Chuyện Tôn giả Ananda và tinh thần tự lực trong Phật giáo
Đạo Phật (đặc biệt là Phật giáo Nguyên thủy) luôn đề cao tinh thần “tự lực” hơn “tha lực”.
Tự lực, hiểu một cách đơn giản, là nương tựa vào chính mình. Tha lực là nương tựa vào những yếu tố bên ngoài. Muốn chuyển hóa được khổ đau, chế tác hạnh phúc, phát triển trí tuệ, lòng từ bi, tiến tới giác ngộ và giải thoát, chúng ta phải nương tựa vào chính mình, không thể trông đợi vào bất kỳ ai khác, càng không thể cầu nguyện mà có.
Nói về tinh thần tự lực, nhà Phật có một câu nói rất nổi tiếng: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Lời dạy này của Đức Phật nhằm nhắc nhở các hàng đệ tử phải nỗ lực tu tập, tự chuyển hóa chính mình, nương theo Chánh pháp để đạt giải thoát: “Vậy này Ananda! Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một điều gì khác”.
Những ai tu tập đạo Phật, theo Chánh pháp, đều biết, đó là một hành trình vô cùng gian nan, đòi hỏi người tu phải nỗ lực, tinh tấn không ngừng mới mong đơm hoa, kết trái. Cá nhân tôi thấy, học đạo Phật cũng giống như học bơi. Nếu chỉ học lý thuyết mà không chịu thực hành thì khi gặp nước vẫn bị chết đuối như thường.
Vì sao? Bởi đạo Phật là đạo hành trì. Nếu chỉ học giáo lý, nghiên cứu kinh điển mà không chịu tu tập, thực hành để thực chứng những điều Phật dạy thì chúng ta chỉ trở thành những học giả nghiên cứu về đạo Phật và cuộc sống của chúng ta vẫn đầy dẫy khổ đau.
Đó là lý do giải thích tại sao ở Việt Nam những năm gần đây, rộ lên phong trào học đạo Phật, rất nhiều người chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật. Họ đọc hết sách này đến sách nọ, thuộc làu các kinh kệ. Họ như một cuốn từ điển sống. Họ nói, họ giảng về giáo lý rất hay, rất siêu nhưng nhìn vào lối sống, cách hành xử của họ vẫn thấy đầy sân si, đố kỵ, hận thù, ngạo mạn… giống như một kẻ chưa bao giờ biết đến đạo Phật. Học đạo Phật theo kiểu ấy thật uổng công, vô ích, thà chẳng học còn hơn.
Học đạo Phật theo kiểu ấy chẳng khác gì người muốn học bơi, mua thật nhiều sách dạy về kỹ thuật bơi về học thuộc. Nhưng người ấy không chịu xuống nước thực hành bơi nên khi bị rơi xuống nước, người ấy vẫn bị chết đuối như thường.
Có một câu chuyện rất hay về Đại đức Ananda - một trong 10 đệ tử lớn nhất của Đức Phật. Nếu như Đại đức Mục Kiền Liên được thánh chúng phong là “Thần thông đệ nhất”, Đại đức Xá Lợi Phất là “Trí tuệ đệ nhất” thì Đại đức Ananda được phong là “Đa văn đệ nhất”. Bởi Anada là người có trí nhớ siêu phàm. Ngài có thể nhớ trọn vẹn tất cả những lời Phật dạy.
Tôn giả Ananda có 20 năm làm thị giả cho Đức Phật. Là người kề cận bên Phật hằng ngày nên Tôn giả có cơ hội nghe Phật giảng pháp nhiều nhất. Thế nhưng so với các đệ tử khác, Tôn giả lại là người chứng đắc Thánh quả muộn nhất. Vì sao?
Vì Ananda đã chú trọng pháp học (đa văn) hơn pháp hành. Nhờ phước báu, Ngài có trí nhớ siêu phàm, có thể nhớ không sai sót một bài pháp nào. Thế nhưng, Ngài không chứng ngộ được những pháp ấy để vận dụng vào con đường tu học của mình. Cho nên dù ghi nhớ hàng vạn bài pháp Ngài cũng chưa thể đắc Thánh quả.
Cho đến 4 tháng sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Đại đệ tử Ca Diếp tập hợp 500 vị thánh tăng (là những người đã đắc Thánh quả A-la-hán) để kết tập kinh luật lần thứ nhất. Riêng Đại đức Ananda không được triệu tập. Đã vậy, tôn giả còn bị sư huynh Ca Diếp khiển trách. Bởi Đại đức Ananda tuy kiến thức về đạo lý uyên bác, nhưng sự chứng đắc chưa được vững vàng. Song thay vì giận dỗi bỏ đi, Ananda đã đóng cửa nhập thất tĩnh tu miên mật trong suốt ba ngày ba đêm, không ăn không ngủ. Ngay trong đêm cuối cùng trước ngày khai mạc đại hội kết tập kinh luật, thiền tọa đến gần sáng, Đại đức Ananda mệt quá, bèn ngả lưng xuống để nghỉ ngơi. Đúng thời khắc ấy, Ngài hoát nhiên đại ngộ. Sáng hôm đó, khi gặp Ananda, nhìn vào mặt Đại đức, sư huynh Ca Diếp biết ngay Đại đức đã chứng quả A-la-hán nên mời ngay Đại đức Ananda vào tham dự đại hội mà không cần nói thêm một lời nào khác.
Câu chuyện hoát nhiên đại ngộ của Tôn giả Ananda đã làm sáng lên bài học tuy đơn giản nhưng lại vô cùng sâu sắc: Học bao giờ cũng phải đi đôi với hành. Đó cũng chính là điều mà ông bà ta từ ngàn xưa đã đúc kết và truyền dạy lại cho chúng ta.
Kể lại câu chuyện trên, tôi muốn nhấn mạnh một điều: Ngay cả khi Đức Phật còn tại thế, Tôn giả Ananda được sống kề cận Phật, nghe Phật thuyết pháp mỗi ngày, nhớ hết những lời Phật dạy nhưng vì chưa chú ý đến việc thực hành nên vẫn không thể chứng đắc. Vì vậy, đừng bao giờ trông cậy, mong cầu vào bất cứ cái gì ngoại thân, kể cả xá lợi tóc của Đức Phật, những mong gặt được hoa trái trên con đường tu tập.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật ra đời thuộc quốc gia Nepal ngày nay
Phật giáo thường thức 09:42 24/11/2024Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là con trai vua Tịnh Phạn (Suddhodana), người đứng đầu tiểu quốc Thích Ca (Shakya) mà kinh đô là thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Tuy nhiên, ngài không ra đời tại kinh thành quê hương mà đản sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini).
Niệm Phật chính là tích đức
Phật giáo thường thức 09:21 24/11/2024Tích đức bằng cách nào? Niệm Phật chính là tích đức. Tích đức lớn, tích đức lớn lao viên mãn, tích đức lớn của thế xuất thế gian, không thể không biết điều này, ngày đêm không được gián đoạn.
Sống trọn vẹn với lòng, khổ đau sẽ nhường chỗ cho trí tuệ và từ bi
Phật giáo thường thức 09:12 24/11/2024Thầy ơi con chán thế gian này quá rồi, gia đình cũng chỉ là một ổ khổ đau, vạn sự phù du phù phiếm. Ở lại thế gian này cũng chỉ rèn thêm sự kham nhẫn mà thôi, cũng chả giúp ích gì được ai cả...
Diệt trừ phiền giận
Phật giáo thường thức 22:19 23/11/2024Đức Phật dạy, với tất cả các hạng người ở đời, nếu tiếp cận với thái độ tích cực, chúng ta đều có thể trải tâm từ đến tất cả, dù người ấy còn nhiều vụng về, chưa dễ thương về hành động, lời nói hay tâm ý, ta vẫn có thể thương được.
Xem thêm