Cầu nguyện có tác dụng không?
Cầu nguyện là một nghi thức quan trọng trong mọi tôn giáo. Cầu nguyện thông thường là khấn nguyện, van xin sự thương xót, ban ơn từ các đấng thiêng liêng. Và dĩ nhiên, cầu nguyện trong Phật giáo khác biệt với các tôn giáo và tín ngưỡng khác.
Cầu nguyện là một nghi thức quan trọng trong mọi tôn giáo. Cầu nguyện thông thường là khấn nguyện, van xin sự thương xót, ban ơn từ các đấng thiêng liêng. Phật giáo tuy chủ trương tự lực, tự giác nhưng cầu nguyện vẫn là một lễ nghi khá phổ biến trong tu tập của Phật tử trên khắp thế giới. Và dĩ nhiên, cầu nguyện trong Phật giáo khác biệt với các tôn giáo và tín ngưỡng khác.
Trước hết, tinh thần chủ đạo của Phật giáo là tự lực. Đức Phật đã dạy: “Hãy tự mình làm ngọn đèn cho chính mình” (Kinh Trường bộ, số 16). “Tự mình làm điều ác/ Tự mình làm nhiễm ô/ Tự mình không làm ác/ Tự mình làm thanh tịnh/ Tịnh, không tịnh tự mình/ Không ai thanh tịnh ai” (Kinh Pháp cú, kệ 165). Đức Phật chỉ là Bậc Thầy dẫn đường, hàng đệ tử của Phật cần nương tựa Chánh pháp, thực tập Giới-Định-Tuệ để chuyển hóa phiền não và thăng hoa đời sống.
Trong kinh Tương ưng bộ (tập IV, chương VIII, kinh Người đất phương Tây), Đức Phật đã thẳng thừng bác bỏ cầu nguyện kiểu cầu xin: “Này Thôn trưởng, Ông nghĩ thế nào? Nếu một người sát sinh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chắp tay vái đi xung quanh và nói rằng: ‘Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh lên thiên giới!’. Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, người ấy do được đại quần chúng cầu khẩn, tán dương, chắp tay vái đi xung quanh, sau khi thân hoại mạng chung, có được sinh lên thiên giới không? - Thưa không, bạch Thế Tôn”. Trong bản kinh này, Đức Phật đã lấy ví dụ đem hòn đá và thùng dầu đổ xuống hồ nước. Đá thì chìm, dầu thì nổi vì bản chất của nó vốn như vậy. Ngài xác quyết, người làm ác thì đọa địa ngục, người làm thiện thì sinh lên cõi trời, dù cho họ được cầu nguyện hay không. Luật nhân quả vốn chính xác và chân thực, không thể khác được.
Như vậy, Đức Phật có dạy cầu nguyện không? Có, nhưng phải là Thánh cầu. Kinh Trung bộ (kinh Thánh cầu, số 26) Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sinh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sinh, tìm cầu cái vô sinh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già… tìm cầu cái không già; tự mình bị bệnh... tìm cầu cái không bệnh;... tự mình bị chết... tìm cầu cái bất tử;... tự mình bị sầu... tìm cầu cái không sầu... tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, như vậy, gọi là Thánh cầu”. Ở đây, cầu nguyện mang ý nghĩa mong cầu và phát nguyện thành tựu giải thoát sinh tử, chứng đắc Niết-bàn bằng sự nỗ lực thực hành Chánh pháp, là điều nên có và cần thiết cho mọi người tu Phật. Đây là tự cầu cho mình.
Về phương diện tha cầu (cầu cho người), trong Phật giáo hiện có cầu an và cầu siêu. Cần lưu ý là cầu an và cầu siêu là cách gọi tạm cho dễ hiểu chứ sự sinh tử tiếp nối tương tục nên an-siêu có bản chất là một, chẳng tách rời. Thực chất của cầu an theo Phật giáo là rải tâm từ bi, mong ước thiện lành và chia phước đến với mọi người và mọi loài. Mặt khác, nương oai lực Tam bảo, xưng tuyên Chánh pháp (theo kinh Tương ưng bộ thì tụng đọc Thất giác chi: Niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả) cũng giúp người an ổn, vượt qua bệnh tật. Dĩ nhiên Thất giác chi không phải thần chú hay hộ kinh mà chính là pháp hành. Chính năng lực của pháp hành Thất giác chi giúp người bệnh chuyển hóa thân tâm và thành tựu an ổn. Cầu siêu cũng như vậy, thực chất vẫn là tạo phước để hồi hướng và đem Chánh pháp khai thị cho chúng sinh. Tác dụng của cầu nguyện theo Phật giáo là trợ duyên thêm cho người phước và trí để tự chuyển hóa. Còn chuyển hóa nhiều ít thế nào thì tùy thuộc nhân duyên và nhân quả của tự thân mỗi người.
Trọng tâm tu học của người đệ tử Phật là “Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh”. Cầu Phật đạo là Thánh cầu. Hóa độ chúng sinh là đem từ bi và trí tuệ để cảm hóa, giúp người tỉnh thức mà hướng thiện và thăng hoa. Điều cần lưu tâm là dù Phật giáo vẫn dùng từ cầu nguyện nhưng mang ý nghĩa là sự phát nguyện, mong ước thiện lành, là Thánh cầu chứ không phải cầu xin bất kỳ điều gì trước bất cứ ai. Nếu Phật tử cầu nguyện mà thiên về cầu xin ai đó ban ơn, gia hộ, có tính hướng ngoại thì không hợp với tinh thần tự lực và giáo lý nhân quả của Phật giáo.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Bài học nhân sinh từ những cơn bão
Kiến thức 09:00 02/11/2024Bão tố dạy ta về sự vô thường - một bài học căn bản mà ta vẫn thường quên trong cuộc sống hằng ngày. Đời sống là một chuỗi những đổi thay liên tục, không có gì là vĩnh cửu, không có gì là bất biến.
Học cách Phật dạy con
Kiến thức 13:52 01/11/2024Khi Phật thành đạo, có dịp về thăm Vua cha thì La-Hầu-La đã lên bảy tuổi. Và ngay dịp đó, La Hầu La cũng xin theo Phật, xuất gia.
Hạnh phúc của sự buông bỏ
Kiến thức 11:00 01/11/2024Thời Phật tại thế có Tỳ kheo Bạt Đề, khi chưa xuất gia ông làm quan, sau khi quy y Phật chuyên tu hạnh đầu đà, chỉ ngủ dưới gốc cây và chuyên cần thực hành thiền quán.
Nói về mười điều thiện
Kiến thức 10:15 01/11/2024Người nào tụng đọc hiểu, thực hành mười đều lành này thì sau khi mạng chung sẽ được quả báo sanh vào các cõi trời tốt lành hoặc tái sanh làm người thì sanh vào các gia đình hiền đức phú quý.
Xem thêm