Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 05/04/2018, 09:57 AM

Nét truyền thống trong lễ Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Nam bộ

Hiện nay, lễ tắm sư sãi chỉ còn được tổ chức ở một số rất ít chùa Khmer có các vị sư lớn tuổi, còn đa số các chùa đều không tổ chức nghi lễ này. Lễ tắm ông bà cha mẹ trong từng gia đình người Khmer ngày nay cũng gần như bị mai một. 

Lễ Chôl Chnăm Thmây còn gọi là lễ chịu tuổi hay Tết năm mới của người Khmer ở Nam Bộ. Lễ này được tổ chức vào Khe chét (tức tháng 4 dương lịch), thường diễn ra trong vòng ba hoặc bốn ngày, ba ngày (từ ngày 13 đến ngày 15) đối với năm thường, 4 ngày (từ ngày 13 đến ngày 16) đối với năm nhuần. Trước đây, một số chùa Khmer ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Tịnh Biên (An Giang) còn tổ chức lễ Chôl Chnăm Thmây kéo dài từ 7 đến 10 ngày để người dân trong phum sóc tập trung lên chùa vui chơi, đóng góp công sức xây dựng chùa. Phần lớn, lễ Chôl Chnăm Thmây được tổ chức ở chùa, với sự tham gia của các vị sư sãi, các vị Acha và những người Khmer sinh sống trong các phum sóc chung quanh chùa. Ngày nay, những nghi lễ truyền thống trong ngày Tết của dân tộc vẫn được người Khmer Nam Bộ gìn giữ, lưu truyền qua các thế hệ, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

1. Lễ rước Đại lịch (Mahasangkran)

Lễ này được tổ chức vào ngày đầu tiên của lễ Chôl Chnăm Thmây, vào ngày 13 Khe chét (tức ngày 13 tháng tư dương lịch). Ngày này được tính theo lịch của người Khmer Campuchia. Người Khmer do ảnh hưởng của khoa thiên văn truyền thụ từ Ấn Độ, họ tính đầu năm bằng hai lối vào: Chôl tính theo chuyển động của mặt trăng và đánh dấu việc thay đổi bằng biểu tượng của 12 con thú tượng trưng của con giáp trong một kỳ. Chnăm tính theo chuyển động của mặt trời. Chôl được tính vào tháng 4 dương lịch, còn Chnăm thì thay đổi theo trăng tròn hay khuyết. Mỗi năm các vị đại đức sẽ soạn ra một quyển Mahasangkran (Đại lịch) để tính giờ giao thừa.“Giờ này không giống người Âu và người Á, nhất định kể từ 0 giờ ngày đầu năm, mà lại luôn thay đổi. Năm 1966, giờ giao thừa nhằm 9 giờ ngày 13/4, năm 1967 nhằm 5 giờ 21 phút sáng ngày 14/4”[1]. Giờ giao thừa có năm là 19h ngày 13 tháng 4 dương lịch, có năm là 11h ngày 13 tháng 4 dương lịch...

Theo quan niệm của đồng bào Khmer, tháng 4 là điểm giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa. Cỏ cây trở lại tươi tốt và thiên nhiên trỗi dậy sức sống. Chính sự thay đổi, bừng lên của thiên nhiên đã được mọi người quan niệm như sự khởi đầu của một năm mới.“Việc tổ chức lễ Chôl Chnăm Thmây xuất phát từ mục đích cầu xin mùa khô qua mau để có thể bắt đầu mùa vụ mới”[2].
 
Nguồn gốc hình thành lễ rước Đại lịch, lễ tống tiễn năm cũ và chào đón năm mới còn được giải thích bằng câu chuyện huyền thoại về sự thắng thế của Phật giáo đối với Bà La Môn giáo. Chuyện kể rằng ngày xưa, có một cậu bé tên là Thommabal rất thông minh. Bảy tuổi đã biết đem sự hiểu biết của mình truyền bá cho mọi người, dân chúng rất thán phục và thích nghe cậu thuyết giảng. Tiếng đồn về tài trí của Thommabal chẳng mấy chốc vang đến thượng giới. Các vị thiên thần cũng xuống trần gian xin nghe Thommabal thuyết giảng. Do vậy, những buổi thuyết giảng của thần Kabưl Maha Prum trên thượng giới ngày càng vắng vẻ. Thần Kabưl Maha Prum vốn rất có uy trên thượng giới. Nay nghe ở trần gian có kẻ hơn mình, thần tức giận. Thần cho gọi hết các thiên thần trở về, không cho xuống trần gian nghe thuyết giảng. Đồng thời thần tìm cách hãm hại Thommabal. Thần đặt ra ba câu hỏi và bắt Thommabal trả lời trong vòng bảy ngày. Thommabal suy nghĩ suốt ngày, đêm mà vẫn không tìm được câu giải đáp. Đến ngày thứ sáu, chàng đi lang thang mệt mỏi, thất vọng, ngồi nghỉ dưới cây thốt nốt, tình cờ nghe được lời giải từ hai con chim đại bàng. Đúng hẹn, thần Kabưl Maha Prum tay cầm gươm vàng, đáp xuống gặp Thommabal. Chàng trả lời đúng câu hỏi của thần Kabưl Maha Prum. Thua cuộc, thần tự cắt đầu mình, tự sát. Trước khi cắt, thần căn dặn những người con gái của thần hãy để đầu thần trên một khay vàng và đặt tại hang thủy tinh. Bởi, nếu để đầu người rơi xuống biển, biển sẽ cạn, nếu để đầu người trên không thì trời không mưa, nếu để đầu xuống đất, thì đất sẽ khô cằn, cỏ cây không mọc được. Từ đó về sau, hàng năm cứ đến ngày thần cắt đầu, bảy cô gái xuống trần gian, vào hang, bưng mâm đầu của cha lên núi, rồi đi vòng quanh chân núi ba lần theo hướng mặt trời mọc. Mỗi năm, một cô bưng mâm đầu lâu một lần, theo thứ tự ứng với mỗi ngày trong tuần lễ. Nếu ngày vào năm mới là ngày chủ nhật thì sẽ do cô gái lớn bưng, nên tùy theo số mạng của cô bưng mâm đầu mà người Khmer biết được số mạng của năm đó tốt hay xấu[3]. Người Khmer quan niệm mỗi năm có một vị thần xuất hiện trong lễ rước Đại lịch tương ứng với 12 con giáp trong một kỷ. Qua 12 năm thì vị thứ nhất trở lại. Mỗi vị ăn mặc, dùng vật thực và sử dụng khí giới khác nhau.

Do xuất phát từ nguồn gốc này, nên về sau vào ngày đầu tiên của lễ Chôl  Chnăm Thmây, người Khmer mặc quần áo đẹp, tập trung vào chùa mang theo lễ vật gồm nhang đèn, hoa vào giờ đón giao thừa. Lễ rước được tổ chức thành đoàn, dưới sự điều khiển của vị Acha hoặc vị sư cả. Dẫn đầu đoàn rước là người mang mặt nạ chằn, tay cầm gậy múa mở đường, tiếp theo là đội trống Chhayam hoặc dàn nhạc ngũ âm... kế tiếp là vị Acha đội mâm lễ vật lên đầu (lễ vật gồm: quyển Đại lịch, nhang, đèn cầy, hoa...), sau cùng là những người Khmer tay cầm nhang, đèn cầy, lần lượt từ người già đến người trẻ xếp hàng ba, hàng tư, đi vòng quanh chánh điện ba vòng, bắt đầu từ hướng Đông để bày tỏ sự cung kính đối với Đức Phật và để chào mừng năm mới. Vừa đi, đội trống vừa đánh liên tục, thúc giục mọi người từ khắp mọi nơi nối tiếp nhau về chánh điện để đón vị thần Têvôda[4] trong năm mới. Sau khi đi đủ ba vòng, đoàn rước vào chánh điện, vị sư cả tiếp nhận quyển Đại lịch, đặt lên bàn thờ Phật, tụng kinh đón chào vị thần năm mới và cầu an cho tất cả mọi người.

Một số chùa Khmer còn tổ chức lễ rước Đại lịch thành đoàn rước từ chùa đến cuối xóm, rồi trở lại chùa. Tùy năm, lễ này được tổ chức buổi sáng hoặc buổi chiều, nếu tổ chức vào buổi sáng thì có sự tham gia của các vị sư sãi. Các vị sư mang theo bình bát để đựng cơm và thức ăn của tín đồ cúng dường. Đoàn rước đi một đoạn thì dừng lại để người dân dâng thức ăn. Đoàn rước về đến chùa, sư cả trịnh trọng tiếp nhận quyển Đại lịch, đặt lên bàn thờ Phật. Đoàn người vào chùa, cúng dường và dâng thức ăn cho sư sãi[5].

Ý nghĩa lễ rước Đại lịch của người Khmer cũng tương tự như ý nghĩa lễ đón giao thừa trong Tết Nguyên Đán của người Việt. Những nghi lễ này đều nhằm mục đích tống tiễn những điều xui xẻo trong năm cũ và chào đón những điều mới mẻ, may mắn trong năm mới. Nhưng nghi thức và thời gian tiến hành nghi lễ khác nhau. Lễ đón giao thừa của người Việt thường tổ chức cố định vào 0h ngày 01 tháng 01 âm lịch. Lễ rước Đại lịch của người Khmer thường vào ngày 13 tháng 4 dương lịch, giờ vào lễ thay đổi theo từng năm. Người Việt vừa đón giao thừa ở nhà, vừa có thể lên chùa thắp nhang, hái lộc đầu năm, nhưng quan trọng là nghi lễ đón giao thừa ở nhà. Người Khmer chỉ tham gia lễ rước Đại lịch ở chùa. Bởi lẽ, người Khmer không thờ ông bà, cha mẹ ở nhà mà đặt hài cốt và thờ ông bà ở chùa. Còn người Việt thờ ông bà, cha mẹ ở nhà, nên trong ngày đầu năm mới, người Việt thường tổ chức những nghi lễ ở nhà để mời linh hồn ông bà, cha mẹ về nhà đoàn tụ cùng gia đình. Những điểm giống và khác nhau giữa lễ đón giao thừa trong Tết Nguyên Đán của người Việt với lễ rước Đại lịch trong lễ Chôl Chnăm Thmây của người Khmer có thể so sánh cụ thể trong bảng 1.
 
Ngày nay, lễ rước Đại lịch còn rất ít chùa Khmer ở Nam Bộ duy trì tổ chức. Để đánh dấu thời khắc giao thừa, năm cũ bước sang năm mới, các chùa Khmer chỉ bày lễ vật lên bàn thờ Phật trong chánh điện, các vị sư, phật tử tụng kinh niệm Phật để tiễn đưa vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới. Điều này là do người Khmer đã ý thức trong việc tiết kiệm thời gian tổ chức lễ hội. Một số ít chùa Khmer như chùa Dơi, chùa Khleng (thành phố Sóc Trăng), chùa Âng (Trà Vinh)... còn duy trì nghi lễ rước Đại lịch. Người Khmer tổ chức thành đoàn trong lễ rước, dẫn đầu đoàn rước là người mang mặt nạ chằn múa mở đường, đội trống Chhayam, tiếp theo là vị Acha đầu đội mâm lễ vật (lễ vật gồm: quyển Đại lịch, nhang, đèn cầy, sla- tho). Một người đi phía sau cầm dù màu vàng che cho người đội mâm. Dù làm bằng vải màu vàng biểu hiện cho sự hiện hữu của thần Têvôda. Tiếp theo là đoàn người gồm các cụ già, thanh niên nam nữ,... tất cả đều cầm nhang, đèn cầy đi ba vòng quanh chánh điện từ Đông sang Tây, để bày tỏ sự cung kính đối với Đức Phật.

Theo truyền thống, lễ Chôl Chnăm Thmây chỉ được tổ chức ở chùa, không tổ chức ở từng gia đình. Chỉ trong những buổi sáng, trước khi mang cơm lên chùa, người Khmer thắp nhang mời ông bà cha mẹ cùng theo họ lên chùa. Nhưng một số gia đình người Khmer hiện nay do sống cộng cư với người Việt, ảnh hưởng phong tục người Việt, họ tổ chức lễ đón giao thừa, và cúng ông bà ở nhà trong những ngày lễ Chôl Chnăm Thmây. Trước ngày vào lễ Chôl Chnăm Thmây, người Khmer dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, lau chùi tất cả các vật dụng trong nhà, mua sắm quần áo mới, làm bánh trái. Những phụ nữ Khmer ở Sóc Trăng thường gói bánh tét (num chruôk), (num khnhây, bánh ít (num tean)... để cúng ông bà tổ tiên trong ba ngày lễ. Vào đêm đầu tiên của lễ Chôl Chnăm Thmây, trước giờ tiễn năm cũ qua, năm mới đến, họ đặt bàn thờ ở những nơi trang trọng nhất để đón ông bà tổ tiên của mình. Trên bàn thờ, họ bày lên 5 nhánh hoa, 5 cây đèn cầy, 5 cây nhang, 5 hạt cốm... và nhiều loại trái cây. Trong văn hóa Khmer, số 5 trong nghi thức này biểu thị cho 5 điều quán tưởng, số 5 còn được xem là con số sinh trong quy luật của cuộc sống “sinh- lão- bệnh- tử- sinh”, điều này ảnh hưởng ít nhiều của tư tưởng Bà la môn. Cha mẹ, ông bà tập hợp con cháu, ngồi xếp bằng một phía, ở trước bàn thờ tổ tiên, đốt đèn cầy, thắp nhang thơm  để chào đón thần Têvôda. Người Khmer quan niệm việc làm này là hình thức tiễn đưa vị thần năm cũ, chào đón năm mới. Đồng thời còn có ý nghĩa như để xua đuổi ma quỷ, tẩy rửa sạch sẽ những xui xẻo, ô uế và lỗi lầm của năm cũ. Đó cũng là cách làm trong sạch về mặt tinh thần để đón năm mới một cách trang trọng nhất, tỏ thái độ cung kính đối với ông bà cha mẹ.

2. Lễ dâng cơm[6] (Vên choong han)

Ngày thường, các vị sư sãi mang bình bát đi vào các phum sóc người Khmer khất thực vào các buổi sáng trong ngày. Nhưng vào các ngày mùng 8, 15, 23 và 30, người Khmer trong phum sóc mang cơm đến chùa dâng cho các vị sư sãi. Nhất là vào các dịp lễ Chôl Chnăm Thmây và lễ Sen Đônta, gần như tất cả người Khmer trong phum sóc đều tập trung lên chùa dâng cơm lên các vị sư sãi.

Trong ba ngày vào lễ Chôl Chnăm Thmây, người Khmer dâng cơm lên chùa cho các vị sư sãi rất chu đáo. Buổi sáng dâng điểm tâm, buổi trưa dâng cơm, thức ăn, buổi chiều dâng nước ngọt, sữa, trà đường... Người Khmer mang lễ vật lên chùa, tập trung ở nhà hội[7]. Lễ vật là thức ăn gồm cơm, canh, bánh, trái cây... Thức ăn được bày ra, xếp thành hàng dài ở giữa bậc cao, trước bàn thờ Phật, hai bên có khoảng trống là lối đi lên bàn thờ Phật và cũng là chỗ ngồi cho các vị sư sãi tụng kinh. Tùy theo chùa, có chùa tụng kinh hai lần, từ khoảng 7-8h sáng và từ 10-11h trưa (chùa Dơi, Sóc Trăng), có chùa chỉ tập trung tụng kinh một lần, từ khoảng 10- 11h sáng (chùa Chén Kiểu, chùa Khleng, Sóc Trăng, chùa Ông Mẹt, Trà Vinh, chùa Thơm Mit, An Giang...). Các vị sư ngồi thành hai hàng xung quanh thức ăn, người Khmer chắp hai lòng bàn tay trước ngực ngồi sau lưng các vị sư nghe tụng niệm kinh Phật và lạy Phật.

Mở đầu buổi lễ dâng cơm là lời tụng niệm, thuyết pháp của các vị Acha, sau đó các vị sư tụng kinh, làm lễ tạ ơn những người đã làm ra vật thực và cũng để đưa vật thực đến các linh hồn ông bà, cha mẹ quá cố. Giữa buổi tụng niệm, các vị sư dừng lại hưởng vật thực mà các con sóc dâng lên. Sau đó, các vị sư tụng kinh chúc phúc cho thí chủ và cầu siêu cho những linh hồn đã khuất. Tất cả những vật thực do con sóc dâng lên, dù ngon hay dở các vị sư sãi đều dùng qua một chút gọi là nhận lễ. Nếu sư sãi không dùng đến là chê, là có tội. Kết thúc buổi lễ là lời thuyết pháp, tạ ơn của các vị Acha.
Lễ dâng cơm ở chùa Chén Kiểu, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng

Lễ dâng cơm cho các vị sư sãi là một nghi lễ rất quan trọng, thể hiện nét văn hóa truyền thống của người Khmer Nam Bộ. Đó không chỉ là tấm lòng của tín đồ đối với các vị sư sãi mà còn thể hiện tấm lòng của người còn sống đối với ông bà, tổ tiên đã qua đời, đối với thần linh và cả những linh hồn thiếu đói. Cho nên, dù bận bịu trăm công nghìn việc, dù nghèo khó cơ hàn, người Khmer cũng tìm mọi cách để chuẩn bị đầy đủ thức ăn, cơm canh, bánh trái mang đến chùa trong những ngày Chôl Chnăm Thmây. Đó là một phong tục truyền thống tốt đẹp của người Khmer được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác.

3. Lễ đắp núi cát (Bun pun phnum khsách)

Ngày xưa, theo quan niệm của Balamon giáo, người Khmer đắp chín núi, một núi ở giữa là núi Tudi (Mêru) gọi là trung tâm của thế giới, tám núi xung quanh theo bốn phương tám hướng của vũ trụ, tượng trưng cho tất cả các đại sơn của khoa thiên văn Ấn Độ.

Đến khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, nguồn gốc của lễ đắp núi cát trong những ngày lễ Chôl Chnăm Thmây được giải thích bằng câu chuyện liên quan đến Phật giáo. Núi cát tượng trưng cho ngôi tháp ở tầng trời thứ ba, nơi cất giữ mớ tóc của Phật Thích Ca lúc bỏ nhà đi tìm thầy học đạo. Mỗi hạt cát do tín đồ đắp lên thành núi sẽ giải thoát được một kẻ có tội ở thế gian. Vì thế, người Khmer rất hăng hái đắp núi cát, để mong Đức Phật thấy sự khổ cực của mình mà ban phước lành cho[8].

Người Khmer còn gọi lễ đắp núi cát là “phúc duyên đắp núi cát” (Anisoong pun phnum khsách). Lễ này còn được giải thích bằng một câu chuyện khác cũng liên quan đến Phật giáo. Chuyện kể về một người làm nghề săn bắt, từ trẻ đến già đã giết hại quá nhiều muông thú, nhưng ông được một nhà sư hướng dẫn tích phước bằng cách đắp nhiều núi cát trong một ngôi chùa gần nơi ông ở. Về già, ông thường xuyên đau ốm, do bị ám ảnh bởi bầy thú vây quanh hành hung, đòi nợ oan nghiệt. Nhờ ông đã tích phước trong việc đắp nhiều núi cát, ông tỉnh táo bảo bọn muông thú hãy đếm hết những hạt cát từ núi mà ông đã đắp, trước khi đến đòi nợ ông. Bọn thú đồng ý, chúng cùng nhau đi đếm, nhưng không tài nào đếm hết, chán ngán, chúng bỏ đi và người thợ săn hết bệnh. Từ đó, ông cố gắng tích đức bằng cách làm việc thiện cho đến khi chết được lên thiên đàng[9].

Ngoài các nguồn gốc trên, ở Sóc Trăng còn lưu truyền một truyền thuyết giải thích nguồn gốc ra đời của lễ đắp núi cát. Truyền thuyết kể rằng: ngày xưa, con người vốn ăn thịt và sát sinh nhiều thú vật. Cho nên có những con thú lên trời thưa với Đế Thích. Đế Thích bèn gọi con người lên hỏi tội. Con người chọn ra một người đại diện, rất thông minh lên trả lời những câu hỏi của Đế Thích. Đế Thích thấy phù hợp, ông khuyên bảo bầy thú và bầy thú không dám thưa kiện nữa. Đế Thích cũng khuyên bảo con người: nếu con người do sinh tồn phải làm nhiều chuyện sát sinh mà muốn trở thành người tốt, có sức khỏe để làm nhiều việc cho đạo và cho đời thì mỗi năm phải đắp núi cát một lần. Núi cát là để trừ khử đi quả báo của con người, để cầu siêu cho những linh hồn mà mình đã sát sinh và xin phước báo cho chính người đắp, mỗi hạt cát được đắp là một điều phước cho con người. Núi cát có rất nhiều hạt cát, cho nên càng đắp được nhiều núi cát thì càng tích được nhiều phước cho bản thân, rửa được những tội lỗi đã gây nên. Đắp núi cát là phải thành tâm, thành ý, đắp bằng cả tấm lòng của mình thì mới mong xóa được những tội lỗi đã gây nên.

Lễ đắp núi cát được tổ chức vào chiều ngày thứ hai của lễ Chôl Chnăm Thmây. Người Khmer tìm cát sạch đem đến đổ thành đống chung quanh chánh điện. Số lượng núi cát được đắp ở các chùa Khmer không giống nhau, đa số chùa Khmer ở Sóc Trăng đắp 9 núi (8 núi ở 8 hướng của vũ trụ và 1 núi ở giữa tượng trưng cho trung tâm vũ trụ), có chùa đắp một núi ở trước chánh điện (chùa Khleang, Sóc Trăng). Một số chùa Khmer ở Tịnh Biên (An Giang), họ thường đắp 7 núi. Một số chùa Khmer ở Trà Vinh đắp 4 núi (Đông, Tây, Nam, Bắc, theo bốn hướng của vũ trụ). Người Khmer chọn một khoảng sân rộng, cắm 5 cây lọng nhỏ, 4 cây ở bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc, 1 cây ở giữa. Đến giờ sư cả ấn định, tiếng trống chùa vang lên, người Khmer đốt đèn cầy cắm xung quanh chân lọng, họ dùng lon, thúng nhỏ xúc cát đổ vào giữa. Vừa xúc, họ vừa cầu nguyện trời, Phật phù hộ làm ăn phát tài, mạnh khỏe suốt năm. Mỗi người đổ một ít, dần dần thành đống cao, gọi là núi, chân núi sát bốn chân lọng[10].

Việc đắp núi cát ở chùa đối với người Khmer trong ngày lễ Chôl Chnăm Thmây nhằm thể hiện công sức, lòng thành của người tham gia đắp. Trước đây, cát dùng để đắp núi được người Khmer giữa trưa nắng lặn lội xuống sông hoặc ra ngoài đồng gánh về đổ trong sân chùa. Việc đắp núi cát còn thể hiện ước mơ, mong cầu cho năm mới trở nên giàu có, của cải chất cao như núi. Ngoài ra, theo quan niệm của Phật giáo Tiểu thừa, việc đắp núi cát còn nhằm tích góp công đức, đắp mỗi hạt cát là có thể rửa được một tội lỗi đã gây ra trong một năm qua.

Trong những ngày lễ Chôl Chnăm Thmây, người Khmer Sóc Trăng đến chùa ngoài việc thắp nhang ở các bàn thờ Phật còn đến thắp nhang, khấn nguyện ở các núi cát nhằm để cầu xin được xóa bỏ tội lỗi mà họ đã vô tình gây nên trong năm qua thông qua những hạt cát mà họ đã đắp. Một số gia đình còn mang lễ vật bày trước núi cát, mời sư sãi đến tụng kinh rửa tội và tích phước cho cả gia đình trong ngày thứ ba của lễ Chôl Chnăm Thmây.

Ở một khía cạnh khác, có thể nói lễ đắp núi cát của người Khmer ngoài ý nghĩa như một nghi lễ truyền thống của dân tộc còn có ý nghĩa như một hoạt động “hội”. Tính trang nghiêm vẫn còn được giữ gìn trong khi tiến hành các nghi thức cầu nguyện tại núi cát, nhưng trong quá trình mọi người tham gia đắp núi cát, tiếng nhộn nhịp, vui đùa của những đứa trẻ, cũng như tiếng nói, tiếng cười đùa của những người lớn đã tạo nên một không khí hội vui vẻ ở trong sân chùa Khmer. Những người tham gia đắp núi cát đi thành từng đôi vừa cùng nhau mang cát, vừa cùng nhau vung cát bằng chính đôi tay của mình, từ từ đắp lên những núi cát lớn, lại vừa cùng nhau trang trí bông hoa, viết chữ lên núi cát... đã tạo nên không khí vui đùa, thoải mái sau những ngày làm việc cực nhọc.

Lễ đắp núi cát trong những ngày lễ Chôl Chnăm Thmây của người Khmer ở Nam Bộ hiện nay còn được tổ chức ở rất ít chùa Khmer. Một số chùa Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh... chuyển từ việc đắp núi cát sang núi lúa, núi gạo. Một số ít chùa Khmer vừa đắp núi cát, vừa đắp núi lúa. Bởi họ cho rằng việc mỗi người dân mang một ít cát đến chùa để thực hiện nghi lễ rất khó khăn và số cát sau nghi lễ đắp núi cát, chùa cũng không sử dụng được. Việc đắp núi cát chỉ được tổ chức trong những năm chùa đang xây dựng, cát do người dân mang đến sẽ được dùng vào việc xây dựng chùa. Còn lúa và gạo luôn có sẵn trong nhà dân, họ mang vào chùa dễ dàng hơn. Số lúa và gạo sau nghi lễ cũng được dùng vào việc cung cấp lương thực cho các vị sư sãi hoặc chia cho dân nghèo.

Khi núi cát được thay thế bằng núi lúa thì hình thức đắp cũng thay đổi. Nếu như khi đắp núi cát, người Khmer thường đắp thành chín núi (Sóc Trăng), 4 núi (Trà Vinh), 7 núi (An Giang) xung quanh chánh điện thì khi đắp núi lúa, họ chỉ đắp một núi duy nhất ở trong chánh điện. Mỗi người dân khi đến chùa bắt đầu từ ngày thứ hai của lễ Chôl Chnăm Thmây đều mang theo lúa, đổ thành đống trong chánh điện.

4. Lễ tắm tượng Phật (Sroong tức Pres)

Lễ này được tổ chức vào ngày thứ ba, ngày cuối cùng của lễ Chôl Chnăm Thmây. Vào buổi chiều, người Khmer tập trung ở chánh điện, các vị Acha đặt tượng Phật vào thau lớn. Các vị Acha chuẩn bị nước thơm, nước thơm được ướp từ nhang thơm và sáp. Đến giờ ấn định, sư cả đánh trống, tập trung mọi người vào chánh điện, thắp nhang ở bàn thờ Phật, sư sãi, các vị Acha đọc kinh. Người Khmer chắp tay trước ngực, ngồi sau lưng các vị sư sãi. Đọc kinh xong, các vị sư sãi dùng cành hoa hoặc một bó lá tre nhúng vào nước thơm tắm tượng Phật. Sau đó, những người Khmer tuần tự đến trước tượng để làm lễ tắm tượng Phật. Ai cũng muốn tự mình lấy nước tưới lên tượng Phật, càng tưới được nhiều nước, càng được nhiều phúc đức và tài lộc trong năm mới. Mọi người cùng lấy nước tắm tượng Phật, tát nước vào sư sãi, vào những người tham gia nghi lễ.

Sau khi làm lễ tắm tượng Phật ở chùa, trở về nhà, người Khmer tiếp tục làm lễ tắm tượng Phật ở gia đình. Trong gia đình người Khmer, bàn thờ Phật luôn được người Khmer đặt ở vị trí trang trọng nhất, thường ở giữa nhà. Trên bàn thờ thường có một một bức tranh hình Phật. Trong ngày thứ ba, ngày kết thúc Lễ Chôl Chnăm Thmây, người Khmer dùng bông hay vải nhúng nước ướp hương thơm hoặc rượu lau sạch bụi bặm trên tranh, tượng Phật. Việc làm này theo quan niệm của người Khmer là để tẩy rửa bụi trần của năm cũ và nhằm làm mới mọi vật, mọi việc trong năm mới để mang đến những điều mới mẻ tốt đẹp cho tượng Phật cũng như cho chính bản thân và gia đình người thực hiện nghi lễ này.

5. Lễ tắm sư sãi (Sron tưc Pres soong)

Vào cuối buổi chiều ngày thứ ba của lễ Chôl Chnăm Thmây, sau khi kết thúc lễ tắm tượng Phật ở chùa, người Khmer trải chiếu trong sân chùa và mời các vị sư ngồi vào chiếu theo chức sắc, bắt đầu từ sư cả, sư phó, tỳ kheo, sadi. Người Khmer bày tỏ ý muốn tắm sư sãi. Vị sư đồng ý, đứng dậy, đi tránh ra xa, cởi bỏ áo vàng, vận chiếc xà rông, ngồi lại chỗ cũ. Phật tử múc nước thơm đổ lên mình sư sãi, kỳ cọ tự nhiên trước mặt mọi người. Trong văn hóa người Khmer, lễ tắm này tượng trưng cho sự xua đuổi những gì dơ bẩn trong năm qua và tiếp đón nguồn vui, trong sạch, mới mẻ của năm mới. Đồng thời cũng là lễ chúc phúc, chúc thọ cho các vị sư lớn tuổi trong năm mới. Ở một số chùa, mọi người đến dự lễ cùng tát nước vào nhau để chúc mừng và cầu xin sự may mắn bởi đối với người Khmer nước là biểu tượng của sự sung túc và may mắn[11].

Song song với việc tắm sư sãi, ở từng gia đình, người Khmer cũng làm lễ tắm cho ông bà, cha mẹ, những người lớn tuổi và thay quần áo mới cho ông bà cha mẹ. Việc làm này để chúc phúc, chúc thọ cho ông bà sang năm mới tiếp tục sống khỏe, sống trường thọ cùng con cháu.

Hiện nay, lễ tắm sư sãi chỉ còn được tổ chức ở một số rất ít chùa Khmer có các vị sư lớn tuổi, còn đa số các chùa đều không tổ chức nghi lễ này. Lễ tắm ông bà cha mẹ trong từng gia đình người Khmer ngày nay cũng gần như bị mai một. Bởi lẽ, việc tắm cho sư sãi, cũng như cha mẹ, ông bà lớn tuổi thường không thực hiện được do sư sãi, cha mẹ, ông bà thường ngại ngùng khi mọi người thực hiện nghi lễ đối với thân thể mình. Thay cho lễ tắm sư sãi, ông bà, cha mẹ, trong ngày thứ ba của lễ Chôl Chnăm Thmây, người Khmer mua y mới biếu sư sãi, quần áo mới, tiền dùng để biếu ông bà, cha mẹ. Điều này cũng thể hiện lòng hiếu thảo, thành kính cầu chúc sư sãi, ông bà, cha mẹ sống khỏe, sống trường thọ.

6. Lễ cầu siêu (Bun  Băng skôl)

Lễ này được tổ chức vào buổi chiều ngày cuối cùng kết thúc lễ Chôl Chnăm Thmây. Sau khi kết thúc lễ tắm tượng Phật, tắm sư sãi, các vị Acha tập trung con sóc đến khu vực tháp đựng hài cốt các vị sư đã viên tịch để cầu siêu cho linh hồn các vị sư này.

Sau đó, mỗi gia đình người Khmer mời từ 2 đến 4 vị sư sãi đến tháp lưu giữ hài cốt của những người thân đã mất để cầu siêu cho linh hồn những người thân của mình. Nếu chùa có những tháp đựng hài cốt gần nhau và gần tháp cốt của các vị sư đã viên tịch, các vị sư sãi tập trung cầu siêu cùng lúc đối với hai loại tháp để cầu mong linh hồn những người chết được siêu thoát. Người Khmer mang thức ăn, bánh, trái cây, bày trên chiếu trước cửa tháp đựng hài cốt, thắp nhang ở cửa tháp, cột một sợi dây chỉ trắng (có chùa sử dụng vải trắng) nối từ cửa tháp đến tay sư cả, tượng trưng cho con đường từ người sống đến nơi an nghỉ của người chết. Các vị sư sãi ngồi phía trước, những người Khmer bình thường ngồi phía sau, hướng về phía cửa tháp, chắp hai lòng bàn tay trước ngực. Người Khmer ghi tên những người đã chết có cốt đựng trong các tháp vào tờ giấy, truyền đến trước mặt vị sư cả. Các vị sư tụng kinh cầu mong cho tất cả linh hồn những người chết sớm được siêu thoát. Sau khi các vị sư sãi tụng kinh xong, người Khmer mở nắp tháp, lấy bình tro của người thân mang ra ngoài, dùng nhánh hoa hoặc bó lá tre, nhúng nước thơm rải lên hài cốt của ông bà, cha mẹ, những người đã khuất, gọi là Ôipôtức.

Ở Sóc Trăng, một số gia đình người Khmer còn xây dựng các tháp đựng hài cốt ông bà, cha mẹ trong sân phía sau nhà. Vì vậy, trong ngày Lễ Chôl Chnăm Thmây, những gia đình này không lên chùa làm lễ cầu siêu, mà rước sư sãi về nhà. Họ chuẩn bị cơm canh, bánh trái, mời các vị sư sãi tụng kinh cầu an cho người còn sống. Sư sãi hưởng một ít lễ vật của chủ nhà và tụng kinh cầu siêu cho những người thân đã mất trong gia đình. Các vị sư sãi cũng dùng nước ướp hương thơm rắc lên người còn sống và rắc lên hài cốt của những người đã mất.

Việc dùng nước thơm để rắc lên người còn sống cũng như hài cốt người chết theo quan niệm của người Khmer là thể hiện niềm mong ước trong năm mới mọi điều sẽ diễn ra tốt đẹp, mát mẻ, sạch sẽ đối với người còn sống giống như bản chất tinh khiết tốt đẹp của nước. Đồng thời đối với linh hồn của người chết, rắc nước lên hài cốt của họ để cầu mong họ ra đi về thế giới bên kia siêu thoát dễ dàng như dòng nước trôi đi.

Lễ cầu siêu là nghi lễ cuối cùng kết thúc những ngày lễ Chôl Chnăm Thmây của người Khmer ở Sóc Trăng.

Như vậy, lễ Chôl Chnăm Thmây hay còn gọi là Tết cổ truyền của người Khmer được tổ chức với những nghi lễ, những sinh hoạt văn nghệ, trò chơi khác nhau nhưng đều đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khmer. Lễ hội này là nguồn cảm hứng, là động lực chủ yếu thúc giục người Khmer sinh sống và làm việc hiệu quả hơn. Nó còn là niềm mơ ước và khao khát một cuộc sống tốt đẹp, một tương lai lí tưởng của người Khmer. Người Khmer lao động quanh năm vất vả chỉ mong chờ đến ngày lễ này để được nghỉ ngơi, thư giản, thăm viếng người thân, vun bồi tình cảm giữa người và người. Đây là lễ hội đặc trưng tiêu biểu nhất của người Khmer. Nếu người Việt, Hoa xem trọng lễ Tết Nguyên Đán thì người Khmer lại xem trọng lễ Chôl Chnăm Thmây này.

Ngọc Tú
-
Tài liệu tham khảo

1. Đặng Vũ Thị Thảo, 1993: Lễ hội của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long.- In trong: Văn hóa người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long.- H.: Nxb Văn hóa dân tộc, tr 71- 105.
2. Hoàng Lương, 2002: Lễ hội truyền thống của các dân tộc Việt Nam khu vực phía Bắc.- H: - Nxb Đại học Quốc gia, 214 tr.
3. Lê Hương, 1969: Người Việt gốc Miên.- Nxb Sài Gòn, 277tr.
4. Ngô Khị, 1988: Phlêng Pinpeat hay “dàn nhạc ngũ âm”.- In trong: Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ.- Hậu Giang: Nxb Tổng hợp, tr 247- 251.
5. Nguyễn Xuân Nghĩa, 1987: Lễ hội nông nghiệp cổ truyền ở người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long.- In trong: Tạp chí Văn hóa Dân gian, số 20, tr 63- 69.
6. Sơn Phước Hoan (cb), Sơn Ngọc San, Danh Sên, 2002: Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ.- H.: Nxb Giáo dục, 143tr.

Nguồn link: https://www.vhttdlkv3.gov.vn/Ngay-hoi-VHTTDL-Khmer/Net-van-hoa-truyen-thong-trong-le-Chol-Chnam-Thmay-cua-nguoi-Khmer-Nam-Bo.4339.detail.aspx
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kỳ bí từ một cây sao

Phong tục tập quán 21:37 06/10/2018

Hướng dẫn chúng tôi đến tận gốc cây sao to lớn đang ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền hoặc, tâm linh, ông Lý Thum, ngụ ấp Đại Thọ nói khẽ: “Cây sao này nghe nói đã trên 700 năm rồi mà vẫn tươi tốt quanh năm. Nhiều người tới đây thắp nhang cầu nguyện lắm vì cây rất “thiêng”. Đã có những câu chuyện tâm linh xảy ra với người đã dám cưa cây để lấy gỗ. Từ đó ban đêm không ai dám bén mảng đến đây”.

Rộn ràng làng nghề làm lồng đèn giấy

Phong tục tập quán 09:20 23/09/2018

Điều đáng phấn khởi là công việc này rất đơn giản, dễ làm, không cần vốn, người cao tuổi lẫn trẻ em đều có thể thực hiện do không phụ thuộc thời gian, sức khỏe, trình độ học vấn.

Trung thu sắp về nơi xóm nhỏ…

Phong tục tập quán 14:03 14/09/2018

Ánh trăng vằng vặc ngày rằm chia sẻ niềm vui trong trẻo, hạnh phúc cho con trẻ mọi nhà dù nơi giàu có, hay còn nghèo khó như ở xóm  Ao Đình ngày nay... Trăng Trung Thu sẽ rất tuyệt vời! Muôn đời vẫn vậy…

Hương cốm gọi thu về

Phong tục tập quán 12:07 13/09/2018

Cứ mỗi độ gió heo may về, giăng giăng ngập tràn lối phố thì cũng là thời khắc báo hiệu một mùa thu bắt đầu tới! Mùa thu ở mỗi vùng miền lại mang đến cho con người ở đó những khoảng khắc, nét thi vị riêng biệt mà khi đi xa người ta thường không dễ gì quên được. Với thủ đô Hà Nội, mùa thu được mọi người biết tới không chỉ có cái hanh hao của nắng vàng, chút gió heo may se se lạnh, lá vàng rụng rơi ngập phố, mà ở đó còn có còn có mùi hương hoa sữa nồng nàn, những trái sấu chín vàng rụng hoài trên ngõ vắng, và mùi của hương cốm…

Xem thêm