Thứ, 17/10/2022, 14:46 PM

Chí tâm vì người

Thiền vẫn được coi là dành cho hàng có căn cơ bậc trung và thượng. Vì điều động tâm vọng động không phải là việc dễ dàng. Tuy vậy điều động được sự vọng động của tâm ít nhiều rồi, vẫn còn một thứ rất nhiêu khê mà ít người vượt qua được, đó là dẹp bỏ ngã tướng.

Tôi muốn nói đến Đại sư Bạch Ẩn. Tôi biết đến ông, lần đầu tiên qua câu chuyện “Thế à”. Đó là tên tôi đặt cho câu chuyện. Vì toàn bộ những câu trả lời của ông đều như thế, không có gì khác. Một cô gái gần nơi ông ở bỗng dưng có thai. Bị cha mẹ gạn hỏi, cô khai ra tên ông. Có lẽ do lúc ấy ông đang là người được cha mẹ cô kính trọng và nổi tiếng là đức độ, gán vào đó mọi chuyện sẽ yên. Yên thật! Cha mẹ cô đã đến gặp Đại sư Bạch Ẩn. Nói gì ông cũng chỉ “thế à!”. Một cách trả lời như giúp khẳng định thêm ông là tác giả của bào thai. Đứa bé sinh ra được trao lại cho khổ chủ. Bạch Ẩn, bao nhiêu tiếng tốt mất hết, nhưng vẫn bình thản nhận đứa bé, ngày ngày đi xin sữa cũng như những thứ cần thiết nuôi sống đứa bé.

Một năm sau, cô gái thú thật với cha mẹ, cha đứa bé là một thanh niên làm trong chợ cá. Cha mẹ cô gái vội vàng đến gặp Bạch Ẩn xin lỗi về những gì họ đã gây ra. Cũng chỉ nhận được hai từ “thế à!” cho tất cả, không có gì hơn. Vào thời ấy, ông là người nổi tiếng đức độ, chỉ cần nói không phải là yên mọi bề. Sao cứ “thế à” để một việc đơn giản trở thành rối rắm? Vừa đánh mất danh tiếng đang có, khiến chúng sinh có cái nhìn không tốt về một người tu đạo. Kẻ hiểu lầm cũng không tránh khỏi quả báo xấu, lại thêm cực thân nuôi đứa trẻ. Song lúc đó tôi chỉ nghe mà không khởi tâm. Không lý luận cũng không tán thán, kính phục. Vì không biết gì về hạnh nhẫn nhục của Phật giáo và sự bất động lý thú nói trong nhà thiền. Chỉ biết không khởi tâm.

Nhưng câu chuyện lại in sâu vào tâm trí, không như những thứ khác, qua tai rồi quên. Sau này mới biết không khởi tâm là đúng. Bởi không thể lường hết được việc làm của một người khi họ đã trải qua những chứng nghiệm sâu xa trên con đường tu đạo. Thuận hay nghịch đều là diệu dụng của tự tâm. Diệu dụng tự tâm phát khởi mang tính vị tha hoàn toàn. Vì người, thì những gì mang lại lợi ích cho người sẽ tùy duyên ứng hiện. Nó có thể là những tướng phù hợp với cái nhìn của người đời, có thể là những tướng trái nghịch với cái nhìn thường tình của người đời, nhưng nghịch hay thuận đều mang lại lợi ích cho người. Vấn đề là, do không phải là sản phẩm của trí phân biệt, nên các tướng ấy trở thành khó hiểu hay được cho là “một kiểu giải quyết sai lầm” qua cái nhìn của những kẻ còn bị sở tri phân biệt và phiền não chi phối.

untitled

Có vào thế giới chúng sinh rồi, mới thấy chúng sinh tâm tưởng vọng động, nghe một hiểu mười, thấy một hiểu thành hai mươi, cộng với cái tật đố kỵ ẩn sâu trong tạng thức chưa một lần soi thấu, nên nghe việc tốt thì ít tin mà nghe việc xấu lại tin rất mạnh, dù việc đó không hề xảy ra. Tôi từng chứng kiến cảnh một người khá lớn tuổi, hí hững truyền đi một loại tin vịt của vị thầy mình đang theo học. Vô tư truyền đi dù biết tin đó không chính xác.

Kẻ trong đạo, có khi lại có những biểu hiện tệ hơn cả những người không biết đạo. Do ngu muội. Do ngã tướng. Do đố kỵ. Do va chạm quyền lợi. Do mất chỗ đứng. Đến với đạo mà không biết thứ gì cần học, thứ gì không nên học, tụ năm tụ ba truyền đi những tin thất thiệt. Mỗi lần truyền đi là một lần được thêm thắt bởi vọng tưởng của chính mình. Không phải do họ đặt điều mà do cái thấy của họ như vậy. Họ truyền đi rất trung thực. Trung thực với những gì họ suy tưởng qua lăng kiến chúng sinh của mình. Tuy vậy, những loại vọng tưởng đó lại được tin là chính xác rất nhanh, không cần kiểm chứng. Khi kẻ truyền đi là kẻ có thế lực và tiền bạc thì càng được tin tưởng. Người nói, tin mình nói chính xác. Người nghe, tin đó là tin chính xác mà không hề có một sự kiểm nghiệm coi nó thật được bao nhiêu phần. Chỉ những ai từng là chủ nhân gây nghiệp, cũng từng là nạn nhân của những tin vịt đó, mới biết dè chừng kiểm định, không thì cho hết thảy trôi sông. Nếu thật có lòng tin đối với một người thì không vì lời nói của kẻ khác mà có thái độ miệt thị và dễ dàng tin tưởng vào những gì đã được nghe. Khá nhiều người nói với tôi về nhân cách của một vị Hòa thượng. Hòa thượng thế này, Hòa thượng thế kia v.v… nhưng tôi đều để ngoài tai.

Vì niềm tin và sự kính trọng của tôi đối với Hòa thượng có. Đơn giản là vậy. Cho nên, một khi lời nói của ai đó đã có thể tác động khiến người khác đánh mất niềm tin với mình, thì cũng có nghĩa hoặc là nhân cách của mình không đủ để người ta tin tưởng, hoặc là người đó không đồng tư tưởng với mình để có thể hiểu hết những gì mình đã làm, thị phi mới tác động được. Trong cả hai trường hợp, đều không có gì để giải thích. Hai chữ “thế à” phải nói là từ bi. Đứng ở mặt nghiệp mà nói, một khi nghiệp báo đã tới thì mọi giải thích đều vô ích. Sẽ không ai tin dù đó là sự thật. Mọi thứ sẽ thành u tối khi nghiệp thị phi của mình tới. Khoản này tôi từng kinh qua khi còn trẻ. Tôi từng chiêm nghiệm cái gọi là “cờ tới tay ai, người nấy phất”. Báo xấu mình tới thì kẻ bố láo sẽ được tin tưởng. Mọi sự thật sẽ bị bẻ cong nhưng lại được tin tưởng rất mực.

Không có pháp nào tốt hơn cho một hành giả tu đạo là im lặng, không tranh cãi, không biện minh. Muốn nói gì đó nói. Muốn làm gì đó làm. Muốn nghĩ sao đó nghĩ. Mình cứ giữ tâm an bình là được. Vừa khỏe trong hiện tại. Tương lai nghiệp tản mau. Đó là một kinh nghiệm được rút ra từ một trận sống chết trong quá khứ. Từng tin tưởng, ngu ngơ giải thích, phân biện… Cứ ngây thơ nghĩ rằng sự thật là sự thật, nói ra mọi người sẽ hiểu. Nhưng không, nghiệp tới hồi ra quả thì dù thật cũng không ai tin. Và rồi… khi báo nghiệp viên mãn, chẳng cần giải thích, khóc lóc hay toan tính mưu mẹo, đâu cũng vào đó.

Con mèo là con mèo mà con trâu là con trâu. Tôi lại thấy câu “Cờ tới tay ai, người nấy phất” xuất hiện. Cờ tới tay rồi, không cần phất, mọi thứ cũng cứ thế bày ra. Trắng là trắng mà đen là đen. Kẻ mất cờ tuột như kẻ trèo cây bôi dầu. Nhân quả cứ thế mà bày hiện, khiến mình khởi tâm thương xót hơn là hả dạ. Có lẽ do kinh nghiệm đó còn đọng sâu trong tàng thức mà mấy chữ “thế à” của Đại sư đã khiến tôi không khởi tâm. Đại sư thật là biết vì mình vì người mà hiện tướng. Tôi kính cách hành xử của Đại sư Bạch Ẩn ở các mặt khác nữa. Với tôi, không đủ bi, trí và dũng, không dám làm như vậy. Không đủ bi thì không dám vì người (dù thiệt mình) mà chỉ ra những sai trái cho người thấy. Bởi chúng sinh làm gì cũng thường dựa vào thương ghét và vừa lòng. Không thương thì không cúng. Đụng đến cái tôi thì dẹp luôn. Nhân duyên ràng rịt vây quanh, bi không lớn, khó vì người mà chỉ ra những sai trái. Không đủ trí thì không thể biết cái gì đúng, cái gì sai mà vạch ra, cũng không biết duyên nào nên vạch, duyên nào không nên. Không đủ dũng thì cũng không dám nói thẳng những gì cần nói khi việc đó mang lại lợi ích cho người.

Những sai trái đều được Đại sư phô bày để hậu sinh không lầm. Cho nên, dù chỉ mới ở mặt tiếp nhận hiểu biết, cũng là điều cần thiết. Chánh kiến phải có thì mới có chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng v.v… Tôi tìm thấy được những điều tương tợ như thế ở Hòa thượng Trúc Lâm và một số Tăng sĩ thời nay. Nói thẳng chẳng kiêng nể. Đúng thì nói đúng, sai thì nói sai, tránh cho kẻ hậu sinh khỏi lầm. Quan trọng là nói chính xác, nói đúng lúc, không phải nói theo tư kiến của riêng mình. Đương nhiên, việc đó không tránh được thị phi phỉ báng trong thế giới mà cái ác nhiều hơn cái thiện, vô minh che mờ trí tuệ. Ngày đó người quy hướng Hòa thượng cũng đông mà phỉ báng Hòa thượng không ít. Cũng là việc thường tình ở thế gian. Cùng quan điểm thì kính trọng, không cùng quan điểm thì phỉ báng. Phỉ báng thì phỉ báng mà cần nói thì vẫn nói. Quý là ở đó. Bạch Ẩn Huệ Hạc - Cuộc đời, Ngữ lục, Thư pháp, Họa phẩm1 trở thành một trong những sách gối đầu của tôi.Thiền vẫn được coi là dành cho hàng có căn cơ bậc trung và thượng. Vì điều động tâm vọng động không phải là việc dễ dàng.

Tuy vậy điều động được sự vọng động của tâm ít nhiều rồi, vẫn còn một thứ rất nhiêu khê mà ít người vượt qua được, đó là dẹp bỏ ngã tướng. Ngã tướng không dẹp thì Tứ tướng còn nguyên. Khó mà ngộ nhập được Phật thân.

Đức Phật bổn sư thích ca

Nếu không dẹp bỏ được ngã tướng, cũng không phát lời nguyện tha thiết dẹp bỏ ngã tướng, thì việc điều động tâm không khác gì ngoại đạo tu thiền định. Ngoài Giới và Định, không còn gì khác. Cái quả nhận được là phước báu nhân thiên. Ngã tướng không dẹp thì sẽ sinh những thứ bất lợi cho bản thân khi hưởng những quả báo ấy. Vì chủng tử bao đời chỉ hiện khi đủ duyên. Cho nên, hàng Nhị thừa ngoài việc hàng phục vọng tâm, phải có phần quán vô thường, khổ, không, vô ngã. Đây là phần thiết yếu nhằm phá ngã tướng để đạt quả vị La-hán hay Bích Chi Phật.

Những quả vị chỉ mới được xem là hóa thành so với bảo sở là Phật vị. Song với phước báo nhân thiên, Đại sư Bạch Ẩn nói thế nào về nó?

Có câu nói rằng: “Phước báo nhân thiên là một lời nguyền trong ba đời, như vậy nghĩa là sao?

Một số lớn đàn ông cũng như đàn bà muốn tìm kiếm sự tái sinh thuận lợi ở đời sau, muốn được thành Phật, muốn được vãng sanh vào cõi Tịnh độ. Họ theo một đời sống thanh tịnh khắc khổ. Hành trì giới luật không bỏ sót. Tụng và ấn tống kinh sách liên miên. Thiết lễ cầu nguyện chư Phật, cúng dường chư Tăng, lễ lạy thật kính cẩn. Đi hành hương đến những thánh tích chiêm bái khắp mọi nơi…. Người ta dùng tất cả mọi cách để cố tạo cả ngàn nhân lành. Nhưng chừng nào họ chưa đạt đạo qua sự kiến tánh và nghe được “Tiếng vỗ của một bàn tay” thì họ vẫn chưa đến gần được Phật. Họ càng không thể có được một thoáng nhìn vào Tịnh độ. Những gì thế giới này cho là tốt và có lợi ích, thực ra là một sự nguy hại trong ba kiếp. Nói về kiếp này thì thế nào?

Bằng những dụng công khó nhọc vô song và làm vô số việc thiện, chắc hẳn kiếp sau bạn sẽ có thể được tái sanh thành một vị hoàng tử, một viên tướng lãnh tài ba, một vị lãnh chúa đầy uy quyền, hay có thể là chủ nhân của một gia đình danh gia vọng tộc. Rồi bạn sẽ giàu có và có thể có chức tước như ý muốn. Quyền lực ở trọn trong tay bạn. Chắc chắn là bạn sẽ vui sướng trong những của cải và quyền thế đó. Trong kiếp sống mới này, những biến cố xảy ra ở kiếp trước của bạn sẽ hoàn toàn bị lãng quên. Tất cả những việc thiện bạn đã làm trong kiếp trước sẽ tan biến đi như những giọt sương trong ánh nắng mặt trời. Bạn sẽ có trong tay bao nhiêu người đàn bà đẹp tuyển lựa ở các nơi về làm vợ, làm hầu thiếp. Kẻ hầu người hạ răm rắp chờ bất cứ lệnh gì bạn ban ra, thật không kể xiết. Nào là phải có xiêm gấm màu tím cho bà vợ Trương. Vớ bằng tơ mỏng cho cô thiếp Lý. Kho tàng trong nhà không đủ để cung cấp cho những chi tiêu xa xỉ này, bạn sẽ thèm muốn gia tài của người khác, rồi mưu tính tìm cách bóc lột, chèn ép dân chúng cho đến khi họ kiệt quệ, người nghèo bị nghiền nát thành bột. Những hành động đàn áp này sẽ gây cho thần dân của bạn biết bao nhiêu đau khổ. Nghiệp ác chất chồng càng ngày càng nhiều, thế nào bạn cũng đi ngay vào những cõi giới ác khi chết. Bạn sẽ bị đọa vào ba đường dữ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) chịu những giày vò đau khổ vô tận, hay sẽ tái sinh lại trong tám cõi khó (nơi đó không thể gặp Phật hay Phật pháp để được giải thoát). Trước những sự việc như thế, làm sao chối cãi được là phước báo nhân thiên không phải là lời nguyền trong ba kiếp?

Một vị Tăng đứng gần nói:

- Nhưng chắc chắn là phước báo nhân thiên chỉ là vấn đề của người cư sĩ thôi. Còn giới Tăng Ni thì đâu có sao. Tôi trả lời:

- Có chứ, nhưng đó là một vấn đề tôi không muốn nói sâu vào, bởi vì nó sẽ liên quan đến chuyện của một số Tăng sĩ khác.

- Thế thì làm sao một vị Tăng có thể tránh được cái xấu hại do phước báo nhân thiên đem đến?

- Đầu tiên, người ấy phải kiến tánh

- thấy rõ bản chất của mình

- và đạt được Đạo. Nếu muốn thấy tánh, trước hết người ấy phải nghe được “tiếng vỗ của một bàn tay”. Và dù cho có nghe được rồi, cũng không lấy đó làm tự mãn. Người ấy phải “lìa tất cả tiếng”, và rồi thấu phá, từng cái một, tất cả những công án hắc búa, nan giải nhất. Mặc dù vậy, cũng vẫn còn một rào cản khó khăn cuối cùng. - Nhưng nếu đã kiến tánh và vào được con đường giác ngộ, chắc là sẽ không còn cái xấu ác nào cản trở nữa chứ?

- Có chứ! Vẫn còn, nếu ta tạo nó ra. Nếu không tạo, thì không có gì cả. Nhưng những cái ấy để đến sau khi ngộ đạo rồi hãy nói. Lúc ấy, có tự đặt những câu hỏi này ra với chính mình cũng chưa quá muộn.

Một đoạn văn rất lợi ích cho những ai thật tâm cầu Phật đạo. Nói thật tâm, vì có khi việc phát tâm của mình chỉ là hình thức che đậy những ẩn khuất bên trong mà mình không thấy, không phải vì mình có tâm giả dối. Khổ và nghèo là nhân duyên giúp mình nhận ra sự vô thường và phiền não ở đời, muốn vượt thoát, nên cầu Phật đạo. Những lý do chính đáng giúp phát tâm.

Không phải là dạng của những kẻ đến với đạo chỉ để tư lợi, một hình thức dối trá hẳn hoi. Không có gì để bàn về những nhân duyên như thế. Vấn đề là… khi hết nghèo và hết khổ, tức cái duyên giúp phát tâm không còn thì việc phát tâm thành thế nào? Ta dừng trụ ngang đó và không còn ý tiến lên. Tức nhân mất thì quả cũng theo đó mà bay. Tôi từng bị khảo bằng một giấc mơ để thấy điều này.

Những chủng tử ẩn sâu trong tạng thức, chúng chỉ sinh khởi khi đủ duyên. Vì thế khi đủ cái duyên mà tâm thức mong muốn vượt thoát, mọi thứ dừng trụ, đoạn đường đến Phật vị bị lãng quên. Đoạn văn không hề nói xây được một thiền viện thật lớn hay quy tụ được Phật tử đông là đã gần Phật. Nhưng hình như đó là tiêu chí của người thời nay, dù việc độ người của mình không cần đến chùa to Phật lớn, chỉ thêm nợ nần và lệ thuộc. Có những thứ dư thừa không cần thiết nhưng nó làm mất thời gian và hỏng những thứ thiết yếu trong hiện tại của mình. Nhưng do cái kiến được thành lập như vậy nên cứ y đó mà đi.

people-traditional-ceramony-songkran-festival

Lương Võ Đế xây chùa độ Tăng vô số, nhưng dưới cái nhìn của Tổ Đạt-ma, vẫn là kẻ ngoài cuộc. Bởi Lương Võ Đế không hình dung được gì về hai từ “không biết”. Ông chưa từng biết cái gọi là kiến tánh, dù chỉ ở mặt ngôn từ. Trong khi muốn gần Phật và thành Phật thì phải kiến tánh. Kiến tánh là thấy được tánh Phật của mình. Phải thấy được tánh ấy thì mới nói đến việc thành Phật.

Thấy, thì không phải tin, phải như thấy quả táo trong lòng bàn tay. Chỉ là… cái thấy này là thấy theo kiểu thấy tánh, không phải như cái thấy của nghiệp thức phàm phu hiện nay, luôn có năng thấy và sở thấy mà nền tảng chủ chốt là mớ sở tri huân tập qua bao đời. Muốn thấy tánh thì trước phải nghe cho được “Tiếng vỗ của một bàn tay”. Đây nói nghe, không nói hiểu. Hiện nay người đời hiểu công án thì nhiều nhưng ít ai được thấu phá bởi các công án. Hiểu chỉ là một mớ sở tri do thông mình mà ra. Trong khi công án lập ra là để phá đi cái mớ hiểu biết thông minh đó.

Khi nào tâm thức của bạn bị thấu phá bởi các công án, lúc ấy bạn mới được gọi là hiểu công án. Việc hiểu các công án, chỉ thấy đề cập trong thiền môn, không hề thấy ngoại đạo nhắc đến, dù cảnh giới tu chứng của họ mang đến tác dụng không nhỏ. Vì thấu phá công án là kết quả của Giới - Định - Tuệ. Nếu chỉ tu Giới và Định, bạn không thể được thấu phá bởi các công án. Còn lại, dù bạn không tham công án, nếu tâm bạn được dụng công một cách miên mật, với đầy đủ ba thứ Giới - Định - Tuệ, khi đủ duyên bạn vẫn nghe được “Tiếng vỗ của một bàn tay”. Một vị Tăng đã bỏ nhỏ với tôi “không hề có cảnh giới tu chứng, không có cái gọi là kiến tánh, cô đừng mất thời gian”. Không biết đó chỉ là cái hiểu của một người hay của đa số? Nhưng với tôi, đó là một sự hiểu biết sai lầm. Một loại hiểu biết được tôi xếp chung với tà kiến và mê tín. Thứ mình không thấy chưa hẳn là không có. Người mù không thể thấy mặt trời, không có nghĩa là mặt trời không có. Nói về tin, những truyền dẫn ở đời có thể là mê tín, nhưng với kinh luận của Phật Tổ (được truyền thừa qua bao thế hệ Tổ sư), với những hành trạng cang cường, với những nhục thân còn để lại, đương nhiên phải có giá trị với tôi hơn là lời nói của một kẻ mà kinh luận chưa thông, giới luật còn nhiều bất cập. Lời nói trở thành vô giá trị và mãi mãi vô giá trị nếu tôi là người đã từng nếm trải vài lần cái gọi là cảnh giới chứng, dù chỉ là những cảnh giới lạ, chưa nói gì đến việc kiến tánh v.v…

Thời ma cường pháp nhược, ngữ lục và những đoạn văn miêu tả các chứng nghiệm mà Tổ sư đã trải qua là một loại pháp bảo giúp người tu vững lòng với con đường mình đang đi. Thật là vì người một cách thiết thực. Đoạn văn trên phân tích rất rõ để hành giả tu Phật nhận định được thứ gì là chính cần theo và phụ cần giảm. Không thì dần dà rồi, cứ theo cảnh mà chạy, mục đích tối hậu ban đầu mất hẳn vào những kiếp sau. Việc tu hành để đạt được cái gọi là kiến tánh, ngày càng bị bỏ mặc, nhường chỗ cho cái gọi là công quả, từ thiện, gọi chung là Phật sự. Việc chuyên tâm cho vấn đề tu học không được coi trọng như việc suốt ngày cứ lu bu với những thứ giả tạm bên ngoài. Một khi ngã tướng đã hiện thì tư tưởng tự mãn, bè phái, thu gom, che đậy v.v… được phát huy mạnh mẽ. Tham, sân, si được hình thành dưới một hình thức mới ít ai nhận biết, cứ theo đó mà đi. May mắn là ai cũng có Phật tánh. Tánh Phật ấy dù chưa hiển lộ, thì bản chất của cái tính không ấy cũng là cán cân cân bằng mọi thứ thông qua quy luật Nhân quả. Người đời thường trách ông trời không có mắt, cuộc đời không công bằng khi gặp những việc có hình thức trái ngang, như thấy người hiền gặp nạn, kẻ bất tài ngồi ở vị cao sang v.v…

Thật ra, mọi thứ đều đang diễn ra công bằng theo luật Nhân quả mà “không” chính là nền tảng. Mọi thứ đều có nhân duyên. Chỉ là nhân trước quả sau diễn ra có khi cách xa, nên ta không nhận thấy. Thực sự thì mọi hình tướng hiện tại chỉ là cái quả của những nhân duyên đã gieo trong quá khứ. Những nhân duyên phúc thiện cho ra cái quả thiện lành. Những nhân duyên bạc ác sẽ gặt cái quả ở ba đường dữ. Do không thấu được ba thời, nên không thể thấu được tính “chí công vô tư” trong việc phân xử của nhân quả. Cho nên, chúng sinh như kiến bò trong chén, bò tới bò lui đều không ra ngoài “không” và nhân quả. Hòa thượng Thiền Tâm nói: “Kiến trong miệng chén có bò đi đâu”. Không bò đâu được, vì khi hưởng phước thì tạo nghiệp khổ, khi khổ thì lại quay đầu chịu tu. Lên xuống như thế cho đến lúc ngộ ra rằng phước báu nhân thiên chỉ là thứ phù du, trong phước có họa, trong họa có phước v.v…

Cần phát tâm chân thật, một đường tới đích, không có ngã rẽ. Thành đi Đông, đi Tây, đi Nam, đi Bắc, trước sau gì cũng thành Phật, chỉ là sớm hay muộn. Miên mật thì nhanh như Thích Ca, tà tà thì thành như Di Lặc. Vấn đề là đố kỵ, tham lam, tranh giành, thị phi v.v… chừng đó đã đủ khổ chưa, đủ để thấy cái rỗng của nó chưa, mà chịu dứt bỏ quay đầu không hối tiếc? Việc hưởng phước báo nhân thiên nói đây, không phải chỉ dành cho giới cư sĩ mà với cả Tăng Ni. Nếu chư vị không quan tâm đến phần Tuệ quán, chỉ giữ Giới và tu Định mà không tha thiết phát tâm hồi hướng về Phật đạo, thì khó mà tránh được quả báo nhân thiên như Đại sư đã nói. Sau cùng, vị Tăng đã đặt ra một câu hỏi khá thú vị: “Nếu đã kiến tánh và vào được con đường giác ngộ, chắc là sẽ không còn cái xấu ác nào ngăn trở?”. Câu trả lời của Đại sư là: “Có chứ. Vẫn còn nếu chúng ta tạo ra nó”. Có chứ, nghĩa là không phải cứ kiến tánh và bước vào con đường giác ngộ rồi là không bao giờ còn bị cái xấu ác nào ngăn trở. Vẫn có thể còn. Vì sao? Vì “Nếu chúng ta tạo ra nó”. Nghĩa là, nếu bạn không tạo ra nó thì nó không còn, còn nếu tạo thì nó vẫn còn. Nhân đi liền với quả. Thấy có quả là biết đã có nhân. Vấn đề là, vì sao kiến tánh rồi, tức chánh kiến, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng v.v… đã có định mức bất thối, lại còn nói “Nếu chúng ta tạo ra nó…” mà không quyết định hẳn là “không còn tạo ác nghiệp” để không còn bị cái quả xấu ác nào cản trở? Không thể quyết hẳn, vì thế giới này là thế giới của những con người mang nặng tư tưởng nhị nguyên. “Mưa xuân tầm tã như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương…”

2. Một con người, sao có thể tránh được kẻ thương, người ghét?

Không đụng chạm đến ai, kẻ có tài chưa hẳn đã được yên thân với kẻ bất tài. Huống trong quá trình hành Bồ-tát đạo, sao có thể tránh được thị phi thương ghét, nhân của quả xấu ác cản trở? Hòa thượng Trúc Lâm, ngày trước chỉ mới vạch ra cái sai cái đúng tồn tại trong Phật giáo, đã gặp sự phản ứng mãnh liệt. Huống là trực tiếp trong công việc, phải đụng chạm với những con người mà phần vô minh nắm thế chủ đạo, nhìn gà hóa cuốc, nghe một hiểu mười theo chiều hướng xấu? Thứ gọi là giải quyết công việc tốt đẹp, chỉ mang nghĩa tốt nhất hay đỡ xấu hơn trong các thứ xấu, không thể tìm một sự tốt đẹp trọn vẹn đôi đường. Vì lợi ích của một tập thể, có khi phải đối đầu với những kẻ muốn phá rối. Vì lợi ích của một con người, có khi phải chạm đến bản ngã của chính người đó. Nói một lời ra, với hàng thượng căn là lợi ích và biết ơn thì truyền qua tai kẻ hạ căn, lại là sự phỉ báng và chống đối v.v...

Những bất như ý, phỉ báng và chống đối đó chính là những trở ngại xấu ác đối với Bồ-tát trong hiện tại, và là nhân đưa đến trở ngại trong tương lai. Song cũng chính nhờ những trở ngại đó mà hình thành nên trí tuệ và nhẫn lực của Bồ-tát. Trở ngại, khó khăn v.v… là điều không ai mong muốn, nhưng đó chính là phương tiện giúp Bồ-tát phát triển trí tuệ và nhẫn lực. Mọi sự đều thuận lợi chỉ khiến con người trở nên yếu đuối. Vấn đề là phải nhìn ra được góc độ tốt đẹp ấy mà bình thản với con đường mình đã chọn. Quan trọng là hành giả đã đủ chánh kiến, chánh nghiệp, chánh định v.v… để nhận ra và bình thường hóa mọi chuyện chưa? Cho nên Đại sư dạy: “Những cái ấy để đến sau khi ngộ đạo rồi hãy nói. Lúc ấy, có tự đặt những câu hỏi này ra với chính mình cũng chưa quá muộn”.

Ngộ đạo là thực chứng được tánh Phật của mình, nhà thiền gọi là kiến tánh. Ngộ rồi còn phải thể nhập. Đó là năng lực để hành giả không thấy trở ngại xấu ác là việc đáng sợ cần thắc mắc, chỉ là chuyện bình thường ở huyện. Không có trở ngại xấu ác trong hành trình Bồ-tát đạo mới là chuyện lạ ở thế giới này. Một nhân duyên hình thành nên trở ngại xấu ác nữa, đó là do nguyện hạnh của Bồ-tát. Bồ-tát vì lời nguyện “Chịu khổ thế cho chúng sinh, lấy đó làm pháp cúng dường”3 mà ra vào trong sinh tử, chịu mọi trở ngại khó khăn để thực hiện việc đồng sự, giúp chúng sinh thoát khỏi vô minh lầm than. Mọi việc sẽ sáng tỏ hơn khi ta tiếp cận với thực tế. Và nhận ra rằng cổ đức thật là chí tâm vì người.

Chú thích:

(1) Thuần Bạch và Ngọc Bảo dịch.

(2) Câu trả lời của Hứa Kính Tông, khi được vua Đường hỏi: “Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?”.

(3) Kinh Hoa nghiêm.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?

Kiến thức 06:10 23/12/2024

Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.

Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo

Kiến thức 22:01 22/12/2024

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Xem thêm