Thứ tư, 14/12/2022, 11:16 AM

Còn tình thương ở lại

Có lẽ, qua bao cuộc bể dâu, đừng vội tuyệt vọng mà hãy tin rằng: tất cả có mất đi, thì vẫn còn tình thương ở lại.

Tôi neo tim mình vào Đạo Phật

Mỗi người đều có cho mình những đức tin riêng để neo đậu. Bởi trong xã hội lắm nỗi xô bồ, sự lạc lối vô định luôn hiện diện đâu đó, làm mình mệt nhoài nghi kị, làm mình đắn đo trăn trở. Ánh sáng giác ngộ từ đức tin chính là kim chỉ nam làm bản thân tìm được hướng đi đúng đắn thoát khỏi cơn mê, là nơi nâng đỡ, là điểm tựa vững chãi trước những bão giông của cuộc đời.

Sinh trưởng trong gia đình có ông ngoại là phật tử, từ nhỏ tôi đã quen với tiếng kinh kệ, với tà áo lam, với mái chùa thanh u trầm tịch. Chiến tranh gay go, ông cởi bộ đồ phật tử để khoác lên màu áo xanh bộ đội, hy sinh thân mình vì độc lập dân tộc. Hòa bình lập lại, ông trở về bằng chiếc hộp quàng quốc kì và tấm bằng Tổ quốc ghi công. Sau này mỗi lúc tới ngày giỗ của ông, mẹ lại ôm chiếc áo lam chảy nước mắt, bảo rằng, ông đã hoàn thành sứ mệnh sống tốt đời đẹp đạo. Cuộc đời ông có lẽ ngắn ngủi, nhưng là cuộc đời trọn vẹn đủ, với người, với ta, với đạo.

Lớn lên trong tiếng tụng trì, tôi tự nguyện dành một khoảng lặng trong tim cho Phật giáo. Những sự kiện trong đời tôi hình như cũng thấp thoáng hình bóng đâu đó của sư thầy: là đi lễ chùa đầu năm; là ngày đưa bà ngoại, đưa ba rời cõi tạm; là lúc cúng tuần, cúng trăm ngày,..đầy tràn nước mắt. Có lẽ trưởng thành được xây dựng từ muôn vàn nỗi khổ đau li biệt, nếu không có những câu kinh lời giảng từ đạo Phật, hẳn là tôi đã gục ngã đâu đó giữa những buồn đau được mất của cuộc đời.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Còn lại tình thương

Phật giáo đưa tôi tới những mối duyên lành, khi bản thân chẳng ngờ tới nhất. Năm nhất Đại học, tôi xin học bổng để trang trải chi phí, và may mắn gặp được ông Xuân. Ông cũng là Phật tử, tự tổ chức một quỹ gọi là “Mãi yêu thương” để bảo trợ cho sinh viên nghèo.

Chẳng hiểu sao, nhìn ông, tôi cứ ngỡ như được gặp ông ngoại. Ông hiền hòa, kiên nhẫn nghe từng chia sẻ vui buồn của mỗi đứa trong quỹ, rồi động viên, rồi giảng giải. Nhiều khi tôi phải thốt lên bất ngờ khi chẳng bao giờ thấy ông nổi giận. Ông thương tất cả mọi người, kể cả người không tốt với ông. Ông bảo họ đang phải gánh cái nghiệp của sân hận, nên mình càng phải thương lấy họ, để cảm hóa, để giúp đỡ. Cái tình thương trong trẻo ấy đã làm chúng tôi cảm thấy hổ thẹn, càng tự dặn lòng phải sống tốt hơn nữa. Có lẽ, ánh sáng từ bi trong ông chính là thứ làm tôi càng kiên định với tín ngưỡng trong tim mình từ bé.

Mỗi dịp trao học bổng, chúng tôi thường ngồi quây quanh ông, nghe ông chia sẻ những đúc kết từ kinh Phật.

Ông bảo, với những ai không phải phật tử, đọc kinh thấy khó hiểu nên cũng không biết cách thực hành theo lời răn, luôn sợ phạm giới, thì chỉ cần nắm được căn nguyên cái tâm “từ” để hiểu, để nhớ và thực hành là được.

“Từ” hiểu đơn giản là tình thương vô biên vô hạn. Thương mọi vật xung quanh, không mưu cầu đáp lại. Tình thương không chỉ gói gọn ở người ta mến, mà còn với người không ưa ta, với người tốt và cả người chưa tốt. Mình phải nghĩ rằng họ chưa hoàn thiện để giúp họ sửa chữa, chứ không phải dè bỉu, khinh khi, bỏ mặc.

Khi chúng ta biết thương vạn vật, chúng ta sẽ không nỡ giết hại chúng;

Khi chúng ta biết thương ai đó, chúng ta đâu nỡ trộm cắp của họ để khiến họ buồn;

Khi chúng ta biết thương họ, chúng ta luôn tôn trọng ý nguyện của họ, thì lấy đâu ra chuyện tà dâm cưỡng ép;

Khi chúng ta biết thương mọi người, chúng ta đâu nỡ dối lừa lòng tin của họ;

Khi chúng ta biết thương người thương đời, chúng ta muốn giữ cho mình sự thanh tỉnh để không làm gì có lỗi với họ, vì lẽ đó, ta đâu muốn đụng tới một giọt rượu làm chi.

Cứ thế, chỉ cần nhớ kĩ tình thương ở tâm “từ” mà chẳng cần mình cố nhớ, cố ép, bản thân cũng tự động làm những việc tuân theo Ngũ giới: “Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu”, đấy thôi!

Ông Xuân đã giúp tôi và đạo Phật đến gần nhau qua những lời dạy như thế, góp phần chuyển hóa những gì có vẻ khó hiểu trong kinh kệ trở nên thân thuộc ở đời sống hàng ngày. Đạo Phật cũng dần gần gũi và là hành trang không thể thiếu với tôi trên chặng đường trở thành một người tử tế.

Có lẽ, qua bao cuộc bể dâu, đừng vội tuyệt vọng mà hãy tin rằng: tất cả có mất đi, thì vẫn còn tình thương ở lại.

*Bài dự thi của tác giả Thanh Trúc, địa chỉ Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thần lực của lời di chúc

Đạo Phật trong trái tim tôi 12:15 20/12/2024

Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.

Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024

Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?

Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024

Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.

Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024

Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.

Xem thêm