Chân đế - Tục đế với hiện tượng luận và bản thể luận Phật giáo
Là Phật tử hẳn chúng ta đã từng nghe và hình dung khi đức Phật thường nói tới hai pháp đó là Chân đế và Tục đế.
Trong hệ thống kinh điển Phật giáo chúng ta thấy rất phong phú và khá nhiều các loại thể. Chính vì điều này mà kinh điển được chia ra từng thời kỳ: Phật giáo Tiểu thừa, Trung thừa, và Đại thừa.
Đến nay, vấn đề xác định kinh điển Phật thuyết hay phi Phật thuyết vẫn là nội dung được các học giả quan tâm nghiên cứu, đặc biệt là trải qua thời kỳ Phật giáo bộ phái đã nảy sinh những ý kiến hoài nghi xoay quanh vấn đề nguồn gốc cũng như quá trình hình thành một vài bộ kinh Đại thừa.
Thậm chí một số kinh điển Đại thừa được cho là không phải Phật thuyết mà chỉ có kinh điển Nikaya mới phản ánh chân thực giáo lý đạo Phật. Qua khảo cứu một số bộ kinh Nikaya, các tổ thầy cũng như các nhà nghiên cứu Phật giáo đã cho rằng, có nhiều bài kinh văn mang tư tưởng mầm mống Phật giáo Đại thừa.
Sự phát triển của các luồng tư tưởng kéo theo những quan điểm đôi khi mâu thuẫn nhau, điều này đã gây khó khăn cho người tìm hiểu và tu theo Phật giáo, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.
Nhưng thực tế, nếu dựa vào nguyên tắc, đặc điểm chung của từng thời kỳ và dựa vào (Tam pháp ấn) Phật giáo thì mọi vấn đề sẽ được hiểu một cách rõ ràng và không bị nhầm lẫn.
Từ đó, chúng ta chỉ cần đọc một bản kinh hoặc tiếp xúc với một quan điểm sẽ dễ dàng nhận biết được đâu là quan điểm của Phật giáo Nguyên thủy và đâu là Phật giáo Đại thừa.
Đương nhiên đây là nhận biết của người đã am tường giáo lý, còn phần lớn Phật tử chúng ta khi đọc kinh điển để nhận ra được ý nghĩa nội hàm của kinh cũng đã không dễ chút nào, chứ chưa nói tới ý nghĩa thâm hậu của giáo lý nhà Phật.
Bài viết này dựa trên pháp phương tiện “Chân đế và Tục đế” trong giáo lý đạo Phật giúp chúng ta cùng nhìn nhận sâu hơn về Phật giáo thông qua góc nhìn của Hiện tượng luận và Bản thể luận Phật giáo mà nhiều người viết đã đề cập.
Chân đế và Tục đế
Là Phật tử hẳn chúng ta đã từng nghe và hình dung khi đức Phật thường nói tới hai pháp đó là Chân đế và Tục đế. Bởi người bình thường thấy được sự vật, hiện tượng bằng mắt thường nên đức Phật nói pháp thế tục, tức (tục đế). Vì con người phải dựa vào hiện tượng luận để nói về sinh hoạt diễn ra hàng ngày trong đời sống. Đức Phật vì căn cơ trình độ của người đó khi muốn giáo hóa nên trước tiên Ngài dựa vào trình độ để nói pháp thế tục, không thể nói Chân đế ngay được.
Nhưng khi họ đến với đạo Phật, trải qua thời gian tu tập, hiểu được chút giáo pháp thì sẽ tuyên pháp Chân đế. Chân đế chính là tư tưởng của Đại thừa Phật giáo.
Đức Phật nói tất cả pháp đều “không” là đứng từ bản thể luận, tức bản chất của các pháp. Nhưng với người phàm phu thì không thể hiểu được, sẽ phản đối. Vì người thế tục thường quan sát các sự vật, hiện tượng mà phân biệt trên cơ sở thiết lập trật tự theo mô hình “kiểu” của thế gian pháp và họ chấp buộc, bám chặt vào đó. Nhưng thực tế, trật tự này có giá trị hạn hẹp khi nó thay đổi vị trí thì dẫn đến mơ hồ, khiến con người phát sinh phiền não.
Do đó, đức Phật dạy trong kinh Trung Bộ: “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịnh tịch, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu chỉ người trí mới thấu hiểu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái lạc dục, ham thích ái dục. Đối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý (Y tánh duyên khởi các pháp); sự kiện này thật khó thấy, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sinh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta (kinh Trung Bộ1, kinh Thánh Cầu-Thích Minh Châu dịch-Nxb.Tôn giáo 2012.tr218)’
Như vậy, cuộc sống của con người dựa vào hiện tượng luận hay bản thể luận? Xét trên thực tế cho thấy con người luôn sử dụng hiện tượng luận để phân tích, thảo luận, làm cứ điểm để trao đổi lẫn nhau trong đời sống mà không sống ở mặt bản thể luận. Đứng về mặt tương đối mà nói, không gian và thời gian là hai khái niệm làm nền tảng cơ bản cho sự nhận thức của con người, nếu không có thì vấn đề đúng sai, tốt xấu, thiện ác, luật pháp…không thể thiết lập.
Ví dụ, khi qua ngã tư, đèn báo đỏ thì dừng lại, đèn xanh bật thì được đi. Điều này con người phải thực hiện nghiêm túc. Đây là nhìn nhận về mặt hiện tượng luận, tức là đứng về mặt hình thức của đèn xanh đèn đỏ, nó được hình thành trên nguyên tắc (thế pháp- tục đế) để chấp hành luật lệ giao thông. Vì cuộc sống không thể không dựa vào hiện tượng luận để tồn tại. Nhờ vào không gian và thời gian này mà các trật tự xã hội được thành lập và có giá trị; ngay cả khái niệm giá trị đạo đức cũng phải dựa vào hệ thống quy chiếu này. Không gian và thời gian thay đổi thì nhận thức con người cũng phải thay đổi theo. Luật pháp là những điều được thiết lập theo từng thời kỳ, từng chế độ chính trị xã hội, không cố định.
Do vậy, không có không gian và thời gian con người không thể nhận thức được sự vật, hiện tượng. Đây là nguyên tắc cơ bản khởi đầu cho sự nhận thức. Vậy trong giáo lý đạo Phật mới có hai pháp Chân đế & Tục đế, để biện biệt các pháp.
Đức Phật và học thuyết đương thời
Khi đức Phật Thích Ca còn tại thế, học thuyết đương thời có hai khuynh hướng: thứ nhất, tư tưởng Bà-la-môn với thuyết “trong nhân có quả” thuyết này cho rằng, sự hình thành Vũ trụ là từ một nhân căn bản chuyển biến hình thành những cái khác. Và dùng nó để chỉ đạo thực tiễn, những người theo tư tưởng này lấy tu tập thiền định làm trung tâm để nhận thức cái gọi là “nhân căn bản”; từ đó có thể đạt đến cảnh giới giải thoát.
Thứ hai là, tư tưởng phi Bà-la-môn giáo cho rằng, sự việc do nhiều nhân kết hợp mà thành, phái này được gọi là thuyết “trong nhân không có quả”. Học thuyết này cũng dùng để chỉ đạo cuộc sống, sau đó phái này lại chia thành hai phái khác nhau: một đề cao tu tập khổ hạnh; một đề cao thỏa mãn dục vọng. Đối với những lý thuyết trên đức Phật đều không chấp nhận. Ngài đưa ra lý thuyết Duyên khởi cho rằng: các pháp cùng nhau nương tựa, cùng làm điều kiện sinh diệt cho nhau, chẳng phải một nhân sinh nhiều quả, cũng chẳng phải nhiều nhân sinh một quả, mà cùng nhau làm nhân làm quả (1).
Hai hệ thống học thuyết trên đều lấy bản thể luận làm căn cứ, nhưng đức Phật trên căn bản không đề cập, thảo luận các vấn đề liên quan đến bản thể luận. Chẳng hạn như mười bốn vấn đề vô ký: Vũ trụ là thường hay vô thường? Vũ trụ là hữu biên hay vô biên? Sinh mạng sau khi chết còn hay mất? Sinh mạng và thân là một hay khác? Những vấn đề này, đối với các học giả, luận sư ngoại đạo đương thời đưa ra thảo luận, bàn bạc, nhưng riêng đức Phật Thích Ca Văn thì ngược lại, Ngài không trả lời hay luận bàn khi các luận sư Bà-la-môn giáo đến hỏi. Đức Phật chỉ dạy: “Ta không xác quyết điều này. Vì lý do gì mà Ta không xác quyết những điều này? Vì những điều này không tương ưng với cứu cánh, không tương ưng với pháp, không phải là căn bản phạm hạnh, không đưa đến trí, không đưa đến giác, không dẫn đến Niết bàn. Cho nên Ta không xác quyết những điều này. (kinh Trung A-hàm tập 2 và kinh Tiễn Dụ - Nxb.Tôn giáo 2008.tr 638).
Đồng thời đức Phật tuyên bố: “Này các Tỳ kheo, Ta tuyên bố rằng, sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta không tuyên bố rằng, này các Tỳ kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách đạt đến sự tận cùng thế giới” (2)
Và Ngài khuyên các Tỳ kheo nên bàn luận những vấn đề không liên quan đến đời sống phạm hạnh, không đưa đến mục đích ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ giải thoát.
Do đó tư tưởng của đức Phật từ đầu đến cuối luôn sử dụng phương pháp phân tích, so sánh từng vấn đề. Lúc đầu giữa hai khuynh hướng hưởng thọ dục lạc và khổ hạnh nêu trên, Ngài chọn con đường “Trung đạo”, chú trọng phương diện hành động thực tế. Ngài cho rằng, quan điển của những nhà duy vật đương thời, chủ trương thỏa mãn dục vọng là không hợp lý và chủ trương thứ hai là hà khắc trong việc tu khổ hạnh cũng không đúng.
Ngược lại, Ngài chỉ ra con đường “trung đạo” là con đường không khắc khổ cũng không đắm chìm trong dục lạc mới là con đường chân hính. Ngài xuất phát từ cái nhìn thực tế nơi hiện trạng của cuộc sống chính bản thân Ngài đã trải qua trên cơ sở nhận thức của hiện tượng luận và bản thể luận để kiến giải các pháp.
Để minh định điều này, chúng ta cùng suy ngẫm bài pháp “Bụi trần” mà Ngài đã thuyết cho năm anh em ông Kiều Trần Như và bốn người bạn đồng tu về pháp môn Như Lai Thanh tịnh thiền mà sau này tóm gọn gọi là Thiền tông.
“Khi Như Lai tuyên pháp này thời kỳ đầu cả pháp hội lúc bấy giờ có trên 5000 người đến nghe. Vì pháp vi tế cao tột, người nghe bỏ đi gần hết, thậm chí có người cho rằng Thế Tôn bị ma ếm”. Và pháp này ( tức pháp môn thiền Thanh tịnh) phải đến 4 năm cuối khi Thế Tôn nhập diệt Ngài mới tuyên thuyết pháp này cho 5 anh em ông Kiều Trần Như và 4 người bạn đồng tu. Qua lịch sử Phật giáo chúng ta thấy, năm anh em ông Kiều Trần Như đều là những nhà triết học cổ đại Ấn Độ thời bấy giờ nên họ nghe Thế Tôn thuyết về pháp này họ tiếp nhận ngay.
Với pháp phương tiện Chân đế - Tục đế được lý giải qua hiện tượng luận và bản thể luận Như Lai dùng hình tượng “Bụi trần” để dụ cho đâu là Phật tánh và đâu là vọng tường của con người. Dưới đây là pháp dụ:
“Như buổi sáng hay xế chiều, ánh sáng của mặt trời chiếu qua khe cửa hoặc khe vách; trong ánh sáng ấy có những hạt bụi bay lơ lửng. Ánh sáng và hư không Như Lai tạm ví là “Phật tánh” còn những hạt bụi ví là “Vọng tưởng” của tánh người”. Sau khi nghe Như Lai dạy về pháp “Bụi trần”, Như Lai lại kể tóm lược giai đoạn tu của mình thời kỳ đầu cho 5 anh em ông Kiều Trần Như và 4 người bạn đồng tu nghe như sau:
“Đầu tiên, Như Lai dụng công tu khổ hạnh, ép xác cho thân khổ đến cùng cực. Pháp này không có kết quả. Kế đến là tọa thiền quán tưởng, tức để vật trước mặt (quán ít ra nhiều, nhiều ra ít) cũng không biết đường giải thoát là gì. Tiếp theo tọa thiền (Nghi tìm) Hữu dụng trong vật chất, nhưng cũng không có kết quả cho mục đích giác ngộ-giải thoát.”
“Sau cùng bỏ pháp trần, Như Lai để tâm Thanh tịnh (rỗng, lặng, hằng, tri) đây là tánh Phật, bỗng Như Lai thấy rất xa xăm. Khi quan sát thấy tất cả tam giới và quán xa hơn nữa thì thấy không biết bao nhiêu là tam giới và nhiều thứ khác. Phần này Như Lai sẽ dạy rõ cho các ông biết, khi nào Như Lai nhập Niết bàn. Và hôm nay Như Lai chỉ dạy các ông nhận ra Phật tánh của mỗi người để đủ tư cách đứng vào hàng ngũ Giáo đoàn. (tức giáo đoàn thành lập đầu tiên thời đức Phật)
Này, năm anh em ông Kiều Trần Như và những người bạn đồng tu. Như Lai đưa ra ví dụ về pháp “Bụi trần” để mọi người hiểu, khi nắm được rồi thì việc ngộ đạo không khó”.
Hiện tượng luận và bản thể luận trong giáo lý đạo Phật
Đề cập về vấn đề này, trong bài viết của Thích nữ Hạnh Tri trên trang nhà (phatgiao.org.vn - tháng 3/2022) người viết rất tâm đắc với bài viết khi tác giả cho rằng: “Các quan điểm trong Phật giáo tuy nhiều nhưng luồng tư tưởng chính vẫn quy về hai trường phái: hiện tượng luận và bản thể luận.
Trong đó, Thượng tọa bộ được xem là đại diện cho hiện tượng luận và Đại thừa đại diện cho bản thể luận. Đứng trên lập trường duyên khởi, Đại thừa Phật giáo nhấn mạnh các pháp vốn “không”, còn Tiểu thừa cụ thể là (Hữu bộ) đứng trên lập trường sự hiện hữu của Uẩn Xứ Giới thiết lập quan điểm cho rằng bản chất các pháp là thật có (3).
Vậy nguyên lý của hiện tượng luận là gì? Hiện tượng luận là căn cứ vào không gian và thời gian để xác định làm nền tảng cho hiểu biết. Ví dụ như ta nói đây là cái bàn, nhưng mười năm trước đó hoặc mười năm sau thì đây chưa chắc là cái bàn.
Do đó, nói đây là cái bàn thì phải nói đến khoảng thời gian nó tồn tại dưới hình dạng cái bàn. Bao giờ đề cập đến hiện tượng luận cũng phải liên hệ đến không gian và thời gian thì ý nghĩa của nó mới thật sự được xác lập, hiểu đúng.
Khi không gian và thời gian mờ mịt, không được xác định làm rõ, chúng ta không thể xác định đó là cái gì được. Ví dụ, xác định con gà và quả trứng, cái nào có trước. Câu chuyện hí luận này người ta đem ra tranh cãi, câu hỏi và trả lời này sẽ là vô cùng vô tận vì nói cách nào cũng dẫn đến tranh biện không cùng, do đó không thể xác định.
Tuy nhiên, khi ta đưa thời gian và không gian vào trong câu trả lời thì vấn đề trở lên rõ ràng. Chẳng hạn như, chúng ta nói tháng trước con gà sinh ra quả trừng, vài tuần sau cái trừng nở ra con gà. Như vậy, vấn đề được làm rõ, không có gì để bàn cãi. Vì vậy, khi chúng ta muốn thảo luận vấn đề gì thuộc hiện tượng luận thì phải dựa trên yếu tố không gian và thời gian. Nếu tách rời không gian- thời gian thì vấn đề trở nên mù mịt, không thể nào giải quyết được.
Thượng tọa bộ nhìn thế giới bằng hiện tượng luận, vậy nên, kinh Tượng Tích Dụ khẳng định: “Này chư hiền, nếu nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ, tức (tai, mũi, lưỡi, thân, và ý thức) ở bên trong bị hư hoại thì các pháp bên ngoài sẽ không được ánh sáng rọi đến nên không có niệm, do đó ý thức không sanh khởi được.
Này chư hiền, nếu nội ý xứ không bị hư hoại thì pháp bên ngoài sẽ được ánh sáng rọi đến liền có niệm nên sinh ra ý thức. (kinh Trung A - hàm, tập 1, kinh Tượng Tích Dụ - Nxb.Tôn giáo 2008.tr236)
Hiện tượng luận là đứng trên mặt hình thức mà nói. Bản thể luận là nói đến bản chất của sự vật. Ví dụ như ta nói, cái bàn này của Thầy giáo, bàn này của học trò là dựa trên hình thức mà nói, không thể đi sâu phân tích được. Vì nó được hình thành cái tên và công năng sử dụng là do nơi hình thức (cái dáng bên ngoài) thể hiện ra. Nếu đề cập đến bản thể luận của cái bàn thì bản chất là duyên sinh, là “không”. Do đó, không có cái nào được gọi là cái bàn (dưới cái nhìn của bản thể tánh không). Vậy, cái đầu tiên là gì, cuối cùng là gì, bản chất của nó là gì, chúng ta không thể tìm được (!?). Trong giáo lý Đại thừa thường gọi là vô thủy vô chung, bất nhị, bất khả thuyết, bất khả tư nghì, tất cả những từ này mô tả thực trạng chúng ta không bao giờ nắm được.
Muốn nắm được phải dựa trên hiện tượng luận. Trên thực tế tất cả những gì chúng ta sống và được phô diễn trên cuộc đời này đều phải dựa trên hiện tượng luận. Nhưng trường hợp sống được với Bản thể luận là khi người đó đã đạt quả Phật. Còn tất cả hàng phàm phu (căn cơ hạ liệt) sẽ phải sống với những quy định, hiện tượng…
Ví dụ như trong câu chuyện con rùa và con cá ta thấy chúng đều sống ở môi trường nước, nhưng con cá đâu có biết con rùa còn có thể sống được ở môi trường trên cạn. Một hôm rùa lên bờ phơi mình tắm nắng, mắt nhìn thấy nhiều cảnh tượng trên bờ thật đẹp về kể lại, nhưng cá không tin. Bởi cá chỉ có một đời sống dưới nước. Trong khi đó, rùa sống với cuộc đời hai môi trường (dưới nước và trên cạn) nên rùa có thể biết hai hoàn cảnh.
Cũng như thế với người đạt Phật quả, họ câu thông được với nhiều cảnh giới, bởi trí vô lậu giúp họ có cái nhìn chân như mà người phàm tình (mắt thịt) không thể thấy.
Thế nên, Tiểu thừa có thiền quán tưởng. Vậy quán cái gì? Quán tưởng lẽ không thật, lẽ giả tạm; tưởng cho cái Có là cái Không. Đối với kẻ chấp có, Phật dạy tu pháp Không quán. Đối với kẻ chấp Không, tức kẻ vô thần, bất tín Phật dạy tu pháp Hữu quán.
Sau rốt, Phật dạy pháp Trung đạo: chẳng phải Có chẳng phải Không, vừa có vừa không. Kẻ tu quán Không cho sâu xa, thì pháp quán ấy trở thành tam muội (định). Đây là pháp thiền Quán không của Tiểu thừa Phật dạy để thành tựu trong tam giới. Còn với Thiền tông, tức (Như Lai Thanh tịnh thiền) Phật dạy giác ngộ-giải thoát rốt ráo (toàn triệt) để về Phật giới.
Với tuệ giác (chánh biến tri) đức Phật đã thấu tỏ quy luật nhân quả - luân hồi của mọi loài trong tam giới. Tứ diệu đế là pháp căn bản đức Phật chỉ ra nỗi khổ của con người và vạch ra phương pháp hóa giải để chấm dứt khổ đau của kiếp nhân sinh trong sáu nẻo luân hồi. Giáo lý này chỉ đem lại kết quả cho những ai triệt ngộ được nội dung của Bốn bước thực hành (Tứ thánh đế); pháp này các học giả nghiên cứu đạo Phật phương Tây cho đây là Bốn sự thật cao quí mà đức Thế Tôn đã tìm ra.
Nhưng vì căn cơ trình độ của mỗi người nên Ngài không “bắt buộc” mọi người phải sùng bái thực hiện pháp này khi chưa hiểu nó; mà tùy duyên áp dụng các pháp tu khác phù hợp thì cũng đem lại an lành hạnh phúc ngay trong hiện tại để có cơ hội đi tiếp trên con đường giải thoát của kiếp nhân sinh.
Vậy nên trong kinh Tạp A-hàm Phật dạy: “Ai đối với sắc (thọ, tưởng, hành, thức) mà yêu thích, thì đối với khổ cũng yêu thích”. Một khi trong khổ đau mà cảm thấy yêu thích thì còn mong gì sự giải thoát? Thái độ vui thích sống trong khổ đau đó gọi là vô minh.
“Vô minh là không biết, không biết những gì? Sắc là vô thường, mà không biết như thật sắc là vô thường”. Ngược lại người trí mới mong giải thoát khỏi khổ đau: “Ai không yêu thích sắc (thọ, tưởng, hành thức) thì sẽ không thích khổ. Ai không yêu thích khổ, thì đối với khổ sẽ được giải thoát”.
Nhân đây chúng ta cũng tìm hiểu thêm vấn đề Tự lực và Tha lực trong giáo lý đạo Phật để thấy rõ hơn sự khác biệt của pháp phương tiện này trong quá trình tu trì. Là Phật tử chắc hẳn ai cũng hiểu vai trò của Tự lực, bởi tự lực được xem là yếu tố căn bản tạo nên sự khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo Thần quyền. Trong kinh Trường bộ, đức Phật dạy: “Sau khi Ta nhập Niết bàn, đại chúng các ngươi phải rộng tu các pháp môn sớm thoát ra ngoài “ba cõi”, không được trì trệ lười nhác, buông thả phóng túng để tâm tán loạn”.
Trong kinh tạng Pali chúng ta thấy tinh thần tự lực luôn được đức Phật đề cao và nhấn mạnh. Nhưng yếu tố quyền năng thần thông biến hóa rất ít được đề cập trong kinh điển Nguyên thủy. Trái lại, trong kinh điển Phật giáo Đại thừa yếu tố tha lực được trình bầy khá nhiều, nhất là khi nói về tinh thần lợi tha của Bồ tát đạo, đó là các chư Phật, Bồ tát thường hộ niệm gia trì cho tất cả chúng sinh, các Ngài sẵn sàng làm tất cả mọi công hạnh để giúp mọi người phát Bồ đề tâm hướng đến quả vị giác ngộ.
Với chí nguyện Đại thừa mặc dù được coi là tối thượng về kết quả thành tựu, nhưng nhân duyên để thành tựu chúng ta cũng thấy rất đơn giản khi ai đó có lòng thành tín, ta hãy nghe và suy ngẫm đoạn kinh này: “Những ai đã từng một lần xưng ‘Nam mô Phật’ trong các tháp miếu thờ xá lợi; tất cả những người ấy, dù chỉ một lần với tâm tán loạn, đều đã thành tựu trí giác vô thượng này”. Đó là cách mô tả của Đại thừa đứng trên lập trường bản thể luận.
Kết luận
Hiện tượng luận là căn cứ vào không gian và thời gian để xác định làm nền tảng cho hiểu biết. Còn bản thể luận là nói đến bản chất của sự vật, hiện tượng theo giáo lý Đại thừa tánh “không”. Chính vì phàm tình con người chưa đến và chưa hiểu được giáo lý thâm hậu “tánh không mà diệu hữu” của đạo Phật nên tùy căn cơ trình độ của mỗi người, đức Phật đã chế ra nhiều pháp phương tiện. Bước đầu Ngài nói pháp Tục đế, không thể nói pháp Chân đế ngay được.
Thế nên, khi đọc kinh điển chúng ta thấy nhiều khi kinh văn chống trái nhau dường như thiếu nhất quán (logic). Mặc dù những bản kinh Đại thừa mang tư tưởng khai phóng, triển khai bản thể luận lời Phật dạy, có nội dung khác với kinh điển Nikaya. Nhưng chúng ta không nên vội vàng quy kết phủ định rằng, nội dung trái ngược với tôn chỉ căn bản của đức Thế Tôn. Vì vậy, việc nhìn nhận Chân đế & tục đế trong bản thể luận và hiện tượng luận Phật giáo khi nhìn nhận thấu đáo sẽ giúp chúng ta (người xuất gia, kẻ tại gia) tu Phật mới không chấp kiến lầm lạc dẫn đến có kẻ tu Phật lợi dụng tấm áo nhà tu, lợi dụng tư tưởng khai phóng (phá chấp) của Đại thừa mà vọng ngữ cho rằng (giáo lý cho phép) nhằm lợi dưỡng bản thân mình làm tổn thương ngôi nhà chánh pháp Như Lai.
Trước hoàn cảnh thời (xa pháp) mạt pháp với nhiều đa đoan, để giữ trong sạch ngôi nhà chành pháp Như Lai trước tệ nạn mê tín thần quyền, chúng ta cần suy nghĩ và tư duy có chiều sâu lời Phật dạy: Tập đi trước khi tập chạy, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau trên lộ trình Giác ngộ- giải thoát. Đó là bản hoài của Phật và Bồ tát hàng nghìn năm nay không hề thay đổi.
Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh
(Hội văn học Tp. Uông Bí)
Chú thích và tài liệu tham khảo:
(1) Tài liệu giảng dạy của giáo thọ sư (TT.Ts Thích Hạnh Bình)
(2) Kinh Tương Ưng 4, Thiên Sáu Xứ - Thích Minh Châu chương 1; Năm Mươi kinh thứ Ba II. Phẩm thế giới Dục công đức – VNCPHVN -1991 tr.164.
(3) Lược giảng luận Trung quán, Nxb.Tp. HCM 2010. Tr 283 – Quàn Như dịch.
Cùng các kinh Tiểu Bộ, kinh Diệu pháp liên hoa; Trung A-hàm; kinh Kim Cang; Cùng các bài tụng tuyển chọn từ Trung quán luận và một số sách, bài viết liên quan.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Xem thêm