Cách tắm Phật đúng trong lễ Phật Đản
Tắm Phật là một lễ hội văn hóa tâm linh của tất cả mọi người con Phật trên khắp thế giới. Nghi lễ này rất quan trọng trong hầu hết các truyền thống Phật giáo. Mỗi năm vào dịp lễ Phật Đản, nghi lễ tắm Phật đều được diễn ra rất trang nghiêm, trọng thể.
Nguồn gốc của nghi lễ tắm Phật
Nghi lễ tắm Phật là một trong những nghi thức phổ biến của Lễ Phật Đản hằng năm trong nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau. Nghi thức này vốn đã xuất hiện khá lâu tại Ấn Độ, Trung Á và Trung Hoa, và ngày nay được duy trì trong hầu hết các cộng đồng Phật giáo khắp nơi như một cử chỉ, một hành động để tỏ lòng tôn kính, hân hoan của người con Phật đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ trên cuộc đời này, cách đây hơn 2.600 năm.
Nguồn gốc của Nghi lễ tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đản sanh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni. Các bản kinh thuộc hai truyền thống Nam và Bắc truyền đều ghi lại rằng, khi hoàng hậu Ma-da đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử.
Sự kiện này được ghi lại trong kinh Đại bổn (Trường Bộ II), kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (Trung Bộ III), lời mở đầu của bản chú giải truyện Bổn Sanh (Nidānakatha). Theo bộ Đại sự (Mahāvastu), khi thái tử ra đời, hai dòng nước ấm và lạnh thơm dịu, trong lành từ trên không trung rưới xuống để tắm cho Thái tử. Tác phẩm Phật sở hành tán của ngài Mã Minh cũng ghi lại như trên.
Theo kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, khi thái tử ra đời có bốn vị Thiên vương dùng vải quý cõi trời nâng thái tử, Thích Đề Hoàn Nhơn mang lọng báu cùng Đại Phạm Thiên đứng hầu hai bên. Lúc đó có hai vị Long vương là Nan-đà và Ưu-ba-nan-đà từ trên hư không phun hai dòng nước ấm và mát để tắm thân Thái tử. Có lẽ chính sự cung kính của chư thiên đối với sự kiện Đản sanh của thái tử được mô tả trong bản kinh này đã tạo nguồn cảm hứng để về sau trong mùa Phật đản, người Phật tử thường tôn trí tượng Đản sanh trong một bồn hay thau sạch và quý, đặt trong điện thờ Phật hay một nơi nào đó trang nghiêm, dùng nước sạch có ướp các loài hoa thơm để làm lễ tắm Phật nhằm tưởng nhớ đến ân đức của Đức Phật và bày tỏ niềm tôn kính sâu xa đối với Ngài.
Trước đây, ngày kỷ niệm Phật đản sanh là mùng 8 tháng Tư âm lịch nên lễ tắm Phật được tổ chức vào ngày này. Đến năm 1950, Phật giáo thế giới thống nhất kỷ niệm Phật đản vào ngày 15 tháng Tư âm lịch, nên sau đó, ngày lễ tắm Phật cũng được thay đổi, tùy theo hoàn cảnh có thể tổ chức lễ này trong các ngày từ mùng 8 đến 15 tháng Tư âm lịch hàng năm..
Cách tắm Phật đúng
Gợi ý thực đơn chay cho ngày rằm tháng 4
Để thực hiện lễ tắm Phật, trước phải trần thiết bàn thờ với đầy đủ hương hoa, thỉnh tôn tượng Phật sơ sinh để trong chậu hoặc thau lớn tinh sạch. Chuẩn bị nguyên liệu nấu nước thơm tắm Phật. Ở nước ta các Phật tử thường nấu nước với hoa lài, hoa cúc, quế…, chờ nước nguội đổ vào chậu và rải thêm hoa lài vào nước tắm Phật. Có nơi giản tiện thì dùng nước mưa, nước lọc tinh sạch nấu chín (vì làm lễ xong có một vài người thọ dụng).
Theo Dục Tượng Công Đức Kinh: “Phải dùng các thứ diệu hương như Ngưu đầu, Chiên đàn, Tử đàn, Đa ma la hương, Cam tùng, Bạch đàn, Uất kim, Long não, Trầm hương, Xạ hương, Đinh hương... làm thành nước thơm đựng ở trong chậu sạch”. Nước tắm Phật phải là nước tám công đức, vì vậy người chuẩn bị nước cần phải thành tâm, tin tưởng trọn vẹn vào công đức tắm Phật mới thành tựu như nguyện.
Đến giờ hành lễ, đạo tràng trì tụng kinh sám theo nghi thức Lễ tắm Phật. Đến đoạn tắm Phật, mọi người đồng tụng kệ và chú Tắm Phật rồi tuần tự đi đến lễ đài tôn trí tượng Phật sơ sinh chắp tay thành kính đảnh lễ, múc nước nhẹ nhàng tưới lên hai vai của Ngài. Trong lúc tắm Phật, mỗi người cần lắng lòng thanh tịnh quán tưởng dòng nước cam lộ tinh sạch này sẽ gội nhuần tâm tư. Những tâm niệm tham lam, sân hận và si mê của bản thân nhờ công đức này mà được tẩy sạch. Những suy nghĩ, lời nói và việc làm xấu ác cũng được xóa tan. Thân tâm trở nên thanh tịnh, mát mẻ, nhẹ nhàng.
Đối với những ngôi chùa chưa có thầy trụ trì cũng nên tổ chức làm lễ tắm Phật trong mùa Phật đản. Tuy nhiên, vị Phật tử chủ lễ phải hết sức thành tâm, trang nghiêm và thanh tịnh. Cùng với sự chuẩn bị chu đáo và tâm thành kính của toàn thể đạo tràng, chắc chắn lễ tắm Phật sẽ đem đến vô lượng công đức và pháp lạc cho toàn thể Phật tử.
Đối với người Phật tử, sự tôn kính, lòng nhiệt thành đối với Đức Phật trên nền tảng của chánh kiến mới thực sự mang lại cho họ một niềm tin trong sáng và sự an lạc đích thực, lâu dài. Mỗi khi dâng một nén hương, một đóa hoa, một phẩm vật lên Đức Phật, hay khi rưới những dòng nước tinh khiết lên tôn tượng của Ngài, đó chính là nhân duyên thù thắng để mỗi người quay về với chính mình, hầu tự sách tấn, tự trang nghiêm cho bản thân bằng hương đức hạnh, bằng hoa trí tuệ, và bằng nước nhẫn nhục, từ ái, tùy thuận thích ứng với mọi nhân duyên, ngay cả chướng duyên để hướng đến một nếp sống hướng thượng, tỉnh giác. Phải chăng chính những lúc đó, mỗi người đang tự tắm Phật trong từng sát-na của đời mình?
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Xem thêm