Các dân tộc đều có phong tục đón năm mới, với người dân Campuchia và một số quốc gia như Lào, Thái Lan và người dân Khmer ở Việt Nam và các nước thì tết cổ truyền Chol Chnam Thmay gắn bó sâu đậm với văn hóa Phật giáo.
Campuchia có 15 triệu người, trong đó Phật giáo đồ chiếm trên 95%, Phật giáo là tôn giáo chính thức của Vương quốc với khoảng 4.392 cơ sở tự viện trong cả nước.
Theo truyền thống, Tết của Campuchia diễn ra trong 3 ngày đầu năm theo Phật lịch (tương ứng với ngày 13-15 tháng 03 Dương lịch thường niên).
Điều đặc biệt, trong ngày Tết, các nghi lễ tôn giáo diễn ra tại các ngôi già lam tự viện Phật giáo và người ta có thể nhìn thấy những ngọn đồi nhỏ trên nền đất chùa được trang trí với những lá cờ Phật giáo, lá cờ 5 sắc tượng trưng cho Ngũ căn, Ngũ lực, biểu trưng cho ý nghĩa tinh thần hòa hợp của Phật giáo.
Đây là thời điểm người dân Campuchia bày tỏ lòng tôn kính đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng kính trọng. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều cuộc diễu hành, tổ chức thi sắc đẹp, nấu các món ăn truyền thống và mặc các trang phục nhiều màu sắc rực rỡ theo phong tục truyền thống.
Lễ Tết truyền thống Campuchia kéo dài thời gian 3 ngày, ngày đầu tiên là “Moha Sangkran”, ngày thứ hai là “Vornborth” và ngày thứ ba là “Thngai Lieng Sak”.
Trong đêm giao thừa, theo tập tục nhân gian xứ chùa tháp này, mọi người đều thắp hương, đăng, dâng hoa trái đưa tiển thần Téveda cũ để rước thần Téveda Thmey (ông tiên mới vào nhà). Sáng sớm ngày đón tân niên, họ đi tắm gội, mặc những bộ quần áo truyền thống ưng ý nhất rồi đội mâm lễ đến chùa cúng Phật. Khi vào chính điện, họ đi nhiễu ba vòng quanh điện Phật, sau đó mới dâng lễ Chư tôn tịnh đức tăng già.
Ngày thứ hai, mọi người làm lễ sớt bát kính cúng dường Chư tôn đức tăng già. Vị tăng chủ lễ chúc phúc cát tường cho tập thể, thuyết pháp và cầu nguyện cho các hương linh quá vãng, cửu huyền thất tổ, phụ mẫu song thân, hiện tại, quá khứ được siêu sinh Phật quốc.
Buổi chiều, tại các ngôi già lam tự viện Phật giáo tổ chức lễ “Gọi hồn cát”, sau khi Phật giáo đồ đã đắp nhiều núi cát ngay trước sân, lễ này không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền “Chaul Chnam Thmey”, bởi những núi cát tượng trưng cho núi Tu di (Meru). Người Campuchia đắp 9 núi, một núi ở giữa là núi Tu di (Meru), gọi là trung tâm của thế giới, tám núi xung quanh theo tứ phương tám hướng của vũ trụ càn khôn, tượng trưng cho tất cả các đại sơn của khoa thiên văn Ấn Độ. Sau đó, họ làm lễ quy y cho núi và sáng hôm sau là lễ xuất thể. Tất cả các nghi lễ này gọi là “Anisong puon phqu khsach” nghĩa là “Phúc duyên xây đắp núi cát”. Người dân Campuchia quan niệm rằng núi Tu di (Meru) là trung tâm đất Phật, nơi các vị chư thiên, chư thần linh ngự trị. Núi cát được đắp thành nhiều tầng, nhưng luôn là số lẻ 1, 3, 5, 7, 9 tầng tượng trưng cho phần Âm.
Ngày thứ ba, làm lễ tắm Phật (mộc dục) và tắm chư vị tăng sĩ thâm niên tuổi đạo, rồi đọc kinh cầu siêu cho người thân đã quá vãng, tại các chùa đều có tháp an vị hài cốt.
Sau ba ngày thực hiện các nghi thức tín ngưỡng, tập tục truyền thống, mọi người mới bắt đầu về nhà mừng tuổi người thân, từ người lớn tuổi đến các anh chị em trong gia đình. Các trò chơi truyền thống năm mới cũng diễn ra trên các góc phố nẻo đường; như người dân địa phương tham gia với nhau để có một góc vui tươi lành mạnh trong ánh hào quang chư Phật!
Vân Tuyền (Nguồn: Khmer Times)