Công hạnh Bồ Tát Quán Thế Âm
Bồ Tát Quan Thế Âm dùng tâm đại từ để cho vui, dùng tâm đại bi để dứt khổ, phẩm cách cứu khổ cứu nạn là hóa thân của từ bi. Từ bi là chí nguyện của Bồ Tát Quan Thế Âm, là đức tính của Bồ Tát Quan Thế Âm. Từ bi là công đức đặc thù của Bồ Tát Quan Thế Âm.
Biểu tượng nhành dương liễu với ý nghĩa giáo lý tùy duyên bất biến
Tâm đại từ đại bi của Bồ Tát Quan Thế Âm cứu vớt tất cả những nỗi khổ đau của vô lượng chúng sinh, thành tựu đạo nghiệp cho vô lượng chúng sinh.
Giọt nước từ bi làm tiêu hết muôn ngàn tội lỗi;
Lời kinh tiếng kệ diệt trừ sạch trăm vạn oan khiên.
Bồ Tát Quan Thế Âm có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ngài là một vị Bồ Tát tiêu biểu cho tinh thần đại bi trong đạo Phật. Công hạnh của Ngài được biết qua các bộ kinh điển như: Kinh Vô Lượng Thọ, Thủ Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, A Di Đà Cổ Âm Thanh Đà La Ni, Diệu Pháp Liên Hoa… Việc tôn thờ Bồ Tát Quan Thế Âm được nhanh chóng lưu truyền tại các nước Tây vực, Việt Nam, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc… Sau đây, chúng ta tìm hiểu sơ lược về công hạnh của Ngài. Từ thế kỷ thứ nhất cho đến thế kỷ thứ IV, Bồ Tát Quan Thế Âm được phụng thờ với dáng người nam, một vị vương tử đứng, trên thân mặc áo vương giả. Thế rồi từ thế kỷ thứ XII trở đi, Bồ Tát Quan Thế Âm chính thức được thờ phụng theo vóc dáng người nữ, qua hình ảnh người mẹ hiền, luôn luôn chăm sóc theo dõi những người con thơ dại lạc lối khổ đau.
Trong một năm, có đến 3 ngày kỷ niệm về Bồ Tát Quan Âm:
- Ngày 19 tháng 2 là ngày Thánh đản.
- Ngày 19 tháng 6 là ngày Ngài thành đạo.
- Ngày 19 tháng 9 là ngày Ngài xuất gia.
Tự viện Phật giáo vào những ngày này, đều cử hành pháp hội long trọng, tổ chức khóa tu, kinh hành, niệm Phật, thọ trì trai giới…
Bồ Tát Quan Âm, còn gọi là Quan Thế Âm Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát, Quang Thế Âm Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát.
Bồ Tát Quan Thế Âm, kinh Phật bằng tiếng Phạn gọi là: “A Phược Lô Chỉ Đế Thấp Phạt La” khi dịch sang tiếng Trung Hoa thì có nhiều cách: Ngài Trúc Pháp Hộ dịch là Quang Thế Âm; Ngài Cưu Ma La Thập dịch là Quan Thế Âm; Ngài Huyền Tráng dịch là Quán Tự Tại. Nhưng danh từ thường thấy là Quan Thế Âm.
Vào triều đại nhà Đường, nhân vì lánh tên húy của Đường Thái Tông Lý Thế Dân nên bỏ đi chữ Thế, gọi tắt là Quan Âm, nghĩa là “Quán soi sự đau khổ của chúng sinh ở thế gian, lắng nghe tiếng xưng niệm danh hiệu mà Ngài tìm đến cứu khổ”, gọi đủ là “Đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát”.
Quan Thế Âm Bồ Tát là 1 trong 4 vị đại Bồ Tát. Ngài là vị Bồ Tát thượng thủ ở thế giới Cực Lạc Tây phương của Phật A Di Đà, Ngài cùng với Bồ Tát Đại Thế Chí hầu cận Phật A Di Đà, gọi là Tây phương Tam thánh.
Nói về thân thế của Bồ Tát Quan Thế Âm, có nhiều thuyết khác nhau:
Trong Kinh điển Phệ Đà của Bà La Môn giáo cổ Ấn Độ chép: Có một đôi song mã đồng thần, thần thông quảng đại, hay làm cho người mù được sáng, người không nghén chửa sanh con, bò đực ra sữa, cây mục ra hoa, tượng trưng cho tinh thần từ bi được tôn là song mã đồng thần.
Mẹ tôi và câu niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát”
Sau khi Phật giáo được thành lập, đặc biệt nhất là đại thừa Phật giáo hưng khởi, Thần mã dần dần trở thành một vị Bồ Tát hiền từ, gọi là Mã Đầu Quan Âm, đến ngày nay bên Mật Tông vẫn phụng thờ Mã Đầu Quan Âm, lại gọi là Mã Đầu Minh Vương, đây là tiền thân của Quan Thế Âm Bồ Tát.
Theo Kinh Hoa Nghiêm chép: “Vô lượng kiếp về trước lúc Quan Thế Âm còn là một vị thái tử của Chuyển Luân Thánh Vương Vô Tránh Niệm, với tên gọi là Bất Hú, từng cùng với phụ thân xuất gia tu tập theo Đức Bảo Tạng Như Lai, phát thệ nguyện đoạn trừ tất cả khổ não chúng sanh, khiến cho chúng sanh thường được an lạc, chỉ cần niệm tụng danh hiệu, thì Ngài dùng thiên nhĩ để nghe, dùng thiên nhãn để thấy, nhất định sẽ đến cứu hộ, khiến cho chúng sanh thoát khỏi biển khổ, nếu nguyện không thành tựu thì Ngài không thành Phật. Đức Bảo Tạng Như Lai vì sự phát nguyện quyết tâm của Bất Hú nên thọ ký với danh hiệu là Quan Thế Âm”.
Đại Bi Chú Kinh chép: “Bồ Tát Quan Thế Âm trong vô lượng kiếp về trước đã thành Phật, danh hiệu Ngài là Chánh Pháp Minh Như Lai, vì muốn phát khởi tất cả Bồ Tát thành tựu sự an lạc cho chúng sinh, cho nên mới hiện thân Bồ Tát. Cũng ý nói Bồ Tát Quan Thế Âm vốn đã thành Phật, chỉ vì phương tiện độ thoát chúng sinh, nên mới thị hiện làm Bồ Tát, đến cõi Ta Bà để trợ giúp Phật Thích Ca Mâu Ni hoằng dương Phật pháp, sau này kế vị Phật A Di Đà thành Phật, tên gọi là Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai. Cõi nước tên là Nhất Thiến Trân Bảo Sở Thành Tựu Thế Giới”. Sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, Bồ Tát Quan Thế Âm trở thành một vị tiêu biểu cho tinh thần từ bi, có cầu ắt sẽ ứng hiện, đồng với người dân Trung Quốc.
Đến đời Bắc Tống, người Trung Quốc lại sáng tạo ra những câu chuyện về cuộc đời của Bồ Tát Quan Thế Âm, nói rằng có vị vua Diệu Trang Nghiêm sanh ra ba người con gái, tên là Diệu Nhân, Diệu Duyên, Diệu Thiện. Ba cô công chúa này đều đến tuổi kén chọn phò mã, cô công chúa lớn và công chúa thứ hai đều tìm được đức lang quân như ý, chỉ có cô công chúa thứ ba Diệu Thiện không chịu lấy chồng, muốn đi xuất gia.
Vua Trang Vương nổi giận, đem Diệu Thiện nhốt vào lãnh cung, Diệu Thiện vào núi sâu tu hành. Sau vua Diệu Trang Nghiêm bị bệnh nặng, cần phải có một ngón tay một con mắt của người thân để làm thuốc. Cô công chúa lớn và công chúa thứ hai đều không chịu hi sinh, nên đặt chuyện nói là mạng sống của phụ thân chỉ có mắt và tay của một người con xuất gia tu hành, thì mới cứu được. Phật Tổ vì lòng hiếu tâm nên cảm động thưởng cho cô công chúa thứ ba này 1000 tay 1000 mắt, từ đó thành Quan Âm ngàn mắt ngàn tay. Đây là câu chuyện thể hiện tư tưởng hiếu đạo của Phật giáo, đồng thời cũng nói lên tinh thần từ bi của Bồ Tát Quan Âm.
Về sau, tại Trung Quốc người ta họa vẽ hình tượng Bồ Tát Quan Thế Âm đều là dáng người nữ.
Ngày 19 tháng 2 là ngày đản sanh của Bồ Tát Quan Âm, 19 tháng 6 là ngày thành đạo, 19 tháng 9 là ngày xuất gia. Ba ngày này đều căn cứ vào công chúa Diệu Thiện đã được ghi chép trong “Quan Thế Âm Bồ Tát truyện lược” của Quản Đạo Thăng trước tác vào cuối đời nhà Tống.
Hạnh đại từ đại bi của Bồ Tát Quan Thế Âm, với tinh thần có cầu thì có ứng, đã đi sâu vào lòng dân gian, được mọi người ngưỡng mộ. Nhân thế tín ngưỡng Bồ Tát Quan Thế Âm phát triển rất mau, hình thành tinh thần “Nhà nhà Di Đà Phật, cửa cửa Quan Thế Âm”.
Hình tượng Quan Thế Âm tại trong dân gian Việt Nam ta ai ai cũng biết đến và cũng là hình tượng không thể thiếu trong các tự viện. Đạo tràng của Bồ Tát Quan Thế Âm ở núi Phổ Đà.
Theo Quyển 47, Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải chép: Núi Bổ Đán Lạc Ca, là thánh địa mà Bồ Tát Quan Thế Âm thị hiện. Vào năm Đại Trung đời Đường có vị tăng từ Thiên Trúc đến, ở trong động đốt hết 10 ngón tay, đích thân thấy diệu tướng Quan Âm, hiện đến thuyết pháp, trao cho viên ngọc 7 báu, từ đó thánh tích hiển danh.
Sau này, cao tăng Huệ Ngạc người Nhật Bản, vào năm thứ 12 (858) niên hiệu Đại Trung đời Đường, mang hình tượng Bồ Tát Quan Thế Âm từ núi Ngũ Đài, chọn con đường Tứ Minh – nay là thành phố Ninh Ba tỉnh Triết Giang – chuẩn bị về nước, nhưng khi đến núi Phổ Đà, nhân thuyền bị sóng gió nên mắc kẹt vào đá, không đi được.
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là nam hay nữ?
Thuyền chủ cho là chở quá tải, nên xem xét chuyển hàng hóa xuống bớt nhưng thuyền vẫn không lay động. Bấy giờ Huệ Ngạc lo sợ thánh tượng Quan Âm cùng với “Hải Đông cơ duyên chưa chín mùi” liền phụng tượng lên động Triều Âm bên cạnh nhà họ Trương. Bấy giờ thuyền nhẹ nhàng lướt sóng. Nhân vì người họ Trương thấy sự linh thiêng của Thánh tượng nên mới sửa nhà làm chùa, cung phụng Quan Âm. Về sau, mọi người lại đem Thánh tượng an trú ở chùa Khai Nguyên, người thời bấy giờ bèn gọi là “Bất Khẳng Khứ Quan Âm Viện” (Viện Quan Âm không chịu đi) hoặc có khi gọi là “Chùa Ngũ Đài”.
Đến thời nhà Tống mọi người đều căn cứ vào Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới: Dõng mãnh trượng phu Quán Tự Tại, vì lợi ích chúng sanh mà ở núi này để thuyết pháp và tượng Quan Âm không chịu đi ở chùa Ngũ Đài, cơ duyên chưa chín mùi để đến Nhật Bản, làm sự linh ứng, rồi đem núi Bổ Đát Lạc Ca đã được nói trong Kinh Hoa Nghiêm xác định thành núi Phổ Đà.
Trải qua thời gian lâu dài, núi Phổ Đà trở thành đạo tràng của Bồ Tát Quan Âm. Đạo tràng của Bồ Tát Quan Thế Âm ở núi Phổ Đà rất hưng thịnh, tín chúng đông đúc, dân gian lại có thuyết Quan Âm cho em bé, mọi người bèn chen vai nối gót đến núi Phổ Đà để cầu phước cầu con rất đông. Đặc biệt là mỗi năm vào ngày 19 tháng 2, 6, 9 người hành hương tấp nập, hoa hương thơm lừng, phẩm vật dâng cúng đầy đủ, tụng kinh bái sám du dương, pháp hội long trọng, tất cả đều thể hiện tinh thần từ bi hỉ xả, kiết tường an vui.
Ngày thành đạo của Bồ Tát Quan Thế Âm là ngày 19 tháng 6, là ngày mà giới Phật giáo long trọng cử hành lễ thành đạo của Bồ Tát Quan Thế Âm. Tín đồ Phật giáo vào ngày này mọi người ăn chay, niệm Phật, niệm danh hiệu Bồ tát, phóng sinh, tham gia cử hành các hoạt động pháp sự. Phật giáo cho rằng, vào ngày này niệm Phật, trì chú, tụng kinh, phóng sanh, sẽ được công đức thù thắng. Bồ Tát Quan Thế Âm dùng tâm đại từ để cho vui, dùng tâm đại bi để dứt khổ, phẩm cách cứu khổ cứu nạn là hóa thân của từ bi. Từ bi là chí nguyện của Bồ Tát Quan Thế Âm. Từ bi là đức tính của Bồ Tát Quan Thế Âm. Từ bi cũng là công đức đặc thù của Bồ Tát Quan Thế Âm. Tâm đại từ đại bi của Bồ Tát Quan Thế Âm cứu vớt tất cả những nỗi khổ đau của vô lượng chúng sinh, thành tựu đạo nghiệp cho vô lượng chúng sinh.
Trong kinh Phật dạy: "Nếu có ai xưng niệm danh hiệu của Bồ Tát Quan Thế Âm, thì công đức ấy bằng với xưng niệm cúng dường 62 ức hằng sa Pháp Vương Tử. Lại bằng với xưng niệm cúng dường 62 ức hằng hà sa công đức của Như Lai".
Bồ Tát Quan Thế Âm thường dùng nhiều phương tiện khéo léo để độ thoát chúng sinh. Phẩm Phổ Môn, Kinh Pháp Hoa chép: "Bồ Tát Quan Thế Âm vì thích ứng với căn tánh không giống nhau của chúng sinh, nên Ngài hóa hiện ra 32 tướng loại thân hình để thuyết pháp giáo hóa. 32 thân tức là: Thân Phật, thân Bích Chi Phật (Độc Giác, Duyên Giác), thân Thanh Văn, thân Phạm Vương, thân Đế Thích, thân Tự Tại Thiên, thân Đại Tự Tại Thiên, thân Đại Tướng Quân, thân Tỳ Sa Môn (là 1 trong 4 vị Thiên Vương, Ấn Độ xem là một vị Tài Thần), thân Tiểu Vương, thân Trưởng giả, thân Cư sĩ, thân Tể Quan, thân Bà La Môn, thân tỳ kheo, thân tỳ kheo ni, thân ưu bà tắc, thân ưu bà di, thân phụ nữ của trưởng giả, thân phụ nữ của cư sĩ, thân phụ nữ của tể quan, thân phụ nữ của Bà La Môn, thân đồng nam, thân đồng nữ, trời rồng, dạ xoa, Càn Thác Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, nhơn, phi nhơn, chấp kim cang thần.
Trong Kinh Lăng Nghiêm nói 32 thân, thật ra thì Bồ Tát Quan Thế Âm tùy loại ứng hóa, không có loài nào mà không hiện, nên tùy theo thời đại bất đồng mà Ngài thị hiện ra muôn ngàn thân tướng sai khác để cứu độ chúng sinh.
Bồ Tát Quan Thế Âm biến hóa tất cả cứu độ bình đẳng vì thế không thể dùng thân hình hữu hạn mà thị hiện. Ngoài 33 (hoặc 32) ứng thân ra còn có những hình tượng Quan Âm như: Tự Tại Quan Âm, Vượt Biển Quan Âm, Không Thân Quan Âm, Địa Lợi Ni Quan Âm, Thiết Sách Quan Âm, Tống Tử Quan Âm, Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm, Bạch Y Quan Âm, Thủy Nguyệt Quan Âm, TÂm Diện Quan Âm, Bất Khẳng Khứ Quan Âm, Ngao Đầu Quan Âm, Sổ Châu Quan Âm, Chưởng Ấn Quan Âm, Trì Bình Quan Âm, Mi Thái Quan Âm,… không thể đếm hết hình tượng Quan Âm như thế.
Hình tượng Quan Âm trong Phật giáo Trung Quốc đa phần là căn cứ theo sự hiển tướng của Bồ Tát mà người ta cảm xúc tạo nên. Còn hiện tướng của Quan Âm ở Phật giáo Ấn Độ, do là vì giáo nghĩa tông giáo của Phật giáo và sự tu trì của tông giáo mà hình thành.
Tuy nhiên về hiển tướng Quan Âm lưu truyền trong xã hội hiện tại ít nhiều gì cũng có sự xen tạp, nhưng đã đầy đủ sắc thái tín ngưỡng, bao hàm cả tư tưởng lý luận xã hội, vượt ra ngoài phạm trù tôn giáo, nhân vì những câu chuyện ấy phần lớn là do cứu khổ độ nguy, trừng ác khen thiện. Ngoài mục đích tôn giáo ra còn có tinh thần tôn trọng người già, yêu thương trẻ nít, hòa bình, trong sáng, trung thành,… nói lên khuôn phép của một xã hội tốt đẹp. Người dân thuộc khu vực Tây Tạng, đối với Bồ Tát Quan Thế Âm rất là sùng kính, kiến thành tín ngưỡng. Tương truyền dân tộc Tây Tạng là do Bồ Tát Quan Thế Âm hóa hiện, vua và các vị cao tăng trong lịch sử Tây Tạng cũng đều là hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm.
Sáu chữ chơn ngôn “Án Ma Ni Bát Di Hồng” là câu thần chú mà Phật giáo dân tộc Tạng rất tôn sùng, Mật tông cho là chơn ngôn căn bản của bí mật Liên Hoa Bộ, cũng chính là ngôn giáo chơn thật của Liên Hoa Bộ Quan Thế Âm Bồ Tát, nhân thế gọi là sáu chữ chơn ngôn, là Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát chú, tượng trưng cho từ bi và gia trì của tất cả Bồ Tát. Niệm tụng chú này là đặc biệt cung thỉnh Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát gia trì, nhân vì chú này là Bổn tâm vi diệu Quan Thế Âm Bồ Tát, nội dung phong phú, sâu xa vô cùng, cao tột, ẩn chứa năng lực của vũ trụ nhơn sinh, đại trí tuệ, đại từ bi, thường trì tụng sáu chữ chơn ngôn này thì tiêu trừ bệnh khổ, hình phạt, những hoạnh tử, kéo dài mạng sống, tài lộc dồi dào, được lợi ích lớn.
Chùa chiền tạng truyền Phật giáo thường thấy khắc sáu chữ chơn ngôn “Án Ma Ni Bát Di Hồng” này vào trong ống chuyển kinh, tăng sĩ, tín đồ tay cầm ống chuyển kinh xoay vòng tròn, miệng thì đọc sáu chữ chơn ngôn. Người tin theo tu tập rất nhiều, sức ảnh hưởng rất lớn.
Nhìn chung, tín ngưỡng Quan Âm tại Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á, cho đến các nơi trên thế giới đều biết đến. Bởi vì Ngài tiêu biểu cho tinh thần Đại Từ Đại Bi, cứu khổ cứu nạn. Tinh thần ấy đã trở thành văn hóa của nhân loại và đi sâu vào văn chương, thi phú. Nếu như mọi người đều học theo tinh thần bình đẳng, ban vui cứu khổ cứu nạn đại từ đại bi của Ngài, thì tự nhiên tâm thù hận tiêu tan, chấm dứt đấu tranh, tạo nên một cuộc sống lý tưởng, thế giới hòa bình, an vui hạnh phúc.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm