Thứ năm, 13/06/2019, 08:00 AM

Chùa Vĩnh Nghiêm, từ Thiền sư Tâm Viên đến Thiền sư Thanh Hanh tông phong vĩnh chấn

Chùa Vĩnh Nghiêm là chốn tổ Phật giáo Việt Nam. Căn cứ truyền thuyết dân gian địa phương cũng như tấm bia do Hòa thượng Thích Thanh Hanh soạn để trong nhà tổ đệ nhất thì chùa có từ thời Lý, nhưng được phát dương vào thời Trần với dấu ấn từ Tam tổ Trúc Lâm.

Truyền thừa tông phái cũng như sinh hoạt tự viện được văn bản Thánh đăng ngữ lục, Tam tổ thực lục, văn bia tháp Thanh Mai cũng như nhiều văn bản, thư tịch Phật học ghi chép lại Trần Nhân Tông hoằng pháp tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Về sau, kế nối vua Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa cũng mở đàn giảng kinh, in ấn kinh sách, truyền giới đàn, định quy chế cho tăng ni từ chính ngôi chùa này. Tổ tổ tương truyền, tông phái nối kế, đến nay mạch truyền từ chùa Vĩnh Nghiêm đã gần nghìn năm tuổi. Tông phái mãi mãi nối tiếp với hình ảnh của Tam tổ Trúc Lâm nơi nhà tổ đệ nhất như dấu truyền cho thiền phong của chốn chùa tổ. Truyền thừa sau thời Tam tổ Trúc Lâm, Vĩnh Nghiêm có phần trầm lắng do thời thế, binh hỏa cũng như không để lại thư tịch nào ghi chép về truyền thừa.

Chùa cổ Vĩnh Nghiêm là chốn tổ Phật giáo Việt Nam

Chùa cổ Vĩnh Nghiêm là chốn tổ Phật giáo Việt Nam

Tuy nhiên, đến thời Lê Trung hưng, truyền thừa tông phái từ Lâm tế tông bắt đầu phục hưng, và nối tiếp thiền Trúc Lâm từ sau Chân Nguyên thiền sư, tạo nên mạch nguồn thiền Trúc Lâm nơi miền bắc nói chung và chùa Vĩnh Nghiêm nói riêng được khôi phục và phát triển.

Đến thế kỉ 19, hòa thượng Thích Tâm Viên kế nối mạch thiền phong về nhận trụ trì chùa và phát dương quang đại truyền thừa cũng như truyền thống từ chốn tổ. Ngài Tâm Viên đã khôi phục phong quang từ mấy trăm năm trước, như dựng dậy ánh sáng từ Tam tổ truyền lại đến hậu nhân và đặc biệt để lại dấu ấn rất rõ trong trùng hưng tự viện, định quy chế chùa, in ấn kinh sách, truyền phong khí cho các đệ tử, mở rộng pháp phái cũng như tông phong.

Ảnh hưởng từ chùa Vĩnh Nghiêm đến các sơn môn, tổ đình từ thời Tâm Viên về sau là rất rõ. HT Tâm Viên viên tịch, đến HT Thanh Hanh kế phong, và trở thành vị Thiền gia Pháp chủ đầu tiên của Phật giáo Việt Nam và truyền ảnh hưởng phong hóa đến tận ngày nay. Có thể thấy, từ Tâm Viên đến Thanh Hanh là một mạch truyền, kế nối thế hệ đi trước, mở mang tông phong, tạo ảnh hưởng đến thế hệ về sau.

Tổ Thiền sư Thích Thanh Hanh kế thừa và trở thành vị Thiền gia Pháp chủ đầu tiên của Phật giáo Việt Nam và truyền ảnh hưởng phong hóa đến tận ngày nay Ảnh: Thiền Phong

Tổ Thiền sư Thích Thanh Hanh kế thừa và trở thành vị Thiền gia Pháp chủ đầu tiên của Phật giáo Việt Nam và truyền ảnh hưởng phong hóa đến tận ngày nay Ảnh: Thiền Phong

Thiền sư Thích Thanh Hanh luôn quan tâm đến việc chấn hưng Phật giáo, quy tụ các sơn môn về một mối. Hoạt động của Ngài và Tăng hữu cho mục đích cao cả đó đã vang dội tận miền Nam, nên năm 1929, Hòa thượng Khánh Hòa đã cử Thiền sư Thiện Chiếu ra Bắc gặp các sơn môn để bàn việc thành lập Việt Nam Phật Giáo Tổng Hội. Nhưng vì cơ duyên chưa thuận, việc không thành. Sau đó miền Nam, rồi miền Trung lần lượt thành lập các hội Phật giáo. Miền Bắc đến ngày 05-12-1934, Bắc Kỳ Phật Giáo Hội mới chính thức được thành lập.

Hội đã thỉnh cầu Ngài làm Thiền gia Pháp chủ. Tuy tuổi Ngài lúc đó đã 94, sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng vì ước nguyện mấy chục năm nay của Ngài đã thành sự thật, nên Ngài vẫn vui vẻ nhận lãnh nhiệm vụ nặng nề ấy. Trong lễ suy tôn, tổ chức rất long trọng tại chùa Quán Sứ ngày 23-12-1934, Ngài đã kêu gọi Tăng sĩ theo nguyên tắc lục hòa của Phật dạy mà bỏ hết dị biệt của tông nọ phái kia để dốc lòng chấn hưng Phật giáo. (Trích Danh tăng Việt Nam)

Bài viết dựa trên nguồn thư tịch Hán Nôm, bao gồm văn bia, văn khắc, kinh tịch Phật giáo lưu truyền trong các chùa chiền, thiền môn, thư viện để mường tượng thời thế - con người từ Tâm Viên thiền sư đến HT. Thanh Hanh về sau. Mạch nối giữa các vị Tổ đức này dựa trên ảnh hưởng của họ tới tông môn pháp phái, với lợi ích quần sinh, nhằm hướng đến luận giải con người và thời đại của các Thiền sư.

I. Tâm Viên Thiền sư từ truyền thừa tông phái

Chuyết Chuyết Thiền sư (1590 – 1644) đến Đại Việt đầu thế kỉ XVII hoằng dương đạo pháp mở ra một thời kì mới. Thời thiền sư Chuyết Chuyết, các đệ tử của ông tiếp tục phát triển Lâm Tế tông và phủ hệ thống đệ tử phân phái khắp miền Bắc.

Sau thời Thiền sư Chuyết Chuyết, các đệ tử hàng chữ Minh theo truyền thừa tông phái từ bài kệ Trí Bản Đột Không dần dần viên tịch và đa phần tạo nên ảnh hưởng không nhiều. Duy nhất trong số đó, một đệ tử có thể là cuối thời của Chuyết Chuyết là Minh Lương Thiền sư. Minh Lương là người Việt, đến nay thư tịch khảo về thân thế sự nghiệp không nhiều ngoài mấy thư tịch lịch sử Phật giáo cũng như bia tháp Kim Cương viết về ngài ở chùa Vĩnh Phúc Phù Lãng. Tuy tư liệu không nhiều nhưng lại làm rõ con người Minh Lương là ngọn đèn kế đăng từ Chuyết Chuyết và điều đặc biệt, từ ngài truyền đến hậu bối là những đệ tử như Chân Tường, Chân Hỷ, Chân Nguyên…

Hiện nay ít tư liệu ghi về truyền đăng chùa Vĩnh Phúc ở Phù Lãng tuy nhiên qua thư tịch các chùa, kinh sách… cho biết thì đầu thế kỉ XIX có Hòa thượng Kim Mã trụ trì ở đây. Kim Mã là tên hiệu của Hòa thượng Thông Duệ chùa Vĩnh Phúc, đồng thời kiêm trụ trì chùa Phúc Long cùng làng Phù Lãng. Theo văn bia “Phúc Long Hòa thượng khâm mệnh” dựng ở chùa Phúc Long xã làng Phù Lãng thì năm Ất Mùi niên hiệu Minh Mệnh thứ 16 (1835), Hòa thượng Kim Mã tên hiệu là Thông Duệ 通睿đã vào Huế dự kì sát hạch và nhận được Giới đao Độ điệp của triều đình ban tặng[1].

Một trong những bậc long tượng của Phật giáo thế kỉ XIX là Phúc Điền hòa thượng, người sống cùng thời với tổ Kim Mã đã viết về truyền thừa chùa Vĩnh Phúc một đoạn dài trong Thiền uyển truyền đăng lục(VHV.9).

Nội dung ghi lại truyền thừa các chư tổ ở chùa Vĩnh Phúc như sau:

Tổ Chuyết Chuyết Thiền sư 拙拙禪師 truyền cho Minh Lương thiền sư 明良禪師

Tổ thứ nhất chùa Vĩnh Phúc là Minh Lương Mãn Giác Thiền sư 明良滿覺禪師

Tổ thứ hai Chân Nguyên tổ sư 真源祖師

Tổ thứ ba Như Nguyêntổ sư如元祖師

Tổ thứ bốn Tính Hiển tổ sư性顯祖師

Tổ thứ năm Hải Khâm tổ sư海欽祖師

Tổ thứ sáu Tịch Thất Chiêu Chiêu Đại sư 寂七昭昭大師

Tổ thứ bảy Thiên Đông Phổ Đăng Đại sư天東普燈大師

Tổ thứ tám Thông Duệ Hòa thượng通睿和尚

Tổ thứ chín Tỳ khưu Tâm Viên Thiền sư 心圓禪師 ở chùa Vĩnh Nghiêm[2].

Theo bài kệ truyền thừa tư Trí Bản Đột Không tồn tại trong tông Lâm Tế tại miền Bắc thì truyền thừa các tổ được chùa Vĩnh Phúc được liệt kê như trên là liên tục không bị ngắt quãng[3].

Cũng như căn cứ vào câu cuối cùng trong phần viết về truyền thừa tông phong chùa Vĩnh Phúc đã liệt kê đời tổ thức 9 chính là Tâm Viên thiền sư. Tâm Viên là đệ tử của Thông Duệ Thiền sư. Điều này hoàn toàn phù hợp với văn bia “Đức La xã Vĩnh Nghiêm tự sáng tạo lịch đại tu tác công đức bi kí 德羅社永嚴寺創造歷代修作功德碑記” dựng tại chùa Vĩnh Nghiêm do Hòa thượng Thanh Hanh soạn năm Bảo Đại thứ 7 (1931 cho biết năm Tự Đức thứ 2 (1849) dân làng Đức La đã sang xin thỉnh sư về trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm: toàn xã cung thỉnh tổ sư Kim Mã hòa thượng Thích sa môn Thông Duệ được ban tặng giới đao độ điệp năm Minh Mệnh ứng duyện nhận chùa[4].

Ngài Thông Duệ đã giao cho đệ tử là Tịnh Phương sa môn pháp húy Tâm Viên đến trụ trì[5]. Thiền sư Kim Mã Thông Duệ đã gửi đệ tử là ngài Tâm Viên sang trông chùa. Điều này cũng phù hợp với Phúc Điền khi nhận định đời thứ 8 các tổ chùa Vĩnh Phúc chính Hòa thượng Tâm Viên chùa Vĩnh Nghiêm.

Những bộ kinh sách Tâm Viên thiền sư cho in ấn ghi chép để hoằng dương đạo pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến mảng giới luật để làm giới nghiêm cho thiền môn, để lại đến đời sau tận bây giờ. Ảnh: Thế Dương

Những bộ kinh sách Tâm Viên thiền sư cho in ấn ghi chép để hoằng dương đạo pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến mảng giới luật để làm giới nghiêm cho thiền môn, để lại đến đời sau tận bây giờ. Ảnh: Thế Dương

Về ngài Tâm Viên, sinh năm 1819 tại Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh, sau ra theo tổ Kim Mã Thông Giác. Từ đó, ngài Tâm Viên chăm cần tu học, năm 1849 về nhận chùa Vĩnh Nghiêm. Sau khi về chùa Vĩnh Nghiêm, Tâm Viên mở rộng tông phong ra gần như khắp miền bắc. Sau đó, ngài Tâm Viên còn kiêm nhiệm làm pháp chủ chùa Vĩnh Khánh – Yên Ninh – Nam Sách tỉnh Hải Dương.

Tại chùa Vĩnh Nghiêm cũng như Yên Ninh, ngài tiếp tục cho in nhiều kinh sách để hoằng dương đạo pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến mảng giới luật để làm giới nghiêm cho thiền môn. Các thư tịch của ngài đến nay được lưu giữ trong các thư viện, các chùa vẫn còn rất nhiều, dưới đây chúng tôi điểm một số sách cơ bản:

1. Vãng sinh tịnh độ sám nghi 往 生 淨 土 懺 願 仪, (lưu tại chùa Bổ Đà - Bắc Giang) sách do Sa môn Tuần Thức biên soạn, được in lại bởi hòa thượng Tâm Viên vào năm Tự Đức Tân Tỵ tại chùa Vĩnh Khánh – Yên Ninh với bài bạt cuối sách cho biết sách được in lại lần nữa tại chùa Bà Đá Linh Quang tự - Hà Nội dựa trên bản sách lấy từ chùa Vĩnh Nghiêm.

2. Đại phương quảng Viên giác kinh lược sớ, 大 方 廣 圓 覺 經 略 疏, (lưu tại chùa Bổ Đà - Bắc Giang), sách sớ có bài tựa của Bùi Hưu và Tông Mật (Trung Quốc) và được in lại, tàng bản tại chùa Vĩnh Khánh – Yên Ninh – Nam Sách – Hải Dương. Sách này vốn được Minh Như trùng san năm 1660 tại Ngọa Vân, về sau, Chân Nguyên cho in lại, đến năm Thành Thái thì Tâm Viên tổ sư khi ấy nhận viện chủ chùa Vĩnh Khánh cho trùng khắc.

3. Tỳ khưu giới kinh, bản lưu tại Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 309, được in năm Tự Đức thứ 30 (1877). Sách này được ghi là Vĩnh Nghiêm hòa thượng ủy thác cho san khắc. Ngay đầu sách cũng ghi rất rõ, sách Tỳ khưu giới kinh, nguyên bản là pháp chủ chùa Vĩnh Nghiêm vì tăng chúng mà in. Hiện văn bản còn ván khắc tại chùa Vĩnh Nghiêm.

4. Tì kheo ni giới kinh 比丘尼戒經, hiện còn ván khắc tại chùa Vĩnh Nghiêm, bản khắc in năm 1881 thời Tự Đức.

5. Thức xoa ma na Sa di ni Luật nghi, kí hiệu AC.465, kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trong bài tựa, tăng Tâm Viên viết: 我今世歲六十三,僧臘三十九ngã kim thế tuế lục thập tam, tăng lạp tam thập cửu. (tựa 1b), cuối bài niên đại: Tự đức tam thập tứ niên tuế thứ Tân Tỵ hạ nguyệt cát nhật (ngày lành tháng tốt năm Tân Tỵ niên hiệu Tự Đức thứ 34 (1881), Đức La Vĩnh nghiêm Phật tử Sa môn Tâm viên trang thư.

6. Thần du Tây phương kí. 神遊西方記, sách cũng được in tại chùa Vĩnh nghiêm dưới thời hòa thượng Tâm Viên năm Tự Đức thứ 26 (1873), hiện còn ván khắc tại chùa.

7. Đại A di đà kinh 大阿彌陀經, bản in tại chùa Ninh Phúc – Bút Tháp – Thuận Thành Bắc Ninh, bản lưu Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm kí hiệu AC. 629, ghi rõ ngài Tâm Viên hiệu chỉnh với nội dung như sau: Đức La Vĩnh Nghiêm Phật tử Sa môn Tâm Viên hiệu ngoa âm thích hội thư德羅永嚴佛子沙門心圓校譌音釋會書.

8. Chư kinh nhật tụng tập yếu 諸經日誦集要, AC 640, lưu tại Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sách do đệ tử là Thanh Chấn cho hưng công khắc in vào năm Thành Thái 1898 theo bản in của Vĩnh Nghiêm pháp chủ Tâm Viên hòa thượng.

9. Truyện Tây phương mĩ nhân 西方美人傳, được giám khắc bởi Tâm Viên, hiện còn ván khắc tại chùa Vĩnh Nghiêm.

10.Kinh Đại phương Quảng Phật Hoa Nghiêm sớ sao hội bản 大方廣佛華嚴疏鈔會本經, bản này còn ván in tại chùa Vĩnh Nghiêm, được các đệ tử đời sau Tâm Viên cho in dưới sự chứng san của ngài trong khoảng năm 1884 về sau.

Kho sách cổ có nhiều bộ ván kinh quý giá tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng.Ảnh: Thế Dương

Kho sách cổ có nhiều bộ ván kinh quý giá tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng.Ảnh: Thế Dương

Thầy Tâm Viên để lại hệ thống thư tịch không dừng lại ở các bản in trên mà còn nhiều, rải rác trong kho sách Hán Nôm các chùa chiền. Về sau, các đệ tử của ngài tiếp tục tiếp nối chí hướng tiền sư, phát triển tông môn pháp phái bằng việc nuôi dưỡng đệ tử cũng như ấn tống thư tịch, để hoằng dương đạo pháp.

Trong số các đệ tử như Thanh An, Thanh Uyển, Thanh Tuyên, Thanh Đoan, Thanh Chúc, Thanh Tựu, Thanh Hợi, Thanh Dung từng bước nối kế viết chữ và san khắc kinh bản Kinh Đại phương Quảng Phật Hoa Nghiêm sớ sao hội bản 大方廣佛華嚴疏鈔會本經 cũng như nhiều thư tịch khác. Trong đó, đặc biệt là Thanh Hanh hòa thượng, sau khi Tâm Viên viên tịch, ngài đã từ Ninh Bình về và sau kế nối phát quang tông môn Vĩnh Nghiêm.

Năm 1889, ngài Tâm Viên viên tịch, các đệ tử xây tháp Tịnh Phương 凈方塔trước chùa để phụng thờ. Sau đó, đệ tử của ngài là Thích Thanh Tuyên 清宣 kế tục được dân làng mời làm Chính giám 正監 (chánh giám) và đồng thời mời ngài Thanh Hanh làm Phó giám 副監chùa Vĩnh Nghiêm.

Ngài Thanh Tuyên cũng chỉ được mấy năm thì xin di dời, dân làng lại suy tôn ngài Thanh Quýnh 清炯kế nối tiếp làm đương gia 當家 quản chùa. Đến năm Thành Thái thứ 18, năm Đinh Mùi (1907), ngài Thanh Quýnh viên tịch. Cùng năm, nhân dân theo di nguyện của ngài Tâm Viên để lại đã mời ngài Thanh Hanh trụ trì chốn tổ. Và từ ngài Thanh Hanh, chùa Vĩnh Nghiêm tiếp tục phát triển về sau.

Năm Đinh Mùi (1907), ngài Thanh Quýnh viên tịch. Cùng năm, nhân dân theo di nguyện của ngài Tâm Viên để lại đã mời ngài Thanh Hanh trụ trì chốn tổ. Ảnh:Thiền Phong

Năm Đinh Mùi (1907), ngài Thanh Quýnh viên tịch. Cùng năm, nhân dân theo di nguyện của ngài Tâm Viên để lại đã mời ngài Thanh Hanh trụ trì chốn tổ. Ảnh:Thiền Phong

II. Thanh Hanh Thiền sư – rộng mở tông phong

Thanh Hanh Thiền sư (1840 – 1936) là một gạch nối thiền phong tông môn Vĩnh Nghiêm với Phật giáo hiện đại, cũng là Pháp chủ đầu tiên của Phật giáo Việt Nam được chư hòa thượng đại đức tăng ni khắp ba miền nam bắc suy tôn. Ngài họ Bùi, vốn người làng Thanh Liệt huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội).

Thanh Hanh Thiền sư (1840 – 1936) là một gạch nối thiền phong tông môn Vĩnh Nghiêm với Phật giáo hiện đại, cũng là Pháp chủ đầu tiên của Phật giáo Việt Nam được chư hòa thượng đại đức tăng ni khắp ba miền nam bắc suy tôn. Ảnh Thiền Phong

Thanh Hanh Thiền sư (1840 – 1936) là một gạch nối thiền phong tông môn Vĩnh Nghiêm với Phật giáo hiện đại, cũng là Pháp chủ đầu tiên của Phật giáo Việt Nam được chư hòa thượng đại đức tăng ni khắp ba miền nam bắc suy tôn. Ảnh Thiền Phong

Ngài Thanh Hanh theo học chữ nho từ nhỏ, 10 tuổi theo tu tập tại chùa Hòe Nhai (Hà nội), 18 tuổi đến chùa Vĩnh Nghiêm theo học hòa thượng Tâm Viên. Năm 20 tuổi, ngài thụ giới Tỳ khưu và tiếp tục ở tổ đình Vĩnh Nghiêm tu tập. Năm 30 tuổi, 1870, Thanh Hanh được sư phụ cho vào Ninh Bình rộng mở đạo pháp bằng việc dạy học cho các tăng ni ở các chùa Bích Động, Phượng Ban, Phúc Chỉnh, Hoàng Kim…

Tại Ninh Bình, ngài đã mở hai ban Tăng và Ni để rộng đường giáo dưỡng. Trong lần vào Ninh Bình không chỉ mình ngài Thanh Hanh mà còn một số Thiền sư khác.

Sau này, khi các vị viên tịch, các đệ tử lập tháp để ghi lại, như Thanh Thổ với tháp ở chùa Đông Cấp – Yên Phong – Yên Mô – Ninh Bình với bài vị tháp: Nam Mô Tịnh Nguyện tháp [6] và Tịnh Tĩnh tháp. Tịnh Nguyện tháp thờ ngài Thanh Thổ. Tịnh Tĩnh tháp thờ Thanh Hanh.

Nội dung, tháp của thiền sư Thanh Hanh, như sau:

Nam mô Tịnh Tĩnh tháp Lâm tế phái

Đệ ngũ đại Trụ trì Bắc kỳ Phật giáo hội thiền gia pháp chủ Ma ha sa môn pháp húy tự Thanh Hanh Thích Minh Mẫn luật sư nhục thân bồ tát thiền tọa hạ.

Hưởng thọ cửu thập lục tuế tịch ư Bính Tý niên thập nhị nguyệt sơ bát nhật thuận tịch.

Quý quán Hà Đông tỉnh Thường Tín phủ Thanh Trì huyện Thanh Liệt tổng Thanh Liệt xã.

Hai tháp thờ hai ngài, cũng như bài vị tháp đều được lập và thờ tự giống như nhau tại chùa Đông Hồ thôn Hoàng Kim xã Yên Phong huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình và đến nay hãy còn tông phong nối kế.

Ngài là Thiền gia Pháp Chủ, ngày đêm mở rộng tông môn pháp phái, cho đệ tử ra Viện Viễn Đông Bác Cổ chép nhiều kinh sách về để dạy học, cho in ấn và ấn tống. Ảnh: Thiền Phong

Ngài là Thiền gia Pháp Chủ, ngày đêm mở rộng tông môn pháp phái, cho đệ tử ra Viện Viễn Đông Bác Cổ chép nhiều kinh sách về để dạy học, cho in ấn và ấn tống. Ảnh: Thiền Phong

Năm 1900, sau khi ngài Tâm Viên viên tịch, ngài về chùa Vĩnh Nghiêm và năm 1907 chính thức kế ngôi trở thành trụ trì và được nhân dân thường gọi là tổ Vĩnh Nghiêm. Từ đó, ngài mở rộng tông môn pháp phái, cho đệ tử ra Viện Viễn Đông Bác Cổ chép nhiều kinh sách về để dạy học, cho in ấn và ấn tống. Như trong Nam hải kí quy nội pháp truyện có đoạn:

Trong sách có đoạn: 皇朝啟定九年親就河城大法博古場中。原有日本三藏釋教諸書。考見此傳。即使人抄之。將回檢閱。以為珍寶。而逐時鐫刻流通海內.兼利自他。云耳。是引

Dịch nghĩa:

Năm Hoàng triều Khải Định thứ 9, chính bản thân Hòa thượng đến Viện Viễn đông bác cổ ở Hà Nội, vốn ở đấy có các sách Tam tạng thích giáo bản in của Nhật Bản (Đại chính tân tu đại tạng kinh), khảo thấy truyện này, liền sai ngươi sao lại, đem về kiểm duyệt, lấy làm trân bảo, rồi đồng thời cho tuyên khắc, lưu thông trong nước để được lợi ích cho người.

Khắc in ngày lành tháng giêng năm Bảo Đại thứ 2, Vĩnh Nghiêm sa môn kính dẫn永嚴門人沙門字清亨恭引.

Năm 1935, Thiền gia Bắc Kì suy tôn ngài là Thiền gia Pháp Chủ. Mấy tháng sau, vào ngày 11.1.1936 (8 tháng chạp 1935), ngài viên tịch ở tuổi 96.

Vĩnh Nghiêm vốn là một tổ đình lớn thời bấy giờ, ảnh hưởng rất lớn với đương thời. Việt Nam Phật giáo sử luận có nhận định rằng, đương thời Thiền sư Thanh Hanh còn tại thế, kết hạ chùa Vĩnh Nghiêm có khi lên đến 220 người. Điều đó có thể thấy trong khi xã hội còn nhiều bất cập bởi kinh tế và xã hội, thời thế và nhân tâm, nhưng chùa này kết hạ vẫn đông nhất xứ bắc. Điều đó là quá trình phát triển pháp phái từ ngài Tâm Viên đến chúng đệ tử trong đó có Thanh Hanh thiền sư. Vai trò đó, còn là việc thành lập Bắc kì Phật giáo hội cũng như sự ra đời của báo Đuốc Tuệ năm 1935 và sự dung hòa với báo Tiếng Chuông sớm cũng như về sau dung hòa các sơn môn để một phong khí hòa hảo lục hòa phát triển của Phật giáo Bắc Kỳ. Tất cả đều có vai trò rất lớn của Thiền sư Thanh Hanh.

Thiền sư Thanh Hanh có công rất lớn trong việc thành lập Bắc kì Phật giáo hội cũng như sự ra đời của báo Đuốc Tuệ năm 1935 và sự dung hòa với báo Tiếng Chuông sớm cũng như về sau dung hòa các sơn môn để một phong khí hòa hảo lục hòa phát triển của Phật giáo Bắc Kỳ. Ảnh: Thiền Phong

Thiền sư Thanh Hanh có công rất lớn trong việc thành lập Bắc kì Phật giáo hội cũng như sự ra đời của báo Đuốc Tuệ năm 1935 và sự dung hòa với báo Tiếng Chuông sớm cũng như về sau dung hòa các sơn môn để một phong khí hòa hảo lục hòa phát triển của Phật giáo Bắc Kỳ. Ảnh: Thiền Phong

Đến nay, ghi chép về đệ tử của Thanh Hanh không nhiều, tuy nhiên thế hệ sau ấn tượng với hệ thống kinh sách mà ngài cho in ấn lại để phục vụ thế hệ đệ tử tu học. Đặc biệt các thư tịch như:

1. Tam tổ thực lục, sách được in lại bởi Tỳ khưu Diệu Trạm chùa Pháp Vũ – Vĩnh Lại – Hải Dương vào năm Thành Thái 15 (1893). Tuy nhiên, sách được Tỳ khưu Thanh Hanh kiểm duyệt, hiệu điểm và viết bài hậu dẫn. Sách nguyên được sư cụ Thanh Tuyên chùa Vĩnh Nghiêm trao cho Diệu Trạm thiền sư để san khắc. Ngoài ra, cuối sách ghi rõ, Hoàng Kim tự Tỳ khưu Thanh Hanh còn góp số tiền là 5 đồng.

2. Nam hải kí quy Nội pháp truyện 南 海 寄 歸 內 法 傳, (2 bộ), (bản lưu chùa Bổ Đà), sách do Nghĩa Tịnh soạn thời Đường, năm in lại: in năm Bảo Đại thứ 5 (1930). Người in Sa môn Thanh Hanh chùa Vĩnh Nghiêm. Chỉ có bài Hậu bạt ghi các chư tổ như Nam mô Tịnh Phương tháp Tâm Viên thiền sư, Viên Giác tháp Thanh Lịch Thích Vĩnh Vĩnh, Viên tịch tháp Phổ Tiến hiệu Giải Thoát Thích Đà Đà. Ngày lành tháng 2 năm canh Ngọ niên hiệu Bảo Đại thứ 5 (1930) Sa Môn Thanh Hanh chùa Vĩnh Nghiêm kính bạt.

3. Tứ phần luật lược kí 四分律略記, Nguyên sách: Tứ phần luật Tỳ khưu ni giới bản lược kí, (bản lưu chùa Bổ Đà) Niên đại: Thành Thái 13 (1901). Tàng bản: tại chùa Vĩnh Nghiêm. Người cho in: các Tỳ khưu Thanh Hanh, Thanh Khiết ở chùa Vĩnh Nghiêm. Nội dung bao gồm các điều luật giới cho chúng ni sư.

4. Trùng san Viên Giác kinh 重 刊 圓 覺 經, do Phật Đà Đa La dịch thời Đường, (bản lưu tại chùa Bổ Đà), khắc in năm Duy Tân thứ 8 tại chùa Vĩnh Nghiêm, qua các bản in bởi Tâm Cát…trong đó lần in này do HT Thanh Hanh đứng ra cho in và chính Hòa thượng viết bài tựa.

5. Quán vô lượng thọ Phật kinh sớ sao hội bản 觀無量壽佛經疏鈔會本, Lưu tống Cương Lương Da Xá dịch, (bản lưu chùa Bổ Đà), bản in lại năm in: Bảo Đại thứ 2 (1927). Bản in chữ Hán được sao lại bởi các đệ tử chùa Vĩnh Nghiêm là Thanh Hợi, Thanh An, Thanh Bảo. Thanh Hanh duyệt bút kính đề bạt. Nội dung kinh phẩm Vô lượng thọ.

6. Lăng Nghiêm kinh bạch văn楞嚴經白文,Thiên Trúc Sa Môn Ban Thích Mật Đế dịch, Điểu trường quốc Sa môn Di Ca Thích Ca thích ngữ, Bồ tát giới Đệ tử Chính Hạ đại phu Phòng Dung bút thụ, (bản lưu chùa Bổ Đà), khắc bản tại chùa Hàm Long – Hà Nội, sách gồm 1 bộ 2 tập từ 1-10, do Thanh Hanh chủ chùa Vĩnh Nghiêm san khắc vào năm Duy tân thứ 8 (1912).

7. Đại Bảo tích kinh 大寶積經Tam Tạng Pháp sư Bồ Đề Lưu Chí thời Đường, năm in: Bảo Đại thứ 4 (1929). (bản lưu tại chùa Bổ Đà). Bài dẫn bởi sa môn chùa Vĩnh Nghiêm là Thanh Hanh năm Bảo Đại thứ 4 (1929).

8. An Tử Sơn Trần triều thiền tông chỉ nam truyền tâm quốc ngữ hạnh, kí hiệu AB.562, lưu tại Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sách hiện còn ván khắc lưu tại chùa Vĩnh Nghiêm. Đây là trân bản ván khắc, độc bản ván khắc, rất đáng quý về văn bản các tư liệu triều Trần. cuối sách ghi Vĩnh Nghiêm hậu học Tỳ khưu tự Thanh Hanh trực bút viết lời dẫn永嚴後學比丘字清亨直筆代引vào năm Bảo Đại thứ 7 (1931)。

Không chỉ in ấn lại kinh sách, Thanh Hanh Hòa thượng còn nhiều tác phẩm lưu trong kho sách Hán Nôm mà đến nay chúng tôi chưa có điều kiện khảo cứu hết. Phần trên, cũng tạm lược được phần nào công quả của ngài đối với sự phát triển của Phật giáo nước nhà.

Bước đi tiên phong của Ngài đã gây nên phong trào các sơn môn lớn trên đất Bắc đua nhau sao chép và in ấn kinh sách, giúp Tăng Ni và cư sĩ có tài liệu tham cứu. Nhờ đó mà các thiền môn có được những bộ kinh quý hiếm như kinh Hoa Nghiêm Sớ Tấu, kinh Đại Bát Nhã, kinh Đại Bảo Tích, kinh Duy Ma Cật, kinh Trường A Hàm, luật Tứ Phần Tu Trì, luật Trừng Trị Tục Khắc và các bộ luận về môn Duy Thức với bộ Phụ Giáo Biên. Ảnh: Thiền Phong

Bước đi tiên phong của Ngài đã gây nên phong trào các sơn môn lớn trên đất Bắc đua nhau sao chép và in ấn kinh sách, giúp Tăng Ni và cư sĩ có tài liệu tham cứu. Nhờ đó mà các thiền môn có được những bộ kinh quý hiếm như kinh Hoa Nghiêm Sớ Tấu, kinh Đại Bát Nhã, kinh Đại Bảo Tích, kinh Duy Ma Cật, kinh Trường A Hàm, luật Tứ Phần Tu Trì, luật Trừng Trị Tục Khắc và các bộ luận về môn Duy Thức với bộ Phụ Giáo Biên. Ảnh: Thiền Phong

Tạm kết

Tông phong Vĩnh Nghiêm vốn từ thời Lý Trần về sau, kết nối Lâm tế phái phát triển. Đến Lê triều, tiếp tục từng bước khẳng định trong mạch truyền đạo pháp nước Việt. Đặc biệt, thời cận đại với Tâm Viên, người nối mạch nguồn từ chùa Vĩnh Phúc núi Phù Lãng sang Vĩnh Nghiêm làng Đức La và tạo nên sự kết nối và phát triển nối dài của tông Lâm tế nước ta.

Vĩnh Nghiêm mãi mãi là chốn tổ lớn của phật giáo nước Việt, đặc biệt sau thời Tâm Viên, các đệ tử tiếp nối mở rộng pháp phái sang Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình… đặc biệt với sự lưu chuyển hình ảnh chùa Vĩnh Nghiêm vào thành phố Hồ Chí Minh mà trong sự chuyển vận đó, hình ảnh người kế đăng Vĩnh Nghiêm Pháp chủ còn mãi mãi với công nghiệp hoằng dương đạo pháp: đào tạo tăng tài, in ấn kinh sách, kế nối tông phong chư tổ.

Bài viết như một tâm nhang vọng kính lại quá khứ, chốn thiền môn Lâm tế, chốn thiền môn Trúc Lâm của nước Việt.

8 tháng 9 năm 2013

Phạm Văn Tuấn (viết tại Thời Vũ Viện)

--------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

Kỷ yếu hội thảo khoa học Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang & Thiền phái Trúc Lâm, nxb Thông tấn, 2011.Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, nxb Văn học, Hn, 2010. Thiền uyển truyền đăng lục, VHV.9, Kho sách Viện Nghiên cứu Hán NômSách Phật giáo chùa Bổ ĐàThư mục sách chùa Vĩnh Nghiêm; Thư mục và sách tại Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm Bia chí các chùa Ninh Bình; Văn bia chùa Phúc Long, chùa Vĩnh Phúc – Phù Lãng – Quế Võ- Bắc Ninh; Văn bia chùa Vĩnh Nghiêm.

[1] Theo Thiền uyển truyền đăng lục, kí hiệu VHV. 9, Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Hoặc Ngô Quốc Trưởng, Về chốn tổ Vĩnh Phúc, trên tập san Pháp luân, trang web đăng như sau: http://phapluan.vn/xahoi/thoi-dai/giac-duc/44-vanhoc/truyen/126-v-chn-t-vnh-phuc, cho biết hòa thượng Kim Mã tường dự sát hạch năm 1835 và nhận giới đao độ điệp năm đó thời Minh Mệnh.

[2] Xem trang đến trang 23 a, Thiền uyển truyền đăng lục, VHv 9, Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đến dòng cuối cùng của ghi chép về tông phái Phù Lãng, Phúc Điền đã ghi Tâm Viên thuộc chùa Vĩnh Nghiêm.

[3] Bài kệ dòng Trí bản Đột Không: Trí tuệ thanh tịnh, Đạo đức viên minh, Chân Như tính hải, Tịch chiếu phổ thông, Tâm nguyên quảng tục… Bản giác xương long được chúng tôi dẫn từ, sách Kiến tính thành Phật, A.2570, tại kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

[4] Nguyên văn và phiên âm: 全社恭請扶朗中寺祖師明命敕賜戒刀度牒臨濟正宗金瑪和尚釋沙門通睿應緣住跡toàn xã cung thỉnh Phù Lãng trung tự tổ sư Minh Mệnh sắc tứ giới đao độ điệp Lâm tế chính tông Kim Mã hòa thượng Thích sa môn Thông Duệ ứng duyên trụ tích.

[5] Nguyên văn: Tịnh Phương sa môn pháp húy Tâm Viên trụ trì凈方沙門法諱心圓主持. Tịnh Phương là tên tháp của Tâm Viên sau khi ngài viên tịch.

[6] Tịnh Tính tháp, với nội dung: Vĩnh Nghiêm chính giám viện sung Bắc Kỳ Phật giáo hội đạo sư ma ha sa môn pháp húy tự Thanh Thổ hiệu Thông Đạt Thích Từ Hòa nhục thân bồ tát thiền tọa hạ. Vị này đứng hàng chữ Thông, có lẽ là hàng cha chú của Thanh Hanh cũng như từng là giám viện chùa Vĩnh Nghiêm nhưng vào Ninh Bình trước Thanh Hanh và viên tịch tại đây.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 1

Chân dung từ bi 09:00 01/12/2024

Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật cho Phật giáo của Lương Võ Đế

Chân dung từ bi 17:42 29/11/2024

Tài liệu tu học Huynh trưởng Bậc Trì,do Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ biên soạn.

Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) - Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam

Chân dung từ bi 09:30 26/11/2024

Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.

Chuyện về ngài Sivali, vị Thánh tăng có tài lộc đệ nhất

Chân dung từ bi 09:00 24/11/2024

Đại Phật sử liệt kê bốn mươi vị Thánh đệ tử ở bên cánh tả của Đức Phật Thích-ca do ngài Mục-kiền-liên đứng đầu và bốn mươi vị Thánh đệ tử bên cánh hữu do ngài Xá-lợi-phất đứng đầu, trong đó có ngài Sivali.

Xem thêm