Cõi Cực lạc của Đức Phật A Di Đà có phải ở trong Tam giới không?
Cõi Cực lạc là một cảnh giới có thật và nó không thuộc trong phạm vi Tam giới, vì chúng sinh trong ba cõi vẫn còn bị sinh tử luân hồi và do đó, tất nhiên chúng sinh vẫn còn phải chịu nhiều điều đau khổ.
> Xem thêm những kiến thức Phật học bổ ích tại đây
Hỏi: Bạch Thầy, con có ba câu hỏi mong thầy giải đáp cho con được rõ:
1. Cõi Cực lạc của đức Phật A Di Đà là thuộc trong Tam giới hay ngoài tam giới?
2. Cõi Cực lạc là do tâm thức biến hiện ra hay thật có?
3. Cõi Cực lạc có gần với chân không, chân như không?
Đáp: Qua ba câu hỏi của Phật tử, tôi xin lần lượt giải đáp để cho Phật tử hiểu rõ thêm.
1. Về câu hỏi thứ nhất, tôi xin xác quyết ngay là cõi Cực lạc không thuộc trong phạm vi Tam giới. Nhưng trước hết, thiết nghĩ, chúng ta cũng cần nên hiểu Tam giới là gì? Trong quyển Từ Điển Phật Học Huệ Quang tập V trang 4103 có giải thích Tam giới như sau: "Tam giới là ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
- Dục giới (Kàma-dhàtu) : Thế giới của những loài hữu tình còn các tính dâm dục, tình dục, sắc dục, thực dục. Trên từ cõi trời Tha hóa tự tại thứ 6, giữa là cõi người, dưới đến địa ngục Vô Gián; vì nam nữ ở lẫn lộn, nhiều thứ dục nhiễm nên gọi là Dục giới.
- Sắc giới (Rùpa-dhàtu): Sắc nghĩa là biến ngại hoặc thị hiện, là thế giới của những loài hữu tình đã xa lìa dâm dục và thực dục của cõi Dục, nhưng vẫn còn sắc chất thanh tịnh. Thế giới nầy ở trên Dục giới, không có dục nhiễm, cũng không có thân nữ, chúng sinh ở đây đều do hóa sinh, cung điện cao lớn, là do sự hóa sinh của Sắc tất cả đều rất vi diệu, tốt đẹp. Vì còn có sắc chất, nên gọi là Sắc giới. Tùy theo thiền định sâu cạn, thô diệu mà cõi nầy được chia làm 4 bậc, từ sơ thiền Phạm thiên cho đến cõi trời A ca rị tra, tất cả có 18 tầng trời.
- Vô sắc giới (Arùpya-dhàtu): Thế giới của những loài hữu tình chỉ có: Thụ, tưởng, hành, thức. Thế giới nầy không có một thứ gì thuộc về vật chất, cũng không có thân thể, cung điện, cõi nước, chỉ có tâm thức trụ sâu trong thiền định nên gọi là Vô sắc giới. Thế giới nầy ở trên Sắc giới, gồm có Tứ thiên ( Không vô biên xứ thiên, Thức vô biên xứ thiên, Vô sở hữu xứ thiên và Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên), còn gọi Tứ vô sắc, Tứ không xứ.
Quả báo của Tam giới này tuy có hơn kém, khổ vui khác nhau nhưng đều thuộc cõi mê, là những thế giới sinh tử luân hồi của chúng sinh, các bậc Thánh đều lìa bỏ.
Theo Phẩm Thí Dụ Kinh Pháp Hoa ghi: "Ba cõi không an, giống như nhà lửa, các khổ đầy dẫy, rất đáng sợ hãi".
Nêu ra như thế để Phật tử thấy rằng, cõi Cực lạc không thuộc trong phạm vi Tam giới. Không ở trong Tam giới, tất nhiên là phải ở ngoài Tam giới. Trong Kinh Di Đà Tiểu Bổn, đức Phật Thích Ca Mâu Ni có nói: "Từ thế giới nầy đi về bên cõi Tây phương Cực lạc phải trải qua mười muôn ức Phật độ, có một thế giới, gọi là Cực lạc. Cõi ấy có Phật hiệu A Di Đà hiện đang thuyết pháp". Lời dạy này là đức Phật nhằm xác quyết cho chúng ta biết có cõi Cực lạc ở ngoài Tam giới. Bởi chúng sinh ở cõi Cực lạc thụ hưởng những thứ vui cùng cực không có khổ như cõi Ta bà này, nên gọi cõi đó là Cực lạc.
2. Cõi Cực lạc không phải do tâm thức biến hiện mà là một cõi có thật. Điều này, trong Kinh Di Đà đức Phật đã diễn tả cho chúng ta thấy rất rõ. Một thế giới có đầy đủ chánh báo và y báo trang nghiêm thù thắng vi diệu, thì sao gọi là tâm thức biến hiện được? Nói tâm thức biến hiện là cái không có rồi mình tưởng tượng ra cho có. Như ngồi trong nhà tưởng tượng như có con quỷ hung dữ ở ngoài sân, kỳ thật ngoài sân không có con quỷ. Hoặc giả dưới ánh trăng soi thấy tàu lá chuối rung rinh tưởng là bóng người áo trắng đang lay động. Thấy gốc cây to trong đêm mờ ảo ta tưởng là con ma... Đó gọi là do thức biến hiện ra. Còn cõi Cực lạc là do đức Phật A Di Đà dùng công đức trang nghiêm mà tạo thành. Với 48 điều đại nguyện của Đức Phật cũng đủ để chứng minh cho chúng ta thấy rất rõ điều đó. Một cảnh giới nếu chỉ do tâm thức biến hiện ra, thì cảnh giới đó không thật. Nếu chúng ta tha thiết chuyên cần trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, tương tục không gián đoạn, đến khi lâm chung sẽ được Phật Di Đà và các hàng Thánh chúng tiếp dẫn chúng ta về cõi nước của Ngài. Vì đó là bản nguyện tiếp dẫn độ sanh của Ngài.
3. Đã gọi là cõi có nghĩa là một thế giới ngoại tại, tất nhiên là phải có hình tướng, thì làm sao gần với chân không, chân như được. Vì chân không hay chân như không có hình tướng và không có sinh diệt. Đây là cảnh giới thân chứng, do sạch hết vô minh phiền não mà thể tánh chân như hiện bày. Tuy nhiên, tất cả các pháp đều không ngoài thể tánh chân như mà có. Cõi Cực lạc cũng không ngoài thể tánh chân như mà thành. Thí như tất cả cảnh vật không ngoài hư không mà có. Nhưng hư không không phải là chân như, vì hư không là vô tri. Cho nên, thể tánh chân như bao trùm khắp hết muôn pháp vậy.
Nói tóm lại, cõi Cực lạc là một cảnh giới có thật và nó không thuộc trong phạm vi Tam giới, vì chúng sinh trong ba cõi vẫn còn bị sinh tử luân hồi và do đó, tất nhiên chúng sinh vẫn còn phải chịu nhiều điều đau khổ. Ngược lại, cõi Cực lạc vượt ngoài vòng luân hồi sống chết và không còn đau khổ như cõi Ta bà.
Kính chúc Phật tử có đầy đủ chánh tín để niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Điều cần thiết nơi phẩm hạnh của người Thầy là đạo đức và tình thương”
Phỏng vấn 11:00 20/11/2024Đó là lời chia sẻ chân thành của Đại đức Thích Quảng Tịnh, trụ trì chùa Pháp Lạc ( xã Giang Điền, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) với Phatgiao.org.vn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Voice talent Nguyễn Bình Nguyên - “Kẻ Trộm Hương”: “Sách của Thiền sư Nhất Hạnh dễ hiểu, dễ ứng dụng”
Phỏng vấn 09:51 15/11/2024Nguyễn Bình Nguyên (sinh năm 1989), nickname “Kẻ Trộm Hương” - một voice talent - vừa đọc lại cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người đón nhận.
Phật tử Phạm Trọng Đạt: “Nhờ thuyền từ Bát-nhã, con vượt qua nỗi đau mất 2 người thân nhất”
Phỏng vấn 10:33 10/11/2024Phạm Trọng Đạt, sinh năm 2001, pháp danh Pháp Hạnh - là một Phật tử thuần thành, thường làm các thiện sự và đặc biệt có duyên thân cận với các bậc tôn đức đạo cao đức trọng.
Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”
Phỏng vấn 15:43 26/10/2024Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Xem thêm