Chữ “nghiệp” qua một số nghiên cứu
Khái niệm nghiệp rất quan trọng trong đạo Phật, dùng chỉ quy luật chung nhất về nguyên nhân và kết quả. Mỗi tác động dưới các điều kiện và duyên nhất định sẽ tạo thành hệ quả.
Dựa vào “khuôn vàng thước ngọc” là Từ điển Phật học, tôi thấy “nghiệp” được viết như sau: “1- Hành vi, hành động, hoạt động; 2- Hành vi của con người; cách cư xử, tư cách, bao gồm 3 hành vi thuộc ý, miệng, và thân; 3- Dấu tích, kết quả lưu lại từ 3 hành vi của nghiệp; năng lực vận hành tiềm tàng – nhân duyên tạo thành từ những hành vi mà cuối cùng sẽ tạo ra các kết quả khác; 4- Hành vi xấu ác, tai hại, mê muội; 5- Hạnh thanh tịnh; 6- Nỗ lực, tinh tấn, phấn đấu.
Khái niệm nghiệp rất quan trọng trong đạo Phật, dùng chỉ quy luật chung nhất về nguyên nhân và kết quả. Theo đạo Phật, mỗi tác động (nghiệp) dưới các điều kiện và duyên nhất định sẽ tạo thành hệ quả. Một khi quả đó chín, nó sẽ rơi trở lại người tạo ra nó. Muốn thành quả, một nghiệp là phải tốt hay xấu và là một hành động cố ý. Vì sự cố ý đó, một nghiệp để lại một dấu vết nơi tâm thức của người tạo nghiệp và tâm thức đó sẽ hướng theo những sự tạo tác của chính mình. Thời gian để một quả chín muồi có thể kéo dài rất lâu và chính nó tác động lên sự tái sinh và làm loài hữu tình, trong đó có người, cứ lưu mãi trong luân hồi.
Một nghiệp được gây ra hoặc bằng một hành động thuộc thân, thuộc tâm hay ngôn ngữ. Như thế khi người ta có ý làm cái gì thì đã tạo nghiệp, không nhất thiết việc làm đó xảy ra hay không. Chính tư tưởng đã tạo tác nghiệp. Một hành động sẽ không gây nghiệp nếu nó được thực hiện mà không xuất phát từ tham, sân, si. Một nghiệp tốt có thể mang lại kết quả tốt trong một sự tái sinh. Tạo nghiệp tốt không có nghĩa là chấm dứt tái sinh. Muốn thoát khỏi luân hồi, con người phải từ bỏ nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu. Cần phải hiểu nghiệp và nghiệp lực không đồng nghĩa với thuyết cho rằng mọi sự đều được quyết định sẵn (thuyết định mệnh). Nghiệp làm con người tái sinh trong một cuộc đời, một hoàn cảnh nhất định, nhưng hành động con người trong cuộc đời đó vẫn có sự tự do. Nghiệp sinh ra hoàn cảnh, sự phản ánh đối với hoàn cảnh này lại nằm trong tay con người”(1).
Đọc tới đọc lui, hết ngẫm tới nghĩ đã nghe lùng bùng lỗ tai và thấy việc học Phật không đơn giản chút nào. Một hôm cơ duyên đưa đẩy, tôi đọc được bài “Nhận thức luận kinh Thủ Lăng Nghiêm” của Tuệ Vũ đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2/2001, tôi biết thêm nghiệp không chỉ như giải thích của Từ điển Phật học dẫn trên, mà còn có “nghiệp chung”, “nghiệp riêng”. Theo Tuệ Vũ, “Nghiệp chung là tính cách giống nhau của nhiều người cùng sinh sống trong một môi trường rộng lớn (một nước). Nghiệp riêng là của một cộng đồng nhỏ (làng bản) hay một cá nhân. Dù nghiệp chung, dù nghiệp riêng nếu chúng ta hiểu ra rằng, tính hay phân biệt, tính cách đối đãi Năng, Sở ấy chính là một thứ bệnh lòa của con mắt nhận thức thế tục thì sự hiểu biết ấy là nhận thức không có bệnh; là Cái thấy không bị điều kiện hóa, nó nhận ra được Tính Thấy”(2).
Chiến dịch 'Ngưng tạo nghiệp': Mua một ngà voi nhận một quả báo
Để hiểu cái “nghiệp chung”, “nghiệp riêng” này, người học Phật phải biết tới Tâm Năng và Tâm Sở, tức là biết được “Cái thấy” và “Cái bị thấy”. Theo lý giải của Tuệ Vũ thông qua kinh Lăng Nghiêm, thì “Cái bị thấy” gọi là Tâm Sở. “Cái thấy” còn gọi là “kiến phần”. Kiến phần gọi là Tâm Năng. Tâm Năng và Tâm Sở đều từ một Tâm mà sinh ra.
Nhưng chữ “nghiệp” ấy là “đặc sản” của đạo Phật hay của tôn giáo có trước thời đức Phật? Trong bài “Nhân bản luận Phật giáo, cứu cánh của con người hiện đại”, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2/2001, Chí Anh cho rằng: “Hai giáo lý quan trọng mà người học Phật phải biết rõ. Đó là Nghiệp báo và Luân hồi, hay những kiếp sinh tồn trở đi trở lại. Đó cũng là hai giáo lý cốt yếu của Ấn Độ giáo, nhưng người theo Ấn giáo thấm nhuần những ý niệm về một linh hồn tự ngã, trái lại Phật giáo hoàn toàn phủ nhận”(3). Như vậy, Nghiệp báo và Luân hồi có trước thời đức Phật. Và đến thời đức Phật đã có lý giải khác về vấn đề này.
Theo nghiên cứu của mình, Chí Anh cho biết Phật giáo đã có lý giải khác về Nghiệp báo và Luân hồi so với cách lý giải của Ấn Độ giáo, như sau: “Nghiệp báo và Luân hồi là định luật mang tính nhân quả, là ánh sáng rọi bản thể con người. Do đó, nó chính là nền móng đạo đức học của Phật giáo. Tóm lại, hiểu một cách rốt ráo, Nghiệp báo là sự tác ý hay ý muốn. Còn Luân hồi theo Phật giáo thì sau khi chết hoặc trước khi sinh ra không có đời sống nào nơi con người là không tùy thuộc vào Nghiệp, hay hành động có tác ý. Nghiệp báo là hệ luận của Luân hồi, và ngược lại. Luân hồi là hệ luận của Nghiệp báo. Hai giáo lý này bổ sung và gắn bó với nhau rất mật thiết”(4).
Yếu tố giúp nhận biết bản thân có tạo ác nghiệp hay không
Chí Anh cho biết thêm: “Luận cứ Nghiệp từ kinh Vệ Đà qua đạo Phật đã biến đổi và mang một sắc thái khác hẳn: Nghiệp Phật giáo hàm chứa tính chất tự do và tinh thần trách nhiệm của cá nhân trên lộ trình đi đến bến bờ giác ngộ… Ở đây cần phải nói là Nghiệp đã dạy cho con người tự mình xây dựng kiếp mai sau cho mình, chứ không trông chờ ở Đấng Sáng tạo Brahma ban phát cho một ân huệ siêu hình nào cả”(5). Và kết luận: “Phật giáo đã đặt vấn đề lý giải hành động con người trên cơ sở hợp lý, và Thiện, Ác cũng không do siêu hình bản thể nào áp đặt, mà do chính con người quyết định. Ở đây ta thấy nghiệp Phật giáo thể hiện tính công lý và công bằng triệt để”(6).
Chỉ một chữ “nghiệp” mà đã rắc rối đến thế đấy, nên ai dám nói học Phật chẳng có gì khó?
CHÚ THÍCH:
(1) Ban Biên dịch Đạo Uyển, Từ điển Phật học, NXB Tôn giáo, H, 2016, trg 388.
(2) Tuệ Vũ, Nhận thức luận kinh Thủ Lăng nghiêm, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2/2001, trg 10.
(3) Chí Anh, Nhân bản luận Phật giáo, cứu cánh của con người hiện đại, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2/2001, trg 16.
(4) Nhân bản luận Phật giáo, cứu cánh của con người hiện đại, đd, trg 16.
(5) Nhân bản luận Phật giáo, cứu cánh của con người hiện đại, đd, trg 17.
(6) Nhân bản luận Phật giáo, cứu cánh của con người hiện đại, đd, trg 17.
Theo: Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2020
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nguyễn Du - Tiếng lòng thiên thu
Nghiên cứu 23:14 20/12/2024Thơ và thiền là đôi cánh đại bàng tung bay trên bầu trời Đông phương và Tây phương suốt từ nghìn xưa cho đến ngày nay.
Nguyện giải thoát ngay hiện tiền
Nghiên cứu 13:41 18/12/2024Trong nhà Phật, lời nguyện có thể gặp ở bất kỳ kinh sách nào. Hầu hết các lời nguyện đều lớn vô cùng và trải dài vô cùng tận. Trong các chùa Thiền tông, chúng ta thường nghe tới Tứ hoằng thệ nguyện, nơi câu đầu “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” (Nguyện giải thoát vô số chúng sinh) đã mang tâm lượng vô biên, vô cùng tận.
Đời tu của tôi
Nghiên cứu 09:32 18/12/2024Đời tu của tôi có những cái dễ nhưng cũng gặp những cái khó. Trong cái khó thật ra tôi không tính toán cũng không suy nghĩ phải làm sao, tôi chỉ âm thầm xin Tam Bảo gia hộ. Ai làm gì nói gì, tôi cứ lặng thinh mà chịu chờ Tam Bảo gia hộ, rồi cái tốt đẹp sẽ đến, tôi không có phản ứng để chống chọi gì hết.
Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích ở Bắc Ninh
Nghiên cứu 11:12 17/12/2024Ngôi cổ tự Phật Tích (tên gọi khác là chùa Vạn Phúc) toạ lạc trên núi Phượng Hoàng, Tiên Du, Bắc Ninh là nơi lưu lại dấu ấn truyền bá Phật giáo ở vùng Bắc bộ hơn nghìn năm. Chùa Phật Tích còn được biết đến là nơi lưu giữ 2 bảo vật quốc gia: Tượng Phật A-Di-Đà và bộ tượng 10 linh thú đá.
Xem thêm