tôi lo, tôi giận thì tôi sẽ tránh không tiếp xúc. Ðó là chính niệm về xúc thực, có được nhờ chính kiến về xúc thực. Bụt dạy rằng con người rất dễ bị thương tích, trên cơ thể cũng như trên tâm hồn. Bụt đã dùng hình ảnh một con bò bị lột da dẫn xuống sông. Dưới sông có hàng vạn loài sinh vật li ti bu lại hút máu và rỉa thịt con bò. Và khi ta đưa con bò tới đứng gần một bức tường hay một cây cổ thụ, cũng có những sinh vật li ti sống trên bức tường và trong cây cổ thụ bay ra, bám vào con bò để hút máu. Nếu chúng ta không giữ gìn thân và tâm bằng chính kiến và chính niệm thì các độc tố trong cuộc đời cũng bám lại và tàn phá thân tâm ta. Năm giới mà chúng ta tiếp nhận và hành trì là bộ da bao bọc thân thể và tâm hồn ra. Nếu không hành trì năm giới là chúng ta không thực tập chính kiến. Và trong mỗi chúng ta vốn đã có hạt giống của chính niệm. Thực tập chính niệm cũng như tạo ra những kháng thể để chống lại sự thâm nhập của các độc tố kia.

Loại thức ăn thứ ba là tư niệm thực. Ðó là những nỗi ước ao ta muốn thực hiện cho đời ta. Mong muốn làm giám đốc một hãng buôn lớn, hay mong muốn đậu bằng tiến sĩ, những mong muốn như thế thâm nhập vào người ta giống như một thức ăn. Mong muốn là một loại thực phẩm gọi là tư niệm thực. Ước muốn mạnh sẽ giúp ta năng lượng để thực hiện hoài bão. Nhưng có những loại tư niệm thực làm cho ta khổ đau suốt đời. Như danh, lợi, tài và sắc. Muốn được mạnh khỏe và tươi vui, muốn được giúp đỡ cho gia đình và xã hội, muốn bảo vệ thiên nhiên, tu tập để chuyển hóa, để thành một bậc giác ngộ độ thoát cho đời.vv... thì đó là loại tư niệm thực có thể đưa tới an lạc, hạnh phúc.

Về tư niệm thực, Bụt kể chuyện một người bị hai lực sĩ khiêng người kia ném xuống hầm lửa đang bốc cháy. Bụt nói rằng khi ta bị những tư niệm thực bất thiện chiếm cứ, bị danh, lợi, tài và sắc lôi cuốn thì cũng như ta bị những anh chàng lực sĩ kéo đi liệng xuống hầm lửa. Sau đó người tu học phải có chính kiến, phải nhận diện được tư niệm thực trong ta là loại nào.

Loại thức ăn thứ tư là thức thực. Chúng ta là sự biểu hiện của thức, gồm có y báo và chánh báo. Chánh báo là con người gồm năm uẩn của ta và y báo thuộc hoàn cảnh chung quanh ta. Vì hành động từ nhiều kiếp xưa nên bây giờ ta có chánh báo này, với y báo này. Chánh báo và y báo đều là sự biểu hiện của tâm thức. Khi làm công việc nhận thức, tâm cũng giống như cơ thể đón nhận các món ăn. Nếu trong quá khứ tâm thức ta đã tiếp nhận những thức ăn độc hại, thì nay tâm thức ta biểu hiện ra y báo và chánh báo không lành. Những gì ta thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc, suy tư, tưởng tượng,tất cả những thứ ấy đều như muôn sông chảy về biển tâm thức. Và những vô minh, hận thù và buồn khổ của ta đều trở về biển cả của tâm thức ta. Vì vậy ta phải biết mỗi ngày chúng ta nhận vào tâm thức của ta những món ăn nào. Chúng ta cho nó ăn từ, bi, hỷ, xả hay là chúng ta cho nó ăn trạo cử, hôn trầm, giãi đãi, phóng dật?

Về thức thực, Bụt đã dùng hình ảnh một người tử tù và ông vua. Buổi sáng vua ra lệnh lấy 300 lưởi dao cắm vào thân thể của một tử tội. Tới buổi chiều vua hỏi: " Người tù đó bây giờ sao?" - "Tâu bệ hạ, nó còn sống." - "Vậy thì đem hó ra, lấy 300 lưỡi dao đâm qua người nó một lần nữa." Và buổi tối, vua hỏi: " Kẻ đó bây giờ ra sao?" - " Còn sống." - " Hãy lấy 300 mũi dao đâm qua thân thể nó một lần nữa!" Bụt dùng ví dụ đó để nói chúng ta cũng đang hành hạ tâm thức của ta y như thế. Mỗi ngày chúng ta đâm 300 mũi dao của độc tố vào trong tâm thức ta. Những mũi dao của tham lam, giận dữ, ganh tỵ, hờn giận, thù oán, vô minh.

Một ngày nọ có chàng trai trẻ vừa buồn vừa khóc, tìm đến Ðức Phật để xin một lời chỉ dạy. Ðức Phật hỏi, "Này chàng trai trẻ có điều gì quá bức bách mà đã làm con khóc?"

"Thưa Ngài, cha con vừa mới chết chiều ngày hôm qua."

Cha con đã chết rồi, nếu có thương tiếc buồn khóc chẳng thể làm ông ấy sống lại được.

Vâng, kính thưa ngài, con rất hiểu điều đó, buồn khóc chẳng thể làm cho cha con sống trở lại được. Nhưng con đến đây cầu xin ngài một điều duy nhất, xin ngài hoan hỷ cầu nguyện cho cha con được sinh về thiên giới.

Dạ kính thưa ngài, con nghe nói ngài là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác, là đấng toàn năng, chắc chắn ngài có thể làm được điều ấy cho cha con.

Theo truyền thống từ ngàn xưa cho đến nay các vị Bà La Môn thường cúng tế, các vị ấy phát giấy xá tội, đã cử hành những nghi thức cúng lễ cầu siêu thật long trọng giúp cho người quá cố mau được siêu thăng về thiên giới hưởng nhiều phúc lạc vô biên. Thưa ngài, ngài là đấng toàn năng, ngài có đầy đủ quyền lực! Nếu ngài đứng ra làm chủ tế lễ và nghi thức cầu siêu cho cha con, cha con chắc chắn sẽ nhận được giấy nhập cảnh dài hạn nơi thiên quốc và sẽ được đăng ký hộ khẩu thường trú ở đó luôn. Thưa ngài, xin ngài vì lòng từ bi thương xót mà cứu độ cho cha con!

Sau khi chàng trai trẻ cầu khẩn, van xin mong được những điều ấy với hy vọng Phật sẽ giúp được. Ðức Phật cảm thông và thương xót cho chàng trai hơn vì nỗi mất cha, nên đã dùng một phương tiện thiện xảo khác để giúp cho chàng ta hiểu được nguyên lý sống chết của kiếp người.

Phật dạy như sau: "Này chàng trai trẻ hãy đi mua hai cái chậu đất nung về đây ta sẽ giúp cho ngươi được toại nguyện như ý muốn." Chàng trai trẻ rất lấy làm sung sướng và hạnh phúc làm sao đâu, vì anh ta nghĩ rằng Ðức Phật sẽ giúp cho cha mình được sinh mau về thiên giới nên đã tức tốc đi chợ mua hai cái chậu bằng đất nung.

Phật bảo, này chàng trai hãy đổ vào chậu thứ nhất đầy những đá cuội, chậu thứ hai đổ đầy bơ vào. Chàng trai trẻ vui vẻ làm y như lời Phật dạy.

Sau đó Phật dạy bịt kín miệng cả hai chậu lại, xong rồi đem bỏ xuống một hồ nước gần đó. Chàng trai trẻ làm xong, hai chậu chìm xuống dưới đáy hồ. Lúc bấy giờ Phật nói, này chàng trai trẻ đem cái gậy ra đây, chọc bể cả hai chậu. Chàng trai trẻ rất lấy làm sung sướng, vì nghĩ rằng đức Phật sẽ giúp cho cha mình mau được siêu thoát về thiên giới hưởng mọi điều hạnh phúc.

Chàng trai trẻ đã dùng cây gậy làm bể hai chậu. Lập tức, chậu đựng bơ bị vỡ, bơ nổi lênh láng trên mặt hồ nước. Chậu kia đựng những hòn đá cuội vẫn nằm yên dưới đáy hồ.

Rồi Ðức Phật nói, "Này chàng trai trẻ, ngay bây giờ con hãy mời các thầy cúng tế và nói với họ hãy tụng kinh và cầu nguyện cho những viên đá cuội nổi lên và thật sự nổi lên! Hỡi bơ ơi, hãy chìm xuống, mau chìm xuống!"

Dạ thưa ngài, ngài định nói đùa với con đó sao! Làm gì có chuyện những viên đá cuội nặng hơn nước, dĩ nhiên là chúng phải chìm xuống đáy. Chúng chẳng thể bao giờ nổi lên được. Ðây là một nguyên lý tự nhiên từ trước đến nay! Và thưa ngài, còn bơ thì bản chất của nó nhẹ hơn nước, đương nhiên là chúng sẽ nổi lên mặt nước, chẳng bao giờ có thể chìm xuống được. Ðây là định luật tự nhiên có từ ngàn xưa cho đến bây giờ."

Đợi cho chàng trai trẻ nói xong, Phật mới khen nhà ngươi biết nhiều về nguyên lý tự nhiên, nhưng nhà ngươi lại không hiểu rõ về định luật tự nhiên này.

Nếu trong suốt cuộc đời của cha nhà ngươi mà ông ấy đã từng làm quá nhiều điều ác độc, nó nặng như những viên đá cuội, thì cha nhà ngươi sẽ bị đọa lạc vào chỗ khốn cùng, không một ai trên cõi đời này có thể giúp cho cha nhà ngươi siêu thoát? Và nếu trước kia khi cha nhà ngươi lúc còn sống luôn nhân từ đạo đức hay giúp người cứu vật bằng trái tim yêu thương và hiểu biết thì việc làm của cha ngươi cũng nhẹ như bơ, ông ấy sẽ được sinh v , không ai có thể cầu cho ông ta bị xuống địa ngục được?"

Nếu ai cũng tin sâu nhân quả hết thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc, chúng ta khỏi phải mất thời gian cầu cạnh van xin, cho uổng công vô ích.

Việc làm ác nó được ví như những viên đá cuội, giống như chúng ta đã sống trong cuộc đời này mà tạo những nghiệp xấu ác quá nhiều.

Những điều nhẹ như bơ, được hiểu là trong cuộc đời đã tạo những nghiệp tốt lành. Theo bài kinh dạy cho chúng ta thấy rằng: Nếu người làm tội thì phải chịu quả khổ, bằng làm lành thì được an vui trong đời này và đời vị lai. Ðúng theo câu Phật ngôn trong pháp cú kinh dạy: Người làm cho mình trong sạch thì tự mình trong sạch, người làm tội thì mình bị nhơ đục, người này không thể làm cho người khác trong sạch hay nhơ đục được. Vì vậy nên theo lời đức Phật thì mình hãy tự tu và tự giải thoát lấy bản thân mình chớ không ai có thể cứu cho mình được.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm