Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 29/05/2017, 13:22 PM

Cá nhảy khỏi lưới mới hay

Cá ở trong lưới mà nhảy ra được, mới thật là hay. Vượt cạn lên bờ được mấy ai? Thoát khỏi cạm bẫy cuộc đời thật là khó vô cùng, nhưng người có ý chí và quyết tâm cao độ sẽ làm được chuyện này. Tuy nhiên, mọi người đều có tâm Phật sáng suốt, nên ai cũng có khả năng chuyển hóa và vượt thoát vòng luyến ái trần tục. Vậy, đúng là cá nhảy khỏi lưới mới hay!

Chuyện kể rằng có một ngư dân đi đánh cá. Ông thả lưới suốt buổi sáng mà không bắt được con nào, tức quá ông ta bao lưới xung quanh khúc sông rồi đập nước ầm ầm. Nhiều con cá hốt hoảng chạy loạn xạ nên bị dính vào lưới. Có một con cá đang bơi thong thả thì gặp một bầy cá khác đang chạy hoảng loạn và kêu lớn rằng: “Hãy cứu chúng tôi với, vì con người đang tìm cách bắt chúng tôi dưới nhiều hình thức”.

Con cá kia lại bảo: “Các bạn hãy bình tĩnh lặn sâu xuống đáy”. Nói xong cá kia liền thong thả trầm mình lặn sâu xuống đáy. Bầy cá bây giờ đã có chỗ trú ẩn an ổn nên lại hỏi: “Tại sao hồi nãy anh không chạy cuống lên như chúng tôi vậy?”. Con cá kia trả lời: “Khi có sự cố xảy ra, con nào chạy trong hoảng loạn là sẽ bị mắc vào lưới. Chúng ta là những loài ở trong biển, lúc nào cũng gặp sóng gió và biến cố do loài người gây ra, nếu không biết giữ bình tĩnh thì sẽ mắc lưới của họ”.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Trong khi đó, ông ngư dân kéo lưới lên, bắt được một số cá và bỏ hết chúng vô một cái lu lớn. Lúc này trong lu có hai con cá đang nói chuyện với nhau: “Mày biết không? Lúc đó do mình hốt hoảng nên mới chạy loạn mà bị dính vào lưới, còn mấy con cá kia nó bình tĩnh nên thoát được. Bây giờ chúng ta đã bị bắt rồi, đành phải chịu thôi”. Con kia mới hỏi: “Bây giờ chị còn sợ không?” Con này nói:” Bây giờ tôi đã hết sợ, nhưng đã bị loài người bắt rồi”.

Chuyện ngụ ngôn trên là một ẩn dụ sâu sắc để nói lên sự tu hành của chúng ta: Cần phải có hàng rào giới luật, cây cung thiền định và lưỡi kiếm trí tuệ. Quý vị thấy không? Thế gian rất nhiều cái bẫy, nếu mình không bình tĩnh và sáng suốt thì sẽ bị dòng đời cuốn trôi bởi cái bẫy tiền tài, bẫy sắc đẹp, bẫy danh vọng, bẫy ăn ngon mặc đẹp, quyền lực và khủng bố.

Giới luật là hàng rào 5 giới và 10 điều thiện có công năng giúp cho chúng ta không rơi vào hố sâu của tội lỗi mà còn tích lũy thêm phước đức nữa. Thiền định giúp ta biết cách dừng lắng các vọng niệm xấu ác mà sống với tâm Phật sáng suốt. Thiền quán và soi xét để chúng ta phát sinh trí tuệ mà biết rõ thật giả thân tâm hoàn cảnh, nhằm biết cách buông xả các tham ái chấp trước ở đời.

Vượt qua cạm bẫy cuộc đời

Trước những mất mát thiệt hại và khổ đau của nhân loại, đời sống con người thật bấp bênh trong bầu vũ trụ bao la này. Đã làm người, ai không khỏi một lần rơi nước mắt, kiếp luân hồi dài đăng đẵng, mệt mỏi, chán chường, thất vọng, lo âu và sợ hãi. Thức đêm mới biết đêm dài, đường xa mới thấy càng thêm mệt mỏi, con người cứ mãi lăn lên lộn xuống trong ba cõi sáu đường không có ngày thôi dứt.

Có người khi thì hưởng phước báo cõi trời muốn gì được nấy không cần phải làm lụng vất vả, do biết tích lũy phước báo nhiều đời. Lúc thì tung hoành ngang dọc khiêu chiến khắp các cõi trời người, chẳng coi ai ra gì như các vị Thần A Tu La, ngày nay thế giới chiến tranh cũng từ đó mà ra. Khi thì nửa khóc nửa cười, vui ít khổ nhiều trong thế giới Ta bà này; có lúc khổ đau cùng cực, bị hành hạ và đọa đày trong ngục tù tội lỗi không có ngày cùng.

Lại có kẻ ngu si, mê muội, sống trong đau khổ lầm mê, không biết gì trong các loài súc sinh và cam chịu đói khát vật vờ bởi bị đọa vào kiếp ngã quỷ (quỷ đói). Nếu ai biết gieo trồng phước đức, gìn giữ năm điều đạo đức, làm mười việc thiện, tu tập thiền định thì được đi ba đường trên; ngược lại thì bị đọa xuống ba đường dữ để chịu khổ đau triền miên trong dòng đời vô tận.

Ý thức được kiếp người vui ít khổ nhiều, luôn bị nhiều thứ ràng buộc không có ngày hạnh phúc thật sự. Có hai huynh đệ muốn thoát tục lìa trần nên quyết tâm tiếp nối con đường của Phật. Họ thấy thế gian vui ít, khổ nhiều, nên sớm xuất gia học đạo. Trên đường tầm sư, hai người đi ngang qua một dòng sông, thấy người trên ghe đang kéo chiếc lưới lên và một con cá nhảy vọt ra khỏi lưới.

Vị sư huynh thấy thế, liền vỗ tay khen: “Hay quá, hay quá! Con cá giống người tu”.

Tiểu sư đệ mới nói: “Có gì đâu mà hay. Cá ở ngoài lưới mới hay”.

Vị sư huynh nói: “Sư đệ chưa hiểu hết thâm ý của ta”.

Câu chuyện trên là bài học đạo lý sống thiết thực trong cuộc đời. Ta học chuyện xưa để cùng nhau suy ngẫm, thấy được sự đam mê luyến ái dục vọng làm ta buồn rầu, lo lắng, khổ đau. Ai trong cuộc đời chưa một lần nếm trải trái đắng của cuộc đời? Vậy cá ở ngoài lưới mới hay, hay là cá bị mắc lưới mà nhảy ra được mới hay?
    
Nếu cá ở ngoài lưới thì còn gì để bàn cãi ở đây nữa, cá đã vào lưới mà còn biết cách nhảy ra được mới thật là hay. Đạo lý nhà Phật dạy cho chúng ta ngay nơi vòng lẩn quẩn của sự luyến ái buộc ràng, bởi vợ chồng, con cái, gia đình, người thân, mà ta thoát ra được quả là điều phi thường hiếm có.

Ta đang sống trong sự cám dỗ của tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn sung, mặc sướng, bởi chiếc lưới ái ân và dục vọng; nó làm cho ta mê muội, đắm say, giống như cục nam châm gặp sắt tự động hút vào. Ái dục cũng lại như thế. Từ vô thủy kiếp đến nay, con người lúc nào cũng khao khát, thèm muốn, quyến luyến giống như dòng nước đã thấm ướt. Dù không ai chỉ dạy mà con người vẫn tự cảm biết, nên khi gặp người khác phái thì trái tim ta xao xuyến, rung động, thổn thức, làm ta rạo rực trong lòng dẫn đến hò hẹn yêu thương và kết tình chồng vợ. Cứ như thế, từ đời này sang kiếp nọ, nghiệp nhân tình ái luyến mến yêu thương được phát triển mạnh mẽ ngày thêm sâu kín, đậm đà, khó rời xa.
    
Phật dạy, trong đời này, có hai hạng người đáng được tán thán, ca ngợi và cung kính cúng dường. Hạng người thứ nhất từ nhỏ đến lớn chưa từng vi phạm lỗi lầm, lại hay thương yêu, bình đẳng, giúp đỡ mọi người. Hạng người thứ hai đam mê hưởng thụ dính mắc hay làm các điều xấu xa tội lỗi, để làm tổn hại cho người và vật. Nhưng họ nhờ gặp các thiện hữu tri thức hướng dẫn chỉ dạy, biết ăn năn sám hối chừa bỏ những thói quen tật xấu, mà làm mới lại chính mình, để vươn lên, vượt qua số phận tối tăm.
     
Hình ảnh cá nhảy khỏi lưới là chỉ cho hạng người thứ hai, đã vào lưới, mắc lưới rồi, mà còn nhảy ra được. Vậy không phải hay là gì? Cũng như đức Phật của chúng ta trước khi thành tựu đạo pháp, Ngài đã có tất cả cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan, thần dân, thiên hạ, quyền hành cao nhất trong tay. Vậy mà Phật vẫn hiên ngang, dũng mãnh, vượt qua được lưới ái dục khi tuổi đời đang sung mãn và hưng phấn nhất.

Sống ở đời trước sự cám dỗ của tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều, nên đa số chúng ta đều bị lưới ái tình siết chặt làm cho mê muội, đắm say, giống như cục nam châm khi gặp sắt tự động hút vào. 

Một nữ tử tù bị kết án tử hình vì tội tổ chức mua bán ma túy. Trong thời gian chờ thi hành án, nằm trong phòng biệt giam chờ ngày chết, không biết ả đã cấu kết bằng cách nào để làm xiêu lòng hai cán bộ quản giáo cho phạm nhân vào quan hệ với ả, cuối cùng ả đã có bầu. Từ án tử hình được giảm xuống còn án chung thân và ả nhờ đó mà thoát chết. Câu chuyện này khó tin nhưng mà có thật, được đăng trên báo Đời sống và Pháp luật. Vì vậy, Phật thường dạy thế gian này nếu có cái thứ hai giống nghiệp tình ái, bảo đảm không ai có thể tu chuyển được, may mà chỉ có một thứ ấy đã làm điêu đứng cả loài người.

Thực tế bây giờ cũng có một thứ làm chết người trong thiên hạ là ma túy, ai dính vào vòng này khó bề vượt qua, họa hoằn lắm chỉ có một vài người bỏ hẳn, không tái nghiện. Nằm trong phòng biệt giam, đối diện với cái chết trong từng phút giây, vậy mà ả vẫn có thể dùng mỹ nhân kế để thuyết phục hai cán bộ quản giáo và cuối cùng phải chịu chia án với ả, mỗi người sáu năm tù giam.

Tình đời là thế đó, nếu nó không có sức quyến rũ, hấp dẫn lạ kỳ thì người ta đâu phải mệt nhọc làm lụng vất vả, có khi phải bỏ mạng sa trường cũng vì chút ấy. Như cuộc sống loài tằm tự nhả tơ quấn quanh mình làm kén, bao che thân thể để bảo toàn mạng sống, nhưng khi được kín đáo rồi thì người ta cho vào nồi nước sôi luộc chết. Ngược lại, nữ tử tù kia biết lợi dụng điểm yếu của đa số con người khó ai thoát được vòng lẩn quẩn ấy, nên đã cứu ả thoát khỏi cái chết trong tầm tay.

Luật pháp dù nghiêm minh tới đâu vẫn còn kẽ hở vì bị tiếng sét ái tình chi phối, con người cũng vì chút đó mà rơi vào vòng lao lý, tù tội. Thế nhân tự nghĩ lại xem, ai trong cuộc đời có đủ khả năng và bản lĩnh để vượt qua nó, ngoại trừ các vị Bồ-tát và các bậc tu hành chân chính. Cũng đồng là cá, bao nhiêu con cá khác không thể vẫy vùng để nhảy ra khỏi lưới, cuối cùng bị người đánh cá bắt bỏ vào giỏ chờ giờ làm thịt. Vậy con cá kia nhảy ra khỏi lưới không giống người tu là gì? Nếu mới sinh ra ai cũng là Thánh hết thì chúng ta đâu cần phải tu làm chi cho mệt nhọc và uổng công vô ích.

Chính chúng ta huân tập nhiều thói hư, tật xấu, nghiện ngập, đam mê, đắm say đủ thứ, tham lam, sân giận, si mê, ích kỷ, ganh ghét, hận thù. Nhờ gặp Phật pháp đã giúp chúng ta biết cách làm chủ bản thân để vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Vậy ngay bây giờ, người con Phật hãy dùng tuệ giác của chính mình để chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.

Nếu ai chấp nhận số phận đã an bài giống như bèo dạt mây trôi, mặc tình đi theo dòng đời mê muội, ai làm sao mình làm vậy, chẳng cần suy nghĩ tìm tòi, đành chịu chết chìm trong vũng bùn tội lỗi. Người như thế thì trên trách trời, dưới oán ghét xã hội sao quá bất công, để rồi mãi mãi phải chịu sống trong phiền muộn, khổ đau.Chúng ta vấp ngã ngay nơi đất thì cũng từ đất đứng lên, không nên oán trách, đổ thừa cho ai cả, mà chính mình phải tự vươn lên để vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Phật và Bồ tát chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn cho chúng ta, còn làm được hay không phải do chính bản thân mình.

Đức Phật vượt lên trên dòng luyến ái trần tục

Đứng trước dòng thác lũ cuộc đời, nhưng chúng ta vẫn bình yên vô sự nhờ biết áp dụng lời Phật dạy. Ai cũng biết sự cám dỗ của tiền tài, sắc dục, lợi danh luôn thôi thúc mời gọi chúng ta, nếu không có sức tỉnh giác ta sẽ dễ dàng gục ngã trước dòng xoáy cuộc đời và sống trong đau khổ, lầm mê. Chính vì vậy, ngày hôm nay ta tôn kính Phật, thờ Phật, lạy Phật suốt đời, suốt kiếp, để bắt chước, học hỏi, tu tập, cho được bằng Phật mới thôi. Thật ra, ta đi tu hiện giờ đâu có gì để buông xả và dính mắc nặng nề như đức Phật ngày xưa. Nhất là các thầy tu trẻ đâu có gì để ôm giữ, chất chứa trong lòng. Vậy mà thầy tu như bông xoài, thấy thì dường như quá nhiều, nhưng đến khi thành trái xoài chẳng còn được mấy trái.
    
Ở đây, chúng ta đã thấy cũng đồng là cá, nhưng biết bao con cá khác khi bị dính vào lưới rồi thì chỉ nằm chờ chết, không khi nào đủ sức để vùng vẫy thoát ra. Riêng chú cá kia hiên ngang dũng mãnh nhảy ra khỏi lưới, quả thật là quá tuyệt vời! Như vậy không giống người tu là gì? Nếu mới sinh ra ai cũng là Thánh hết thì chúng ta đâu cần phải vào chùa tu làm gì cho mệt và uổng công vô ích. Những người ngoài đời muốn làm cách mạng còn phải xa lìa ái dục như thế, huống hồ là người có chí hướng cao thượng như Thái tử Sĩ Đạt Ta, đã phát tâm vì lợi ích cho tất cả chúng sinh.
    
Thái tử chấp nhận bỏ hết tình riêng với tuổi đời đang còn hưng phấn mãnh liệt nhất về tình dục, thật ra cũng đắng cay chua xót lắm chứ, cái mà nhiều người mong muốn được như Ngài mà không bao giờ có được. Ngài đã vô lượng kiếp tu tâm từ rộng mở, muốn tìm ra nguồn gốc và thân phận của tất cả chúng sinh để tìm ra giải pháp giúp cho con người thoát ly khỏi sinh, già, bệnh, chết. Nhờ có lý tưởng cao cả và lập trường vững chắc đó, thái tử mới thoát ra được lưới ái, lìa buộc ràng, để ra đi tìm đạo giải thoát. Nếu Ngài không có tâm nguyện cao cả, lớn lao, để cứu khổ chúng sinh, thì cũng khó mà vượt qua khỏi chiếc lưới luyến ái vợ đẹp, con xinh.
    
Con người sống muốn làm được việc gì lớn lao, quan trọng cần phải có lý tưởng cao cả để phục vụ. Ta phải biết bỏ tình riêng để làm việc chung. Chính vì vậy, những người làm cách mạng thường sống độc thân để hoạt động, vì khi sống độc thân, họ có can đảm nói và làm những điều họ cho là đúng, để đem lại an vui, lợi ích cho đất nước. Cuộc sống độc lập đó cho phép họ sống thực sự là một người có bản lĩnh, dám chấp nhận xả thân, hy sinh để phục vụ, vì lợi ích đất nước, mà không bị vướng bận bởi sự đam mê luyến ái vợ chồng con cái, gia đình người thân.

Những người ngoài đời muốn làm cách mạng còn phải xa lìa ái dục như thế, huống hồ là người có chí hướng cao thượng như thái tử Sĩ Đạt Ta, đã phát tâm vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Dưới cội Bồ Đề với đủ thứ loại ma uy hiếp, khủng bố tinh thần, nhưng thái tử vẫn bất động trước những hình thù quỷ quái nhất, cùng những lời hăm dọa khủng khiếp nhất. Ngay đến tuyệt chiêu cuối cùng của chúa ma là hóa hiện ra hình ảnh của các cung phi mỹ nữ và Công chúa Da Du Đà La thật xinh đẹp đến trước mặt thái tử. 

Một trang tuyệt sắc giai nhân sà vào lòng chàng ôm khóc nức nở, trông hết sức tội nghiệp và đáng thương làm sao. Nếu giả sử lúc đó bạn là người đang trong hoàn cảnh như vậy, liệu bạn sẽ xử trí ra sao? Hay là bạn đành chấp nhận quay gót trở về theo tiếng gọi con tim, mà vùi dập lý trí. Nước mắt đàn bà sắc đẹp nghiêng thành, đổ nước và những lời tỏ tình âu yếm, ngọt ngào thì khó ai mà chịu bỏ qua. Vậy mà, đức Phật của ta vẫn bình tĩnh, sáng suốt, thấu rõ hết mọi vấn đề, nên vẫn như như bất động, mặc cho người đẹp khổ sở khóc lóc, van xin.
     
Một phàm phu bình thường sao có đủ can đảm ngoảnh mặt làm ngơ, khi người vợ yêu thương, đầu ấp tay gối thuở nào, nhất là bây giờ nàng lại xinh đẹp dễ thương hơn xưa rất nhiều, bởi sự biến hóa tài tình của ma vương. Giờ đây, nàng đang nằm gọn trong lòng chàng, kể lể khóc thương tha thiết: “Thiếp năn nỉ, van lạy chàng, hãy về sống với thiếp và con. Bao năm rồi, thiếp phòng the gối chiếc một mình, mòn mỏi trông ngóng đợi chờ chàng. Bao nhiêu vương công, tôn tử con nhà quý phái đến xin cầu hôn, thiếp đều một mực từ chối hết, vì thiếp hy vọng chàng sẽ là con người rộng mở trái tim yêu thương, quay về với thiếp và con. Chàng ơi, con mình nó cứ hỏi thiếp hoài “Cha con đâu rồi mẹ?” Thiếp chỉ nói: “Cha con bận học đạo hiền Thánh, để giúp dân, cứu nước. Con yên chí đi, cha con sẽ về trong một ngày gần đây nhất con ạ”.

Thiếp và con lúc nào cũng cần có tình yêu thương của chàng bên cạnh, để được chàng thương yêu, bảo bọc, chở che cho những tháng ngày còn lại. Chàng ơi, thiếp van lạy chàng mà, chàng hãy quay về với thiếp và con đi, hỡi chàng yêu dấu! Nếu chàng không chấp nhận đoái hoài đến thiếp thì cũng phải thương nhớ đến đứa con trai của chàng chứ. Giờ đây thiếp không còn thiết tha để sống nữa vì không có chàng bên cạnh, thiếp sẽ chết liền tức khắc cho chàng coi”.
    
Nói xong, nàng liền rút cây trâm trên đầu ra đưa thẳng vào tim. Lúc bấy giờ, không gian như ngưng đọng, vạn vật đều im lặng chờ xem thái tử giải quyết ra sao. “Đi đi, ta không dùng đâu, đồ đãi da hôi thúi”. Chỉ một câu nói nhẹ nhàng, tất cả lũ ma thảy đều biến mất. Vậy lúc ấy, thái tử đã sử dụng độc chiêu gì để vượt qua luyến ái tình dục chứ? Ngài chỉ dùng cây cung thiền định, cùng lưỡi kiếm trí tuệ, để quét sạch mọi ma mị trong tâm, nên ma quỷ bên ngoài không thể nào xâm nhập nổi. Đó là phương pháp độc nhất vô nhị, có một không hai trên cõi đời này, để chuyển hóa ham muốn luyến ái tình dục.

Hình ảnh con cá nhảy khỏi lưới và hình ảnh thái tử từ bỏ cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan nói lên việc chúng ta quyết tâm dứt khoát xa lìa ái ân khi biết được sự tác hại của nó. Đức Phật đã ví dụ sự si mê luyến ái, ham muốn khoái lạc ngũ dục, giống như chiếc lưới ái ân, chiếc lưới dục vọng, một khi ai đã dính vào lưới này, thì khó bề thoát ra. Người thật tâm muốn vượt qua lưới ái buộc ràng, thì trước tiên phải có niềm tin vào Tam bảo, tin vào chính mình, có chí nguyện thoát ly sinh tử, có thầy lành, bạn tốt và gìn giữ giới luật oai nghi, cùng với cây cung thiền định và lưỡi kiếm trí tuệ.

Kế đến, họ phải điều phục ngay nơi tâm ý của mình để thanh lọc nội tâm, dẹp hết tâm ma bên trong thì tâm ma bên ngoài không thể xâm nhập nổi. Cũng như chú cá kia, khi bị mắc vào lưới mà nhảy ra khỏi lưới mới thật là hay.

Ai cũng có khả năng làm chủ bản thân

Người tu ở đây không hạn cuộc là người xuất gia hay tại gia mà là người dám sửa đổi những thói quen tật xấu của bản thân, dám thừa nhận lỗi lầm để làm mới lại chính mình. Người tu luôn biết sám hối, hổ thẹn, quyết chí sửa sai, dám nhìn nhận sự thật, dám từ bỏ không tái phạm nữa.

Tu có nghĩa là sửa, là thay đổi và chuyển hóa, đổi xấu thành tốt, đổi ác thành thiện, đổi dở thành hay, nói chung là sửa đổi những thói quen có hại cho người và vật. Tu là cốt chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện, đây là nền tảng của sự tu hành và là bước đầu của người học Phật. Muốn cất nhà lầu ba tầng thì trước tiên chúng ta phải biết xây dựng nền móng nhân quả, chứ không thể cất ngay tầng thứ ba được.

Vậy nghiệp là gì? Nghiệp là năng lực, là hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần từ thân - miệng - ý của mỗi người, lâu ngày trở thành thói quen. Thói quen đó có sức mạnh lôi cuốn, chi phối, sai sử lại con người, đi theo hai chiều hướng tốt hoặc xấu.

Khi xưa chưa biết tu thì ta luôn làm các việc xấu ác, ý suy nghĩ rồi miệng nói năng và thân hành động làm khổ nhiều người, nay biết tu rồi thì cũng ngay nơi đó mà chuyển ba nghiệp thân-miệng-ý thành tốt lành. Người tu thì việc ác lánh xa không làm, việc lành nên cố gắng thực hiện, khi chưa biết tu thì thân có khi làm ác, miệng nói lời hung dữ, ý nghĩ xấu, ganh ghét và hận thù. Nay biết tu rồi thì thân tâm luôn hướng thượng, giúp đỡ và chia sẻ cho người khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Miệng nói lời hòa nhã, dịu dàng, dễ nghe, ý luôn nghĩ điều tốt lành, thánh thiện.

Cứ sau một lần thất bại và vấp ngã, người không có niềm tin về chính mình sẽ bị gục ngã trước, để rồi chấp nhận cuộc đời đen tối, mặc cho dòng đời cuốn trôi. Sau nhiều lần thất bại sẽ chôn vùi những con người quá yếu đuối, bạc nhược, hèn nhát, kém cỏi; ngược lại sẽ giúp cho những người có ý chí và nghị lực phi thường, thất bại với họ chỉ là thử thách. Đạo Phật không dạy chúng ta trốn tránh cuộc đời mà dạy chúng ta dũng cảm đối diện với cuộc đời, dùng trí tuệ từ bi để làm mới lại chính mình, vượt qua biển khổ sông mê nhằm góp phần phục vụ lợi ích cho hạnh phúc gia đình, xây dựng xã hội và thế giới hòa bình, an lạc lâu dài.

Người thật tâm muốn làm mới lại cuộc đời ngay nơi vấp ngã đó hãy can đảm đứng lên, vứt bỏ hết tất cả, giống như chú cá kia dám nhảy khỏi lưới để thoát thân; còn nhiều con cá khác vì không đủ khả năng thoát ra, đành cam chịu mắc lưới để chờ ngày làm thịt. Như người nghiện rượu nếu ngày nào không có, tay chân run lẩy bẩy không thể làm được việc gì, bắt buộc mỗi sáng phải đưa vô một hoặc hai xị mới có thể tỉnh táo trở lại, đó là chỉ nói sơ về tác hại của người ghiền rượu.

Muốn bỏ những thói quen nghiện ngập, si mê cũng không khó khăn gì, chúng ta phải nhận thức được sự tác hại của nó, tin sâu nhân quả, nhân nghiện ngập, quả si mê và cuối cùng dẫn đến cướp của, giết người không gớm tay để thỏa mãn cơn ghiền của mình. Chúng ta phải quyết tâm dũng mãnh, vượt qua giai đoạn vật vã, khốn khổ. Đa số người đời vì không chịu nổi chỗ này nên đành chấp nhận sống trong nghiện ngập, đam mê si dại.

Có nhiều người bỏ được thói quen xấu rồi, nhưng khi gặp bạn bè nói bóng, nói gió, “đàn ông không biết uống rượu là pê-đê”, nghe vậy tức quá nên để chứng minh mình không phải pê-đê, họ tiếp tục uống rượu trở lại, rốt cuộc rồi chứng nào tật đó, vì ai cũng thích được khen hơn bị chê dù biết đó là lời khen lấy lòng. Cũng vậy, con người ai cũng thích cảm giác khoái lạc hơn là bị những cơn vật vã hành hạ khốn khổ.

Như người hút á phiện, chích xì ke chẳng hạn, nếu người hút chích liên tục từ hai lần trở lên sẽ bị ghiền và rất khó bỏ. Có hai loại cảm giác khoái lạc làm cho con người đam mê say đắm khó rời xa, đó là khoái lạc nam nữ và khoái lạc ma túy. Trong tình yêu lứa đôi, nhờ biết cách vun bồi cho nhau nên duy trì được hạnh phúc gia đình. Khoái lạc nam nữ đã giúp cho nhiều người sống có trách nhiệm và bổn phận hơn trong sự nghiệp phát triển, duy trì nòi giống nhân loại.

Khoái lạc ma túy làm cho con người bị sa đọa trầm trọng, gây ra thảm họa cho loài người trong hiện tại và tương lai. Tác hại của nó hơn gấp trăm ngàn lần các thứ khác, ai dính vào vòng này coi như thân tàn ma dại, con người trở nên tàn ác vô lương tâm và sẵn sàng hành động dã man để có tiền thỏa mãn cơn nghiện. Người nghiện ma túy trăm người chỉ bỏ được một là cùng, hiện tại đã đến hồi báo động cho thế giới loài người, cứ mỗi ngày có thêm một trăm người bị bệnh sida. Tệ nạn xã hội càng ngày gia tăng, đến nỗi nhà tù mọc lên như nấm, sự thiệt hại về con người và vật chất quá lớn do con nghiện gây ra không sao tính kể.

Từ thế kỷ 21 trở về sau con người sẽ sống chung với bệnh hoạn, sống chung với ô nhiễm môi trường, sống chung với người nghiện ngập, sống chung với thiên tai, sống chung với nhiều người không có tình yêu thương chân thật, vì đạo đức suy đồi, nhân cách thấp kém, hiểu biết nông cạn. Chúng ta luôn bị lệ thuộc vào nhu cầu vật chất quá lớn nên tâm linh mai một, xã hội tha hóa, con người trở nên ác độc với nhau nhiều hơn vì không có tình yêu thương chân chính.

Chính vì vậy, chúng ta đang sống trong thời đại ô nhiễm mà không si mê, nghiện ngập quả thật là điều rất khó, nhưng khi đã vướng vào rồi mà thoát ra được mới là người đáng khâm phục và tôn kính, như cá nhảy khỏi lưới mới hay. Hay quá! Hay quá! Nếu cá ở ngoài lưới thì còn gì để nói, cá đã vào lưới mà còn nhảy ra được thì mới thật là hay. Đạo lý nhà Phật dạy cho mọi người ngay nơi nghiện ngập si mê luôn bị phiền não chi phối và sai sử, chúng ta cố gắng vượt qua được mới thật là hay!

Người phật tử chân chính cần phải thấu đáo chỗ này để cố gắng tiến tu, bởi có lỗi lầm nên quý vị mới đến chùa sám hối, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền và hay làm những điều phước thiện. Còn nếu chúng ta cứ chấp nhận số phận như một định mệnh, phó mặc cho thần linh thượng đế, chẳng cần phấn đấu vươn lên làm lại cuộc đời thì vô tình đẩy ta vào con đường cùng, không lối thoát. Đạo Phật không chấp nhận như thế, không thể đổ thừa cho số phận rồi nói theo thực thể cố định như có một cái gì quy định sẵn. Hạng người như vậy đáng thương hơn là đáng ghét vì họ thiếu hiểu biết, ít học hỏi, chẳng bao giờ gieo trồng phước đức, nên suy nghĩ và hành động không sáng suốt, đành cam chịu chấp nhận số phận đã an bài, để rồi suốt cuộc đời sống trong đau khổ, lầm mê.

Định kiến này sẽ không còn tác dụng đối với người dám làm mới lại chính mình, dám từ bỏ những điều bất thiện và quyết tâm khắc phục lỗi lầm, vì nhân quả có thể thay đổi được. Nếu nói cái gì cũng là cố định hết thì trên đời này không một ai tu được, nếu có tu cũng chẳng lợi ích gì. Đúng thế! Đúng thế! Cá ở trong lưới mà nhảy ra được, mới thật là hay. Vượt cạn lên bờ được mấy ai? Thoát khỏi cạm bẫy cuộc đời thật là khó vô cùng, nhưng người có ý chí và quyết tâm cao độ sẽ làm được chuyện này. Tuy nhiên, mọi người đều có tâm Phật sáng suốt, nên ai cũng có khả năng chuyển hóa và vượt thoát vòng luyến ái trần tục. Vậy, đúng là cá nhảy khỏi lưới mới hay!

Thích Đạt Ma Phổ Giác
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm