Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 26/11/2020, 07:00 AM

Con muốn làm người xuất gia

Mùa xuân năm 2014 con đã quyết định chọn con đường xuất gia và trở thành một người xuất sĩ theo pháp môn Làng Mai. Lúc đó con vừa tròn 18 tuổi, trước khi tốt nghiệp trường trung học ở tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Ba mẹ con đều sinh ra và lớn lên ở Việt Nam.

Ngẩn ngơ với cảnh đẹp mùa thu tại Làng Mai

Vì muốn tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn nên cả hai đã chuyển qua Hoa Kỳ khi mới 20 tuổi. Sau đó, ba mẹ con định cư tại miền Đông, đó cũng là nơi mà anh chị em con được sinh ra và lớn lên.

Trước kia, hồi còn niên thiếu, con có một cuộc sống khá tự do. Con làm những điều mà mọi người cho rằng nó sẽ đem đến hạnh phúc và niềm vui. Kể cả tham dự những buổi tiệc tùng cùng bè bạn. Việc học ở trường của con khá tốt. Con cũng có một công việc ổn định, có xe hơi riêng. Con tích cực tham gia các hoạt động thể thao, nhất là đá bóng, bóng rổ, chạy bộ,… Con cũng trải qua những cuộc tình rất lãng mạn với bạn gái và tự cho mình trải nghiệm những gì mà con nghĩ là sẽ đem lại hạnh phúc lúc đó. Nhưng ngược lại, con chỉ nhận lại khổ đau và hoàn toàn rơi vào bế tắc. Con thấy mình cần phải tìm một con đường khác để mà đi tới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một trong những khổ đau lớn nhất của con là con không tìm thấy được một con đường mà có thể mang lại hạnh phúc đích thực cho con. Nhiều khi con thao thức, trăn trở và tự hỏi chính mình: Vì sao con lại ở đây? Cuộc đời là gì? Nếu trên đời này thật sự có Thượng Đế, thì sự hiện hữu của ngài có ý nghĩa gì? Con cứ loay hoay đi tìm ý nghĩa của cuộc đời và sự tồn tại của con trên thế gian này. Những câu hỏi như một gánh nặng trên đôi vai mà con không tìm được một câu trả lời thích đáng. Lúc ấy, liều thuốc duy nhất có thể giúp con làm vơi nhẹ khổ đau là Thiền tập. Cứ mỗi hai tuần một lần, ba mẹ thường lái xe chở con đến sinh hoạt ở một ngôi chùa Việt Nam cách nhà 15 phút. Hình ảnh của các sư cô trong chùa là hình ảnh những người hạnh phúc nhất trên đời mà con từng được gặp. Dù chỉ mới lững chững thực tập thiền nhưng những hoa trái và lợi lạc của nó đã giúp thân tâm con trở nên thanh thoát và nhẹ nhàng hơn.

Có một lần, tình cờ con được nghe pháp thoại của một sư thầy ở trên Youtube. Thấy hình ảnh của thầy, và nghe thầy trả lời những câu hỏi của con. Lòng con bỗng nhiên cảm thấy hân hoan và sảng khoái vô cùng. Trước kia con lang thang đi tìm câu trả lời, nhưng chưa có một lời giải đáp nào giúp con cảm thấy thỏa mãn như lần này. Câu trả lời sâu sắc từ trái tim của thầy đã chữa lành và trị liệu tâm hồn con. Con chợt nhận ra trước đây mình đã nhìn cuộc đời qua một lăng kính tối tăm và bi quan. Nhờ thực tập thiền, lắng nghe tuệ giác từ thầy, cộng thêm sự yểm trợ của gia đình, sự nâng đỡ của các thầy cô, sự chăm sóc của các bác sĩ tâm lý đã giúp cho con có đủ nghị lực và sức mạnh để nhìn thấy cuộc sống tươi đẹp và đầy màu sắc trở lại. Cũng phải mất nhiều tháng trời thực tập và quán chiếu con mới có thể thật sự đi ra được vấn đề của mình.

Ngôi làng an vui cho mỗi tâm hồn quay về nương tựa

Con quyết định chọn con đường xuất gia vì biết đích xác ước nguyện của con là được trở thành một tu sĩ như hình ảnh của sư thầy ở trên Youtube ấy. Thầy đã truyền cho con rất nhiều cảm hứng và động lực. Con muốn sau này trở thành một vị Giáo thọ Tu sĩ. Được thực tập thiền và lan tỏa, chia sẻ những chuyển hóa, những hạnh phúc ấy đến cho người thân và xã hội. Sau khi hoàn thành xong chương trình trung học ở trường, con quyết định xin vào sống trong một ngôi chùa gần nhà. Từ đó, con bắt đầu hành trình tìm kiếm con đường và pháp môn tu học để có thể trở thành một người tu sĩ.

Sau những tháng ngày rong ruổi tìm kiếm, cuối cùng thì con đã quyết định đích đến của mình là Làng Mai. Con chính thức xuống tóc để trở thành một người xuất gia ngày 14 tháng 12 năm 2016. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, con thật sự cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện với quyết định của mình ngày hôm ấy.

Khi nghe con tâm sự là con muốn đi tu, ba mẹ tỏ ra hết sức lo lắng và e ngại. Cả hai người đều tìm cách khuyên con nên đi thử đi học đại học một năm, lúc đó rồi hãy tính. Trong lòng con hoàn toàn không muốn lựa chọn bước đi trên con đường ấy. Nếu con chọn con đường học đại học thì điều đó có nghĩa là con sẽ phải ký vào tờ giấy vay nợ. Nợ tiền chính phủ để đi học. Biến mình trở thành một con nợ chỉ để làm điều mà chính mình thật sự không muốn làm. Con lấy hết cam đảm để thưa với ba mẹ: “Con xin lỗi ba mẹ, con thật sự không làm được. Thật lòng con chỉ muốn xuất gia và trở thành một thầy tu thôi”.

Hiểu rõ tính cách của con, một khi đã đam mê và muốn thực hiện điều gì thì con sẽ hơi cứng đầu và phải làm cho được nên ba mẹ đành chiều lòng và chọn cách yểm trợ con. Đó cũng là khoảng thời gian mà con vừa mới trải qua được hai giai đoạn của bệnh rối loạn tâm thần (psychosis). Con nghĩ rằng khi nghe đến trạng thái rối loạn tâm thần mọi người hiểu rằng đó là do tinh thần của bệnh nhân yếu và dễ trở nên mong manh. Trước khi biết thực tập Thiền, con đã từng hút cần sa và hành xử rất ích kỷ. Con không quan tâm đến những người thương của mình. Một đêm nọ, đang hút cần sa như thường lệ, bỗng dưng con rơi vào cảm giác giống hệt như một trạng thái rối loạn tâm thần nặng (psychotic break). Cảm giác đó không hề dễ chịu và thoải mái, ngược lại nó vô cùng đáng sợ và rùng rợn. Từ đó trong con bắt đầu phát triển những triệu chứng của tâm thần phân liệt (schizophrenia): hoang tưởng (paranoia). Những chuyện này đã xảy ra trước khi con biết đến Thiền tập.

Thời gian đầu mới thực tập Thiền, con hay chia sẻ với mọi người trong gia đình về ý định muốn trở thành một tu sĩ phật giáo. Lúc đó con đoán rằng bố mẹ và mọi người sẽ nghĩ: “Con trai của mình đang được trị liệu và lành bệnh; nó đã bắt đầu vui vẻ trở lại và còn muốn trở thành một ông thầy tu.” Những người tu sĩ là những người rất tuyệt vời, giống như các sư cô trong ngôi chùa Việt Nam đã giúp đỡ con trước đó. Con hiểu là ba mẹ cũng nghĩ rằng “Ba mẹ cảm thấy lo ngại, vì con đường xuất gia không phải là một con đường dễ dàng, nhưng vì muốn yểm trợ con nên ba mẹ đành chiều lòng, rồi để từ từ xem sao.” Ba mẹ đã lặng lẽ theo bước và yểm trợ con như vậy: Ngày này qua ngày khác, và năm này qua năm khác.

Mới đó mà bốn năm đã trôi qua kể từ dạo ấy. Bây giờ mỗi khi nghĩ về con, ba mẹ cảm thấy ấm lòng và hãnh diện. Năm nào ba mẹ và các anh chị em trong gia đình cũng sắp xếp để thay phiên nhau qua Làng thăm con. Cả gia đình con ai cũng cùng tu tập với con. Mẹ hay kể với con là mỗi đêm mẹ thường lên Trang Nhà Làng Mai đọc và nghe pháp thoại của Sư Ông trước khi đi ngủ. Mẹ cũng hay khoe với con về những mẩu chuyện vui mà mẹ nghe được trong bài pháp thoại. Nghe mẹ kể con thấy lòng mình ngập tràn hạnh phúc. Đây cũng là cách mà con nuôi dưỡng và gìn giữ mối liên hệ với gia đình huyết thống của mình. Cuối tuần nào con cũng gọi điện về thăm hỏi ba mẹ, và thường xuyên nói chuyện với các anh chị em trong nhà. Kể từ lúc đi tu, liên hệ giữa con và các anh chị em cũng trở nên gần gũi, ấm áp và nhẹ nhàng hơn. Mọi người ai cũng hiểu ba mẹ là người mà con thương yêu và kính trọng nhất.

Con cũng thường hay viết thư tay gửi về cho ba mẹ và những người bạn thân. Với các anh chị em ruột thì con thích gửi email vì nó nhanh và đơn giản hơn. Sau khi trở thành một người xuất gia con thấy mình thật sự được “chạm đất”. Trước kia, khi còn là cư sĩ, lúc nào đầu óc con cũng mơ màng như ở trên mây. Bây giờ tình trạng đó đã được cải thiện nhiều. Con không cần phải mong đợi có được cảm giác thật sự chạm đất ấy. Chỉ cần thực tập con sẽ làm được.

Những hình ảnh mới nhất về Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai Thái Lan cận Tết 2020

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghĩ lại ước mơ muốn trở thành thiền sư hồi 18 tuổi của con, lúc đó con chỉ đơn giản nghĩ rằng muốn tu thì phải đi vào rừng sâu. Hoặc hoặc tìm một hang động tĩnh mịch rồi ngồi thiền hàng giờ trong đó một mình hoặc ngồi thiền cùng với sư phụ để có thể chứng ngộ và đạt đến tuệ giác. Con còn tưởng tượng rằng khi thành đạo nhất định con sẽ đi du hóa khắp nơi và giảng dạy Phật pháp giống như vị thầy tu mà con thấy trên Youtube. Khi ấy chắc chắn là sẽ có rất nhiều người ngồi nghe pháp thoại của con. Đó là những hình ảnh đầu tiên mà con mường tượng trong đầu về đời sống của người xuất gia. Bây giờ sau 2 năm làm một người tu sĩ, con thấy cuộc sống xuất gia khác hoàn toàn so với những gì con đã nghĩ, nhưng mọi thứ đều tiến triển theo hướng tốt đẹp hơn.

Thầy (Sư Ông) và quý thầy và quý sư cô ở Làng đã hướng dẫn và giúp đỡ để con thật sự sống và thật sự “chạm đất” được. Khi trở thành người tu, con thấy mình có thể làm được nhiều việc hơn là mình nghĩ. Đó là một bước chuyển hóa tích cực của con. Con học cách kết nối và sắp xếp những suy nghĩ của mình, chẳng hạn như sắp xếp tổ chức công việc trước khi bắt tay vào làm, hay là chuẩn bị trước những vật dụng đơn giản như băng keo, giấy, bút,…

Với tuệ giác và tình thương của Thầy, Thầy đã mở ra cho thế hệ những xuất sĩ trẻ như chúng con một đời sống xuất sĩ mới. Chúng con cũng phụng sự và làm việc để có thêm tiền mua rau đậu. Khí hậu Phương Tây cũng khác nhiều so với khí hậu Phương Đông. Ở đây không nóng như ở bên đó. Nếu ở bên ấy, chỉ cần ôm bình bát xuống phố để khất thực thì thế nào cũng sẽ có Phật tử cúng dường đồ ăn cho chúng con. Nhưng ở Làng Mai bên Tây Phương phải trả tiền gas và tiền điện nước. Chúng con yểm trợ Đất mẹ và sử dụng thực phẩm hữu cơ. Trong phòng của các vị thiền sinh đến Làng tu tập cũng cần có máy sưởi những ngày mùa đông. Vì vậy chúng con vừa tu học và vừa phụng sự cống hiến bằng cách mở khóa tu để thiền sinh khắp nơi có thể về tham dự cùng.

Ý nghĩa thực tiễn của người xuất gia

Phụng sự và cống hiến cho xã hội và một phần thiết yếu trong cuộc sống của chúng con. Nếu không có phụng sự thì chúng con không phải là tu sĩ của Làng Mai. Nếu phải dừng lại việc phụng sự, không mở khóa tu cho thiền sinh nữa thì chắc con không phải là xuất sĩ của Làng Mai. Có lẽ con sẽ chia tay tăng thân nếu như không được làm những công tác ý nghĩa đó. Có thể lúc ấy con sẽ không còn cảm thấy hạnh phúc, bởi vì phụng sự cho xã hội là một phần cuộc sống của chúng con. Theo quan điểm của con thì phụng sự hay làm bất cứ một công việc gì mình cũng cần làm với niềm vui. Như vậy mình mới có đủ hạnh phúc để nuôi dưỡng chính mình và nuôi dưỡng những người xung quanh.

Một mặt khác, tổ chức khóa tu cũng là một cách huấn luyện hay. Con ý thức về sự cân bằng của bốn yếu tố: “Tu, học, chơi, làm việc” để đảm bảo một đời sống tâm linh lành mạnh. Trước kia theo hình ảnh người tu mà con nghĩ thì con sẽ thiếu hụt yếu tố làm việc. Con cứ nghĩ tu là chỉ cần ngồi thiền suốt cả ngày. Bây giờ khi đã biết thực tập, con hiểu được tầm quan trọng của sự cân bằng các yêu tố đó. Nếu không làm việc để tổ chức khóa tu, chắc chắn con cũng sẽ không có đủ hạnh phúc. Con thấy so với trước kia, sự nhìn nhận của con về yếu tố “làm việc” đã thay đổi và có nhiều chuyển hóa tích cực hơn.

* Bài viết được chuyển ngữ từ tạp chí Mindfulness Bell / Winter/Spring 2020/issue 83.

Sư chú Chân Trời Đức Khiêm đến từ tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Vào mùa đông năm 2016, sư chú đã xuất gia thọ giới Sadi tại Làng Mai, Pháp quốc trong gia đình xuất gia “Cây Mai Vàng”. Sư Chú thích thực tập thiền, đọc sách, viết văn, và chia sẻ những khoảnh khắc của tình huynh đệ với các anh chị em trong gia đình xuất sĩ. Hiện tại sư chú đang tu học ở tu viện Lộc Uyển - một trung tâm thiền tập của Làng Mai tại Hoa Kỳ.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Phật pháp nhiệm mầu: Một cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế phát, hành thiền

Phật giáo và người trẻ 09:46 17/04/2024

“Tôi đã tự hỏi, ý nghĩa và mục đích của cuộc đời mình là gì...” - Kevin Lidin trải lòng.

Diễn viên Quỳnh Lam sẽ kinh doanh quán chay

Phật giáo và người trẻ 11:33 13/04/2024

"Nữ hoàng phim xưa" Quỳnh Lam vừa chia sẻ với báo giới kế hoạch tương lai - sẽ kinh doanh quán chay - khi có tin chia tay bạn trai sau 13 năm gắn bó.

Phật pháp nhiệm mầu: Giác ngộ chỉ trong tích tắc

Phật giáo và người trẻ 19:43 12/04/2024

Melania Babaian đến từ đất nước Armenia xinh đẹp. Nhưng chúng tôi hay gọi tắt tên cô là Mela thân thương mỗi khi trò chuyện.

Sốt li bì mê man, niệm Quan Âm Bồ tát liền khỏi

Phật giáo và người trẻ 09:00 05/04/2024

Tôi tâm nguyện trọn đời theo Phật Pháp, và ăn chay trường đã được 15 năm. Vì nhớ ơn Bồ Tát Quán Thế Âm nên tôi đặt tên con trai là Hồng Ân. Con trai tôi khôn lớn cũng tin tưởng vào Phật pháp, thờ Ngài Quan Âm Bồ Tát rất chí thành.

Xem thêm