Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 10/01/2013, 17:44 PM

Bút ký: “Chiếc lá bồ đề trên đất nước hoa Champa”

Học viện Phật giáo Lào, nơi người dân vẫn gọi với cái tên thân mật là “Quốc hội những ông sư”. Ở quảng trường phía sau ThatLuang, trên khắp các chậu cây cảnh bằng gỗ bày dọc tường rào đều có chạm khắc một chùm hoa Champa

Khi chúng tôi đặt chân đến sân bay quốc tế Vientiane thì Bounnam, cán bộ của Văn phòng Chính phủ Lào đã đợi sẵn theo lịch hẹn. Trong khi chờ một thành viên khác của đoàn đi chuyến bay sau từ TP Hồ Chí Minh để cùng về khách sạn, chúng tôi tranh thủ làm quen, trong suốt quá trình trao đổi Bounam nói với chúng tôi bằng tiếng Việt khá rành rọt, vì thế dù lần đầu tiên đặt chân đến Lào nhưng chúng tôi có cảm giác gần gũi và yên tâm. Thời gian còn lại tôi có dịp dạo một vòng quanh sân bay. Dù nhỏ nhắn, đơn giản nhưng tại đây ngoài các quầy hàng lưu niệm, ngay ở vị trí thuận tiện nhất gần hòm công đức là một chiếc tủ nhỏ bày các loại xương động vật với khẩu hiệu “Chống lại săn bắt thú rừng, bảo vệ thiên nhiên”. Còn lại là các mặt hàng thủ công của Lào được bán làm đồ lưu niệm. Các cô gái mặc váy truyền thống đứng bên các quầy hàng cười e thẹn khi tôi giơ máy ảnh.

Sân bay quốc tế ở Thủ đô Vientiane quy mô nhỏ với vài ba hàng ghế ngồi đơn giản. Đặc biệt, có khá nhiều bóng áo màu vàng đặc trưng của nhà chùa đi lại. Tôi để ý thấy những người nhà chùa tại đây đều là các chàng trai trẻ. Anh Bunnam giải thích rằng, thanh niên Lào phần lớn đều có quãng thời gian nương mình dưới cửa Phật. Ai cũng coi đây như một nghĩa vụ trước khi bước ra đời và thực hiện rất nghiêm túc. Thời gian ở chùa mỗi ngày họ chỉ ăn hai bữa sáng và trưa, còn bữa tối sẽ nhịn. Bunnam giải thích vì buổi tối không phải lao động nên dù có nhịn thì cũng không thấy mệt. Bản thân anh ngày nhỏ cũng đã từng vào chùa trước khi sang Việt Nam học tập. Anh gọi một chú tiểu đứng lại trò chuyện. Chúng tôi hỏi và Bounnam phiên dịch. Được biết hai chú tiểu ra sân bay để tiễn một người bạn cũng là người của nhà chùa sang Mỹ học. Thì ra là vậy. Khi chúng tôi ngỏ ý chụp một tấm ảnh kỷ niệm, chàng trai có vẻ lớn tuổi hơn vội xin phép chỉnh lại y phục, bình thường tấm áo vàng được anh vận chéo từ vai này qua nách kia, giờ đây nó được kéo lên chùm kín hai vai. Có vẻ tại nhà chùa các chàng trai Lào đã được học những phép tắc và lễ giáo nên hành xử khá cẩn trọng. Cảm giác ấy của tôi đã được củng cố ở buổi sáng hôm sau, trong khi chờ Phó Thủ tướng Lào Somsavat thông báo lịch gặp và làm việc, Bounnam đã dẫn chúng tôi đi tham quan Thủ đô Vientiane, trong đó, như một điều hiển nhiên, không thể thiếu những ngôi chùa.

                                                                                       Lễ ban dải chỉ màu may mắn tại nhà chùa

Một hình ảnh khá quen thuộc với những người đến đất nước Lào khi trở về, đó là trên tay họ đều có buộc những dải chỉ màu may mắn. Thậm chí là nhiều sợi lồng lên nhau, nếu như bạn đi thăm không chỉ một ngôi chùa trên đất nước này. Mà điều đó thì gần như một điều chắc chắn, bởi theo lời Bounnam, riêng Thủ đô Vientiane đã có chừng 300 ngôi chùa lớn nhỏ. Văn hóa Phật giáo đã có sức ảnh hưởng và lan tỏa sâu rộng trong đời sống người dân Lào. Khi chúng tôi có mặt tại ngôi chùa mà cũng theo lời Bounnam, đến Vientiane không thể không đến chùa này, thấy rất nhiều người dân bản địa cũng đến làm lễ, và ai cũng có một dải chỉ màu trên tay khi ra về. Tôi để ý thấy có những người còn xin mang về cho người nhà đến dăm bảy dải chỉ màu, nhưng tuyệt nhiên không xin thừa, bởi dải chỉ may mắn không phải là thứ để nhà chùa phát vung vãi. Hầu như người dân Lào nào cũng có ít nhất một dải chỉ trên tay.

                                                                   Dải chỉ may mắn được các nhà sư trực tiếp buộc vào cổ tay cho người dân

Đồ lễ do người dân mang đến chùa cũng khá đặc biệt. Ngoài nải chuối như thông thường vẫn thấy ở Việt Nam tôi còn thấy ai cũng có một đài hoa, và điều khá lạ là thường có kèm theo một quả dừa đã gọt đầu. Anh Bounnam cho biết, việc viếng thăm các ngôi chùa với các đoàn khách nước ngoài khi đến Lào được Văn phòng Chính phủ tiếp đón dường như đã trở thành phong tục. Tại chùa Simuang, tôi thấy một số phụ nữ đang ngồi vừa trò chuyện vừa cạo những sáp nến dính trên các khay kim loại đựng đồ lễ. Họ làm việc một cách tự nguyện, vui vẻ. Theo tiếng Lào, muangcó nghĩa là mẹ, Si là tên riêng của một người phụ nữ đã tự hiến sinh tại nơi sau này dựng chùa. Chùa Simuang có nghĩa là chùa Mẹ Si, còn được gọi tắt là chùa Mẹ. Chùa Simuang vẫn được coi như vị thần bảo hộ Thành phố Vientiane. Trong chùa có thờ một viên đá lớn tượng trưng cho cột mốc thành phố. Viên đá được sơn màu vàng, phủ điều đỏ. Phần trong ngôi chùa này cũng là nơi cấm chụp ảnh. Còn gian ngoài, cũng như nhiều ngôi chùa khác, là nơi nhà sư ngồi ban phước. Chúng tôi làm theo Bounnam, ngồi bẻ chân trên chiếu hoa và vái. Bounnam đặt lễ sau đó nhà sư đọc những câu khấn và dùng một cây gậy nhỏ đầu có gắn một dải vải vẩy nước lên từng người để mang lại sự may mắn. Mỗi người trong đoàn được nhà chùa ban cho một sợi chỉ màu cam chói lọi. Người được nhận nếu là con trai thì sẽ được buộc vào cổ tay trái, còn tay phải thì giơ lên ngang tai khấn, còn con gái thì ngược lại. Một điều khác biệt là người dân vào làm lễ chùa mang theo đồ lễ gì thì cũng đều để lại chùa chứ không xin lộc như các phật tử Việt Nam. Những đồ lễ này được sử dụng tại chùa cho người nhà chùa và những ai lưu lại chùa sử dụng. Bất kỳ người dân nào cũng có thể đến và thụ lộc tại nhà chùa.

                                                               Chùa Simuang được coi như vị thần bảo hộ của Thủ đô Vitiane

Tôi hỏi Bounnam về quả dừa trong đồ lễ mà những người dân mang đến chùa, anh cho biết, điều này gắn với một sự tích như một lễ tạ để chứng tỏ là cách ứng xử có trước có sau. Điều này theo một truyền thuyết hai anh em gặp nạn, khi người anh cứu được người em, sau đó năm nào người em cũng mang dừa đến nhà lễ tạ. Cũng có thể vì điều này mà trên đường phố Vientiane có bán rất nhiều trái dừa, và vị trí của trái dừa ở Lào cũng vì thế mà vượt lên trên một loại trái cây dùng giải khát thông thường. Không hiểu có mối liên quan gì không khi buổi chiều hôm ấy tôi nghe Phó Thủ tướng Lào Somsavat nói sẽ đi Bến Tre của Việt Nam dự Lễ hội dừa lần đầu tiên được tổ chức, và sau này khi đã về Việt Nam, tôi đã nhìn thấy ông ở hàng ghế đại biểu trong buổi khai mạc Lễ hội dừa được tổ chức lần thứ nhất truyền hình trực tiếp trên VTV.

Thủ đô Vientiane yên bình với lưu lượng giao thông rất vừa phải. Cả Thành phố chỉ có một hãng taxi hoạt động, còn lại phương tiện giao thông công cộng chủ yếu là xe tuk tuk - những chiếc xe có hình dáng gần giống với xe lam ở miền Nam Việt Nam nhưng được trang trí điệu đà hơn, kích cỡ cũng lớn hơn. Điều có thể cảm nhận được ở Vientiane là nhịp sống thong thả, chậm rãi. Mọi thứ đều toát lên vẻ thư thái. Từ anh lao công ngồi nghỉ trên thảm cỏ tay bấm điện thoại di động đến những thanh niên đi dạo dưới những hàng cây không phải là đẹp, những thảm cỏ không phải đã được cắt tỉa, chăm chút tỉ mẩn nhưng nét mặt ai đó đều toát lên vẻ hài lòng, tĩnh tại. Khi mà niềm tin tôn giáo ngự trị thì có lẽ xã hội sẽ vận hành theo một quy luật bí ẩn nào đó ngoài những luât lệ đã định, ngoài những can thiệp hành chính. Thanh niên Lào cũng không có những hình ảnh đầu chào mào, xanh đỏ, thay vào những trào lưu hay xu hướng đó là một sự mặc định của những mái đầu cạo trọc nhu mì ẩn mình sau màu áo nhà Phật. Quãng thời gian đi tu ấy như nhắc nhở họ chữ nhẫn trước mỗi lời nói, việc làm trong suốt cuộc đời.

Toàn bộ Thủ đô Vientiane ngự trị một màu vàng mà điểm nhấn là các ngôi chùa mái nâu trầm cong vút, còn toàn bộ quang cảnh là được chăm chút đầy màu sắc nhưng chủ đạo vẫn là màu vàng. Màu của phật từ các ngôi chùa như lan tỏa ra khắp mọi nơi. Dường như màu vàng đã ngự trị trong tâm thức những người dân nơi đây. Từ những hoa văn trên hàng rào sắt, những biển hiệu quảng cáo, hệ thống biển số xe... Màu vàng thậm chí còn chi phối sang lĩnh vực kinh doanh. Từ màu của hãng di động Beeline với những bảng quảng cáo lớn ngay từ sân bay đến các thương hiệu điện tử lớn có tầm ảnh hưởng thế giới và khu vực, nhiều cửa hàng lớn trên các phố trung tâm cũng trang trí mặt tiền với cảm hứng là màu vàng biếc. Ngay cả những loài hoa nơi đây cũng mang màu vàng là chủ yếu. Suốt dọc các con phố, trước cửa nhà người dân đều xuất hiện những bông hoa màu vàng mà tôi không biết tên. Và hình ảnh chiếc lá bồ đề, một biểu tượng về sự giác ngộ của Phật giáo cũng ăn sâu trong đời sống người dân. Khắp các công trình công cộng, các tường rào nhà chùa đều có hình chiếc lá bồ đề cách điệu. Thậm chí, ở tỉnh Champasak chúng tôi còn bắt gặp hình ảnh những chiếc lá bồ đề được dùng trang trí bao vỉa quanh… bùng binh giao thông ở một ngã tư lớn. Vào buổi sáng, từ ban công khách sạn Vientiane Plaza chúng tôi bắt gặp một hình ảnh đẹp và bình yên, một hàng dọc những nhà sư đi trên đường từ rất sớm, dưới những tán cây xanh cổ thụ. Vientiane thực sự cho người ta cảm giác bình yên, tĩnh tại toát lên không phải từ cảnh vật, nhịp sống, cũng không phải từ sự giao tiếp mộc mạc chân tình mà từ chính những ánh mắt, phong thái của những người dân bạn gặp, dù họ chẳng nói với bạn một lời nào.

ThatLuang là một công trình mang tính biểu tượng của Quốc gia Lào. Cũng như nhiều người khác lần đầu đến đất nước Triệu Voi, chúng tôi đã ghé thăm ThatLuang ngay trong ngày đầu tiên có mặt tại Vientiane. Xung quanh đường dẫn tham quan ThatLuang có trưng bày nhiều hiện vật. Những viên đá, những bức tượng mang những thông điệp lịch sử. Có cả những bức tượng linga khá lớn, chỉ có điều chúng được đặt nằm kê bởi những thanh gỗ để khỏi tiếp xúc với mặt nền. Khi tôi đang mải ngắm những món đồ lưu niệm và những tấm bưu ảnh trước quầy hàng ở một cửa ra vào thì chợt nghe thấy những tiếng nổ, chạy ra xem thì thấy một nhà sư đang đốt… pháo thăng thiên. Trong màu áo vàng nhà chùa và nét mặt nghiêm trang ông chĩa cây pháo lên trời, đốt hết một quả lại châm lửa đốt một quả nữa. Tôi tròn xoe mắt nhìn cảnh này vô cùng thắc mắc nhưng chưa dám hỏi, và cũng không nhìn thấy ai đó có khả năng giải thích để hỏi, bởi Bounnam lúc này đang đi với những người còn lại của đoàn đâu đó trong hành lang bao quanh ThatLuang. Mùi khói thuốc pháo bay hăng hắc khắp không trung. Chờ cho nghi lễ, tôi nghĩ thế, kết thúc tôi tìm Bounnam đem thắc mắc này hỏi anh mới biết đó là thủ tục cầu mưa. Bởi khi chúng tôi đến Lào là thời điểm sắp đến Tết Lào, và thời tiết khá nắng nóng, vì thế cần cầu mưa để đem đến những điều may mắn. Việc đốt pháo thăng thiên để cầu mưa như một cách để gửi thông điệp lên trời hi vọng sẽ có mưa xuống. Theo quan niệm của người dân Lào, nước mang đến những điềm lành, vì thế khi làm lễ trong chùa bạn sẽ được nhà sư vẩy nước lên người và ở Lào cũng có một lễ hội té nước rất nhiều người biết đến.

                                                                             Nhà sư đốt pháo thăng thiên cầu mưa ở ThatLuang

Phía sau ThatLuang là một quảng trường lớn, một khu có tượng nhà vua Setthatirath, người đã dời đô từ Luang Prabang về Vientiane năm 1545. Chếch phía bên tay phải là Học viện Phật giáo Lào, nơi người dân vẫn gọi với cái tên thân mật là “Quốc hội những ông sư”. Ở quảng trường phía sau ThatLuang, trên khắp các chậu cây cảnh bằng gỗ bày dọc tường rào đều có chạm khắc một chùm hoa Champa. Không chỉ ở đây, những bông hoa Champa xuất hiện khá nhiều trong đời sống người dân Lào. Tôi nhận thấy cây hoa Champa được trồng khắp nơi, trên đường phố, trong khuôn viên, và trong các ngôi chùa – dĩ nhiên. Họa tiết hoa Champa cũng được dùng ở khắp nơi. Trên các biển hiệu nhà hàng cũng vậy. Và ở một nơi khá điển hình, như là biểu tượng quốc gia, biểu tượng của hãng Hàng không Quốc gia Lào chính là hoa Champa, nó được vẽ trên đuôi máy bay và hiễn hữu trên cuống vé và nhiều sản phẩm khác trên máy bay được phát cho hành khách. Ngay khách sạn Vientiane Plaza nơi chúng tôi ở, biểu tượng của khách sạn cũng là một nụ hoa Champa.

Chúng tôi ăn trưa tại một quán cá ven bờ sông Mekong, nơi mà chỉ hất tầm mắt sang bờ bên kia đã là đất nước Thái Lan. Đây là nơi cánh du lịch bụi rất thích thú bởi chỉ việc ngồi tại Lào, ngắm Thái Lan và thưởng thức món cá sông Mekong thôi cũng đã là khoảnh khắc đáng nhớ khi mà hội tụ cả mấy yếu tố độc đáo. Sông Mekong chảy hiền hòa, tôi ngồi và có cảm giác đang ngồi ở một quán cá ven sông Hồng ở Hà Nội mà bờ bên kia là Long Biên. Vậy mà con sông này là ranh giới giữa hai quốc gia. Phía đối diện quán ăn có một cây lạ lúc lỉu quả mọc ra từ thân cây giống như cây sung hay dâu da của Việt Nam. Những quả lạ có màu vàng cam nhìn khá bắt mắt. Bounnam bảo quả này ăn được đấy làm cả nhóm trố mắt hỏi có thật không để rồi nhận ra ngay rằng câu chất vấn vừa rồi là quá thừa. Những người dân Lào, dù là dân thường hay quan chức đều cho người tiếp xúc cảm giác mộc mạc chân thành, dù có bớt đi một chút hài hước. Những điều họ nói ra là thật lòng. Trong khi mọi người đang xăm xoi vài món ăn lạ thì Bounnam đã kịp biến đi đâu đó. Nhìn qua nhìn lại tôi há hốc mồm khi thấy anh đang… vắt vẻo trên cái cây lúc lỉu quả chúng tôi vừa bình luận. Rất nhanh anh trở lại bàn với một vốc những quả nhỏ xinh xinh màu vàng chanh. Thì ra thấy những vị khách lạ quan tâm đến loại quả lạ anh đã chèo lên hái cho mọi người nếm thử. Tôi vô cùng ngạc nhiên và cầm một quả trái cây đưa lên miệng cắn với một cảm giác thú vị, thú vị không phải vì cái vị chua chua chát chát đang tan ra trong miệng mà bởi thứ quả dại bình dân tôi đang nhai trong miệng do một quan chức Văn phòng Chính phủ trực tiếp trèo lên một cái cây dại ven đường hái về.

Bữa ăn trưa đang dang dở thì có điện từ Văn phòng Thủ tướng. Thư ký của Phó Thủ tướng Somsavat thông báo ông sẽ đến gặp đoàn vào 18 giờ chiều nay, ngay tại nơi ở của đoàn, khách sạn Vientiane Plaza chứ không phải tại trụ sở Văn phòng Chính phủ. Lại một điều ngạc nhiên thú vị khác khi tôi nhận thấy những nghi thức ngoại giao khuôn mẫu đã không còn giá trị.

                                           Trụ sở Văn phòng Chính phủ Lào nhìn từ những bậc đá của Tượng đài chiến thắng Patuxay

Đúng 18 giờ, Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad bước váo sảnh khách sạn Vientiane Plaza. Những cán bộ thư ký, trợ lý của Văn phòng Chính phủ đã có mặt trước đó. Chúng tôi, đoàn cán bộ của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân trong những bộ quân phục màu xanh ô liu thẳng thớm đứng ven hành lang dọc cửa vào phòng đón tiếp. Từ xa ông đã cười nói và giơ tay bắt từng người. Bác Đào Tiến, thành viên trong đoàn chúng tôi là một nhân vật đặc biệt trong cuộc gặp, bởi không chỉ tham gia dự án làm sách về tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, ông còn là một người bạn chiến đấu của Phó Thủ tướng Somsavat. Hai người lính già ôm chầm lấy nhau trong giây phút hội ngộ. Cuộc gặp diễn ra thân tình. Đại tá, tiến sĩ Phạm Bá Toàn báo cáo với Phó Thủ tướng Somsavat về ý tưởng thực hiện dự án sách về tình hữu nghị Việt Lào đã được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phê duyệt. Phó Thủ tướng xem đề cương cuốn sách. Giọng ông trầm xuống, ông nói rằng, quan hệ Việt Lào là mối quan hệ đoàn kết đặc biệt. Ông cắt nghĩa cho chúng tôi hai từ đặc biệt được thể hiện như thế nào, trên những điểm gì… Ông cũng cho biết, việc thực hiện dự án làm sách đoàn kết Việt - Lào đã được Bộ Chính trị Lào đưa vào một trong những hoạt động trọng điểm trong Năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, và 35 năm ký hiệp ước hữu nghị Việt Nam - Lào.

Sau nội dung làm việc chính thức, Phó Thủ tướng Somsavat đã cùng ăn tối với đoàn chúng tôi ngay tại khách sạn Vientiane Plaza. Những kỷ niệm giữa hai người bạn cũ, Phó Thủ tướng và bác Đào Tiến, những ngày cùng hoạt động cách mạng giờ đây mới có dịp ùa về. Câu chuyện phá đập thủy điện khi xưa được Phó Thủ tưởng Somsavat kể lại. Khi được giao phá đập thủy điện của giặc Pháp, sau khi trinh sát, nắm tình hình ông bỗng nảy ra ý tưởng, tại sao lại phá nhỉ, ta không xây được cho dân dùng thì để cho nó xây cho dân dùng, đánh làm gì. Thế là ông báo cáo lên trên ý nghĩ của mình, trên cũng thấy phải nhưng khổ nỗi bộ đội đặc công đã triển khai lực lượng, giờ bảo rút không đánh nữa cũng không ổn. Vậy là ông nghĩ ra cách cho bộ đội đánh mấy chiếc xe ủi để anh em có chiến công rồi rút. Khi rút, anh em tính nếu rút hướng đồng bằng thì dễ bị lộ, còn nếu sang sông thì lại sợ địch gọi máy bay đánh. Cuối cùng anh em quyết định rút theo hướng đồng bằng. Sau đó, đúng như dự đoán máy bay địch đánh phá theo hướng bên kia sông. Nhưng có một câu chuyện đằng về vụ rút lui sau trận đánh ấy mà sau này trở lại ông mới được nhân dân cho biết. Đó là khi lực lượng đặc công rút đi, dân thấy có những vết chân để lại bèn lùa trâu bò đi qua đè lên để xóa dấu vết, địch tìm đến trinh sát, không tìm thấy vết chân nên nghĩ lực lượng cách mạng đã rút theo hướng bên kia sông nên mới đổ quân đánh theo hướng này. Vậy là ông và đồng đội đã rút lui an toàn. Cũng chính từ câu chuyện ấy mà Phó Thủ tướng Lào luôn nhắc mình bài học dựa vào dân. Giữa ông và bác Đào Tiến có nhiều kỷ niệm chung khi hai người từng cùng tham gia một kế hoạch đặc biệt nghiên cứu văn hóa, tìm hiểu đời sống của nhân dân các bộ tộc Lào. Những câu chuyện sinh hoạt đời thường được hai người ôn lại, ngày ấy bác Đào Tiến thường được phân công câu cá, Phó Thủ tướng Somsavat được phân công lấy củi để nấu ăn. Có lần thèm thuốc lá vật vã mà không còn điếu nào, hai người bảo nhau tìm nhặt những tóp thuốc cũ dưới gầm nhà sàn của dân, sau đó lấy lá đùm lại hơ lên lửa để hút lại, nhưng khi rít vào ai cũng ho sặc sụa vì… sặc mùi nước đái trâu, chuyện ấy khiến họ nhớ mãi. Sau sự kiện ấy bác Đào Tiến đã bỏ hẳn thuốc lá. Phó Thủ tướng Somsavat cũng ôn lại những ngày học tập tại Việt Nam, ông đã từng mò trai trai ven sông Đáy, ăn cơm tẻ Việt Nam và thăm lại bác Đào Tiến tại Hà Nội. Cũng bởi gắn bó với những người bạn Việt Nam cũng như có thời gian học tập tại Việt Nam mà đến bây giờ, khả năng nói tiếng Việt của Phó Thủ tướng Somsatvat không khác gì người Việt.

Trong câu chuyện của Phó Thủ tướng Somsatvat có những vấn đề ở tầm vĩ mô về chính trị, về quốc gia nhưng phần nhiều là những câu chuyện đời thường. Ông nói về tính nhất nguyên trong chính thể: “Chẳng hạn nếu như Chủ tịch tỉnh kiêm Bí thư Đảng luôn, như thế tiện, anh ban hành nghị quyết và anh là người thực hiện luôn. Nếu một người ban hành, một người thực hiện thì anh bảo chính sách của anh tốt còn thực hiện dở là lỗi của anh khác.”. Phó Thủ tướng Somsavat cũng là người sang Việt Nam khá nhiều lần. Với rất nhiều chức danh khác nhau như Chủ tịch Ủy ban chứng khoán, chủ tịch Phân ban hợp tác kinh tế Lào Việt nên ông cũng có mặt tại Việt Nam với nhiều vai trò. Ông bảo Lào dân số ít, quy mô nhỏ hơn nên cũng dễ quản lý hơn, không phải phân cấp như Việt Nam. Khi đi dự hội nghị chứng khoán, Ủy ban chứng khoán của Việt Nam đã bày tỏ “chúng tôi nằm trong Bộ Tài chính, Bộ Tài chính lại phải trình lên Chính phủ mới giải quyết được”, nếu được như Lào thì rất tiện. Ông cười tít rồi giải thích thêm, nước nhỏ có nhiều cái khó khăn nhưng cũng có những cái thuận tiện như thế. Có nhiều lần các địa phương của Việt Nam mời, đích thân Phó Thủ tướng cũng sang dự, sang trực tiếp với tỉnh không câu nệ chuyện tiếp đón tiếp theo nghi thức ngoại giao dành cho một lãnh đạo cao cấp.

Phong thái giao tiếp gần gũi, Phó Thủ tướng Somsavat dường như xóa nhòa những khoảng cách ngoại giao. Khi ông dành những lời tốt đẹp nói về hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam trên đất Lào, trong đó hết lời ca ngợi những dự án đậm tính dân sinh của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại tỉnh Attapeu, thấy đoàn chúng tôi tỏ ra quan tâm ông đã gợi ý để đoàn đi Attapeu. Ông hỏi về lịch trình đi của đoàn chúng tôi và rút điện thoại chỉ đạo mọi việc ngay tại chỗ, chỉ định người đặt vé đi Champasak, nói số lượng người, lại dặn bố trí xe chuyển tiếp từ Champasak để đi tiếp 200 km đến vùng dự án của Hoàng Anh Gia Lai tại Attapeu thế nào cho thuận lợi, bởi ngay sau khi làm việc tại Attapeu chúng tôi sẽ phải trở lại Vientiane ngay để bay về Hà Nội.

Ngày thứ hai ở Vientiane đoàn công tác Nhà xuất bản Quân đội nhân dân có buổi làm việc với Nhà xuất bản Quốc gia Lào và Phân ban hợp tác Lào – Việt. Chúng tôi cũng ghé thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Lào. Có một điều khá thú vị là Đại sứ Việt Nam tại Lào Tạ Minh Châu cũng là một nhà thơ, ông cũng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trước đây ông đã từng làm Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan. Trong vai trò nhà thơ ông có nhiều bài thơ cảm động về tình mẹ, tình quê hương gắn với vùng đất Phú Thọ. Tạ Minh Châu cũng là dịch giả đã từng dịch tác phẩm đoạt giải Nobel của nữ nhà thơ Ba Lan Wislawa Szymborrska ra tiếng Việt. Đại sứ nói về quan hệ Việt Nam - Lào bằng những câu chuyện sinh động. Năm trước Việt Nam khánh thành trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Đại sứ quán có mời các cựu lưu học sinh Lào đã từng học tập tại Việt Nam. Hơn 350 khách mời đã đến chia vui, liên hoan và đọc thơ, chả cần ai phiên dịch, nói bằng tiếng Việt cả. Nhiều người giờ đây giữ những trọng trách trong bộ máy chính quyền Lào. Các cựu lưu học sinh đã ôn lại những kỷ niệm về những năm tháng ở Việt Nam, thành ra buổi lễ khánh thành Đại sứ quán giống như một buổi gặp mặt cựu lưu học sinh từng học tập tại Việt Nam. Tại buổi lễ ấy, đồng chí Kikeo Khaykhamphithoune, UVTƯ Đảng Nhân dân cách mạng Lào - Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Lào đã nói rằng, thế hệ chúng tôi đã trưởng thành từ cơm tẻ Việt Nam. Anh Kikeo vẫn nhớ Việt Nam khi ấy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn cấp cho mỗi học sinh Lào 18 cân gạo tẻ cùng với đó là 3 cân gạo nếp vì người Lào quen ăn xôi trong khi cán bộ Việt Nam chỉ được 13 cân gạo mà còn độn đủ thứ. “Con số 21 cả đời chúng tôi không bao giờ quên”, Kikeo xúc động nói tại buổi lễ. Các vị đại biểu đến dự Lễ khánh thành trụ sở Đại sứ quán đã cùng nhau hát những bài Việt Nam từ những năm sáu mươi. Tiến sĩ Nam Viyaketh UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Công thương Lào là người sinh ra ở Việt Nam. Tại buổi lễ hôm ấy anh đã nói rằng, “mỗi lần sang Việt Nam đi đâu tôi cũng thấy như nhà của mình, chỉ có điều tôi không chỉ ra được là ngôi nhà nào cụ thể thôi.”. Đầu năm 2012, dịp ngoài Tết nguyên đán, theo sáng kiến của Đại sứ Tạ Minh Châu, “Ngày thơ Việt Nam” đã được tổ chức tại Lào, có một số đại biểu trong nước sang tham dự, trong đó có nhà thơ Hồng Thanh Quang.

Đại sứ Tạ Minh Châu cũng nói về năm đặc biệt trong quan hệ hữu nghị Việt – Lào. Năm nay, hai nước đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm, phía Việt Nam do đồng chí Lê Hồng Anh làm Chủ tịch, và Lào là đồng chí Bounnhang Volachith, thường trực Ban Bí Thư, Phó Chủ tịch nước làm Chủ tịch. Hai nước đã phối hợp tổ chức cuộc thi tìm hiểu về quan hệ đặc biệt Việt – Lào. Đại sứ Việt Nam tại Lào cũng muốn tổ chức một cuộc thi nói về những kỷ niệm đời thường của các lưu học sinh. “Tôi gợi ý cho Bộ Văn hóa Lào tổ chức cuộc thi, hi vọng sẽ có một cuốn sách sinh động. Bộ Ngoại giao cũng sẽ ra một đặc san về quan hệ Việt Lào, tôi cũng đang vận động các đồng chí Bộ trưởng, ở Trung ương viết về những câu kỷ niệm đáng nhớ nhất. Qua đó mới nói lên thế nào là quan hệ đặc biệt Việt – Lào.”. Đại sứ Tạ Minh Châu là người âm hiểu văn hóa và rất chi tiết, cụ thể những vấn đề mà ông đề cập. Về các hoạt động giao lưu kỷ niệm năm quan hệ đặc biệt Việt – Lào, ông nói: “Khi anh Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị sang đây, tôi có nói nếu chúng ta tổ chức Tuần văn hóa Việt Nam ở Thủ đô Vientiane thì chỉ một số người xem được thôi, còn bao nhiêu vùng căn cứ địa cách mạng, vùng chiến trường xưa bà con đâu được xem. Phải cử những đoàn văn công xung kích về các địa phương, xuống các huyện biểu diễn cho bà con xem. Mà như thế chỉ có các đoàn văn công Quân đội quen chịu đựng gian khổ làm được. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chummaly Sayasone có nói một ý rất sâu sắc rằng, năm nay kỷ niệm phải làm sao để có sức lan tỏa xuống phía dưới chứ không chỉ ở trên không thôi. Mỗi người phải làm gì cụ thể để vun đắp quan hệ. Khi tôi đề cập thế, anh Lịch đồng ý ngay và nói sẽ cử 5 đoàn văn công của Quân đội sang biểu diễn không chỉ phục vụ Quân đội, phục vụ nhân dân các thành phố lớn mà còn đi về vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng biểu diễn phục vụ bà con nhân dân.”. Đại tá, tiến sĩ Phạm Bá Toàn tiếp lời rằng, trong một cuộc họp về kỷ niệm năm quan hệ Việt – Lào tại cơ quan Tổng cục Chính trị, tinh thần ấy đã được Thượng tướng Ngô Xuân Lịch triển khai, và khi Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đề xuất dự án làm sách Thượng tướng đã rất ủng hộ, tạo điều kiện để đoàn đi Lào một cách nhanh nhất. Đoàn Nhà xuất bản Quân đội cũng là một trong những đoàn tiên phong của Việt Nam có mặt tại Lào để xúc tiến các hoạt động kỷ niệm.

Sang Lào lần này, ngoài việc tham gia thực hiện dự án sách Việt – Lào bác Đào Tiến còn có những phần công việc cá nhân đáng trân trọng. Trước đây bác được giao giúp bạn thực hiện đề tài nghiên cứu xã hội học về Lào trong những năm chiến tranh, hàng nghìn trang tài liệu vẫn được bác Tiến cất giữ cẩn thận, và nay bác có tâm nguyện tặng lại Viện Khoa học xã hội Lào để xây dựng bộ sách Lào học. Bác Đào Tiến cũng chính là người đoạt giải A cuộc thi viết về tình hữu nghị Việt - Lào với tác phẩm “Ngôi mộ giữa rừng”. Bác Đào Tiến cũng là tác giả cuốn sách “Ngày và đêm trong rừng Lào” đã in bằng tiếng Việt, hiện nay Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đang chuẩn bị xuất bản bằng tiếng Anh và tiếng Lào. Nghe Đại sứ Tạ Minh Châu nói về các hoạt động kỷ niệm Năm quan hệ giữa hai nước, bác Tiến không giấu được niềm vui. Và lần này, trong lịch trình chúng tôi sẽ đi Attapeu, điều đó càng khiến bác Tiến bồi hồi, bởi vùng đất này trước đây bác Tiến cũng đã từng hoạt động và có nhiều gắn bó.

Ngày thứ hai ở Vientiane, Bounnam dẫn chúng tôi đi tham quan Tượng đài chiến thắng Patuxay, một công trình kiến trúc nổi tiếng. Patuxay vẫn được coi là Khải hoàn môn của Vientiane nằm ngay trên đại lộ Lanexang đẹp nhất Thủ đô. Đứng ở đây có thể quan sát toàn cảnh thành phố, và khu vực Patuxay với cây xanh, đài phun nước cũng là khu vực có cảnh quan đẹp. Như hòa sắc vàng chủ đạo của cả thành phố, hàng ghế đá kê gần đài phun nước cũng đều được sơn màu vàng và quảng cáo cho hãng điện thoại Beeline. Thứ màu tâm linh này gần như len lỏi vào mọi lĩnh vực, trong đó không thể thiếu việc kinh doanh khi các doanh nghiệp muốn nhờ yếu tố tâm lý để dành thiện cảm của khách hàng. Xung quanh Patuxay là trụ sở của các cơ quan quan trọng của Lào. Một bên là trụ sở Văn phòng Chính phủ mới được xây dựng khang trang, một bên là UBND TP Vientiane. Sau khi leo lên tầng 9 của Tháp Patuxay, ngắm nghía Vientiane từ các góc, tôi trở xuống. Ba bốn tầng tháp được dành cho việc bán đồ lưu niệm, dù rất thích một chiếc mũ vải chống nắng nhưng tôi đã không thể mua, bởi ở đây chỉ nhận USD, bạt và kíp mà tôi thì chỉ có… Việt Nam đồng. Tôi đành trả lại chiếc mũ một cách tiếc nuối để xuống chân tòa tháp. Khi tôi xuống thì các thành viên trong đoàn cùng một vài du khách đang đứng ngửa cổ nhìn lên cao, tôi cũng chạy lại nhìn theo, thì ra lơ lửng trên cao, phìa rìa tòa tháp quãng tầng chín là một tổ ong khổng lồ, ong đang bu đầy xung quanh. Nếu theo quan niệm của người Việt, ong đến làm tổ tức là có lộc, báo hiệu sự phát tài. Hi vọng những chú ong trên Khải hoàn môn ở Vientiane là điềm báo tốt lành cho nền kinh tế Lào. Rời tổ ong tôi quay lại và bắt gặp một góc độ đẹp cho nhiếp ảnh liền giơ máy bấm vài kiểu. Tiền cảnh là bậc thềm của Khải hoàn môn với những bậc đá cổ xưa, còn bên kia đường chính là tòa nhà Văn phòng Chính phủ hiện đại. Tôi chạy lại chỗ Bounnam bật mấy bức ảnh vừa chụp chỉ cho anh xem với lời chú thích: Lào xây dựng đất nước hiện đại trên nền tảng lịch sử lâu đời. Bounnam cười, một nụ cười hiền khô.

Sau khi về lại khách sạn, chúng tôi tạm chia tay Bounnam và hẹn gặp lại anh vào bữa tối, dù thời gian còn sớm. Thực lòng thì mọi người trong đoàn đều thấy ái ngại trước sự vất vả của anh nên kiếm cớ về nghỉ để Bounnam được nghỉ ngơi đôi chút. Sau đó cả đoàn đi thăm Trung tâm Thương mại có tên Việt Nam là Sao Mai cũng nằm trên đại lộ Lanexang cách Vieentiane Plazza nơi chúng tôi ở chỉ vài trăm mét.

Buổi tối, Nguyễn Thanh Bình, cán bộ của Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh tại Lào dẫn chúng tôi đi ăn tối tại một nhà hàng chuyên về lẩu. Tất nhiên có cả sự tham dự của Bounnam. Nhưng anh xin phép đứng lên sớm khi con gái đánh xe đến đón. Sau đó Thanh Bình mới cho chúng tôi biết, Bounnam phải về sớm vì mắc một đám cưới mà anh đã nhận lời làm nhạc công. Ngạc nhiên hơn khi anh chơi nhạc không phải để góp vui mà đây là một công việc làm thêm hàng tuần. Tôi đã lại rất bất ngờ trước thông tin mới biết về vị quan chức của Văn phòng Chính phủ này.

Hôm sau, trong hành trình từ Vientiane đi Pakse để đến Attapeu, tôi tranh thủ hỏi Bounnam về việc này và được anh xác nhận. Bounnam cho biết, mỗi tuần trung bình anh tham gia hai buổi, có thể là đám cưới, đám tân gia hay một sự kiện nào đó cần đến âm nhạc. Anh gọi thêm hai ca sĩ đi hát và trả tiền cho họ. Mỗi sự kiện anh nhận về 1.200 nghìn kíp, trả cho mỗi ca sĩ 200 nghìn kíp, còn lại phần anh 800 nghìn kíp. Anh cũng lựa chọn bài hát sao cho phù hợp với sự kiện. Bounnam có nhiều kỷ niệm với Việt Nam bởi anh đã từng có gần chục năm học tập ở đây. Vùng đất Phú Hộ, Phú Thọ của Việt Nam là nơi cất giữ nhiều kỷ niệm của Bounnam, anh đã học tại Trường miền núi số 1 Vĩnh Phú từ năm 1979 đến năm 1984. Bây giờ anh vẫn thuộc một số bài hát tiếng Việt và thi thoảng vẫn hát trong các sự kiện có sự tham dự của người Việt hay các lưu học sinh Lào từng học tập tại Việt Nam.

Khi chúng tôi hoàn thành chương trình làm việc tại tỉnh Attapeu, trong khi ngồi chờ ở sân bay Pakse để trở về Vientiane, Bounnam nhờ tôi tìm hộ lời hai bài hát tiếng Việt. Đó là bài “Hà Nội niềm tin và hi vọng” của Phan Nhân và “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của Cao Việt Bách. Tôi vào mạng tìm lời hai bài hát và cóp vào USB cho Bounnam kèm cả bản trình bày để anh nghe. Bounnam cho biết, tối nay anh đã nhận lời phục vụ cho lễ khánh thành một trường học. Anh chọn bài hát Việt Nam vì có nhiều người Việt sẽ dự. Còn cách Vientiane cả nghìn cây số nhưng Bounnam đã có kế hoạch cho buổi tối. Biết chương trình của anh nên khi về Vientiane chúng tôi chủ động chia tay sớm để Bounnam khỏi áy náy, bởi suốt những ngày chúng tôi ở Lào anh đã rất nhiệt tình và vất vả. Tôi ngồi chờ chuyến bay về Hà Nội và tưởng tượng ra cảnh Bounnam đắm mình trong âm nhạc, chợt thấy tiêng tiếc. Ước gì tôi được theo anh đến một đám cưới, để được thấy vị cán bộ Văn phòng Chính phủ Lào trong vai trò nhạc công và ca sĩ hát các bài hát tiếng Việt sẽ thế nào.

Trên chuyến bay từ Vientiane về Hà Nội, không hiểu sao trong tôi cứ hiển hiện hình ảnh chiếc lá bồ đề có ở khắp nơi trên đất nước Lào. Trong Phật giáo, lá bồ đề tượng trưng cho sự giác ngộ, và tôi cảm thấy sự giác ngộ, hướng thiện hiện hữu trong mỗi người dân Lào, điều đó khiến cho mỗi người khi đến đây đều thấy một không khí tĩnh tại yên bình khắp các nẻo đường trên đất nước hoa Champa.

Vientiane – Hà Nội tháng 4-2012


Nguyễn Xuân Thủy
Nguồn: Hội Nhà văn Việt Nam

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Nhân vật văn hóa và nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của mọi thời đại

Nhịp cầu Phật giáo 10:38 07/12/2018

PGVN xin trân trọng giới thiệu toàn bộ diễn văn khai mạc hội thảo khoa học “Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm - đặc sắc tư tưởng và văn hóa” của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm – xã Thượng Yên Công – thành phố Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh, sáng ngày 6 tháng 12 năm 2018, tức ngày 30 tháng 10 năm Mậu Tuất.

Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế

Nhịp cầu Phật giáo 09:15 16/11/2018

Lòng tham chính là thuốc độc giết chết nhân cách của con người, có những lúc chỉ vì sân si những lợi ích nhỏ mà chúng ta đánh mất những thứ quý giá và quan trọng, đến khi nhìn lại mới thấy thật sai lầm.

Sự ngộ đạo trong thế giới Kim Dung

Nhịp cầu Phật giáo 16:08 05/11/2018

Tóm lại, từ bi chính là cái gốc của võ công Phật gia trong thế giới võ hiệp Kim Dung. Chỉ có dùng tâm từ bi để hóa giải nó mới có thể đẩy lui trường năng lượng xấu, bảo toàn thân thể. Nói cách khác, song song với việc học võ, phải rèn luyện tâm tính bằng cách đọc và thực hành các kinh Phật cho nhiều mới không sinh ra bệnh tật. Thần tăng vô danh chính là một minh chứng.

Sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc

Nhịp cầu Phật giáo 11:28 01/11/2018

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (chủ yếu là Phật giáo, Công giáo và Tin lành), bài viết chỉ ra những tác động của các tôn giáo để tìm giải pháp vừa phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các các âm mưu, hành động lợi dụng những vấn đề về tôn giáo, dân tộc để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững; vừa bảo đảm thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo của nhân dân, x&

Xem thêm