Cảm nhận về bài tựa thần chú Lăng Nghiêm
Đối với Tăng Ni thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông thì chú Lăng nghiêm không có gì là xa lạ.
Dù rằng “Đi lính sợ trèo ải/Làm sãi sợ Lăng nghiêm” nhưng hình như không có chú tiểu nào ở chùa mà không thuộc làu như cháo năm đệ Lăng nghiêm ngay từ khi mới vào chùa. Chú Lăng nghiêm khó thuộc là bởi vì đã dài mà lại là mật chú, chỉ tụng mà không thể hiểu nghĩa. Nhưng trước khi vào năm đệ Lăng nghiêm thì có một bài Tựa không phải là mật chú, có thể hiểu được. Bài Tựa này chính là lời của Tôn giả A-nan bày tỏ với Đức Phật sau khi ngài thoát khỏi nạn Ma-đăng-già trong đường tơ kẽ tóc. Tăng Ni tụng chú Lăng nghiêm vào mỗi sớm thức dậy, khoảng 4 giờ sáng. Tuy là tụng mỗi ngày như vậy, nhưng mỗi người sẽ có sự cảm nhận khác nhau. Riêng đối với tôi, bài Tựa chú Lăng nghiêm chẳng khác gì một bản hùng văn thiên cổ, mà mỗi lần đọc tụng tôi như được tiếp thêm sức mạnh trong sự nghiệp thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.
Chuyện kể rằng một lần nọ trên đường khất thực, Tôn giả A-nan gặp phải cô gái tên là Ma-đăng-già. Cô này phải lòng A-nan và muốn chiếm hữu ngài nên đã dùng bùa chú làm cho A-nan bị mê hoặc. Cũng may Đức Phật biết được nên đã nói thần chú Lăng nghiêm để hóa giải bùa, cứu ngài A-nan khỏi kiếp nạn bị mất giới thân huệ mạng. Ngài A-nan sau khi thoát nạn, hết sức ăn năn, tự trách mình trước đây chỉ ham học rộng nghe nhiều mà không chịu tu. Vì đạo lực yếu kém nên mới bị bùa yêu mê hoặc như vậy. Cho nên ngài mới xin Đức Phật dạy cho phương pháp tu hành. Đức Phật liền vì ngài mà nói kinh và thần chú Lăng nghiêm. Sau khi nghe xong, A-nan cảm kích vô cùng, liền trước Phật mà phát lời thệ nguyện. Đó chính là bài Tựa chú Lăng nghiêm mà ta tụng mỗi sáng vậy.
Đoạn kinh có 18 câu mà nội dung xuyên suốt là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”. Người tu để đi đúng đường và có kết quả thì trước hết phải lập nguyện. Tu mà không lập nguyện thì như thuyền không có bánh lái, như lục bình trôi sông, nước lớn trôi lên, nước ròng trôi xuống, bản thân không có chủ định, không có nỗ lực gì cả. Mà bản nguyện chân chánh của người tu là gì? Đó chính là nguyện thành Phật. Không phải nguyện rồi bỏ đó, chừng nào thành cũng được, mà muốn thành ngay lập tức, thành nhanh chóng, càng nhanh càng tốt. “Bất lịch tăng kỳ hoạch Pháp thân” thể hiện sự tha thiết muốn thành Đạo liền của ngài A-nan. Vì ngài cảm thấy rằng những ngày tháng qua, ngài đã lãng phí quá nhiều thời gian và công sức cho những việc bên ngoài, cho nên bây giờ ngài phải tranh thủ tu, tranh thủ diệt cái “ức kiếp điên đảo tưởng” để mà sớm đạt được “Pháp thân”.
Ngài A-nan mong sớm thành Phật không phải để được vĩnh viễn an hưởng nơi cảnh giới Niết-bàn tịch tịnh mà là “hoàn độ như thị hằng sa chúng”, trở lại hóa độ chúng sinh như số cát sông Hằng. Chẳng những thế mà ngài còn phát nguyện “ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”. Đây có thể nói là một phát nguyện vô cùng vĩ đại, thể hiện đúng nghĩa tinh thần Bồ-tát đạo. Tâm lý chung của con người là lánh nặng tìm nhẹ, hoặc nếu có giúp người thì cũng tùy duyên theo kiểu tiện thì làm, còn khó quá thì cho qua. Đời ngũ trược là mang ý nghĩa những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, nguy hiểm nhất. Những hoàn cảnh như thế, vị Bồ-tát, mà đại biểu ở đây là ngài A-nan, sẵn sàng xông vào trước để hóa độ, đúng như câu nói “Ta không vào địa ngục thì ai vào”. Ngài còn phát nguyện rằng, nếu có một chúng sinh còn chưa thành Phật thì ngài vẫn còn tiếp tục ở lại đời để độ họ chứ không nhập Niết-bàn. Và cuối cùng ngài kết luận là “Thuấn-nhã-đa tánh khả tiêu vong/ Thước-ca-ra tâm vô động chuyển”: Dù cho cõi hư không có tan hoại/ Tâm nguyện thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh của ngài vẫn kiên cố không hề lay chuyển.
Trong Phật giáo có nhiều bài kinh, đoạn kinh hay, nhưng bài Tựa chú Lăng nghiêm này quả thật là một tuyên ngôn hùng hồn về ý chí và hạnh nguyện của Bồ-tát. Nếu như hàng Thinh văn được cho là những người cầu thoát ly sinh tử thì Bồ-tát là những hành giả phát nguyện đi vào sinh tử, vào cuộc đời để phục vụ chúng sinh. Một vị A-la-hán sau khi nhập diệt rồi thì như “củi hết lửa tắt” không còn gì nữa, còn Bồ-tát thì nguyện đời đời kiếp kiếp tái sinh trong sinh tử luân hồi để hành đạo cho đến khi viên thành đạo quả Bồ-đề. Đối với Bồ-tát, tự lợi không tách rời lợi tha. Thành Phật sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi chúng sinh hãy còn lặn hụp trong biển khổ trầm luân. Cho nên cuộc đời càng đau khổ thì Bồ-tát càng muốn đi vào đó để chia sẻ và giúp đỡ họ.
Hiện nay, có một số người không có thiện cảm với Phật giáo Đại thừa, vì nghĩ rằng kinh điển Đại thừa không phải do Đức Phật thuyết, thậm chí ảnh hưởng Bà-la-môn giáo (Lạ một điều là họ lại chấp nhận A-tỳ-đạt-ma, vốn cũng không phải do Đức Phật thuyết). Phật giáo Đại thừa có ảnh hưởng Bà-la-môn giáo hay không không quan trọng và cũng không phải là điều ta bàn ở đây. (Mà dù có ảnh hưởng lẫn nhau cũng là bình thường. Chẳng phải Đức Phật cũng tiếp thu Tứ thiền Bát định vốn đã có từ trước hay sao, khi Ngài học đạo với hai vị đạo sư Bà-la-môn). Điều quan trọng là Phật giáo Đại thừa đã phát động thành công một phong trào tu học và hành đạo tích cực. Những người phản đối Phật giáo Đại thừa đã không nhận ra vai trò cũng như đóng góp của Phật giáo Đại thừa đối với sự tồn vong của Phật giáo (ở Ấn Độ) thời bấy giờ, khi mà cả nội dung lẫn hình thức của Phật giáo bộ phái gần như không còn sức sống. Họ không nhận ra tâm huyết và trăn trở của các nhà Đại thừa muốn vực dậy tôn giáo của Đức Phật khi nó đang chết dần chết mòn như cái cây bị thiếu nước lâu ngày. Sự ra đời của Phật giáo Đại thừa đã đem đến một luồng gió mới sống động và mát mẻ cho bầu trời Phật giáo ảm đạm đương thời. Có hình ảnh nào có thể thúc đẩy ta cầu học một cách mạnh mẽ như hình ảnh một Thiện Tài đồng tử. Có hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm lướt trên sóng biển ba đào một cách tự tại để cứu độ những chúng sinh đang đau khổ.
Trong khi tán dương Phật giáo Đại thừa không có nghĩa là ta nói Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Tiểu thừa thiếu tinh thần nhập thế, nhưng cái gì cũng vậy, phải có lý tưởng và phong trào thì người ta mới có động cơ để làm theo. Lý tưởng của Phật giáo Nguyên thủy là giải thoát sinh tử luân hồi, còn lý tưởng của Đại thừa Bồ-tát là độ sinh. Khi đã mang cái tâm lý đó rồi thì tất nhiên người ta phải khuôn cuộc sống của mình theo cái xu hướng đó. Hàng Thanh văn cũng có độ sinh, nhưng độ sinh không phải là lý tưởng của họ. Lý tưởng của họ là giải quyết vấn đề sinh tử trước, còn độ sinh là tùy duyên. Ngược lại, Bồ-tát coi thường sinh tử, và coi việc độ sinh là lý tưởng, là mục đích. Có thể thấy trong hiện tại rằng, nếu không có Phật giáo Đại thừa thì cũng sẽ không có Ni sư Chứng Nghiêm và Hội Từ tế, không có Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Phật giáo Tiếp hiện (Socially Engaged Buddhism). Một điều rất rõ ràng là hầu hết các tổ chức từ thiện, các chương trình phục vụ cộng đồng đều được thực hiện bởi các Tăng Ni và Phật tử theo Phật giáo Đại thừa. Họ có lý tưởng và động cơ để làm điều đó.
Mỗi buổi sáng tụng chú Lăng nghiêm và bài Tựa này, tôi như được tiếp thêm sức mạnh trong việc tu hành và phụng sự chúng sinh. Tôi không còn sợ sinh tử nữa mà ngược lại, nguyện đời đời kiếp kiếp đi trong sinh tử để chia sẻ những khổ đau của chúng sinh, cũng như hướng dẫn họ đến với Phật pháp như là con đường, là phương thuốc trị bịnh khổ đau, phiền não, vô minh. Tôi cũng không còn né tránh những công việc khó khăn gian khổ nữa, không còn nạnh hẹ những việc nặng nhọc, dơ bẩn trong đại chúng nữa.
Hạnh nguyện của chư Bồ-tát quá lớn lao, mà những gì mình làm thì có đáng là gì. Cũng vì nghĩ như thế nên đối với những được mất, những lời khen, tiếng chê tôi thấy mình vững vàng hơn. Bởi vì một người đã coi thường sinh tử, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, đã phát nguyện “đời ác năm trược xin vào trước”, thì còn có thể quan trọng chuyện gì nữa, còn chuyện gì làm cho ta lo sợ nữa. Quả thật là nội dung lời Tựa chú Lăng nghiêm có tác dụng khích lệ vô cùng to lớn. Để rồi mỗi sáng thức dậy tụng kinh, tôi như được nạp thêm năng lượng cho cả ngày: Thuấn-nhã-đa tánh khả tiêu vong/ Thước-ca-ra tâm vô động chuyển.
Nguồn: Báo Giác Ngộ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm