Có nên xem tuổi trước hôn nhân?
Xem tuổi, xem ngày, cưới hẳn là tập tục, là thói quen của người xưa và người nay cũng vậy. Với mục đích xem rằng cặp đôi đó có hợp nhau về chuyện làm ăn cũng như cuộc sống hôn nhân sau này hay không. Nhưng đó có phải là yếu tố quyết định đến hạnh phúc trong hôn nhân không?
>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc
Hôn nhân là sự tự nguyện đến với nhau do bởi yêu thương nhau, gắn bó với nhau, sống không thể thiếu nhau giữa hai người khác hoặc cùng giới. Trong Phật giáo cũng ủng hộ về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc dựa trên nền tảng đạo đức, chuẩn mực của người Phật tử tại gia. Điều đó thể hiện qua những bài kinh Đức Phật giảng dạy về nghĩa vụ của vợ chồng, cách để giữ hôn nhân bền vững. Và điều tất yếu rằng trong giáo lý của Đức Phật: Ngài không dạy bất kỳ điều gì về việc xem tuổi tác, ngày giờ trước khi kết hôn.
Trước khi kết hôn, hai bên gia đình thường xem ngày tháng để tính đến chuyện có tổ chức hôn nhân. Đó là việc làm nhằm trấn an tâm lý của mọi người trước khi con cháu họ bước vào đời sống hôn nhân với một người khác. Đã không ít những cặp đôi yêu nhau tan vỡ và bất hòa vì việc xem bói toán tuổi tác và được phán: khắc khẩu, không hợp tuổi, hợp mệnh, xung khắc về làm ăn… Có thể nói đây là một trong những dạng mê tín mà người Phật tử chúng ta cần nhận dạng và không nên đặt nặng quá về vấn đề này để tránh gây ra những bi lụy không đáng tiếc.
Quan điểm của Phật giáo về vấn đề hợp tuổi nhau trong hôn nhân
Ngoài việc chủ xướng đề cao quy luật nhân quả ra, Phật giáo không bao giờ chủ trương người Phật tử tin vào những điều gì khác, có tính cách tà tín, nhất là vấn đề bói toán, xem tuổi tác và ngày giờ tốt xấu để phán xét, đoán định vận mạng nơi quá khứ, hiện tại, vị lai.
Phật giáo chủ trương và luôn khuyến khích người Phật tử tin vào quy luật nhân quả nghiệp báo, với mục đích là để chúng ta tìm ra nguyên nhân hình thành ác nghiệp, để từ đó tìm mọi phương cách khắc phục, hoán cải, những nhân xấu để trở thành nhân tốt. Đồng thời, cũng chuyển hóa những ác nghiệp trở thành thiện nghiệp. Có thế, thì mới cải thiện được đời sống của chúng ta ngày càng thăng hoa tốt đẹp hơn.
Theo Phật giáo, chuyện xảy ra “cơm không lành, canh không ngọt” mất hòa khí trong gia đình đó không phải do tuổi tác không hợp nhau mà là do tính khí chủng nghiệp của mỗi người huân tập ở những môi trường sống khác nhau, mà người ta thường nói là tính tình không hợp.
Khi nói tính tình không hợp, ta phải xét tìm nguyên nhân lý do tại sao? Nếu bảo rằng, do tuổi tác, thì lẽ ra từ đầu tới cuối phải là xung khắc, chứ không phải khi hợp khi khắc. Khi vui thì hợp, khi buồn thì khắc. Khi vừa ý thì hợp, khi trái ý thì khắc. Như vậy, sự xung khắc bất hòa này là do đâu? Tại sao mỗi người không chịu tìm hiểu lại chính mình mà đổ thừa cho tuổi tác?
Mỗi người lớn lên trong từng điều kiện, môi trường giáo dục khác nhau sẽ hình thành nên lối sống và tính cách khác nhau. Không ai hoàn toàn giống ai. Chỉ hợp nhau ở một khía cạnh nào đó, như trình độ học vấn, sở thích, cá tính… Đây mới chỉ là hợp nhau trong bước đầu. Hợp nhau trong cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Bước đầu bao giờ cũng rất là đẹp. Vì hai bên đều giữ kín những tật, tính xấu của mình. Không ai dám để lộ ra cái chân tướng của mình cho đối phương biết rõ.
Nhưng khi thành vợ chồng chung sống với nhau một thời gian, bấy giờ nó mới hiện ra rất nhiều thứ không hợp. Những thứ không hợp này, nó ẩn khuất tiềm tàng sâu kín, mà cả hai khó tìm thấy nhau. Nếu biết rõ nhau ngay từ lúc đầu, thì nguyện ước hôn nhân khó thành. Cho nên, cả hai đều phải che giấu. Nhưng khi sống chung, thì biệt nghiệp cá tính của mỗi người đều hiện rõ. Từ đó, cả hai mới nhận thấy có nhiều điểm bất đồng. Và mọi việc không còn như ý muốn ban đầu. Và cũng từ đó chiến tranh lạnh bắt đầu có cơ bộc phát.
Vậy nguyên nhân bất hòa gây ra chiến tranh là do đâu?
Vì cả hai không chịu tìm hiểu, bởi tìm hiểu thì mỗi người sẽ để lộ chân tướng xấu của mình ra, rồi vì bản ngã, vì tự ái, nên bây giờ chỉ còn có cách đổ thừa cho tuổi tác, cho ông tơ bà nguyệt se duyên không đúng, hay là do duyên nghiệp trớ trêu… Nghĩa là phải tìm đủ mọi cách để chạy tội đổ thừa trách nhiệm cho bằng được, chứ không ai chịu tìm hiểu lại lỗi lầm của chính mình.
Phật giáo, với cái nhìn của tuệ giác, không thể chấp nhận cho việc tránh né, đổ thừa này. Thử hỏi trên đời có ai làm vừa ý mình hết không? Chính mình có đôi khi còn không vừa ý với chính mình, thì có ai mà làm vừa ý mình.
Như vậy, rõ ràng không phải do tuổi tác xung khắc mà là do nhiều yếu tố khác. Yếu tố nào gây ra sự bất hòa? Đó là điều mà người Phật tử cần phải truy nguyên tận nguồn gốc của sự bất hòa đó. Trên đời này, không có gì là không có nguyên nhân. Thường chúng ta hay mắc phải chứng bệnh chủ quan. Mà bệnh chủ quan là con đẻ của bệnh chấp ngã. Vì chấp ngã, nên cái gì mình cũng đúng hết. Mọi lỗi lầm đều do người kia gây ra, mà chúng ta không chịu tìm hiểu căn nguyên vấn đề của chính mình.
Đạo Phật dạy rằng, sự sống hình thành bởi nghiệp và chính nghiệp trở lại chi phối đời sống của ta. Chẳng hạn như người có tính nóng nảy, đụng tới là lửa sân hận nổi lên đốt cháy người khác. Tính nóng nảy, đó là một tập khí do huân tập mà có, tự tính của nó là không. Từ mất bình tĩnh, thiếu sáng suốt, cho nên lửa sân nổi lên đốt cháy hoành hành. Thế là từ việc bé xé thành to.Vì vậy, chúng ta phải tự nhận ra được nguyên nhân của sự bất hòa và điều chỉnh lại mới có thể giải quyết tận gốc của sự việc.
Cách chuyển hóa bất hòa
Muốn chuyển hóa thân tâm, từ những hạt giống xấu trở thành những hạt giống tốt, thì cần phải có trí huệ. Trí huệ hay chánh niệm rất thiết yếu trong đời sống. Khi có trí huệ hay chánh niệm kịp thời can thiệp, thì chắc chắn những hậu quả không tốt khó có thể xảy ra.
Khi sự việc xảy ra, ta phải tìm rõ nguyên nhân, chứ không nên đổ thừa bừa bãi. Tại sao phải nổi nóng gây ra mất hòa khí trong gia đình? Do nguyên nhân nào? Do tuổi tác hay do tính nóng? Hay do những thứ gì khác, mà mình không chịu tìm ra. Tại sao mình hay đổ thừa người khác? Lý do nào mình hay đổ trút tội lỗi lên đầu người ta?
Khi hai người bất hòa, hãy bình tĩnh ngồi xuống để tư duy tìm rõ nguyên nhân trong tinh thần hòa giải, hòa hợp để tìm cách thiết lập cảm thông, chứ không nên tranh nhau ăn thua. Có tìm ra nguyên nhân, thì mới có hiểu và cảm thông nhau và từ đó mới có thể hóa giải mọi bất hòa để rồi yêu thương, quý kính nhau. Nếu thiếu hai yếu tố “Hiểu” và “Thương” này, thì khó có thể cởi mở, hỉ xả sống chung hòa hợp với nhau được.
Mỗi người cần phải có cái nhìn sắc bén bằng tuệ giác trong việc cư xử với nhau.
Vì sống chung với nhau không sao tránh khỏi những cá tính bất đồng. Sự bất đồng đó, muốn dung hợp được, chỉ có một nhịp cầu duy nhất nối liền hai đầu lại với nhau, đó là “Hiểu” và “Thương”. Có hiểu và thương thì mới có tương kính và nhường nhịn nhau. Thiếu nhịp cầu nầy, thật khó có sự cảm thông.
Không cảm thông nhau, rất khó hòa hợp. Vì có tìm hiểu tính tình, sở thích, và những cá tính dị biệt khác, thì mới cảm thông và thương yêu nhau hơn. Từ đó mới có thể chuyển hóa mọi mâu thuẫn, xung khắc bất đồng cùng chảy về một dòng suối yêu thương và hạnh phúc. Có thế, thì người Phật tử mới có kỳ vọng xây dựng vững chắc được mái ấm hạnh phúc gia đình.
Bàn về vấn đề hợp tuổi nhau trong hôn nhân, chúng ta thấy rằng người đời nói rất đúng: Hợp tuổi không bằng hợp tính. Vấn đề hạnh phúc gia đình, cần nên cư xử tế nhị trong nhiều vấn đề, nó phụ thuộc vào cách đối đãi lẫn nhau chứ không phụ thuộc vào tuổi tác hay ngày giờ. Chúng ta phải nhìn nhận đúng vấn đề để không tạo nên tác nhân ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân của bản thân hay của con cái mình.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người đàn ông 10 tháng đau đớn vì ung thư, mỉm cười ra đi sau hơn 1 giờ hộ niệm
Phật giáo và người trẻ 16:45 25/11/2024Khi vừa hộ niệm được chừng mấy chục phút, chú Thu bỗng nhiên giơ hai ngón tay lên và nói với mọi người rằng mình sẽ ra đi vào lúc 2h chiều. Tiếp tục hộ niệm tới khoảng 2h kém 15p thì chú ấy tắt thở ra đi một cách rất nhẹ nhàng.
Sự oán hận của vong hồn thai nhi
Phật giáo và người trẻ 20:00 19/11/2024Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ.
Đi chùa sám hối?
Phật giáo và người trẻ 08:45 15/11/2024Mưa, Long ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, mắt nhìn ra cổng. Chiều nay, Long có hẹn với bạn gái, hai người sẽ đi chùa sám hối. Đó là thói quen mà mỗi tháng hai lần Long cùng với bạn gái đến chùa Vạn Đức.
Quỹ Vicaris gieo hạt hiểu thương đến 2 học sinh ở Gò Quao
Phật giáo và người trẻ 12:05 10/11/2024Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris vừa bảo trợ 2 học sinh ở huyện Gò Quao, Kiên Giang - Đại đức Thích Tuệ Đạt, Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, chủ nhiệm Quỹ thông tin với Phatgiao.org.vn.
Xem thêm