Cách thức tụng Kinh, trì Chú, niệm Phật
Tụng Kinh, trì chú và niệm Phật là ba nghi lễ trợ duyên mang đến cho Phật tử công đức để đạt kết quả trên con đường tu học. Đã là Phật tử thì không ai không biết. Song đây vẫn còn có người cho rằng những nghi lễ này khá phức tạp, nếu thực hành sai thì sẽ mang tội với chư Phật.
>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc
Theo lời Đức Phật, dù tu hành bằng cách nào, tu sai hay tu đúng, tu thành tâm hay vọng tâm thì các Phật tử đều có phúc báu nhất định nhưng với mức độ khác nhau và đều không có tội.
Người tu vọng tâm cũng phúc báu nhưng phúc báu sẽ ít hơn những người tu thành tâm. Người tu thành tâm nhưng tu sai cũng sẽ có ít phúc báu hơn người tu thành tâm mà tu đúng.
Người tu tại gia cần nắm rõ cách tụng Kinh, trì chú và niệm Phật để khi thực hiện hành trì tại nhà có thể phát huy một cách hiệu quả và tiến xa hơn trên con đường tu học của mình.
Tụng Kinh
Tụng kinh là hành động đọc để tìm hiểu ý nghĩa và ghi nhớ lời dạy của chư Phật. Nhờ đó mà Phật tử sẽ ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày để có thể chuyển hóa, chế ngự được những thói xấu tật hư của bản thân.
Tất cả các bộ Kinh của Đức Phật đều có ý nghĩa về mặt phúc báu như nhau. Dù tụng Kinh gì, bằng ngôn ngữ gì và trong hoàn cảnh nào thì cũng đều có phúc báu. Cho nên mỗi Phật tử có thể chọn bất cứ bộ Kinh nào để tụng chứ không nhất thiết phải: tụng Kinh Phổ Môn, Dược Sư khi muốn cầu an; tụng Kinh A Di Đà, Vu Lan khi cầu siêu hoặc khi ăn chay mới được tụng Kinh Pháp Hoa…
Phật tử nên chọn những bộ Kinh đã được chư Tăng, Ni, các dịch giả dịch ra tiếng Việt. Như thế sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn lời dạy của Đức Phật.
Về cách thức tiến hành thì tùy vào hoàn cảnh và điều kiện mà các Phật tử tại gia có thể linh hoạt sao cho phù hợp, nhưng cơ bản gồm các bước sau đây:
Trước hết phải chuẩn bị tư thế trang nghiêm: vệ sinh sạch sẽ, trang phục chỉnh tề.
Sau đó bước đến thắp hương lên bàn thờ Phật và vái 3 lạy, để nguyên tư thế chắp tay và tụng luôn một bài Kinh mình chọn. Các Phật tử có thể tụng đầy đủ Phẩm, nếu không có thời gian hoặc sức khỏe thì sẽ đặt ra mục tiêu hôm nay ta tụng mấy Phẩm. Khi dừng lại ở Phẩm nào cần có một tờ giấy để đánh dấu và hôm sau ta sẽ tụng Phẩm tiếp theo.
Trong khi tụng, các Phật tử có thể tụng thành tiếng khi ở một mình trong phòng riêng hoặc tụng thầm nếu không muốn người khác nghe thấy. Và mặc dù tụng Kinh với hình thức như thế nào: tự xướng hay có Khánh, Chuông, Mõ thì điều quan trọng nhất chính là sự thành tâm.
Trong khi hành trì các Phật tử cần phải có chánh niệm tuyệt đối, loại bỏ được ý niệm đời thường thì công đức và phúc báu tạo ra mới được viên mãn.
Nếu muốn hành trì tụng Kinh một cách bài bản và đầy đủ hơn thì các Phật tử có thể thêm lời dẫn nhập. Sau phần dẫn nhập ta sẽ đọc bài Kinh tùy ý và sau đó kết thúc. Lời dẫn nhập tiếp nối sau khi chúng ta đã thắp nhang và vái lạy. Thông thường chúng ta hay đọc bài Nguyện Hương, sau đó đọc Chí Tâm Đảnh Lễ, tiếp theo một bài Kinh và kết thúc bằng bài Bát Nhã, bài Kệ Niệm Phật, Hồi Hướng, Sám hối và Quy y.
Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng lời dẫn nhập và phần cuối Kinh cho bất kỳ bài Kinh nào, không nhất thiết phải câu nệ nội dung hay hình thức. Bởi căn bản, tất cả bài Kinh của Đức Phật đều có giá trị ngang nhau và đều có mục đích răn dạy Phật tử ở mọi mặt của cuộc đời. Căn cốt nhất là mỗi Phật tử có lòng thành, quyết tâm hành trì, có thể dành ra mỗi ngày một khoảng thời gian thì chắc chắn sẽ tạo ra được nhiều công đức để hóa giải những muộn phiền trong cuộc sống.
Trì Chú
Người Phật tử trì Chú để được chư Phật và chư Bồ Tát trợ duyên, tiêu trừ tà ác và gặp được điều lành. Như: trì Chú “Tiêu tai kiết tường” để tiêu trừ hoạn nạn, tai chướng; trì Chú “Lăng Nghiêm”: để phá trừ ma chướng và nghiệp báo nặng nề hay trì Chú “Chuẩn Đề” để trừ tà diệt quỷ…
Song nhiều Phật tử tại gia bận rộn với cuộc sống gia đình cho nên thường trì Chú Đại Bi và Thập Chú, đây là những Chú ngắn và dễ hiểu. Khi trì Chú, các Phật tử cần phải giữ thái độ trang nghiêm, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, trang phục chỉnh tề và đặc biệt trong suốt quá trình trì Chú, cần phải thành tâm mà khấn nguyện.
Các Phật tử nên đặt ra mục tiêu mình sẽ trì Chú nào và trì bao nhiêu Biến và sau đó sử dụng hạt tràng chuỗi 18 hoặc 108 hạt để đếm. Các Phật tử có thể tiến hành trì Chú ở bất cứ đâu như trên xe, trên giường ngủ, phòng khách và trang phục cũng có thể linh hoạt. Duy chỉ khi đứng trước bàn thờ Phật thì nhất thiết phải trang nghiêm, thanh tịnh, trì Chú trong chánh niệm.
Cũng như tụng Kinh, trì Chú một cách bài bản nhất cũng cần phải có lời dẫn nhập và phần kết thúc. Phần dẫn nhập, các Phật tử có thể chỉ tụng Pháp Giới, tụng Khẩu Nghiệp hoặc tụng Tam Nghiệp rồi sau đó đọc Nam Mô quan Thế Âm Bồ Tát, Nam Mô Đại Thượng Quan thế Âm Bồ Tát. Sau phần dẫn nhập chúng ta sẽ tiến hành trì Chú. Trì Chú xong cũng kết thúc bằng một bài Hồi Hướng bất kỳ và lời cầu nguyện được vãng sinh tịnh độ, tùy theo sở nguyện của mỗi người.
Điều quan trọng nhất là khi trì Chú là các Phật tử phải chuyển hóa được tâm thức của mình để loại bỏ mọi tạp niệm trần tục thì những lời Chú mang lại mới thật sự hiệu quả và viên mãn.
Niệm Phật
Niệm Phật là tưởng nhớ đến những tấm gương sáng như Đức Phật và chư vị Bồ Tát để chuyển hóa thân tâm. Khi niệm Phật, Phật tử niệm danh bất cứ Đức Phật nào cũng đều nhận được công đức vô lượng vô biên. Bởi vì Đức Phật nào cũng đủ cả 10 hiệu, đồng một tâm toàn giác, từ bi vô lượng, phúc trí vô biên và lòng thương chúng sinh vô cùng tận.
Phật tử thường niệm Tam thế Phật: Niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; niệm đức Phật A-Di-Đà và niệm đức Phật Di Lặc, đây là những Ngài gần gũi và liên quan trực tiếp đến những sở nguyện của con người.
Khi tiến hành niệm Phật, cũng tương tự như Trì Chú, Phật tử phải hoàn toàn từ bỏ tạp niệm, thành tâm và khấn nguyện. Các Phật tử có thể niệm Phật trong tư thế thiền là tốt nhất. Thời gian và không gian hay hình thức niệm to, niệm nhỏ, niệm nhiều, niệm ít… đều có thể tùy vào hoàn cảnh của từng người mà linh hoạt sao cho phù hợp.
Nếu như các Phật tử niệm Phật tiếp theo khi đang hành trì tụng Kinh và trì Chú thì phần dẫn nhập chúng ta không cần nhắc lại, mà chỉ thêm phần Hồi Hướng. Còn nếu chúng ta đi vào niệm Phật luôn thì chỉ cần đọc bài A Di Đà thân Kim Sắc hoặc bài Chúng thích tử kiền thiền xưng tán Đức Di Đà rồi sau đó đi vào niệm Phật luôn. Các Phật tử nên chú ý đến thời lượng mặc định khi niệm Phật rồi sau đó tiến đến kết thúc bằng một bài Hồi Hướng bất kỳ và cầu nguyện Phật tùy theo ý nguyện của mỗi người.
Tụng Kinh, trì Chú và niệm Phật rất cần thiết cho các Phật tử trên con đường tu học. Nếu các Phật tử biết cách thực hiện đúng các nghi lễ, biết vận dụng tâm hành trì và hành trì một cách quyết tâm trong chánh niệm thì công đức và phúc báu đạt được sẽ là vô biên, vô lượng để từ đó hóa giải được mọi đau khổ trong cuộc đời muôn vạn kiếp.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Công năng của thần chú Vô Lượng Thọ
Kiến thức 16:17 23/12/2024Phật tử thực tập pháp môn tu Tịnh thì niệm Phật khi nào đạt chánh niệm, hoặc tu từ một đến 03 năm, có thể phát tâm gia hạnh thêm một vài pháp môn khác như là Mật, hay Thiền, chừng đó tâm không bị rối loạn.
Diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm
Kiến thức 10:11 23/12/2024Thần chú Lăng Nghiêm là chú cốt tủy trong Phật giáo, học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật.
Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?
Kiến thức 06:10 23/12/2024Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Xem thêm