Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 03/10/2020, 07:06 AM

Câu chuyện trồng rừng

Trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy rằng: “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta”.

Trồng cây có phước báo gì?

Hoặc Vinaya-matrka-sastra dạy rằng: “Một Tỳ kheo trồng ba loại cây: cây ăn trái, cây cho hoa và cây cho lá để cúng dường Tam bảo sẽ ân hưởng sự gia trì và không phạm tội” và “có năm loại cây không được chặt, đó là cây bồ đề, cây thuốc, những cây lớn mọc bên đường, cây trong rừng xứ lạnh và cây đa”.

Kinh A Hàm nhắc đến: “Tỳ kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: Ta nương vào khu rừng để ở, chưa có chánh niệm sẽ được chánh niệm; tâm chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu hoặc chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết Bàn an ổn vô thượng sẽ chứng đắc Niết Bàn… Này các Tỳ kheo phải bảo vệ môi trường tự nhiên trong sạch.” (1)

Đức Phật luôn tán thán và xem núi rừng là nơi ẩn trú lý tưởng cho những vị xuất gia hành đạo. Đức Phật cũng lưu tâm đến việc thích nghi và bảo vệ sự sống của tự nhiên. Một trong những biểu hiện cụ thể là Đức Phật đã định chế việc tổ chức cấm túc an cư cho Tăng Ni vào ba tháng mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9 ở Ấn Độ vì “mùa mưa là mùa nảy mầm của chồi non, mùa sinh sản của côn trùng. Côn trùng nảy nở nhiều trên mặt đất và có những mầm non, những loại côn trùng rất nhỏ mà mắt thường khó mà dễ dàng phát hiện được. Để giữ lòng từ bi, các chư Tăng cần cấm túc an cư, e rằng nếu tiếp tục vân du hoằng pháp sẽ vô tình giẫm đạp, gián tiếp hại tiến trình sinh sản và sinh trưởng của côn trùng, chồi non”. (2)

Có thể nói, xuất phát từ tinh thần yêu quý và trân trọng, giữ gìn môi trường tự nhiên của đạo Phật. Phật giáo Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc giảm thiểu đến mức thấp nhất sự nóng lên toàn cầu và bảo vệ môi trường sống. Phật giáo Việt Nam, cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 14 tổ chức tôn giáo trong nước đã cam kết thực hiện chương trình phối hợp hành động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020. Đây là một biểu hiện sinh động, đầy ý nghĩa, cho thấy tinh thần hộ quốc an dân cũng như tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam trước nay, một hồi ứng tích cực và hữu hiệu của Phật giáo trước vấn đề mang tính toàn cầu và thời đại.

Trong bối cảnh đó, việc tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nữ giới Phật giáo trong mạch sống của dân tộc” nhân dịp Lễ Giỗ Tổ Kiều Đàm Di lần thứ 6 tại Đồng Nai. Quy tụ chư tôn đức Ni toàn quốc về tham dự rất là đúng lúc và có ý nghĩa quan trọng. Ngoài ra, đây còn là một sự kiện mang tính khoa học. Nhất là góp phần tôn vinh những đóng góp của Nữ giới Phật giáo đối với Đạo pháp và Dân tộc.

Bài viết sau đây nhằm giới thiệu tấm gương đi đầu trong việc trồng và bảo vệ rừng của Ni trưởng Huệ Giác, đương kim Tông trưởng Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, Viện chủ Quan Âm Tu viện (Đồng Nai), người đã góp phần quan trọng xây dựng mạng mạch sống cho dân tộc Việt Nam thời hiện đại.

Câu chuyện trồng rừng của Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác

Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác.

Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác.

Bắt đầu từ những năm 1983-1984, Ni trưởng Huệ Giác triển khai việc trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc trước tiên ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và sau đó dần mở rộng ra nhiều tỉnh như Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận. Dưới sự lãnh đạo và quyết tâm của Ni trưởng, hàng trăm hecta rừng tràm, quế và các loại cây công nghiệp được chư Tăng, chư Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng ngày đêm khai hoang, chăm sóc để đem lại những cánh rừng xanh thẳm, góp phần cân bằng môi trường sinh thái, đồng thời tự túc kinh tế cho các tự viện trực thuộc Tông phong trong thời điểm cả nước còn khó khăn.

Đặc biệt, không thể không nhắc đến sự kiện năm 1984, nhân ngày sinh nhật Bác Hồ, Ni trưởng Huệ Giác đã lần đầu tiên phát động phong trào trồng cây gây rừng, trước sự có mặt của các đại biểu của cơ quan chính quyền, trong đó có ông Phạm Văn Hy, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; ông Lê Văn Nà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đồng Nai; ông Lê Hữu Sanh, Giám đốc Sở Lâm nghiệp thời bấy giờ. Dịp này, Quan Âm Tu viện đã nhận đất và trồng rừng trên một phạm vi rộng, bao gồm khu rừng thuộc ấp 5 xã Long Phước, huyện Long Thành, trải dài đến núi Dinh, xã Hội Bài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Như vậy, Quan Âm Tu viện đã quản lý một khu rừng rộng lớn thuộc địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu với diện tích khoảng 350 hecta. Những khu rừng này đã được duy trì và liên tục mở rộng cho đến ngày nay. Hiện nay, Quan Âm Tu viện đã mở rộng diện tích trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc lên đến khoảng hơn 1.000 hecta ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận. (3)

Rừng trải rộng 70% diện tích quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Những năm sau đó, Ni trưởng Huệ Giác tiếp tục tổ chức nhiều lễ phát động chương trình trồng cây gây rừng. Năm 2006, Ni trưởng đã phát động chương trình truyền thống “Trồng cây nhớ ơn Bác Hồ”, kỷ niệm 116 năm ngày sinh Bác Hồ đồng thời chào mừng sự thành công của Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một sự kiện đáng nhớ vì vào dịp này, rất đông Phật tử của Quan Âm Tu viện từ khắp nơi đã vượt hàng trăm cây số để tham gia chương trình. Khoảng 30.000 cây tràm bông vàng và 4.200 cây gió bầu (trầm hương) đã được trồng vào đợt phát động này. (4) Từ năm 1984 đến nay, Ni trưởng đang quản lý trên 1.000 hecta rừng phòng hộ và tự trồng tự hưởng.

Nhiều ngôi chùa tiêu biểu trong việc trồng cây bảo vệ rừng hiện nay của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng như: Tổ đình Linh Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) quản lý 256 hecta, chùa Tân Lợi (huyện Hàm Thuận Nam – Bình Thuận) giữ 261 hecta, Tịnh thất Công Đức Hoa (Lâm Đồng) trồng 110 hecta, chùa Long Phước Thọ (Huyện Long Thành, Đồng Nai) có 40 hecta, Bửu Hoa Ni viện (Long Thành, Đồng Nai) trồng 40 hecta… Nhiều Ni sư, Sư cô là đệ tử của Ni trưởng đi khai khẩn và trồng rừng từ hơn 30 năm trước hiện vẫn đang tiếp tục công việc cho đến nay. Chẳng hạn như Ni sư Diệu Hòa (Tổ đình Linh Sơn 1, Bà Rịa – Vũng Tàu), Ni sư Diệu Tín (Huỳnh Mai Tịnh viện, Bà Rịa – Vũng Tàu), Ni sư Diệu Thọ (Bồ Đề Phật điện, Bà Rịa – Vũng Tàu), Ni sư Diệu Thành (Bửu Hoa Ni viện, Đồng Nai), Ni sư Lan Nhã (Tam Thiên Tự, Đồng Nai), Sư cô Ngọc Tịnh (Chùa Hương Lâm Lộc Thịnh, Bình Phước), Sư cô Diệu Nhẫn (Chùa Công Đức Hoa, Lâm Đồng), Sư cô Ngọc Lạc (Chùa Long Phước Điền, Đồng Nai), Sư cô Liễu Trực (Chùa Vân Sơn, Đồng Nai)…

Những việc làm và sự đóng góp của Ni trưởng Huệ Giác đã được Nhà nước, chính quyền và xã hội công nhận. Ni trưởng cho biết, khu rừng thuộc địa bàn Đồng Nai của Quan Âm Tu viện đã được chính quyền tỉnh công nhận là khu rừng điểm. Nhiều đoàn khách nước ngoài từ Thụy Điển, Úc châu, Nhật Bản đã đến những cánh rừng điểm của Liên tông để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi thêm về phương thức trồng và bảo vệ rừng. Họ đánh giá rất cao việc làm của Ni trưởng cũng như Tăng Ni Tông phong.

Hình Ni Trưởng Huệ Giác Với Lãnh Đạo Tỉnh Đồng Nai, chụp năm 1984.

Hình Ni Trưởng Huệ Giác Với Lãnh Đạo Tỉnh Đồng Nai, chụp năm 1984.

Trong quá trình tổ chức và triển khai, việc trồng rừng không phải không có những khó khăn, trở ngại. Nhưng với quyết tâm và tinh thần vượt khó, Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đã dũng cảm vượt núi, xuống bưng để cải tạo đất hoang, gieo những mầm xanh trên mảnh đất vừa cày vừa xới mà chẳng quản ngại khó khăn bởi mưa nắng, bệnh tật và muỗi mòng, rắn rít. Cụ thể Ni sư Lan Nhã nhớ lại việc trồng rừng ở Bửu Hoa Ni viện: Năm 1984, việc trồng cây ở đây gặp khó khăn lớn là vùng đất nầy vốn bị ngập nước sâu và sình lầy nên khó khai hoang. Sau nầy, nhờ được hướng dẫn cách khai thông nguồn nước từ một người dân quê ở Đồng bằng sông Cửu Long gần đó nên nước rút nhanh. Sau đó, với nhiều gò mối là hang ổ của nhiều loại rắn rít trú ngụ nên Ni trưởng tổ chức cầu nguyện 7 ngày mới tiến hành cày xới đất, gieo trồng những cây tràm đầu tiên trên mảnh đất hoang gần 40 hecta thuộc Bửu Hoa Ni viện quản lý. Nhờ vậy ngày nay những tán rừng xanh thẫm của ngôi chùa là nơi sinh sống của nhiều loài vật, một không gian yên tĩnh và tâm linh tràn đầy năng lượng để tu tập góp phần giữ gìn bầu không khí trong lành cho dân địa phương. Trong thời điểm ban đầu trồng rừng đối mặt với bao khó khăn, nhưng Ni trưởng Huệ Giác đã không hề nao núng, rất vững tâm, động viên chư Ni đi khẩn hoang bằng bài thơ với tất cả tâm nguyện mạnh mẽ tinh thần lạc quan đầy hy vọng:

“Rừng là tài sản của quốc gia

Rừng là tài nguyên giàu mạnh của nước nhà

Rừng là hệ cây xanh bóng mát

Làm đẹp tòng lâm thắng cảnh văn hóa sử nước nhà

Ni giới Bửu Hòa Phước Thái tự nguyện gây dựng vườn rừng

Phủ đồi trọc xanh màu cây rừng hoa trái

Ruộng rẫy xanh màu khoai bắp lúa đậu… ”

Nhìn chung, nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của Ni trưởng Huệ Giác và đệ tử, Phật tử Quan Âm Tu viện và các tự viện thuộc Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, nhiều khu rừng trù phú đã được tạo nên, mang đến hơi thở và sức sống cho những vùng đất khô cằn sỏi đá. Càng về sau, nhờ khai thác rừng mà chùa đã gây được quỹ để làm rất nhiều Phật sự quan trọng như: lo kinh phí tu học cho Tăng Ni, làm từ thiện nhân đạo, tạo việc làm cho người dân địa phương… Ngoài ra, việc trồng rừng còn có những giá trị phi vật thể như giáo dục cho toàn thể Tăng Ni và Phật tử ý thức bảo vệ và nuôi dưỡng môi trường. Những đóng góp của Ni trưởng Huệ Giác và đệ tử, Phật tử cũng đã giúp giảm bớt gánh nặng cho cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương.

Đánh giá và kết luận

Chứng kiến những thảm họa thiên nhiên do sự biến đổi khí hậu, do nạn chặt phá rừng bừa bãi ở nhiều nơi, chúng ta càng cảm phục và trân trọng trước việc làm đúng đắn của Ni trưởng hơn 30 năm qua. Điều nầy cho thấy Ni trưởng với tư cách là vị Tông trưởng Liên Tông Tinh Độ Non Bồng, luôn gắn liền giữa lời nói và hành động, nói ít làm nhiều, mật hạnh uy nghiêm. Quả thực, tầm nhìn của Ni trưởng Huệ Giác trong việc trồng cây gây rừng chính là tầm nhìn của một bậc đại bi, đại trí, đại dũng. Có thể nói không quá rằng, Ni trưởng Huệ Giác đã giúp tạo nên một mạng mạch sống cho dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng, những đóng góp của Ni trưởng Huệ Giác trong việc trồng rừng cần được tôn vinh. Mô hình trồng rừng của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng mà Ni trưởng là Tông Trưởng cần được nhân rộng không chỉ ở Việt Nam mà cần lan rộng ra thế giới. Trồng cây gây rừng là một hành động thiết thực mà Ni giới Phật giáo Việt Nam có thể làm để góp phần xây dựng và bảo tồn mạng mạch sống cho dân tộc, góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường của Liên Hiệp Quốc.

Câu chuyện trồng rừng của Ni trưởng Huệ Giác thể hiện bi, trí, dũng. Ảnh minh họa.

Câu chuyện trồng rừng của Ni trưởng Huệ Giác thể hiện bi, trí, dũng. Ảnh minh họa.

Nhân dịp Phật đản năm 2011, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra thông điệp kêu gọi Tăng Ni, Phật tử cả nước chung tay bảo vệ môi trường: “Thế giới nói chung và đất nước ta nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn tác hại do bởi ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, nhiệt độ trái đất gia tăng, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, sóng thần, động đất, nước biển dâng… đang là những thảm họa đe dọa đến sự an nguy của sự sống con người. Hơn lúc nào hết, Tôi kêu gọi mỗi Tăng Ni, Phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất của giáo lý Phật đà về luật vô thường, về tôn trọng sự sống và mối liên hệ hữu cơ giữa con người và thiên nhiên, để chung tay với cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường xã hội và sự an nguy của trái đất, đó là việc làm thiết thực để kính dâng ngày đản sinh Đức Từ Phụ của chúng ta”.

Mặt khác, trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc đến năm 2030 được thông qua vào tháng 9/2015 việc bảo vệ môi trường là một mục tiêu ưu tiên của Liên Hiệp Quốc trong vòng 15 năm tới nhằm bảo vệ sự sống của hành tinh chúng ta. Qua đây cho thấy việc tiên phong trồng rừng của Ni trưởng Huệ Giác có giá trị và ý nghĩa xã hội rất lớn, là một minh chứng sống động về tiềm năng, vai trò to lớn của Phật giáo trong việc tiên phong bảo vệ môi trường thiên nhiên trên thế giới hiện nay.

Câu chuyện trồng rừng của Ni trưởng Huệ Giác thể hiện tinh thần Bi (coi trọng sự sống của muôn loài), Trí (tầm nhìn chiến lược, mang tính thời đại), Dũng (vượt qua khó khăn, không ngại gian khổ). Trong cuộc trao đổi của chúng tôi với PGS.TS Trần Hồng Liên, chị đã phát biểu rằng: “Những suy nghĩ và hành động của Ni trưởng Huệ Giác mang ý nghĩa to lớn cho Ni giới Phật giáo, cho thấy người phụ nữ Việt Nam, một khi đã thấm nhuần tư tưởng vì mọi người, sẽ làm nên được những Phật sự quan trọng, có ý nghĩa cho cuộc sống của con người và cho cả môi trường thiên nhiên nữa”. (5)

Sự tương quan giữa đạo Phật và môi trường

Thông qua hoạt động trồng rừng, Ni trưởng đã thể hiện tinh thần nhập thế, xả thân, nói đi đôi với làm, hi sinh và ẩn dật, không màng tiếng tăm, thương yêu mọi loài. Những việc làm của Ni trưởng từ những năm 80 của thế kỷ trước được Nhà nước, chính quyền đánh giá cao và Tông phong ngưỡng mộ. Có thể khẳng định, Ni trưởng Huệ Giác là tấm gương tiên phong và điển hình trong việc xây dựng và bảo vệ mạng mạch sống của dân tộc Việt Nam, cần được xiển dương để khơi nguồn cảm hứng cho các thế hệ noi theo.

“Di sản trồng rừng” góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên của Ni trưởng đã và đang được Tông phong giữ gìn, phát triển. Nhiều cánh rừng xanh thẳm ngày ngày được chăm sóc và bảo vệ cẩn thận của các thế hệ Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Ni sư Lan Nhã đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với người Thầy khả kính của mình như sau: “Những cánh rừng do Ông Già (Ni trưởng Huệ Giác) cho trồng là cả một tâm huyết, bao công sức và mồ hôi của Người và chư huynh đệ. Vì vậy, trách nhiệm của chúng tôi là giữ gìn toàn bộ những ngôi rừng này để không phụ lòng Ông Già. Thật vậy, Ông Già lúc nào cũng rất yêu rừng, quý rừng và thương yêu vạn vật! Vì vậy, bảo vệ rừng chính là trân trọng và là cách thể hiện lòng quý kính, hiếu đạo đối với Người”.

Việc trồng rừng cũng như những thành quả đáng tự hào của Ni trưởng Huệ Giác xứng đáng là một tấm gương sáng của Ni giới Việt Nam hiện nay học tập và noi theo.

Theo ThS. Dương Hoàng Lộc (Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) đánh giá: “Tôi rất cảm phục Ni trưởng Huệ Giác. Với tôi, Ni trưởng là vị nữ tu sĩ Phật giáo giản dị, đạo hạnh thanh cao và rất khiêm tốn. Đặc biệt, Ni trưởng Huệ Giác luôn nêu cao tinh thần dấn thân vì lý tưởng từ bi cứu khổ độ sinh. Ni trưởng luôn quan tâm đến công tác từ thiện xã hội và trồng rừng để bảo vệ môi trường mà không hề quản ngại khó khăn, gian khổ. Đã hàng chục năm nay, Ni trưởng Huệ Giác âm thầm vận động Tăng Ni trong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng trồng hàng trăm hecta rừng để phủ xanh đồi trọc, tạo môi trường sống cho muôn loài. Có thể nói, Ni trưởng là một vị tu sĩ Phật giáo tiên phong và đã gặt hái nhiều thành quả to lớn, một tấm gương tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam và thế giới trong việc bảo vệ môi trường mà thế giới đang quan tâm, cổ xúy hiện nay. Thật tự hào về một tấm gương lớn về tinh thần nhập thế và nỗ lực đóng góp hết mình cho tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam hơn hai ngàn năm trong lòng dân tộc! Càng tự hào hơn nữa vì hành động ý nghĩa, thiết thực được khởi xướng từ một người nữ tu sĩ Phật giáo luôn bình dị trong màu áo lam thanh thoát”.

Chú thích: 

  1. Tỳ kheo Thích Đồng Bổn chủ biên, Phật học Từ Quang, NXB. Phương Đông, tr. 152.
  2. Thích Thiện Minh, Phật giáo Vùng Mekong: Vấn đề môi trường và ứng xử với môi trường. In trong “Phật giáo vùng Mekong ý thức môi trường và toàn cầu hóa”, NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM, tr.26.
  3. Thích Thiện Huy (2017), Phật học Từ Quang số 22, NXB. Phương Đông, TP.HCM, tr.153-154.
  4. Như chú thích trên.
  5. Phỏng vấn sâu PGS.TS. Trần Hồng Liên ngày 12/11/2017.Tác giả phỏng vấn.

Tài liệu tham khảo:

1. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM, (2015), Phật giáo vùng Mê Kông ý thức môi trường và toàn cầu hóa, NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM.

2. Thích Đồng Bổn (Chủ biên), Phật học Từ Quang số 22, NXB Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh,

3. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam – Trường ĐHKHXH&NV (2016), Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm hình thành và phát triển, TP.HCM, NXB. Hồng Đức.

4. Nhiều tác giả (2016), Nữ giới Phật giáo Việt Nam: Truyền thống và hiện đại, NXB. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2015), Từ bi và công bằng xã hội, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2015), Tiến tới giải thoát, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.

7. Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2015), Phật giáo giữa đời thường, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

TKN.TS. Như Nguyệt

Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa

Tư liệu 13:32 21/11/2024

“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.

Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tư liệu 14:05 20/11/2024

Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân l‎ý.

Tiếc là con người chỉ có hai tay

Tư liệu 08:20 19/11/2024

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.

Bay qua miền hạnh phúc

Tư liệu 17:30 18/11/2024

Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.

Xem thêm