Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Nhân vật văn hóa và nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của mọi thời đại
PGVN xin trân trọng giới thiệu toàn bộ diễn văn khai mạc hội thảo khoa học “Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm - đặc sắc tư tưởng và văn hóa” của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm – xã Thượng Yên Công – thành phố Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh, sáng ngày 6 tháng 12 năm 2018, tức ngày 30 tháng 10 năm Mậu Tuất.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Hôm nay chúng ta cùng có mặt ở đây, nơi đất thiêng rừng trúc Yên Tử để cùng tổ chức Hội thảo khoa học: “Trần Nhân tông và thiền phái Trúc Lâm- đặc sắc tư tưởng và văn hóa”. Hội thảo khoa học lần này mang nhiều ý nghĩa học thuật, văn hóa và tâm linh đặc biệt. Hội thảo của chúng ta nhằm gia tăng và làm sâu rộng thêm những hiểu biết và khám phá về Phât giáo Trần Nhân Tông và Trúc Lâm Việt Nam, nhằm làm cho những giá trị sâu bền, tinh hoa của những tư tưởng đó tiếp tục tỏa chiếu vô lượng hào quang cho nhân quần và chúng sinh, và đặc biệt, đây là một trong chuỗi các hoạt động học thuật trong năm 2018 để kỷ niệm 760 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh và 710 năm ngài nhập niết bàn. Trong hơn một chục năm qua, kể từ lần kỷ niệm 700 năm ngài tịch diệt tới nay, giá trị tư tưởng và văn hóa của ngài đã được người đời biết tới nhiều hơn, cả trong và ngoài nước. Nhiều giá trị tư tưởng của ngài đã được phát hiện thêm và làm sâu sắc thêm. Lần tổ chức hội thảo lần này, ĐHQGHN với đơn vị được giao nhiệm vụ là một viện nghiên cứu vinh dự được mang tên ngài, Viện Trần Nhân Tông, phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh cùng tổ chức. Xin được trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng các đại trưởng lão hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni, các vị lãnh đạo đảng nhà nước, các bộ ban ngành và địa phương, các học giả trong và ngoài nước thuộc giới tu hành và thế tục đã cùng nhau chung sức chuẩn bị tổ chức hội thảo và cùng có mặt ở đây ngày hôm nay.
Kính thưa các quý vị
Trần Nhân Tông sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258) và tịch diệt ngày 1/11 năm Mậu Thân (1308). Ngài ở ngôi 14 năm, Thái thượng hoàng 5 năm và xuất gia 8 năm, duyên trần 50 năm. Ngài là ông vua thứ 3 của đời Trần, một thời đại văn võ đỉnh thịnh và đạo đời hồn hậu.
Trần Nhân Tông là nhân vật văn hóa lớn, là người anh hùng dân tộc, vị hoàng đế để lại sự nghiệp chính trị lẫy lừng, là nhà tư tưởng, nhà giáo dục, người nghệ sĩ lớn, nhà nhân văn chủ nghĩa và là một lãnh tụ tôn giáo. Ông để lại nhiều dấu ấn ảnh hưởng tới sự phát triển của quốc gia dân tộc Việt Nam ở hầu khắp các lĩnh vực. Ông được các nước trong khu vực và trên thế giới biết tới ngay từ đương thời cho tới hiện tại và chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng ngày càng lớn trong tương lai. Ở ông, có sự kết tụ, tập đại thành và thăng hoa của văn hóa Việt, của Phật giáo và cả Tam giáo, của hào khí Đông A đương thời. Ông là người anh hùng dân tộc đã lãnh đạo toàn dân chống lại giặc Mông Thát, cứu vong dân tộc và góp phần cứu nhân loại khỏi thảm họa. Ông là người thực thi đường lối chính trị huệ dân kết hợp đức trị tích cực với tinh thần khoan giản an lạc, với tinh thần bồ tát cứu thế. Ông phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết dân tộc với tinh thần nhân ái. Tư tưởng khoan dung và hòa hợp, nhân ái là ánh sáng vô lượng còn rạng tỏa mãi tận hôm nay và mai sau. Ông là hình mẫu của người “Bồ tát trang nghiêm” và “bậc trượng phu trung hiếu”. Cả giới tu hành, các cư sĩ và những người dân đều biết tới ông với vai trò kiến lập hệ thống Phật giáo trong cả nước tương tự như một tổ chức giáo hội. Ông có đóng góp trong việc tiếp nhận và Việt hóa tư tưởng Phật giáo, tìm ra con đường đưa tư tưởng Phật giáo phù hợp với người Việt Nam, cho đại chúng và những cải cách trong cả tư tưởng triết học và phương pháp tu hành. Tư tưởng Phật giáo của ông vừa có Thiền lý sâu xa thâm hậu, quyết liệt mạnh mẽ cho một con đường giải thoát, vừa có độ giản dị mà người đời ai có cũng thể học theo, tu tập theo, ai cũng có thể thực hành để đạt tới an lạc giữa đời. Với tầm vóc như vậy, người đương thời tôn ông là Trúc Lâm Sơ tổ, là Phật Hoàng, một vị Phật Việt Nam, và chúng ta ngày càng thấy rõ ông là nhân vật văn hóa và nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của mọi thời đại.
Kính thưa các quý vị
Tầm vóc của Trần Nhân Tông thật là lớn rộng và sâu thẳm. Đã có nhiều hội thảo về ông và nhiều cuốn sách viết về ông và Trúc Lâm đã ra đời trong khoảng 10 năm qua, nhưng với di sản ông để lại chúng ta càng ngẩng trông ta càng thấy cao, càng dùi đẽo càng thấy cứng chắc, càng thâm nhập càng thấy thăm thẳm, càng đo đếm càng thấy rộng dài, càng trắc lường càng thấy vô cùng vô tận. Với tầm vóc như vậy, có thể coi công cuộc tìm hiểu làm rõ và rạng tỏ hết các giá trị nhiều mặt của Trần Nhân Tông cũng mới chỉ bắt đầu. Chúng ta vừa cần nghiên cứu khách quan để làm rõ những vấn đề của quá khứ, vừa nghiên cứu cho mục tiêu đem tư tưởng và văn hóa của Việt Nam, của Trần Nhân Tông có thể đóng góp gì cho thế giới, cho nhân loại hôm nay và mai sau. Chúng tôi cũng đã đôi lần tiên đoán và đặt vấn đề rằng Nhân Tông học có thể và hoàn toàn có thể trở thành một môn học, một lĩnh vực học thuật độc đáo mang nhiều ý nghĩa.
Kính thưa các quý vị
Chúng ta đang sống ở thời điểm năm 2018, Nhân loại tính cho tới nay đã trải qua những bước phát triển to lớn. Bàn tay và khối óc của con người đã tạo ra được những giá trị kỳ diệu. Trí tuệ nhân tạo, công nghệ tiên tiến, cơ sở dữ liệu lớn, mạng kết nối toàn cầu và kết nối vạn vật, những thành phố thông minh, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ thông minh đang không ngừng được triển khai.
Tuy nhiên, loài người cũng đang đứng trước những thách thức, những nguy cơ chưa từng có trong lịch sử. Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, các nguồn tài nguyên cạn kiệt, xung đột sắc tộc, xung đột tư tưởng, văn hóa và kinh tế, đói nghèo và khủng bố, những căn bệnh thế kỷ và dịch bệnh xuyên quốc gia, vấn đề tự kỷ và tự tử trên quy mô lớn… Cái khổ vẫn đeo bám con người trên phạm vi toàn nhân loại. Lửa tham sân si vẫn còn ngùn ngụt. Cá nhân từng con người vẫn đặt trước rất nhiều nguy cơ.
Điều Ngự Giác Trần Nhân Tông đã từng khuyên chúng ta, với những triết lý sâu xa, mỗi lần nhắc lại lại một lần mới. Mỗi người nhìn ngắm ở góc độ và khía cạnh khác nhau lại thêm thấy sáng láng từ các góc khác nhau. Ánh sáng của Người từ cổ xưa hòa cùng ánh sáng trong tâm của chúng ta ngày nay, trở thành thứ ánh sáng giải thoát, thứ ánh sáng soi đường tới cõi an lạc trong cuộc đời thực, trở thành thứ ánh sáng không còn giới hạn và phân biệt cổ kim đông tây trong ngoài. Cuộc hội thảo lần này, chỉ xin coi là một nén tuệ hương của chúng ta kính tưởng dâng lên Sơ tổ Trúc Lâm cùng chư tổ và coi đây như một viên gạch làm cao thêm những hiểu biết và một ngọn lửa nhỏ tiếp nối từ tuệ đăng ngài đã thắp lên từ thế kỷ XIII.
Hình ảnh trích đoạn Phật Hoàng Trần Nhân Tông xuất du trong bức trường quyển Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ(Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ là nhan đề một bức trường quyển có kích thước 961cm ×28cm trên giấy quyến bao gồm họa phẩm tranh thủy mặc kết hợp nghệ thuật thư pháp đặc sắc, và miêu tả cảnh Trúc Lâm đại sĩ (tức Trần Nhân Tông) từ động Vũ Lâm xuất du).
Phật giáo Trúc Lâm, hay Thiền Trúc Lâm là Thiền thực hành, là tư tưởng để người đời quán chiếu trong suy nghĩ hành động và cuộc sống, vì vậy mỗi lần chúng ta cùng nhau ôn lại những tư tưởng, những phương pháp của Người, ta càng lại gặt hái thêm những điều bổ ích. Thiền Trúc Lâm phát triển rực rỡ ở thời Trần và tồn tại suốt chiều dài lịch sử. Nó phát triển trước hết giải quyết các vấn đề của con người và đời sống của đời Trần. Nhưng hôm nay, trước thực tế cuộc sống mới, với vận mệnh và nhu cầu mới của con người, khi con người bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp mới với những ưu thế và cả những vấn nạn mới chưa từng gặp. Chúng ta tìm về với ánh sáng của Thiền Trúc Lâm, ta có thể tìm được nhiều lời giải cho nhiều vấn đề ngày nay. Trí tuệ giải thoát, trí tuệ đạt tới an lạc chỉ có một, không phân biệt cổ kim, nhưng mỗi thời đại, nó phát huy tác dụng tới đâu tùy thuộc vào chính con người ở thời kỳ đó.
Chúng ta tổ chức hội thảo hôm nay, trước hết là để tưởng niệm về Trúc Lâm Sơ Tổ Phật Hoàng Trần Nhân Tông và các tổ Trúc Lâm, dẫu biết rằng Ngài đã nhập niết bàn, nói như ngôn ngữ Phật giáo, tức đã thanh tịnh vĩnh hằng, hòa cùng ánh sáng và vượt ra khỏi sự giới hạn của không gian và thời gian, chẳng hề tòng thuộc vào tâm tính suy tưởng của chúng ta, chúng ta chẳng thể thêm bớt điều gì. Thứ nữa, chúng ta nghiên cứu tư tưởng của Ngài vì sự thiêng liêng của con người đương thời và mai hậu. Chúng ta làm tiếp những gì mà ngài đã làm, phát những hạnh nguyện mà ngài đã nguyện. Mỗi chúng ta, tưởng nhớ và học tập Ngài, trong tâm của chúng ta sẽ tiếp nhận thêm những sự sáng trong từ ngài tỏa rạng. Sẽ có vô lượng Phật Trần Nhân Tông trong muôn vàn tâm sáng của mỗi người.
Kính thưa các quý vị
Hội thảo kỷ niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông hôm nay, so với những đợt kỷ niệm trước có nhiều điểm mới, nhiều điều hoan hỷ… Trước hết là sự gia tăng ảnh hưởng của tư tưởng Trúc Lâm và Phật giáo Trần Nhân Tông vào đời sống thực tế, cả sự hiện hữu vật thể và phi vật thể, cả Bắc tới Nam, cả trong và ngoài nước. Có thêm vô số người hướng tâm tới Phật Hoàng, có sự khai triển mạnh hơn tinh thần nhập thế của Phật giáo, bằng con đường tu thập thiện giản dị mà nhằm giải quyết các vấn đề của con người. Thời điểm này có thêm đội ngũ hùng hậu những nhà tu hành, nhà nghiên cứu, các cư sĩ… đang từng ngày phát huy tư tưởng và phương pháp Thiền của Ngài. Và từ năm 2016 tới nay, có Viện Trần Nhân Tông là cơ quan khoa học chuyên môn do Thủ tướng chính phủ thành lập triển khai nghiên cứu chuyên sâu và kết nối học giới trong và ngoài nước nghiên cứu và phát huy tinh hoa tư tưởng Trần Nhân Tông. Lại có có cung Trúc Lâm và Trung tâm văn hóa Trúc Lâm với hệ thống cơ sở vật chất khang trang phục vụ cho các hoạt động văn hóa tín ngưỡng và tâm linh như chúng ta đang sử dụng.
Hội thảo lần này nhận được sự hưởng ứng của rất đông đảo các học giả Việt Nam và thế giới với gần 150 bài viết tham gia. Chúng ta đánh giá cao sự quan tâm đặc biệt của học giới đối với Phật giáo Trúc Lâm, Phật giáo với các vấn đề của xã hội đương đại. Đây là duyên lành, là dấu hiệu cho chúng ta thấy một khí thế mới và tầm ảnh hưởng mới.
Thưa các quý vị
Đại học Quốc gia Hà Nội là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam, sứ mệnh của ĐHQGHN không chỉ ở việc phát triển các ngành khoa học công nghệ mới, các ngành khoa học liên ngành, liên lĩnh vực, các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, khoa học sự sống… mà còn đặc biệt coi trọng phát triển các khoa học nhân văn, tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước, xã hội và con người. ĐHQGHN vinh dự được Chính phủ thành lập và giao nhiệm vụ phát triển Viện Trần Nhân Tông. Đây là việc lớn và thiêng liêng. Hội thảo lần này do ĐHQGHN phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cùng phối hợp tổ chức, nhưng đơn vị chuyên môn trực tiếp là Viện Trần Nhân Tông.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính Phủ, các cơ quan bộ ngành Trung ương và địa phương đã tạo điều kiện cho Hội thảo được tổ chức. Cảm ơn các học giả nước ngoài từ 10 quốc gia khác nhau đã tới tham dự hội thảo hôm nay. Cảm ơn các học giả trong nước đã hưởng nhiệt thành, viết bài và tham gia hội thảo. Cảm ơn Công Ty Tùng Lâm cùng các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân đã hỗ trợ điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí cho việc tổ chức Hội thảo.
Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Nhân vật văn hóa và nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của mọi thời đại
Nhịp cầu Phật giáo 10:38 07/12/2018PGVN xin trân trọng giới thiệu toàn bộ diễn văn khai mạc hội thảo khoa học “Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm - đặc sắc tư tưởng và văn hóa” của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm – xã Thượng Yên Công – thành phố Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh, sáng ngày 6 tháng 12 năm 2018, tức ngày 30 tháng 10 năm Mậu Tuất.
Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế
Nhịp cầu Phật giáo 09:15 16/11/2018Lòng tham chính là thuốc độc giết chết nhân cách của con người, có những lúc chỉ vì sân si những lợi ích nhỏ mà chúng ta đánh mất những thứ quý giá và quan trọng, đến khi nhìn lại mới thấy thật sai lầm.
Sự ngộ đạo trong thế giới Kim Dung
Nhịp cầu Phật giáo 16:08 05/11/2018
Tóm lại, từ bi chính là cái gốc của võ công Phật gia trong thế giới võ hiệp Kim Dung. Chỉ có dùng tâm từ bi để hóa giải nó mới có thể đẩy lui trường năng lượng xấu, bảo toàn thân thể. Nói cách khác, song song với việc học võ, phải rèn luyện tâm tính bằng cách đọc và thực hành các kinh Phật cho nhiều mới không sinh ra bệnh tật. Thần tăng vô danh chính là một minh chứng.
Sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc
Nhịp cầu Phật giáo 11:28 01/11/2018Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (chủ yếu là Phật giáo, Công giáo và Tin lành), bài viết chỉ ra những tác động của các tôn giáo để tìm giải pháp vừa phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các các âm mưu, hành động lợi dụng những vấn đề về tôn giáo, dân tộc để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững; vừa bảo đảm thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo của nhân dân, x&
Xem thêm