Cách chuyển hóa thói quen xấu
Trong mỗi con người luôn có sự tồn tại song song hai mặt thiện và ác. Nếu như mặt thiện được ví như con thuyền dẫn lối cho con người đi đến bến bờ hạnh phúc và thành công thì mặt xấu chính là những tảng băng trôi nguy hiểm gây ra bao khó khăn và thất bại ở đời.
Đức Phật đã từng dạy: “Chúng ta đang là những gì của chúng ta nghĩ” và không ai khác ngoài chính suy nghĩ – những thói quen xấu của chúng ta đã tạo nên nghiệp ác cho cuộc đời mình.
Những thói quen đó dù lớn dù nhỏ như hút thuốc, uống rượu, trộm cắp, đánh nhau, hay chửi bới hoặc nói dối, lừa lọc kẻ khác… đều có những tác động nhất định và cản trở cuộc sống tốt đẹp của chúng ta.
Chính vì vậy, nếu muốn cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn thì trước hết con người phải học cách thay đổi những thói quen xấu, những suy nghĩ tiêu cực mà hằng ngày chúng ta thường hành xử. Tuy nhiên, chuyển hóa thói quen xấu thì đòi hỏi con người cần phải nhận thức được thói quen xấu của mình, biết đặt ra mục đích cụ thể để tạo động lực, tránh xa môi trường cũ và thật kiên trì, dũng mãnh trên suốt con đường tu nghiệp.
Nhận thức được thói quen xấu của mình
Đức Phật khuyên dạy các Phật tử phải biết “xét mình” trong mọi hoàn cảnh. Xét mình để trở nên sáng suốt hơn, nhận thức được lẽ đúng điều sai trong mỗi hành động để từ đó có cách sửa chữa kịp thời. Chỉ có khi nào chúng ta biết nhận ra cái sai, ý thức được mức độ hậu quả mà nó mang lại thì lúc đó ý muốn được thay đổi mới nảy sinh và con đường chuyển hóa mới thật sự bắt đầu.
Tuy nhiên, để làm được việc tự xét mình và nhìn nhận lỗi lầm của chính bản thân thì không phải ai cũng làm được. Biết chắc ai cũng có thói quen xấu đó. Nhưng bởi vì cái tôi chi phối – sợ xấu hổ, sợ người khác chê cười, hoặc do nhận thức kém, có suy nghĩ đổ lỗi “tại cái này, tại cái kia” nên thực tế đã có rất nhiều người sai lầm trong nhận thức về thói quen xấu của mình.
Con người sinh ra trên cõi đời này muốn tồn tại thì phải học cách thích nghi, nương theo điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh sống. Không có quy luật ngược lại: thế giới chiều theo ý ta. Chính vì thế hãy luôn luôn nhìn lại mình theo lời Phật dạy, sẵn sàng dẹp bỏ cái tôi khi cần thiết để dám nhìn vào cái sai – những thói quen xấu của mình để có cách sửa chữa. Chỉ có như vậy con người mới có thể hòa nhập vào thế giới và nắm giữ được hạnh phúc trong cuộc đời.
Đặt ra mục đích để tạo động lực
Để chuyển hóa được thói quen xấu, khi đã nhận thức về nó một cách rõ ràng và có khao khát muốn thay đổi trước hết chúng ta phải xác định đó là một việc khó khăn. Chính vì thế, cần có kế hoạch, đặt ra mục đích rõ ràng để có động lực hành động.
Trên thực tế, không phải một người nào có ý muốn chuyển hóa thói quen xấu cũng đều thành công. Có những người nghiện rượu không bao giờ bỏ được rượu. Có những con nghiện game, nghiện ma túy cả đời vẫn cứ dính vào game và ma túy không bao giờ thoát ra được mặc dù không biết bao nhiêu lần đeo gông cùm, xích sắt trong trại cai nghiện… Chính bởi vì mục đích ban đầu của họ đặt ra không rõ ràng và còn yếu ớt chưa đủ tạo động lực để dẫn đến thay đổi.
Để chuyển hóa được thói quen xấu chúng ta phải biết đặt ra mục đích cụ thể dựa trên nhận thức sâu sắc. Nếu không thay đổi thì hệ quả tất nhiên theo luật nhân quả là sẽ gặp báo ứng. Còn nếu mục đích của chúng ta chỉ vì danh dự, vì lời nói của người này, vì bác sỹ nói thế kia mà bản thân trong tâm chưa thật sự giác ngộ thì không bao giờ chúng ta thành công trên con đường tu tập.
Mỗi chúng ta hãy đặt ra những mục đích cao cả, hướng đến những điều tốt như noi gương đức Phật, các vị Bồ Tát hay đọc Kinh niệm chú… để chúng ta có thêm động lực và ý chí trên con đường chuyển hóa thói quen xấu của mình.
Tránh xa môi trường xấu
Cổ nhân có câu “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” là để nói đến sự tác động của môi trường sống đến hành động của con người. Chính vì thế một khi chúng ta đã xác định sẽ thay đổi thói quen xấu thì tuyệt đối phải tránh xa những môi trường dung chứa thói quen xấu đó.
Ví như một người muốn bỏ rượu thì đừng bao giờ đi đến quán nhậu. Người muốn bỏ thuốc thì đừng bao giờ để mình ngửi hoặc nhìn thấy bao thuốc… Nếu không thể tách biệt thì chúng ta không thể nào quên được nó, bởi nó cứ hiện diện nhắc nhớ đường mòn và mời gọi nhu cầu chúng ta quay trở lại.
Chính vì thế, nếu thật sự muốn từ bỏ thói quen xấu, chúng ta phải biết tìm cho mình một môi trường mới hoàn toàn không “chứa chấp” nó như nhà chùa để tu tập. Các Phật tử có thể đến chùa đọc Kinh, niệm Phật hoặc tham gia nhiều hoạt động lành mạnh khác để quên đi thói quen xấu; đồng thời cũng giúp mình xây dựng những thói quen mới, tốt và có ích hơn cho cuộc đời.
Có ý chí kiên trì và nỗ lực hết mình
Việc chuyển hóa thói quen, đặc biệt thói quen xấu cần hiểu là một con đường gian nan và nhiều trắc trở.
Một nhà tâm lý học thế giới có lần đã ví sự kiềm chế của con người và nhu cầu – thói xấu của con người giống như người quản tượng và con voi. Có nghĩa là sức lực kiềm chế những nhu cầu của chúng ta trong cuộc sống là có giới hạn- chỉ như người quản tượng mà thôi. Trong khi đó, những nhu cầu để dẫn ta đến với thói quen xấu là quá lớn và mạnh: như con voi. Chính vì thế trên một con đường dài điều phục thói quen xấu đòi hỏi chúng ta phải hết sức khéo léo và có tinh thần dũng mãnh, nỗ lực không ngừng.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở mức độ kiềm chế trong đau khổ mà không thật sự giác ngộ thì đến một lúc nào đó con voi đó cũng sẽ quật ngã được chúng ta.
Đối với chúng ta, nếu xuất phát từ ý nguyện chân thành và thật sự giác ngộ thì lúc đó chúng ta mới có đủ ý chí và lòng kiên trì tu tập để đạt đến thành công. Lòng kiên trì đó biểu hiện ở chỗ, dù có thất bại bao nhiêu lần nhưng điều quan trọng là đừng bao giờ từ bỏ. Đức Phật đã từng nói người biết lỗi mà sửa là một trong hai hạng người đáng quý nhất trên đời. Chính vì vậy, thay đổi thói quen xấu để cuộc sống tốt đẹp hơn không bao giờ là quá muộn đối với một ai.
Và nếu như việc chuyển hóa thói quen xấu quá khó khăn thì chúng ta hãy thực tập đi từng bước một. Các Phật tử có thể thay đổi dần dần, chăm đọc Kinh Phật, niệm chú, đi chùa, làm việc thiện…
Tuy nhiên nếu trên con đường ấy có xảy ra thất bại thì chúng ta cũng không nên nản chí. Hãy bắt đầu lại từ đầu, tiếp tục nỗ lực và kiên trì đừng bao giờ từ bỏ. Vì chỉ có khi chuyển hóa được thói quen xấu của mình thì con người mới trở nên tốt đẹp - hạnh phúc và thành công hơn trong cuộc đời.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ra đi để biết nẻo về
Phật giáo và người trẻ 13:50 01/11/2024Có một cô bé vì làm quấy nên bị mẹ quở mắng, cô cãi lại mẹ rồi tức giận bỏ nhà ra đi. Cô đi lang thang từ sáng đến tối mà chẳng biết về đâu, bụng đói meo vì không có gì bỏ vào cả, trong túi của cô cũng chẳng có tiền.
“Thành tâm niệm Phật đi, sẽ có những điều mầu nhiệm”
Phật giáo và người trẻ 13:55 31/10/2024Lúc còn nhỏ, không hiểu vì lý do gì mà đột nhiên tôi có khối u ở cổ, ăn uống chẳng được, cơ thể mệt mỏi, đau nhức lắm. Lúc đầu bác sĩ ở tỉnh tưởng là viêm tuyến giáp nên cho uống thuốc kháng sinh, uống được một tuần nhưng khối u càng lúc càng to.
Nhớ lại bốn kiếp luân hồi, thấm thía sự công bằng của nhân quả
Phật giáo và người trẻ 13:00 30/10/2024Chịu những quả báo bệnh tật, tai ương, tôi không còn oán thán, than trời trách đất, mà bình thản lãnh chịu. Dù cho đau khổ có gấp nhiều lần hơn thế nữa, thì cũng là nhân quả công bằng, mình làm mình chịu.
Trì tụng chú Đại Bi, điều kỳ diệu đã xảy ra với tôi
Phật giáo và người trẻ 11:15 30/10/2024Tôi không thể tin rằng khi tôi vô tình trì tụng Chú Đại Bi mà điều kỳ diệu sẽ xảy ra với tôi! Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thật sự biết ơn ảnh hưởng của đạo Phật nên tôi đã kịp thời cảnh tỉnh. Chú Đại Bi đã khai mở trái tim đại bi của tôi...
Xem thêm