Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 29/01/2024, 18:06 PM

Chuyện sân chùa

Trưa không về và lòng vòng trong sân chùa, một bà cụ bước từng bước chân khoan thai nhẹ nhàng trên từng nấc thang dẫn lên Chánh điện.

Chánh điện khép cửa trong giờ chỉ tịnh, bà nhẹ nhàng tháo đôi dép đã cũ đặt lên trên kệ, đứng ngoài cửa, bà bái vọng vào bên trong và quỳ xuống năm thân sát đất quy ngưỡng về Đức Từ phụ đang ngự bên trong, Nó quan sát, bà lạy như thể bà đang đứng trước điện Phật, đôi chân run run khi đứng lên quỳ xuống, rồi từ từ bước ra sân chùa, đầu bà cạo sạch tóc, chiếc quần đen đã bạc màu và có nhiều chỗ rách được vá tạm bằng những mảnh vải cũng đã phai màu, chiếc áo sơ mi chấm đen cũng đã sờn vai theo năm tháng...

Nó lại bắt chuyện khi bà đang ngồi trên chiếc ghế dưới cội sa la đang tỏa mát và đầy hoa trên sân, bóng sala che nắng mát rượi trước sân chùa, những con gió thổi qua làm xua tan cái nóng bức chói chang.

Nó: Con chào bà, bà ở đâu? Hôm nay ngày cuối Lễ Dược Sư rồi, bà có đi hai ngày trước không bà?

Bà: Dạ có, thầy.

Nó: Dạ con không phải thầy, con là Phật tử chùa này thôi ạ!

Bà: Ủa vậy hả? Sao chú giống thầy quá, hảo tướng quá!

Nó: Dạ chắc do kiếp trước con có tu chút chút nên cũng có phước, mà chắc không có tinh tấn nên bị đọa lại bà ơi.

Bà: Bà đi hai ngày rồi, hôm nay đi ngày cuối.

Nó: Bà ăn cơm chưa? Hôm nay có bún, bà chưa ăn con lấy.

Bà: Dạ, cám ơn thầy, tôi ăn rồi (ớ, lại là Thầy (cười))

Nó: Nhà bà ở đâu?

Bà: Nhà tôi ở Chợ Lớn, gần bến xe chợ lớn, tôi đi xe buýt qua đây.

Nó: Dạ sao bà biết chùa này ạ?

Rồi sau đó bà kể cuộc đời của bà, trước đây bà học Trường nữ Gia long (bây giờ là Trường Nguyễn Thị Minh Khai), sau đó bà chuyển qua Trường Petrus Ký (bây giờ là Lê Hồng Phong), bà học được tới Tú tài 1, rồi theo phong trào bãi khóa của Trần Văn Ơn, bà lớn lên trong chiến tranh, rồi có gia đình, cuộc sống bôn ba trôi nổi, đến hôm nay nhìn lại đã 85 tuổi, rồi những năm về già như những chuyến phà gần đến bến đỗ lại quay về với Phật để tìm chỗ cho tâm mình an ổn trước lúc xuôi tay nhắm mắt.

cau-chuyen-dau-nam-0928

Nó hỏi bà có thường niệm Phật không? Bà nói có, cũng có nghe kinh, rồi đọc tụng, con cháu giờ nó muốn làm gì thì làm, bà ở nhà, niệm Phật và nghe kinh, rồi đi chùa... Rồi mình nói vui, bây giờ bà có ham sống thêm hay có tiền của nhiều không? Bà cười hiền từ rồi nói: “Thôi giờ Phật gọi tôi đi giờ nào thì tôi sẽ đi thôi, giờ chỉ mong sao chết nhẹ nhàng thôi chú à...”.

Câu chuyện đạo đời vậy mà vui, ngồi nói chuyện với bà kể bà nghe những gì Nó đã học và đã làm hàng ngày, rồi lấy bánh sáng nay cúng Phật để biếu bà và mọi người. Bà chia ra cho mọi người một ít, làm Nó suy nghĩ rất nhiều, bà có thể giữ riêng cho mình, nhưng không, bà chia cho mọi người, sự chia sẻ đúng như lời đức Thế tôn dạy. Mọi người đều vui vẻ nói chuyện với nhau, xung quanh mình lúc đó toàn các cụ từ  60, 70 tuổi trở lên khi mà tuổi xế chiều cần một nơi gởi gắm tâm tư sau những tháng năm trôi lăn trong cuộc đời, mình hỏi bà có sợi chuỗi niệm Phật nào chưa, rồi lấy 1 sợi biếu bà, bà khóc! Hỏi sao bà khóc? Bà nói hôm nay phước đức lớn quá, đi chùa, rồi được nghe thầy nói về pháp, được ngồi nói chuyện với mọi người, ăn bánh cùng nhau, còn được tặng chuỗi Bồ đề, phước đức lắm mới được vậy, giờ tuổi già, tôi chỉ muốn thế này, an lành thế này thôi chú ơi.

Cả nhóm cười khì, chọc bà, nói hôm nay có phước lắm nhé, được chú này tặng chuỗi, sau này khỏe rồi nhé. Cửa chánh điện đã mở để đến giờ thiền tọa, trước khi vào chánh điện, bà cầm tay mình và nói, tôi hứa với chú, tôi sẽ cố gắng niệm Phật và tu thật nhiều để được về với Phật, sau này muốn đến thăm chú thì gặp ở đâu? Nó nói dạ con Phật tử thôi ạ, khi nào có duyên con và bà sẽ gặp lại, rồi trước khi đi, Nó kể cho mọi người nghe về câu chuyện liên quan đến 3 loại cây được trồng ở sân chùa, nào là Sala ngày xưa che mát cho đức Phật nơi Ngài từ bỏ xác thân giả tạm để vào Niết bàn tịch diệt, này là Cây Vô ưu  khi Bồ tát Tất Đạt Đa được hạ sanh thuở nào và kia là cây Bồ đề đang tỏa mát, như hôm nào đã che chở cho đức Thế tôn trong suốt bốn mươi chín ngày thiền định để đạt đến Chánh giác toàn vẹn và giờ che mát cho Tôn tượng Đức Bồ tát Quán Thế Âm từ bi đang ngự dưới kia.

Chào mọi người trong tiếng cười an lành hạnh phúc, ai cũng chấp tay và chào tạm biệt, rồi hẹn dịp nào đó sẽ gặp lại. Ừ thì dịp nào đó, ai biết ngày mai thế nào? Người còn hay mất... bởi đời vốn vô thường, chỉ biết rằng, hiện tại hôm nay, giờ này đây, chúng ta đã an vui, sống trong tình thương với lòng hiểu biết trân quý.

Những câu chuyện ở sân chùa, khi phiền não buông bỏ ở ngoài cánh cửa thiền môn, những câu chuyện đời, đạo luôn xen vào nhau, làm cho con người chúng ta càng suy nghĩ về cuộc sống này đây, lúc bon chen, mưu sinh, bận rộn với cuộc đời đầy bão tố, đau khổ. Rồi cuối cùng ra đi với một mớ nghiệp nặng mang theo, rồi khi tỉnh dậy, thấy mình đã mang sừng, đội móng… rồi chợt nghĩ cần lắm thay sự tỉnh giác để quay về!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi

Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024

Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...

Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây

Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024

Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.

Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên

Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024

Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.

Trăm năm thoáng chốc mộng nhân sinh

Góc nhìn Phật tử 19:00 31/10/2024

Gom lấy trăm năm đổi tình, tiền/ Lòng trần được mấy phút an yên? / Lợi danh rồi cũng vô thường mất/ Để cả hư tâm gánh muộn phiền...

Xem thêm